Thông tin

CẢM NHẬN VỀ SỨC SỐNG VĂN HÓA PHẬT GIÁO NGHỆ AN

"PHẬT PHÁP BẤT LY THẾ GIAN GIÁC"

 

TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN*

 

Nghệ An là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là nơi sinh ra người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh và bao con người kiệt xuất khác. Lịch sử phát triển của Nghệ An gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Thế nhưng riêng dòng lịch sử phát triển Phật giáo ở xứ Nghệ, dường như lại có một nghịch lý: trong khi tư tưởng Phật giáo khởi nguồn từ thời Lý - Trần như một dòng chảy liên tục, mạnh mẽ, thấm đều khắp các vùng đất từ bắc đến nam của đất nước, thì ở Nghệ An lại có một thời kỳ “khô hạn” khá dài và mới khởi sắc từ một vài năm nay. Đọc những dòng lịch sử phật giáo xứ Nghệ người ta không khỏi băn khoăn về hiện tượng này và tất nhiên sẽ có nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều cách suy nghĩ, lý giải khác nhau. Có người còn băn khoăn: đó có phải là một thời kỳ “đứt gẫy” của dòng văn hóa phật giáo ở xứ Nghệ?

Bài viết này không nhằm tìm nguyên nhân dẫn đến thời kỳ “khô hạn”, mà từ một góc nhìn khác để cảm nhận và phân tích về sức sống văn hóa phật giáo khi đã ngấm sâu vào tinh thần người dân xứ Nghệ thì sẽ như những “hạt mầm tư tưởng” có nội lực mạnh mẽ, đủ sức vượt qua thời kỳ khắc nghiệt để lại nẩy mầm, phủ xanh những vùng đất trắng. Phải chăng, đó chỉ là thời kỳ “không còn chùa” chứ không phải là thời kỳ không còn phật pháp trên đất Nghệ An. Để lý giải những vấn đề nêu trên, ta cần nhìn từ cội nguồn tư tưởng phật giáo Việt Nam để hiểu vì sao văn hóa phật giáo xứ Nghệ có sức sống mãnh liệt.

1. Cội nguồn tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

Văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ, Trung Hoa lan tỏa sang Việt Nam từ rất sớm, người Việt đã tiếp thu những tinh hoa của Phật pháp và nuôi dưỡng theo cách của mình để sau nhiều thế kỷ đã tạo thành dòng tư tưởng Phật giáo mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam.

Nhìn toàn bộ chiều dài lịch sử Việt Nam, có một thời kỳ rất đặc biệt  kéo dài bốn thế kỷ, gồm hai triều đại kế tiếp nhau là nhà L‎ý và nhà Trần. Thời kỳ này có những đặc điểm nổi bật là: đất nước có sức mạnh to lớn, đã đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thời đại (Tống, Nguyên) bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Đây cũng là thời kỳ đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là thời kỳ phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo Đại Việt.

Mở đấu thời kỳ phát triển rực rỡ này là nhà Lý. Theo sử sách còn ghi lại thì thời Lý có bốn vị vua kế tiếp nhau suốt 117 năm đã truyền bá rộng rãi những tư tưởng cao cả của Phật giáo trong nhân dân, đồng thời cùng toàn dân xây dựng rất nhiều chùa chiền trên cả nước.

Bắt đầu từ Lý Thái Tổlên ngôi năm 1010, là người chịu ảnh hưởng tư tưởng của Thiền sư Vạn Hạnh nên rất chú ý phát triển Phật giáo, trong 19 năm trị vì đã cho xây dựng 8 ngôi chùa.

Kế tiếp là Lý Thái Tông lên ngôi năm 1028, kế thừa và phát triển Phật giáo lên một tầm cao mới. Trong 27 năm trị vì, Thái Tông đã có nhiều thành tựu về Phật pháp như: cho soạn Kinh thư, dựng Tàng kinh Trùng hưng, thỉnh Đại tạng kinh ở Trung Hoa, xây dựng 95 ngôi chùa, trong đó có chùa Diên Hựu nổi tiếng ở Thăng Long.

Vị vua sùng đạo thứ ba là Lý Thánh Tông lên ngôi 1054, là người khoan dung, trọng học hành và cũng có nhiều thành tựu về Phật giáo như: lập chùa Sùng Khánh, xây tháp Báo Thiên 12 tầng, lập Văn Miếu, tạc tượng Di Đà, viết chữ “Phật” ở núi Tiên Du…

Vị vua thứ tư là Lý Nhân Tông, lên ngôi năm 1072, được coi là “vị anh quân đời Lý”. Trong 56 năm trị vì, Nhân Tông đã cho xây dựng nhiều chùa, tháp mới, cho người sang nước Tống thỉnh kinh, mở hội lễ Phật… Đến đây, Phật giáo Đại Việt đã có nền tảng vững chắc trong lòng nhân dân.

Sau 117 năm phát triển rực rỡ, nhà Lý bắt đầu suy vong và đến năm 1226 thì quyền lực chuyển sang nhà Trần.       

 Nhà Trần không được thừa hưởng những thành quả kinh tế, vật chất của nhà Lý mà còn phải tốn nhiều công sức để khắc phục những hậu quả suy thoái của nông nghiệp, thủ công nghiệp và sự xuống cấp của các công trình thủy lợi. Thế nhưng nhà Trần được kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Phật giáo thời Lý đã ngấm sâu trong nhân dân. 

Dòng họ nhà Trần vốn là những người đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ thời Lý nên khi cầm quyền, các vua Trần đã đưa trí tuệ và đạo đức trở lại “ngự cung điện” và đã nâng tư tưởng Phật giáo lên một tầm cao mới. Các vua nhà Trần đều là những “Phật hoàng” và đến thời Trần Nhân Tông thì Phật giáo đã phát triển đến đỉnh cao với sự hình thành hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chính từ những giá trị từ bi, bao dung độ lượng của Phật giáo nhập thế mà  nhà Trần đã thu phục được lòng tin của trăm họ, khôi phục khối đại đoàn kết toàn dân để phục hồi sản xuất và xây dựng sức mạnh tinh thần của đất nước.

Dưới thời nhà Trần, những giá trị tinh thần của Phật giáo đã được nâng cao và cụ thể hóa thành những triết lý cao cả và cụ thể:

Tư tưởng “nhập thế” của Phật giáo được cụ thể hóa bằng phương châm hành động của các “Phật hoàng”: lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ. Vì vậy mà trong thời chiến, các vua Trần đã cùng xông pha trận mạc, cùng ăn, cùng nghỉ trong doanh trại với các tướng sĩ.

Phật giáo nhập thế chủ trương: đặt quốc gia, xã tắc lên trên hết, nên các vua Trầnkhông ham quyền lực và vinh hoa phú quý, thường nhường ngôi sớm để lo truyền bá những tư tưởng cao cả của Phật giáo nhằm giúp nhân dân có được cuộc sống ấm no và bình yên.

Trần Thái Tông đã viết trong “Khóa Hư Lục”: “Không kể là sống ẩn trên núi hay giữa thành thị, không phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không có phân biệt nam nữ sao còn chấp tướng”. Vì vậy mà có Tuệ Trung Thượng Sĩ,  một cư sĩ tại gia trở thành bậc thầy về Phật pháp. Vì vậy mà có các “Phật hoàng” đã kết hợp những giá trị từ bi, hỷ sả, vô ngã…của Phật giáo với pháp quyền của nhà nước để lãnh đạo toàn dân. Vì vậy mà có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một trong những thiên tài quân sự của mọi thời đại, người đã đưa những giá trị cao cả của Phật giáo vào việc cầm quân và giữ nước. Trong việc cầm quân, ông xây dựng mối quan hệ “phụ tử chi binh”. Về giữ nước, ông đưa ra kế sách: “…khoan thư sức dân làm kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Những tư tưởng đó đều thấm đẫm trí tuệ và tinh thần nhân ái, bao dung và tinh thần nhập thế của Phật giáo .

Chỉ sau hơn 30 năm phục hồi từ sự suy thoái của nền kinh tế cuối thời Lý, thời Trần đã có đủ sức mạnh đánh thắng ba cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thời đại. Điều đó chứng tỏ nhà Trần đã thành công trong việc kế thừa và nâng cao những giá trị tư tưởng của Phật giáo và đã khai thác được sức mạnh đoàn kết toàn dân trên tinh thần không phân biệt đạo hay đời.

  Phật giáo thời Lý - Trần phát triển cực thịnh suốt bốn thế kỷ, đã sản sinh ra những giá trị tinh thần cao cả và bao phủ cả đất nước, thể hiện qua những đặc điểm sau đây:

- Phật giáo trở thành Quốc giáo và nền đức trị: các đời vua Lý - Trần luôn thấm nhuần triết lý “Đạo đức ngự cung điện, muôn xứ hết đao binh”, “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc, bền rễ…”,“Phụ Tử chi binh”… Thời kỳ đức trị đất nước đạt nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội và có sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược, giữ vững độc lập dân tộc.

- Phật giáo nhập thế, sinh động: Đức Phật đã dạy: “Biết đoàn kết, biết ăn ở hòa hảo cùng nhau và thường hội họp nhau lại để lo bàn việc nước thì không sợ gì sẽ bại vong mà nhất định sẽ được cường thịnh, phong phú thêm”. Tư tưởng đó đã sinh ra những “Phật hoàng” đi cày “tịch điền” với dân, và “Phật tướng” nằm gai nếm mật với tướng sĩ ngoài chiến trường. 

 - Phật giáo đề cao trí tuệ, từ bi: Trí tuệ Phật giáo hướng đến cách giải quyết các vấn đề không thuần túy lý luận hay siêu nghiệm mà rất cụ thể, gần gũi với đời sống người dân. Phật giáo luôn chủ động gạn lọc, sáng tạo, đổi mới, cập nhật thời thế.  

-Phật giáo không cầm quyền, không đặc quyền, đặc lợi:  Các “Phật hoàng” là những nhà vua có “tâm Phật” chứ không phải là các tu sỹ làm vua. Phật giáo chỉ làm sứ mệnh "thiên nhân chi đạo sư" như Quốc sư Vạn Hạnh. Các vị “Phật hoàng” thường nhường ngôi sớm. Các Thiền sư không làm quan, không ở chốn cung đình, chỉ  góp ý việc nước.

Phật giáo không độc quyền về văn hóa, không chờ phép lạ mà do biết rút ra những kinh nghiệm từ những triều đại trước.

- Phật giáo là triết lý sống, không phải là những tín điều cứng nhắc: Đức Phật dạy:“… hãy du hành vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại…”đó là “triết lý sống”,  “kỹ năng sống” rất giản dị nên nhân dân tiếp thu rất dễ dàng. Phật giáo dựa trên sự từ bi, độ lượng, không trừng phạt mà chỉ nói đến “luật nhân quả” của trời đất. Đó là một tôn giáo gần gũi với nhân dân, hòa quyện hài hòa giữa đời và đạo.

- Phật giáo của toàn dân: Tôn giáo thuộc phạm trù tinh thần, là thượng tầng kiến trúc của đời sống xã hội nhưng Phật giáo thời Lý - Trần không chỉ là những triết lý cao siêu giành cho giới trí thức và quan lại mà còn có những điều rất giản dị nên đã ngấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân.

Tóm lại, khi những giá trị đạo đức, tinh thần của Phật giáo không chỉ là của riêng thời Lý - Trần mà đã trở thành những giá trị văn hóa của cả dân. Ngệ An là một bộ phận hợp thành không gian văn hóa phật giáo Việt Nam trong suốt chiếu dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đến thế kỷ XX, lúc đó đất nước ta đã bị thực dân Pháp đô hộ gần 80 năm, tập đoàn phong kiến cầm quyền nhà Nguyễn đã suy vong nhưng những giá trị cao cả của văn hóa Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn trong các tầng lớp nhân dân. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, phải có những tài năng xuất chúng và đức độ cao cả như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới mới có thể đánh thức được tinh thần tự tôn dân tộc, tạo dựng lại sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân để đánh bại cả ba đế quốc lớn nhất thời đại, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

 Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước từ thời Lý - Trần đến thời đại Hồ Chí Minh, Nghệ An luôn là một vùng đất của Việt Nam, cùng chung một nền văn hóa nên cũng đã đạt đến những giá trị văn hóa Phật giáo ở tầm cao như các vùng đất khác của Việt Nam.

2. Truyền thống Phật giáo xứ Nghệ

Theo tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả thì Phật giáo có mặt tại đất Nghệ An cách đây hàng ngàn năm.  Đạo Phật đã từng phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân, mỗi làng xã đều có chùa để thờ Phật.

Thời vua Mai Hắc Đế, năm 627, ngôi chùa Đại Tuệ đã được xây dựng, có thể đây là ngôi chùa sớm nhất trên đất Nghệ An. Đến thế kỷ 15, thời Hồ Quý Ly, ngôi chùa được trùng tu, mở rộng khang trang để thờ Phật bà Đại Tuệ, người giúp ông xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc giữ nước.

Đến thời vua Trần Nhân Tông khi về đây chiêu mộ binh sỹ đánh đuổi quân Nguyên Mông, nhiều chùa đã được vua ban chiếu xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập thêm chùa. 

Đến thời vua Lê Lợi lập các căn cứ kháng chiến chống nhà Minh, những chùa chiền ở Nghệ An cũng là cơ sở đóng quân và huấn luyện binh sỹ.

Sử sách cũng còn ghi lại, thời nhà Mạc đã ủng hộ Phật giáo rất mạnh mẽ và đã có lúc thanh bình đến mức có câu truyền rằng Người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa”.

Đến năm 1789, Hoàng đế Quang Trung trên đường thần tốc ra Thăng Long đại phá quân Thanh đã chọn vùng đất thuộc khu vực chùa Đại Tuệ làm nơi đóng quân, luyện binh và dâng hương lễ phật. Sư trụ trì chùa Đại Tuệ thời đó còn giúp Quang Trung tìm ra con đường ngắn nhất ra thành Thăng Long.

Đến những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu, các nhà Nho yêu nước tại Nghệ An, nhân dân đã đoàn kết tập hợp dưới lá cờ đại nghĩa tích cực đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Trong giai đoạn này, nhiều chùa đã trở thành những nơi tập hợp quần chúng, mở trường dạy học, luyện binh luyện tài để tố chức các phong trào đấu tranh.

Với tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian giác", Tăng ni Phật tử đã hoà cùng dòng chảy cách mạng, không ngại khó khăn, đã hiến cúng tất cả tài sản đất đai ruộng vườn, hương hoả của chùa để tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.

Trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, các phong trào yêu nước đã phát triển rộng sâu trong đời sống nhân dân Nghệ An, nhiều Tăng ni đã trực tiếp tham gia cách mạng, nhiều chùa chiền đã trở thành nơi nuôi dấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến, đồng thời cũng để tránh quân xâm lược lợi dụng chiếm đóng lâu dài.

Tất cả đóng góp của giới Tăng ni, phật tử Nghệ An đã góp phần vào những thắng lợi chung trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Miền Bắc được giải phóng, đất nước tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc, Nghệ An cũng như các tỉnh miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến chống Mỹ. Nhiều phong trào yêu nước của nhân dân Nghệ An đã được phát động như “tiếng hát át tiếng bom”, “Lương không thiếu một cân,quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “tất cả cho miền Nam ruột thịt”...

Với hào khí đó, nhiều Tăng ni, Phật tử đã hạ bỏ cà sa, tạm lắng tiếng chuông tiếng mõ để tham gia kháng chiến ở hậu phương và tiền tuyến, chùa chiền cũng trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nơi làm việc của chính quyền, bệnh xá nhà thương… Tất cả những hi sinh đó đã góp phần vào sự thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

 Cũng như bao vùng quê khác ở miền Bắc, Nghệ An còn là tuyến lửa trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ nên bị tàn phá nặng nề. Trong hoàn cảnh đó đã không còn các cơ sở thờ tự của Phật giáo, không còn tiếng chuông tiếng mõ, Tăng ni, Phật tử… Nhưng tinh thần phật pháp vẫn còn lại trong tâm thức của người dân.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do chiến tranh tàn phá, cũng có nguyên nhân do nhận thức chưa đầy đủ về đường lối tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên Phật giáo ở Nghệ An chậm được phục hồi.

Những nét chấm phá lớn trong dòng lịch sử phát triển Phật giáo ở Nghệ An kể trên đã nói lên bề dầy về truyền thống và văn hóa phật giáo đã trở thành những giá trị văn hóa phi vật thể bền vững ở Nghệ An.

3. Sức sống văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: Không còn chùa nhưng vẫn còn Phật pháp.

 Sau chiến tranh, Nghệ An chỉ còn lại một ngôi chùa Cần Linh tại thành phố Vinh là tương đối nguyên vẹn và có sư trụ trì. Thế nhưng, tiếng chuông của ngôi chùa nhỏ ấy vẫn bền bỉ ngân vang. Những người dân xứ Nghệ dù nghe thấy hay không nghe thấy tiếng chuông, dù nhìn thấy hay không nhìn thấy ngôi chùa nhưng trong tâm thức của họ vẫn còn tinh thần Phật pháp.

Mặc dầu đời sống nhân dân và Phật tử sau chiến tranh còn vô cùng khó khăn, nhưng sức mạnh của truyền thống Phật pháp và nhu cầu tâm linh của người dân xứ Nghệ đã trỗi dậy. Nhiều người đã góp công, góp của để xây am làm thất, tôn trí thờ Phật, tiếp tục duy trì mạng mạch Phật pháp của tổ tiên.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 9 hệ phái Phật giáo trong cả nước. Ni trưởng trụ trì chùa Cần Linh đã được suy cử tham gia Uỷ viên Hội đồng trị sự khoá I và chùa Cần Linh trở thành cầu nối đạo Pháp với Phật giáo các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đó là những dấu hiệu ban đầu về sự hồi phục của phật giáo Nghệ An.

Trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-1011), Giáo hội Phật giáo Nghệ An đã được thành lập. Tuy muộn hơn nhiều so với các tỉnh khác nhưng sự kiện đó đã tạo điều kiện mới cho thời kỳ phục hồi và phát triển Phật giáo ở xứ Nghệ.

Theo số liệu thống kê, trước đây trên địa bàn Nghệ An có tới gần 500 ngôi chùa nhưng đến nay chỉ còn dấu tích của hơn 50 ngôi chùa. Trong đó, gần 30 ngôi chùa được đã UBND tỉnh ra quyết định trùng tu phục hồi. 

Theo tin tức từ Nghệ An, tối 26.5 (ngày 06.4 âm lịch) đã long trọng tổ chức đại lễ Phật đản - Phật lịch 2556 tại chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) với sự tham dự của nhiều vị Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng ni, Cư sĩ và đông đảo Phật tử trong và ngoài tỉnh. Vào lúc 15h, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trụ trì chùa Đại Tuệ đã long trọng tổ chức lễ Quy y tam bảo cho hơn 150 người dân trong tỉnh và giảng giải về ý nghĩa của ngày Phật đản và những đức tính cao cả của đức Phật.

Đây là lễ hội Phật giáo quy mô lớn đầu tiên được tổ chức ở Nghệ An sau nhiều năm không có những hoạt động sôi nổi. Lễ hội đã thu hút được đông đảo người dân trong tỉnh kéo về tham dự, mọi người đếu vui mừng phấn khởi. Sự kiện đó đã chứng tỏ văn hóa Phật giáo đã lấy lại được vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ.

Phật giáo ở Nghệ An không chỉ được phục hồi và khởi sắc về quản lý nhà nước mà quan trọng hơn là tinh thần Phật pháp còn rất mạnh mẽ trong lòng nhân dân.

Người dân xứ Nghệ chỉ cần biết làng mình đã từng có chùa, nay được khôi phục thì những người từng sinh ra và lớn lên ở đó sẽ tuỳ theo điều kiện mà đóng góp tiền của, công sức để phục dựng, trùng tu chùa làng, đình làng,  miếu mạo.

Ngày nay ở Nghệ An có rất nhiều câu chuyện cảm động về niềm tin Phật pháp: như ông chủ tịch xã Nghi Thạch, khi về hưu đã mấy năm liền cầm đơn đi khắp các nơi xin phục dựng lại ngôi chùa Phúc Lạc. Ở chùa Hoằng pháp của thầy Chân Quang, có những ngày, hàng trăm người đến niệm Phật và nghe thuyết giảng Phật pháp (qua băng đĩa). Những người dân trong vùng và những người con xa quê đã đóng góp gần 400 triệu để xây một ngôi chùa nhỏ để có nơi niệm Phật. Ở chùa Thiên Linh, có những đêm có khoảng 500, đến 600 Phật tử về chùa tụng kinh, niệm Phật. Kể cả những ngày mùa đông rét mướt và không có thầy hướng dẫn nhưng vẫn có nhiều người tìm đến các ngôi chùa nhỏ, họ phải ngồi sát vào nhau cho ấm để cùng nhau niệm Phật

Những câu chuyện cảm động ấy đã nói lên sức sống mạnh mẽ của văn hóa Phật giáo như chưa bao giờ bị mai một trong lòng người dân đúng như tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác” và đó là nhân tố cơ bản nhất để tin tưởng rằng trong tương lai văn hóa Phật giáo ở Nghệ An sẽ tìm lại được thời kỳ phát triển tươi sáng.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23  tháng 6 năm 2012



* Ban phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6130311