Thông tin

CÁCH MỘT NI SƯ HÀN QUỐC TRỞ THÀNH ĐẦU BẾP

NỔI TIẾNG NHẤT CHÂU Á

 

Ký giả: MAGGIE HIUFU WONG, CNN
Dịch giả: QUẦN ANH

 

 

Ni sư Jeong Kwan sinh năm 1957, cống hiến đời mình cho Phật pháp năm 17 tuổi

 

Đối với Jeong Kwan, một tu sĩ Phật giáo Hàn Quốc, đó là một buổi sáng thứ Bảy bận rộn. Sau khi hành thiền và điểm tâm lúc sáng sớm, Ni sư Jeong Kwan thường hay đi đến khu vườn của mình nằm trong khuôn viên Baekyangsa1, một ngôi chùa tọa lạc tại Công viên Quốc gia Naejangsan2 tuyệt đẹp, phía Nam thành phố Seoul.

Những bông ngò đang nở tỏa hương thơm ngát cả một khung trời. Trong vườn, một chú nai rừng đang thong dong gặm cỏ. Những cây cà tím và ớt xanh đang sinh trưởng. Những cây cải bắp mà ni sư trồng vào mùa đông giờ đã căng tròn, có thể thu hoạch được.

“Trông nó thật tuyệt bởi vì nó có nhiều năng lượng sau khi đã sinh trưởng qua mùa đông lạnh giá”, ni sư Jeong Kwan vừa chia sẻ với phóng viên mục Du lịch của Truyền hình cáp CNN (Hoa Kỳ), vừa xòe bàn tay đặt trên cây cải bắp để cho thấy kích thước của cải bắp năm nay như thế nào.

Bất ngờ trở thành ngôi sao đầu bếp

Jeong Kwan, tên trong nhà Phật (pháp danh), là một Ni sư nổi tiếng. Éric Ripert, đầu bếp trứ danh của nhà hàng Le Bernardin, đã chứng thực tài năng nấu ăn của Ni sư Jeong Kwan tại chùa. Ký giả Jeff Gordinier, chuyên viết về ẩm thực cũng đã viết bài về sự kiện này đăng tải trên Thời báo New York năm 2015. Tài năng ẩm thực của Ni sư Jeong Kwan đã được Netflix sản xuất thành một tập phim hoàn chỉnh với nhan đề “Chef’s Table”, và đã được công chiếu trong loạt phim của dịch vụ xem video trực tuyến phổ biến Netflix.

Gần đây nhất, Ni sư đã được trao tặng Giải thưởng 50 nhà hàng được thần tượng nhất châu Á trong năm 2022. Lễ trao giải thưởng này được tổ chức nhằm tôn vinh những người đầu bếp có ảnh hưởng và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người. Giải thưởng 50 nhà hàng thần tượng nhất châu Á được 300 thành viên trong hội đồng giám khảo bỏ phiếu bình chọn. Hãnh diện như thế, nhưng rất ít có sự xáo trộn trong thế giới tu hành riêng của Ni sư.

“Tôi rất vinh hạnh khi được nhận Giải thưởng Thần tượng... Như đạo hữu biết đấy, tôi là nữ tu sĩ Phật giáo, không được đào tạo để trở thành đầu bếp. Thật tuyệt vời khi nghe mọi người trên khắp thế giới quan tâm đến ẩm thực Hàn Quốc”, Ni sư Jeong Kwan tâm sự. “Thậm chí, ngay cả khi được tán dương như thế, tôi cần phải biết khiêm hạ, không để cho lòng tự cao trỗi dậy trong tâm. Giữ vững thái độ niềm nở chân thành khi tiếp xúc là cách mà tôi tiếp đón mọi người”.

 

Tất cả các món ăn của Ni sư Jeong Kwan đều thuần chay tịnh

 

Ni sư đầu bếp Jeong Kwan đã (thế phát xuất gia) cống hiến đời mình cho Phật pháp năm 1974. Thế nhưng, Ni sư cho biết từ đáy lòng, Ni sư vẫn cảm thấy mình như là một thiếu nữ - cho dù hiện nay Ni sư đã lớn tuổi và đầy trải nghiệm.

Không như nhiều người, Ni sư ý thức về cuộc sống mà Ni sư ước muốn từ khi còn trẻ tuổi. Thời tiểu học, Ni sư đã nói với cha Ni sư rằng khi Ni sư trưởng thành, Ni sư nhất định sẽ sống một mình với thiên nhiên.

Khi Ni sư Jeong Kwan 17 tuổi, thì mẫu thân của Ni sư từ trần. “Tôi rất đau buồn. 50 ngày sau đó, tôi tìm đến một ngôi chùa. Tại đó, tôi gặp các nhà sư khác, và chúng tôi trở thành thành viên trong một gia đình. Tôi tìm thấy sự giác ngộ và niềm an lạc trong khi tu tập theo giáo lý nhà Phật. Sau đó, tôi quyết định đây chính là nơi tôi muốn dành phần đời còn lại của mình để tu tập theo Phật pháp”, Ni sư Jeong Kwam chia sẻ.

Tu tập ở ngôi chùa đó được 3 năm, Ni sư vân du đến Baekyangsa, ngôi chùa mà hiện nay Ni sư đang hành đạo. “Con đường dẫn tôi đến ngôi chùa này rất bằng phẳng - không có thác ghềnh hay dốc đứng. Tôi cảm thấy rất an lạc. Con đường đó như đang dẫn tôi trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ tôi”, Ni sư Jeong Kwan nhớ lại lần đầu tiên Ni sư du hóa đến chùa Baekyangsa cách đây 45 năm.

Ẩm thực nhà chùa là gì?

Năm 2013, Ni sư Jeong Kwan quyết định mở cửa chùa để đón du khách, qua đó Ni sư có thể kết nối với những ai mong muốn học hỏi Phật pháp, nhất là thông qua ẩm thực nhà chùa.

“Ẩm thực nhà chùa là sự kết hợp để cùng mang lại năng lượng thể chất và tinh thần. Nó là sự tối đa hóa hương vị và chất dinh dưỡng từ các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật với sự gia giảm đồ gia vị”, Ni sư cho biết.

“Ẩm thực nhà chùa là một trong những pháp môn tu tập Phật pháp của tôi và là hành trình nhận biết cái tôi của ai đó. Người nấu chay và người ăn chay đều cùng chung một hành trình hướng đến nhận biết ‘Tôi là ai?’. Tôi nghĩ, ẩm thực tự viện Hàn Quốc kết nối mọi người với nhau và nó sẽ tiếp tục đóng vai trò này”, Ni sư giải thích.

Tất cả các món ăn của Ni sư Jeong Kwan đều thuần chay và không có tỏi, hành tây, hành lá, hẹ hoặc tỏi tây. (Người ta tin rằng năm món gia vị có mùi cay nồng này sẽ làm tâm trí bất an, kích thích sự nóng giận và đam mê).

Các món ăn của Ni sư được chế biến từ những nguyên liệu hữu cơ tươi ngon nhất cũng như nước tương và các món ăn như tương đậu và kim chi - tất cả chúng đều được trồng hoặc chế biến tại chùa.

Không có thực đơn được lập sẵn - Ni sư chế biến thức ăn với tất cả các thực phẩm tươi ngon của ngày hôm đó, vì vậy mà các món ăn thường xuyên thay đổi.

Ni sư Jeong Kwan tin rằng ẩm thực có thể giúp cân bằng các yếu tố trong cơ thể chúng ta bằng việc phục hồi độ ẩm (của da) hoặc hạ nhiệt độ cơ thể xuống trạng thái quân bình. Chẳng hạn như một món ăn tiêu biểu do Ni sư chế biến là món tương đậu nành lên men của Hàn Quốc (doenjang) thường được chư tăng, ni nạp thọ để tạo nên sự cân bằng này.

Nhưng chế biến món tương đậu nành lên men (doenjang) là cả một tiến trình lâu dài. Đầu tiên, Ni sư và những người làm công quả trong chùa phải luộc và xay đậu nành vào tháng 11. Sau đó, bột đậu nành vừa xay xong được đúc thành khuôn (meju) để cho khô, rồi mang cất giữ. Vào tháng 4 năm sau, đổ thêm nước muối vào khuôn đậu (meju). Đến tháng 5, các nhà sư trong chùa tách nước muối - vốn bây giờ đã trở thành nước tương - ra khỏi tương đậu.

“Nếu viếng chùa, quý vị sẽ thấy những chiếc lu chiếm một phần diện tích trong khuôn viên chùa. Trong những chiếc lu ấy, chúng tôi lưu trữ tất cả các nguyên liệu truyền thống - khuôn đậu nành nhão và nước tương. Tôi đã dán nhãn lên tất cả những chiếc lu này và sắp xếp chúng theo thứ tự rất ngăn nắp. Nơi để những chiếc lu tương trông rất đẹp”, Ni sư Jeong Kwan chia sẻ, trong khi đó mắt của Ni sư sáng lên khi nói về cách chế biến món ăn của mình.

 

“Đối với tôi, ẩm thực rất quan trọng. Nó có thể mang lại sự 
kết nối giữa mọi người với nhau”, Ni sư Jeong Kwan chia sẻ

 

“Tương đậu nành năm nay rất ngon vì thời tiết rất thuận lợi. Ban ngày, trời nhiều nắng, nhưng buổi tối, trời vẫn se se lạnh”.

Ni sư có những chiếc lu ủ nước tương, tương đậu lên men và củ cải sau khi thu hoạch đến nay đã trải qua hơn hai thập niên. Đây là những món đặc sản quý giá nhất do Ni sư chế biến trong chùa. “Tôi sẽ mang theo những chiếc lu này nếu một ngày nào đó tôi phải chuyển đến một ngôi chùa khác”, Ni sư Jeong Kwan nói vui.

“Đó là đặc sản của tự nhiên. Thật kỳ diệu bởi vì mình đã làm thay đổi năng lượng của thành phần ban đầu của nó qua cách thức mà nó được lên men như thế nào. Những củ cải sau khi thu hoạch không còn năng lượng của củ cải lúc đầu nữa mà chúng đã kết hợp với năng lượng của nước tương đậu lên men, để rồi chúng làm cho cơ thể chúng ta trở nên quân bình”.

Phật giáo và sự kết nối với mọi người thông qua ẩm thực

Ni sư Jeong Kwan nhận ra mình có niềm đam mê ẩm thực lúc còn nhỏ, khi xem mẹ của Ni sư nấu ăn.

Năm 1994, Ni sư quyết định cống hiến hết mình cho công việc nấu ăn trong chùa. Ni sư Jeong Kwan nói: “Đối với tôi, ẩm thực rất quan trọng. Nó có thể mang đến sự kết nối mạnh mẽ giữa mọi người với nhau”.

 

Ni sư Jeong Kwan hy vọng có thể dùng ảnh hưởng mới phát hiện của
minh để khuyến khích mọi người ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn nữa

 

Một trong những kỷ niệm khó quên nhất của Ni sư là chuyến viếng chùa của thân phụ Ni sư. “Tại sao con muốn ở chùa - thậm chí không được ăn mặn ở đây?”. Ni sư nhớ lại lời thân phụ hỏi.

Ni sư kể tiếp: “Tôi đã nấu một món nấm cho thân phụ tôi. Sau khi thân phụ tôi nếm thử, ông liền thốt lên rằng ‘Ba chưa bao giờ được nếm món nào ngon như vậy. Nếu con có thể ăn món nào ngon như vậy ở đây, ba sẽ không còn bận tâm về con nữa. Ba rất hoan hỷ vì con muốn tu tập trong chùa”.

Tuy nhiên, Ni sư Jeong Kwan không chỉ có những kỷ niệm đẹp nhất về các món ăn do chính Ni sư chế biến trong ngôi nhà trù của chùa, mà Ni sư còn có những kỷ niệm đẹp về những bữa ăn ngon miệng khi tham quan ở nước ngoài.

Một lần tại nhà hàng Alain Passard ở Paris, đầu bếp nổi tiếng của nước Pháp đã nấu một bữa ăn thuần chay dành riêng cho Ni sư. “Khi tôi đang thọ trai, tôi có cảm giác những món chay này không khác gì những như món chay tôi nấu. Không có sự trở ngại gì về ẩm thực. Điều này quả là thuận tiện, và tôi có cảm tưởng như mình đang ở chùa mình”, Ni sư tâm sự.

Ni sư Joeng Kwan cũng có ấn tượng đặc biệt đối với Ripert, một đầu bếp trứ danh người Pháp của nhà hàng Le Bernardin.

Ni sư cho biết: “Đầu bếp Éric Frank Ripert là một trong những người đã làm cho tôi thực sự tự do với những món chay của mình. Éric giúp gạt bỏ những lăn tăn mà mọi người có thể có đối với ẩm thực nhà chùa hay những món ăn chay tịnh. Éric thực sự đã giúp tôi thoát khỏi lớp vỏ bọc của mình”.

Tự do không hẳn là “có thể làm bất cứ cái gì mà ta muốn”, Ni sư Jeong Kwan giải thích thêm. “Sở dĩ ta không cảm thấy bị tù túng do hối hận và tội lỗi là bởi vì ta không làm theo nghề nghiệp mà ta tin tưởng. Cũng vậy, làm theo mọi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là cách làm cho tôi thật sự tự do”.

Việc Ni sư nấu ăn với sự thông hiểu về vòng tuần hoàn của cuộc sống tự nhiên cũng như làm theo giáo lý và đạo đức nhà Phật chính là một thí dụ điển hình.

 

 

“Nấu ăn quyết không phải là sở thích”

Ni sư Jeong Kwan cảm thấy triết lý của mình đặc biệt quan trọng trong thế giới hiện tại, vốn tràn ngập những thách thức như: đại dịch, các cuộc xung đột trên thế giới và biến đổi khí hậu. Ni sư nói: “Trước đây, đại dịch cũng như dịch dã từng xảy đến với chúng ta. Tôi tin tất cả vấn đề này đều liên quan đến hành động vốn đi ngược lại tự nhiên của chúng ta”.

Ni sư cho rằng xã hội nên tập trung vào ba vấn đề quan trọng. Đó là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thân thiện hơn với môi trường và tôn trọng mọi sự sống. “Thực hiện được cả ba vấn đề này chắc chắn sẽ giúp chúng ta tư duy, hành động một cách đúng đắn”, Ni sư Jeong Kwan khẳng định.

Quan tâm đến việc ăn uống và nấu nướng cho phép chúng ta ‘làm mọi thứ mà chúng ta đòi hỏi về tinh thần cũng như thể chất’, ngay cả khi gặp khó khăn. Ni sư hy vọng Ni sư có thể sử dụng ảnh hưởng mới phát hiện của mình để truyền bá những thông điệp quan trọng này đến thế giới.

Ni sư Jeong Kwan nhấn mạnh: “Đối với tôi, nấu ăn quyết không phải là một sở thích hay là sự phô diễn những kỹ năng điêu luyện, mà là sự dung hợp các nguyên liệu thành một thể. Khi nấu ăn, tôi nghĩ đến các nguyên liệu như thể chúng là một phần của tôi. Khi dùng nước và lửa để nấu các món chay tịnh, tôi cảm thấy giữa tôi và chúng đã dung hợp thành một thể3.

Khi ta đặt cả trái tim và tâm hồn vào thức ăn thì những người ăn sẽ tiếp nhận được năng lượng đó và tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực và bền vững”.

Mục tiêu của Ni sư Jeong Kwan là gì? Đó là thấy những người khác chấp nhận lối sống tôn trọng thiên nhiên và môi trường, thúc đẩy lối sống bền vững, có tác động tích cực đến biến đổi khí hậu và cứu độ chúng sinh.

Jeong Kwan cho biết: “Để đạt được mục tiêu này, tôi cần phải thay đổi. Bắt đầu bằng những hành động nhỏ từ chính bản thân tôi, và tôi hy vọng sẽ có thể chia sẻ mục tiêu này với nhiều người hơn trên thế giới, trong đó có những đầu bếp tuyệt vời trong cộng đồng 50 đầu bếp giỏi nhất châu Á”.

 

Chùa Phúc Lâm, mùa an cư PL. 2566 - 13/6/2022
Nguồn: https://edition.cnn.com/travel/article/south-koreanmonk-chef-jeong-kwan/index.html

 


1. Baekyangsa, tiếng Hán là 白羊寺, đọc theo phiên âm Hán - Việt là Bạch Tường Tự. Năm 1998, tôi có nhân duyên tham quan chiêm bái một số tự viện ở Hàn Quốc. Tôi nhận thấy các hoành phi trong các tự viện ở Hàn Quốc vẫn sử dụng tiếng Hán, nhưng đọc theo âm tiếng Hàn Quốc. Vấn đề này giống như các hoành phi, câu đối, cuốn thư trong các tự viện ở Việt Nam viết bằng tiếng Hán, nhưng đọc theo âm Hán - Việt.

2. Naejangsan, tiếng Hán là 內藏山, đọc theo phiên âm Hán - Việt là Nội Tàng Sơn.

3. Thiết nghĩ, Ni sư Jeong Kwan lấy ý nghĩa của câu kinh “Một tức tất cả; tất cả tức một (一 即 一 切; 一 切 即 一 - Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất)” để làm cơ sở triết lý của nghệ thuật ẩm thực tự viện của mình. Theo Phật Quang Đại Từ Điển (tập 3, tr. 3745, Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản), “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” cũng gọi Nhất tức thập; thập tức nhất, Nhất tức đa; đa tức nhất. Nghĩa là thể dụng của 1 và tất cả dung hợp nhau không 2, tức 1 và nhiều có thể ngang bằng nhau; nghĩa này nhằm nói rõ sự quan hệ giữa các hiện tượng trong pháp giới duyên khởi. Đây là nguyên lí cùng tột của sự viên dung vô ngại do Viên giáo của tông Thiên thai và tông Hoa nghiêm thành lập.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6495094