CÁC CHÚA NGUYỄN VỚI PHẬT GIÁO XỨ HUẾ
LÊ ĐỨC HẠNH*
Từ xưa tới nay, khi nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều nhận thấy Phật giáo ở Huế luôn giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo ở Huế đã ghi nhận công đóng góp của các chúa Nguyễn trong quá trình mở mang bờ cõi phía Nam của nước Việt.
Từ giữa thế kỷ 17, không những ở nước Đại Việt mà còn ở Trung Quốc, là thời loạn lạc triền miên. Ở Trung Quốc, nhà Thanh chiếm cứ đánh đuổi nhà Minh. Vua Thanh Thái Tổ diệt được nhà Minh và lên ngôi năm 1644. Từ đó, những phong trào phò Minh diệt Thanh xảy ra khắp nơi. Đấy là vào thời dân Tàu thờ nhà Minh tràn qua lánh nạn nhà Thanh ở Đại Việt ta, sinh ra lượt sóng di dân từ miền nam Trung Quốc sang. Cũng vào thời đó, chính là lúc Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn tìm cách củng cố đế nghiệp để chống chọi với Trịnh ở phương Bắc. Các chúa Nguyễn ngoài việc lo chống cự với phương Bắc, nhưng đồng thời cũng lo bành trướng thế lực vào phương Nam. Thế nên, các chúa Nguyễn đã rất khôn khéo trong việc sử dụng nguồn nhân lực và tài lực từ ngoài vào. Các chúa đã sử dụng các người gốc nhà Minh này để khai khẩn và sử dụng như những đạo tiền quân, vừa khai khẩn vừa chống chọi với Chân Lạp. Do đó, sự thông thương giữa Trung Quốc và Đại Việt vào thời bấy giờ đã trở nên cấp bách và cần thiết, dù rằng đường bộ gặp sự cách trở vì thế lực của Trịnh và Lê ở Đàng Ngoài. Nhưng vì thế mà cảng Hội An đã trở thành một thương cảng quốc tế tấp nập để thông thương bằng đường biển với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương, Ấn Độ v.v. Thế lực của các chúa Trịnh đã làm lu mờ vai trò của vua Lê đối với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nho giáo không còn đủ sức cứu giúp nhà Lê. Nho giáo suy đồi, nên nhu cầu Phật giáo càng ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh luồng sóng thông thương từ Trung Quốc và Nhật Bản vào Đại Việt, Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) cũng theo vết chân di dân đó bành trướng đến miền Trung nước Đại Việt.
Lịch sử ghi lại, năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Khi đó, dân Thuận Hóa gồm có hai lớp là những người theo Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp và những người đã từng sinh sống ở đây từ thời Trần, Hồ, Lê. Những cư dân này là những người xứ Thanh, Nghệ, một số người Chăm đã Việt hóa, một số người Hoa - Việt... Do vậy mà, cư dân Thuận Hóa khi đó về cơ bản vẫn giữ những phong tục tập quán của người Việt từ miền Bắc vào. Về mặt tư tưởng, người dân Thuận Hóa khi đó sống với triết lý dung hợp tam giáo: Thích - Khổng - Lão cùng với những tín ngưỡng dân gian vốn có. Tuy nhiên, những nghiên cứu về mặt lịch sử tư tưởng cho thấy, tư tưởng Phật giáo có phần trội hơn. Nguyễn Hoàng là một con người có tài, có đức và có trí nên khi vào trấn thủ Thuận Hóa, ông đã biết hỗ trợ cho Phật giáo phát triển để thu phục sự ủng hộ của dân chúng. Nguyễn Hoàng nhận thấy dân Thuận Hóa tin vào Phật giáo hơn các tín ngưỡng khác nên ông đã ái mộ đạo Phật, lấy đó làm tư tưởng để phát triển. Tiêu biểu cho những hoạt động ủng hộ Phật giáo của Nguyễn Hoàng là việc cho xây dựng chùa Thiên Mụ và chùa Sùng Hóa. Nguyễn Hoàng cũng chính là người cho tổ chức Đại lễ Phật đản tại chùa Sùng Hóa (làng Triêm Ân) vào năm Quý Mão (1603). Những việc làm đó đã giúp cho Nguyễn Hoàng thu phục được lòng dân như Bảng trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm đã chép: “.. bề tôi thán phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến viếng thăm, thiên hạ xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời thái bình”[1]. Rõ ràng, việc làm của Nguyễn Hoàng có mang sắc thái chính trị, nhưng lại có tính đặc thù riêng mang lại những ảnh hưởng lâu dài trong cư dân Thuận Hóa. Vào thời điểm đó, chùa Thiên Mụ được xây dựng trên chùa Hà Khê theo truyền thuyết về lời sấm của một người đàn bà để lại đã mang ý nghĩa chính trị và tôn giáo. Chùa Sùng Hóa với vai trò là nơi tổ chức Đại lễ Phật đản như là một ngày hội đại pháp đã giúp cho Nguyễn Hoàng trở thành vị chân chúa trong con mắt của cư dân Thuận Hóa khi đó.
Nguyễn Hoàng mất, con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp, được gọi là chúa Sãi. Nguyễn Phúc Nguyên nâng cao địa vị chùa Thiên Mụ qua việc biến chùa thành nơi thờ cha mẹ tổ tiên mình. Dưới thời Nguyễn Phúc Nguyên, người ta nhắc nhiều đến một thiên tài chính trị, quân sự đồng thời là một Phật tử thuần thành - Đào Duy Từ (1572 - 1634). Đào Duy Từ chính là người đầu tiên sáng tác những điệu khúc múa ca Phật giáo, tạo nền tảng cho lễ nhạc Phật giáo ở Huế mà các thế hệ ngày nay được biết. Qua tác phẩm Tư Dung Vãn của Đào Duy Từ có thể thấy Phật giáo xứ Thuận Hóa lúc đó không những chỉ có cảnh chùa trang nghiêm, các vị thiền sư đức độ mà người dân thuần thành với những hội làng, những lễ hội Phật giáo tưng bừng, rộn rã[2].
Nguyễn Phúc Nguyên mất, con trai thứ hai là Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) lên nối ngôi. Khác với hai đời chúa trước, Nguyễn Phúc Lan có thiên hướng tín ngưỡng Phật giáo thực sự, do vậy Phật giáo Thuận Hóa có điều kiện phát triển hơn. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan người ta đã thấy xuất hiện các thiền sư Trung Quốc (như Viên Cảnh, Viên Khoan) đến truyền giáo ở Thuận Hóa. Phật giáo Trung Quốc đã bắt đầu có ảnh hưởng đến Phật giáo Thuận Hóa. Thời này, Phật giáo Thuận Hóa đã xuất hiện một thiền sư nổi tiếng là Minh Châu Hương Hải.
Sau khi Nguyễn Phúc Lan băng hà, Nguyễn Phúc Tần kế nghiệp hiệu là Hiền Vương (1648 - 1687). Dưới sự trị vì của Hiền Vương, Phật giáo Thuận Hóa đã phát triển mạnh mẽ nhờ những đợt hoằng hóa tiếp sức của các thiền sư Trung Quốc và cả các thiền sư Việt Nam. Nguyễn Phúc Tần đã có nhiều động thái đối với hoạt động của Phật giáo như tu sửa chùa Thiên Mụ (năm 1665), chùa Hà Trung, chùa Kim Long, dựng chùa Hòa Vinh (năm 1666)[3]. Bên cạnh đó các chùa làng cũng được làm thêm nhiều như chùa Thanh Phước, chùa Thủ Lễ, chùa La Chữ. Dưới thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, lịch sử ghi lại sự xuất hiện của các chư Tổ từ Trung Hoa sang cắm tích trượng lập thảo am để hoằng pháp trên các dãy núi phía Nam sông Hương. Tiêu biểu cho sự kiện này là sự ra đời của chùa Vĩnh Ân (tức chùa Quốc Ân) do chính Nguyễn Phúc Tần cấp đất cho Tổ Nguyên Thiều khai sơn ở Phú Xuân. Đây cũng chính là sự manh nha đầu tiên của phái Thiên Lâm Tế thứ nhất ở Phú Xuân.
Nguyễn Phúc Thái lên thay Nguyễn Phúc Tần, gọi là Ngãi Vương trị vì từ 1687 đến năm 1691. Trong 4 năm trị vì này, Nguyễn Phúc Thái nổi bật với sự kiện dời chính dinh từ Kim Long về Phú Xuân năm 1687, là trung tâm cõi Hóa châu. Nguyễn Phúc Thái được cho là người có nhiệt tâm với đạo Phật. Ông là người đã phát triển Phật giáo Thuận Hóa và văn hóa Phú Xuân mạnh mẽ. Dưới thời Nguyễn Phúc Thái, chùa Thuận An được xây dựng, mặc dù không còn dấu tích. Chúa Phúc Thái cũng là người phái thiền sư Nguyên Thiều trở về Trung Quốc cầu cao Tăng.
Sau khi Nguyễn Phúc Thái mất, con là Nguyễn Phúc Chu lên nối nghiệp, trị vì từ năm 1691 đến năm 1725. Chúa Nguyễn Phúc Chu là vị vua tuổi trẻ, tài ba nhưng lại có lòng tu Phật, mong đem tâm Phật mà trị nước, quy y đầu Phật với sư. Trong Bài Tựa sách Hải ngoại kỷ sự, chúa Nguyễn Phúc Chu viết: “… Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Châu (Chu) thọ Bồ Tát Giới-đệ-tử, Pháp danh Hưng Long, kính lễ viết tại Tĩnh danh phương trượng ở Tây ung Giác vương Nội viện”[4]. Những sự kiện Phật giáo tiêu biểu dưới thời Nguyễn Phúc Chu là: mời được Thạch Liêm Hòa thượng[5] sang Thuận Hóa mở giới đàn tại chùa Thiền Lâm, truyền giới cho hơn 4.000 giới tử; năm 1695 cả hoàng gia nội phủ đều quy Phật giáo và năm 1714 cho làm lại chùa Thiên Mụ, đúc đại hồng chung, dựng bia đá[6]. Chính Nguyễn Phúc Chu là người đã viết bia, làm thơ ca tụng chùa Thiên Mụ. Sách Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 8, trang 17) chép việc trùng tu chùa Thiên Mụ vào năm 1714 có ghi: “… sai người qua Tàu mua Kinh, Luật và Luận hơn 1.000 quyển…”. Đây cũng là kết quả rõ ràng nhất về việc Phật giáo Đại thừa bành trướng vào Đàng Trong, sau khi Thích Đại Sán được mời đến Thuận Hóa và tạm trú một thời gian ở chùa Thiên Mụ. Thích Đại Sán là người nổi tiếng trong giới Phật giáo, được tôn sư và được phụng thờ ở chùa Thiên Mụ. Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có công lớn trong công việc đại trùng tu chùa Thiên Mụ, dựng bia, đúc chuông lớn, còn lưu truyền cho đến ngày nay. Theo sách Đại Nam nhất thống chí quyển Kinh Sư, phần Tự Quán chép rằng: “…Chùa Thiên Mụ ở ngoài kinh thành, trên gò núi xã An Ninh (bây giờ thuộc làng Xuân Hoà), nguyên trước có chùa Phật. Gia Long năm thứ 14 xây lại… Nay xét bản triều Thái Tổ Hoàng Đế (tức chúa Tiên Nguyễn Hoàng) Tân Sửu năm thứ 44 (tức năm 1601) xa giá đến viếng Hà Khê, thấy giữa đồng bằng nổi một gò đất cao như hình đầu rồng quay lại, nhìn thẳng ra sông, phía sau có hồ, cảnh trí đẹp đẽ, nhân hỏi chuyện, người địa phương bảo rằng:… gò này linh thiêng, tương truyền ngày xưa ban đêm có người trông thấy một vị tiên bà mặc áo đỏ quần lục ngồi trên gò nói rằng: “Sau này sẽ có vị chân chúa đến sửa lại chùa này, tụ linh khí để giữ long mạch cho được bền vững”, nói xong biến mất, nhân đó đặt tên là Thiên Mụ Tự… Thái Tông Hoàng Đế (tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) Ất Tỵ năm thứ 17 (1665) sửa chữa lại, Hiển Tông Hoàng Đế Canh Dần năm thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ năm thứ 23 (1714) trùng tu chùa…”.
Về mối quan hệ giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và Thạch Liêm Hòa thượng sử sách đã ghi chép khá rõ, gắn với tên tuổi của danh lam cổ tự Thiên Mụ cũng như tư liệu nổi tiếng Hải ngoại kỷ sự do chính Thạch Liêm (Thích Đại Sán) soạn. Tác giả Nguyễn Hiển Vinh[7] đã khảo cứu khá chi tiết quan hệ giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và Thích Đại Sán như sau: Chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi năm 1691, trẻ tuổi, tài ba xông xáo ra Bắc vào Nam, mở mang bờ cõi nhưng cũng rất tôn sùng đạo Phật. Do vậy chuyện mời sư học đạo cũng là chuyện tất nhiên. Chúa Nguyễn Phúc Chu nhân lúc sư Đại Sán còn ở Đại Việt đã quy y học đạo, tôn sư làm thầy. Nhân duyên này đã khiến chúa cho trùng tu lại chùa Thiên Mụ trong tinh thần nhớ ơn vị thầy mà mình đã quy y. Chúa đã cho khắc vào bia[8] những dòng chữ trịnh trọng như sau: “… Nhớ lại năm xưa, mời được Đường đầu đại sư, tên chữ là Đại Sán, hiệu Thạch Liêm. Ngài là bậc thầy, nguyện lực thâm sâu, lòng thương rộng lớn, y báo chánh báo vô biên, đạo thấu ba thừa, tu có tông chỉ như cây có gốc, nước có nguồn. Ngài được truyền tâm ấn ở đất Chiết Tây Trung Quốc…”. Và những hàng chữ nhớ thương vô vàn: “… Thầy ta đã đi rồi, ta cứ hoài thương nhớ vị cao tăng, đã từng chống gậy vượt qua núi non, quan ải, dùng thuyền chở đạo, vượt biển, băng suối đi đến trời Nam, đem câu kinh kệ tuyệt diệu để ca tụng đạo mầu…”. Qua đó cho thấy mối liên hệ giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và Hòa thượng Thích Đại Sán khá mật thiết.
Đại Nam liệt truyện tiền biên (q. 6, trang 24) còn ghi lại thi văn của sư, sau khi sư đã trở về lại Quảng Đông, gửi cho chúa để tỏ lòng thương nhớ. Những bài thi văn này trích trong hai tập sách của sư là Hải ngoại kỷ sự và Ly Lục Đường thi tập vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay. Theo Tổng mục đề yếu Tứ Khố Toàn Thư (四庫全書) (tập hợp sách sử của vua Càn Long, hoàn thành năm 1782) (11), loại địa lý, mục 7 chép rằng: “Hải ngoại kỷ sự gồm 6 quyển do quốc triều Thích Đại Sán biên soạn. Tuần Phủ Chiết Giang tìm thấy đem dâng: “… Đại Sán là sư chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng Đông. Mùa xuân năm Ất Hợi triều đại Khang Hy, Đại Việt Quốc Vương mời qua thuyết pháp, hơn một năm lại trở về. Sách chép những điều tai nghe mắt thấy, phong tục tập quán nước ấy. Tiên vương của nước Đại Việt là rể của nước An Nam (chỉ Nguyễn Hoàng), chia cứ miền nam, xưng hiệu là Đại Việt. Đầu sách có bài tựa của Nguyễn Phúc Chu, dưới cuối đề tháng 5 năm Bính Tý, tức là Khang Hy năm thứ 35 vậy…”. Chính nhờ hai cuốn sách này, nhất là cuốn Hải ngoại kỷ sự, chúng ta biết được một ít về con người và khúc phim lịch sử về cuộc hành trình của sư Đại Sán qua Thuận Hóa cùng mối liên hệ của sư đối với chúa Nguyễn Phúc Chu. Trong bài Tựa do Nguyễn Phúc Chu đề trên sách Hải ngoại kỷ sự thì: “… Ta khi còn làm Thái tử vẫn thường hay ngưỡng mộ thầy ta ở chùa Trường Thọ. Vua cha ta lúc trước đã gửi thư hai lần mời mà không được. Mùa thu năm Giáp Tuất ta muốn thọ Bồ Tát Giới nên nối chí vua cha, ta đưa người qua rước, may được Hòa thượng nhận lời mời…”. Trong Hải ngoại kỷ sự quyển một, cũng có ghi hàng chữ như sau: “… Ngày mùng 4 tháng 8 năm Giáp Tuất, người nhà gõ cửa tin cho biết có khách là sứ giả nước Đại Việt đến. Sứ giả người tỉnh Phúc Kiến, tay nâng phong thư giấy vàng cung kính, sụp lạy dâng lên cùng với các lễ vật… thưa rằng “Đại Việt Quốc Vương từ lâu ngưỡng mộ Hòa thượng… Kể từ tiên vương (tức Nghĩa vương) đã có thư mời, đến nay nữa là ba lần cả thảy. Mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy…”. Thích Đại Sán từ Hoàng Phố, tỉnh Quảng Đông, đáp thuyền buôn đi Hội An vào tháng giêng năm Ất Hợi (Khang Hy thứ 34, tức ngày 27 tháng 2 năm 1695), khoảng hơn hai tuần lễ lênh đênh trên biển, thuyền đến Cù Lao Chàm ngoài cửa biển Hội An, rồi chuyển sang chiến thuyền của chúa Nguyễn Phúc Chu, đi thẳng vào đất Thuận Hóa vào ngày 29 tháng 1 năm Ất Hợi (ngày 13 tháng 3 năm 1695), ngụ tại chùa Thiền Lâm, Huế và làm quốc khách của chúa Phúc Chu. Đến ngày 28 tháng 6 năm đó (ngày 7 tháng 8 năm 1695) Thích Đại Sán vào Hội An chuẩn bị đáp thuyền buôn trở về Quảng Đông, song bị bệnh nên phải lưu lại. Chúa Nguyễn Phúc Chu nghe tin bèn khẩn mời Thích Đại Sán từ Hội An trở lại Thuận Hóa, tạm trú tại chùa Thiên Mụ từ ngày 16 tháng 10 (ngày 22 tháng 11 năm 1695) để dưỡng bệnh và hoằng pháp cho tới hạ tuần tháng 6 năm sau (1696) mới trở về lại Quảng Đông. Trong suốt hơn một năm ở lại Thuận Hóa, hoạt động chính của Thích Đại Sán là triệu tập tăng chúng toàn quốc, mở ba pháp đàn truyền giáo là trọng yếu. Ngoài những hoạt động Phật pháp, điều giúp ích nhất cho chúa Nguyễn Phúc Chu là những chỉ vẽ, đề nghị liên quan đến việc trị nước trong những lần hai bên đàm đạo. Trong Hải ngoại kỷ sự viết về việc này như sau: “… Ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, làm thành bản điều trần “Lập Quốc Chính Ước” gồm 18 điều, đều là những chuyện thương lính, yêu dân, thông thương lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xong mừng rỡ, bảo Nội quan Chưởng Sự rằng “Pháp độ, dân tình nước ta đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão Hòa thượng đem phép lễ Trung Quốc chỉ dạy, liệt kể 18 điều, nên khắc yết lên cửa phủ, hiểu dụ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại rõ ràng. Hễ ai làm trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại cầm thẻ bài đến kêu. Bất kể là quân dân, hoàng thân quốc thích đều theo pháp luật mà trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy…”. Chúa Nguyễn Phúc Chu, đối với sư Đại Sán rất đổi kính trọng và dốc lòng học hỏi. Thích Đại Sán, trên cương vị quốc khách luôn có lòng thành và kính nể chúa Nguyễn Phúc Chu. Trong bản điều trần trên, sư viết “… Người xưa bảo rằng “Kẻ ngu nghĩ ngàn điều cũng có một điều được”, tôi đã nhận lời mời của nhà vua đến đây, nếu biết mà không nói, ấy là phụ lòng vua, mà cũng tự phụ mình. Sau đây trích ra vài điều bày tỏ, tạm gọi là tỏ chút lòng thành…”. Thích Đại Sán gọi chúa Nguyễn Phúc Chu là Quốc Vương, Đại Vương, Vương v.v..., còn xưng nước ta là Đại Việt. Việc xưng hô này cũng là một điều rất hiếm xảy ra đối với nhân sĩ Trung Quốc lúc xưa, khi mà họ đang còn gọi các nước vùng ven biên Trung Quốc là Rợ, Di, Man v.v... Ảnh hưởng của sư đối với chúa Nguyễn Phúc Chu như thế nào, bài Tựa trong Hải ngoại kỷ sự, Nguyễn Phúc Chu viết “… Từ lúc đến vào mùa xuân năm Ất Hợi cho tới mùa hạ năm Bính Tý, được gần gũi cung dưỡng. Ngoài chuyện ngày đêm giảng dạy đạo lý, còn chỉ bảo cương kỷ luân thường. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ đều vạch lối chỉ đường, phân tích rõ ràng mạch lạc, khác nào dẫn dắt người từ nơi tối tăm ra nơi ánh sáng, giúp ích cho ta trong công việc chính cương trị nước biết chừng nào…”. Xem tổng quát những sự việc ghi chép trong sách Hải ngoại kỷ sự, chẳng những Thích Đại Sán được vua tôi, quan dân Thuận Hóa nhiệt liệt hoan nghênh, những lời nói trong những cuộc đàm đạo với chúa, với các quan đại thần, cho đến phong tục, tập quán, tình hình sinh hoạt của dân chúng, kiến trúc của vương phủ, những hoạt động luyện tập quân lính, sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên, khí hậu cay nghiệt, ngay đến cả tình trạng hoạt động của ngoại kiều (Hoa, Nhật), cũng như sự tấp nập của cảng Hội An thời đó, đều được ghi lại dẫu chỉ đôi nét chấm phá, nhưng cũng là tài liệu quý giúp hậu thế hiểu thêm về nếp sống một thời của ông cha.
Cũng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, lịch sử ghi lại cuộc tranh luận về Phật giáo do những Phật tử Việt Nam tiến hành với Hòa thượng Thạch Liêm. Trong Hải ngoại kỷ sự, Thạch Liêm có ghi một bài thơ của Nguyễn Hữu Hào (?-1713) viết ca ngợi Thạch Liêm cùng với lời bình của chính ông ta và lá thư trả lời của Nguyễn Hữu Hào, liên quan đến cụm từ đèn Bát-nhã và nước Ma-ha: Bài thơ này, Thạch Liêm nhận định chữ Ma-ha không thể đối với chữ Bát-nhã được. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Hào đứng về truyền thống học thuật Phật giáo Việt Nam, đã xác định đó là một vế đối chỉnh. Rõ ràng, Phật giáo Thuận Hóa cho đến thế kỷ 17 vẫn mang đậm sắc thái của học thuật Phật giáo Việt Nam do những triều đại trước để lại. Dù đôi khi những chia sẻ này đối với con mắt chúng ta hôm nay trông có vẻ ngây thơ. Cũng cần nhớ rằng Nguyễn Hữu Hào là con của danh tướng Nguyễn Hữu Dật mà khi chết được dân Quảng Bình tôn làm Bồ tát.
Tín ngưỡng Phật giáo Huế thời này đã phát triển rất mạnh,“chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn”[9]. Chư Thiền tổ từ Trung Hoa sang cũng đông đảo. Cả miền núi ở mạn Nam sông Hương đều có thảo am. Đặc biệt là chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã tôn Thiền sư Quả Hoằng ở núi Tam Thai làm Quốc sư. Ông lại đặt tự hiệu là Thiên Túng Đạo nhân. Con ông là Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) đã theo truyền thống đó mà đặt tự hiệu cho mình là Vân Tuyền Đạo nhân. Đến cháu ông là Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cũng đặt tự hiệu là Từ Tế Đạo nhân. Cả ba vị chúa này đều là những Phật tử nhiệt thành. Nhất là họ còn để lại nhiều chứng tích Phật sự họ đã làm, như tổ chức giới đàn, ban biển hiệu chùa và độ Tăng.[10]
* * *
Như vậy, trải qua các đời chúa Nguyễn, Phật giáo Thuận Hóa vào cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 17I đã phát triển hưng thịnh. Nhiều danh lam cổ tự với nhiều Tăng lục sai phu “chùa Thuận An, chùa công Kim Long, chùa công Hà Trung, chùa công Quang Xuân, chùa công Thiên Mụ đều là những đại danh lam, chùa nào cũng có Tăng lục, sai phu”[11]. Bên cạnh đó các thảo am đã rất nhiều như Vĩnh Ân, Thiền Lâm, Báo Quốc, Từ Lâm, Ấn Tôn... Dưới thời các chúa Nguyễn cũng đã xuất hiện rất nhiều các chùa làng nổi tiếng như chùa Phú Ốc, chùa Diên Thọ, chùa Báo Sơn ở làng An Ninh, chùa Khánh Vân ở Lựu Bảo, chùa Quang Đức là làng An Vân hạ với bức biển chùa do Từ Tế Đạo Nhân ngự đề...
Rõ ràng rằng, với nhãn quan chính trị của những người đi mở cõi, các chúa Nguyễn đã biết dựa vào một hệ tư tưởng - tư tưởng Phật giáo để thu phục dân chúng, ổn định chế độ, phát triển kinh tế xã hội. Một tương quan lô-gích trong sự phát triển của xã hội, văn hóa với sự phát triển của Phật giáo, tạo tiền đề cho những phát triển sau này của Phật giáo Thuận Hóa nói riêng, góp phần vào sự phát triển chung trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam. Trong sự phát triển đó, lịch sử mãi ghi nhận công đóng góp của các chúa Nguyễn.
Hà Nội, tháng 5 năm 2011
* Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
[1] Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích dưới nhan đề Trịnh Nguyễn diễn chí, Tập 1, Sở VHTT Huế, 1986, tr. 118.
[2] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. TPHCM, 2001, tr. 89.
[3] Đại Nam thực lục tiền biên, Q. V (hạ). Bản tiếng Việt, tr.111. Viện Sử học, NXB. Sử học, H, 1962.
[4] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, UB phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963, tr.10.
[5] Hòa thượng Thích Đại Sán (釋大汕), hiệu Thạch Liêm (石濂和尚), theo sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (quyển 6, tờ 24) cho biết: “Thạch Liêm Hán Ông, người nhà Thanh, quê Chiết Giang. Thông minh đỉnh ngộ, tinh thông các môn chiêm tinh, luật tịch, lý số, thư pháp, hoạ vẻ, nhất là về môn thơ phú. Thời Minh mạt, nhà Thanh xâm chiếm Trung Quốc, Liêm giữ nghĩa không chịu làm tôi, bèn từ giã mẹ già, xuất gia đầu Phật, vân du khắp các nơi danh thắng…”.
[6] Sách Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 8, trang 17) chép việc trùng tu chùa Thiên Mụ vào năm 1714 có ghi “…Thời ấy Hòa thượng ở Chiết Tây tên Đại Sán hiệu Thạch Liêm đem thiền đạo đến yết kiến, được chúa yêu mến, khi ông về nước được chúa tặng nhiều gỗ quý đem xây cất chùa (Trường Thọ), nay còn di tích…”.
[7] Nguyễn Hiển Vinh, Hòa thượng Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu và chùa Thiên Mụ.
Nguồn: http://dotchuoinon.com, ngày 12/12/2010.
[8] “Bia chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu”, Thích Giới Hương dịch, Thích Trí Tựu cung cấp, 1994.
[9] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 46-50.
[10] Thích Hải Ấn... Sđd, tr. 99-100.
[11] Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I (Phủ biên tạp lục) - Đào Duy Anh hiệu đính, NXB. KHXH, H, 1977. tr. 113.
Bình luận bài viết