CÂU CHUYỆN VỀ ĐÓNG GÓP CỦA CƯ SĨ TRONG HỘI PHẬT GIÁO BẮC KỲ
CÂU CHUYỆN VỀ ĐÓNG GÓP CỦA
CƯ SĨ TRONG HỘI PHẬT GIÁO BẮC KỲ
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc (1870-1951), Chánh Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ, là một trong những nhân vật Phật giáo tiêu biểu giai đoạn 1934-1945 trong việc thành lập hội Phật Giáo Bắc Kỳ.
Nguyễn Năng Quốc, hiệu là Vi Khanh, sinh năm 1870, tại làng Thượng Tần, xã Thượng Tần, phủ Thái Ninh cũ, nay là thị trấn Châu Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông làm Tổng đốc Thái Bình vào cuối những năm 1920. Sau khi hưu trí, ông về trú tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Năm 1922, khi nhậm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Năng Quốc đã cho dựng nhà Ấu trĩ (tức nhà trẻ) ở chùa Nguyệt Đường (tức chùa Hương Hải, Hưng Yên).
Lúc khánh thành quan khách cùng nhân dân đến dự rất đông có diễn thuyết ở trên Tam bảo, lại còn đặt bài hát dạy trẻ con rằng:
Rủ nhau lên Ấu Trĩ viên,
Chơi bời vui sướng như tiên non bồng.
Ai ơi đứng lại mà trông,
Bến Đằng lối cũ cửa không bước vào.
Cuối năm 1934, ông là người đứng lên hô hào tổ chức lập Hội, lại nhận chức Chánh Hội trường để chủ trương công việc tiến hành cho hội. Tính đến ngày phải về quê dưỡng bệnh (9/1939) ông đã cống hiến cho Hội biết bao nhiêu công của. Trong năm năm như một ngày không một lúc nào ông biếng nhác việc Hội. Sáng dậy từ 5 giờ; nào xem thư từ, sổ sách, nào tiếp đón các nhân viên trong Hội, việc lập ra các chi hội địa phương, nhờ vậy mới trong năm năm Hội Phật giáo truyền bá ra khắp Bắc Kỳ, hội viên có tới mấy vạn, chi hội ngót trăm nơi đều do công sức của ông Chánh Hội trưởng một phần lớn.
Về công tác tổ chức
Với trách nhiệm là Hội trưởng, ông tiến hành triệu tập một số kỳ đại hội đồng để bàn thảo và quyết định những công việc quan trọng của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, nhất là trong giai đoạn đầu khi Hội mới thành lập.
Để ổn định tổ chức và phù hợp với tính chất hoạt động của một tổ chức Phật giáo, ông đã đề xuất với Ban Quản trị Trung ương việc sửa đổi lại Điều lệ của Hội. Bởi vì, nội dung của bản Điều lệ cũ, do phải soạn thảo gấp để đính kèm vào đơn xin phép lập Hội chủ yếu dựa vào Điều lệ của các Hội từ thiện đương thời, nên có một số điều khoản không thích hợp với hoạt động của một tổ chức Phật giáo như Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Phạm vi quyền hạn của Ban Quản trị Trung ương cần phải nhanh chóng được điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế công việc của Hội là một ví dụ tiêu biểu.
Trước đó, đối với những việc quan trọng, Ban Quản trị Trung ương không có đủ quyền tự quyết định mà phải triệu tập họp để lấy ý kiến số đông của đại hội đồng. Việc làm này đã gây ra nhiều phiền phức, do vậy, theo ý kiến đề xuất của Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Hội Phật giáo Bắc Kỳ quyết định thành lập Hội đồng Thường trực Quản trị Trung ương để giải quyết nhanh chóng và kịp thời nhưng công việc quan trọng của Hội mà không cần họp đại hội đồng lấy ý kiến của số đông như cách làm trước đây (1).
Trong cuộc họp ngày 14 tháng 5 năm 1935, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã bầu Hội đồng Thường trực Ban Quản trị Trung ương với cơ cấu và số lượng đại biểu như sau: 7 chi hội địa phương (đã được thành lập cho đến thời điểm trước khi khi bầu), mỗi nơi cử 1 đại biểu tại gia, Trung ương cử 7 đại biểu xuất gia và 28 đại biểu tại gia, tổng cộng là 49 vị.
Bên cạnh đó với cương vị là Hội trưởng, Nguyễn Năng Quốc còn thường xuyên quan tâm và cùng các thành viên Ban Quản trị Trung ương xuống dự lễ khánh thành hoặc thăm các chi hội Phật giáo địa phương các tỉnh xứ Bắc.
Về việc xây dựng chùa hội quán Trung ương
Ông luôn sốt sắng việc xây dựng lại chùa Quán Sứ to đẹp và hoành tráng làm chùa hội quán Trung ương. Ông đã cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ vay 380 đồng để trả tiền cho kiến trúc sư vẽ kiểu mẫu chùa Quán Sứ (2). Khi có bản vẽ kiểu ngôi chùa mới (3), một vấn đề đặt ra vô cùng quan trọng là kinh phí xây dựng, Chánh Hội trưởng tỏ rõ quyết tâm cao trong cuộc họp Ban Quản trị Trung ương ngày 10 tháng 5 năm 1935, ông nói: “Ta sẽ cùng nhau nghĩ cách tìm tiền… Một sư cụ Cổ Lễ mà còn làm được ngôi chùa to, phí đến 5 vạn, huống chi Hội Phật giáo Bắc Kỳ chẳng dựng được một ngôi chùa đáng 7 vạn hay sao. Làm xong chùa này, ta sẽ trù tính mua khi đất độ 20 mẫu dựng một ngôi chùa to nhất Đông Dương” (4).
Chùa Quán Sứ to đẹp làm Hội quán Trung ương
Chùa Quán Sứ ngày nay
Trong cuộc họp hội đồng Ban Quản trị Trung ương ngày 19 tháng 9 năm 1935, ông đã trình bày những ý kiến về việc xây dựng chùa Quán Sứ trước Chánh Hội trưởng Danh dự Hoàng Trọng Phu và Tổ Vĩnh Nghiêm (Thích Thanh Hanh) – Thiền gia Pháp chủ, cùng lời mời hai vị đồng giữ chức Chánh Hưng công. Hai vị này đã vui vẻ nhận lời mời.
Để có nguồn kinh phí xây dựng chùa hội quán Trung ương (dự tính 7 vạn đồng), ông đã đề xuất và được BQT Trung ương chấp thuận một số sáng kiến như: quy định từ cấp Hội viên Chủ trì trở lên (cả hàng xuất gia lẫn hàng tại gia) mỗi người cùng góp 1 đồng, xin phép Thống sứ Bắc Kỳ lập sổ quyên tiền thập phương(5), soạn thảo Điều lệ bầu Hậu Phật(6), tích cực cổ động khuyến khích nhiều người vào Hội,… (7)
Về công tác đào tạo Tăng tài
Cùng các thành viên của Ban Quản trị Trung ương, ông quan tâm đến việc thành lập các trường Phật học để đào tạo Tăng tài. Bởi vì, theo ông, Phật giáo Việt Nam hiện thời cũng như trong tương lai phát triển hay suy vong phụ thuộc nhiều vào sự học tập đội ngũ tu sĩ.
Để công tác đào tạo Tăng tài tiến hành đạt kết quả tốt, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã rất quan tâm việc học tập kinh nghiệm các trường Phật học của Hội Phật học An Nam (Trung Kỳ), một trung tâm giáo dục Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh mẽ đương thời.
Đầu năm 1936, khi vào Huế dự lễ Tế Nam Giao, ông với Hòa thượng Phan Tung Thứ (Tổng Bằng Sở) và Thượng tọa Trí Hải đi tìm các trường Phật học của Hội An Nam. Tháng 9/1936, ông cử Thượng tọa Tố Liên đi tham cứu trường Phật học Huế trong thời gian 1 tháng, lấy được chương trình Phật học các cấp của Hội Phật học An Nam ra Bắc cùng Ban Bảo trợ Học đường xây dựng một chương trình chung cho các trường Phật học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Nhìn vào chương trình đào tạo áp dụng tại các trường Phật Học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, chúng ta có thể thấy sự khá toàn diện trong nội dung đào tạo Tăng tài theo lối mới. Chẳng hạn, để học tăng có kiến thức toàn diện, bên cạnh những môn thế học. Các môn thế học bổ sung và nâng cao dần theo từng cấp học. Nếu như ở cấp Tiểu học, thế học chỉ gồm Quốc ngữ và Toán thì sang đến cấp Trung học và nhất là cấp Đại học, chương trình đào tạo đã hướng tới các môn Triết học Đông Tây, Việt sử, Quốc văn, Cách dư, Địa chí, các thư tịch và kinh điển Nho giáo (8).
Trong bài diễn thuyết đọc tại buổi lễ khai giảng Trường Phật học Bằng Sở (cấp Đại học) cuối năm 1936, Chánh Hội trưởng tâm sự: “Thoạt khi bắt đầu tổ chức nên Hội Bắc Kỳ Phật giáo chấn hưng này, cái công cuộc chấn hưng thứ nhất là tôi đã để ý muốn săn sóc ngay đến việc học ở chốn Thiền Môn. Sự săn sóc đến việc học đó, tức là trau dồi về đường tinh thần của nền Phật giáo nghĩa là muốn chấn hưng Phật giáo nước nhà, thì phải chú trọng về mặt tinh thần, cũng như là về đường vật chất” (9).
Để công cuộc chấn hưng Phật Giáo nói chung, công tác đào tạo Tăng tài nói riêng đạt kết quả tốt hơn nữa, ông đã động viên ni sinh: “Các anh em đã biết tôn sùng đạo Phật, thì các anh em phải nên ngắm trước trông sau, cố trí suy nghĩ học hành, làm sao cho được theo đuổi bằng người, để khỏi mang tiếng nền Phật giáo nước nhà. Và phải làm thế nào để cho một ngày kia, các anh em cũng sẽ theo chân nối gót với những bậc Đại đức đời xưa mà đưa ra các nước tuyên truyền giáo lý để thu phục tín đồ và để làm cho Phật pháp ngày một xương minh hơn nữa”(10).
Trong cuộc họp bất thường Đại hội đồng ngày 16 tháng 10 năm 1937, khi đề cập đến công tác đào tạo Tăng tài, ông đã đề xuất với Ban Quản trị Trung ương việc lập Trường/Lớp Thiền học Sư Phạm ( 3 năm, 6 năm, 9 năm) nhằm đào tạo ra những tăng sĩ, giảng sư chất lượng cao phục vụ cho việc giảng dạy và hoằng dương Phật pháp tại các chi hội Phật giáo địa phương đã, đang và sẽ được thành lập với tốc độ ngày một nhanh, nhất là ở những tỉnh Thượng du ở miền Bắc đương thời. (11)
Về công tác từ thiện nhân đạo
Năm 1937, thay mặt Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ông ra lời kêu gọi tổ chức Tuần lễ Từ thiện, vận động cứu tế đồng bào bị nạn lụt ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Tháng 10 năm 1937, ông cùng với các thành viên của Ban Quản trị Trung ương phối hợp với báo Đông Pháp phát 100 tạ gạo, 150 đôi chiếu cho 15.025 người vùng bão lụt của 2 địa phương nói trên.
Ông còn cùng với vợ mua 15.000 bộ quần áo dạ nhà binh cũ về thuê thợ may và sửa chữa lại; mua bao bột mỳ bằng vải giặt sạch để may quần áo cho đồng bào tỉnh Bắc Ninh, 3.000 bộ quần áo cho đồng bào tỉnh Bắc Giang.
Báo Đuốc Tuệ cơ quan ngôn luận của Phật giáo Hội do ông Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm
Về phương diện đối ngoại
Bằng nhiều hoạt động cụ thể, ông tiếp tục xây dựng và củng cố mối quan hệ thân thiết giữa Hội Phật giáo Bắc Kỳ với Hội Phật giáo trong cả nước, nhất là Hội Phật học An Nam ở Trung Kỳ.
Đáng chú ý là năm 1938, thay mặt Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ông đã viết đơn lên Toàn quyền Đông Dương đề nghị cho viên chức ở Bắc Kỳ được nghỉ thêm 2 ngày lễ Phật giáo trong năm là ngày Lễ Phật Đản (đương thời được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch) và ngày Lễ Trung Nguyên (Lễ Vu Lan, Lễ Xá tội vong nhân, rằm tháng 7 âm lịch). Toàn quyền Đông Dương, trong quyền hạn của mình và sau khi trao đổi ý kiến với vua Bảo Đại, đã cho phép các viên chức ở Bắc Kỳ được nghỉ vào buổi chiều ngày Lễ Trung Nguyên.
Tại Lễ Phật Đản năm 1938, ông quy y thụ giới, chính thức trở thành một Phật tử. Trước khi thực hiện nghi lễ, tại chùa Quán Sứ, ông đã có bài thuyết giảng trước đông đảo Tăng ni, hội viên và thiện tín của Hội Phật giáo Bắc Kỳ về ý nghĩa của Lễ Tam quy. Trong bài giảng thuyết, ông tâm sự, động cơ để ông quả quyết quy y là vì tấm lòng chân thành hâm mộ Phật pháp và theo nền nếp của gia đình (12).
Đầu tháng 9 năm 1939, do tuổi cao sức yếu sau một đợt bệnh nặng kéo dài lại thêm công việc của Hội Phật giáo Bắc Kỳ quá nhiều, nhất là việc xây dựng lại chùa hội quán Trung ương, nên ông đã viết bức thư kính đạt chi hội trưởng và giáo hữu các chi hội Phật giáo địa phương xin từ chức Hội trưởng.
Ngày 22 tháng 9 năm 1939, ông cùng gia quyến về dưỡng ở quê nhà xã Thượng Tân, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình. Toàn thể Ban Quản trị Hội cùng các tổ: Trung Hậu, Tuệ Tạng, Bát Tháp, Bát Mẫu, các sư ông: Thái Hòa, Tố Liên, Tuệ Chiếu v.v. ra tận xe tiễn đưa. Trước khi lên xe, ông ân cần cảm tạ từng vị và tỏ tình quyến luyến không nỡ chia tay. Ông trân trọng dặn dò từng người về việc Hội, nói rồi lại nói tay lại cầm tay, luôn nhắc đến câu: “Đường tuy xa, mà lòng vẫn gần” và hứa hễ có thì giờ ông sẽ về thăm việc Hội luôn. Các nhân viên Hội đều vâng lời và ngậm ngùi không biết nói năng gì cho siết nỗi nhớ mong về sau này, thực là:
Năm năm gây dựng Hội Phật giáo,
Tốn bao công, của, bao tinh thần.
Dưỡng nhàn tạm lánh nơi vườn cũ,
Đường đất tuy xa lòng vẫn gần.
Hội khai trí Tiến Đức tổ chức tiệc có hai bài:
1. Móng hồng tím dấu giang hồ,
Gió trăng thuyền Phạm ngao du tuổi trời.
Đoái trông dòng Nhị bồi hồi,
Những ai mình nhớ, những ai nhớ mình.
Luống ngẫn ngơ tình...
2. Người về vườn cũ Thái Ninh,
Để ai trên đất Hà thành nhớ nhung.
Hồ Gươm còn tấm trăng trong,
Còn là Khai Trí đèo bòng còn duyên.
Còn chén hàn huyên.
Các thành viên sáng lập Hội Phật giáo chụp tại chùa Quán Sứ
Từ năm 1940 đến năm 1944 là thời kỳ ông bị ốm nặng. Mặc dù vẫn giữ chức Hội trưởng nhưng ông không trực tiếp tham gia các kỳ Đại hội đồng và hầu như không điều hành công việc của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Công việc của Hội khi ấy được giao cho vị Phó Hội trưởng: Nguyễn Văn Ngọc, Trần Văn Đại, Bùi Thiện Căn. Tới phiên Đại hội đồng ngày 19 tháng 5 năn 1945, ông nghỉ hẳn các công việc của Hội. Đại hội đã bầu Hòa Thượng Tuệ Tạng (Thích Tâm Thi) làm Chủ tịch Hội Việt Nam Phật Giáo. (Hội Bắc Kỳ vừa đổi tên sau ngày Nhật đảo chính Pháp).
Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc mất vào ngày 11 tháng 3 năm 1951, thọ 81 tuổi. Lễ truy điệu ông được Hội Phật giáo Việt Nam (tổ chức hậu thân của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ), được thành lập năm 1949 tiến hành tại chùa Quán Sứ vào ngày 13 tháng 3 năm 1951. Các thân bằng cố hữu Ông Nguyễn Năng Quốc và các thành viên Ban Quản trị Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tới dự lễ rất đông. Ai nấy ngậm ngùi mến tiếc vị quá cố đã có công đức sáng lập Hội.
Để cám ơn những công lao giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, an cư lạc nghiệp trong thời gian làm Tổng đốc, sau khi ông mất, ông đã được nhân dân 11 xã trong tỉnh Thái Bình thờ làm thần.(13)
(1) “Công việc của Hội trong tháng Mai năm 1935”, trong: Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo, năm 1935.
(2) “Biên bản Hội đồng Ban Quản trị và Ban Công tác Hội Phật giáo”. Đuốc Tuệ, số 81, năm 1938, tr.44.
(3) Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sau đó, khi chùa Quán Sứ được xây dựng lại làm chùa Hội quán Trung ương đã không được thực hiện theo mẫu vẽ này. Xem: Samôn Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2004.
(4) Công việc của Hội trong tháng 5 năm 1935”, trong: Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo, năm 1935, tr.96.
(5) Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã thành lập một tiểu ban phụ trách việc đi quyên tiền thập phương gồm các bà: Vĩnh Hòa, Nguyễn Thị Nghi, Nguyễn Quang Thức, Đào Huống Mai, Lê Dư, Thái An, Đặng Thị Cung, Cả Mọc. Xem: “Công việc của Hội trong tháng Mai năm 1935” Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo, năm 1935”, tr.98.
(6) Ban Soạn thảo Điều lệ Hậu Phật được lập ra trong cuộc họp hội đồng Ban Quản trị Trung ương ngày 14 tháng 5 năm 1935 gồm: Hội trưởng Nguyễn Quốc Năng làm Trưởng ban, các ủy viên gồm: Lê Văn Phúc, Nguyễn Văn Canh, Lê Toại, Lê Dư, Hòa Kỳ, Đào Huống Mai, Hương Ích, Hai Đình, Chánh Vận, các nhà sư Vô Thịnh, Phúc Chỉnh, Tế Cát, Tung Hậu. Xem: “Công việc của Hội trong tháng Mai năm 1935” Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo, năm 1935”, tr.98.
(7) Theo đề nghị của Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Hội Phật giáo Bắc Kỳ quyết định: hễ ai được 100 Hội viên Chủ trì Hội sẽ tặng cho một chức Hội viên Tán trợ, ai rủ được 1 Hội viên Tán trợ thì được tính bằng 10 Hội viên Chủ trì, rủ được 1 Hội viên Vĩnh thì được tính bằng 6 Hội viên Chủ trì. Xem: “Công việc của Hội từ tháng 11/1934 đến tháng 4/ 1935” trong: Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo, năm 1935, tr.46.
(8) Bắc Kỳ Phật Giáo Hội: Chương trình Phật học. Đuốc Tuệ, số 50, năm 1936, tr.6-9.
(9) “Về lễ khai giảng trường Phật học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ: Bài diễn thuyết của cụ Hiệp Nguyễn Năng Quốc Hội trưởng Hội Phật Giáo Bắc Kỳ”, Đuốc Tuệ, số 62 năm 1937, tr.25.
(10) “Về lễ khai giảng trường Phật học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ: Bài diễn thuyết của cụ Hiệp Nguyễn Năng Quốc Hội trưởng Hội Phật Giáo Bắc Kỳ”, Đuốc Tuệ, số 62 năm 1937, tr.25.
(11) Biên bản bầu thêm Ban Trị sự Phật học Hội giáo Bắc Kỳ”, Đuốc Tuệ, năm 1937, tr.25.
(12) “Mấy lời cùng các giáo hữu trước khi làm lễ quy của cụ Vi Khanh Nguyễn Năng Quốc”. Đuốc Tuệ, số 86, năm 1938, tr.3-10.
(13) Vân Thanh. Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam và phát nguồn các giáo phái hiện đại. Cac Phật học viện và các chùa xuất bản. Sài Gòn năm Giáp Dần (1974), Phật lịch 2518, tr.221.
Các ông Vũ Thọ Xương, 81 tuổi và Vũ Anh Điển, 79 tuổi, quê huyện Thái Bình cùng xác nhận với chúng tôi về chi tiết này.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết