Thông tin

CHÍNH SÁCH CỦA MỸ

ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM

TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG PHẬT GIÁO 1963


ThS. PHAN VĂN CẢ
Khoa Lịch sử,
ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

 

Với mục tiêu giữ vững một miền Nam Việt Nam không cộng sản nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Xô ở Đông Nam Á, chính quyền John F. Kennedy đã gia tăng đều đặn viện trợ của Mỹ cho VNCH. Trong suy nghĩ của Washington, Mỹ chỉ có thể làm chiến tranh thành công với Ngô Đình Diệm. Nhưng đến đầu 1963, lòng tin của Mỹ đối với bản thân Diệm đã bắt đầu giảm sút. Câu hỏi: Chúng ta có thể thắng cuộc chiến ở Việt Nam với Diệm không? đã được các giới chức trong chính quyền và báo chí Mỹ đưa ra bàn luận.

Cuộc khủng hoảng Phật giáo 1963 là kết quả tất yếu của cuộc tranh cãi kéo dài từ các phe phái trong chính quyền của Tổng thống Kennedy. Nó cũng đánh dấu chấm hết cho nỗ lực “chìm hay bơi cùng Diệm”. Tham luận này góp phần lý giải những rắc rối của chính quyền Kennedy trong nỗ lực tiếp tục cuộc chiến, xử lý vấn đề độc tài gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của gia đình họ Ngô trong giai đoạn từ 8.5 đến 1.11.1963.

1. CUỘC KHỦNG HOẢNG PHẬT GIÁO BÙNG NỔ

Ngày 6.5.1963, chỉ còn chưa đầy 48 tiếng nữa là lễ Phật đản 2507 (8.5.1963), ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo, một chỉ thị cấm treo cờ tôn giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm được ban hành. Với lập luận quốc kỳ phải được tôn trọng hơn giáo kỳ. Diệm không phải không biết rõ rằng lệnh cấm này sẽ gặp phản ứng của Phật tử nhưng ông bất chấp hậu quả.

Sáng ngày 8.5.1963, trong cuộc rước từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm, các Phật tử đã giăng một số biểu ngữ đòi bình đẳng tôn giáo và bảo vệ cờ Phật. Đáp lại, chính phủ Diệm đã cho lực lượng an ninh đến đàn áp và nổ súng vào đám đông tối hôm đó. Có 9 người chết và 14 người bị thương(1). Vô trách nhiệm hơn, chính phủ Diệm loan tin rằng, quân đội đến chỉ cốt lập lại trật tự còn những người chết và bị thương là do lựu đạn hay mìn plastic của quân khủng bố (cộng sản) gây ra.

Nhưng sự thật thì không thể bị che giấu. Dưới sự chỉ đạo của các nhà sư, Phật tử bắt đầu biểu tình ở các thành phố trên toàn miền Nam đòi bồi thường cho các nạn nhân, trừng trị những kẻ có trách nhiệm, được tự do treo cờ trong khi phải đối mặt với sự đàn áp khá quyết liệt của các lực lượng an ninh.

Do bị ảnh hưởng bởi vợ chồng Nhu - Lệ Xuân và Thục, những người không muốn chấp nhận một dấu hiệu hòa hoãn nào ở Huế, Diệm đã phải giải quyết việc này mà không thực sự hiểu rằng nó sẽ gây ra những phản ứng như thế nào đối với trong và ngoài nước. Diệm tuyên bố rằng Hiến pháp 1956 đã công nhận quyền tự do tín ngưỡng nhưng lại không chấp nhận những hoạt động tự do của những nhóm tôn giáo. Còn ông Nhu thì được vợ kích động đã làm cho tình hình thêm trầm trọng bằng cách gay gắt buộc tội những người cộng sản là thủ phạm gây nên sự bế tắc.

2. NHỮNG NỖ LỰC NGOẠI GIAO CỦA MỸ

Ngày 11.6.1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để chống lại sự ngược đãi tôn giáo. Một thay đổi lớn trong suy nghĩ của người Mỹ về chính quyền Diệm. Hàng loạt những tấm ảnh xuất hiện ngay lập tức trên các tờ báo. Điều đó khiến cho chính quyền Kennedy phải giữ một khoảng cách với chế độ đồng minh thân thiết ở Sài Gòn. Trong Chính phủ Mỹ lập tức nổ ra những cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề là liệu Mỹ có đúng hay không khi ủng hộ Diệm ở miền Nam Việt Nam.

Để ứng phó, Bộ Ngoại giao Mỹ dồn dập thúc ép Diệm phải hòa giải với Phật giáo. Ngày 4.6.1963, một Ủy ban Liên bộ được thành lập gồm Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần và Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương để thảo luận với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Tuy nhiên, ông Diệm chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc đấu tranh chứ không muốn thỏa mãn những nguyện vọng của Phật giáo. Trong khi Diệm lại chịu sức ép của vợ chồng Nhu đòi ông phải “mạnh tay” hơn với Phật tử(2). Các cuộc đàn áp vẫn tiếp tục. Những cuộc biểu tình phản đối ngày càng mạnh mẽ. Thậm chí các quan chức chính phủ và giới quân nhân cũng bày tỏ sự lo ngại của họ trước cách giải quyết vấn đề Phật giáo của Tổng thống Diệm.

Ngày 12.06.1963, một ngày sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, những bức ảnh về sự kiện này xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn trên khắp thế giới, bên cạnh những bài viết lý giải về nguyên nhân của thảm kịch. Chỉ qua một đêm, nước Mỹ và phần còn lại của thế giới biết hết sự thật về “Winston Churchill của châu Á”. Hàng loạt vấn đề được công chúng Mỹ đặt ra cho chính phủ Ken­nedy: chúng tôi tưởng những đồng dollar đóng thuế của chúng ta đổ vào Nam Việt Nam là để góp sức chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản; nước Mỹ vẫn nghĩ rằng số lượng người Mỹ được đưa tới Việt Nam không ngừng tăng lên cùng với khoản viện trợ 1,2 triệu dollar mỗi ngày là để giúp Nam Việt Nam chống lại kẻ thù Việt cộng không đội trời chung. Nhưng giờ đây, dường như Diệm quan tâm nhiều hơn đến việc chống lại các nhà sư mặc áo vàng không có vũ khí(3). Chính quyền Kennedy bây giờ không phải chỉ đối đầu với sự hỗn loạn ở VNCH mà còn phải trả lời dân Mỹ tại sao lại ủng hộ một chế độ độc tài, đàn áp tôn giáo như chế độ của ông Diệm?.

Theo cách nhìn của Washington, khi Phật tử Việt Nam đã bắt đầu tham gia hàng ngũ những người bất mãn với chế độ và tiến hành những cuộc biểu tình chống chính phủ thì cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn tới những hệ quả trầm trọng hơn bao giờ hết. Trong khi Kennedy vừa phải đấu tranh với vấn đề da màu trong nước, thì những đồng đạo Thiên Chúa của ông ở Sài Gòn đã tự biến thành kẻ thù của mọi tôn giáo khác ở đất nước này.

Từ tháng 7-1963, người Mỹ bắt đầu tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như có một cuộc đảo chính quân sự chống lại Diệm? Nhiều cuộc họp đã diễn ra ở Washington, các cơ quan của chính phủ Mỹ đều đã chuẩn bị chu đáo trước cho những quan điểm của mình để đưa ra cho Tổng thống khi họp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).

Mục tiêu không đổi của Mỹ ở Việt Nam là “thắng cuộc chiến” nhưng vấn đề là “liệu người Mỹ có giành được chiến thắng với ông Diệm không?”. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Viễn Đông Roger Hils­man, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách về chính trị Averell Harriman, Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Michael Forrestal, George Ball, Rostow, hai anh em Bundy, John Kenneth Galbraith, Cabot Lodge nói “không” và muốn thay Diệm. Trong khi Phó tổng thống Johnson, Bộ trưởng quốc phòng McNamara, Đại sứ Nolting, Chủ tịch JCS tướng Maxwell Taylor, Tư lệnh Thái Bình Dương đô đốc Harry Felt, tư lệnh MACV tướng Harkins, Giám đốc CIA ở Sài Gòn John H.Richardson thì không muốn thay Diệm. Họ cho rằng, Diệm là một nhà lãnh đạo tồi nhưng Mỹ chưa tìm thấy ai có thể thay thế ông ta. Do vậy, thay Diệm vào lúc này sẽ làm tổn hại đến tinh thần chiến đấu của quân VNCH. Khi vấn đề của Diệm được mang ra bàn cãi, đề nghị thay Diệm của nhóm ngoại giao bị Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Bộ Quốc phòng và CIA phản đối. Giám đốc CIA John McCone nói rằng: “Có thể Diệm là một thằng chó đẻ, nhưng ông ta là thằng chó đẻ của chúng ta. Mấy ông chỉ cho tôi còn ai khác không? Mấy ông còn biết ai nữa không”(4). Như vậy, đối với cuộc chiến tại Việt Nam, chính sách của Mỹ vẫn là “thắng cuộc chiến” này, còn Diệm thì Mỹ chưa có “ngựa” để thay.

Tuy nhiên, thái độ cứng rắn của ông Diệm, cùng với sự hung hăng, khiêu khích của vợ chồng Nhu trong suốt mùa hè năm 1963 như đổ thêm dầu vào lửa. Vợ chồng Nhu - Lệ Xuân công khai vu cáo cuộc đấu tranh của Phật giáo là do cộng sản xúi giục, lăng mạ những cuộc tự thiêu của các nhà sư là màn “nướng thịt sư” (barbeque a bonze)(5). Chính phủ Mỹ không khỏi lo lắng và bực dọc khi liên tiếp đưa ra những chỉ thị dùng áp lực buộc ông Diệm phải hòa hoãn với Phật giáo. Trong công điện ngày 11-6-1963 gửi cho Trueheart (quyền Đại

sứ tạm thay Nolting đang nghỉ phép), Ngoại trưởng Dean Rusk nhấn mạnh: “Nếu ông Diệm không thực hiện các biện pháp nhanh chóng và hữu hiệu để tái lập lại niềm tin tưởng của giới Phật tử ở nơi ông ta, chúng ta sẽ xem xét lại toàn diện mối quan hệ của chúng ta với chế độ ông ấy”(6). Ngày 11-7-1963, Đại sứ Nolting về lại Sài Gòn. Nolting khuyên ông Diệm nên công bố một số nhân nhượng cần thiết với Phật giáo. Diệm đồng ý, nhưng chưa có hành động nào, ông chỉ hứa cho qua chuyện với Đại sứ Nolting sắp được thay bằng đại sứ mới.

Từ ngày 15-8-1963, đại sứ Nolting rời Sài Gòn và gặp Đại sứ mới Cabot Lodge tại Honolulu để thảo luận về tình hình tại Việt Nam. Trong khi đó, vào đêm 20 rạng 21.8.1963, Diệm – Nhu cho mở một loạt các cuộc tấn công vào các chùa trên khắp miền Nam Việt Nam, bắt bớ hàng ngàn người và gây ra những thương vong lớn. Hành động này của Diệm trên thực tế đã xóa bỏ tất cả mọi lời hứa hẹn hòa giải với Phật giáo mà ông ta đã cam kết với Nolting vài ngày trước. Chẳng cần nói, người ta cũng có thể hiểu được tâm trạng của Nolting (giữa lúc ông ta đang trao đổi với Lodge). Ông đại sứ cảm thấy mình đã bị phản bội như thế nào. Ông gửi cho Diệm một công điện trách rằng “đây là lần đầu tiên ông không giữ lời hứa với tôi”(7).

Với người Mỹ cũng vậy, họ cảm thấy mình bị lường gạt khi biết rõ chi tiết về sự việc. Lúc đầu, người ta tin rằng lực lượng tấn công là quân đội chính quy của chính phủ và hành động này nằm trong khuôn khổ thiết quân luật mà Tổng thống Diệm đã ban bố theo yêu cầu của các tướng lĩnh. Nhưng ngược lại, những kẻ tấn công là cảnh sát chiến đấu và lực lượng đặc biệt dưới sự điều hành trực tiếp của Nhu. Nhu đã lợi dụng lệnh giới nghiêm của quân đội để giải quyết vấn đề Phật giáo(8).

Nhu tính toán rằng nếu đến Sài Gòn, tân Đại sứ Cabot Lodge sẽ chấp nhận sự nghênh đón ông bằng một “sự đã rồi” này thì cuộc tranh cãi về vấn đề Phật giáo sẽ không còn lý do để tồn tại nữa. Tuy nhiên, cuộc tấn công chùa vào đêm 20 rạng 21-8-1963 đã đánh dấu chấm hết cho mối liên hệ mặn nồng suốt chín năm giữa Ngô Đình Diệm và Chính phủ Mỹ.

Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã quên không tính đến phong cách của Lodge, người mà Tổng thống Kennedy cần vào giai đoạn này để áp dụng chiến thuật “bàn tay nhung” cho các lựa chọn chính trị của ông về Việt Nam. Sau vụ tấn công chùa trên khắp miền Nam, tân Đại sứ Lodge đã chuyển hẳn sang một thái độ chống đối gần như không cần che giấu đối với chế độ Diệm(9). Còn Roger Hilsman thì khẳng định: “Chúng tôi không thể ngồi yên và làm bù nhìn cho chính sách chống Phật giáo của Diệm”(10).

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu của Mỹ là chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống nổi dậy ở miền Nam Việt Nam, Mỹ không thể không quan tâm đến cuộc đấu tranh của Phật giáo, tác động của dư luận Mỹ và thế giới, đặc biệt là các nước coi Phật giáo là quốc giáo. Ngày 2.9.1963, Kennedy tuyên bố trên đài CBS: “Theo tôi, trong hai tháng qua [tháng 7 và 8.1963], chính phủ [Diệm] xa rời quần chúng…Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể thắng cuộc chiến này trừ phi quần chúng hỗ trợ các nỗ lực [của chính phủ]”(11).

3. THAY NGỰA GIỮA DÒNG

Ngày 22.8.1963, Tổng thống Kennedy chỉ thị cho Đại sứ Cabot Lodge phải nhanh chóng nhận nhiệm sở càng sớm càng tốt (Lodge dự định sẽ thăm Hồng Kông vài ngày). Chính phủ Mỹ đã phải gửi một phi cơ quân sự đặc biệt để Đại sứ Lodge tới Sài Gòn ngay trong ngày hôm đó(12). Âm mưu lật đổ Diệm đã hình thành và được thực hiện một cách cẩn thận bởi những nhân vật hàng đầu trong chính quyền Ken­nedy. Thượng nghị sĩ Fulbright - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết rằng: “Trong giai đoạn từ tháng 8 đến ngày 1 tháng 11, Chính phủ Mỹ đã phê chuẩn và khuyến khích âm mưu lật đổ chính quyền miền Nam Việt Nam”(13). Việc Tổng thống Kennedy gửi Lodge (đảng Cộng hòa) sang Nam Việt Nam làm đại sứ là một minh chứng. Ông muốn một sự bổ nhiệm có tính chất chính trị bởi vì Lodge (một khuôn mặt sáng giá của Đảng Cộng hòa) làm đại sứ ở Nam Việt Nam sẽ biến cuộc chiến tranh thành vấn đề của hai đảng(14).

Kennedy và trợ lý của ông tin rằng họ có thể lái những lời phê phán do báo chí tác động đang tăng lên ở Quốc hội bằng sự bổ nhiệm Cabot Lodge vì: Lodge là người của đảng Cộng hòa, việc bổ nhiệm Lodge sẽ làm dịu bớt phản đối ngày một tăng trong Quốc hội đối với cách tiếp cận vấn đề Việt Nam của Kennedy; đặt Lodge vào vị trí đó, Kennedy có một người Cộng hòa để đổ trách nhiệm nếu tình hình Việt Nam ngày càng bất ổn trong thời gian ông cầm quyền; và đây còn là một thông điệp mạnh mẽ nhất tới giờ này mới gửi cho Diệm để suy nghĩ(15).

Trong hồi ký của mình, cựu Giám đốc CIA tại Sài Gòn William Colby nói rằng: “Tôi có cảm giác là trong việc chống Diệm, Kennedy không phải không hài lòng vì để cho Lodge được rộng đường muốn đi xa tới đâu thì đi, bởi ông biết rằng cái nhãn mác cộng hòa của ông đại sứ sẽ che chở cho tống thống chống lại mọi sự chỉ trích sau này có thể xảy ra, bất kể là kết quả của công việc ra sao”(16). Điều cuối cùng mà Kennedy cần vào giai đoạn này Lodge sẽ giúp cho ông phòng ngừa được mọi lời buộc tội sau này là “để mất” Việt Nam, cũng như trước đây người ta đã trách Harry Truman và các người bạn dân chủ của ông đã “để mất” Trung Hoa.

Chỉ trong ngày 23.8.1963, Lodge đã cho nhân viên đi tiếp xúc hầu hết với các nhân vật cao cấp Việt Nam để nắm tình hình. Ông còn đích thân tiếp xúc với hai nhà sư xin tị nạn, gặp gỡ đại diện nhóm Caravelle, tiếp xúc với Đại sứ Giovanni d’Orlandi của Italia và Khâm sứ Salvatore d’Asta của Vatican. Chỉ một ngày sau khi đến Sài Gòn, Cabot Lodge đã nắm được tình hình hiện tại của Nam Việt Nam. Ông còn biết được rằng, quân đội không liên quan đến các cuộc tấn công chùa và nhiều nhóm muốn làm đảo chính(17). Cảm giác bị anh em Diệm – Nhu trở mặt và ý niệm về vai trò của Diệm đã mất đi sự hữu dụng trong chiến lược của Mỹ khiến Đại sứ Lodge và một số giới chức trong Chính phủ Mỹ nhận thấy đã quá đủ với họ Ngô.

Ngày 24.8.1963, hai ngày sau khi đến Sài Gòn, Đại sứ Lodge nhận được bức điện từ Washington với nội dung: “…Chính phủ Mỹ không thể chấp nhận khi quyền lực nằm trong tay Nhu. Diệm phải có cơ hội để loại bỏ Nhu và bè lũ, thay vào đó những nhân vật quân sự và chính trị có khả năng hơn. Nếu bất chấp sự cố gắng của ông mà Diệm vẫn ngoan cố, chúng ta phải tính đến khả năng không giữ Diệm lại nữa”(18).

Ngày 26.8.1963, trong cuộc họp của NSC, Tổng thống Kennedy có vẻ tức giận vì cấp dưới đã hối thúc một quyết định hệ trọng trong khi thiếu vắng những nhân vật chủ chốt của chính phủ(19). Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến của của tất cả các thành viên có mặt, không một ai phản đối công điện. Tổng thống Kennedy đi quanh bàn họp và hỏi từng người một: “Rusk, ông có muốn thay đổi không?” Không. “McNa­mara, ông có muốn thay đổi bức điện không?” Không. “Taylor, ông có muốn không?”(20). Chính sách này được giữ nguyên, các thành viên tham dự đều đồng ý thà hành động và phải đối diện với một hậu quả bất định, còn hơn là bất động và để cho VNCH rơi vào tay cộng sản. Chấp nhận sự đã rồi, CIA ra lệnh cho Conein và A.G. Spera liên lạc với hai tướng Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Khánh để bàn về một kế hoạch đảo chính.

Tại Sài Gòn, thay vì đi gặp Diệm để nói với ông ta về những yêu cầu của người Mỹ đã được ghi trong công điện ngày 24.8.1963, Lodge trả lời Bộ Ngoại giao là ông không còn cơ hội để thuyết phục Diệm được nữa. Bây giờ, ông chỉ muốn liên lạc với các tướng lãnh. Trong công điện gửi Bộ Ngoại giao ngày 26-8-1963, Đại sứ Lodge nhấn mạnh: “Tôi tin rằng Diệm sẽ không chấp thuận những đòi hỏi của chúng ta…Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta nên đi thẳng với các tướng lĩnh mà không cần cho Diệm biết. Tôi sẽ nói cho các tướng lĩnh biết chúng ta chủ trương giữ Diệm mà không có Nhu. Trên thực tế, giữ Diệm hay không còn tùy ở họ”(21). Bản tin của đài VOA vào tối 26.8 khẳng định rằng “Mỹ có thể cắt viện trợ nếu như Diệm không thoát khỏi tình hình này”(22).

Từ 26 đến 30.8.1963, các nhân viên CIA như: Conein, Spera, Ru­fus Phillips liên tiếp gặp gỡ các tướng Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn để bàn kế hoạch. Họ cam kết Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ sau khi thành lập chính phủ mới, giúp đỡ trốn thoát trong trường trường hợp cuộc đảo chính thất bại, kể cả tuyên bố ngưng viện trợ kinh tế cho chính quyền Diệm. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9 thì kế hoạch đảo chính bị tạm gác, nhóm các tướng lãnh tham gia đảo chính vẫn án binh bất động vì họ chưa chắc chắn về sự ủng hộ của Mỹ. Ngày 4.9.1963, CIA tại Sài Gòn nhận định về sự thất bại trên rằng hai bên “không thắng, không bại”. Việc các tướng ngưng kế hoạch đảo chính được các giới chức ở Washington xem như là một thất bại của người Mỹ, NSC và các cố vấn họp bàn liên tục để tìm biện pháp đối phó với tình thế mới. Một số giới chức của Bộ ngoại giao vẫn chủ trương lật đổ Diệm để tăng cường khả năng chống cộng của miền Nam. Ngoại trưởng Rusk cho rằng: “Nếu liên hệ của chúng ta và ông Diệm không còn tốt đẹp và nếu công luận của dân chúng Mỹ không có vẻ ủng hộ đường lối của chính phủ Diệm, chúng ta không còn lựa chọn nào khác hơn là phải dùng biện pháp quân sự”(23). Phó Tổng thống Johnson thì dứt khoát phản đối và cho rằng “chúng ta nên chấm dứt cái trò vừa ăn cướp vừa la làng (playing cops and robbers) và trở lại nói chuyện thẳng với chính quyền Sài Gòn”(24). Ngày 2.9, khi trả lời câu hỏi: “Ngài có nghĩ rằng chính quyền này [Ngô Đình Diệm] có còn cơ hội để giành lại sự hậu thuẫn của quần chúng hay không?(25)” của ký giả Walter Conkrite trên đài truyền hình CBS. Tổng thống Kennedy trả lời: “Còn với những thay đổi chính sách và có lẽ [thay đổi cả] nhân sự, tôi nghĩ rằng chính phủ đó có thể giành được”(26). Một ý kiến khác được Robert Kennedy đưa ra là: “Nếu không thể thắng được chiến tranh thì bây giờ là lúc Hoa Kỳ nên rút khỏi miền Nam”(27). Nhà Trắng vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp.

Hội đồng An ninh gửi tướng Victor Krulak (quốc phòng) và Jo­seph Mendenhall (ngoại giao) sang Sài Gòn để tìm hiểu tình hình. Trong khi Mendenhall đi đến các thành phố lớn để tìm hiểu về tình hình chính trị thì Krulak tìm gặp giới quân sự để điều tra tình hình nội an. Trong phiên họp ngày 10.9.1963, hai báo cáo của Krulak và Man­denhall làm cho Kennedy đau đầu vì nó hoàn toàn trái ngược: Krulak cho rằng cuộc chiến vẫn tiến triển tốt đẹp, cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến quân nhân hay vùng nông thôn, quân đội và viên chức cao cấp tin tưởng họ sẽ đánh bại cộng sản. Trong khi đó, Mandenhall kết luận rằng không thể thắng với anh em Diệm – Nhu, người dân không còn tin vào sự lãnh đạo của chính phủ, cùng với sự thờ ơ của quân đội sẽ đưa cuộc chiến đến chỗ thất bại . Sau khi nghe xong hai bản tường trình, Tổng thống Kennedy chua chát hỏi: “Có đúng là cả hai ông đều đến thăm cùng một đất nước không?”(28). Kennedy tiếp tục nghe thêm thuyết trình của Rufus C. Phillips và John Mecklin vừa từ Việt Nam trở về. Ông tạm thời chưa có quyết định rõ ràng khi tuyên bố: Hoa Kỳ không thể theo đuổi một đường lối ngoại giao nếu quá nhiều ý kiến khác nhau về đường lối đó.

Ngày 23.9.1963, Kennedy yêu cầu McNamara và tướng Taylor dẫn một phái đoàn sang Sài Gòn để phỏng định tình hình lần cuối trước khi có thái độ dứt khoát. Bản tường trình của phái đoàn này cũng chẳng sáng sủa gì hơn trước đó. Taylor và McNamara đưa ra ba giải pháp: Hòa giải, áp lực và thúc các tướng đảo chính. Hòa giải thì không có ảnh hưởng với Diệm, đảo chính thì không phải là giải pháp khôn khéo và Kennedy đồng ý dùng áp lực trong khi thương lượng với ông Diệm. Thương lượng với Diệm – Nhu là việc Đại sứ Lodge không muốn làm. Cabot Lodge tiếp tục thúc đẩy việc lật đổ Diệm. Ngày 23.9, Hilsman gửi thư cho Lodge để khẳng định thêm quyết tâm: “Nếu ông ở Sài Gòn và chúng tôi ở đây vững vàng tay súng, mọi người sẽ theo chúng ta… Tôi nghĩ, ông có lý do để cho rằng không một áp lực nào - kể cả cắt viện trợ - có thể làm cho Diệm – Nhu thay đổi như chúng ta muốn. Vì vậy, điều chúng ta phải làm là thay đổi chính phủ”(29). Trong những ngày còn lại của tháng 10-1963, Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hoàn toàn bận rộn với kế hoạch đảo chính. Từ ngày 5.10 đến sáng 1-11-1963, Washington và Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã trao đổi gần 90 công điện để sắp xếp kế hoạch thay đổi một chính quyền.

* * *

Biến cố Phật giáo 1963 là một phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài và chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền họ Ngô ở miền Nam Việt Nam. Cuộc đấu tranh của giới Tăng Ni và Phật tử mang đậm chất tôn giáo, đòi quyền tự do, bình đẳng trong tín ngưỡng. Tuy nhiên, đối với chính quyền của Tổng thống Kennedy, viễn cảnh thất bại thay vì thắng cuộc chiến đã ám ảnh những quan chức trong chính quyền Mỹ. Suốt chín năm (1954 – 1963) người Mỹ cùng với hàng tỉ USD đã đi cùng Ngô Đình Diệm trong mục tiêu đánh bại cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam, ngăn chặn cộng sản ở châu Á. Do vậy, cách giải quyết thiếu khôn ngoan của họ Ngô đối với phong trào Phật giáo đã làm cho mục tiêu chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đứng trước nguy cơ thất bại. Cuộc đảo chính ngày 1.11.1963 là kết quả tất yếu mà chính quyền Kennedy phải chấp nhận khi xử lý cuộc khủng hoảng Phật giáo 1963.

Vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính đã quá rõ. Tài liệu mật Lầu Năm Góc khẳng định: “Về cuộc đảo chính quân sự lật đổ Ngô Đình Diệm, Mỹ phải chịu tất cả trách nhiệm của mình. Bắt đầu từ tháng 8.1963, chúng ta đã cho phép, phê duyệt và khuyến khích những âm mưu đảo chính của các tướng lĩnh Việt Nam và chỉ thị ủng hộ hoàn toàn cho chính phủ kế tục. Như vậy, chín năm cầm quyền của Diệm đã kết thúc trong đẫm máu, sự thông đồng của chúng ta trong cuộc lật đổ này đã làm tăng thêm phần trách nhiệm và sự dính líu của chúng ta với một Việt Nam thiếu người lãnh đạo”(30).

 


1. Nhiều tác giả (1971), The Pentagon Papers (ấn bản của Thượng nghị sĩ Grav­el), Vol II, Beacon Press, Boston, p.201; FRUS, 1961 – 1963, Vol III, Document 116, p.284 – 285.

2. David Halberstam (1965), “The Buddhist Crisis In Vietnam: A Pulitzer Prize-Winning Report” in Vietnam: History, Documents, and Opinions on a Major World Crisis, A Faw-Cett Crest Book, p.263, 270.

3. Bradley S.O’Leary & Edward Lee (2003), Vụ ám sát Ngô Đình Diệm và J.F. Kennedy, bản dịch, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, tr.42-43.

4. Nguyễn Kỳ Phong (2006), Vũng lầy của Bạch ốc: Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam 1945 – 1975, tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ, tr.172. Chữ “chó đẻ” (sons of bitches, son of a bitch) thường dùng như một tiếng đệm trong văn nói của người Mỹ để chỉ một người hay nhóm người nào đó với ý khinh bỉ, chứ không hoàn toàn là để sỉ nhục họ.

5. Seth Jacobs (2006), Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950 – 1963, Rowman & Littlefield Publishers, New York, p.149.

6. FRUS, 1961 – 1963, Vol III, Document 176, p.383.

7. John M. Newman (1992), JFK and Vietnam: Deception, Intrigue, And the Struggle for Power, Warner Book, New York, p.339.

8. William Colby (2007), Một chiến thắng bị bỏ lỡ, bản dịch, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, tr.178.

9. Như trên, Sđd, tr.179.

10. George C. Herring (1998), Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, bản dịch, NXB CTQG, Hà Nội, tr.125.

11. Michael Maclear (1981), Vietnam: The Ten Thousand Day War, Methuen Publishing Ltd, p.96.

12. FRUS, 1961 – 1963, Vol III, Document 269, p.605; Howard Jones (2003), Death of a Generation: How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War, Oxford University Press, New York, p.304.

13. Bradley S.O’Leary & Edward Lee (2003), Sđd, tr.288.

14. Zalin Grant (1993), Giáp mặt với phượng hoàng: CIA và thất bại chính trị của Hoa Kỳ ở Việt Nam, bản dịch, NXB Tp.HCM, tr.244.

15. Bradley S.O’Leary & Edward Lee (2003), Sđd, tr.45.

16. William Colby (2007), Một chiến thắng bị bỏ lỡ, bản dịch, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, tr.185.

17. Chính Đạo (2010), “Mùa Phật đản đẫm máu” in lại trong 1963 – 2013: Năm mươi năm nhìn lại, tập III, NXB Thien Tri Thuc Publications, USA, tr.71.

18. Nhiều tác giả (1971), The Pentagon Papers (ấn bản của Thượng nghị sĩ Gravel), Vol II, Beacon Press, Boston, p.234-235; Nhiều tác giả (1971), The Pen­tagon Papers (ấn bản của The New York Times), Bantam Books, New York, p.194; William J.Rust (1985), Kennedy in Vietnam, A Da Capo PaperBack, New York, p.113; Robert S.Mcnamara (1995), In Retrospect – The Tragedy and lessons of Viet­nam, Random House, New York, p.52-53.

19. Quyết định này được đưa ra vào ngày thứ Bảy, tất cả các nhân vật cao cấp đều vắng mặt.

20. Hugh Brogan (2008), Kennedy, bản dịch, NXB Tri Thức, Hà Nội, tr.326 – 327.

21. Lodge to State, quoted in telegram 6346 Forrestall to President, Aug 25, 63. Box 198, National security files, John F. Kennedy library); FRUS, 1961 – 1963, Vol III, Document 285, p.634 – 635.

22. FRUS, Vol III, Document 287, p.636.

23. Nguyễn Kỳ Phong (2006), Sđd, tr.181.

24. Nhiều tác giả (1971), The Pentagon Paper (ấn bản của The New York Times), Sđd, p.174.

25. William Colby (2007), Sđd, tr.190; Seth Jacobs (2006), Cold War Mandarin, p.166.

26. Hugh Brogan (2008), Kennedy, Sđd, tr.327.

27. FRUS, Vol IV, Document 78, 79, p.144-146.

28. William J. Rust (1985), Kennedy in Vietnam, p.135; George McT. Kahin (1986), Intervention: How America Became Involved in Vietnam, Alfred A. Knopf, New York, p.166; William Colby (2007), tr.189.

29. FRUS, Vol IV, Document 144, p.282.

30. Nhiều tác giả (1971), The Pentagon Papers (ấn bản của Thượng nghị sĩ Gravel), Vol II, Beacon Press, Boston, p.207.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 294
    • Số lượt truy cập : 6948286