Thông tin

CHƠN TÂM QUA LỜI ĐỨC PHẬT DẠY

 

MINH QUANG

 

 

Hiện nay, sự sống của chúng ta đang được duy trì và tiếp diễn, điều này cũng có nghĩa là mạng căn của chúng ta đang đặt trên đương niệm và niệm niệm sanh diệt sanh khởi không cùng tận mà chúng ta quen gọi là tâm thức. Đức Phật dạy, chúng sanh do một niệm bất giác mà luân hồi trong tam giới với đầy đủ thiện ác thị phi. Từ đó đến nay, chúng ta chưa một ngày yên ổn, và cũng chưa một lần nghĩ đến là nhất định phải thoát ra khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn đó.

Khi nhìn vào cái tâm vắng lặng, chúng ta tin rằng đó chính là cái tâm điên đảo vọng tưởng chứ không đâu khác. Vậy cái tâm trong sáng minh mẫn mà chúng ta đang bàn, nó ở đâu, chúng ta có thể diễn tả nó được chăng? Đây là lý do chúng tôi trích dẫn những lời Đức Phật khai thị về chơn tâm trong kinh điển nhằm giúp quý Phật tử có thêm tài liệu tham khảo trên tiến trình tu học, đồng thời qua đó sẽ củng cố niềm tin về tự tánh và sẽ không còn hướng ngoại rong ruổi tìm cầu.

Thật ra, trong Tam Tạng kinh điển, dù là truyền thống Phật giáo Nguyên thủy hay truyền thống Phật giáo phát triển, trong mỗi bộ kinh, Đức Phật cũng đều khai thị về chơn tâm và chỉ rõ phương hướng để chúng ta tự tin trở về nguồn cội. Song, đại đa số Phật tử chúng ta chỉ thiên về tụng niệm, một bộ phận thì đọc kinh sách là để nghiên cứu thu thập kiến thức, một bộ phận khác nữa thì “Y kinh giảng nghĩa”. Trong khi đó, “Tứ Y Pháp”1, Đức Phật dạy “Y nghĩa bất y ngữ”, tức là phải “được ý quên lời”. Chính vì vậy mà yếu chỉ Phật pháp ngày càng mai một. Người tu hành mặc dù tinh tấn và có nương theo lời Phật dạy, nhưng thật ra cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ kết duyên. Và thật đáng tiếc, từ những lý do này mà người học Phật ngày càng xa rời tự tánh. Trước tình trạng này, chúng tôi cố gắng phân tích những lời Phật dạy liên quan đến nội dung này, với niềm tin mong muốn quý Phật tử khi đọc qua sẽ tiếp cận nó bằng chánh nhân trăn trở thao thức trước khổ đau luân hồi sanh tử và với niềm tin “Tức Tâm Tức Phật”.

Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh quan trọng của người học Phật. Trong đó, Đức Phật bằng đại bi tâm dùng vô số phương tiện nhằm chỉ cho người học Phật nhận ra chân lý để sống với chơn tâm. Đây là bộ kinh trọng yếu, thiết thực đối với hành giả trên bước đường trở về cố quận, nên chúng tôi rất cẩn trọng trong việc hệ thống chắt lọc và xin lược trích ra đây những đoạn văn kinh đi sâu vào nội dung chương này, nhằm đáp ứng nhu cầu cần làm sáng tỏ phương hướng trở về tự tánh.

Đa phần người học Phật đều nói về cái tâm, đều hướng đến việc tu tâm sửa tánh, nhưng lại rất mơ hồ khi được người khác gạn hỏi rằng tâm ở đâu? Chỉ nội điểm này thôi, thì chúng ta đã thấy ngay rằng bản thân mình đã thiếu căn bản và mất phương hướng ngay từ bước đầu học Phật.

Chơn tâm không phải ở trong thân, cũng không phải là cái biết suy nghĩ

Để chỉ cái tâm ở đâu, đầu tiên Đức Phật dạy Tôn giả A Nan không nên chấp rằng cái tâm là ở trong tấm thân tứ đại này: “A Nan, cái tâm của ông rõ biết hết thảy, nếu hiện nay cái tâm rõ biết ấy thật ở trong thân thì trước hết nó phải rõ biết mọi thứ trong thân thể. Vậy có chúng sinh nào, trước thấy bên trong thân, rồi sau mới thấy những vật ở ngoài không? Dầu không thấy được tim, gan, tì, vị, nhưng móng tay mọc, tóc dài ra, gân chuyển, mạch nhảy, lẽ phải rõ biết, sao lại không biết, đã không biết bên trong, sao lại biết được bên ngoài, vậy nên biết rằng, ông nói cái tâm hay biết hiện ở trong thân, thật không có lẽ nào như vậy”2.

Theo như lời Đức Phật dạy, nếu chúng ta nói cái tâm ở trong thân thì không đúng. Vậy thì nó ở đâu? Nguyên do nào mà chúng ta không biết cái tâm của chúng ta đang ở đâu? Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm quả ác xoa. Những người tu hành không thành được đạo Vô Thượng Bồ Đề, mà thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương hay bà con ma, đều do không biết hai chữ cội gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành tựu được. Thế nào là hai thứ cội gốc, A Nan, Một là cái cội gốc sinh tử, như ông ngày nay cùng các chúng sinh dùng cái tâm phan duyên mà làm tự tính; Hai là bỏ rơi cái thể bản lai thanh tịnh Bồ đề Niết bàn mà sinh ra các duyên ma, do các chúng sinh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo”3.

Sau khi nêu rõ nguyên do việc chúng ta không thấy tâm, tức chúng ta chưa từng sống trong tánh giác. Tiếp đến, khi được gạn hỏi cái tâm ở đâu, Tôn giả A Nan cho rằng: “Cái biết suy nghĩ ấy, tôi lấy nó làm tâm”. Đức Phật liền dạy: “A Nan, cái biết suy nghĩ ấy không phải là tâm của ông, đó chỉ là cái tưởng tượng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê lầm chân tính của ông, do từ vô thủy đến nay, ông nhận giặc làm con, bỏ mất tính bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi...; nếu cố chấp cái tính hay biết suy xét phân biệt là tâm, thì cái tâm ấy phải rời các trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, chứ như hiện nay ông vâng nghe pháp âm của tôi, đó là nhân cái tiếng mà có phân biệt: dầu cho diệt hết tất cả cái thấy, nghe, hay, biết, bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết không nghĩ, thì đó cũng chỉ là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi...; chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải, chính nơi tâm suy xét chín chắn, nếu rời tiền trần (có tính phân biệt), thì đó mới thật là tâm của ông... Tiền trần không phải thường trụ, nên khi nó thay đổi diệt mất rồi thì cái tâm nương vào tiền trần đó cũng đồng như lông rùa sừng thỏ, và nếu vậy, pháp thân của ông cũng thành ra đoạn diệt thì còn gì mà tu chứng vô sanh pháp nhẫn”4...

Nhìn nhận chơn tâm qua cái thấy

Một điểm vô cùng đặc biệt, chúng tôi chủ quan cho rằng sẽ ít có ai để ý và nhận ra điều này, đó là mọi sự tốt xấu thiện ác đều khởi đầu từ con mắt của chúng ta, trong Duy Thức học thì Nhãn thức (cái thấy của con mắt) là một pháp đứng đầu trong 100 pháp và Chân Như Vô Vi là pháp cuối cùng của 100 pháp, nói đúng hơn là thông qua con mắt sáng suốt (không mê lầm) của Tâm thì tiến trình chuyển hóa sẽ tích cực nhiều hơn, sẽ đưa chúng ta đến mục tiêu tối hậu là thể nhập Chân Như Vô Vi, tức là Chân Như Tự Tánh.

Trong đoạn nói về bản tính của “Lục nhập” vốn là tính chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng, Đức Phật dạy bản tính của “Nhãn nhập” như sau: “A Nan, nơi tròng con mắt khi ngó chăm sẽ phát ra sự mỏi mệt, thì cả cái thấy và cái mỏi mệt đó đều là thể tính Bồ đề chăm chú phát ra tướng mỏi mệt. Nhân nơi hai thứ vọng trần sáng và tối, phát ra cái thấy bên trong, thu nạp các trần tướng ấy gọi là tính thấy; cái thấy đó rời hai trần sáng và tối kia, rốt ráo không có tự thể. A Nan, ông nên biết cái thấy đó không phải từ nơi sáng, nơi tối mà đến, không phải từ nơi con mắt mà ra, cũng không phải do cái hư không mà sinh. Nếu từ cái sáng mà đến, thì khi tối đã theo cái sáng mà diệt, lẽ ra không thấy được tối; nếu từ cái tối mà đến, thì khi sáng phải theo cái tối mà diệt, lẽ ra không thấy được sáng; nếu do con mắt mà sinh, hẳn không có sáng, có tối, thì cái thấy như vậy vốn không tự tính; nếu do hư không mà ra thì ngó trước thấy các trần tượng, xoay về phải thấy con mắt; lại hư không tự thấy, nào có dính gì chỗ thu nạp của ông, vậy nên biết, nhãn nhập là luống dối, vốn không phải tính nhân duyên, không phải tính tự nhiên”5.

Kế tiếp, để chỉ cái thấy của chúng ta là “Chủ”, Đức Phật bảo đại chúng rằng: “...Các ông hãy xem ông A Nan, đầu tự lay động mà cái thấy không lay động, lại hãy xem bàn tay tôi mở ra nắm lại mà cái thấy không duỗi co. Làm sao các ông hiện nay lại lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, tự đầu đến cuối, niệm niệm sinh diệt, bỏ mất chân tính, làm việc trái ngược; tâm tính mất chỗ chân thật, nhận vật làm mình, xoay vần trong ấy, tự nhận lấy cái trôi lăn trong lục đạo”6... Và: “Lúc bấy giờ ông A Nan cùng đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay, bỏ mất bản tâm, lầm nhận sự phân biệt bóng dáng tiền trần làm tâm, ngày nay được khai ngộ, ở nơi thân tâm chỉ ra chỗ chân chỗ vọng, chỗ hư chỗ thật, ở nơi hiện tiền phát minh ra hai tính sinh diệt và không sinh diệt7.

Nhằm nhấn mạnh “Tánh thấy” vốn không sinh không diệt, trong một đoạn văn kinh khai thị vua Ba Tư Nặc, Đức Phật dạy: “Ðại vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa hề bị nhăn; cái bị nhăn thì thay đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay đổi. Cái thay đổi thì phải diệt, còn cái không thay đổi kia vốn không sinh diệt... Sắc, tâm, các duyên và các tâm sở, các pháp sở duyên, đều duy tâm biến hiện; thân tâm đều là những vật hiện ra trong tâm tánh, làm sao các ông lại bỏ mất tâm tánh quý báu ấy, nhận cái mê trong ngộ.... Một phen nhận cái tướng ấy làm tâm, thì quyết định lầm tưởng tâm ở trong sắc thân, mà không biết sắc thân, cho đến núi sông, hư không, đất liền bên ngoài đều là những vật hiện trong tâm tánh”8.

Để chỉ rõ về tánh thấy vốn không phải là vật, Đức Phật dạy: “A Nan, cùng tột sức thấy của ông, từ mặt trời, mặt trăng đều là vật, chứ không phải ông; các vật gần xa đó, tuy sai khác nhau, nhưng đồng do cái thấy của ông thanh tịnh trông thấy, thì các thứ vật kia tự có sai khác mà tính thấy của ông không có sai khác. Cái thấy nhiệm mầu sáng suốt đó thật là tánh thấy của ông...; A Nan, nếu khi không sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối; nếu đã thấy được tối, thì khi đó, chỉ là không sáng, chứ đâu phải là không thấy. A Nan, nếu trong lúc tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy; vậy nay, trong lúc sáng, không thấy cái tối, thì lại cũng phải gọi là không thấy; thế thì cả hai lúc sáng, tối, cũng đều gọi là không thấy cả. Còn nếu như hai cái sáng và tối tự lấn át nhau, chứ không phải trong đó, tính thấy của ông tạm thời không có; thế thì biết cả hai lúc đều gọi là thấy, chứ sao lại gọi là không thấy. A Nan, vì vậy ông nên biết rằng, trong lúc thấy sáng, cái thấy không phải là cái sáng, trong lúc thấy tối, cái thấy không phải là cái tối, trong lúc thấy hư không, cái thấy không phải là hư không, trong lúc thấy ngăn ngại, cái thấy không phải là ngăn ngại; ông nên biết, khi nhận thấy tánh thấy thì tánh thấy không phải là cái thấy, tánh thấy còn rời cả cái thấy và cái thấy không thể đến nơi tánh thấy được, tại sao ông còn nói đến những nhân duyên, tự nhiên và tướng hòa hợp, nay ông nên khéo suy nghĩ, không được trễ nãi trên đường Bồ đề nhiệm mầu”9.

Qua đoạn văn kinh trên, chúng ta nên hiểu, Đức Phật ngụ ý, “Tánh thấy”, hay nói gọn hơn là “Tự tánh” sinh ra “cái thấy”, và “cái thấy” là diệu dụng của “Tự tánh”. Thật ra, tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần là từ tâm sinh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt, cái huyễn hóa giả dối như Ngũ ấm, Lục nhập, Thập nhị xứ và Thập bát giới thảy đều là “tướng”, còn “tánh” chính là tâm tính nhiệm mầu sáng suốt; cho đến nhân duyên hòa hợp giả dối có sinh ra, nhân duyên chia lìa giả dối gọi rằng diệt. Kỳ thật, sinh diệt đến đi đều vốn là tính chân như cùng khắp, không lay động, nhiệm mầu, sáng suốt, thường trụ của Như Lai tạng. Trong tánh chân thường đó, cầu cho ra những cái đến đi mê ngộ, sinh tử khổ đau hẳn không thể được.

Trong một đoạn văn kinh, nhân việc Tôn giả A Nan thắc mắc về Thập bát giới (18 giới) khi thì nói là “tướng”, nhưng Như Lai lại nói nó vốn là tính chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Khi đó, Đức Phật dạy rằng: “Này A Nan, nếu nhân nhãn căn sinh ra, mà không có sắc thì không thể phân biệt, dầu cho có cái thức của ông thì đem ra dùng về việc gì? Cái thấy của ông, ngoài những sắc xanh, vàng, trắng, đỏ, thì không thể biểu hiện được, vậy do đâu mà lập thành ra giới? Nếu nhân sắc trần sinh ra, thì khi chỉ có hư không, không có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt, làm sao còn biết được là hư không? Nếu khi sắc tướng biến đổi thành hư không, ông cũng biết rằng sắc tướng biến đổi, mà cái thức của ông thì không biến đổi; thế thì, do đâu mà lập sắc trần làm giới? Nếu theo sắc trần mà biến đổi, thì tự nhiên sắc trần không thành giới được. Nếu không biến đổi, thì là thường hằng, cái thức đã do sắc trần sinh ra, lẽ ra không thể biết hư không ở đâu. Nếu gồm hai thứ nhãn căn và sắc trần chung cùng sinh ra; vậy, như hợp lại, thì ở giữa phải ly, còn như ly ra, thì hai bên lại hợp, thể tính xen lộn, làm sao thành được giới. Vậy nên biết rằng nhãn căn sắc trần làm duyên, sinh ra giới nhãn thức, cả ba chỗ đều không, và ba giới nhãn căn, sắc trần và nhãn thức vốn không phải tính nhân duyên, không phải tính tự nhiên”10.

Trong đời sống con người, “thấy” và “nghe” là hai diệu dụng của tâm hiển lộ rõ nhất và có phạm vi hoạt dộng cùng khắp. Chính vì vậy mà Đức Phật đã nương vào hai cửa sổ tâm hồn này để khai thị chơn tâm. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 3, Đức Phật dạy: “A Nan, ví như người lấy hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai, do lỗ tai mỏi mệt, trong đầu hóa ra có tiếng; cả cái nghe cùng cái mỏi mệt đồng là thể tính Bồ đề chăm chú phát ra tướng mỏi mệt. Nhân nơi hai thứ vọng trần động và tĩnh phát ra cái nghe ở trong, thu nạp cái trần tượng đó, gọi là tính nghe. Tính nghe ấy rời hai trần động tĩnh kia, rốt ráo không có tự thể. A Nan, ông nên biết, cái nghe đó không phải từ nơi động, nơi tĩnh mà đến, không phải từ nơi lỗ tai mà ra, không phải do hư không mà sinh. Vì cớ sao? Nếu cái nghe kia từ nơi tĩnh mà đến, thì khi động phải theo cái tĩnh mà diệt, lẽ ra không nghe được động. Nếu từ nơi động mà đến, thì khi tĩnh sẽ theo cái động mà diệt, lẽ ra không biết được tĩnh. Nếu do lỗ tai mà sinh, hẳn không có động có tĩnh, thì cái nghe như vậy vốn không tự tính. Nếu do hư không mà ra, thì đã có tính nghe, chắc không phải là hư không nữa; lại hư không tự nghe, nào có dính gì chỗ thu nạp của ông, vậy nên biết nhĩ nhập là luống dối, vốn không phải tính nhân duyên, không phải tính tự nhiên”11...

Trong một đoạn văn kinh nói về việc Tôn giả A Nan còn hồ nghi căn tính không có tự thể, ghi như sau:

“Ông A Nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy, chỗ phát tâm cầu được thường trụ trong lúc tu nhân, cốt yếu cần phải cân xứng với những đức tính trong lúc chứng quả. Bạch Thế Tôn, như trong quả vị, nào là Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh, Am Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, bảy thứ danh hiệu tuy có khác nhau, nhưng thể tính đều thanh tịnh viên mãn, vững chắc như Kim Cương Vương, thường trụ, không hư nát. Nếu cái thấy nghe, ngoài những tướng sáng tối, động tĩnh, thông bịt, rốt ráo không có tự thể cũng như cái tâm niệm, rời tiền trần ra, vốn không có gì, thì làm sao lại đem cái rốt ráo đoạn diệt ấy làm cái nhân tu hành, để được bảy quả thường trụ của Như Lai. Bạch Thế Tôn, nếu rời sáng tối, thì cái thấy rốt ráo là không. Nếu không có tiền trần, thì tự tính tâm niệm diệt mất, lui tới vần xoay, suy xét chín chắn, vốn không có tâm tôi và tâm sở của tôi; vậy đem cái gì làm nhân, để cầu được vô thượng giác. Đức Như Lai trước kia nói cái tính hay biết yên lặng là viên mãn thường trụ, nhưng đã trái với lẽ thường, thì rốt cuộc chỉ thành hý luận, làm sao nhận được lời nói Như Lai là chân thật, xin Phật rủ lòng đại từ, mở chỗ mê chấp cho tôi”12.

(Còn tiếp)

 


1. Tứ Y pháp là Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức, Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh.

2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phần Chính Tông, Chương I - Chỉ chỗ viên ngộ, Mục I - Gạn hỏi cái tâm, Ðoạn II - Chấp tâm ở trong thân.

3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phần chính tông, Chương I, Mục II - Chỉ rõ tính thấy, Ðoạn V - Chỉ cái biết suy xét có thể tính

4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chương I, Mục II - Chỉ rõ tính thấy, Ðoạn V - Chỉ cái biết suy xét có thể tính

5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển Ba - Đoạn III - Thu 6 Nhập, Nhãn nhập, Nhĩ nhập, Tỷ nhập, Thiệt nhập, Thân nhập và Ý nhập, Chi 1. - Thu Nhãn nhập.

6. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chương I, Mục II - Chỉ rõ tính thấy, Ðoạn VII - Gạn hỏi ý nghĩa hai chữ “khách trần” để chỉ ra cái thấy là Chủ.

7. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chương I, Mục II - Chỉ rõ tính thấy, Ðoạn VIII - Chỉ tính thấy không sinh không diệt.

8. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chương I, Mục II - Chỉ rõ tính thấy, Ðoạn VIII và Đoạn IX - Chỉ tính thấy không sinh không diệt.

9. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chương I, Mục II - Chỉ rõ tính thấy, Ðoạn VIII và Đoạn IX - Chỉ tính thấy không sinh không diệt.

10. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển ba, Đoạn V - Thu Mười tám Giới (6 Căn, 6 Trần Và 6 Thức), Chi 1 - Thu nhãn, sắc và nhãn thức giới.

11. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển ba, Đoạn III - Thu 6 Nhập: Nhãn nhập, Nhĩ nhập, Tỷ nhập, Thiệt nhập, Thân nhập và Ý nhập, Chi 2. - Thu Nhĩ nhập.

12. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chương II, Mục XII - Đánh chuông thật nghiệm tính thường, Đoạn I - Nghi căn tính không có tự thể.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6920757