CÁC BIỂU HIỆN CHỦ YẾU CỦA VIỆC TRUNG QUỐC HÓA PHẬT GIÁO
CÁC BIỂU HIỆN CHỦ YẾU
CỦA VIỆC TRUNG QUỐC HÓA PHẬT GIÁO
Giáo sư HỒNG TU BÌNH (Trung Quốc)*
NGUYỄN HẢI HOÀNH biên dịch
Lời người dịch:
Phật giáo đầu tiên được các tăng sĩ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, nhưng về sau, do những nguyên nhân lịch sử (ví dụ Phật giáo bị biến mất khỏi Ấn Độ, chủ yếu tồn tại và phát triển mạnh tại Trung Quốc v.v...), quá trình phát triển Phật giáo ở Việt Nam chủ yếu chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Có thể thấy điều đó qua sự việc kinh sách Phật giáo Việt Nam dùng đều là kinh chữ Hán, từ thế kỷ XX xuất hiện một số kinh tiếng Việt nhưng cũng đều dịch từ bản chữ Hán du nhập từ Trung Quốc. Phật giáo Trung Quốc không hoàn toàn như Phật giáo Ấn Độ mà đã có những biến đổi do chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống ở nước này, tức bị Trung Quốc hóa. Bởi vậy người Việt Nam cần tìm hiểu về vấn đề Trung Quốc hóa Phật giáo.
Trước khi truyền vào Trung Quốc, Phật giáo đã có lịch sử phát triển mấy trăm năm ở Ấn Độ. Cùng với sự triển khai Phật giáo ở Ấn Độ, tư tưởng Phật học cũng trải qua những biến đổi có tính giai đoạn, từ Phật học nguyên thủy, Phật học bộ phái, rồi đến Phật học Đại thừa, cuối cùng xuất hiện tư tưởng Mật giáo hòa nhập với Ấn Độ giáo. Phật học ở các thời đại khác nhau thì có những đặc điểm khác nhau và đều ảnh hưởng nhất định tới Phật học Trung Quốc, nhất là Phật học Đại thừa, trở thành cơ sở tư tưởng của lý luận Phật học hai vùng Hán, Tạng. Sau khi truyền vào Trung Quốc, một vùng đất bao la có nhiều dân tộc, Phật giáo đã chịu ảnh hưởng của các truyền thống văn hóa khác nhau và các tập tục khác nhau, dần dần hình thành ba hệ lớn là Phật giáo Hán địa, Phật giáo Tạng truyền và Phật giáo Thượng tọa bộ Vân Nam. Cả ba hệ này đều là sản phẩm của quá trình Trung Quốc hóa Phật giáo Ấn Độ và đều có đặc sắc văn hóa dân tộc Trung Quốc.
Phật học Trung Quốc là sản phẩm của tiến trình Trung Quốc hóa Phật học Ấn Độ. Từ khi truyền vào Trung Quốc, Phật học Ấn Độ đã không ngừng điều chỉnh bản thân, phát triển bản thân thậm chí thay đổi bản thân để thích ứng với nhu cầu của xã hội, văn hóa Trung Quốc. Sau cùng, trong sự điều hòa lẫn nhau với xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa Trung Quốc, nó diễn biến thành “Phật học Trung Quốc hóa” có đặc sắc Trung Quốc và thể hiện được bộ mặt tinh thần và đặc điểm lý luận của truyền thống dân tộc Trung Hoa. Loại Phật học Trung Quốc hóa này vừa không phải là sự sao chép bắt chước, cũng không phải là sự đi ngược lại tinh thần cơ bản của Phật học Ấn Độ. Trên cơ sở lập trường cơ bản, quan điểm và phương pháp của Phật giáo, trong quá trình nghiên cứu thảo luận và giải quyết các vấn đề xã hội, nhân sinh của Trung Quốc, nó đã hấp thu nội dung và phương pháp tư tưởng truyền thống Trung Quốc. Phật học Ấn Độ đã phát triển, đổi mới trong quá trình thích ứng với nhu cầu của Trung Quốc; nó là Phật học được thể hiện bằng ngôn ngữ và phương thức Trung Quốc hóa.
Xét về mối quan hệ giữa Phật học với văn hóa Hán, sự việc Trung Quốc hóa Phật học Ấn Độ đại để có thể khái quát thành ba mặt: Phương thuật linh thần hóa, Nho học hóa, và Lão Trang Huyền học hóa. Ba mặt này tuy có liên hệ với nhau, cùng tồn tại, cùng tiến lên, nhưng trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, với các nhân vật khác nhau, hệ tư tưởng khác nhau thì lại có những mặt nặng nhẹ khác nhau. Chúng thúc đẩy sự triển khai toàn diện và đi sâu quá trình Trung Quốc hóa Phật học.
Phương thuật linh thần hóa Phật học chủ yếu thông qua sự dựa bám vào Hoàng lão Thần tiên phương thuật và sự dung hợp các quan niệm linh hồn bất tử, sùng bái quỷ thần, từ đó xóa bỏ khoảng cách giữa Phật giáo Ấn Độ với quan niệm tôn giáo truyền thống Trung Quốc, mở ra cánh cửa cho quảng đại nhân dân tiếp thu Phật giáo.
Nho học hóa Phật học đã tiến thêm một bước tạo điều kiện cho tập đoàn thống trị và tầng lớp quý tộc thượng tầng cũng như các nhân sĩ văn hóa tiếp thu Phật giáo. Đó là do Nho học là dòng chính của văn hóa Trung Quốc, cũng là hình thái ý thức tư tưởng chiếm địa vị chủ đạo lâu dài trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Qua sự thỏa hiệp và điều hòa với luân lý danh giáo Nho gia, thông qua sự dung hợp hấp thu tinh thần nhân văn và học thuyết tâm tính của Nho gia, Phật học không những nối thông mối liên hệ giữa Thế gian pháp với Xuất thế gian pháp, mà còn đặt nền móng cho sự hình thành học thuyết phẩm cách luân lý xã hội và học thuyết tâm tính của Phật giáo Trung Quốc.
Lão Trang Huyền học hóa Phật học biểu hiện ở chỗ Phật giáo Trung Quốc mượn huyền tư trừu tượng của Đạo gia Lão Trang và khái niệm danh tướng của huyền học Ngụy Tấn để xiển phát lý luận Phật giáo, cùng với việc giúp Phật học không ngừng đi sâu dung hợp với triết học tư biện của Trung Quốc, còn đồng thời làm cho Phật học từng bước đi lên vũ đài tư tưởng học thuật Trung Quốc. Đáng chú ý là thông qua sự gặp gỡ nối thông với lý luận nhân sinh của Đạo gia mà ươm trồng tinh thần tiêu diêu “tự tại giải thoát”, Phật học đã giành được sự coi trọng của nhiều sĩ đại phu, văn nhân, tới mức sau đời Đường, việc sĩ đại phu xuất nhập Phật Lão trở thành hiện tượng văn hóa tương đối phổ biến.
Chính là thông qua các kênh và phương thức khác nhau mà Phật học Ấn Độ dần dần đi vào văn hóa Trung Quốc và trong các giai đoạn lịch sử khác nhau đã thể hiện các đặc sắc Trung Quốc hóa khác nhau.
Nhìn tổng quát lịch sử thì tiến trình Trung Quốc hóa Phật học tại vùng Hán tộc có thể chia làm ba giai đoạn quan trọng.
Giai đoạn thứ nhất là từ lúc Phật giáo sơ truyền cho đến thời kỳ Lưỡng Tấn. Phật học giai đoạn này chủ yếu dựa bám vào tư tưởng truyền thống và từng bước phát triển trong sự giao tiếp với văn hóa tư tưởng truyền thống. Nói cụ thể, Phật học đời Hán chủ yếu dựa vào phương thuật thần tiên, đời Ngụy Tấn thì chủ yếu dựa Huyền học. Sự xuất hiện “Lục gia thất tông” của học phái Bát Nhã Phật giáo là kết quả của ảnh hưởng từ huyền học, cũng là sự thăm dò của Phật học muốn thoát khỏi sự dựa dẫm huyền học để xây dựng hệ tư tưởng của riêng mình. Cưu Ma La Thập đến Trung Quốc dịch nhiều kinh luận Phật giáo làm cho ý đồ đó trở thành khả năng. Tăng Triệu trên cơ sở phê phán Huyền Phật hợp lưu đã tạo dựng được hệ thống Phật học Trung Quốc hóa khá hoàn chỉnh, đánh dấu sự chấm dứt hợp lưu Huyền Phật thời Ngụy Tấn, và mở đầu cho tiến trình Phật học Trung Quốc hóa tự trở thành hệ thống và phát triển tương đối độc lập, thúc đẩy tiến trình Trung Quốc hóa Phật học chuyển sang một giai đoạn mới.
Giai đoạn thứ hai của tiến trình Trung Quốc hóa Phật học là từ Nam Bắc triều đến thời kỳ Ngũ Đại Tùy Đường, Phật học Trung Quốc hóa đi lên con đường phát triển tương đối độc lập, thể hiện cục diện hưng thịnh cao. Tình trạng các học phái Phật giáo Nam Bắc triều mọc lên như nấm và sự phát triển kinh tế chùa chiền đã tạo dựng cơ sở lý luận và kinh tế cho sự sáng lập tông phái Phật giáo Tùy Đường. Sự xuất hiện các hệ thống Phật học Trung Quốc hóa thời kỳ Tùy Đường như Thiên Đài, Hoa Nghiêm và Thiền Tông đánh dấu việc cơ bản hoàn tất tiến trình Trung Quốc hóa Phật học.
Sau khi nhập Tống [nguyên văn viết là nhân Tống, theo người dịch có lẽ là đánh máy nhầm chữ nhập thành chữ nhân], quá trình đó tiến sang giai đoạn thứ ba. Thời kỳ này, Phật học Trung Quốc hóa tiếp tục phát triển theo hướng từ thịnh đến suy, thể hiện nhiều đặc điểm mới khác với quá khứ. Một mặt Phật học từng bước dần dần thẩm thấu vào các phương diện của văn hóa tư tưởng Trung Quốc, trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa tư tưởng truyền thống; mặt khác, cùng với việc tinh hoa lý luận tự thân dần dần bị Lý học Tống Minh hấp thu mà Phật học ít có sáng tạo mới, rơi vào tình trạng trì trệ. Do Thiền tông và Tịnh độ tông tương đối thịnh hành, trên mặt Phật học cũng thể hiện xu thế Giáo Thiền hợp nhất và Thiền Tịnh dung hợp. Thời kỳ Minh Thanh, sự hưng khởi Phật học Cư sĩ và sự xuất hiện các đoàn thể nghiên cứu Phật học đã đặt nền móng cho sự phục hưng Phật học Trung Quốc cận đại. Hiện thực xã hội Trung Quốc cận đại tạo ra thời cơ quan trọng cho sự phục hưng Phật học, đặc biệt là tư tưởng “Phật giáo Nhân gian” xuất hiện đã tiếp sức sống mới cho sự phát triển Phật học cận - hiện đại.
Ở đây cần chỉ ra một điểm: quá trình Trung Quốc hóa Phật học là quá trình tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa Phật học với tư tưởng truyền thống Trung Quốc. Trong quá trình va chạm và xung đột văn hóa Trung Quốc - Ấn Độ, một mặt Phật học chủ động dựa vào và thích ứng với văn hóa tư tưởng truyền thống và tích cực dung hợp hấp thu nó, thậm chí có lúc không ngần ngại cải biến một số đặc tính hoặc diện mạo của mình để thích ứng nhu cầu của môi trường văn hóa xã hội Trung Quốc; mặt khác, bằng hình thức và nội dung độc đáo, nó lại tiếp thêm sức sống mới vào văn hóa tư tưởng truyền thống Trung Quốc, bổ sung và làm phong phú văn hóa tư tưởng truyền thống Trung Quốc. Dưới ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Quốc, Phật học ngoại nhập đã không ngừng biến đổi để thích ứng với nhu cầu của xã hội nước này. Hai mặt đó liên hệ chặt chẽ với nhau, đan xen lẫn nhau, làm nên quá trình tác động tương hỗ hai chiều về văn hóa.
Nguồn: 佛教的中国化主要体现在哪些方面?
Trung Quốc hóa Phật học chủ yếu thể hiện trên những mặt nào? http://www.foyuan.net
(*) Giáo sư Hồng Tu Bình (Hong Xiuping, 洪修平), Tiến sĩ triết học, hiện là Giám đốc Thư viện Đại học Nam Kinh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Triết học và Tôn giáo Trung Quốc, người được hưởng “Phụ cấp đặc biệt của chính phủ Trung Quốc”.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết