CÁCH TIẾP CẬN PHẬT GIÁO
VỀ VẤN NẠN BẠO HÀNH HỌC ĐƯỜNG
TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
THÍCH NỮ HẠNH LÝ
Khái niệm “bạo hành học đường”
Khi nghiên cứu về bạo hành học đường, các nhà nghiên cứu đã nhận định: Bạo hành học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác, gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Bạo hành học đường bao gồm các hành vi bạo hành về thể chất và bạo hành về tinh thần. Bạo hành thể chất gồm: Đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường. Các hành vi về bạo hành tinh thần bao gồm: tấn công bằng lời nói, bắt nạt bạn học, quấy rối tình dục, mang vũ khí đến trường1…
Theo Trung tâm kiểm soát chấn thương Hoa Kỳ (CDC), bạo hành học đường là một phần thuộc bạo hành giới trẻ, xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 6-24 tuổi.
Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng: Bạo hành học đường là bất kỳ hình thức bạo hành nào xảy ra bên trong các cơ sở trường học. Nó bao gồm các hành vi bắt nạt, lạm dụng thân thể, lạm dụng bằng lời nói, ẩu đả… Trong đó bắt nạt và lạm dụng vật chất là những hình thức phổ biến nhất của dạng bạo hành học đường2.
Bên cạnh thuật ngữ “bạo hành học đường”, người ta còn nói tới thuật ngữ “bắt nạt học đường”, nó cũng là một hình thức bạo hành học đường.
Theo định nghĩa trên website Stopbullying.gov: Bắt nạt là hành vi gây hấn không mong muốn. Hành vi này bắt nguồn từ sự khác biệt và chênh lệch về sức mạnh. Sự chênh lệch này có thể đến từ sự khác biệt thể chất của mỗi người, từ những thông tin gây ra sự xấu hổ cho ai đó, từ việc một người được yêu thích hơn những người khác. Hành vi này một khi đã xảy ra thì rất có khả năng sẽ tiếp diễn.
Bắt nạt học đường là một hành động đối xử thô bạo trong giới học sinh với nhau. Dan Olweus trong cuốn sách “Bắt nạt trong trường học, chúng ta biết gì và chúng ta có thể làm gì” đã đưa ra định nghĩa theo một cách chung nhất, bắt nạt trong trường học như một “hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại, có ý định xấu của một hoặc nhiều học sinh nhằm trực tiếp chống lại một học sinh, người có khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân”3.
Cho đến nay vẫn chưa có khái niệm thống nhất trong giới nghiên cứu về bạo hành học đường. Tuy nhiên, với những định nghĩa trên đây, chúng ta vẫn có thể hiểu: Bạo hành học đường là những hành vi cố ý sử dụng vũ lực hoặc quyền lực của học sinh hoặc giáo viên đối với những học sinh, giáo viên hoặc những người khác và ngược lại. Đó có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục, bạo lực ngôn ngữ, những bắt ép về tài chính hoặc những hành vi khác có thể gây ra những tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể xác cho người bị hại.
Thực trạng về bạo hành học đường ở Việt Nam hiện nay
Xã hội không thể không lo lắng khi thực trạng về nạn bạo hành học đường đang ngày một gia tăng không ngừng và vô cùng phức tạp. Chuyện bạo hành trong gia đình thì người ta cho rằng “đèn nhà ai nấy sáng”, còn chuyện bạo hành nơi học đường thì học sinh lại im lặng để được “yên thân”! Đó là hậu quả từ căn bệnh vô cảm trong gia đình đã tiêm nhiễm vào đầu những đứa trẻ. Gia đình đã không truyền cho các em ngọn lửa của tình yêu thương đối với đồng loại, chương trình giáo dục thì nghiêng nhiều về kiến thức, cộng với những tác động từ xã hội, ảnh hưởng từ mặt trái của công nghệ thông tin, của kinh tế thị trường, của sự phát triển và hội nhập kinh tế, lối sống thực dụng… đã làm cho lối sống vô cảm của các em cứ thế mà phát tán, lan tràn vào chốn học đường, bởi những điều tốt thường thì khó học, nhưng thói hư tật xấu thì lại dễ dàng học theo. Điều đó đã làm cho học sinh ngày càng thờ ơ, vơi cạn đi tinh thần đấu tranh, bất bình trước những cái xấu, cái tiêu cực… diễn ra trong lứa tuổi của mình.
Vì thế mà không chỉ một vài học sinh mà thậm chí nhiều học sinh dửng dưng chứng kiến cảnh bạn cùng lớp, cùng trường bị đánh hội đồng một cách bầm dập dã man, bị lột quần áo, bị chửi bới, xúc phạm… mà không hề can ngăn hay kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài để giải cứu cho bạn, sau đó cũng không báo cáo với giáo viên hay nhà trường để giải quyết. Nhiều học sinh còn cổ vũ, tiếp tay cho bạo hành học đường bằng cách quay lại cảnh bạo hành rồi đưa lên mạng xã hội.
Việc im lặng để được “yên thân” trước hành vi bạo hành học đường là một biểu hiện của sự đánh mất những giá trị đạo đức ngàn đời của dân tộc: “thương người như thể thương thân”, “truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, sống có nghĩa tình”… Không những thế, một số học sinh còn đánh mất truyền thống “tôn sư trọng đạo” qua hành vi bạo hành thầy cô giáo. Khi giáo viên làm đúng chức trách của mình thì bị học sinh cá biệt đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn hoặc thậm chí thuê những thành phần xấu trong xã hội “làm việc” với thầy cô. Chính lối sống tha hóa và thái độ sống vô cảm này đã làm nên đòn bẫy để bạo hành học đường không ngừng gia tăng.
“Gần đây dư luận xã hội ngày càng nói nhiều về bệnh vô cảm trong nhiều lĩnh vực. Giáo dục vốn được tôn vinh là nghề cao quý cũng không ngoại lệ. Đó là tình trạng không nhiệt tình trong công tác, né tránh trách nhiệm giáo dục vì sợ bị liên lụy, làm việc qua loa hời hợt, hình thức, bàng quan trước mọi vấn đề, không quan tâm lắm đến việc giáo dục đạo đức học sinh… thực sự đây là vấn đề đáng báo động”4. Sự thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm để bảo vệ học sinh, nạn nhân của bạo hành học đường của một bộ phận giáo viên đã vô tình tiếp tay cho bạo hành học đường. Đa phần bạo hành học đường có mầm mống từ trong lớp học. Có thể đó là những xích mích không đâu vào đâu, như tình cờ bạn ngồi bàn trên quay xuống nhìn bạn bàn dưới, vì đang trong tâm trạng không vui nên nhìn gà hóa vịt, cho rằng bạn này “nhìn đểu” mình nên ấm ức và “hẹn” bạn kia ra khỏi lớp là “xử”. Hoặc nhìn thấy bạn bên cạnh giờ kiểm tra nào cũng cặm cụi làm bài, còn mình thì trống rỗng không có chữ nào để viết nên thấy “khó ưa”, thế là kiếm chuyện, gán ghép cho bạn là chảnh, không đoàn kết, không giúp đỡ bạn làm bài, sống riêng lẻ… với vô vàn lý do để chờ ra khỏi cổng trường là “xử”…
Đối với một người giáo viên đứng trên bục giảng thì mọi hành vi, cử chỉ của học trò đều không thể qua mắt được họ. Vì thế, nếu muốn không xảy ra chuyện lớn thì sau giờ học giáo viên có thể mời các em ở lại hỏi chuyện gì đã xảy ra với các em để giải tỏa tâm lý và hòa giải cho các em. Trong những trường hợp như vậy mà giáo viên vẫn lặng im, vờ đi như không biết gì cả thì hẳn nhiên là bạo hành xảy ra. “Bởi một hệ quả tất yếu phải xảy ra là: nếu giáo viên vô cảm thì tất sẽ có nhiều thế hệ học sinh sống vô cảm, nhạt nhẽo, thiếu hoài bão!”5.
Với chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp của bạo hành học đường đã cho thấy, bạo hành học đường đã trở thành điểm nóng báo động không chỉ trong ngành giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Vì thế, việc kiềm chế và tiến tới triệt tiêu bạo hành học đường và phục hồi các giá trị tích cực trong môi trường sư phạm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành liên quan, của địa phương, gia đình hay nhà trường... mà còn là sự chung tay của toàn xã hội.
Để giải quyết một vấn đề, bất luận là sự vật hay hiện tượng, dù bằng những giải pháp hoàn thiện, trước tiên cũng phải biết rõ được bản chất của chúng, tức là phải tìm được nguyên nhân gốc rễ của chúng. Cũng vậy, cách tiếp cận của Phật giáo về vấn nạn này để tìm ra giải pháp nhằm triệt tiêu bạo hành học đường cũng cần phải đi từ nguyên nhân gốc rễ của nó.
Nguyên nhân bạo hành học đường theo Phật giáo
Nhìn lại những vụ việc về bạo hành học đường chúng ta thấy chúng đều được bắt đầu từ những lý do hết sức đơn giản: Nhìn đểu, giỏi hơn, khôn hơn, khờ hơn, đẹp hơn, xấu hơn… Vậy từ đâu mà chỉ cần một cái nhìn, một sự va chạm nhỏ… bạo hành đã có mặt? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành học đường, trong đó phải kể đến: Nguyên nhân tâm lý; nguyên nhân từ môi trường văn hóa bạo lực; Nguyên nhân từ gia đình và nhà trường.
- Những biến đổi tâm lý tuổi mới lớn: Nguyên nhân dẫn đến bạo hành học đường nhìn dưới lăng kính tham, sân, si
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng bạo hành học đường có thể nói là do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân học sinh. Tuổi mới lớn là giai đoạn trẻ em trải qua hàng loạt những biến đổi về tâm lý, có những biến đổi theo chiều hướng tốt, nhưng cũng có những biến đổi theo chiều hướng xấu. Những biến đổi tâm lý này khiến các em nhạy cảm hơn, cảm xúc cũng dễ thay đổi hơn. Sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi làm cho các em luôn muốn khẳng định mình mặc dù tri thức sách vở làm cho các em hiểu biết nhiều, nhưng những mặt khác nhau trong đời sống thì như trẻ con, các em hiểu biết rất ít. Đây là thời kỳ chuyển từ thơ ấu sang tuổi trưởng thành, nó có một vị trí đặc biệt trong thời kỳ phát triển của trẻ em. “Vị trí đặc biệt này được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau của nó: “thời kỳ quá độ”, “tuổi khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”, “tuổi bất trị”… Những tên gọi đó nói lên tính phức tạp và tầm quan trọng của lứa tuổi này trong quá trình phát triển của trẻ em6. Thế nên, việc quan tâm đến những diễn biến tâm lý của trẻ là vô cùng quan trọng. Nếu ít quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức, không kiểm soát được những diễn biến tâm lý xảy ra hằng ngày với trẻ thì sẽ không bao giờ nghĩ đến việc phải ngăn chặn bạo hành học đường từ ngay nơi các bạo hành từ đời sống nội tâm do sự tác động của môi trường sống, môi trường học đường, môi trường xã hội làm cho tâm của trẻ phải hứng chịu những sóng gió cho bản thân.
Theo Phật giáo, tâm như họa sĩ khéo, vẽ đủ các hình ảnh của con người và thế giới; hoặc như con vượn, buông cành cây này, vịn nắm lấy cành cây khác. “Bởi vì tâm thức chúng sanh hỗn tạp với các nghiệp thiện và bất thiện, cho nên thế giới xuất hiện như là kết quả mang các hình thái sai biệt trong đó những thứ đáng yêu thích lẫn lộn với những cái không mong muốn, đáng ghê tởm”7.
Theo đó, có thể hiểu tâm là đạo diễn của hành vi lời nói và việc làm. Khi những bực tức trỗi dậy trong tâm, con người có khuynh hướng thể hiện qua lời nói, hoặc hành động cụ thể hoặc cả hai. Vì thế, tâm là tác nhân tạo ra mọi thứ, ngay cả hạnh phúc hay khổ đau cũng do tâm tạo. Tâm thiện hay bất thiện tùy thuộc vào sự tác ý của chúng ta. “Như lý tác ý làm phát sinh những tâm thiện, phi như lý tác ý tạo ra những tâm bất thiện. Ý định tốt cũng tạo ra các tâm thiện và ý định xấu làm nảy sinh những tâm bất thiện”8.
Tâm thiện là các tâm như vô tham, vô sân, vô si, bi mẫn… Chúng luôn luôn dẫn đến những hành động thiện như bố thí, trì giới, tham thiền, cung kỉnh, phục vụ… Chúng là tinh khiết hay vô tội, và có lợi cho bản thân cũng như những người khác, tức là cho quả hạnh phúc.
Tâm bất thiện tức là các tâm được kết hợp với các trạng thái tinh thần bất thiện như tính ích kỷ, tham, sự giận dữ, sân hận, ganh tỵ, ngã mạn, tính kiêu ngạo, sự phân biệt chia rẽ, ác tâm, sự lú lẫn, si mê… Chúng luôn luôn dẫn đến những hành động bất thiện như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu… Chúng là vô đạo đức và nguy hại cho cả bản thân và những người khác, tức là cho quả đau khổ9.
Tâm có nhân tham làm động lực cho những hành động bất thiện như trộm cướp, tà dâm và sử dụng các chất gây say. Do đó, biến đổi nhân cách và tệ nạn xã hội len lõi vào học đường cũng được xem là tiềm tàng từ rượu và các chất kích thích gây ra.
Theo đức Phật, lòng ham muốn thỏa mãn các thú vui giác quan là nguyên nhân của mọi tranh chấp, xung đột và chiến tranh. Bên cạnh đó, sân và si cũng chính là hai yếu tố đưa đến bạo hành. Tâm có nhân sân, làm động lực cho những hành động bất thiện như giết chóc, tra tấn, làm đau đớn, sỉ nhục... Tâm có nhân si làm khởi lên tất cả những hành động vô thức bao gồm tán gẫu, mơ tưởng viễn vông, phóng dật và suy nghĩ vô định10.
Do đó, những hành vi của bạo hành học đường như gây gỗ, mắng chửi, bắt nạt, hành hung, đánh đấm cho đến giết chết là do lối sống phóng dật, không kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình nên bực tức, bất mãn không hài lòng… với đối tượng mà các em cho là thấy ghét hoặc hơn mình… nên không kiềm chế được cơn sân giận, không làm chủ được bản thân, vì thế mà bạo hành có mặt.
Như vậy, bạo hành học đường đứng trên quan điểm của Phật giáo phải nói đến nguyên nhân tâm lý dẫn đến những hành vi bất thiện có cội gốc từ tham, sân và si. Ba nguồn độc này đã dẫn các em đi vào các con đường sai lạc trong hành vi đạo đức. Do vậy, không nắm bắt và chuyển hóa nguyên nhân này thì dầu cho cha mẹ có muốn con mình thoát khỏi cảnh thể hiện hành vi bạo hành nơi học đường hay với người khác thì cũng khó mà làm tốt được.
- Môi trường văn hóa bạo lực: Nguyên nhân dẫn đến bạo hành học đường dưới lăng kính tham, sân, si
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay không thể không kể đến những ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như: Phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng…). Những hình ảnh này được phát tán công khai trên mạng xã hội, đã trở thành vấn đề đáng lo ngại bởi mức độ lan truyền với tốc độ cao, đặc biệt nó luôn gây ra sự tò mò, thu hút đối với giới trẻ.
Theo Phật giáo, tiêu thụ phim ảnh bạo hành thuộc dạng bạo hành thức thực. Nghĩa là chúng ta tiêu thụ bằng tâm thức, đưa vào tâm thức một loại thức ăn gọi là “Thức thực”, là thức ăn cho dòng tương tục tồn tại từ đời này sang đời khác. Thức thực: Thức ăn là thức hay là thức ăn bởi thức. Nói đến thức ăn hay thực phẩm thì nó bao gồm hai phần: thức ăn cho thân thể và thức ăn cho tinh thần. Bốn loại thực phẩm bao gồm: Đoàn thực; xúc thực; ý tư thực và thức thực, là những dưỡng chất nuôi dưỡng cơ thể, duy trì sự sống hữu tình và dẫn đến tái sanh. Đức Phật đã dạy: “Bốn loại thức ăn là cái đáng nhàm tởm, các ngươi phải nhàm chán thức ăn”11.
Thế nhưng, chẳng những không nhàm tởm đối với loại thức ăn gọi là những sản phẩm của văn hóa bạo lực mà ngược lại, vấn đề tiêu thụ loại văn hóa bạo lực ngày nay dường như đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người trẻ. Theo con số thống kê một năm những vụ án chém giết, đánh nhau gây thương tích từ bên công an sẽ thấy được rằng, hầu hết những đứa trẻ phạm tội là những đứa trẻ rất thích bạo lực, bởi trước đó chúng đã xem nhiều phim hành động mang tính bạo lực hoặc những game mang tính bạo lực. Những hành vi vô pháp luật trong game như giết người một cách dã man được xem là chuyện bình thường sẽ dễ dàng dẫn đến những hành vi phạm pháp trong xã hội thực. Có thể nói, đây chính là môi trường tốt để nuôi dưỡng tội ác trong giới trẻ12.
Khi xem hay đọc những loại hình văn hóa bạo lực là chúng ta đang tiêu thụ vào trong cơ thể một loại thức ăn cho tinh thần. Những hành động xem hay đọc này gọi là nghiệp cảm. Nghiệp là hành động do tham, sân, si, ý muốn bất thiện khởi lên thúc đẩy. Vì tham đắm đối với những loại hình văn hóa này nên các em mất hết lý trí, gọi là si. Vì si nên những ý muốn bất thiện khởi lên như: bằng mọi giá phải kiếm được tiền để thỏa mãn đam mê dù phải trấn áp, cướp của, giết người… Tham và si tạo nhân duyên cho sân có mặt. Do đó mới có những vụ án trẻ em giết người do “cuồng game”, những vụ án giết người do xem phim bạo lực…
Như vậy, môi trường văn hóa bạo lực là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành học đường. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của Phật giáo, cội gốc của nó vẫn là từ ba độc tố tham, sân và si. Ba nguồn độc này đã dẫn các em đi vào các con đường sai lạc trong hành vi đạo đức. Bởi lòng tham đối với dục lạc là không chừa một ai. Trong kinh Đại Khổ Uẩn thuộc Trung Bộ kinh, đức Phật đã chỉ rõ nguyên nhân của mọi xung đột xảy ra là do lòng tham của con người đối với các dục lạc. “Này các tỷ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, sát-đế-lị tranh đoạt với sát-đế-lị, bà-la-môn tranh đoạt với bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè”13.
Khi nhìn nhận được những nguyên nhân căn bản của hiện tượng bạo hành trong học đường một cách chính xác thì việc hóa giải nó một cách triệt để mới có tính khả thi cao. Nếu chỉ mãi làm những việc như xử phạt hay cấm đoán học sinh mà không cho các em biết nguyên nhân thì chúng ta mãi chỉ chữa được phần ngọn của vấn đề.
- Những khiếm khuyết từ môi trường giáo dục nơi gia đình và nhà trường: Nguyên nhân của tham, sân, si dẫn đến bạo hành học đường
+ Từ gia đình: Thực tế ngày nay cho thấy, khi xã hội càng phát triển thì gia đình lại càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Các bậc cha mẹ phần nhiều đều tất bật với công việc và những mối quan hệ khác bên ngoài nên lơ là việc chăm sóc, giáo dục và định hướng cho con cái. Thậm chí không có bữa cơm chung của gia đình, không có thời gian quây quần bên nhau để tâm sự với con như một người thầy, người bạn để hiểu được tâm tư của con. Người ta cho rằng, “có tiền là có tất cả”, có tiền có thể cho con học ở những trường có chất lượng đào tạo tốt, có tiền người ta có thể mướn người thay thế bố mẹ chăm lo cho con, đưa đón con đến trường, có tiền người ta có thể tìm thầy giỏi về nhà dạy kèm cho con… Người ta cung cấp đầy đủ tiền bạc để con tiêu xài mà không cần biết con mình dùng tiền đó vào những khoản gì? Có tiền sanh tật, tật nghiện game on line, tật nghiện bài bạc, rượu chè… Khi không còn tiền thì lòng tham lại xúi các em trộm cắp để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, có khi lại trấn lột bạn bè, không được thì sân hận trỗi dậy khiến các em không còn tỉnh táo, rơi vào trạng thái si mê, dẫn đến bạo hành. Thầy giáo dù có trách nhiệm thế nào đi nữa thì cũng không thể giám sát hết tất cả học sinh của mình. Cho nên cha mẹ nào có thói quen đặt tất cả trách nhiệm cho nhà trường là một sự sai lầm và khó tránh khỏi những tình huống đáng buồn, khi con mình có những hành vi bạo hành trong nhà trường và có khi cả trong gia đình nữa.
Bên cạnh đó, nạn bạo hành gia đình cũng là nguyên nhân dẫn các em đến lối sống lệch lạc. Những hình ảnh chồng đánh vợ, vợ đánh chồng, cha đánh con… đã gieo rắc vào đầu trẻ sự tổn thương tâm hồn cũng như mầm mống bạo lực. Nói chung, khi cha mẹ không thể quán xuyến được con cái, trang bị cho con mình những kĩ năng sống… điều đó đã góp phần làm cho sự lệch lạc nhân cách của các em ngày một tăng dần, dẫn đến tình trạng bạo hành ngay trong môi trường sư phạm. Vì thế những khiếm khuyết trong cách giáo dục con cái là một trong những nguyên nhân căn bản để tham lam, sân hận và si mê dẫn dắt các em đi đến hành vi bạo hành, rơi vào các tệ nạn xã hội.
+ Từ nhà trường: Trong xu thế phát triển như hiện nay, các trường học chủ yếu tập trung giảng dạy về kiến thức văn hóa. Nội dung chương trình giáo dục đạo đức, giáo dục công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể để giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, giá trị của sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân, nhận diện và lên án các hành vi bạo lực... Hoặc “trong suốt quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh từ hệ thống mầm non cho tới hệ thống trung học, ở môn đạo đức và giáo dục công dân có tương đối đầy đủ những bài học về giá trị đạo đức, nhưng không nói rõ hay nhấn mạnh phẩm chất nào là trọng tâm”14 Vì thế, cách tiếp cận và sử dụng những bài học đạo đức đó vào trong ứng xử hàng ngày của các em gần như không có, thậm chí nhiều em không hề quan tâm tới những giá trị đạo đức đó. Chính sự giáo dục đồng bộ và thiếu sự xuyên suốt đó của nhà trường đã làm cho những giá trị đạo đức ở bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên trở nên mờ nhạt, dẫn đến lối sống thiếu lành mạnh, từ đó dẫn tới nạn bạo hành học đường.
Mặt khác, một số thầy cô giáo cũng chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Sự tha hóa đạo đức, nhân cách của một nhà giáo, cũng như căn bệnh chạy theo thành tích, không giám sát chặt chẽ với học trò, chưa thường xuyên liên hệ với gia đình để quản lý, giáo dục học sinh đã khiến nhiều học sinh mất phương hướng, bế tắc trong cuộc sống.
Hiện nay nhà trường chỉ áp dụng vấn đề kỷ luật và khen thưởng. Khen thưởng những ai có công, đóng góp nhiều cho đơn vị đó và kỷ luật những ai có hành vi trái với phép tắc được đặt ra, nặng hay nhẹ tùy theo tình huống. Theo Phật giáo, đó chỉ là cách ngăn chặn, thông qua sự trừng phạt, dấy lên sự sợ hãi để các em tránh vi phạm. Nhà trường hầu như không có môn học nào về kỹ năng làm chủ “tâm”, vốn được xem là kiến trúc sư của hành vi. Gỉ sắt từ sắt mà ra làm cho sắt mục, điều xấu cũng thế, phát xuất từ cái tâm của con người và phá hủy cái tâm ấy. Có một câu ngạn ngữ: “Hãy giữ cho tâm không đổi. Khi tâm không đổi, thì cả thế gian này sẽ không đổi.” Hãy hiểu rằng mọi sự phân biệt trên thế gian đều do cách nhìn nhận phân biệt của tâm mà ra. “Tâm tham phát sinh từ ác kiến về thỏa mãn; Tâm sân phát sinh từ ác kiến về tình trạng công việc và môi trường xung quanh; tâm si phát sinh từ không có khả năng đánh giá hạnh kiểm đúng là hạnh kiểm gì. Nếu con người bị nhiễm tham, sân, si họ sẽ nói dối, lừa gạt, sát sinh, trộm cắp và đi vào con đường của các tệ nạn”15. Cũng vậy, chính tâm trí của các em chứ không phải của ai khác có thể cám dỗ các em đi theo con đường xấu. Chính tâm tham, tâm sân và tâm si đã tạo ra hành vi bạo hành học đường.
Do đó, nếu không có những bài học về kỹ năng làm chủ tâm để giúp các em vượt qua những khó khăn khi bạo lực trỗi dậy trong tâm, các em sẽ không biết kỹ năng vượt lên như thế nào, khi tình huống ngang trái xảy ra thì các em lại tiếp tục trở thành nạn nhân của chính mình, đồng thời gây khổ đau cho bạn đồng lứa. Chữa lửa phải chữa từ nguyên nhân chứ không phải chữa khi nó xảy ra rồi thì kết quả mới đạt được ở mức độ cao. Không thể để các em phạm pháp rồi mới dùng hình phạt. Hình phạt chỉ có tác dụng kiềm chế tội phạm tạm thời, sau một thời gian bị kiềm chế chững lại thì tội phạm lại bắt đầu quen với hình phạt đó, thậm chí có tình trạng thách thức pháp luật khi tiếp tục phạm tội, người ta gọi đó là nhờn luật. Vì thế, ngăn ngừa hành vi bạo hành từ gốc, không để ba độc tố tham, sân, si dẫn dắt các em đi đến hành vi bạo lực được thực hiện bằng bài học về kiểm soát tâm được xem là một trong những cách tiếp cận của Phật giáo đối với vấn đề giải quyết vấn nạn bạo hành học đường.
Giải pháp phòng, chống bạo hành học đường theo Phật giáo
Như trên đã trình bày, những hành vi bạo hành học đường đều có nguồn gốc từ tâm tham, tâm sân và tâm si, chúng thúc đẩy các em phạm vào những hành vi bạo hành. Những gốc rễ này nếu chưa được khắc phục một cách đáng kể, hoặc chưa được kiềm chế trước những biến động trong môi trường học đường thì vẫn khó có thể nghĩ đến một môi trường học đường không có bóng dáng của bạo hành, cũng như khó có thể giữ vững những giá trị đạo đức từ môi trường sư phạm. “Ngày nay chúng ta nghe nói nhiều về năng lực của ý, nhưng Phật giáo là hệ thống điều tâm đầy đủ và hữu hiệu nhất chưa từng có trên thế giới”16. Vì thế, việc ứng dụng hệ thống điều tâm này vào nền giáo dục học đường có thể được xem là cách tiếp cận của Phật giáo về vấn đề giáo dục đạo đức trong môi trường sư phạm, thiết nghĩ là điều nên thực hiện. Khi mà hiện nay, bạo hành học đường đã trở thành một vấn đề nhức nhối của giáo dục toàn cầu và được cả xã hội đặc biệt quan tâm.
Cũng vì thế, trong phần trình bày này, người viết muốn nhìn nhận giáo dục từ góc độ của Phật giáo, qua việc góp phần đề xuất khả năng đưa tinh thần Phật học, cụ thể là chương trình Năm giới vào triết lý giáo dục toàn diện - một triết lý hiện đại và hiệu quả đã và đang được áp dụng ở nhiều quốc gia phát triển. Đây là một xu hướng chuyển mình đúng đắn, nhằm khắc phục những hạn chế vốn có, tìm cách đổi mới giáo dục17. Có thể xây dựng môn học Giáo dục đạo đức theo triết lý tôn giáo tương tự như một môn học trong chương trình học ở các cấp học phổ thông bên cạnh các môn học giáo dục đạo đức đã có như Giáo dục công dân…
Năm giới hay Năm điều đạo đức là những chuẩn mực đạo đức tạo ra con người lý tưởng theo đúng chân nghĩa của nó. Năm giới này bao gồm: (1) Không sát sinh; (2) Không lấy của không cho; (3) Không tà dâm; (4) Không nói dối; (5) Không uống rượu. Năm giới này là để áp dụng cho con người, cho đời sống của con người nhằm để ngăn chặn các hành vi bất thiện do con người tạo ra (theo nghĩa tiêu cực), và để tạo ra an lạc, hạnh phúc thật sự cho chính con người, xã hội (theo nghĩa tích cực)18.
- Không sát sanh: Giải pháp phòng, chống bạo hành học đường theo Phật giáo
+ Sát sanh: Nguồn gốc của hận thù, xung đột và bạo hành
Nếu Giáo dục đạo đức theo triết lý Phật giáo được xem như là môn học trong chương trình học ở các cấp phổ thông thì Năm điều đạo đức là một trong những bài học của môn học này. Trong đó lấy Giới không sát sanh làm bài học đầu tiên.
Thực tập giới thứ nhất là bài học về tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài trên trái đất, không nên hỗ trợ cho bất cứ một hành vi nào đưa đến sự giết hại. “Nên nghĩ rằng: ta biết tiếc mạng sống, yêu thân mình, thì kia cũng như vậy, cùng với ta khác gì? Tất cả người đời, thà cam chịu hình phạt, tàn tật, khảo đánh để hộ mạng sống”19.
Bất kỳ chúng sanh nào trên thế gian này cũng đều mong có thể tránh né khổ đau và cố gắng tìm kiếm sự sung sướng, thoải mái trong cuộc sống. Ta có thể nhìn thấy điều này ngay cả ở côn trùng, muông thú và chim chóc, tất cả chúng ta cũng đều như vậy. Nhân quả của nghiệp giết hại phân minh rõ ràng, tất cả những biểu hiện liên quan đến sức khỏe và thọ mạng của một người đã phản ánh rõ nét về nghiệp sát sanh của người đó có thể ở mức độ nào.
“Nếu sát sanh thì bị người lành chê trách, kẻ oan gia ghen ghét, vì mắc nợ mạng kia nên thường hay sợ hãi, bị kia oán ghét, khi chết ăn năn, sẽ đọa trong địa ngục, hoặc trong loài súc sanh, hoặc sanh trong loài người thì thường phải chết yểu”20. Ví dụ như những kẻ giết người, có bao giờ họ được yên thân, chẳng những họ phải chịu hình phạt của pháp luật mà còn bị người đời nguyền rủa. Họ hối hận vì hành vi giết hại của mình, họ ray rứt lương tâm trong suốt thời gian còn lại của sự sống. Có người trước khi lãnh án tử họ hối hận muốn làm một điều gì đó có ích để một phần nào đó chuộc lại lỗi lầm, như hiến xác cho y học. Mặc dù y học rất cần những người hiến xác để cứu biết bao nhiêu bịnh nhân đang chờ chết, tuy nhiên, ước nguyện của tử tù vẫn không được thực hiện. Thế mới thấy rằng, kẻ sát sinh cho đến chết vẫn phải bị hận thù, chịu sự oán ghét của không những người thân của người bị hại mà còn chịu sự nguyền rủa của người đời. Đức Phật cũng đã dạy rõ về việc sát sanh: “Này các Tỳ kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe người đồ tể, sau khi giết các con dê, heo, bò… được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn. Vì sao? Vì người đồ tể giết các loài thú, với ác ý nhìn các loài thú bị giết; vì vậy người ấy không được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn. Huống gì người với ác ý nhìn loài người bị giết, bị đem đi giết hại. Như vậy là bất hạnh, đau khổ lâu dài cho vị ấy, sau khi mạng chung sanh vào đọa xứ, ác thú và địa ngục”21.
Tâm lý thích giết, vui khi thấy giết hiện nay còn bị đầu độc thêm bởi những loại văn hóa bạo lực như phim ảnh bạo lực, game bạo lực… Tâm lý này đã dẫn dắt con người đến với những hành vi bạo hành mà không hề run sợ. Cũng vậy, chính tâm lý này là động cơ của sự hiếu chiến, làm cho các em dễ dàng nổi giận, không kiềm chế được cảm xúc, dẫn đến những xung đột, và đỉnh điểm là bạo hành học đường diễn ra với những hành vi bạo hành dã tâm, sẵn sàng thóa mạ, đánh đập bạn một cách tàn nhẫn. Còn những em không trực tiếp tham gia bạo hành thì lạnh lùng đến vô cảm, mặc nhiên quay lại cảnh tượng đó rồi tung lên mạng xã hội cho mọi người cùng biết!
Nói chung, bài học đầu tiên về giới không sát sanh là vấn đề giáo dục học sinh nhận thấy sát sanh là cội nguồn của hận thù, xung đột và bạo hành. Các em sẽ ý thức được những khổ đau do sự giết chóc gây ra và nguyện không sát hại, không để kẻ khác sát hại và không khuyến khích cho bất cứ một hành vi sát hại nào cả. Vì thế, không có lý do gì để các em phải có những hành vi bạo hành thầy cô giáo cũng như bạn đồng học của mình khi trái tim của các em đã được tưới tẩm bởi những giáo lý đong đầy tình thương yêu và lòng từ bi đối với con người cùng với muôn loài.
+ Không sát sanh: Tình yêu đối với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống
Ở nội dung bài học này, học sinh sẽ được giáo dục về tình yêu đối với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống. Thông thường con người vẫn hay nghĩ rằng, con người và thế giới thực vật và động vật là khác biệt nhau, không có gì liên quan đến nhau cả. Nhưng thực ra con người chính là một phần của thiên nhiên22, cần ý thức rõ điều này để tạo dựng một đời sống hài hòa với thiên nhiên.
Theo giáo lý duyện khởi của Phật giáo, bản chất của các hiện tượng đều có nhân duyên trong đó, “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt, cái kia diệt”23. Từ lời dạy của đức Phật bao hàm đầy đủ khái niệm về mối tương quan tương duyên của vũ trụ, không khó để nhận thấy con người cũng là một thực thể của vũ trụ, là một phần của thiên nhiên. Theo đó, vạn vật trên thế gian này đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, phụ thuộc vào nhau, chân lý đó của đức Phật hoàn toàn phù hợp với quy luật sinh tồn tự nhiên. Điều đó có nghĩa, sự kiện chân thực của vạn pháp về vũ trụ và con người đều tương quan tương duyên với nhau trong mối quan hệ bất khả phân ly. Trong pháp giới trùng trùng duyên khởi, không một sự vật nào đứng riêng lẻ mà có thể tồn tại được, nếu một mắt xích trong mối quan hệ đó bị cắt đứt tất sẽ làm đảo lộn, thay đổi và dẫn đến sự diệt vong. Tầm nhìn về nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo đã nói lên một điều rằng, chúng ta phải đối xử với thế giới xung quanh ta như đối xử với chính bản thân mình, khi ta biết yêu thương mình thì cũng phải biết yêu thiên nhiên, đó cũng là cách thể hiện quyền bình đẳng về sự sống.
Khi chế ra giới cấm sát sanh, đức Phật đã dạy về giáo lý từ bi, và đó cũng là sự trở về với quy luật tự nhiên, hạn chế can thiệp vào tự nhiên để thỏa mãn mục đích của mình, đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính con người24.
Hiện nay vấn nạn về môi trường đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người, đến sự sống và sự tồn vong của nhân loại. Do đó, việc đưa giáo lý từ bi không giết hại và tôn trọng sự sống của muôn loài vào việc giảng dạy ở các trường phổ thông là cách tiếp cận Phật giáo để học sinh nhận thức rõ về mối quan hệ không thể tách rời giữa con người và thiên nhiên, và cùng nhau hành động để cứu lấy môi trường, bởi đó là sự sống của chính con người.
Để các em mở rộng tâm mình, đón nhận tình yêu bao la từ thiên nhiên, cũng như tuyên truyền và vận động cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, không đồng tình và không ủng hộ các hành vi tàn phá thiên nhiên cũng như sát hại các loài động vật. Ở đây cũng tùy theo từng cấp học khác nhau mà nội dung giáo dục cũng có khác.
“Ở cấp tiểu học, học sinh sẽ được nghe sự truyền đạt từ thầy cô giáo về tình yêu thiên nhiên được qua việc không giết hại, không xả rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, không đồng tình với những hành vi phá hoại thiên nhiên. Đối với cấp trung học cơ sở, học sinh sẽ được học và thực hành một cách tích cực việc chủ động bảo vệ thiên nhiên, sống hòa hợp, thân thiện với thiên nhiên. Đồng thời tham gia các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, phản đối những hành vi phá hoại thiên nhiên. Đối với cấp trung học phổ thông, không những tự giác làm mà học sinh còn tích cực vận động người khác cùng tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Biết tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đấu tranh ngăn chặn các hành vi sử dụng bừa bãi, lãng phí vật dụng tài nguyên”25.
Mặc dù không có một bài kinh hoặc một chương nào đức Phật dạy trực tiếp về việc xây dựng một lý thuyết bảo vệ môi trường, song triết lý nhân sinh và những điều luật không chỉ là những nguyên tắc đạo đức trong cách hành xử của con người mà nó còn là những bài học có thể đưa vào giảng dạy cho học sinh. Với nguyên lý nhân quả, tức chính là sự thật duyên khởi: “Khi nào A hiện hữu, B hiện hữu; khi nào A không hiện hữu, B không hiện hữu. Do vậy, từ sự sinh khởi của A, B sinh khởi; từ sự chấm dứt của A, B chấm dứt”26. Khi các em nhận thức rõ về mối quan hệ này, điều đó sẽ là động lực làm sinh khởi và nuôi lớn trong các em tình yêu đối với thiên nhiên, cũng như ý thức rõ về việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, điều mà ngày nay cả thế giới đang kêu gọi nhân loại hưởng ứng. Tất cả vì một lá phổi xanh, nơi mà chính con người đang trú ngụ. Biết yêu thương và bảo vệ thiên nhiên có nghĩa các em đã nuôi dưỡng tâm từ bi. Vậy thì không có lý do gì đối với bậc thầy cô hay bạn đồng học mà các em lại có những hành vi bạo hành.
- Không trộm cắp: Giải pháp phòng, chống bạo hành học đường theo Phật giáo
+ Không trộm cắp: Tôn trọng sự công bằng, thể hiện tâm từ bi, tránh được oán thù và quả báo xấu
Nạn trộm cắp trong môi trường giáo dục cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành học đường. Bạo hành phát xuất từ tội trộm cắp thường rơi vào những tình huống như: “ê mày, có đồng nào cho tụi tao xài coi”, nếu không đưa thì liền bị trấn lột, bị ăn đấm đá ngay; “mày mà báo lại với thầy cô, cha mẹ là hết đường sống”27… Vì thế, vấn đề giáo dục về “không trộm cắp” ngay trong học đường thiết nghĩ cũng là một trong những giải pháp để chấm dứt nạn bạo hành học đường. Bài học về “Không trộm cắp” sẽ cho học sinh những nhận thức về sự công bằng trong quyền sở hữu, giúp các em thấy được những oán thù và quả báo xấu mà người trộm cướp phải chịu trách nhiệm. Khi nhận thức rõ về những điều đó các em mới có thể nuôi dưỡng tâm từ bi bằng cách nói không với trộm cắp. Một khi đã không còn trộm cắp trong môi trường giáo dục thì bạo hành học đường xem như đã chấm dứt.
+ Không trộm cắp: Bài học về “tôn trọng sự công bằng”: Luôn ý thức rằng, quyền sống của con người luôn đòi hỏi sự công bằng. Mọi áp bức, bất công, chiếm đoạt… đều đưa đến sự mất công bằng. Chẳng ai muốn quyền sở hữu của mình bị người khác chiếm đoạt. Khi mất đi tài sản, dù lớn hay nhỏ cũng khiến người ta đau khổ. Do đó, khi biết đó là vật sở hữu của người khác mà sanh tâm trộm cắp là điều hết sức bất công.
+ Không trộm cắp: Bài học về “thể hiện tâm từ bi”: Khi thân không phạm vào giới trộm cắp, cả trong ý nghĩ cũng không khởi lên ý niệm trộm cắp, có nghĩa người đó đã tu tập tâm từ bi: Không cướp giựt, không lừa đảo ai, không lấy của người, không nhặt của rơi, những gì không cho thì không được lấy; tôn trọng sở hữu của những người khác, khi có điều kiện, gắng làm từ thiện. Đối với tài vật của những người khác không khởi tham muốn, không chiếm đoạt về, không mê hưởng thụ. Khi người đến xin, tâm không lẫn tiếc, giúp nghèo, cứu ngặt, giúp cho mọi người vượt qua khổ đau28.
+ Không trộm cắp: Bài học về “tránh được oán thù và quả báo xấu”: Trộm cắp là một biểu hiện của lòng tham. Lấy của không cho thuộc về mình là một thói quen khó bỏ, và chắc chắn một điều là đau khổ sẽ theo sau, dù là cuộc sống ở hiện tại hay trong tương lai. Thường thì người trộm tâm họ không được an ổn, họ đã gieo nỗi khổ cho người khác nên luôn phải sống trong nỗi lo sợ, phần thì lo không biết ngày nào phải đối diện trước pháp luật, phần thì lo sợ người mất của một ngày nào đó sẽ truy nguyên ra kẻ trộm tài sản của họ… “Cướp giật được vật để cung cấp cho mình, tuy thân có đầy đủ rồi cũng phải chết, chết vào địa ngục. Tuy cả gia thất thân thuộc cùng được thọ vui mà chỉ riêng mình chịu tội, cũng không cứu được”29.
+ Không trộm cắp: Thực hành hạnh bố thí, tùy hỷ công đức
Không trộm cắp là tôn trọng sở hữu tài sản của cá nhân, của tập thể hay của quốc gia. Tôn trọng chỉ là một mặt của hành động chân chính. Mặt khác là thực hành hạnh bố thí, vì lòng tham lam cần phải được điều phục bằng hạnh bố thí. Ở bài học này, ngoài bài học lý thuyết là dạy cho học sinh hiểu về bố thí, tùy hỷ công đức, có thể hướng dẫn các em những buổi học trải nghiệm bằng cách tiếp cận với thực tế.
- Hạnh bố thí và tùy hỷ công đức: Bố thí là hạnh đầu tiên mà đức Phật dạy cho tất cả những ai đến với Ngài. Bố thí là mở rộng tấm lòng, san sẻ vật chất cho những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh từ thực phẩm, thuốc men, quần áo… cho đến tạo công ăn việc làm cho những người đang thất nghiệp, chia sẻ sự hiểu biết, giảng giải về giáo lý v.v... Một nụ cười với người đang sợ hãi hay một lời an ủi với người đang đau khổ cũng là một sự bố thí. Quan niệm của Phật giáo về bố thí được hiểu trên nhiều phương diện, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn,… và bất cứ khi nào khi cơ hội đến trong hoàn cảnh nào cũng có thể thực hành hạnh bố thí.
Điều mà ai cũng biết là bố thí sẽ mang lại phước báo tốt lành trong hiện tại và tương lai. Bố thí còn là một hình thức của tu tập về xả, nhằm đoạn tận chấp thủ và đạt đến ly tham. Khi thấy được sai lầm trong quan niệm thỏa mãn các nhu cầu tham ái là hạnh phúc để không chạy theo, không tìm cầu hạnh phúc từ bên ngoài, trong đó có việc gây ra khổ đau cho người bằng hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu của người khác.
“Nếu không có tài sản để bố thí và cúng dường, đức Phật dạy nên tùy hỷ công đức. Nhiều người không có tiền nhưng biết vận động, lấy uy tín và sự chính trực của mình để cho người khác tin tưởng và đóng góp vào việc làm từ thiện. Dầu không tốn tiền bỏ ra nhưng vẫn được xem có phước báo cộng hưởng. Người nối kết như thế phước lại nhiều hơn”30. Giá trị của lòng tùy hỷ làm cho con người ngày càng thăng hoa tiến hóa. Lòng tùy hỷ không chỉ mang lại an vui cho bản thân mà còn mang lại an vui cho người khác. Hạt giống của tùy hỷ sẽ mang lại phước báo về sau.
+ Trải nghiệm bằng cách tiếp cận với thực tế: Đây là hoạt động có động cơ, có đối tượng, được thực hiện trong thực tế, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Với bài học này, học sinh sẽ được tham gia các hoạt động từ thiện vì người nghèo, vì những mảnh đời bất hạnh. Bài học trải nghiệm bằng cách tiếp cận với thế giới của những cảnh nghèo, những mảnh đời bất hạnh, điều đó sẽ cho học sinh có cái nhìn đa diện về cuộc sống, mọi thứ chung quanh sẽ không phải là tốt đẹp hoàn toàn. Thông qua phương pháp dạy và học bằng những trải nghiệm từ cuộc sống, thầy cô giáo sẽ hướng dẫn các em được tiếp cận với những hoàn cảnh khó khăn như: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn, không nơi nương tựa ….
Cách học này mới thực sự là cách vừa dạy chữ, vừa dạy người, nó sẽ tạo ra những thay đổi tư duy, giúp các em luôn sống tích cực, nhân văn. Điều đó có thể là những đóng góp tuy nhỏ nhưng lại thể hiện tinh thần bố thí mà các em được học như: Tiết kiệm bớt trong khoản tiền tiêu vặt; bớt tiền ăn sáng, không chơi game; không tổ chức sinh nhật một cách tốn kém quá nhiều tiền… để sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có điều kiện dành dụm để sớt chia. Trong những trường hợp đó, với bài học “tùy hỷ công đức” sẽ giúp các em biết vui theo bạn mình khi bạn có những đóng góp cho lớp, cho trường trong công tác từ thiện. Hoặc đem sự hiểu biết, kiến thức của mình để giảng dạy cho những lớp học tình thương, những nơi mà con chữ còn quá xa vời với các em.
Những việc sẻ chia theo tinh thần bố thí sẽ góp phần giúp các em học sinh xây dựng tính cộng đồng, sẻ chia trên tinh thần thương người và giúp người, phát triển toàn diện tri thức và đạo đức để trở thành những công dân ưu tú và có ích cho xã hội. Đồng thời, tinh thần bố thí của các em phần nào chính là lời kêu gọi hữu ích nhất cho mọi sự ủng hộ các hoạt động từ thiện trong xã hội.
- Không tà dâm: Giải pháp phòng, chống bạo hành học đường theo Phật giáo
+ Không tà dâm: Tránh được oán thù và quả báo xấu
Để giải quyết nạn bạo hành học đường từ nguyên nhân tình yêu, tình dục dẫn đến ghen tuông, đánh nhau… bên cạnh việc được giáo dục về giới tính, tình yêu, tình dục từ nhà trường, cũng phải có sự chủ động từ các bậc cha mẹ trong vấn đề dạy cho con về giới tính, làm bạn với con để lắng nghe, để dạy chúng biết cách phòng tránh, bảo vệ mình khi bị xâm hại… Tuy nhiên, trong cách tiếp cận của Phật giáo về vấn đề này, bên cạnh những giải pháp trên, việc đưa “giới không tà dâm” vào giảng dạy cho học sinh chính là đưa ra giải pháp nhằm triệt tiêu vấn nạn bạo hành học đường.
“Giới luật này của đức Phật thường được diễn giải như là sự kiềm chế không phạm vào hành động tình dục sai trái. Đức Phật thực sự muốn khuyên chúng ta phải kiềm chế không sử dụng các giác quan bừa bãi. Tà dâm là một hình thức sai phạm đặc biệt tai hại của sự lạm dụng đó. Các hành động này bao gồm hiếp dâm, buộc người khác quan hệ tình dục mà không có sự đồng ý của họ, hoặc lạm dụng tình dục với trẻ em, người không thể tự bảo vệ”31. Tà dâm hay ham muốn thì chóng qua nhưng cái giá phải trả là đánh mất đi nhân cách, phẩm hạnh của một con người. Tà dâm luôn mang lại tai hại cho cả hai người, bởi họ phải luôn lo lắng, sợ hãi về sự ghen tuông, về mối quan hệ sai trái của mình. Quả báo mà người tà dâm phải nhận như Phật dạy: “Người tà dâm, sau đọa vào địa ngục cây gươm, chịu đủ mọi khổ. Khi được ra khỏi mà làm người thì gia đạo bất hòa, thường gặp dâm dục, tà vạy, giặc ác. Tà dâm là hoạn nạn ví như rắn độc, cũng như lửa lớn, không gấp rút xa lánh, thì họa lại ập đến”32. Như vậy, không tà dâm con người sẽ không phải rơi vào cảnh lo lắng, sợ hãi hay lo sợ bị oán thù, bị ghen tuông, và cũng không phải sợ những quả báo xấu về sau.
+ Không tà dâm: Bài học về lòng từ bi và những nguy hại của dục vọng
Đối với môi trường học đường thì tà dâm được hiểu là những trường hợp học sinh yêu sớm, nông nổi đã đưa đến những hậu quả không lường như: đánh ghen dẫn đến bạo hành học đường, “làm mẹ bất đắc dĩ”, quyên sinh vì bị người yêu, người tình ruồng bỏ… “Cũng vì thiếu hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản trước khi thành người lớn, rất nhiều nữ sinh rơi vào cảnh “bà mẹ tuổi teen” khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ dang dở ước mơ, không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ, với người thân, không ít nữ sinh đã rơi vào bế tắc rồi tìm đến cái chết”33.
Khi đưa giới không tà dâm vào giảng dạy cho học sinh, điều đầu tiên là để các em thấy được những oán thù và quả báo xấu mà người phạm vào giới tà dâm phải gánh chịu. Tà dâm khi đối tượng là học sinh có thể rơi vào những trường hợp như: Quan hệ với trẻ em dưới mười sáu tuổi, quan hệ tình dục bừa bãi, “khoảng 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên”34. Do chưa trưởng thành cả về mặt sinh học cũng như về mặt xã hội, tuổi học trò chưa đủ chín chắn để ý thức hết về bản thân, nên một khi tình yêu bị đánh mất hoặc có người thứ ba, lòng ghen trỗi dậy thì dùng bạo lực để tranh giành, vi phạm pháp luật dẫn đến tù tội, thậm chí là hủy hoại đời mình.
Bên cạnh việc nhận thức được những oán thù và quả báo xấu do tà dâm, học sinh có thể được học về mức độ nguy hiểm của dục vọng. Đối với dục này đức Phật đã dạy: “Ta đã thuyết các dục được ví như khúc xương… được ví như miếng thịt… được ví như bó đuốc cỏ khô… được ví như hố than hừng… Ta đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, và do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn”35. Việc nhận thức được những nguy hại của đam mê dục vọng giúp các em có được sự kiểm soát các giác quan và hóa giải dục vọng.
Để không còn bám víu vào những nhu cầu thúc bách trong thân xác và những xúc cảm u mê trong tâm thức, vẫn còn có một bài học, đó là tâm từ bi. “Chúng ta coi tất cả phụ nữ như là chị, em gái của mình và tất cả mọi người nam như là em, anh trai, những người lớn tuổi như cha mẹ mình, và những người nhỏ tuổi như con cái mình. Được thế thì lòng ham muốn sẽ biến mất. Vì đơn giản là ta không còn nhìn người khác phái như một đối tượng của ham muốn tình dục, ngay cả những ham muốn vi tế cũng tan vào trong lòng bi mẫn bao la và sự quan tâm cho an toàn của người khác”36. Khi các em đã thấy được những oán thù và quả báo xấu của tà dâm, cũng như những nguy hại của dục vọng và đối xử với bạn đồng học của mình với tâm từ và lòng bi mẫn, thiết nghĩ nạn bạo hành học đường từ những nguyên nhân tình yêu, tình dục dẫn đến ghen tuông, đánh nhau sẽ không còn, đồng thời cũng sẽ dẫn đến sự triệt tiêu hoàn toàn.
- Không nói dối: Giải pháp phòng, chống bạo hành học đường theo Phật giáo
+ Không nói dối: Bài học về lời nói hòa hợp và đoàn kết
Nói dối được hiểu là lời nói không đúng với sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Động cơ đưa đến nói dối thường là những lo sợ hậu quả khi nói ra sự thật; hoặc cố gắng che dấu những cái không thuộc về mình, những điều mình không biết, hoặc biết không đúng với sự thật nhưng vẫn làm ra vẻ ta đây là biết để không bị người khác cho rằng mình ngu ngốc, trình độ kém cỏi, để không bị coi thường… Ngoài ra nói dối có thể là do sợ bị phạt, bị khước từ những lợi ích cá nhân… Do đó, tùy vào hoàn cảnh mà người ta viện đủ các lý do để che đậy tội lỗi của mình bằng hành vi nói dối. Như vậy, nói dối làm mất đi phẩm chất đạo đức của con người, gây ra những tai hại không những cho mình mà còn cho người. Từ gia đình, học đường cho đến quốc gia, nếu lời nói dối tồn tại ở nơi nào thì nơi đó xung đột, bạo hành, chiến tranh luôn có mặt. Bằng phương cách của lời nói xây dựng và đoàn kết, có thể xem đây là giải pháp để ngăn chặn những xung đột, bạo hành bắt nguồn từ nói dối.
Lời nói xây dựng và đoàn kết phải là lời nói không dối trá, không thâm độc, thô lỗ, mỉa mai, cộc cằn và phù phiếm.
- Không nói lời dối trá: Dối trá là lời nói sai sự thật. “Khi một người được dẫn ra làm chứng và được hỏi: Này người kia, hãy nói những gì ông biết; dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: Tôi biết; dầu cho người ấy biết, người ấy nói: Tôi không biết; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: Tôi thấy; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: Tôi không thấy. Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ”37.
Không nói dối bằng cách tuyên bố sự thật, sự thật đó là khi biết thì nói tôi biết; không biết thì nói tôi không biết; thấy thì nói tôi thấy, không thấy thì nói tôi không thấy. Đôi khi nếu sự im lặng của chúng ta sẽ phản ánh một điều sai sự thật thì vẫn gọi là nói dối. Ví dụ, một bạn học sinh bị một nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng, khi sự việc được nhà trường điều tra và hỏi về sự việc xảy ra, những học sinh nào đã tham gia vụ bạo hành, mặc dù đã có một đám đông học sinh vây quanh, hò hét, cổ vũ nhưng những học sinh này vẫn im lặng, không khai báo, đơn giản là sợ bị trả thù, đó cũng là nói dối. Có những trường hợp sự thật cần phải được giữ kín, vì nếu nói ra có thể làm hại người khác. Trong trường hợp đó, nếu nói ra cũng gọi là nói dối. Chính đức Phật cũng thường giữ yên lặng khi câu trả lời của Ngài có thể làm cho người hỏi phải đau khổ.
- Lời nói thâm độc là loại ngôn ngữ phá hỏng các mối quan hệ của mình, của người, làm tổn hại đến thanh danh của người khác.
- Dùng lời nói để tấn công người bằng cách mỉa mai, chỉ trích, hạ nhục người, tất cả đều thuộc loại lời nói thô lỗ và cộc cằn. Những loại lời nói này không chỉ làm tổn thương người mà còn làm mất đi phẩm giá của người nói.
Tất cả các loại lời nói trên đây đều là lời nói đưa đến những mối bất hòa, xung đột, bạo hành… Cách để sử dụng lời nói hòa hợp và đoàn kết là tự hỏi trước khi nói: Lời nói này có đúng với sự thật không? Có gây tổn thương và làm hại ai không? Có chia rẽ mối quan hệ của người không? Lời nói này có giá trị và ý nghĩa không? Có mang lại lợi ích không? Có đúng lúc để nói điều đó không? Nếu đó là lời nói đúng với sự thật, nói đúng lúc, không mang lại phiền phức, không chia rẽ và gây tổn hại cho ai cả thì nhất định đó là lời nói mang lại sự hòa hợp, đoàn kết cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào.
+ Không nói dối: Bài học về lòng chính trực và tâm từ bi
“Chính trực là đức tính của sự trung thực và tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ; nói cách khác, nó là sự trung thực gắn liền với đạo đức”38. Khi đức Phật dạy về không nói dối, vậy Ngài đã dạy về lòng chính trực như thế nào? Lòng chính trực đã được đức Phật dạy cho La Hầu La ngay trong bài kinh Giáo Giới La Hầu La. Năm tám tuổi, La Hầu La nhiều lần nói dối, khi biết chuyện đức Phật đã dạy La Hầu La khi La Hầu La mang đến một thau nước cho Phật rửa chân. Sau khi rửa chân, đức Phật đã hỏi: “Này La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái chậu nước không? Cũng ít vậy, này La Hầu La, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý. Rồi Thế Tôn, sau khi đổ đi chút ít nước còn lại ấy rồi bảo La Hầu La: Cũng đổ đi vậy, này La Hầu La, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý. Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo Tôn giả La Hầu La: Cũng lật úp vậy, này La Hầu La, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý. Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả La Hầu La: Cũng trống không vậy, này La Hầu La, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý. Do vậy, này La Hầu La, Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi, này La Hầu La, con phải học tập như vậy. Sau đó đức Phật đã chỉ dẫn La Hầu La làm sao để suy xét mọi hành động của mình: Khi con đang làm một thân nghiệp, khẩu ngiệp, ý nghiệp, con cần phải phản tỉnh như sau: hành động này có gây tổn hại cho mình và cho người không. Nếu trong khi phản tỉnh, con thấy hành động đó đưa đến hại mình, hại người thì con hãy từ bỏ. Còn nếu hành động đó không đưa đến hại mình, hại người thì con cần phải tiếp tục làm”39.
Câu chuyện đức Phật dạy đệ tử về không nói dối như lời nhắc nhở chúng ta rằng những lời la mắng giận dữ đối với con cái hay học trò thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy đệ tử mà không trừng phạt hay nổi giận. Thay vì dạy đệ tử nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, đức Phật đã dạy cho đệ tử suy gẫm về lợi ích và có hại, điều này đòi hỏi phải có lòng bi mẫn. Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” giúp giải thoát đời sống đạo đức con người khỏi những ý niệm và việc làm đôi khi nó không hề có ý nghĩa gì cả. “Có lợi và có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình, những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên.
Phương pháp giáo hóa của đức Phật khiến chúng ta càng tin tưởng thêm rằng, chúng ta cần gieo xuống nơi tâm hồn của các em những hạt giống của tâm từ bi, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu và tâm từ bi sẽ không có được nếu các em chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!” Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là cha mẹ và thầy cô giáo, bởi họ phải luôn là những tấm gương đạo đức để học trò có thể tin tưởng vào họ, tin tưởng rằng họ có thể giúp các em trưởng thành bằng lòng chính trực và tâm từ bi chứ không nhất thiết phải là những hình phạt mới gọi là giáo dục.
- Không uống rượu: Giải pháp phòng, chống bạo hành học đường theo Phật giáo
+ Uống rượu: Con đường ngắn nhất dẫn đến tội lỗi
“Trước thực trạng về nạn uống rượu bia của học sinh hiện nay, Bộ Y tế đã có cảnh báo: Hành vi uống rượu đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên và tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của hàng trăm loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh như: Rối loạn tâm thần kinh, động kinh, trầm cảm, lo âu, bạo hành, giảm khả năng tư duy, học tập ở vị thành niên. Từ những hệ lụy từ rượu bia, Hội thảo góp ý Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã bổ sung thêm nhiều điểm mới vào Luật phòng chống tác hại của rượu bia, chẳng hạn cấm bán rượu bia cho trẻ ở tuổi vị thành niên, hay việc cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng...”40. Hoặc cũng có những chương trình như, “Chương trình “Học sinh nói không với đồ uống có cồn” cho học sinh trung học phổ thông là một trong các nhiệm vụ được cụ thể hóa hành động thực hiện triệt để, quyết liệt các chủ trương, định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên … Từ đó, với vai trò là những công dân nhỏ tuổi, các em sẽ lan tỏa thông điệp tới gia đình, bạn bè, cộng đồng, và hình thành hành vi đúng mực, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ”41.
Bên cạnh đó, theo Phật giáo, việc giáo dục đạo đức cho học sinh về giới không uống rượu sẽ được triển khai theo chiều sâu hơn để các em nhận rõ uống rượu là con đường ngắn nhất dẫn đến tội lỗi. Trong kinh Thiện Sinh đức Phật đã dạy, uống rượu gây ra sáu tội lỗi: “Này gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng và thứ sáu là trí lực tổn hại”42. Những lỗi này một mặt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bản thân và gia đình, mặt khác còn làm băng hoại đạo đức xã hội. Khi uống rượu, nhất là uống đến say xỉn, người ta sẽ không còn giữ được sự sáng suốt, tư duy nhận thức bị mê mờ, tâm sân bắt đầu trỗi dậy, họ dễ dàng bị kích động, mất bình tĩnh, mất đi định hướng, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ, từ đó dễ phạm giới, gây ra các nghiệp bất thiện. Đối với học sinh cũng vậy, việc uống rượu dẫn đến say xỉn, không làm chủ được hành vi của mình cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản của tai nạn giao thông, bạo hành, tụ tập đánh nhau gây mất an ninh trật tự…
Bản thân rượu không phải là một tội lỗi như sát sinh, trộm cướp, tà dâm nhưng nó có thể làm nhân cho những tội lỗi kia sinh ra. Khi đã uống rượu say thì dễ phạm vào các giới còn lại. Không ít người khi say đã không còn tỉnh táo, không cần biết đối tượng là ai nên đã phạm giới tà dâm. Cũng vì men say làm mất đi lý trí mà hành hung bạn bè, đánh đập mẹ cha, thậm chí còn chém giết người thân, đồng nghĩa với việc sát sanh… Tuy bản thân không phải là người có tính hay trộm cắp, nhưng trong cơn say họ có thể có hành vi trộm cắp, thường là những con vật như gà, vịt… để làm mồi cho việc thỏa mãn cơn say…
Vì thế, uống rượu là con đường ngắn nhất dẫn đến tội lỗi. Giới thứ năm này không chỉ quy định “không uống rượu” mà còn phải tuyệt đối tránh xa những nơi rượu chè để tránh sự cám dỗ cho dù bản thân là người không biết uống rượu. Cũng không được mời gọi người khác uống, bởi đó cũng là hành vi gián tiếp vi phạm giới.
+ Không uống rượu: Bảo toàn hạt giống trí tuệ
Mức độ nguy hiểm của rượu còn hơn cả độc dược, thuốc độc có thể gây thiệt mạng, nhưng chỉ chết một thân hiện tại. Riêng rượu uống vào sẽ làm mất hạt giống trí tuệ, rơi vào trạng thái ham muốn vào những đam mê bằng sự thiếu hiểu biết về những khiếm khuyết của nó là những điều chính yếu dẫn đến việc tự đào bới gốc rễ của chính mình, như Pháp cú 247 đức Phật đã dạy:
Uống rượu men rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình.
Để bảo toàn hạt giống trí tuệ nên đức Phật chế giới không uống rượu. Trong kinh điển và giới luật của người xuất gia lẫn tại gia, đức Phật dạy không nên uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất đi hạt giống trí tuệ. Đối với người tu học Phật thì trí tuệ được xem là sự nghiệp. Mục đích cuối cùng của người tu học Phật là đạt tới tuệ giác, chứng ngộ và giải thoát khỏi sinh tử, luân hồi. Chỉ người có tuệ giác mới nhìn ra thật tướng của các pháp, nhìn thẳng vào tội lỗi, thừa nhận và chuyển hóa nó. “Thiện ý và trí tuệ phát sinh do cái tâm tu luyện. Phạm hạnh cao quý nhất được xây dựng trên những giới điều tốt đẹp. Điều này giúp con người trở nên thanh tịnh, chứ không phải chức vị hay giàu sang”43.
Như vậy, môn học đạo đức học Phật giáo, trong đó bài học về ngũ giới hay năm điều đạo đức khi được đưa vào giảng dạy cho học sinh sẽ giúp học sinh phát triển về mọi mặt: Trí tuệ, đạo đức, cách ứng xử trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và con người với thiên nhiên.
Bài học về không sát sinh hay đạo đức đối với con người, đối với thiên nhiên, nghĩa là không giết sự sống, và sự sống đó muôn loài và vạn vật đều có, tất cả đều liên đới với con người, nên dĩ nhiên là phải yêu thương nhau thì mới sống hài hòa với nhau. Khi tình yêu thương đã được các em hướng đến muôn loài thì không có lý do gì các em lại hành hung, đánh đập, lăng mạ bạn mình. Vì thế mà nạn bạo hành học đường xem như bị triệt tiêu hoàn toàn.
Bài học về không trộm cắp không chỉ dạy về không trộm cắp mà còn phải thực hành hạnh bố thí và tùy hỷ công đức. Không trộm cắp cũng là cách tôn trọng sự công bằng, thể hiện tâm từ bi. Khi các em được học và thực hiện trọn vẹn giới này thì nạn bạo hành học đường từ nguyên nhân trộm cắp nhất định sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn.
Bài học về không tà dâm dạy các em rõ về những oán thù và quả báo xấu của tà dâm, cùng những nguy hại của dục vọng. Từ đó giúp các em khởi lòng từ bi, quán chiếu mọi người như những người thân của mình để tránh xa tà dâm. Vì thế, nạn bạo hành học đường từ nguyên nhân tà dâm sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn.
Bài học về không nói dối dạy các em về lời nói hòa hợp và đoàn kết, lòng chính trực và tâm từ bi để nói không với những lời nói dối, dù chỉ là nói dối để đùa. Vì thế mà nạn bạo hành học đường do nguyên nhân nói dối sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn.
Bài học về không uống rượu dạy các em nhận rõ: Rượu là con đường ngắn nhất dẫn đến tội lỗi. Không uống rượu để bảo toàn hạt giống trí tuệ. Vì thế, khi môi trường giáo dục không còn bóng dáng của rượu thì nạn bạo hành học đường do nguyên nhân từ rượu cũng bị triệt tiêu hoàn toàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu dịch) (2016), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trung Bộ, tập I, II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Minh Châu (dịch) (1996), Kinh Tăng Chi Bộ, tập III, VNCPHVN ấn hành.
4. Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương Ưng, tập II, VNCPHVN ấn hành.
5. Bhante Henepola Gunaratana (2009), Bát chánh đạo con đường đến hạnh phúc, Diệu Liên Lý Thu Linh dịch, Nxb. Phương Đông, TP. HCM.
6. Thích Trí Chơn (dịch) (2017), Phật giáo yếu lược, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
7. Dr. Mehm Tin Mon (2016), Chánh kiến về cuộc đời (Nhìn sanh tử đúng như thật), Pháp Thông dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
8. Thích Nhất Hạnh (2017), Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb. Lao động, Hà Nội.
9. Lê Văn Hồng và tgk (2007), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
10. Thích Nhật Từ (Soạn dịch) (2017), Kinh Phật về thiền và chuyển hóa, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
11. Thích Nhật từ (2017), Con đường chuyển hóa - Ứng dụng Bát chánh đạo trong đời sống, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
12. Thích Nhật Từ (Biên tập) (2019), Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
13. Thích Nhật Từ (Biên tập) (2019), Gia đình hòa hợp & xã hội bền vững, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
14. U Hla Myint (2018), Duyên hệ trong đời sống bình nhật, Pháp Triều dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
15. Thích Minh Thanh (dịch) (2007), Lời Phật dạy, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
16. Viên Trí (2011), Ý nghĩa giới luật, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, TP.HCM.
17. Thích Thiện Siêu (dịch) (1997), Luận Đại Trí Độ, tập I, TP. HCM, VNCPHVN ấn hành.
18. Tuệ Sỹ (dịch), Luận thành duy thức, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
19. Hạnh Viên (Sưu tập) (2016), Tuệ Sỹ văn tuyển, Tập I, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
20. Nhiều tác giả (2006), Chuỗi ngọc trai, Hương Vân dịch, Nxb. Phương Đông, TP. HCM.
21. Nhiều tác giả (2012), Phật giáo & cộng đồng quốc tế, Nxb. Phương Đông, TP. HCM.
22. Bạo lực học đường - Wikipedia tiếng Việt https://vi.wikipedia.org - wiki - Bạo_lực_học _đường.
23. Bạo lực học đường - Vấn nạn cần phải bài trừ ngay lập tức https://timviec365.vn - Cẩm nang - Tin tức tổng hợp.
24. Vì sao ngày càng có nhiều giáo viên vô cảm? - nhatvietedu nhatvietedu.vn - 1058-vi-sao-ngay-cang-conhieu-giao-vien-vo-cam.
25. Trò chơi bạo lực và tác hại - Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn https://tuoitre.vn/game-bao-luc-va-tac-hai-391200.htm.
26. Cùng suy ngẫm về lối sống học sinh, sinh… - Trung Tâm Giáo Dục…
https://www.facebook.com/tt giaoduc Thuongxuyen và daynghecaungang / bài viết / 13889973…
27. Nạn trộm cắp trong môi trường giáo dục | Báo Dân trí https://dantri.com.vn/ban-doc/nan-trom-cap-trong-moitruong-giao-duc-1293446608.htm.
28. W vi.wikipedia.org - wiki - Lòng_chính_trực Lòng chính trực - Uwikipedia tiếng Việt.
29. Học sinh uống rượu: Những con số giật mình - hoidinhduong.vn. http://www.hoidinhduong.vn/tuoi-hocduong/hoc-sinh-uong-ruou-nhung-con-so-giat-minh-1...15 thg 2, 2019.
30. dantri.com.vn - Giáo dục - Khuyến học. Sau khai giảng 2019: Học sinh phải ký cam kết “nói không với… 24 thg 8, 2019 - (Dân trí).
1. Bạo lực học đường - Wikipedia tiếng Việt https://vi.Wikipedia.org › wiki › Bạo_lực_học _đường
2. Bạo lực học đường - Vấn nạn cần phải bài trừ ngay lập tức https://timviec365.vn › Cẩm nang › Tin tức tổng hợp.
3. Bạo lực học đường - Vấn nạn cần phải bài trừ ngay lập tức https://timviec365.vn › Cẩm nang ›Tin tức tổng hợp.
4. Vì sao ngày càng có nhiều giáo viên vô cảm? - nhatvietedu nhatvietedu.vn › 1058-vi-sao-ngay-cang-conhieu-giao-vien-vo-cam
5. Vì sao ngày càng có nhiều giáo viên vô cảm? -nhatvietedu nhatvietedu.vn › 1058-vi-sao-ngay-cang-conhieu-giao-vien-vo-cam
6. Lê Văn Hồng và tgk (2007), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 27.
7. Tuệ Sỹ (dịch), Luận thành duy thức, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 28, 45.
8. Dr. Mehm Tin Mon (2016), Chánh kiến về cuộc đời (Nhìn sanh tử đúng như thật), Pháp Thông dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 52.
9. U Hla Myint (2018), Duyên hệ trong đời sống bình nhật, Pháp Triều dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 93, 94.
10. U Hla Myint (2018), Duyên hệ trong đời sống bình nhật, Pháp Triều dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 15.
11. Hạnh Viên (Sưu tập) (2016), Tuệ Sỹ văn tuyển, Tập I, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 175.
12. Trò chơi bạo lực và tác hại - Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn https://tuoitre.vn/game-bao-luc-va-tac-hai-391200.htm.
13. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trung Bộ,Tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 121.
14. Cùng suy ngẫm về lối sống học sinh, sinh… -Trung Tâm Giáo Dục… https://www.facebook.com/ttgiaoduc Thuongxuyen và daynghecaungang / bài viết/13889973…
15. Thích Minh Thanh (dịch) (2007), Lời Phật dạy, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 145.
16. Nhiều tác giả (2012), Phật giáo & cộng đồng quốc tế, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr 98.
17. Thích Nhật Từ (Biên tập) (2019), Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 112.
18. Viên Trí (2011) . nghĩa giới luật, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, tr. 127.
19. Thích Thiện Siêu (dịch) (1997), Luận Đại Trí Độ, tập I, VNCPHVN ấn hành, TP. HCM, tr. 518-519.
20. Thích Thiện Siêu (dịch) (1997), Luận Đại Trí Độ, tập I, VNCPHVN ấn hành, TP. HCM, tr. 518.
21. Thích Minh Châu (dịch) (1996), Kinh Tăng Chi Bộ, tập III, VNCPHVN ấn hành, tr. 42.
22. Thích Nhất Hạnh (2017), Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 67.
23. Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương Ưng, tập II, VNCPHVN ấn hành, tr. 129.
24. Thích Nhật Từ (Biên tập) (2019), Gia đình hòa hợp & xã hội bền vững, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 150.
25. Thích Nhật Từ (Biên tập) (2019), Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 352, 359.
26. Nhiều tác giả (2006), Chuỗi ngọc trai, Hương Vân dịch, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr. 106-107.
27. Nạn trộm cắp trong môi trường giáo dục | Báo Dân trí https://dantri.com.vn/ban-doc/nan-trom-captrong-moi-truong-giao-duc-1293446608.htm
28. Thích Nhật Từ (Soạn dịch) (2017), Kinh Phật về thiền và chuyển hóa, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 181, 182.
29. Thích Thiện Siêu (dịch) (1997), Luận đại trí độ, VNCPHVN ấn hành, TP. HCM, tr. 522.
30. Thích Nhật từ (2017), Con đường chuyển hóa - Ứng dụng Bát chánh đạo trong đời sống, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 89.
31. Bhante Henepola Gunaratana (2009), Bát chánh đạo con đường đến hạnh phúc, Diệu Liên L. Thu Linh dịch, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr. 192-193.
32. Thích Thiện Siêu (dịch) (1997), Luận đại trí độ, VNCPHVN ấn hành, TP. HCM, tr. 525.
33. Học sinh đánh ghen, yêu sớm và những cái kết đau lòng | Lao…https://laodong.vn › Lưu trữ. 19 thg 5, 2017
34. “Sốc” với thực trạng tình dục học đường của học sinh Việt Nam https://hoanluu.com › Tin tức. 24 thg 6, 2019
35. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trung Bộ,tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 175.
36. Bhante Henepola Gunaratana (2009), Bát chánh đạo con đường đến hạnh phúc, Diệu Liên L. Thu Linh dịch, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr. 197.
37. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trung Bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 352.
38. W vi.wikipedia.org › wiki › Lòng_chính_trực Lòng chính trực - Uwikipedia tiếng Việt
39. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trung Bộ, tập II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr 507-508-509.
40. Học sinh uống rượu: Những con số giật mình - hoidinhduong.vn. http://www.hoidinhduong.vn/tuoihoc-duong/hoc-sinh-uong-ruou-nhung-con-so-giatminh-1... 15 thg 2, 2019.
41. dantri.com.vn › Giáo dục - Khuyến học. Sau khai giảng 2019: Học sinh phải ký cam kết “nói không với… 24 thg 8, 2019 - (Dân trí).
42. Thích Minh Châu (dịch) (2016), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 623.
43. Thích Trí Chơn (dịch) (2017), Phật giáo yếu lược, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 76.
Bình luận bài viết