CÂU ĐỐI
NGUYÊN MẠNG
Cùng với thú chơi tao nhã khác, câu đối có một vị trí đặc biệt trong bước đồng hành với sự duy trì và phát triển phong phú nền văn hóa dân tộc ta. Phần đông người dân ta chơi câu đối như là một tục lệ; thưởng thức những nét chữ đẹp như tranh để trang trí hoặc mượn nó để nói hộ những mơ ước, tình cảm, tâm trạng của mình. Với một bộ phận khác - những người sáng tác câu đối - đó là một thú thanh cao, là phương tiện để gửi gắm tâm sự, những nỗi niềm, và lắm khi trở thành những áng văn chương trác tuyệt. Thế nhưng, câu đối là gì? Theo các sách xưa, câu đối hay doanh thiếp, doanh liên (doanh: cột; thiếp: mảnh giấy có viết chữ; liên: đối nhau) là một thể văn thông dụng ở nước ta thời xưa, chỉ gồm hai câu theo lối đối ngẫu. Theo ông Đào Văn Tập, tác giả Việt Nam phổ thông tự điển, đối nghĩa là đáp lại, là trả lời. Đối cũng có nghĩa là sóng nhau. Ngẫu nghĩa là chẵn đôi. Như vậy, một câu đối là một câu đáp lại, trả lời một câu khác, và dĩ nhiên câu đối bao giờ cũng đi đôi, chúng ta thường gọi là đôi câu đối.
Cấu tạo các vế, các câu trong câu đối thể hiện rất rõ thuyết âm dương dịch học của Đông phương, thể hiện sự cân đối ở dạng đối xứng cũng như hình thức nhà chữ “môn”, lầu “trùng diêm” trong nghệ thuật kiến trúc, hình thức “lưỡng long triều nguyệt”, “song phụng triều dương”... trong điêu khắc và hội họa. Thể đối vừa có thể đơn giản là phương tiện đưa những chữ đầu tiên, những bài học vỡ lòng cho học sinh như cách dạy học trò ngày xưa của các thầy đồ (thiên - trời, địa - đất, thất - mất, tồn - còn, tử - con, tôn - cháu, lục - sáu, tam - ba, gia - nhà, quốc - nước, tiền - trước, hậu - sau...) vừa rất cao sâu, uyên bác; khó khăn đến nỗi các cụ đã ví đó là việc “nhốt voi vào ống” và có thể lấy câu đối của Đoàn Thị Điểm dưới đây, đã ra và Trạng Quỳnh đã chịu thua (và đến nay tuy đã có nhiều vế đối, nhưng không mấy câu tránh được sự gượng gạo) làm một ví dụ:
“Da trắng vỗ bì bạch”.
Ngày xưa, ở nước ta, trong nền văn chương “khoa cử”, không chỉ trong các thể văn vần (thơ, phú, từ) mà trong các biền văn (kinh nghĩa, từ lục...) rất chú trọng đến thể đối, vì thế mà có từ “văn biền ngẫu”; và ngay trong các bài văn xuôi cận đại (Nam Phong Tạp chí, Đông Dương Tạp chí), vẫn sử dụng những câu tiểu đối.
Trong phép đối phải bảo đảm cả đối về ý và đối về chữ. Đối ý hay phần nội dung của đối là việc đặt thành hai vế sóng nhau có sự cân đối về nghĩa, có khi sử dụng ý tưởng tương đồng, cùng diễn đạt về một vấn đề (Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới/ Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên); có khi sử dụng hai ý tưởng trái ngược nhau để nhấn mạnh một vấn đề nào đó (Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao - Nguyễn Bỉnh Khiêm). Đối chữ là đối về thanh (bằng đối với trắc và ngược lại), và đối về tự loại (ngày xưa, chia thành thực và hư; ngày nay, danh từ với danh từ, tính từ với tính từ...).
Xin dẫn đôi câu của Tú Xương:
“Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận tết.
Một năm mười hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa xuân”.
Và của Nguyễn Công Trứ:
“Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, có cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say luý tuý, đưa tay bồng ông Phúc vào nhà”.
Đặc biệt, trong thơ Đường luật hai cặp thực, luận (câu 3, 4 và câu 5, 6 trong thất ngôn bát cú) là hai đôi câu đối rất chỉnh. Hiện nay, trên một số tuần báo văn nghệ, thơ đường luật vẫn thu hút nhiều người cầm bút, có lẽ một phần cũng ở những vế đối trong thơ. Và ở khắp nơi, nhất là ở Kiên Giang, ai mà không nhớ hai câu sau của cụ Huỳnh Mẫn Đạt ca tụng anh hùng Nguyễn Trung Trực:
“Hoả hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần”.
Ngày xưa, câu đối được treo trên tường, dán trên cột, khắc gỗ sơn son, thếp vàng, chạm khảm công phu, câu đối có thể dán ở bàn thờ, treo ở nhà khách, trước ngõ... với những nét chữ nho vuông vắn cân đối, hài hòa.
Ngày nay, với sự phát triển và sử dụng quốc ngữ riêng, ở nước ta phạm vi xuất hiện câu đối đã hẹp hơn và gần như ở trong làng văn là chủ yếu.
Nhà nho xưa thường thử tài nhau qua việc thách đối. Đôi khi câu đối được sử dụng trong lĩnh vực ngoại giao quan trọng. Các giai thoại về lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi minh họa rất rõ điều này.
Khi Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ sang Trung Hoa, gặp mưa, đến cửa ải trễ, cửa đã đóng. Viên quan nhà Nguyên giữ cửa ải đã ném câu thách đối, nếu đối được sẽ mở cửa: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (Qua ải chậm, người giữ ải đóng ải, mời khách qua đường qua ải).
Ông đã đối lại:
“Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”
(Ra đối dễ, đối lại đối khó, xin người sinh trước đối trước)
Trong thời gian đi sứ, nhiều người thử tài ông, có một người Hoa ra câu đối theo lối chiết tự: “An nữ khứ, thỉ nhập vi gia” (Bỏ chữ nữ trong chữ an đi, thay vào bằng chữ thỉ sẽ thành chữ gia).
Ông đã đáp ngay:
“Tù nhân xuất, vương lai thành quốc”
(Bỏ chữ nhân trong chữ tù, đưa chữ vương vào thành chữ quốc)
Lịch sử cũng ghi chép, khi ông trạng họ Mạc đi sứ, vua nhà Nguyên ra câu đối:
“Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”
(Mặt trời là lửa, mây là khói, lúc sáng ra đốt cháy mặt trăng)
Ở đây còn có ý nghĩa xem Trung Hoa là mặt trời - quân tượng - và Việt Nam là phiên thuộc - thần tượng. Quả là xấc xược.
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ung dung đối lại:
“Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô”
(Mặt trăng là cái cung, các vì sao là đạn, lúc hoàng hôn bắn rụng mặt trời)
Khẩu khí thật kiên cường!
Trong thực tế, câu đối còn dùng để tự hào, tiếc thương, hoài niệm, động viên nhau tùy theo tâm trạng, cảnh ngộ từng người. Những loạt câu đối này xin được trao đổi, giới thiệu vào dịp khác.
Một số câu đối có sự dụng công trong sử dụng từ ngữ rất thú vị được lan truyền đến tận bây giờ như:
“Con rể nết na xem tử tế
Ông chồng cay đắng kể công phu”.
“Ruồi đậu mâm xôi mâm xôi đậu
Kiến bò đĩa thịt đĩa thịt bò”.
“Có vài cái vò.
Kia mấy cây mía”
Và nhiều nhà thơ, nhà văn đã để lại trong kho tàng cổ văn Việt Nam nhiều tác phẩm đối quý giá cho đời sau. Nhắc đến câu đối, cũng khiến ta liên tưởng đến bài thơ “Ông đồ” của cụ Vũ Đình Liên: “Hoa tay thảo những nét, Như phượng múa rồng bay”.
Bây giờ, những ngày giáp Tết, nhiều nơi tổ chức viết thư pháp, cũng lắm “ông đồ” có chữ như “phượng múa rồng bay”, nhưng chủ yếu là chữ quốc ngữ và người sáng tác câu đối lại càng hiếm.
Thời đại đã thay đổi, chúng ta cũng phải thay đổi, tích cực thay đổi mới có thể tồn tại, sống vui ở cõi đời này. Nhân Xuân về Tết đến, tôi xin nhắc lại chút chuyện xưa, xem như món quà mừng năm mới vậy.
(Tham khảo: Toan Ánh, Các thú tiêu khiển Việt Nam; Trầm Thức, Văn chương phổ dụng - câu đối; Đông Tùng, Câu đối trong văn chương)
Bình luận bài viết