CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG
VU GIA
Phẩm thứ hai của “Pháp Bảo Đàn Kinh”, chỉ cho người tu hành cần hướng tới trí tuệ Bát nhã. Trí tuệ Bát nhã có thể hiểu tóm lược là “Tấm lòng rộng lớn, ôm trọn cả hư không” (Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới). Đó là sự biểu hiện trực quan nhất của Phật tính với sự tương phản sâu sắc với những dục vọng của chúng sinh.
Mở đầu ca khúc “Để gió cuốn đi”, Trịnh Công Sơn viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” làm tôi thổn thức, nhớ lại thời ôm vở tới trường. Ngày ấy, tôi mới vào lớp đệ thất (lớp 6), trong giờ học Cổ văn, thầy giáo dạy về lòng yêu thương con người qua ca dao, tục ngữ. Thầy nói phàm là người phải thương yêu nhau, trước hết là yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con dòng tộc, xóm giềng, bạn hữu,… Chỉ có dấy lên lòng yêu thương, thì mới thấy cuộc đời tươi sáng. Cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Mình yêu thương súc vật, thì súc vật cũng yêu thương mình. Anh chị cứ nhìn con chó, con mèo trong nhà sẽ hiểu. Người mà không có lòng yêu thương, không có tấm lòng rộng mở, thì còn thua cả con vật. Anh chị chú tâm quan sát những con vật nuôi trong nhà sẽ thấy tôi không nói quá lời.
Nếu thiếu tấm lòng thiện lương, rộng mở…
Về sau, sức đọc có nâng lên và cũng chìm nổi với cuộc đời hơn 70 năm, tôi nghiệm ra muốn có cuộc sống yên vui phải có tấm lòng rộng mở. Lời thầy dạy năm nào cũng là lời của người xưa: “Phàm là người, đều yêu thương” được Lý Dục Tú (1647-1729), ghi lại trong “Đệ Tử Quy”. Trước đó, trong “Luận Đại Trượng Phu”, đức Phật dạy: “Người có lòng bi hay thương tất cả chúng sanh, mà thương chúng sanh tức là thương mình vậy”. Thời đại Hồ Chí Minh, Tố Hữu cũng đã viết:“Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Bài ca Xuân 1961).
Xưa nay, các bậc thức giả đều quan tâm đặc biệt đến giáo dục lòng yêu thương con người. Và con người cũng không phải cỏ, đá vô tri nên rất ý thức chuyện này. Kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc ta cũng nói nhiều về lòng thương người: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,…; nói về sự khoan dung: “Đất có chỗ bồi chỗ lở, ngựa có con dở con hay”, “Giơ cao đánh khẽ”, “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”,…
Do vậy, thời nào, đời nào cũng mong có nhiều người “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Nếu thiếu tấm lòng thiện lương, rộng mở thì không khác mấy với lời dạy của đức Phật trong kinh “Pháp Luật Tam Muội”: “Người ngu trong đời, chỉ thấy người ta ác mà chẳng thấy mình ác, rồi cũng chỉ thấy cái lành của mình, mà chẳng thấy điều lành của người. Còn thêm nữa: Tự cho mình là trí mà thiên hạ đều ngu; mình ở trong chỗ sáng, thiên hạ ở chỗ tối. Như thế thật quá ư mê muội mà chẳng tự biết.
Những kẻ ngu si chỉ thấy kiêu ngạo của người, mà chẳng biêt cái kiêu ngạo nơi mình. Hễ kẻ nào tự biết mình lỗi là kẻ ấy có thể cùng bàn luận điều lành với họ được. Mà kẻ nào chỉ thấy cái hay của mình, thời không thể nói chuyện phải với họ được”.
Người có tấm lòng bao dung cũng là nhân tài
Báo Xuân Người Lao Động 2024, bài viết Nghĩ về “nguyên khí quốc gia” của tôi, có đoạn: “Con người chứ không phải robot, ai cũng có lòng tự trọng, nhất là những người được gọi là nhân tài. Thu nhập không ai chê nhưng cái họ cần là được trọng dụng và tin dùng, nhất là cần những người quản lý trực tiếp “trong bụng có thể chống thuyền”, không có tâm địa hẹp hòi, đố kỵ. Với tôi, người có tấm lòng bao dung cũng là nhân tài, thậm chí còn giỏi hơn nhân tài. Nếu chúng ta chưa xây dựng được đội ngũ này, thì khó thu hút được nhân tài”.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ở đời, ai cũng mong muốn sống khỏe, chết an; nhiều người buông tha cơ hội, cho rằng thực lực có hạn, năng lực nhận thức có hạn, chỉ cần quản lý tốt chuyện của mình như vậy đủ rồi, cố gắng hơn cũng không có ý nghĩa gì. Có nhiều người nghĩ như vậy, sách lược “an phận thủ thường” đặt lên hàng đầu, nên khó mà “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bao giờ có nhiều người dám nghĩ những điều người khác không dám nghĩ, dám làm những điều người khác không dám làm, dám đảm đương chuyện người khác không dám đảm đương, thì mong ước của Bác Hồ mới thành hiện thực. Muốn có lớp công dân như thế, cần có những tấm lòng bao dung, không lo sợ lớp trẻ giỏi hơn mình, soán đoạt danh tiếng của mình. Người xưa thường nói: “Trong bụng của tể tướng có thể chèo thuyền”, là nhắc nhở tấm lòng lớn có thể bao dung những việc khó bao dung của thiên hạ. Dĩ nhiên, con người không phải là Phật, là thánh thần, là đấng cứu thế, nhưng trải qua cuộc sống hơn 70 năm, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, sống vắt qua 2 thế kỷ, và đọc lung tung một số sách, tôi thấy làm người thì phải có sự độ lượng, tấm lòng rộng mở, không nên đố kỵ, ganh ghét, không nên vội nhân danh đủ thứ để quy chụp những điều mình chưa thể nghĩ tới.
Tôi cũng qua một thời tuổi trẻ, và từ thực tế bản thân, tôi thấy tuổi trẻ cũng cần khoa trương một tí, nhưng điều kiện ắt có và đủ để khoa trương là phải có vốn để khoa trương. Thất bại cũng không sao, vì thất bại là mẹ thành công và quỹ thời gian còn nhiều để họ biết hổ thẹn mà mạnh mẽ đứng lên tiến về phía trước. Tuổi trẻ ai không từng thất bại. Nhưng ai không thích nghi được, thì tự dưng cuộc sống đào thải. Đó là sự công bằng của tạo hóa.
Rộng lớn hơn bầu trời là lòng người
Kinh “Niết Bàn” nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Do đó, Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Dưới cái nhìn của nhà Phật, tâm người có thể chia thành hai phần: phần nổi là những dục vọng; phần chìm là Phật tính. Phật tính ai cũng có nhưng không dễ nhận biết vì thường bị dục vọng che mờ. Chính sự che mờ này, khiến chúng ta trở thành phàm phu, dẫu trong kinh “Hoa Nghiêm”, đức Phật khẳng định: “Hết thảy chúng sinh vốn là Phật”. Vì “vốn là Phật”, nên Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Ai cũng có thể thành Phật, nhưng chúng ta chỉ là phàm phu vì bị dục vọng che mờ, chưa giải mê khai ngộ.
Đạo Phật đề cao lòng từ bi, dạy con người đoạn ác tu thiện, không ban phúc hay giáng họa cho ai; mỗi người có thể tự thay đổi cuộc đời mình, hun đúc tri thức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tự mình thắp lên ngọn đèn trí tuệ cho chính mình. Có người nói với tôi, điều đầu tiên trong Thập đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền là “Lễ kính chư Phật”. Vậy là sao? Tôi không dám nói tâm lượng họ quá nhỏ, mà nói họ chưa hiểu đạo Phật. Phật dạy: “Hết thảy chúng sinh vốn là Phật”, nên cớ gì không lễ kính?
Kinh “Bồ Tát Giới”, viết: “Hết thảy người nam là cha ta. Hết thảy người nữ là mẹ ta”. Không lễ kính cha ta, mẹ ta sao? Phật không chỉ nói cha mẹ, mà còn nói “hết thảy chúng sinh”, nghĩa là cây cỏ, đất đai, sông núi,… ta cũng phải có lòng cung kính. Theo giáo pháp Đại thừa, “Sinh Phật bất nhị” (Chúng sinh và Phật không hai), nghĩa là chúng sinh và Phật không phải là hai thực thể riêng biệt. Không có chúng sinh, thì không có Phật. Chúng sinh là Phật chưa giác ngộ, còn Phật là chúng sinh đã giác ngộ. Do vậy, mở đầu Nghi thức tụng niệm là “Nhất thiết cung kính” (Cung kính tất thảy) rồi mới đến “Nhất tâm đảnh lễ”.
Victor Hugo từng nói: “Rộng lớn nhất thế gian là biển, rộng lớn hơn biển là bầu trời, mà rộng lớn hơn bầu trời là lòng người”. Phải làm cho giới trẻ khắc ghi dựa núi, núi cũng có thể đổ; dựa nước, nước cũng có thể rút, chỉ có dựa vào chính mình mới là vương đạo. Muốn được như vậy, cần có tấm lòng rộng mở, bao dung. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”. Đây chính là lòng từ bi, “Tấm lòng rộng lớn, ôm trọn cả hư không”. Chẳng phải vô cớ mà ngài Đạt Lai Lạt Ma, nói: “Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối mà thực ra là biểu hiện của sức mạnh” (Compassion and tolerance are not a sign of weakness but a sign of strength).
Bình luận bài viết