Thông tin

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “GIẢN ĐỂ TÙNG”

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “GIẢN ĐỂ TÙNG”

CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SỸ (1230-1291)

 TUỆ KHƯƠNG

Phiên âm:           

Giản Để Tùng

Tối ái thanh tùng chủng kỷ niên,

Hưu ta địa thế sở cư thiên.

Đống lương vị dụng nhân hưu quái,

Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền.                                           

Dịch thơ:

-  Theo Thơ Văn Lý -Trần (Tập II-trang 234) Đào Phương Bình dịch:

Cây thông dưới khe

Mấy năm yêu dấu gốc tùng xanh,

Đừng thở than rằng đất vắng tanh.

Rường cột chưa dùng người chớ lạ,

Hoa nhàn cỏ nội khắp chung quanh.

Trong phần chú thích có ghi đại ý nói lên tâm sự của Tuệ Trung Thượng Sỹ, là một bậc lương đống, vào hàng huynh trưởng, văn - võ kiêm toàn của tôn thất nhà Trần, nhưng không được trọng dụng, thể hiện mối quan hệ trong dòng tộc nhà Trần lúc đó.

- Theo Tuệ Trung Thượng sỹ Ngữ Lục Giảng giải (Thích Thanh Từ, Thiền viện Thường Chiếu-1997) có lời dịch thơ và giảng giải như sau:

Cội tùng đáy khe

Rất thích tùng xanh trồng mấy niên

Chớ than thế đất khiến tùng nghiêng.

Cột rường chưa dụng người đừng lạ

Cỏ nội hoa ngàn mắt hiện tiền.


1. Trụ đá trước phương trượng Thượng Sỹ ở đỉnh núi Mỹ Cụ, Dưỡng Chân Trang xưa

2. “Cội Tùng Đáy Khe” bên dốc lên phương trượng Thượng Sỹ.

Bài thơ của Thượng Sỹ nói về cây tùng, cũng là niềm tâm sự của chính mình. Chỉ bốn câu ngắn gọn, nhưng đã diễn tả trọn vẹn cốt cách bản lĩnh của tác giả. Tuệ Trung Thượng Sỹ vốn rất yêu thích loài tùng bách, đã trồng và chăm sóc cây tùng hàng mấy năm liền. Cây tùng cũng chính là hiện thân của Thượng Sỹ, thế đất chỉ cho hoàn cảnh xã hội đương thời, cũng là chuyện bình thường của tự nhiên, cho nên “Chớ than thế đất khiến tùng nghiêng”.

Thông thường cây thông, cây tùng khi đến độ thâm niên, cao lớn nhất định, được người ta dùng làm cột trụ cho một ngôi nhà. Nhưng trong bài thơ này, cây tùng chưa được chủ nhân sử dụng làm rường cột cho một công trình nào thì cũng chẳng nên nôn nóng và cho là vô ích, vì trong một khu rừng thì tùng bách vẫn là cây cổ thụ tỏa bóng mát che chở cho bầy cỏ nội hoa ngàn hiện diện chung quanh. Tùng bách vẫn có vị thế và tác dụng nhất định. Liên hệ vào hoàn cảnh của Thượng Sỹ, chúng ta thấy rõ với tài năng, công lao với đất nước và triều Trần trong quá khứ; với đức độ, tâm nguyện của Ngài khi trở về nghiên cứu - trải nghiệm tu hành ở “Dưỡng Chân Trang”, chứng tỏ Ngài rất thấu hiểu Lý đạo - Tình đời, rất thanh thản, tự tại trước mọi sự việc cảnh vật chơn thật hiện tiền, không mảy may vướng bận bởi những uẩn khúc tâm sự  như người đời thường suy nghĩ.

Thật đúng như hai câu kết của bài thơ:

Cột rường chưa dụng người đừng lạ

Cỏ nội hoa ngàn mắt hiện tiền.

Đó thật sự là bài học, là cảm nhận sâu sắc cho mỗi chúng ta!                 

Trong số Từ Quang tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về bài thơ “Dưỡng Chân” và tóm tắt về hành trạng của Ngài để hiểu đầy đủ hơn về thân thế sự nghiệp của Trần Tung - Tuệ Trung Thượng Sỹ, Người thày tư tưởng vĩ đại của Thiền tông Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIII, đã được Tam Tổ Trúc lâm Yên Tử tôn thờ là bậc Thầy khai sáng của Tông phái mình.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6057963