Thông tin

CẢM XÚC CUỐI NĂM

CẢM XÚC CUỐI NĂM

 

ĐẶNG TRUNG THÀNH

 


 

Cứ mỗi năm, khi cái lạnh cứa da cứa thịt của mùa đông đang dần thu hẹp lại nhường chỗ cho tiết trời vào xuân, đã nhắc cho tôi biết Tết cổ truyền đang cận  kề. Ngoài vườn, từng lộc non đang cựa mình đón nắng mai; nụ mai, nụ đào háo hức chờ ngày khoe sắc. Trên không, từng đán chim én chíu chít bay rợp trời, tạo nên một bản hoan ca mang đậm tiết xuân.

Cuối năm, từ thành thị đến nông thôn ê hề hoa quả, bánh mứt, quà cáp... xen lẫn tiếng cười nói vui vẻ của dòng người đi mua sắm. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chậu mai, chậu đào, chậu quất, vạn thọ... được người bán bày biện chật ních hai bên đường. Các tiểu thương tất bật chuẩn bị thật nhiều hàng hóa để phục vụ cho người tiêu dùng vào mấy ngày xuân. Còn những anh chị công nhân cứ nao nao trong dạ, luôn mường tượng ra vô vàn hình ảnh đẹp đẽ cho chuyển về quê sum họp cùng gia đình. Hay những người xa quê hương, cách nửa vòng trái đất, đều vội vã về kịp cuối năm để chiêm ngưỡng, thưởng thức cái tết của quê hương trong thời kì đổi mới. Ngay cả lũ trẻ con cũng trông ngóng xuân về, để mong được nhận tiền lì xì từ tay người lớn...

Chiều lòng vòng quanh phố, nhìn ngắm sự náo nhiệt, tất bật của mọi người làm lòng tôi lâng lâng một cảm xúc khó tả. Mùi hương thoang thoảng, nồng nàn và quyến rũ của gió cứ thốc vào mũi tôi đến chếch choáng như người say men. Kì lạ thay, cái mùi hương ấy không thể trộn lẫn vào đâu được, và bất cứ một ai cũng có thể nhận ra khi tiết trời báo hiệu xuân về. Nghe lời ba mẹ, tôi đạp xe khắp các đường phố để cố tìm ra ông đồ viết câu đối. Ba tôi vốn yêu thư pháp, câu đối nên cứ mỗi năm đều bảo tôi đi tầm ông đồ để viết liễn. Những năm trước thì ba bảo viết: "An khang thịnh vượng, Tống cựu nghinh tân, Chúc mừng năm mới, Phát tài phát lộc...". Còn năm nay, ba muốn có cặp liễn dài hơn, đẹp và hay hơn nên kêu tôi phải tìm cho được ông đồ để viết câu:

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh"

Những mùa xuân cũ, ông đồ cứ ngồi nhan nhản hai bên đường. Nhưng Tết này, tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy ai... Chợt thấy chạnh lòng trước cái Tết trong thời kì hội nhập, khi mà những gì thuộc về bản sắc văn hóa dần mất đi, thay vào đó là lối sống "hội nhập" mang phong cách phương Tây. Ông bà tôi thường hay than phiền: "Cái Tết bây giờ mất đi tính cổ truyền". Thật vậy! Tết xưa, nhà nhà háo hức chuẩn bị Tết Nguyên đán từ đầu tháng Chạp. Nào là lo mua vải vóc để may quần áo; chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh mứt; lo chuẩn bị gà, vịt để thế đãi khách vào những ngày xuân; nhà cửa được trang hoàng bằng những bức tranh dân gian như Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, làng Sình... Tết nay, trong cuộc sống xô bồ của hội nhập, chẳng ai còn có thời gian để làm những việc "mất thời gian" ấy. Nếu cần, chỉ việc chạy ra chợ, vào siêu thị là có đủ mọi thứ. Có điều, hương vị không được "cổ truyền" cho lắm.

Tuy tôi chưa một lần tận hưởng cái Tết đậm chất cổ truyền, nhưng được nghe ông bà kể lại nên ít nhiều tôi cũng mường tượng ra đôi chút. Vả lại, có rất nhiều bài thơ, ca khúc viết về Tết Nguyên đán thật hay mà tôi từng biết. Cụ thể là bài thơ Ông đồ, Chợ Tết, Tết quê bà; ca khúc Ngày Tết quê em, Mùa xuân ơi, Chúc Tết, Dịu dàng sắc xuân… Chính những hình ảnh bản sắc dân tộc ấy đã in sâu vào trong tim tôi và cả gia đình tôi. Cho nên, năm nào ba mẹ cũng bắt anh em tôi treo những bức liễn, tranh Đông Hồ trong nhà cho không khí ấm cúng, đậm chất Tết Việt...

Tôi lại tiếp tục lang thang trên phố cốt để tìm cái bản sắc văn hóa về cho cả nhà. Sau hai giờ dạo phố trong không khí náo nhiệt, cuối cùng tôi cũng tìm được người viết câu đối, đó là một ông đồ trẻ. Tuy câu đối của anh ta chưa chuẩn, chưa rồng bay phượng múa nhưng âu đó cũng là những hình ảnh quý, hiếm hoi của thời hiện đại.

Xong nhiệm vụ, tôi vội vã về nhà, chợt nhận ra phố đã lên đèn. Đêm xuống, những ánh đèn cao áp hai bên đường tỏa sáng. Phố càng đông nghịt hơn, nhộn nhịp hơn. Hàng hóa càng đẹp mắt hơn trong ánh sáng hoa lệ của đô thị về đêm. Dòng người vẫn tất bật qua lại, mua sắm nhộn nhịp mãi đến tận khuya...

Xuân sắp về, mang thông điệp yêu thương, hạnh phúc, sức khỏe, yên bình đến cho mọi người, mọi nhà. Cả nước đang hân hoan trong không khí dịu dàng của tháng Chạp, chuẩn bị cho một năm mới vui tươi hơn trong thời kì hội nhập. Đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn, đó là điều đáng mừng. Thế nhưng, mong rằng ai đó dù có đi đến đâu và về đâu cũng đừng quên quê hương nguồn cội, quên bản sắc của Tết cổ truyền.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6939667