Thông tin

CÁC ĐẶC ĐIỂM VÀ SỰ QUỐC TẾ HÓA CỦA PHẬT GIÁO HÁN TRUYỀN

CÁC ĐẶC ĐIỂM VÀ SỰ QUỐC TẾ HÓA

CỦA PHẬT GIÁO HÁN TRUYỀN

 

HỌC THÀNH 
Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Quốc
NGUYỄN HẢI HOÀNH lược dịch

 


 

Phật giáo ra đời tại Ấn Độ sau đó truyền bá đi khắp nơi, đến nơi nào lại kết hợp với văn hóa nơi đó làm thành những nhánh Phật giáo khác nhau. Xét theo vị trí địa lý, Phật giáo chia làm nhiều nhánh: Một nhánh là Phật giáo Bắc truyền, tức Phật giáo từ miền Bắc Ấn Độ truyền đi các vùng khác. Một nhánh là Phật giáo Nam truyền tức Phật giáo từ miền Nam Ấn Độ truyền sang Sri Lanka rồi sang vùng Đông Nam Á.

Trong Phật giáo Bắc truyền có nhánh Phật giáo từ Ấn Độ qua Trung Á Tế Á truyền tới Trung Quốc, kết hợp với văn hóa Trung nguyên TQ làm thành Phật giáo Hán truyền (Chinese Buddhism), sau đó truyền sang bán đảo Triều Tiên, quần đảo Nhật Bản và Việt Nam (chủ yếu miền Bắc VN). Phật giáo Hán truyền chủ yếu là Phật giáo Đại Thừa.

Phật giáo Hán truyền tồn tại trên diện tích lãnh thổ cực rộng với số dân nhiều nhất thế giới, vì thế có quy mô rất lớn, hiện đang phát triển theo hướng quốc tế hóa. Gần đây, một số Phật tử người Hoa, người Việt Nam sống tại châu Âu đã và đang xây dựng các ngôi chùa tại nơi họ ở để làm đạo tràng và truyền bá Phật giáo trong xã hội châu Âu. Rõ ràng, Phật giáo Hán truyền đã bắt đầu được quốc tế hóa, trước hết ở châu Âu.

Dưới đây là tóm lược nội dung bài nói của Thiền sư Học Thành, Hội trưởng Hội Phật giáo TQ tại Hội thảo về vấn đề quốc tế hóa Phật giáo Hán truyền ngày 9/12/2015. Hội thảo này được tổ chức nhân dịp khánh thành ngôi chùa Long Tuyền Đại Bi tại thành phố Utrecht, Hà Lan. Đây là đạo tràng đầu tiên do Phật giáo Hán truyền đại lục TQ xây dựng ở châu Âu, dùng làm nơi truyền bá văn hóa Phật giáo, đào tạo tăng sĩ, tiến hành các hoạt động từ thiện công ích, tập hợp các Phật tử người Hoa và người châu Âu. Các ghi chú trong dấu ngoặc [ ] là của người dịch.

Thiền sư Học Thành cho rằng nói tới Phật giáo Hán truyền là nói tới các vấn đề cơ bản của Phật giáo. Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo Hán truyền là các khái niệm “Nghiệp quả”, “Luân hồi” và “Niết bàn”; thực ra đó cũng là giáo lý cơ bản của Phật giáo 3 ngữ hệ lớn [Pali ngữ, Hán ngữ, Tạng ngữ, là 3 ngôn ngữ lớn từng truyền bá Phật giáo vào TQ, hình thành PG hệ Hán ngữ, PG hệ Tạng ngữ và PG hệ Pali ngữ, tương ứng với PG Hán truyền, PG Tạng truyền và PG Nam truyền]. Trong Phật giáo Ấn Độ, Đức Thích Ca Mâu Ni sinh thời đặc biệt nhấn mạnh 3 khái niệm trên và quy kết vào chân lý tận cùng “Vô Ngã”. Toàn bộ kinh luận Phật giáo đều phải giải đáp câu hỏi này: Dùng cách nào để nhận thức “Vô Ngã” trong hiện tượng Luân hồi của sinh mệnh, chứng được Niết bàn? Nhưng Tiểu thừa và Đại thừa lại hiểu khác nhau về “Niết bàn”.

Phật giáo Tiểu Thừa cho rằng Niết bàn có hai loại: một loại là Hữu dư Niết bàn, một loại là Vô dư Niết bàn. Hữu dư Niết bàn là nói tuy chúng ta về tinh thần đã chứng được Niết bàn, nhưng hãy còn có Quả Báo Thân của kiếp cuối cùng, sau đó lại có Niết bàn. Vô dư Niết bàn là “Khôi thân diệt trí [đốt thân xác, diệt trí óc]”, cả đến thân xác cũng chẳng cần nữa, để cháy thành tro tàn, trở về không tịch vô vi.

Nhưng Niết bàn của Phật pháp Đại Thừa thì khác, là siêu việt Niết bàn và siêu việt sinh tử, đạt tới cảnh giới không hữu bình đẳng, trí bất trụ sinh tử, bi bất trụ Niết bàn. Vì Bồ Tát nhìn thấy có rất nhiều chúng sinh chịu khổ trong Lục đạo luân hồi, cho nên Ngài phát tâm cứu độ, tức là “Bi bất trụ Niết bàn”. Đồng thời, Ngài lại nhìn thấy bản chất của luân hồi thế gian là Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, cho nên Ngài không chấp trước cái thế gian đó, “Trí bất trụ sinh tử”. Trí bi song vận, không hữu bất nhị.

Vì thế mà nói Tam Pháp Ấn trong Phật giáo - Chư hành vô thường, Chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tịnh - là sự khái quát bản chất cuộc nhân sinh trên thế giới và niềm hứng thú cuối cùng của sự tu hành Phật giáo, cũng tức là tư tưởng cốt lõi nhất của Phật giáo.

Sau đây, ta hãy xem xét Phật giáo Hán truyền từ ba phương diện.

Phương diện thứ nhất: Phật giáo Hán truyền có đặc điểm rõ ràng bản thổ hóa và có hệ thống giáo chứng sâu rộng

Không ít người phương Tây đơn giản coi Phật giáo Hán truyền là “Thiền tu”. Thực ra trong 2.000 năm sau khi từ Ấn Độ truyền vào TQ, Phật giáo Hán truyền đã không ngừng hòa hợp với văn hóa bản thổ TQ, hình thành hệ thống tư tưởng Phật pháp Đại Thừa phong phú, hoàn bị, có chế độ tổ chức đặc biệt, và từ đó triển khai nhiều Pháp môn tu chứng có thể chế nghiêm cẩn, nội dung sâu rộng, đáng để chúng ta nhận thức một cách sâu rộng toàn diện. Cụ thể có ba tiêu chí chủ yếu:

Tiêu chí thứ nhất: Hình thành Thanh quy Phật giáo Hán truyền. Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, trên cơ sở truyền thống khất thực vốn có từ xưa của xã hội thời đó, người xuất gia Phật giáo không có chỗ ở cố định, hoặc sống ở đền miếu, nhà mồ, hoặc ngồi thiền dưới gốc cây, hàng ngày mang bát đi tới các thôn xóm xin ăn [khất thực]. Sau khi Phật giáo truyền vào TQ, cách xin ăn này không thích hợp với tập tục văn hóa xã hội TQ, vì thế người xuất gia TQ bèn tuân thủ nguyên tắc “Tùy phương tì ni” [giới luật thích hợp với hoàn cảnh cụ thể] trong giới luật, sáng lập ra Tùng lâm [chùa lớn], đạo tràng an cư, vừa tu hành vừa làm ruộng, dựa vào sức mình để sinh sống [tự lực cánh sinh], phát triển nhà chùa thành nơi tu hành đạo Phật, truyền thừa văn hóa, có lợi cho xã hội. Do sự thay đổi hình thái sinh tồn này của Phật giáo Hán truyền mà các vị tổ sư TQ cổ đại lại còn sáng lập ra các loại Tùng lâm Thanh quy với đại diện là “Bách trượng thanh quy”, dùng mô hình kết hợp Giới luật với Thanh quy để quản lý sinh hoạt và việc tu hành của các tăng ni xuất gia và triển khai các dịch vụ phục vụ chúng sinh. Có thể nói rằng, cho tới nay, phương thức sinh hoạt tu hành đoàn thể này của người xuất gia Phật giáo Hán truyền là một hình thái xã hội hiếm có nhất, khó có nhất, quý giá nhất trong toàn bộ xã hội loài người, rất đáng để chúng ta nghiên cứu tìm hiểu.

Điều đó đem lại một suy nghĩ và gợi mở: Trong xã hội hiện đại, đời sống tôn giáo nên hòa nhập vào đời sống thế tục như thế nào? Chế độ của tôn giáo nên kết hợp với chế độ quản lý xã hội như thế nào? Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hình thái xã hội, mô hình quản lý, mô hình phát triển và mô hình tương tác với xã hội của Phật giáo Hán truyền cần được khai thác và sáng tạo đổi mới như thế nào? Thiền sư Học Thành cho rằng kinh nghiệm bản thổ hóa thành công của Phật giáo Hán truyền có ý nghĩa tham khảo rất tốt đối với sự truyền bá quốc tế của Phật giáo Hán truyền cũng như việc tổ chức và xây dựng các tôn giáo khác.

Tiêu chí thứ hai: Xây dựng tám (8) tông pháp lớn của Phật giáo Hán truyền. Thời Lưỡng Hán, Phật giáo truyền vào TQ; trong quá trình tương tác, hòa nhập với văn hóa bản thổ TQ, hình thái phát triển của Phật giáo đã trải qua mấy lần thay đổi. Thời Tùy-Đường, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, hình thành tình hình 8 tông phái cùng phát triển: tông Thiên Thai, tông Hoa Nghiêm, tông Duy Thức, tông Trung Quán, Thiền tông, tông Tịnh Độ, Luật tông, Mật tông; sản sinh các phương pháp phán giáo “Ngũ thời bát giáo”, “Ngũ giáo thập tông”, “Tam giáo”, “Tam tông”, “Thánh tịnh nhị môn” và sáng lập các hệ thống tu học hoàn chỉnh có đặc sắc khác nhau. Nhiều vị tổ sư các tông phái này đều xuất gia từ thủa ấu thơ, tiềm tâm Tam Tạng, dùng tâm lực cả đời nghiên cứu giáo lý, dựng tông phái, lập học thuyết, một mặt nắm vững bản chất thuyết pháp của Phật Đà, một mặt phù hợp với căn cơ của chúng sinh, vì thế có thể tập hợp được mọi cái hay cái giỏi, dựng được ngọn cờ của riêng mình. Sự ra đời các tông phái của Phật giáo Hán truyền thể hiện tư duy sáng tạo cao và ý thức bản thổ hóa sâu sắc của các vị tổ sư đại đức TQ cổ đại. Trong thời kỳ Đường Tống, tám tông phái lớn nói trên chẳng những đã có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa tư tưởng của TQ mà còn truyền bá đi xa thu hút các tăng nhân từ Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và nhiều vùng khác tới TQ học tập tu hành, trở thành sợi dây quan trọng giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau.

Cho tới nay, TQ hãy còn rất nhiều người xuất gia và nhiều nhà chùa đang tiếp tục học tập, nghiên cứu, truyền bá Phật giáo các tông phái truyền thống. Giờ đây, chúng ta càng cần truyền bá rộng rãi Phật giáo Hán truyền trên phạm vi thế giới, cũng cần phát huy tinh thần sáng tạo của các vị tổ sư đại đức trong việc sáng lập tông phái, giới thiệu một cách linh hoạt và hoàn chỉnh cho xã hội phương Tây hiểu rõ tư tưởng Đại Thừa và các Pháp môn tu hành của Phật giáo Hán truyền. Đồng thời, cũng cần thúc đẩy sự giao lưu hòa hợp tư tưởng các tông phái Phật giáo Hán truyền với văn hóa phương Tây, mở ra một hệ tư tưởng Phật giáo thích ứng với ngữ cảnh văn hóa phương Tây.

Tiêu chí thứ ba: Biên soạn Đại Tạng Kinh của Phật giáo Hán truyền. Công trình biên soạn này là một bổ sung và sáng tạo của Phật giáo Hán truyền đối với Phật giáo Ấn Độ. Trong lịch sử, TQ đã biên soạn được hơn 20 văn bản [bản bổn] Kinh Đại Tạng, hầu như mỗi bản có tới vài nghìn quyển, thực sự là kho báu vô giá của văn hóa Trung Hoa. Hiện tượng văn hóa độc đáo này có địa vị lịch sử và giá trị văn hóa rất cao trong lịch sử văn hóa TQ và thế giới. Đáng tiếc là sau cuộc cách mạng công nghiệp, việc chậm phiên dịch các kinh điển Phật giáo hệ Hán ngữ đã làm cho phương Tây thiếu hiểu biết về các kinh điển và tông phái Phật giáo Hán truyền, gây ra nhiều hiểu lầm. Ví dụ, nhiều người phương Tây cho rằng Phật giáo Hán truyền tức là Thiền tu. Thực ra, Thiền tu chỉ là một phương pháp tu hành của Phật giáo Hán truyền; còn có các phương pháp tu hành khác như Chỉ Quán, Niệm Phật, Trì Giới, Bố thí… Ngay trong Thiền tông cũng có các môn phái Thiền pháp khác nhau, “Ngũ gia Thất tông”. Cho nên không thể đơn giản đánh đồng Phật giáo Hán truyền với Thiền tu và cũng không thể phiến diện hiểu Thiền tu của Phật giáo Hán truyền là một kiểu suy tưởng [minh tưởng], tĩnh tọa hoặc Yoga.

Trong thời đại giao lưu văn hóa Đông-Tây đang toàn cầu hóa, việc nghiên cứu 3 đặc điểm có tính tiêu chí nói trên của Phật giáo Hán truyền là rất đúng lúc. Nghiên cứu toàn diện chế độ tổ chức, hệ tư tưởng, phương pháp thực chứng và các kinh điển của Phật giáo Hán truyền chẳng những làm cho xã hội phương Tây hiểu biết về hình thái chân thực của Phật giáo Hán truyền hoàn chỉnh về hệ thống và phong phú đa dạng, mà còn khai thác được nhiều kênh kết nối tôn giáo TQ với phương Tây. Nhất là việc tái chỉnh lý, tái giải thích và phiên dịch Kinh Đại Tạng Hán văn và nghiên cứu so sánh với các kinh điển Phật giáo thuộc các ngữ hệ khác sẽ có triển vọng rất rộng rãi.

Phương diện thứ hai: Phật giáo Hán truyền có kinh nghiệm xã hội hóa phong phú, thiết thực

Phật giáo Hán truyền chẳng những thực hiện thành công việc bản thổ hóa từ giáo lý, giáo nghĩa cho tới chế độ tổ chức mà còn rất coi trọng tác động lẫn nhau với xã hội. Trong quá trình triển khai sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Phật giáo Hán truyền thông qua các phương thức khéo léo thích hợp với văn hóa bản thổ và tâm lý dân tộc đã tích cực phát huy được công dụng xã hội của Phật giáo và tích lũy được nhiều kinh nghiệm xã hội hóa phong phú, thiết thực. Trong đó có 3 điểm tiêu biểu là chú trọng công đức, chú trọng báo ânchú trọng viên dung.

Thứ nhất, chú trọng công đức. Phật giáo Ấn Độ nhấn mạnh Nghiệp Quả, Phật giáo Hán truyền càng chú trọng công đức. Cũng tức là nói, một đằng là xuất phát từ sự khổ nạn của đời người và siêu việt đối với khổ nạn; một đằng là bắt đầu từ giá trị của đời người và sự khai mở giá trị lớn hơn. Người TQ có tâm thái tích cực đối với đời người hiện thực, coi trọng lợi lạc [lợi ích và niềm vui] của kiếp hiện sinh, làm cho Phật giáo Hán truyền trong quá trình hóa thế đạo tục càng chú ý gợi mở mọi người cống hiến thiện tâm thiện hành, và làm cho mọi người thiết thực thể hội được niềm vui tinh thần và sự cải thiện đời sống do lợi tha đem lại - đây là ý nghĩa tích cực mà ý tưởng “công đức” thể hiện.

Tại TQ có rất nhiều người muốn đến chùa để bố thí, cúng dàng, quyên hiến tiền vật, vì họ cho rằng việc đó rất có công đức, cũng tức là việc hộ trì, cúng dàng Tam Bảo sẽ đem lại cho mình nhiều lợi ích. Loại “công đức” và “lợi ích” ấy thể hiện trên hai mặt: Mặt ngoài, việc bố thí, cúng dàng Tam Bảo sẽ đem lại hồi đáp, đem lại quả báo khiến mình cảm thấy vui lòng; mặt bên trong, tâm hành lợi tha có thể gợi mở tự tính trong sáng của con người, khiến họ cảm nhận được giá trị và ý nghĩa của hành vi mình làm, thấy được mối liên hệ khăng khít giữa cuộc sống của mình với mọi người, từ đó việc giúp người khác trừ bỏ các tình cảm tiêu cực sẽ hóa giải sự ngăn cách giao lưu người-người, tìm được niềm an lành và vui sướng tâm linh.

Phật giáo Hán truyền coi trọng “công đức” vừa thể hiện được nội hàm tự lợi lợi tha của Phật giáo Đại Thừa lại vừa tạo ra cơ sở xã hội và cơ sở vật chất cho việc truyền bá, phát triển Phật giáo. Đây là kinh nghiệm và ý tưởng đặc sắc của Phật giáo Hán truyền so với các tông phái Phật giáo khác.

Thứ hai, chú trọng đền ơn [báo ân]. Tư tưởng đền ơn vốn có của Phật giáo Ấn Độ được Phật giáo Hán truyền nâng lên một địa vị nổi bật hơn, chủ trương “Thượng báo tứ trùng ân”, tức đền ơn cha mẹ, ơn nhà nước, ơn chúng sinh, ơn Tam Bảo. Tức là nói nếu Phật giáo muốn đứng chân và phát triển được trong xã hội thì phải đồng thời nghĩ tới ân đức của cha mẹ, quốc gia, dân chúng và Tam Bảo đối với ta và phải dùng hành động thực tế để báo đáp những ân đức ấy. Ngày xưa, những ý tưởng đó rất phù hợp với tư tưởng “trung hiếu” và quan niệm “thiên nhân hợp nhất” của văn hóa truyền thống TQ, vì thế có thể làm cho công dụng xã hội của Phật giáo thống nhất với nhu cầu tâm lý của đại chúng. Đối với xã hội hiện đại, tư tưởng đền ơn của Phật giáo Hán truyền càng có tác dụng đặc biệt sửa chữa các tật bệnh của văn minh hiện đại như chủ nghĩa trung tâm cá nhân, chủ nghĩa tiêu dùng. Việc trau dồi tư tưởng cảm ơn, đền ơn có thể giúp mọi người tái nhận thức mối quan hệ dựa lẫn nhau, hòa hợp cộng sinh người với người, người với xã hội và người với thiên nhiên, qua đó hóa giải cuộc khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng đạo đức tồn tại phổ biến trong xã hội hiện đại, từ đó tiến lên thực hiện nhu cầu chung của loài người là xã hội hài hòa, thế giới hòa bình.

Thứ ba, chú trọng viên dung [hòa hợp một cách trọn vẹn]. “Viên dung” là đặc trưng trí tuệ sáng láng nhất của Phật giáo Hán truyền, là sự thể hiện cụ thể quan niệm vô ngã, duyên khởi của Phật giáo. Trong 2.000 năm Phật giáo truyền vào TQ, các vị tổ sư đại đức trên cơ sở lĩnh ngộ tư tưởng Phật giáo đã tiến hành giao lưu với các văn hóa tư tưởng Nho, Đạo [tức đạo Lão] của bản thổ TQ, tham khảo lẫn nhau và hợp tác, chung sống hài hòa, hơn nữa còn kết hợp chặt chẽ với chính trị, kinh tế, đời sống xã hội, tập tục dân gian của TQ, hòa với nhau làm một. Thời đại thế giới toàn cầu hóa ngày nay là thời đại đa nguyên, cởi mở, bao dung; các nền văn minh khác nhau, các tôn giáo khác nhau làm cách nào để tìm điểm chung, gác lại điểm bất đồng, giao lưu tham khảo lẫn nhau? Điều này có thể được sự gợi ý hữu ích của kinh nghiệm chung sống hài hòa ba tôn giáo Nho-Thích-Đạo ở TQ. Xét về mặt quốc tế hóa Phật giáo Hán truyền, quan niệm viên dung của sự cộng sinh hòa hợp cùng nhau đi lên của các loại hình văn hóa khác nhau là một tài nguyên trí tuệ quý giá, tích cực.

Phương diện thứ ba: Quá trình quốc tế hóa Phật giáo Hán truyền nên khai thác được những cách suy nghĩ mới trong sự giao lưu tham khảo lẫn nhau

Loài người ngày nay đang ở vào thời đại toàn cầu hóa; từ lâu xã hội hiện đại đã được mạng Internet khổng lồ kết nối lại thành một xã hội mạng hóa, tin học hóa, bất cứ cá nhân hoặc tôn giáo nào cũng như bất cứ ngôi chùa hoặc tông phái Phật giáo nào đều không thể tồn tại độc lập. Tình trạng cuộc sống kết nối với nhau này làm cho toàn xã hội tiến sang thời đại “loài người chung vận mệnh”, không ai có thể tách khỏi người khác. Trong bối cảnh thế giới như vậy, Phật giáo sẽ phát triển như thế nào, Phật giáo Hán truyền sẽ được quốc tế hóa tại phương Tây như thế nào?

Nhìn lại lịch sử truyền bá, giao lưu của văn minh nhân loại, có thể thấy sự cộng hưởng và thừa nhận ở tầng sâu về văn hóa tư tưởng bao giờ cũng là cây cầu nội tại truyền bá xuyên văn hóa, xuyên tôn giáo, cũng là cây cầu duy nhất dẫn đến hòa bình. Vì thế, sự giao lưu tham khảo, hòa nhập văn hóa tư tưởng là con đường căn bản để Phật giáo Hán truyền có thể đứng chân tại phương Tây. Trong đó, bối cảnh văn hóa, phương thức tư duy, ngôn ngữ văn tự là những điểm mấu chốt thực hiện sự nối thông hữu hiệu.

Muốn vậy, trước hết Phật giáo Hán truyền cần tăng cường tìm hiểu xã hội phương Tây. Chỉ sau khi học tập, tìm hiểu, nắm vững xã hội này thì mới có thể đứng chân hòa hợp với họ. Phải nắm được ngữ cảnh văn hóa, bối cảnh lịch sử, tập tục xã hội, pháp luật và tập quán của xã hội phương Tây thì mới có thể truyền bá Phật giáo vào phương Tây. Thời xưa, các vị cao tăng Ấn Độ cũng trước tiên tìm hiểu, học tập văn hóa tư tưởng, phong tục tập quán, chế độ luật pháp của TQ, sau đó mới truyền bá Phật giáo vào TQ.

Thứ hai, phải ra sức tạo điều kiện để xã hội phương Tây hiểu biết về Phật giáo Hán truyền. Muốn vậy, phải đào tạo những Phật tử biết các ngôn ngữ phương Tây. Ngôn ngữ văn tự là kết tinh của tư tưởng loài người, là vật mang của truyền bá văn hóa, là cầu nối để trao đổi thông tin, cũng là phương thức chủ yếu để truyền bá tôn giáo. Ngay từ năm 2008, tôi [tức Thiền sư Học Thành] đã mở 4 trang web dùng 4 ngôn ngữ Trung, Anh, Nhật, Hàn. Từ 2011 tới nay, tôi lại mở 11 Weblog dùng 11 thứ tiếng: Trung, Anh, Nga, Nhật, Hàn, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan, Tây Tạng và Việt Nam, hàng ngày dùng 11 thứ tiếng đó phát đi khắp thế giới tin tức về Phật giáo TQ. Các trang Web và Weblog ấy đã đào tạo được nhiều Phật tử giỏi ngoại ngữ.

Ta hiểu người, người hiểu ta, sự truyền bá và tìm hiểu hai chiều đó tạo ra sự giao lưu toàn diện bình đẳng. Chỉ có không ngừng giao lưu thì mới có thể tìm ra những điểm khác nhau, giống nhau giữa các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau, từ đó vượt qua các hạn chế, thực hiện bổ sung ưu thế lẫn nhau, tạo cơ sở để các tôn giáo, giáo phái và nền văn hóa khác nhau có thể chung sống hòa bình, cùng phát triển. Thực ra, rất nhiều sự cách ly, va chạm thậm chí chiến tranh trên thế giới đều có liên quan tới sự khác biệt, xung đột về quan niệm tư tưởng của người ta, đều có căn nguyên là thiếu sự hiểu biết và đồng cảm trên các mặt văn hóa, tín ngưỡng, tập tục. Vì vậy, sự tìm hiểu và học tập lẫn nhau giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng là rất cần thiết, bức thiết.

Nhưng việc truyền bá Phật giáo nếu chỉ dựa vào các Phật tử xuất gia thì chưa đủ lực, mà còn phải dựa vào các Phật tử tại gia, học giả Phật giáo, và nhân sĩ các giới, cần tất cả mọi người đều quan tâm và ủng hộ sự phát triển Phật giáo Hán truyền.

Hiện nay, xã hội phương Tây ngày càng có nhiều người quan tâm và có cảm tình tốt với Phật giáo Hán truyền. Chùa Long Tuyền Từ Bi ở thành phố Utrecht, Hà Lan, hôm nay khánh thành là đạo tràng đầu tiên của Phật giáo Hán truyền được thiết lập tại châu Âu. Từ nay, tất cả mọi người đều có thể đến đây sinh hoạt tôn giáo, tọa thiền, tụng kinh, làm các lễ hội Phật giáo cũng như học tập văn hóa và ngôn ngữ TQ. Chúng tôi sẽ gắng hết sức cung cấp cho mọi người những dịch vụ toàn diện của Phật giáo Hán truyền.

Nguồn: 汉传佛教的特点及国际化 - 在荷兰龙泉大悲寺开光大典暨汉传佛教国际化研讨会上的致词(2015年12月9日于荷兰乌特勒支)学 诚

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 5
    • Số lượt truy cập : 6177841