CÂU THẦN CHÚ TRONG KINH BÁT NHÃ
TUỆ QUÁN
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.
Là Phật tử, ai cũng biết bài Bát Nhã Tâm Kinh. Từ tiếng Hán - Việt: Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách,... Hay dịch sang tiếng Việt: Khi Bồ tát Quán Tự Tại hành sâu Bát nhã Ba la mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách,…
Trong bài Bát Nhã Tâm Kinh, có một đoạn câu chú, thường xưa nay không dịch nghĩa, vẫn để nguyên văn tiếng Phạn, chỉ đọc trên âm tiết. Kể cả dịch sang Trung Hoa cũng để nguyên đoạn này. Hẳn là có lý do đặc biệt của người xưa, chứ không phải là câu này là không biết dịch.
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.
गते गते पारगते पारसंगते बोधि स्वाहा ||.
Thời gian sau này, tại Việt Nam, thấy câu chú này cũng đã bị dịch luôn: (…). Một số người đã bình phẩm, lựa chọn, thích câu dịch này, thích câu dịch kia… Bài kinh Bát nhã không những không được đầy đủ hơn, mà bỗng nhiên… đã không còn nguyên vẹn!
Hẳn ai cũng biết tầm quan trọng của kinh Bát nhã. Trong bất cứ ngôi chùa nào cũng đều tụng kinh Bát nhã. Và trong nghi thức tụng khóa, đều không thể thiếu thời kinh Bát nhã. Nghe riêng tên đã thấy đầy đủ tầm quan trọng của kinh: Bát nhã Tâm kinh. Kinh này là trái tim, là tâm điểm trong các nghi thức, thời khóa. Và lời tán thán, xác định, chú này trên hẳn tất cả chú: Là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thượng Chú, là Vô Đẳng Đẳng Chú.
Các nhà biên sử đã hệ thống, đúc kết lại Đức Phật thuyết kinh qua các thời kỳ:
Trước thuyết Hoa Nghiêm hai mốt ngày
A Hàm mười hai, Phương Đẳng tám
Hai mươi năm thuyết Bát Nhã
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám niên
Trong bốn mươi chín năm thuyết pháp, Đức Phật thuyết qua năm thời kỳ:
1. Thời kỳ Hoa Nghiêm: Sau khi thành đạo nơi cội Bồ đề, đức Thế Tôn đã lưu lại nơi cội Bồ đề trong bảy tuần. Theo Phật giáo đại thừa, trong ba tuần lễ đầu tiên (hai mốt ngày), Ngài hiện thân Đức Tỳ Lô Giá Na, thuyết kinh Hoa Nghiêm cho các Đại Bồ tát, các vị vua Trời, và các vị Thần.
2. Thời kỳ A Hàm: 12 năm. Gồm:
- Trường A Hàm
- Trung A Hàm
- Tăng Nhất A Hàm
- Tạp A Hàm
- Tiểu A Hàm (Tạp Tạng).
Thời này đức Phật giảng tại Vườn Nai, nên còn gọi là Thời kỳ Lộc Uyển. Bộ kinh Tứ Diệu Đế được giảng trong thời kỳ này.
3. Thời kỳ Phương Đẳng: 8 năm. Gồm 4 giáo: Tạng - Thông - Biệt - Viên. Giai thoại Niêm Hoa Vi Tiếu, đức Phật truyền tâm ấn cho Đại Ca Diếp ở hạ thứ 19, trong thời kỳ này.
4. Thời kỳ Bát Nhã: Đức Phật dành khoảng 20 năm để thuyết kinh Bát Nhã. Kinh Tứ Niệm Xứ, kinh Thập Nhị Nhân Duyên, kinh Kim Cang, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật,… được đức Phật giảng trong thời kỳ này.
5. Thời kỳ Pháp Hoa, Niết Bàn: 8 năm. Kinh Pháp Hoa, kinh Sa Môn Quả, kinh Niết Bàn,... được Đức Phật thuyết vào những năm sau cùng.
Tạm thời chia ra, hệ thống lại như vậy, chứ thật ra đức Thế Tôn tùy duyên thuyết pháp, tùy theo căn cơ của người nghe, tùy bệnh cho thuốc, để mọi người đều được lợi ích.
Thế mới biết, hai mươi năm đức Phật thuyết Bát nhã, qua rất nhiều pháp hội. Các vị tôn túc đã đúc kết lại, chọn ra phần cốt tủy của thời kỳ Bát nhã hai mươi năm, để cô đọng lại thành bài Tâm kinh Bát nhã lưu truyền và mọi người đọc tụng bây giờ, vỏn vẹn khoảng 300 từ. Trong 300 từ, đã dịch, giảng nghĩa đầy đủ, dành lại câu chú 18 từ không dịch nghĩa.
Những phần giảng để hiểu, thuộc Văn - Tu - Tư, đã giảng dịch hết. Riêng phần chú: Yết đế, yết đế,.. thì đặc biệt không dịch. Mọi người tụng đến đoạn này thì không hiểu, mà lại thấy rất hay. Nói như các vị Tổ sư: Không hiểu càng tốt.
Kỳ thực, con người cái gì cũng muốn tìm hiểu. Đây là điều tốt nói chung, nhưng riêng trong việc học Đạo, trở về nguồn Tâm, không phải cái gì cũng phải đem ra hiểu được. Có câu Bất khả tư nghì, hay Pháp ấy chẳng phải chỗ suy nghĩ phân biệt hay hiểu. Việc hiểu trở thành bất lực, giới hạn của trí thức. Việc hiểu trở thành chướng ngại trong cứu cánh tột cùng. Chỗ này chỉ trực nhận mà thôi. Nhà Thiền có câu: Chỉ cho Lão Hồ biết, không cho Lão Hồ hiểu. Nơi đây đường ngôn ngữ dứt, bặt nói năng - Ngôn ngữ đoạn đạo. Nên mới có giai thoại ngài Duy Ma Cật lặng im ở thành Tỳ da ly, đức Thế Tôn đóng cửa nơi hương thất.
Một cách nào đó, Câu chú như tiếng sấm nổ vang, bặt đường mò mẫm của ý thức. Như một công án, nghìn năm phong kín, mà chủ nhân để dành thượng vị đề hồ, đãi khách tri âm. Là của báu, vật gia bảo, chỉ truyền thừa cho con cái trong nhà, không để rơi vào tay kẻ lạ,… để dành riêng lại cho mỗi người, đủ sức sẽ vượt qua giới hạn của ý thức, lằn ranh của sanh tử, tự thân chứng vào cảnh giới Diệu tâm, ý thức không thể đến được. Có lẽ với ý nghĩa quan trọng như vậy, mà người xưa đặc biệt giữ nguyên, không dịch phần chú này.
Không phải người xưa không biết dịch, rõ ràng là có lý do sâu sắc, thâm ý khi không dịch nghĩa câu chú này. Và đây là điều độc đáo của bài tụng kinh Bát nhã rút gọn. Lâu nay rồi vẫn rất tốt đẹp. Cho đến một ngày, câu chú được dịch thẳng ra luôn, làm như để chiều lòng đa số người, luôn muốn hiểu hết, cho nên dịch sạch sẽ, không chừa lại gì, bỏ qua ẩn ý của người xưa. Như vậy, kiểu như bài tụng Bát nhã Tâm kinh đã được ai đó thông minh giải mã hết! Ngoại đạo cũng một phen dòm lén, học lóm được rồi! Bộ Kinh được hiểu hết rồi, liệu có còn tốt đẹp, ý nghĩa hơn xưa?
Bài kinh Bát nhã vậy là đã thỏa mãn ý con người rồi, cái gì cũng muốn hiểu hết. Điều bí mật của chư Phật cũng hiểu luôn! Có điều là rồi đâu cũng vào đó, vẫn bế tắc và không thể vượt được cửa ải cuối cùng!
Mà lạ thay, nhiều người dịch câu chú này, mỗi người mỗi cách, mỗi nghĩa khác nhau. Thấy có nhiều bản dịch, họ cất công sưu tầm tiếng Phạn, tìm nghĩa, suy diễn cho có vẻ hay nhất, hợp lý nhất, đúng lý nhất,… Nhưng vì không thể dịch cho chính xác nhất, nên mới có nhiều nghĩa khác nhau. Kỳ lạ!
Cũng rất có nhiều vị từ xưa đã phân tích, lý giải về câu chú này, nhưng chưa một ai dám cho rằng phân tích, lý giải ý nghĩa của mình là đúng.
Thật ra, trước đây có ngài Pháp Tạng (643-271) khi có người nằng nặc muốn hiểu câu chú này, ngài cũng chỉ nói rằng: Câu thần chú không thể giải thích được. Đó là vì câu thần chú là ngôn ngữ bí mật của các vị Phật và không phụ thuộc vào tầm hiểu biết của người ta. Người ta chỉ tụng hay niệm nó trong tâm, và nó giúp loại trừ những chướng ngại và gia tăng những ân huệ và che chở.
Và đến Quốc sư Huệ Trung (675? - 775) đã nói rằng: Một thần chú như thần chú nầy chỉ trực tiếp vào tâm. Bởi vì tâm là không động cũng không tịnh, nên bạn không thể dùng tâm để tìm tâm. Bởi vì tâm không có khởi đầu cũng không có kết thúc, nên bạn không thể dùng tâm để đặt một mức cuối cho tâm. Bởi vì không có bên trong, bên ngoài hay ở giữa, nên nếu bạn tìm tâm thì không có nơi nào để tìm nó. Nếu không có chỗ để tìm nó, thì bạn không thể tìm nó. Vì vậy, bạn nên nhận thức rằng không có tâm nào cả. Và bởi vì không có tâm nào cả, cõi ác quỷ không thể gây ảnh hưởng lên bạn. Và vì bạn không thể bị ảnh hưởng, nên bạn khuất phục tất cả ác quỷ. Bài kinh nói: “Việc khuất phục ác quỷ là nơi giác ngộ... Khi bạn tụng thần chú nầy, hãy đừng cho khởi vọng tưởng. Đó là cách thức bạn nên trì tụng thần chú nầy.
Trong nhà Thiền, các vị Tổ sư cho rằng những câu dạy cho người ta hiểu, chẳng qua vì phương tiện, chỉ là những tử ngữ, mà tử ngữ thì không thể cứu người.
Cành hoa đưa lên - Chánh pháp Nhãn tạng - nào ai thiếu!
Ngàn xưa lặng chiếu - Yết đế Ba la - Diệu Niết bàn
Một chút trải lòng, lời thô ý vụng của người hậu học, ngưỡng mong các vị Tôn túc lượng thứ.
Kết lại, xin trích một công án của đức Thế Tôn:
Ngoại đạo hỏi Phật: Không hỏi có lời, không hỏi chẳng lời?
Thế Tôn im lặng giây lâu.
Ngoại đạo tán thán rằng: “Thế Tôn đại từ đại bi khai phá đám mây mê muội cho con khiến con được ngộ nhập”. Rồi đảnh lễ ra đi.
A Nan bạch Phật: Ngoại đạo đắc đạo lý gì mà tán thán như vậy?
Thế Tôn nói: Như con tuấn mã ở thế gian, thấy bóng roi liền chạy nhanh.
Kính đảnh lễ Bậc Giác ngộ Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Bình luận bài viết