Thông tin

CĂN CƯỚC VĂN HÓA CỦA “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ”

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 


 

Xét trên nhiều phương diện, “Xuân và tuổi trẻ” của nhạc sĩ La Hối là một tác phẩm khá đặc biệt. Trong dòng ca khúc song ngữ Việt - Hoa, “Xuân và tuổi trẻ” nằm vắt ngang qua hai nền văn hóa, mang bản thể đa sắc rõ rệt. Nó hoàn toàn khác với những ca khúc có thêm lời Việt hay Hoa nhờ chuyển dịch từ một ngôn ngữ gốc. “Xuân và tuổi trẻ” gắn kết một cách tự nhiên, hữu cơ giữa âm nhạc của nhạc sĩ La Hối, lời Hoa của nhà thơ Diệp Truyền Hoa và lời Việt của nhà thơ Thế Lữ, từ đó trở thành tác phẩm nổi tiếng mang bản thể hỗn dung văn hóa, đi giữa làn ranh giữa hai cộng đồng Việt - Hoa.

“Xuân và tuổi trẻ” vốn có tiêu đề “Thanh niên dữ xuân thiên” (Tuổi trẻ và mùa xuân), sau đổi tên thành “Thanh niên dữ thanh xuân”, “Tuổi trẻ và xuân trẻ”, tiêu đề này khá gần với “Xuân và tuổi trẻ” mà nhà thơ Thế Lữ đặt lời Việt. Trong nhiều bài giới thiệu có liên quan, cụm từ “Dữ Thanh Xuân” thường viết chữ in hoa. Cách viết này dễ gây hiểu nhầm cho người đọc. Vì, cụm từ “Dữ Xuân Thiên” hay “Dữ Thanh Xuân” không phải danh từ riêng, trong đó chữ “dữ” là liên từ: “và”, “thanh xuân” nghĩa là “xuân trẻ”.

Xét về hoàn cảnh ra đời, “Xuân và tuổi trẻ” được nhạc sĩ La Hối sáng tác khoảng những năm 1940 - 1944 (tác giả mất năm 1945), trong bối cảnh của trào lưu âm nhạc Lãng mạn. Vì thế, xét về cấu trúc tác phẩm, cũng như tư duy sáng tác, âm nhạc của “Xuân và tuổi trẻ” phóng khoáng, tự do, không “gò bó”, cân phương như ở chủ nghĩa Cổ điển. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, đây là giai đoạn trào lưu âm nhạc lãng mạn đã bước sang thời kỳ thoái trào, nó hoàn toàn xóa đi dấu vết của ngôn ngữ âm nhạc truyền thống như nhiều tác phẩm của các tác giả thời kỳ đầu Tân nhạc, như: Phạm Duy, Văn Cao, Đặng Thế Phong… Tư duy sáng tác cho thấy khuynh hướng chuyển biến từ lối phát triển đơn tuyến (theo tư duy âm nhạc truyền thống) sang cấu trúc, có động cơ (motip) và sự tham gia tích cực của yếu tố hòa thanh... Xét về cấu trúc tác phẩm, thay vì đi tìm một hình thức được khái quát hóa (phổ biến ở ca khúc) để áp vào tác phẩm thì việc bóc tách các lớp văn hóa lại cho thấy có sự gắn kết với cội nguồn lịch sử. Và ở đây nổi lên cấu trúc “Khởi - Thừa - Chuyển - Hợp” theo tư duy thơ ca, kịch nghệ truyền thống. Nói cách khác, cấu trúc thơ ca truyền thống hẳn đã ảnh hưởng nhất định đến khúc thức tác phẩm này.

Tác phẩm có một đoạn dạo và bốn phân đoạn liên kết nhau theo cấu trúc: Khởi - Thừa - Chuyển - Hợp.

Đoạn dạo nhạc cấu tạo bởi các bước nhảy đi lên mang tính chất fanfare, sau khi lên tới đỉnh điểm, giai điệu mới đổ xuống bằng những âm của hợp âm bảy át, một phương thức rất gần với biện pháp “đấu tranh giành chủ âm” thường gặp trong tác phẩm âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức L.V Beethoven.

 

Đoạn dạo đầu có tính chất như một lời hiệu triệu, mạnh mẽ, dứt khoát... Tương truyền, nét nhạc này được dùng làm ám hiệu cho hoạt động Hội kín mà La Hối tham gia với vai trò thủ lĩnh. Phát xít Nhật đã theo dõi và phát hiện ra tung tích, kết quả là cả mười nhân vật trong phong trào kháng Nhật, trong đó có La Hối bị đem xử trảm dưới chân núi Phước Tường (nay thuộc TP Đà Nẵng). Ông đã “chết” vì đoạn nhạc dạo của “Xuân và tuổi trẻ”, nhưng tên tuổi của La Hối lại trường tồn cũng nhờ chính tác phẩm này. Bởi vậy, qua nhiều bản phối khí khác nhau, người chuyển soạn vô tình hay hữu ý bảo lưu nét nhạc dạo. Phải chăng đó chính là nhạc “truy điệu” cho tác giả của nó?

Đoạn Khởi gồm 16 ô nhịp:

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui sống

Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,

Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng...”

Lời Hoa:

“Tuổi xuân ngập tràn trong em

Hy vọng lấp lánh trong mắt em

Sợ chi gian khổ và đau khổ

Sợ chi khó khăn vây trùng trùng…”

Đoạn Khởi mở đầu bằng bước nhảy quãng 6 trưởng kết hợp với lối tiến hành đi xuống liền bậc cùng các nốt cấu thành hợp âm (trên bậc III) đi lên tạo thành mô hình chủ đạo dẫn dắt toàn bộ tác phẩm.

Cách thức này tiếp tục thông qua nhiều thủ pháp, đặc biệt là mô tiến góp phần mở rộng khuôn khổ tác phẩm. Sở dĩ “Xuân và tuổi trẻ” có tính chất tươi vui, khoáng đạt, bay bổng cũng nhờ nét giai điệu được cấu tạo bởi bước nhảy đi lên và bước tiến phản chiều liền bậc (đi xuống) nhằm tạo nên sự bình ổn.

Đoạn Thừa cũng gồm 16 ô nhịp:

“Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời

Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo

Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm

Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi…”

Lời Hoa:

“Hãy trông gió xuân thổi nhẹ qua mặt đất

Bao nhiêu hoa cùng nở trên đầu cành

Bạn ơi chẳng lẽ không vui sao

Lắng nghe tiếng chim đua hót bài ca mùa xuân…”

Đoạn Thừa chuyển tiếp bằng sự kế thừa âm hình tiết tấu của Đoạn khởi và xuất hiện âm hình tiết tấu mới (có nốt đen chấm dôi) với những âm có giá trị trường độ phân nhỏ hơn.

Đoạn này vừa phát triển chất liệu của đoạn Khởi, vừa xuất hiện chất liệu mới, có thể coi như phần trung gian tạo tiền đề cho những yếu tố tiếp tục đẩy lên đỉnh điểm trở thành cao trào cho toàn bộ tác phẩm.

Đoạn Chuyển gồm 8 ô nhịp:

“Vui sướng đi cho đời tươi sáng,

Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,

Ta hát ca đón mừng xuân mới,

Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái…”

Lời Hoa:

“Các bạn gái cùng nhau nhảy múa

Các bạn trai cùng nhau thi chạy

Chúng ta nhảy múa nô đùa

Chúng ta cười đùa la to…”

Đoạn Chuyển mặc dù có khuôn khổ nhỏ so với các đoạn khác, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đường tuyến giai điệu. Nó tạo sự chuyển biến sâu sắc nhờ yếu tố hòa thanh. Nét giai điệu của đoạn Chuyển có khuynh hướng chuyển động liên tục thông qua động lực hòa thanh. Sự biến đổi của các âm bằng thủ pháp mô tiến cho thấy sự dịch chuyển qua từng hợp âm.

Cách thức chia nhỏ đơn vị trường độ ở từng ô nhịp tạo động lực cho hòa thanh phát huy vai trò biến đổi cũng như đẩy nhanh đường tuyến giai điệu theo khuynh hướng chuyển động không ngừng. Hình thái giai điệu từng câu nhạc nối tiếp nhau có thể hình dung như những đợt sóng nhấp nhô, xô nhau… quán xuyến suốt đoạn nhạc.

Đoạn Hợp gồm 16 nhịp.

“Hát vang lên đời ta thắm tươi

Tết xuân huy hoàng muôn sắc hoa

Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca

Hát vang hòa lòng thêm hăng hái…”

Lời Hoa:

Mùa xuân đem tới niềm vui và tiếng hát

Đem tới ước mơ và hy vọng

Có lẽ có lúc phiền muộn nhỏ nhoi

Chúng ta hãy hát mừng mùa xuân

Chúng ta hãy vui mừng ca hát

Nắm chặt hiện thực và lý tưởng

Vượt qua gian khó đón ánh sáng ban mai”

Đoạn này cho thấy dấu hiệu kế thừa đoạn Khởi với bước nhảy quãng 6 trưởng xuất hiện ở đầu câu. Xét về hình thái giai điệu, cả đoạn Khởi và Hợp đều có chung hạt nhân gồm một bước nhảy và bước tiến liền bậc đi xuống theo xu khuynh hướng trở về trung điểm giữa hai khoảng cách cao độ từng câu nhạc.

Đoạn Hợp sử dụng chất liệu của đoạn Khởi để tiếp tục phát triển nhằm tạo cao trào cho toàn bộ tác phẩm, đồng thời thống nhất các mô típ âm nhạc, mang ý nghĩa kết thúc viên mãn theo quan niệm thẩm mỹ truyền thống.

Trong Ca kịch (Hý khúc) cổ truyền (Trung Quốc), kết có hậu trở thành nguyên lý chung chi phối mọi vở diễn, kể cả bi kịch, như tác phẩm Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài chẳng hạn. Mặc dù cái chết của hai nhân vật chính tạo nên vết nứt tâm lý đi ngược lại quan niệm Như ý cát tường, nhưng linh hồn cùng tình yêu bất tử của họ sau khi chuyển kiếp (hóa bướm) đã tạo nên một chỉnh thể Hợp nhất đi suốt tiến trình liên tục qua chuỗi xung đột.

Các tiến trình Khởi - Thừa - Chuyển - Hợp của “Xuân và tuổi trẻ” đã đi từ điểm đầu đến điểm cuối một cách trọn vẹn, có hậu. Giữa mỗi đoạn đều có sự chuyển tiếp nhịp nhàng, gối đầu lên nhau, không phân chia ranh giới trong trạng thái tiếp nối tương sinh, uyển chuyển, kế thừa hình thức liên khúc truyền thống.

“Xuân và tuổi trẻ” đi qua hai nền văn hóa Hoa - Việt một cách vững vàng, không còn chông chênh như những sáng tác phái sinh từ sự dịch chuyển ca từ hay vùng văn hóa. Ngay từ thuở ban đầu, tác phẩm đã mang trong mình bản thể đa văn hóa, song ngữ, hình thành bởi kết quả tổng hợp, bao gồm nhạc sĩ La Hối, nhà thơ Diệp Truyền Hoa (người Hoa) và nhà thơ Thế Lữ (người Việt). Mùa xuân vốn là sản phẩm sáng tạo của thiên nhiên, đất trời, đến “Xuân và tuổi trẻ” tiếp tục trở thành sản phẩm sáng tạo của văn hóa, nghệ thuật. Đã bao mùa xuân đi qua, với nét nhạc vui tươi, ngập tràn khí thế rộn ràng, giai điệu của “Xuân và tuổi trẻ” vẫn bay bổng, hồn nhiên như chính mùa xuân không tuổi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6712996