Thông tin

CÁI SĨ CỦA CỤ THIỀU CHỬU

 

THÍCH ĐỒNG BỔN
(TS Nguyễn Thành Nam)
Uỷ viên Ban Văn hoá TƯ GHPG Việt Nam

 

Khi viết về ông, tôi vẫn còn nguyên xúc động của lần đầu ra xứ Bắc tìm dấu tích về nhà trí thức Phật học này cho công trình biên khảo Chư tiền bối hữu công mà tôi đang thực hiện. Những mảng huyền thoại về cuộc đời của ông, tôi được nghe qua nhiều người kể lại, mỗi nơi một ít, mỗi người thuật một cách, đã gây cho tôi nhiều trăn trở, nghĩ suy, và qua đó cảm nhận sâu sắc hơn về một nhân vật nhiều tài năng mà cũng đầy bất hạnh. Theo tôi, sự nghiệp và nhân cách Nguyễn Hữu Kha có thể tóm lược trong 5 chữ Sĩ sau:

Nguyễn Hữu Kha: một "Nho sĩ" mang chí hướng tải đạo hoá đời.

Vốn xuất thân từ một gia đình bần nông, hơn ai hết, ông tất thấm thía cảnh nghèo khổ, bị địa chủ và thực dân Pháp áp bức bóc lột. Chính vì thế ông quyết tâm tự học và mang cái học của mình giúp ích cho đời. Vốn là một nhà Nho, ông tự học thêm các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật để không bị lạc hậu và để tiếp thu các luồng tư tưởng của thời đại từ khắp nơi trên thế giới. Theo gương cha là cụ Cử Cầu - tức nhà Chí sĩ Giản Thạch trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục - ông trở thành một chiến sĩ trên mặt trận chống giặc mù chữ, cái đã làm cho dân ta không nhận thấy con đường sáng vượt qua đói nghèo và con đường cứu thoát khỏi cảnh nô lệ ngoại bang của thực dân đế quốc, cụ thể là việc ông cùng với các ông: Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Trần Huy Liệu lập Hội Truyền bá Quốc ngữ hoạt động tại Hội quán Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội1.

Sự nghiệp lớn nhất của Nguyễn Hữu Kha với tư cách một trí thức Nho gia là tác phẩm "Hán Việt tự điển", được biên soạn với mục đích duy trì nền tảng Nho học. Trong lời nói đầu quyển nầy, ông đã viết lên nỗi âu lo của mình về sự thoái hoá của Nho học: "Tôi tự nghĩ rằng Hán học thời nay đang ngày mất dần, chỉ nhờ có học Phật thì may ra mới duy trì được ít nhiều; nếu dùng cách nào mà giúp cho người đọc được kinh biết được chữ, tức là cái nền tảng để xây đắp lại toà lâu đài Nho giáo nguy nga tráng lệ".

Lời lẽ, quan điểm, lập luận của Nguyễn Hữu Kha trong hầu hết các tác phẩm thể hiện một cách nhất quán tính cách bộc trực, khẳng khái của một Nho sĩ nơi ông: không khoan nhượng với cái xấu, cái ác mà ông tự cho mình có trách nhiệm phải cảnh báo và đương đầu, bất chấp mọi hiểm nguy.

Dù là một Nho sĩ uyên bác nhưng ông không hề quên cội nguồn bần nông của mình nên suốt cuộc đời ông vẫn luôn gắn bó với công việc nông trang, nói gọn hơn, ông là một kẻ sĩ làm nông, hiếm thấy nơi nhiều nhà Nho khác.

Nguyễn Hữu Kha: một "Cư sĩ" Phật giáo.

Khi đến với đạo Phật ông tự nhận mình "cũng chỉ là một tín đồ tín ngưỡng triết lý mà thôi" (trong lời Tự Bạch). Là một nhà Phật học uyên thâm, ông có nhiều hoạt động toả sáng trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ. Sự nghiệp phiên dịch và sáng tác trong lãnh vực Phật giáo của ông gồm trên dưới 40 tác phẩm cùng nhiều bài viết sắc sảo trên báo Đuốc Tuệ (sách và báo đều xuất bản từ nhà in do ông quản lý). Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha đã không ngần ngại phơi bày một số tình trạng suy thoái phẩm chất trong giơí tăng lữ cũng như các tệ nạn hoành hành trong các chùa chiền lúc bấy giờ. Trong "Con đường học Phật ở thế kỷ 20" ông viết:

"Người tín ngưỡng Phật giáo nước ta hạng trên nhất chỉ tu lấy lợi một mình, mặc kệ đời chẳng thèm nhìn tới; hạng thứ nhì thì mượn cửa chùa làm chốn dung thân dễ dàng qua ngày; hạng dưới nữa thì lại lấy chùa chiền làm chỗ buôn bán kiếm chác, không từ một sự đê hạ, nhơ nhớp nào mà không dám làm".

Giới tăng lữ đương thời không thể không suy ngẫm các bài thơ, bài viết cảnh tỉnh người tu Phật của ông, tiêu biểu là những lời lẽ thẳng mà đau trong quyển sách trên. Tấm lòng ưu tư của ông trong việc chấn hưng Phật giáo thể hiện qua các đề nghị đầy tâm huyết sau:

"Tôi mong rằng các nhà tín ngưỡng Phật giáo nên chú ý vào hai sự này cho: 1- Nên gánh vác lấy cái trách nhiệm chỉnh đốn Phật giáo, cải lương Phật giáo. 2- Đừng theo cái lối tín ngưỡng về mặt tiêu cực mà phải gắng sức tiến sang mặt tích cực ngay đi. Làm trái lại thì chẳng đợi người ta phá chùa đuổi sư mà chính ngay Phật giáo tất phải đi dần đến diệt vong vậy" (Sđd).

Ông cũng đã góp sức truyền bá trào lưu học Phật bằng chữ quốc ngữ để hạn chế dần việc tụng niệm kinh chữ Hán. ông nói trong lời tựa bản dịch kinh A Di Đà rằng: "Nhưng vì tính ta kém phần tự lập về tinh thần, cho nên cứ vùi đầu với chữ Hán, ít người dám phiên dịch sang tiếng ta. Ta chưa biết rằng những kinh chữ Hán ta tụng niệm đó có phải là chính tiếng nói Phật đâu".

Chí hướng và tâm nguyện của cư sĩ Nguyễn Hữu Kha nằm trong hai Đạo hiệu Thiều Chửu và Lạc Khổ của ông. Thiều Chửu có nghĩa là cái chổi quét bụi, nói lên ý muốn dùng ngòi bút làm cây chổi quét sạch những tệ nạn ví như bụi dơ làm hoen ố hình ảnh trong sáng của đạo Phật. Thiều Chửu còn có một ý nữa, là hàng ngày phải lau quét bụi trần nơi chính mình, đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp, theo ý bài kệ tỏ đạo của Ngài Thần Tú2:

“Thân thị Bồ đề thọ

Tâm như minh kính đài

Thời thời thường phất thức

Vật sử nhạ trần ai"

Tạm dịch:

“Thân là cây Bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Thường ngày hằng lau quét

Chớ cho dính bụi trần".

Lạc Khổ có nghĩa là vui trong khổ, tượng trưng cho pháp hạnh "Thiểu dục - tri túc" trong giáo lý căn bản nhà Phật, nghĩa là ít muốn và biết đủ. Bản thân ông đã sống đúng theo chí nguyện đó: trọn đời sống giản dị, đạm bạc, trường trai, mỗi ngày chỉ ăn một bữa đúng Ngọ, guốc mộc nâu sồng như người chân quê. Ý nghĩa nội hàm của từ Lạc Khổ còn là giác ngộ cái khổ ở chỗ: Chỉ có trải qua khổ đau (tức Khổ đế), mới nhận thức được bản chất và nguyên nhân của khổ (tức Tập đế) trong giáo lý Tứ diệu đế (4 chân lý Khổ - Tập - Diệt - Đạo). khi con người giác ngộ được chân lý của khổ đau, cũng chính là trực nhận sự an lạc vô biên trong giải thoát; cho nên, hạnh phúc hay đau khổ chính là trong nhận thức của mình thôi.

Nguyễn Hữu Kha: người mang tấm lòng "Đại sĩ"" của bậc Bồ tát

Với hạnh nguyện thương người giúp đời, lại thấm nhuần tư tưởng nhà Phật từ thuở nhỏ, ông sớm bộc lộ lòng mẫn cảm thương người nghèo khổ khó khăn hơn mình. Cuộc đời ông đã trải qua bao cay đắng khổ cực từ thuở ấu thơ nên dễ đồng cảm với những số phận bất hạnh, như lời ông đã phát thệ rằng: “Đời tôi hễ ai thiếu thốn cái gì muốn nhờ tôi, chưa hé miệng tôi đã vâng, có thì giúp, không thì vay giúp, nếu không giúp được thì lòng tôi đau khổ cũng như người không vay được, tôi mà còn bát gạo, ai đói hơn, tôi cũng nhường ngay thà tôi chịu nhịn, và chính tôi với sự nhịn hai ba bữa là thường lắm" (Tự bạch của Thiều Chửu, Sđd).

Lòng từ bi khiến ông phát tâm noi chí nguyện chư Bồ tát giúp đời bằng cách gánh vác và chia sẻ bao nỗi bất hạnh của thời loạn ly, như những việc: chủ trương lập Hội Tế sinh nuôi trẻ mồ côi; đứng ra lo việc chôn cất cho hàng trăm người bị chết vì nạn đói kém; tổ chức các lớp học cho trẻ bị lạc mất cha mẹ vì chiến cuộc; lập nhà dưỡng lão, nghĩa trang Tế Độ và không nề khó khăn gian khổ đưa các em đi tản cư lánh giặc ra vùng tự do v.v... ông còn dạy người làm thuốc đông y, tự tay chữa bệnh cho bất cứ ai cần đến, không nề hà công sức, còn tổ chức cày cấy ruộng nương, trồng trọt khoai sắn để tự túc kinh tế nuôi dưỡng các em đến trưởng thành. Các việc làm ấy ông xem là sự nghiệp cả đời ông, như ông đã viết tiếp trong lời Tự Bạch: 'sau đó tôi không hề nghĩ đến cái đời riêng của tôi nữa; người ta cho là tôi tin đạo Phật mà không lập gia đình, có biết đâu uẩn khúc của tôi từ thuở còn thơ dại."

Ông quả là một bậc Đại sĩ giữa đời thường, một tâm hồn nhân ái xuất hiện giữa lúc chiến tranh để xoa dịu bớt nỗi khổ của bao người.

Nguyễn Hữu Kha: một nhà "Chí sĩ"

Hun đúc bởi lòng yêu nước thương nòi, chí căm thù giặc Tây và truyền thống cách mạng của gia đình (cha ông bị giặc Pháp đày ra Côn Đảo vì tham gia phong trào kháng Pháp, và một số người thân trong gia đình của ông đã chết vì chiến tranh), ông coi việc tận trung tận hiếu vì dân là nghĩa vụ thiêng liêng, như lời ghi ở đầu sách "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX": "Phải tận hiếu với nhân dân, nhân dân là cha mẹ bao kiếp là chư Phật vị lai." Ta thấy rõ tâm trạng thời trai trẻ của ông trước nỗi đau nước mất nhà tan, lòng căm thù giặc Pháp và bè lũ tay sai đến xương tuỷ qua những câu thơ đề trên vách lăng của Lê Hoan :

"Thanh thần điếu cửu nguyên

Chủng chủng u tình huyên

Thế thái cạnh phú quý

Nhân tình xu ngân tiên

Công cừu ngạch bái thượng

Nghĩa vụ phóng tâm biên."

Tạm dịch (của BBT):

"Tinh mơ qua bãi tha ma,

Vong hồn bao tiếng kêu la vang trời.

Bon chen phú quý thói đời,

Lòng người mê mẩn hướng nơi đồng tiền.

Thù chung: trên trán, đưa lên,

Nghĩa vụ: canh cánh không quên trong lòng".

Ông cảnh báo những người Phật giáo làm tay sai cho giặc vào cuối năm 19533 : "Nội dung bài ấy có hai phần, phần 1 chỉ rõ tinh thần cách mạng của Phật giáo thuyền tông; phần 2 chỉ rõ chỗ suy kém của Pháp, và chỉ cho đường về với kháng chiến".

Ông quan niệm, thà khổ sở thiếu thốn trăm bề nơi vùng tự do của kháng chiến, còn hơn sống nhục nơi chốn phồn hoa đô thị do giặc chiếm đóng; quyết liệt hơn, ông dứt khoát không chịu nhận bất kỳ sự trợ giúp nào bắt nguồn từ nội thành gửi ra, khi được Hoà thượng Tố Liên gửi biếu 6 lượng vàng, ông răn dạy học trò mình rằng: "Chúng ta phải tự lực cánh sinh; người tự do không ăn xin người mất tự do. Vàng của ai cho phải trả lại, dứt khoát tôi không dùng" (Tự Bạch của Thiều Chửu- Sđd). Đó phải chăng chính là phẩm chất cao thượng của người Chí sĩ nơi ông, không còn gì phải bàn luận thêm vậy.

Ông xác định vị trí chiến đấu của ông trong cuộc chiến của toàn dân. Đó là đem tài lực của mình giúp ích cho dịa phương ở vùng kháng chiến để góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Những câu thơ động viên tinh thần cách mạng và nuôi dưỡng niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước được truyền bá rộng rãi trong dân chúng lúc bấy giờ:

"Phen này cắt tóc đi tu,

Tụng kinh Độc Lập, ở chùa Duy Tân.

Đêm ngày luống những chuyên cần,

Cầu cho ích quốc lợi dân mới là

Cầu cho nước Việt Nam ta

Khắp Trung, Nam, Bắc một nhà vui chung

Toàn dân kháng chiến thành công

Tự do hạnh phúc vô cùng vô song."

(Vô Đề 1947)

Nguyễn Hữu Kha: Con người rạng danh "Tiết sĩ"

Trong chính sách xác định thành phần cải tạo ruộng đất năm 1954, do trình độ nhận thức yếu kém của người thực thi và do một số quần chúng dễ bị chi phối bởi các lời tuyên truyền của những phần tử cơ hội rằng những người trí thức đều gốc là thành phần tư sản bóc lột ... Ông đã trở thành nạn nhân của một oan án. Là một kẻ sĩ, ông đã chọn cái chết để bày tỏ tiết tháo của mình. Tôi được nghe một vị nhân sĩ giáo phẩm kẻ lại rằng: “sau khi viết thư để lại và dặn dò cùng các học trò của mình, ông đã kết thúc cuộc đời bằng cách thắp hương tạ lễ bốn phương bên bờ sông, sau đó tự quấn chăn vào mình nhảy xuống dòng sông ở đoạn chảy xiết để tự trầm”. Đấy cũng là cái dũng khí lớn nhất mà ông đã làm được để giữ gìn phẩm giá ở một người trí thức, để làm một bài học thức tỉnh những ai còn chưa thấu hiểu đạo lý tình người, để không một ai có thể tuỳ tiện bóp méo sự thật về ông.

Lấy cái chết để thể hiện tấm lòng trong sạch của mình mà không hề oán hận người nào, không muốn đổ lỗi cho ai, hay bất mãn về đường lối chính sách; trước sau ông vẫn một lòng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng.

Nghĩ về ông, tôi không khỏi bùi ngùi cho thân phận kẻ sĩ sống trong một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Những lời kể về việc tử tiết của ông gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi, bởi từ trước tới nay tôi chưa hề nghe thấy sự tuẫn tiết nào đặc biệt và chấn động đến thế. Chính vì thế tôi lặn lội tìm hiểu để viết tiểu sử của ông. Ông tự cho trường hợp của mình là cái án "mạc tu hữu" mà Nhạc Phi đời Nam Tống phải gánh chịu4 nhưng tôi nghĩ cái chết của ông phảng phất sự tuẫn tiết của nhà nho Khuất Nguyên nước Sở - thời Chiến quốc, người cũng nhảy xuống sông Mịch La sau khi để lại câu nói bất hủ: "Thế gian này tất cả đều say, chỉ có mình ta là tỉnh". Những điều luận bàn quanh 5 chữ Sĩ: Nho sĩ, Cư sĩ, Đại sĩ, Chí sĩ và Tiết sĩ của Nguyễn Hữu Kha để khẳng định rằng: Thiều Chửu đối với đạo là một Phật tử có đạo đức mẫu mực; đối với đời là một Nhân sĩ có nhân cách cao đẹp. Cuộc sống và cái chết của ông đã để lại những mến tiếc vô cùng trong lòng những thức giả đương thời và hậu học ngày nay.

Mùa xuân năm Nhâm Ngọ ở Sài Gòn, tháng 3 năm 2002.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 47
    • Số lượt truy cập : 6951864