Thông tin

CHÁNH NIỆM QUA 16 ĐỀ MỤC HƠI THỞ

 

NGUYỄN THỊ LONG - TÂM HOA

 


 

DẪN NHẬP

Chánh niệm được xem là một hệ thống về sự nhận thức tại thời điểm hiện tại, bao gồm cả sự tự nhận thức về bản thân, một cách chú tâm, khách quan và không phán xét. Mục đích chính của niệm hơi thở là để an trú tâm và để đạt đến sự an định. Hơi thở là một đối tượng vừa luôn có mặt, vừa luôn biến đổi theo một cách mà tự nhiên sẽ khiến ta phải chú tâm. Thông qua hơi thở, chúng ta quan sát những suy nghĩ, cảm xúc đến rồi đi mà không đặt câu hỏi “đúng” hay “sai” để không vướng vào cuộc tranh luận với nội tâm trong khoảnh khắc nhất định. Bằng cách dùng hơi thở làm đối tượng để thực tập chánh niệm, vì hơi thở là công năng của hệ hô hấp, thuộc về thân nhưng cũng có sự liên hệ chặt chẽ với tâm. Khi đặt tâm chuyên chú vào hơi thở, không duyên theo trần cảnh bên ngoài; đến một lúc nào đó, giữa tâm và hơi thở sẽ hợp nhất. Vì quán sát hơi thở cũng là phương tiện để hành chánh niệm, để sống từng phút giây an lạc, phong phú và hạnh phúc, hướng về mục đích cao tột nhất mà người học Phật có thể khao khát tịnh hoá tâm, giải thoát mọi khổ đau, giác ngộ viên mãn. Đó là lý do đức Phật nhắc nhở mỗi người nên nhớ, chỉ với chánh niệm đúng trong cuộc sống hằng ngày, có thể giúp chúng ta đạt được ước muốn của mình. Xa hơn nữa, đức Phật đã mô tả chánh niệm khi được phát triển trọn vẹn là con đường trực tiếp dẫn đến giác ngộ và chấm dứt khổ đau: “Đây là con đường độc nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt thân bệnh và tâm bệnh, đạt Thánh đạo và Giác ngộ Niết bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ”.

1. Ý nghĩa của Satipaṭṭhāna (Niệm Xứ)

Phương pháp phát triển niệm hơi thở có trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta), kinh thứ 22 của Trường Bộ (Dīgha Nikāya) và Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta), kinh thứ 10 trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya). Cả hai kinh này có nội dung giống nhau, nêu rõ cách phát triển chánh niệm một cách đầy đủ hơn so với các kinh khác trong cả 5 bộ Nikāya.

Thuật từ Satipaṭṭhāna được kết hợp bởi chữ “sati” (niệm) là sự nhận biết; và chữ “paṭṭhāna” (xứ) là dựa trên thiết lập; có nghĩa là dựa trên thiết lập nhận biết thân, thọ, tâm và pháp và nhận biết một cách kiên cố trong thân, thọ, tâm và pháp.

Chữ Satipaṭṭhāna có ba ý nghĩa:

i. Nơi an trú của niệm, có nghĩa là đối tượng của niệm có bốn là thân, thọ, tâm, và pháp. Theo cách này Satipaṭṭhāna dịch là ‘nơi an trú’. Satipaṭṭhāna là nơi an trú niệm.

ii. Dựa trên tính thiết lập với niệm, có nghĩa là vượt qua sự không hài lòng. Theo cách này, Paṭṭhāna dịch là ‘dựa trên tính thiết lập’.

iii. Niệm dựa trên thiết lập hay thiết lập niệm kiên cố. Theo cách này, Paṭṭhāna dịch là “dựa trên thiết lập hay thiết lập kiên cố”.

Ở đây, để triển khai chánh niệm qua mười sáu đề mục thiền hơi thở theo tinh thần nội dung kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), người viết sử dụng ý nghĩa thứ ba (iii).

2. Tiến trình tu tập chánh niệm qua mười sáu đề mục thiền hơi thở (Ānāpānapabba)

A. Giai đoạn một trong phép niệm hơi thở

Trước hết hành giả chỉ làm một việc đơn giản là chánh niệm ngồi xuống trong một tư thế thật thoải mái (tư thế thích hợp), ở một chỗ thật thích hợp (trú xứ thích hợp), một mình hay với đại chúng, rồi theo dõi hơi thở vào ra một cách đơn giản nhất. Đơn giản ở đây là chỉ ghi nhận hơi thở ra là hơi thở ra, hơi thở vào là hơi thở vào, không gán ghép hay áp đặt vào sự ghi nhận ấy bất cứ một ý tưởng, suy tư, lý luận, hình dung nào ngoài ra hơi thở vào ra “sammāsati” ngay lúc ấy. Ở giai đoạn đầu, hành giả quán sát chánh niệm trong hơi thở ra vào là sự xúc chạm của hơi thở với thân thể ở vùng nhân trung dưới đầu mũi, gồm bốn bước sau:

1/ Nhận diện hơi thở vào, hơi thở ra: “Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm vị ấy thở ra”1.

Hành giả quan sát chánh niệm hơi thở ra vào bằng cách dán tâm vào hơi thở trên một điểm (môi trên hay mũi); không phóng tâm. Ở bước một, lâu mau tùy người, hành giả chỉ lo một việc là chánh niệm (tức là biết) trong hơi thở vào ra bằng cách chú ý ở mũi hoặc môi trên (là nơi ra vào của hơi thở) miễn sao tâm dán chặt vào cảnh hơi thở, không để hơi thở nào không được ghi nhận.

2/ Theo dõi hơi thở dài, hơi thở ngắn: Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài” hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”2.

Khi thở vô dài hành giả biết rõ đang thở vô dài. Khi hơi thở ra dài, hành giả biết rõ đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn, hành giả biết rõ đang thở vô ngắn (Thời gian hơi thở "vào", chạm vào chót mũi cho đến khi ở rốn so với thời gian hơi thở "ra" từ rốn cho đến khi ra hết bên ngoài chóp mũi; nếu thời gian nào lâu hơn gọi là "hơi thở vô dài, hơi thở ra dài", thời gian nào nhanh hơn gọi là "hơi thở vô ngắn, hơi thở ra ngắn").

Ở bước hai này, Định và Niệm của hành giả đã tốt hơn nên vị này còn có thể ghi nhận chi tiết dài ngắn của hơi thở. Hơi thở ngắn nghĩa là tâm đang bị xáo động; trái lại hơi thở dài tâm dần dần yên tĩnh; sự biết ấy chính là niệm được an trú trong hơi thở (là thân hiện tại), hơi thở vào ra trước đó là thân đã mất, nên không cần phải biết và được xem là hoàn hảo khi trong chừng ấy thời gian ghi nhận hơi thở hành giả ghi nhận luôn cả chi tiết ngắn dài của chúng.

3/ Nhận diện sự có mặt của toàn thân: “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập.“Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập”3.

Khi đang thở ra, hành giả nhận rõ cả ba giai đoạn đầu (mũi), giữa (ngực), cuối (rốn) của hơi thở ra. Khi đang thở vô, hành giả ghi nhận rõ cả ba giai đoạn đầu (mũi), giữa (ngực) và cuối (rốn) của hơi thở vô: Ở bước thứ ba, Định, Niệm càng mạnh hơn, hành giả không xem hơi thở như là luồng khí nữa mà là một quá trình có ba giai đoạn đầu, giữa và cuối. Nó bắt đầu ra sao, chững lại và kết thúc. Toàn thân ở đây ám chỉ hơi thở. Ý thức về toàn thân (cảm giác toàn thân) không phải chỉ toàn bộ thân thể hành giả, thân ở đây chỉ cho hơi thở. Với một tâm loạn động không thể cảm giác toàn bộ qui trình hơi thở vào, hơi thở ra, hành giả cần phải tập để nhận biết trọn vẹn ba giai đoạn: Chặng đầu - giữa - cuối của hơi thở. Và cũng cần được hiểu từ “cảm giác”, “an tịnh” là chỉ cho trạng thái thô tế.

4/ Buông thư, làm lắng dịu toàn thân: An tịnh thân hành, thở vào, thở ra: “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập4.

Khi đang thở ra, hành giả giữ cho hơi thở được nhẹ nhàng. Khi đang thở vô, hành giả giữ cho hơi thở được nhẹ nhàng: Lìa bỏ cách thở thô nặng (khi thân tâm giao động) bằng cách thở vào ra nông và nhẹ hơn (khi thân tâm lắng dịu). Lúc này, nội tâm đã ổn định, hành giả nhận ra hơi thở của mình lúc này không còn thô tháo nữa.Ở bước thứ tư này, nói là làm nhẹ hơi thở vào ra nhưng kỳ thực là với một nội tâm đã ổn định, hành giả nhận ra rằng hơi thở của mình lúc này không thô tháo nữa. Định Niệm càng mạnh hơn, khi hành giả ghi nhận rõ ràng cả ba giai đoạn trên. Và được xem là hoàn hảo khi hành giả thấy hơi thở biến mất, dù biết thực ra nó vẫn còn đấy nhưng tâm vẫn không lìa niệm.

Như vậy, khi hơi thở được tu tập qua bốn giai đoạn: Dài-ngắncảm giác-an tịnh, hành giả cần làm cho sung mãn qua pháp quán thân trong thân.

* Trong bước một và hai, đối tượng quán niệm thuần túy là hơi thở. Tâm người thở là chủ thể quán niệm và hơi thở là đối tượng quán niệm. Hơi thở có thể ngắn hay dài, thô kệch hay nhẹ nhàng. Hơi thở ảnh hưởng tới tâm, tâm ảnh hưởng tới hơi thở. Tâm và hơi thở trở nên hợp nhất. Tâm và hơi thở là một. Hơi thở là một phần của thân, cho nên quán niệm về hơi thở cũng là quán niệm về thân.

* Trong bước ba thì hơi thở được phối hợp với toàn thân, hơi thở không còn là một phần của thân nữa mà là một với toàn thân. Ý thức về hơi thở đồng thời cũng là ý thức về toàn thân. Tâm, hơi thở và toàn thân trở nên hợp nhất.

* Trong bước bốn, sự vận hành hoạt động của thân bắt đầu trở nên lắng dịu và an tịnh lại. Sự an tịnh của hơi thở đưa tới sự an tịnh của cơ thể và của tâm: tâm, hơi thở và cơ thể đồng nhất trong sự an tịnh.

B. Giai đoạn hai trong phép niệm hơi thở

Đây là giai đoạn mà hành giả thực tập Chỉ Quán song tu, dùng đề mục hơi thở để tu tập Tuệ Quán. Hành giả chỉ đơn giản ghi nhận mình đang sống với cảm giác gì, dễ chịu hay khó chịu; biết rõ cảm giác ấy liên hệ Danh pháp hay Sắc pháp, tức Thân Thọ hay Tâm Thọ. Và cuối cùng hành giả biết rõ các thọ do Xúc mà có, có rồi mất, dầu cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Ở giai đoạn hai này là các bước an trụ; hành giả quan sát sự ngắn dài trong hơi thở ra vào và ghi nhận chi tiết ngắn dài của hơi thở theo bốn bước như sau:

1/ Chế tác niềm vui (hỷ) - Hành giả sẽ thở ra vào bằng niềm Hỷ Duyệt của Sơ-Nhị Thiền:“Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Vị ấy thực tập như thế”.

2/ Chế tác hạnh phúc (lạc) - Hành giả sẽ thở ra vào bằng sự an lạc của Tam Thiền: “Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Vị ấy thực tập như thế”.

3/ Nhận diện cảm thọ - Hành giả sẽ thở ra vào bằng sự thanh thản của Tứ Thiền: “Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Vị ấy thực tập như thế”.

4/ Làm lắng dịu những cảm thọ - Hành giả sẽ thở ra vào bằng sự lắng đọng của Thọ và Tưởng ở tầng Tứ Thiền: “Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Vị ấy thực tập như thế”.

* Trong bước năm chúng ta nhận thấy hơi thở chuyển về Thọ. Do điều chỉnh hơi thở, quán niệm hơi thở, và làm cho sự vận hành và hoạt động trong cơ thể [thân hành (kāya-samkhāra)] được êm dịu và vi tế mà cảm thọ vui thích phát sinh. Đây là lạc thọ, và là tiến trình tự nhiên do bước bốn (hơi thở 4) đem lại.

* Trong hơi thở của bước sáu, cảm giác vui thích biến thành cảm giác an lạc và hành giả ý thức về sự an lạc ấy.

* Các bước của hơi thở thứ bảy và tám, hành giả vẫn chú ý vào cảm thọ, bất cứ cảm thọ nào có mặt, những cảm thọ của thân hành (kāya-samkhāra) và của tâm hành (citta-samkhāra).

* Ở bước hơi thở thứ tám làm cho thân hành và tâm hành lắng đọng và an tịnh lại. Tới đây, hành giả thống nhất được thân, tâm, cảm giác và hơi thở một cách hoàn toàn.

C. Giai đoạn ba trong phép niệm hơi thở

Ở giai đoạn ba này, hành giả chánh niệm nhận rõ ba giai đoạn đầu, giữa và cuối của hơi thở và ghi nhận rõ ràng liên tục ba giai đoạn của hơi thở.

1/ Nhận diện các tâm ý (tâm hành): Hành giả sẽ thở ra vào với sự cảm nhận tâm thái của người chứng Sơ thiền: “Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta.Vị ấy thực tập như thế”.

2/ Làm hoan lạc tâm ý (tâm hành): Hành giả sẽ thở ra vào với niềm an lạc của người chứng Nhị Thiền: “Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc”. Vị ấy thực tập như thế”.

3/ Thu nhiếp tâm ý vào định: Hành giả sẽ thở ra vào với khả năng định tâm của Tam và Tứ Thiền:“Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Vị ấy thực tập như thế”.

4/ Cởi trói tâm ý được giải thoát, tự do: Hành giả sẽ thở ra vào với nội tâm xa lìa phiền não của người chứng thiền: “Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Vị ấy thực tập như thế”.

Bốn bước hơi thở thứ chín, mười, mười một và mười hai chuyển về đối tượng tâm. Tâm (citta) là tất cả những hoạt động của tâm (tâm hành) gồm có cảm giác (thọ), tri giác (tưởng) và mọi trạng thái tâm lý (hành).

* Bước hơi thở thứ chín bao trùm tất cả hoạt động của tâm, ý thức được những phát hiện của tâm trong giây phút hiện tại. Những hoạt động của tâm tuy thiên hình vạn trạng, nhưng hành giả chỉ quán chiếu những gì đang phát hiện và hoạt động trong giây phút hiện tại thôi.

* Bước hơi thở thứ mười có tác dụng làm cho tâm ý hoan lạc, bởi vì trong trạng thái an vui tâm dễ đi vào định hơn là trong trạng thái sầu não lo lắng. Hành giả ý thức được là mình đang có cơ hội thiền tập, rằng không có giờ phút nào quan trọng bằng giờ phút hiện tại, biết an trú trong giờ phút hiện tại vì vậy cảm thọ hoan lạc phát sinh.

* Bước hơi thở mười một đưa hành giả vào sự tập trung tâm ý, lấy tâm nhìn tâm, lúc bấy giờ tâm là hơi thở, tâm là sự hợp nhất của chủ thể và đối tượng quán chiếu, tâm là sự an lạc. Tâm là lĩnh vực của quán chiếu và của định lực.

* Bước hơi thở mười hai nhằm cởi mở cho tâm nếu tâm còn bị ràng buộc. Ràng buộc hoặc bởi quá khứ hoặc bởi vị lai, hoặc bởi những tình tiết u uẩn khác. Nhờ quán chiếu hành giả biết đâu là những sợi dây ràng buộc làm cho tâm không được an lạc và giải thoát. Hành giả quán chiếu về bản chất của những ràng buộc ấy, để cởi trói cho tâm. Hơi thở liên tục thổi ánh sáng quán chiếu vào tâm để giải thoát cho tâm.

D. Giai đoạn bốn trong phép niệm hơi thở

Bốn bước của giai đoạn bốn trong pháp niệm hơi thở này là giai đoạn mà một hành giả Chỉ Quán song tu dùng đề mục hơi thở để tu tập Tuệ Quán. Ở giai đoạn bốn, hành giả giữ hơi thở nhẹ nhàng, không thô tháo; và được xem là hoàn hảo khi vị ấy thấy hơi thở biến mất, dù biết thực ra nó vẫn còn đó.

1/ Quán chiếu về tính vô thường - Hành giả tâm niệm về tánh Vô Thường của Danh Sắc: “Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Vị ấy thực tập như thế”.

2/ Quán chiếu về sự không đáng tham cầu và vướng mắc - Hành giả với tâm niệm hướng đến tánh Ly Tham của Niết-bàn: “Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Vị ấy thực tập như thế.”

3/ Quán chiếu về Niết bàn - Hành giả với tâm niệm về tánh Tịch Diệt của Niết bàn: “Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Vị ấy thực tập như thế”.

4/ Quán chiếu về sự buông bỏ - Hành giả với tâm niệm về tánh Xả Ly của Niết bàn: “Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Vị ấy thực tập như thế”.

* Hơi thở mười ba quán chiếu về tính chuyển biến vô thường của vạn pháp, tâm lý, sinh lý và vật lý. Chính hơi thở cũng là vô thường. Phép quán này rất quan trọng bởi vì nó khai mở cho ta thấy tính cách tương quan tương duyên của vạn vật cũng như tính cách vô ngã (không có tự ngã riêng biệt) của các pháp.

* Hơi thở mười bốn cho ta thấy pháp nào rồi cũng tan rã, tàn hoại, để ta không còn ý định nắm bắt riêng một pháp nào, trong đó kể cả những hiện tượng sinh lý và tâm lý trong ta.

* Hơi thở mười lăm cho ta thấy không kẹt vào bất cứ một pháp nào, không bị một pháp nào nắm bắt và sai sử tức là đạt tới một niềm vui lớn, niềm vui của giải thoát, của tự do.

* Hơi thở chiếu rạng trên thái độ buông bỏ của ta, buông bỏ tất cả mọi gánh nặng của vô minh, của nắm bắt. Buông bỏ được tức là đạt tới giải thoát.

Qua đoạn kinh trên cũng xác định rằng tu tập Pháp Niệm Hơi Thở chính là tu tập Bốn Niệm Xứ và tu tập Bốn Niệm Xứ cũng chính là tu tập Bảy Giác Chi.

- Khi thở ra với “sự ghi nhận kịp thời và liên tục”, hành giả đang tu tập Niệm giác chi.

- “Nhận biết đầy đủ và kịp thời” những chi tiết liên hệ với hơi thở từ tâm trạng đến cảm giác, chính là Trạch Pháp giác chi.

- Không có “sự nỗ lực” thì hành giả không thể nào kéo dài công phu tu tập nên ở đây Cần giác chi không thể thiếu.

- “Niềm vui” có được trong lúc tu tập Phép Niệm Hơi Thở chính là Hỷ giác chi.

- “Sự lắng đọng nội tâm” nhờ Trạo Hối và Hôn Thụy vắng mặt chính là Tĩnh giác chi.

- Sự “tập trung tư tưởng” khi theo dõi hơi thở chính là Định giác chi.

- Sự “bình ổn cảm xúc” trong lúc tu tập chính là Xả giác chi.

KẾT LUẬN

Như đã trình bày trên, chúng ta thấy rõ bốn giai đoạn trú niệm hơi thở, mỗi giai đoạn gồm bốn bước. Ở giai đoạn một, hành giả tập chú vào hơi thở và bám sát hơi thở để theo chúng vào ra và dài ngắn ra sao, đây chính là giai đoạn tu tập Thân Quán Niệm Xứ. (Thân Quán Niệm Xứ có nhiều đề mục quán niệm thuộc Thân, nhưng ở đây trong đề mục hơi thở chỉ riêng hơi thở cũng có thể gọi là Thân Niệm Xứ). Ở bốn bước tiếp theo của giai đoạn hai, nghiệm lại, chính là tu tập Thọ Quán Niệm Xứ qua hơi thở. Bốn bước của giai đoạn ba là Tâm Quán Niệm Xứ qua hơi thở. Bốn bước của giai đoạn bốn, nghiệm kỹ sẽ thấy chính là Pháp Quán Niệm Xứ qua hơi thở. Trong tiến hành Niệm Xứ không chỉ có chánh niệm mà còn có những pháp khác cộng tác là Tấn và Tuệ vì trong kinh này nói cả ba pháp này đồng sanh cùng một lúc với Niệm: Có nhiệt tâm, có tỉnh giác, có chánh niệm. Ngoài ba pháp này, đức Phật còn thuyết giảng ‘Định’ một cách gián tiếp, do định phát sanh liên hệ từ chánh niệm và làm phát triển Tuệ kiên cố, cho dù đức Phật chỉ nói Niệm và Tuệ cũng là nói đến Định một cách gián tiếp. Như vậy, Niệm là nhân sanh định, và Định là nhân sanh tuệ là vậy.

Cả bốn pháp nói trên, Tấn, Niệm, Định, Tuệ thuộc chi pháp trong tiến hành Niệm Xứ. ‘Tấn’ giúp hành giả tập trung danh sắc hiện tại với sự tinh tấn thân và tâm; ‘Niệm hơi thở’ là phương tiện nhận biết danh sắc một cách liên tục không gián đoạn; ‘Định’ làm cho tâm áp sát kiên cố trong pháp thực tính thấy rõ, biết rõ với niệm để thấy rõ, biết rõ sự thật về đặc tướng của các pháp qua danh sắc có trạng thái vô thường, khổ và vô ngã. Mười sáu quán niệm hơi thở được đức Phật chỉ dạy một cách đơn giản, nhưng hiệu lực của chúng thật vô lượng vô biên như đã phân tích trên. Tùy theo trình độ tu học của ta mà ta đi cạn hay đi sâu vào những hơi thở ấy. Thực tế thì ý niệm về vô thường bao hàm trong nó ý niệm Vô ngã, Không, Duyên sinh, Vô tướng và Vô tác, rất quan trọng cho tiến trình quán chiếu để đi tới giải thoát. Vì vậy, trên hành trình học Phật, tu Phật, trong mỗi chúng ta cần phải tuệ tri Chánh niệm qua hơi thở là một nguồn năng lượng vô giá; nếu không biết thực tập, không biết sống trọn vẹn với nguồn năng lượng ấy với mỗi phút giây hiện tại thì chúng ta sẽ không thể nào tạo nên nguồn an lạc, vững chãi và hạnh phúc chân thật được. Chánh niệm được ví như viên bảo ngọc thiền định trong đạo Phật, là khả năng mà ai cũng có thể có được, chỉ cần có phương pháp và nỗ lực quyết chí, nó là nguồn năng lượng quán chiếu không thể thiếu của một thiền giả. Thực tập chánh niệm đưa đến định lực và tuệ giác. Thành tựu được định lực thì ta sẽ thành tựu được tuệ giác, và nhờ tuệ giác mà ta thấy được chân tướng của sự vật và của cuộc đời. Ta có thể xây dựng đời sống an vui và hạnh phúc cho chính mình và mọi người xung quanh.

 


1. “Sosato va assasati, sato va passasati.”.“Sosato va assasati, sato va passasati”.

2. Dīghaṃ vā assasanto ‘Dīghaṃ assasāmīti’ pajānāti. “Dīghaṃ vā passasanto ‘Dīghaṃ passasāmīti’ pajānāti.”Rassaṃ vā assasanto ‘Rassaṃ assasāmīti’ pajānāti. Rassaṃ vā passasanto ‘Rassaṃ passasāmīti’ pajānāti.

3. “Sabba kāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati” “Sabba kāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati.”

4. ‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati’ “‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati”

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6711965