CÂU ĐỐI CHỮ NÔM ĐÓN XUÂN TRONG VƯỜN THIỀN
CÂU ĐỐI CHỮ NÔM ĐÓN XUÂN TRONG VƯỜN THIỀN
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Tạp chí Duy Tâm Phật học - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật học Lưỡng Xuyên số nhân dịp tân Xuân (1937) kính chúc quý ngài “Bồ đề quả mãn được đạo thành” với đôi câu đối sau:
1. Đêm trừ niên tống quỷ vô minh
“Tát đát da đa” phong pháo miệng.
2. Tiết chánh đán nghênh thần đại giác
“Phi phan phủ phất”nén hương lòng.
Báo cũng đăng câu đối:
Giải phướn phất lưng trời, bốn bể ngóng trông nêu Phật
Tiếng chuông rầm mặt đất, mười phương nghe dậy pháo Sư.
Tờ Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ số Tết năm 1938 đăng lại câu đối này và bình luận đây là cách chơi xuân của một người có chí tang bồng, hoành tráng mà mới đọc ai cũng tưởng đó là một nhà Nho đầy khí phách nhưng thực ra là của nhà sư: sư Tổ Thanh Giác.
Hai câu đối dưới đây có vế đầu giống nhau (xuân về liễu và dương tuôn móc ngọc) song chưa rõ nét xuân nơi cửa thiền, nhưng vế sau tả hoa sen toả mây hương thơm ngát và lá bối nức mây hương thì rõ ràng đó là cảnh chùa:
1. Ngàn liễu xuân sang tuôn móc ngọc
Hồ sen hạ tới toả mây hương
2. Xuân đến cành dương tuôn móc
Gió đưa lá bối nức mây hương
Nơi sơn môn (mầu núi nhạt) tết về đệ tử vẫn theo sư tu thiền định, nhưng cũng có lúc vị trụ trì đàm luận say sưa về đạo Phật với khách thập phương quên cả tiếng trống tùng vang:
Mầu núi nhạt, theo sư nhập định;
Tiếng tùng vang, hoạ khách đàm huyền.
Gió hẩy gác cao thông cõi tịnh;
Trăng suông ao bích chiếu lòng thiền.
Thơm lừng hương đốt thông ba cõi;
Sáng quắc đèn giong rực chín trời.
Mùa Xuân về lên toà chính điện lễ Phật hoàng Trần Nhân Tông nhà sư quyết noi gương Đệ nhất Trúc Lâm Tam tổ:
Dẹp giặc độ chúng sinh làm vua làm Phật;
Dạy dân tu thiền giáo yêu đạo yêu đời.
Câu đối ở chùa Pháp Hoa số 229/24B đường Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh:
PHÁP giới muôn mầu một dạ ghi sâu ân tổ quốc;
HOA xuân trăm vẻ nghìn đời mang nặng nghĩa nhân dân.
Chắc câu đối này mới làm sau ngày thống nhất đất nước thể hiện ở cả hai vế đều nói đến đạo pháp và dân tộc. Mùa xuân vào chùa lễ Phật, ngắm hoa người Phật tử vẫn một dạ ghi sâu ân đất nước và mang nặng nghĩa nhân dân, không quên bổn phận của mình đối với tổ quốc.
Câu đối ở chùa Long Vĩnh số 394 phố Lê Văn Sĩ, phường 14, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh:
Mấy đoá hoa mai tô thắng cảnh;
Một cành dương liễu rộn xuân phong.
Hoa mai là hoa đặc trưng của mùa xuân ở miền Nam. Dương liễu làm ta nhớ đến hình tượng đức Quan Thế Âm Bồ tát lấy cành dương nhúng vào bình nước cam lộ (1) làm phép để tẩy rửa được hết phiền não của chúng sinh.
Câu đối ở chùa Giác Lâm số 118 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình và chùa Giác Tiên nằm trên đường Lạc Long Quân, thành phố Hồ Chí Minh:
Xuân khắp muôn nhà, mặt đất hoa rơi đều sắc gấm;
Cổng toang bốn phía, lòng người hương ngát rặt mùi trầm.
Tả cảnh hoa xuân nở đã đẹp, khi hoa rụng lại tô điểm cho mặt đất muôn màu rực rỡ như sắc gấm.
Chùa Quốc Ân, Huế có câu đốí tả cảnh huy hoàng bên Tam bảo chính điện ngày Tết chúng sinh tới lễ bái, ngoài trời xuân ấm áp bởi ánh mặt trời, vầng hào quang ngũ sắc (trên đầu) đức Phật chiếu dọi cột ngọc trong chùa,
Đồ bát bảo rực rỡ rường vàng, vừng nhật chiếu đến thiền quang mến được có người có cảnh;
Mây ngũ sắc chói ngời cột ngọc, ánh xuân dồn về bảo toạ vui thay không mất không xa.
Nhà Hán học, Phật tử Nguyễn Quảng Tuân ở Thành phố Hồ Chí Minh từng đi thăm khảo sát nhiều chùa, phát hiện ở chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và chùa Giác Lâm ở 118 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình có đôi câu đối giống nhau:
Chùa cổ sư nhàn, sẵn khói nhang kết duyên bầu bạn;
Non sâu đời khất, nhờ có cỏ hoa ghi dấu tháng năm.
Có sự giống nhau này có lẽ gốc câu đối ở chùa cổ Linh Ứng, Đà Nẵng, đệ tử chùa này sau mang vào chùa Giác Lâm chăng?
Ông Tuân cũng ngạc nhiên khi thấy tại chùa Hội Khánh, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương lại có câu đối ca tụng cảnh đẹp mùa xuân ở chùa Thiên Mụ chốn Thần kinh (Huế):
Đỉnh núi xưa, Thánh chúa cho xây nước biếc non xanh, dấu Thiên Mụ dài bền muôn thuở;
Phong cảnh sẵn, Thần kinh thật đẹp, hoa cười chim hót, xuân Thiền lâm tươi cả bốn mùa.
Năm 1741, trên đường vân du truyền đạo, thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn đã dừng chân tại một ngọn đồi thuộc làng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay thuộc làng Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) dựng chùa Hội Khánh. Nhớ ơn các chúa Nguyễn đã có công lao phát triển Phật giáo Đàng Trong mà khởi đầu là chúa Tiên Nguyễn Hoàng (Thánh chúa) cho xây dựng lại chùa Thiên Mụ ở đất Thần kinh (Huế) Thiền sư đã cho làm câu đối trên.
Nếu ở miền Nam, cây mai vàng là đặc trưng ngày Tết thì ở ngoài Bắc là hoa đào sắc thắm cười gió đông khi mùa xuân về:
Sông núi có tình người biết khí;
Vườn đào khoe sắc cợt gió đông.
(chùa Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Phải chăng mùa xuân về đạo Phật như được bay bổng lưng trời:
Non thu người ngỡ đi trong hoạ;
Nước xuân thuyền tưởng dạo lưng trời.
(Xuân thuỷ thuyền như thiên thượng toạ; Thu sơn nhân tại hoạ trung hành).
Quang cảnh chùa Hương Tuyết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chuẩn bị đón xuân về:
Đào mận sửa sang nhiều bóng rợp;
Phù dung nước thẳm thực phong lưu.
(Đào lý danh môn đa ấm tí; Phù dung thâm thuỷ tối phong lưu.)
Điện lớn huy hoàng y bát hoa khai mừng ngày tốt;
Giác lâm tĩnh mịch, bồ đề cây lớn tiễn gió xuân.
Câu đối ở động Hương Tích:
Mùa xuân, vãng cảnh chùa Hương, lên động Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động đường lên trời rộng mở, thấy cả một trời xuân.
Một lối Hương Sơn trùm dấu Phật;
Ba vòm cửa động mở trời xuân.
(Nhất lộ Hương Sơn thuỳ Phật tích; Tam quan cổ động mở trời xuân.).
Mùa xuân về hoa lá xanh tươi ánh trăng soi vằng vặc trên chùa làm rực rỡ cảnh chùa:
Gió thổi phất phơ trước cửa; xanh tươi màu hoa lá;
Trăng soi vằng vặc trên chùa, rực rỡ vẻ càn khôn.
(Chùa Khả Lãm, xã Cao Lãm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội)
Và còn nhiều câu đối Nôm ở các chùa trên mọi miền của đất nước nói về mùa xuân, về Tết cổ truyền của dân tộc gợi cho mỗi người tình yêu quê hương đất nước, lòng mến mộ đạo Phật…
(1) Theo từ điển Nho Đạo Phật, nước Cam lộ chỉ thứ nước thiêng giúp trường sinh. Có câu chuyện trong kinh Phật cho rằng, cam lọ là thứ nước thiêng có vị ngọt giáng từ cõi trời Đao Lợi, có thể chữa khỏi phiền não, giúp cho người ta trường thọ, thâm chí cải tử hoàn sinh, nên cũng được gọi là thuốc bất tử. Truyền thuyết nói đó là thức ăn của người trời.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết