Thông tin

CHÂN TRỜI NGÔN NGỮ

 

NGUYỄN HẢI HOÀNH

 

 

LỜI ĐẦU SÁCH

 

Trên thế giới ngày nay, vai trò của ngôn ngữ và khoa học ngôn ngữ đang được đề cao hơn bao giờ hết, đặc biệt ở các nước phương Tây. Ngôn ngữ học được coi là khoa học liên ngành quan trọng nhất. Đã hình thành ngành Triết học ngôn ngữ (Philosophy of language), chuyên nghiên cứu bản chất ngôn ngữ, được coi là nhánh triết học hữu dụng nhất, có thành tựu và ảnh hưởng lớn nhất trong các nhánh triết học khoa học. Nhiều nước đã ban hành Luật ngôn ngữ quốc gia nhằm bảo vệ ngôn ngữ của nước mình. Một số nước quy định Ngày ngôn ngữ, như Ngày kỷ niệm phát minh Chữ Hangeul ở Hàn Quốc. Năm 1999, Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 21 tháng Hai hàng năm làm Ngày Quốc tế Tiếng Mẹ đẻ (International Mother Language Day).

Nước ta cho tới nay vẫn chưa có Luật ngôn ngữ, nhiều người đã kiến nghị nên có Ngày Chữ Quốc ngữ, nhưng chưa thấy cơ quan văn hóa nào của chính quyền hoặc Quốc hội trả lời. Sách báo nhất là báo điện tử, mạng xã hội đầy rẫy những câu văn, từ ngữ sai chính tả, sai ngữ pháp, sai ý nghĩa, lạm dụng từ Hán-Việt. Nên nhớ rằng tổ tiên ta từng bảo vệ tiếng mẹ đẻ bằng mọi giá. Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhờ giữ gìn được nguyên vẹn tiếng Việt mà mọi cố gắng của phong kiến Trung Quốc nhằm đồng hóa dân tộc ta đều thất bại. Được hưởng di sản ngôn ngữ quý giá ấy, là di sản phi vật thể giá trị nhất tổ tiên để lại, chúng ta cần làm nhiều hơn để ngôn ngữ và ngôn ngữ học có đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng một xã hội văn minh.

Sách “Chân trời ngôn ngữ” này trình bày những điều tôi lĩnh hội được sau chừng 10 năm tìm hiểu về ngôn ngữ Việt và Hán, với mong muốn đóng góp góc nhìn hạn hẹp của mình vào cách nhìn chung của các nhà nghiên cứu tiền bối và đương thời đối với các vấn đề đó, không nhằm tranh luận với bất cứ ai. Đây không phải là sách chuyên đề, mà chỉ là một tập hợp lỏng lẻo những bài viết rời rạc về đề tài ngôn ngữ tôi đã đăng trên các tạp chí, báo điện tử và mạng xã hội từ năm 2014 tới nay. Các bài đó được viết trong những thời điểm khác nhau, nhằm mục đích khác nhau, bởi thế nhiều bài có những nội dung trùng lặp, nhắc lại một số điều bài khác đã viết. Nhược điểm này có thể làm nản lòng bạn đọc, nhưng vì thời gian không cho phép tôi sửa lại từng bài, ở đây chỉ có thể mong mọi người lượng thứ. Để bổ khuyết phần nào thiếu sót ấy, trong phần cuối Lời Đầu Sách tôi sẽ tóm lược các nội dung chủ yếu sách này đã viết.

Tôi quan tâm tới Hán ngữ có phần vì năm 18 tuổi tôi may mắn được học một năm tiếng Trung ở Trường Chuyên tu ngữ văn Trung Quốc Quế Lâm, sau đó học chuyên môn ở Học viện Đường sắt Thượng Hải, ra trường về nước làm cán bộ kỹ thuật trong ngành đường sắt, là ngành sử dụng nhiều công nghệ và thiết bị của Trung Quốc. Vốn Trung văn học được đã giúp tôi có điều kiện đọc các tài liệu kỹ thuật đường sắt chữ Hán và sách báo Trung Quốc. Từ năm 1968 tôi bắt đầu viết các mẩu tin kỹ thuật giao thông vận tải. Sau khi về hưu thỉnh thoảng có viết báo về đề tài thời sự và khoa học xã hội, dịch một ít truyện ngắn và sách tiếng Trung. Năm 2014, anh Phạm Toàn ở nhóm Cánh Buồm đề nghị tôi viết mấy bài có liên quan tới ngôn ngữ, nhờ đó tôi làm quen với ngôn ngữ học và ngày càng yêu thích môn khoa học này. Tôi bắt đầu tự tìm hiểu ngôn ngữ học từ abc, và dần dần xem xét một vài vấn đề vĩ mô của Hán ngữ và Việt ngữ, chú ý các vấn đề chưa giải quyết xong hoặc chưa được quan tâm. Trong quá trình nói trên, tôi luôn học tập và sử dụng kết quả nghiên cứu của người đi trước. Các đại sư ngôn ngữ học Phạm Quỳnh, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn, v.v. là những cây đuốc soi sáng con đường nghiên cứu ngôn ngữ của tôi. Thực ra phần gọi là nghiên cứu chưa làm được mấy nhưng tới nay, khi thấy mình không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc, tôi tập họp một số bài đã viết, sửa qua loa và in thành sách này, coi như kết thúc một giai đoạn làm việc trong cuộc đời nghỉ hưu.

Qua tìm hiểu, tôi thấy dân tộc ta bao đời qua làm chủ một ngôn ngữ quý giá, đặc biệt giàu ngữ âm và không ngừng phát triển theo hướng hiện đại hóa, toàn cầu hóa; nước ta từng có một lịch sử ngôn ngữ vẻ vang lần lượt sử dụng tới 3 loại chữ viết, loại sau tốt hơn loại trước, tốt tới mức lý tưởng; tổ tiên ta vô cùng yêu quý tiếng mẹ đẻ của mình và dường như có năng lực trí tuệ đặc biệt về ngôn ngữ. Nhờ thế, mặc dầu bị văn hóa Hán cưỡng bức đồng hóa liên tục suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc mà tiếng Việt chẳng những không bị Hán hóa đến mất đi mà ngược lại còn tận dụng cơ hội ấy để phát triển thành một ngôn ngữ phong phú và gần như lý tưởng đối với dân tộc ta, nhất là từ khi sử dụng chữ Quốc ngữ. Hiếm thấy dân tộc nào có được thành tựu trí tuệ kỳ diệu như vậy. Đáng tiếc rằng tâm lý sùng bái quá đáng chữ Hán và văn minh Trung Hoa tồn tại hàng nghìn năm trong giới nhà Nho xưa và nay đã làm một số người mờ mắt chưa đánh giá đúng mức thành tựu của tổ tiên mình.

Có lẽ là hơn ai hết, người Việt Nam hiểu rõ vai trò của ngôn ngữ, hiểu rõ chân lý Tiếng ta còn thì nước ta còn! Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, tình yêu tổ quốc đã giúp tổ tiên ta kiên cường bảo vệ sự nguyên vẹn của tiếng mẹ đẻ, qua đó gìn giữ được nòi giống cùng đất nước mình. Dân ta yêu tiếng Việt như vậy là do tiếng ta quá hay quá đẹp, quá tiện sử dụng, có thể diễn tả được toàn bộ tâm tư, tình cảm của mình. Rõ ràng, tiếng Việt cùng chữ Quốc ngữ là di sản văn hóa phi vật thể giá trị nhất chúng ta được thừa hưởng từ tổ tiên. Qua tìm hiểu di sản ấy, tôi nghĩ rằng mọi người Việt Nam yêu nước đều có nghĩa vụ phát hiện và nói lên cái hay cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc ta. Những người được học chữ Hán như tôi lại càng có sứ mạng làm việc đó.

Sau khi thu hoạch được một số điều bổ ích về mấy vấn đề ngôn ngữ học kể trên, tôi đã viết lại những nhận thức ấy trong các bài báo ngắn để trao đổi với mọi người. Tôi hiểu rằng nhận thức của mình còn nông cạn, có thể có sai sót; chân thành mong được mọi người chỉ bảo. Dưới đây là mấy nhận thức mà tôi mạo muội nghĩ rằng mình đầu tiên thu nhận và công bố.

1- Tôi cho rằng cực giàu ngữ âm là đặc điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của tiếng Việt. Theo một thống kê, tiếng ta có 4312 âm tiết cơ bản (tức khuôn âm tiết) và 19520 âm tiết chi tiết (tức âm đọc). Hai chỉ tiêu này của tiếng Hán là 415 và 1309. Ưu thế giàu ngữ âm làm cho tiếng Việt tuy là ngôn ngữ đơn lập (đơn âm tiết, monosyllabic) như tiếng Hán, nhưng lại có tính chất quý giá là thích hợp với chữ biểu âm (phonograph; như chữ Nôm, chữ Quốc ngữ). Ưu thế trời cho này đã giúp dân tộc ta sở hữu một ngôn ngữ nói cực giàu từ ngữ và có âm điệu rất hay, rồi cuối cùng xứng đáng làm chủ một thứ chữ viết lý tưởng đối với tiếng Việt, là chữ Quốc ngữ – loại chữ viết biểu âm Latin hóa đầu tiên xuất hiện trong vùng ảnh hưởng của chữ Hán và đóng vai trò quyết định thắng lợi ngoạn mục của tiến trình tự nhiên “Thoát Hán” về ngôn ngữ ở nước ta.

2. Tôi cho rằng tiếng Hán có hai đặc điểm lớn: là ngôn ngữ đơn lập và nghèo ngữ âm, vì thế Hán ngữ không thích hợp dùng chữ biểu âm mà chỉ thích hợp dùng chữ biểu ý (ideograph). Bởi lẽ đó mọi cố gắng trong gần một thế kỷ (1892-1986) của người Trung Quốc nhằm làm ra một loại chữ biểu âm có thể thay cho chữ Hán đều bất thành. Cho tới nay chưa thấy họ chính thức công bố nguyên nhân thất bại. Tôi đã đưa ra cách giải thích của mình. Do Hán ngữ chỉ dùng được chữ biểu ý, cho nên chữ Hán là thứ chữ viết duy nhất thích hợp với tiếng Hán và chữ Hán sẽ tồn tại lâu dài; không thể dùng bất cứ chữ viết biểu âm nào thay cho chữ Hán. Qua so sánh Hán ngữ với Việt ngữ tôi đi đến kết luận: cũng là ngôn ngữ đơn lập nhưng do giàu ngữ âm nên tiếng Việt vẫn thích hợp với chữ biểu âm. Có lẽ tôi đầu tiên đưa ra quan điểm trên.

3. Ngôn ngữ đơn lập bắt buộc phải dùng rất nhiều âm tiết; cho nên khi phân tích ngôn ngữ đơn lập, cần phải biết chính xác lượng âm tiết mà nó sở hữu, qua đó phán đoán nó có thích nghi chữ biểu âm hay không. Muốn vậy tôi đã tự làm thống kê lượng âm tiết cơ bản (tức khuôn âm tiết) và âm tiết chi tiết (tức âm đọc) của tiếng Hán; kết quả chênh lệch chưa đến 1% so với kết quả thống kê của người Trung Quốc. Có lẽ tôi là người Việt Nam đầu tiên làm việc này.

4. Thống kê của tôi cho thấy Hán ngữ có quá ít âm tiết (415 âm tiết cơ bản, 1309 âm đọc), mà lại có quá nhiều chữ Hán; do đó tồn tại quá nhiều chữ đồng âm. Nếu coi Hán ngữ có 47035 chữ Hán (như thống kê trong Khang Hy Tự điển) thì mỗi âm tiết cơ bản có 113 chữ đồng âm, khi ấy nếu dùng chữ biểu âm thì sẽ nhầm lẫn, không thể phân biệt được ý nghĩa các chữ đồng âm đó, chỉ dùng chữ biểu ý mới phân biệt được. Như vậy, vì là ngôn ngữ đơn lập và nghèo âm tiết nên Hán ngữ không thích hợp dùng chữ biểu âm. Quan điểm này khác với quan điểm của những người chưa lưu ý tới vấn đề tính đơn lập hay đa lập của ngôn ngữ. Theo tôi, khi phân tích các ngôn ngữ đa lập, nói chung không cần để ý vấn đề lượng âm tiết ít hay nhiều, bởi lẽ cấu tạo kiểu tổ hợp âm tiết của ngôn ngữ tạo ra một lượng lớn đơn từ khả dụng, khiến cho ngôn ngữ đó không thể có quá nhiều từ đồng âm; vì thế dù nghèo âm tiết vẫn thích hợp chữ biểu âm. Lý lẽ này có thể giải thích vì sao hầu hết ngôn ngữ trên thế giới đều dùng chữ biểu âm.

5. Tôi cho rằng sáng kiến đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, tức sáng kiến làm ra từ Hán-Việt chưa được đánh giá đúng; thực ra đây là sáng tạo ngôn ngữ học kiệt xuất nhất của tổ tiên ta. Từ Hán-Việt đã liên tục bổ sung vào kho từ ngữ tiếng Việt một lượng lớn từ vựng thuộc lớp “từ văn hoá”, làm tăng tổng lượng từ vựng tiếng Việt ít nhất gấp đôi và liên tục tăng vô hạn, đồng thời cải thiện chất lượng và mỹ cảm của từ ngữ. Không có từ Hán-Việt thì ta không thể nói hoặc viết về các vấn đề có tính nghị luận (ví dụ loại từ này chiếm tới gần 90% tổng số từ trong Hiến pháp Việt Nam 2013). Rõ ràng, văn hóa Hán với đại diện là chữ Hán đã có đóng góp lớn vào việc phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Từ Hán-Việt đã tạo điều kiện để dân ta học được chữ Hán mà không phải đọc chữ bằng tiếng Hán, tức giúp họ học chữ Hán dễ hơn; mặt khác, dù học và dùng chữ Hán bao lâu cũng không ai nói tiếng Hán, vì thế tiếng Việt không thể bị Hán hóa. Rõ ràng từ Hán-Việt cực kỳ có lợi cho người Việt và bất lợi cho người Hán nên dĩ nhiên nó chỉ có thể do người Việt làm ra, người Hán không có nhu cầu và năng lực làm được loại từ này. Sáng tạo từ Hán-Việt thể hiện tài trí của giới tinh hoa người Việt.

6. Tôi cho rằng sáng tạo chữ Nôm đã tạo tiền đề thuận lợi làm ra chữ Quốc ngữ. Một mặt, đó là do chữ Nôm đã bộc lộ một tính chất quý giá của tiếng Việt – tính thích nghi với chữ biểu âm, nhờ thế các giáo sĩ đạo Kitô người Âu đến nước ta truyền giáo khi học chữ Nôm đã phát hiện tính chất này. Điều đó đã thúc đẩy các giáo sĩ Dòng Tên ấy – những nhà ngôn ngữ học thành thạo các loại chữ viết biểu âm Latin hóa (như chữ Bồ Đào Nha, chữ Pháp, chữ Ý...) quyết tâm tiến hành phiên âm hóa, Latin hóa chữ Nôm. Cuối cùng họ đã làm ra thứ chữ viết mới hoàn toàn thích hợp với tiếng Việt, về sau gọi là chữ Quốc ngữ. Mặt khác, chữ Nôm đã tồn tại 7 thế kỷ tạo nền tảng ngôn ngữ vững chắc để các giáo sĩ dựa vào đó hoàn thành công việc trên trong thời gian ngắn kỷ lục (hơn 30 năm). Kinh nghiệm phiên âm Latin hóa chữ Hán do giáo sĩ Matteo Ricci làm tại Trung Quốc năm 1605 cho thấy: việc phiên âm Latin hóa chữ Hán không thể tạo ra được một loại chữ viết mới; bởi vậy nếu nước ta chưa có chữ Nôm mà chỉ có chữ Hán, thì việc sáng tạo một loại chữ biểu âm cho người Việt sẽ cần thời gian hàng thế kỷ. Làm chữ viết cho một ngôn ngữ quá giàu ngữ âm là vô cùng khó – vì thế mà dân tộc ta ra đời đã mấy nghìn năm nhưng mãi đến thế kỷ X mới bắt đầu làm ra chữ viết của mình trên cơ sở chữ Hán đọc bằng tiếng Việt. Tôi đầu tiên đưa ra quan điểm “chữ Quốc ngữ là chữ Nôm được Latin hóa”.

7. Từ kiến thức toán đã học ở trường, tôi tìm ra biểu thức đại số thích hợp chứng minh ngôn ngữ đa lập (đa âm tiết, multisyllabic) tạo ra được cực nhiều từ vựng khác âm đọc, nhờ thế tránh được nạn xuất hiện nhiều từ đồng âm, khiến cho ngôn ngữ nghèo ngữ âm vẫn thích hợp dùng chữ biểu âm (như tiếng Nhật thích hợp dùng chữ Kana). Đó là biểu thức toán học tính số lượng chỉnh hợp (permutation) chập k của n phần tử: A (n, k) = n! / (n-k)! , cho thấy cách ghép các âm tiết theo kiểu tổ hợp tạo ra cực nhiều đơn từ khả dụng, điều đó giải thích vì sao hầu hết chữ viết trên thế giới đều dùng chữ biểu âm. Cho tới nay chưa thấy ai công bố phát hiện tương tự.

8. Trong nghiên cứu, tôi sử dụng phương pháp so sánh ngôn ngữ bị nghiên cứu với một ngôn ngữ tham khảo. Khi xem xét các vấn đề của Hán ngữ tôi luôn so sánh với tiếng Việt hoặc tiếng Nhật là hai ngôn ngữ có sử dụng chữ Hán. Nhờ thế tôi phát hiện nghèo ngữ âm không phải là lý do duy nhất khiến Hán ngữ không thích hợp chữ biểu âm. Ngôn ngữ nào vừa nghèo ngữ âm lại vừa là ngôn ngữ đơn lập thì mới không thích hợp chữ biểu âm. Các công bố của Trung Quốc hầu như chỉ nhấn mạnh tính chất nghèo ngữ âm mà chưa nói về tính đơn lập của Hán ngữ. Có lẽ đó là do họ chưa chú ý tới sự quá khác nhau về lượng ngữ âm giữa tiếng Hán với tiếng Việt.

Với ý nghĩ cho rằng tiếng nói là hồn cốt của dân tộc, tôi đã vận dụng kết quả nghiên cứu ngôn ngữ để tìm hiểu nguồn gốc dân tộc ta. Tôi cho rằng sự khác nhau quá lớn (chênh lệch hơn chục lần) về lượng ngữ âm của tiếng Việt với tiếng Hán là minh chứng cho thấy thời nguyên thủy dân tộc ta không ở gần các dân tộc phía Bắc như người Hán, người Bách Việt (người phi Hán). Việc giới ngôn ngữ học quốc tế xếp tiếng Hán và tiếng Việt vào hai ngữ hệ (language family) khác nhau cũng cho thấy dân tộc ta không cùng nguồn gốc với người Hán và người Bách Việt. Ngôn ngữ gắn liền với lịch sử, mà lịch sử dân tộc ta có nhiều điểm chưa rõ ràng, vì thời cổ ta không có chữ để chép sử, phải tham khảo thư tịch cổ Trung Hoa, là nguồn tư liệu có độ tin cậy không cao. Lịch sử là do bên thắng cuộc viết, mà Việt Nam luôn bị Trung Quốc coi là bên thua. Sách cổ lại viết bằng thứ chữ viết kém chính xác và lối văn khó hiểu. Bởi vậy có thể cho rằng những điều người ta đã viết về lịch sử cổ đại chủ yếu là dựa trên suy đoán; tôi cũng chỉ là một gã “thầy bói sờ con voi lịch sử” mà thôi, không thể tự cho mình đúng, người khác sai.

Lĩnh vực ngôn ngữ rộng vô biên, tôi là kẻ đứng trên bờ đại dương mênh mông ấy nhìn về phía chân trời xa xa, lòng rạo rực ý muốn đi tới nơi ấy nhưng biết rằng mình không đủ sức. Thôi thì đành nhờ gió đưa con thuyền – cuốn sách nhỏ có tên “Chân trời ngôn ngữ” (語言天涯 Language world) này đem theo những nhận thức ngôn ngữ học bước đầu của tôi đi về phía chân trời mình mong đến. Được như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi!

Sau cùng, tôi chân thành cảm ơn tất cả những ai đã giúp tôi làm tập sách này: các bạn cũ và mới của tôi, các tạp chí Văn Hóa Nghệ An, Tia Sáng, Từ Quang, các trang mạng Nghiên Cứu Quốc Tế và Đông Tác Giao Lưu, nhóm Cà phê Lịch sử, Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy Hà Nội, Bảo tàng Công nghệ Thông tin, cũng như vợ tôi, các con và cháu yêu quý của tôi.

Hà Nội, đầu xuân Giáp Thìn 2024

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6294190