Thông tin

CHỌN NHỮNG NỤ CƯỜI

CHỌN NHỮNG NỤ CƯỜI

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

         

Có câu đúc kết “Năm năm / Sáu tháng / Bảy ngày”, nghĩa là ở tuổi 50, nên có kế hoạch năm; đến tuổi 60 thì chỉ nên làm kế hoạch tháng; còn đến 70 thì tốt nhất nên có kế hoạch… ngày! Cho nên “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui! Chọn những bông hoa và những nụ cười!” (TCS) là phải quá! Vấn đề là ở chỗ chọn lựa. Thiên đàng, Địa ngục hai bên… Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe, ông nói có gì đâu, mỗi sáng, thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình nên ở thiên đàng hay địa ngục đây… rồi tôi chọn thiên đàng.

Có những vùng khí hậu lạ. Một ngày mà có đủ cả bốn mùa: xuân hạ thu đông! Còn muốn gì hơn? Ở một tuổi quá cao nào đó, không phải chỉ cần có kế hoạch ngày mà nhiều khi còn phải có kế hoạch giờ! Sáng khác, trưa khác, chiều khác, tối khác rồi. Làm được gì thì làm ngay. Lát sau mọi thứ sẽ khác. Cần có phương án hai, phương án ba. Cẩm nang để sẵn trong các túi gấm, đến đâu giở ra đến đó!

Từ trứng và tinh trùng, ta hình thành một cái phôi phải nhìn dưới kính hiển vi mới thấy. Rồi rất nhanh, trở thành một thai nhi loi ngoi trong vũng nước ối, trong bụng mẹ. Không thở. Không ăn. Không ngủ. Dĩ nhiên, có tiểu tiện và đại tiện khi các bộ phận thải chất bã này hình thành và hoạt động. Thế rồi, chín tháng mười ngày, ta bung ra ngoài cứ y như cánh hoa phải xòe nở đúng thời đúng tiết vậy. Việc đầu tiên là… thở. Thở mà không xong thì tiêu đời! Bác sĩ sẽ xịt alcool hoặc đét vào đít cho ta khóc thét lên. Khóc càng to càng tốt. Khóc to có nghĩa là thở mạnh. Mệt mỏi rồi nhé! Từ đó đã phải lệ thuộc vào cái gì đó bên ngoài. Rồi phải bú nữa trời ạ. Bú mẹ còn đỡ, cứ vùi đầu mà nút, chả cần ai chỉ dạy! Nhưng nhiều khi phải níu lấy cái bình bú cứng ngắc, ai đó nhét vào miệng vì không có sữa mẹ. Cứ thế mà chùn chụt để nuôi thân. Rồi biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đứng chựng, biết đi, biết chạy nhảy, leo trèo… Rồi biết nói năng, suy nghĩ. Nhớ, tiếc, giận hờn, giành giựt, đấu đá, ghen tuông, ích kỷ, thất tình lục dục đủ thứ không lúc nào ngưng. Và dĩ nhiên, vẫn thở và vẫn ăn. Rồi nam tu nữ nhũ. Rồi chọn lựa. Rồi giao cấu. Rồi đẻ ra một lô một lốc chẳng biết từ đâu ra.

Đến một hôm, ta từ hùng hục chạy, ta… lững thững đi, rồi chập chững đứng, vật vựa, nghiêng ngả, rồi ngồi một chỗ, mắt lờ đờ nhìn xa xăm, rồi lồm cồm, bò lê, bò lết… Từ chùn chụt, ngấu nghiến, ừng ực, dô dô 100%… ta bỏ ăn bỏ uống, thấy cái gì cũng rệu rạo, nhóp nhép vì xệu xạo răng cỏ. Rồi thở cũng cà giật, cà hước… Ta trở lại cái hồi thai nhi trong bụng mẹ, bây giờ là “mẹ Như Lai”, một vòng khép kín. Thì ra, ta đã từ đó mà đến để rồi loay hoay một vòng về lại chốn xưa. Cứ y như đàn cá hồi, cứ bốn năm lại “hồi” về chốn cũ, đẻ xong rồi chết, sau khi đã làm xong nhiệm vụ truyền giống. Con thiêu thân thì nhào vào ánh lửa. Con bọ ngựa giao cấu xong thì chết ngay trên bụng con cái, làm thức ăn cho con… Con bọ hung hùng hục chui vào đống phân, giành giựt đấu đá để vo tròn một cục phân mang về cho bọ hung cái nuôi con. Cá, ếch, nhái, bò sát, chim, đều vậy. Cây cỏ cũng vậy. Hoa nở chẳng những đẹp mà còn thơm, lôi kéo lũ bướm ong dập dìu lui tới để mang phấn đi muôn phương.

Nhìn suốt cuộc hành trình đó, có cái gì tức cười, vừa tàn nhẫn vừa thương tâm. Cái hiện hữu chỉ là thị hiện, trình hiện chút chơi vậy thôi. Nó giả. Nó tạm. Vậy mà sao ta cứ tưởng thiệt mới đáng thương làm sao. Gieo rắc và sinh sôi. Cứ vậy. Như Lai thọ lượng. Như Lai thần lực. Cứ vậy. Người tỏ ngộ tủm tỉm cười, vui vẻ chui vào tháp báu, gặp Như Lai Đa Bảo của mình ngồi đó, tay bắt mặt mừng. Schopenhauer nói cô con gái liếc mắt đưa tình, tìm kiếm chàng trai râu hùm hàm én mày ngài, oai vũ là để trao thân vì chắc hẳn sẽ là giống tốt; chàng trai thì tìm giai nhân chân dài, đáy thắt lưng ong, ngực nở, mông to để mắn đẻ. Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống là vậy. Con người thông minh hiện đại làm phiền Như Lai hết sức, vì chỉ muốn tìm vui mà quên nhiệm vụ thiêng liêng!

Đất (Nitrogen) nước (Hydrogen) gió (Oxygen) lửa (Carbon) cùng 62 nguyên tố đồng, chì, sắt, kẽm, được vo cục lại, nắn nót, thêm thắt, vẽ bày, hà hơi tiếp sức rồi thảy vào Ta-bà nhộn nhạo theo một cái duyên, cái nghiệp nào đó. Mãi mới nhận ra “bổn lai vô nhất vật”. À há, nó là không, nó là chân không diệu hữu. Nó bày trò, vờ vịt, vớ vẩn, giỡn chơi thôi. Không muốn ngộ rồi cũng ngộ. Không muốn giác rồi cũng giác.

Sanh bệnh lão tử hay sanh lão bệnh tử thì cũng vậy. Lập trình nó vậy rồi. Nhưng “tử” dễ nghe hơn “chết”. Chết khó nghe và thấy sợ. Tại sao sợ? Không biết. Tại vì không biết cho nên sợ. Nhưng lạ, cũng là chết mà có nhiều từ khác nhau để gọi. Vua chết gọi là “băng hà”. Sư chết gọi là “viên tịch”. Phật chết gọi là nhập Niết-bàn. Lính chết gọi là “hy sinh”… Dân chết có khi gọi là “mất” là “qua đời” là “lìa trần”, v.v…

Người ta sợ chết mà không sợ sanh. Vì sanh có biết đâu mà sợ. Nhưng có phải tự nhiên mà sanh ra không? Nếu ba mẹ ta mà không “duyên” với nhau thì có ta không? Nếu ông bà nội, ông bà ngoại mà không “duyên” với nhau thì có ta không? Vậy ta từ đâu ra? Có phải chỉ tinh cha huyết mẹ là đủ hay còn cần phải có một điều kiện nào khác? Có cái gì khác đó chui vào, can thiệp vào để có ta chứ? Cái đó gọi là “thức tái sanh” ư? Là “nghiệp” dẫn dắt ư? Chính điều nầy làm ta thấy có trách nhiệm sống, vì sống cũng chỉ là một giai đoạn tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Ta có trách nhiệm hơn. Ta có tự do hơn. Để tự chọn lựa.

Một cặp thai song sanh sợ hãi khi sắp tới ngày sanh, muốn ở lại trong thiên đàng lòng mẹ càng lâu càng tốt. Hai cái thai tranh cãi quyết liệt không ai chịu ra đời trước, vì không biết chuyện gì chờ đón họ ngoài kia. Cuối cùng, dù giằng co thế nào thì cũng có một cái thai chui ra trước. Hóa ra… đời vui quá! Người ta đón chào rôm rả. Thai kia thấy thế cũng vội vã ra theo. Rồi oa oa chào đời. Rồi hít thở, rồi bú mớm. Rồi lớn như thổi, rồi yêu thương, rồi ganh tỵ, hờn ghen, đấu đá, giành giật… rồi cuối cùng cả hai cùng một lần nữa lại bị kéo ra… khỏi cuộc đời. Cũng lại quyết liệt tranh cãi không chịu, cũng lo lắng, sợ hãi, đòi ở lại càng lâu càng tốt… Không có sự khác biệt giữa cái chết của một vị vua, bỏ lại đằng sau vương quốc của mình, và cái chết của một người ăn mày, bỏ lại cây gậy.

Rồi cùng mà mỉm cười. Nụ cười của Phật. Của Bayon. Của La Joconde…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 145
    • Số lượt truy cập : 6946843