Thông tin

CHÀO NGUYÊN XUÂN

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 


Thi sĩ Bùi Giáng

Đã đời một năm đầy vất vả lo toan, ai ai cũng mệt nhoài với những ưu tư trần thế. Và rồi đây, khi vẫn còn đang trong sự vất vả lo toan ấy thì đã cận kề một mùa xuân mới lại về. Chúng ta lại phải đón xuân như chưa bao giờ vừa trải qua nhiều bận bịu, như một sự khẳng định rằng vẫn trung thành với truyền thống dân tộc, với nhịp sống đi lên từng bước của quê hương đất nước.

Như vậy, mùa xuân vẫn vẹn nguyên một màu áo mới trong nhịp độ luân hồi của vũ trụ, của luân hồi muôn thuở tự lúc sơ khai. Bước đến đây rồi chúng ta chợt nhớ đến những câu thơ quá đỗi tự nhiên trong bài thơ “Chào Nguyên Xuân” của thi sĩ cá biệt Bùi Giáng (1926-1998):

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau1

Nhớ là để thấy rằng trong mọi đau khổ hay vui buồn, mùa xuân vẫn hiện diện với đúng theo tên gọi của nó mà không có lời giải nghĩa; đồng thời để thấy rằng sự tin tưởng, lạc quan yêu đời và nhất là với những ai từng hiểu được nguyên lý duyên sinh của mọi việc, thì dù có phai màu hay yếu đi sức vóc độ nào, thì con người vẫn cần sống, tiếp tục hy vọng để đi lên:

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này

Có ngàn năm đứng ngó cây cối và

Có trời mây xuống lân la

Bên bờ nước có bóng ta bên người…

Đấy, trong lo âu, muộn phiền nhân thế, sự lạc quan và lòng tin tưởng sẽ thiếu vắng đôi chút sức mạnh nếu chưa thâm nhập vào bầu trời Như Thị của Phật giáo. Biết là để chấp nhận cuộc sống, bằng lòng trong nghiệp dĩ và lượng được sức mình với duyên nghiệp chúng sanh. Bởi vậy;

Xin chào nhau giữa bụi đầy

Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu.

Cảm ơn thi sĩ Bùi Giáng biết bao với những câu thơ có khi tưởng là lạc điệu, xa dòng, nhưng mà chính những cái đó lại là chiếc cầu nối qua từng bờ bến của dòng suy tưởng bao la, thật thú vị! Do vậy xin đừng thắc mắc:

Hỏi rằng người quê ở đâu

Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng: Từ bước chân ra

Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài

Thưa rằng: Đất trích chiêm bao

Sá gì ngẫu nhĩ mà chào hỏi nhau…

Để rồi nhà thơ lại bắc cầu, đưa tay dìu người đọc trở về với nguyên thủy mùa xuân, một lối kết rất ngẫu nhiên, rất thật như chính cuộc đời này. Có ly biệt mới có trùng phùng, có khổ đau mới đến hồi hạnh phúc. Cho nên biết và sẵn sàng chấp nhận những điều bất nghịch ý để từ đó sàng lọc lại cuộc đời, mong tìm những nét hữu duyên toại ý. Đó là mùa xuân nguyên vẹn nhất, cụ Bùi Giáng khoanh tròn câu kết ý tựa trong thơ mình:

Thưa rằng: Ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân.

Chính vì điều này, mới đây nhất, có người viết, không ngại ví Bùi Giáng là thi sĩ của mùa xuân vĩnh cửu. Bùi Giáng có một mùa xuân vĩnh cửu, bởi đơn giản chính ông tự xưng mình là “Thi Sĩ Trung Niên”. Trung niên là cái tuổi qua chín chắn để biết cắn vào mùa xuân tươi rói của cuộc đời2.

Nếu ngày trước, Tổ Hoàng Bá Hy Vận (?-850) từng có bài thơ phú pháp nổi tiếng:

Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường

Đầu dây nắm chặt giữ lập trường

Chẳng phải một phen xương lạnh buốt

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

Qua đó cũng cố thêm sự đời, mấy ai từng phải trải qua sướng khổ vui buồn để tồn tại, từ đó mới nhận chân được giá trị của cuộc sống an lành, hạnh phúc chúng ta đang có, đang thọ hưởng. Nói đến đây, trong chúng ta ai cũng có lần nghe qua câu:

“Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.

Đó là bốn câu trong bài thơ “Tự Miễn” (Tự khuyên mình) của cụ Hồ Chí Minh (1890-1969).

Vốn xưa nay, văn thơ khi viết về mùa xuân thì phần nhiều hay dẫn dắt mọi người vào khu rừng hoa bướm với vô vàn màu sắc quyến rũ bên cạnh nhịp điệu vui tươi của cuộc đời. Cụ Bùi Giáng biết chắt lọc vừa phải những gì cần có trong khu vườn mùa xuân đó để rồi vội trở ra với những điều gần giống như triết lý duyên sinh, thi thoảng thả vào đôi chút bâng quơ để làm thi vị cho bài thơ mang bản sắc của riêng mình.

Nói thêm một điều, lâu nay vẫn còn mãi hoài câu hỏi không kém phần nhức nhối: “Bùi Giáng có điên không?”. Câu hỏi đó chưa có ai trả lời được, kể cả những người sống thân cận với ông. Cũng có ý kiến nêu lên rằng có lẽ cần có những buổi hội thảo khoa học quy tụ nhiều chuyên khoa giỏi, kể cả tâm thần nhưng nhất thiết phải có lòng yêu thích và hiểu biết văn thơ, mới có thể phần nào hé mở được về thơ và con người cụ Bùi Giáng. Chúng tôi rất tán đồng quan điểm của nhiều vị khi cho rằng nếu quả thật cụ Bùi Giáng có “điên” hay không thì người yêu thơ văn ông cũng đã được tường lãm một gia tài “thơ điên” rất bổ ích. Chính cái “điên” đó đã làm nên tên tuổi của một Bùi Giáng mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đánh giá cụ là thi sĩ số 1 ở hậu bán thế kỷ 20.

 


 

Xuân đến rồi xuân sẽ đi, xuân đi rồi sẽ lại đến; chuyện rất đổi bình thường nhưng đôi khi chúng ta còn vương mang thêm vào trong ấy những vui buồn tiếc nuối. Lẽ vô thường sinh diệt đôi khi cũng gạt gẫm được những tâm hồn bay bổng không có điểm tựa cho riêng mình từ trong tư duy lẫn hành động. Ở trong bài thơ Phụng Hiến, ngay từ câu đầu, cụ Bùi Giáng đã xác định một cõi đi về mà chưa nói được với mọi người bằng thơ, vì một người vốn có ít nhiều phước lực nương tựa cửa thiền, ai dám chắc những riêng phần định nghiệp đời trước hoặc đang tạo khởi trong đời này sẽ ra sao? Vì thế, trước mắt vẫn chỉ cám ơn cuộc đời với những gì mình thọ nhận mà một người gọi là tỉnh trí có lẽ cũng chưa một lần được dõng dạc nói lên:

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại

Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu

Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi

Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu3.

Vì thế, khi đã tỏ tường mọi lẽ thì văn thơ là cầu nối đôi bờ mê thật. Những buồn vui nơi đó cũng chỉ làm nhiệm vụ điểm xuyết cho cảnh đời thêm màu sắc ngày xuân. Khi đọc lại bài thơ Chào Nguyên Xuân, chúng ta luôn có cảm giác bồi hồi và hân hoan cho một mùa xuân còn nguyên vẹn ý nghĩa ban sơ, với đủ đầy giá trị tự thân của một mùa xuân thật sự mang đến cho thế nhân. Và mùa xuân ấy chắc chắn không phải là mùa xuân của bốn mùa luân chuyển mà vẫn là một mùa xuân hằng hữu, đáng ca ngợi, đáng chào đón hân hoan và đương nhiên, đáng để ôm ấp vào lòng. Vì vậy, một lần nữa xin mượn lại câu chào của cụ Bùi Giáng ở trên để kết thúc bài này:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

 

Xuân Nhâm Dần 2022

 


1. Bài thơ Chào Nguyên Xuân – NXB Hội Nhà Văn 1993.

2. Lưu Nhi Dũ, “Thi sĩ của mùa xuân vĩnh cửu”, Báo NLĐ ngày 10/02/2021.

3. Bài thơ “Phụng hiến”, NXB Mưa Nguồn 1962 – NXB Hội Nhà Văn tái bản 1993.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6115121