Thông tin

CHỐN THIÊNG CHÙA LÁNG, CHÙA THẦY

VÀ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

 

TS. NGUYỄN DOÃN TUÂN
ThS. NGUYỄN TÔ LY*

                                               

Nếu ai đã từng một lần tìm hiểu về Phật giáo, về đất vua chùa Phật, hẳn không thể nào không biết đến chùa Láng (quận Đống Đa - Hà Nội) và chùa Thầy (huyện Quốc Oai - Hà Nội). Đây là hai ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng từ thời Lý trên mảnh đất văn hiến ngàn năm. Sở dĩ bài viết này nhắc đến hai ngôi chùa nổi tiếng trên bởi chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh, còn chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị thiền sư thuộc phổ hệ thứ 12, dòng thiền Tì ni đa lưu chi (Vinataruchi) này. Vì vậy, trong phạm vi nhỏ hẹp của tham luận này, chúng tôi sẽ xin được lần lượt giới thiệu về hai di tích trên và đôi điều về vị Thiền sư khả kính.

I. CHÙA LÁNG

Chùa Láng (tên chữ: Chiêu Thiền tự), hiện thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Xưa kia An Láng (Láng Thượng ngày nay) là một trại cổ nằm sát bờ bắc dòng sông Tô Lịch. Trong khu vực này còn in đậm hệ thống truyền thuyết huyền thoại và những di tích nổi danh của thời Lý, nhất là chùa Chiêu Thiền và đức thánh Láng Từ Đạo Hạnh.

Những tư liệu hiện còn trong thư tịch và truyền thuyết dân gian cho biết di tích chùa Láng được xây dựng từ thời Lý để thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và hiện thân của ông là vua Lý Thần Tôn. Những thế kỉ tiếp sau, chùa được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Ngay từ khi mới ra đời, chùa Chiêu Thiền đã gắn bó mật thiết với thiền sư nổi danh và những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Năm 1946, chùa Chiêu Thiền đã vinh dự đón Hồ Chủ tịch về thăm. Sự kiện lịch sử này được in đậm trong ký ức của nhân dân địa phương và làm vẻ vang thêm nội dung lịch sử cho ngôi chùa cổ.

Chùa Láng hiện tọa lạc trên khu đất rộng tách biệt với khu cư trú của dân làng. Chùa nằm theo hướng nam trông ra sông Tô Lịch. Trên đại thể quy hoạch của di tích được chia làm hai phần, khu vườn rộng ở phía trước, quần thể kiến trúc tập trung ở phía trong. Xuyên giữa khu vườn là đường gạch lớn dẫn vào sân chùa, dọc hai bên đường là hàng cây cổ thụ, được trồng đăng đối, chỉnh chu. Tính từ ngoài vào, các kiến trúc bộ phận của di tích bao gồm: Tam quan nằm trên đường gạch lớn dẫn vào sân chùa, giữa sân là nhà bát giác, hai bên có hai dãy dải vũ song song, liền phía sau sân là nhà tiền đường, trung đường, thiêu hương, thượng điện. Hai bên nhà thượng điện có hai dãy hành lang, phía sau có nhà chuông, nhà khánh và khu thờ Tổ, thờ Mẫu, khu vườn tháp nằm hơi chếch về phía sau chùa.

Cổng tam quan ngoài có quy mô lớn, dạng bốn cột trụ biểu to tạo thành hai cột chính có mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh có một hình đựng nước thiêng, bốn góc bên dưới trang trí nổi bốn mặt hổ phù. Hai cột nhỏ hai bên có kiểu dáng giống như trụ chính, được đặt tượng nghê đang hướng mặt vào nhau. Giữa các cột là cửa vào, trên cửa làm hệ thống nhà bốn mái với các đầu đao uốn cong. Bờ nóc của các cửa đắp nổi đầu kìm hướng mặt vào trong, đầu của các đao trang trí đầu rồng đang nhìn vào nóc mái. Toàn bộ được đặt trên thanh xà to nối hai cột đỡ mái là kết cấu chồng rường dựng trên hai trụ tròn.

Từ hai cột trụ xây tường lửng kéo về hai phía để góp phần khép kín không gian của chùa. Trên hai bức tường này, sát với cột nhỏ đắp dạng phù điêu hai tượng voi quỳ, đầu hướng về cửa chính, sau cột ngoài có sân gạch vuông dẫn vào tam quan thứ hai, giữa sân có bàn đá to dùng để đặt long ngai và khám thờ trước khi đám rước của ngày hội được khởi hành.

Cổng tam quan thứ hai là một nếp nhà ngang ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, hai đầu trước, sau của mỗi hồi xây trụ biểu cao ngang diềm mái thượng. Nhà có mái lợp ngói ta, dạng hai tầng bốn mái. Phần cổ diêm được để trống mặt sau. Phía trước xây tượng trên đó đắp nổi các hình Lã Vọng câu cá, bát bửu, người, ngựa...

Bộ khung nhà tam quan có kết cấu đơn giản đỡ phần mái thượng là các vì “Thượng chồng rường giá chiêng hạ bảy” đỡ mái hạ có bức cốn nách và một bảy ngắn ứng với ba khoảng hoành. Đầu của các bảy được trang trí văn thực vật, các bức cốn chạm nổi hình rồng mây cách điệu cao. Sau Tam quan này có đường gạch rộng vào cổng trong cùng. Hai bên đường xây tường thấp, dọc hai bên là những hàng muỗm trăm tuổi tỏa bóng xuống bên đường.

Nhà bát giác được xây gạch tám cạnh đều nhau, bên trên làm hai tầng mười sáu mái. Tám mái trên có hình tam giác thu dần lên đỉnh. Trên nóc mái đắp hình bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau thành trái giành. Tám đao trên có hình rồng lá cuốn ngựa nhẹ nhàng, tám đao dưới trang trí hình rồng, rồng lá hướng mặt vào nhau, sát cổ diêm đặt những pho tượng hạc, lân, nghê thành từng cặp. Trang trí trên kiến trúc này khá đậm đặc, đề tài chủ yếu gồm có rồng mây, mai, điểu, tùng, lộc, rồng cuốn thủy, long mã trở mặt trời, phượng hàm thư, sóng nước... các hoa văn được thể hiện bằng kỹ thuật chạm nổi, bố cục tập trung phủ kín bề mặt của các bức cốn.

Nhà tiền đường có quy mô lớn gồm 9 gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Nhà lợp ngói ta dạng hai tầng bốn mái. Ngói có kích thước lớn, loại ngói dày, mũi hất cao kiểu mũi hài. Phần cổ diêm được xây tường, mặt trước chia thành các ô để đắp nổi các hình tùng lộc, Lã Vọng câu cá, mai điểu, tứ linh, tứ quý, bát bửu... Nền nhà tiền đường cao 50cm so với mặt sân, dưới thềm bậc cửa của gian giữa đặt đôi rồng lớn hướng mặt vào trong. Mặt trước làm cửa bức bàn, phía sau để trống thông vào trung đường.

Bộ khung nhà tiền đường có kích thước lớn gồm nhiều bộ vì giống nhau. Đỡ mái thượng là kết cấu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ”. Hai mái dưới làm kẻ cong dài. Kẻ có một đầu ăn mộng qua cột hiên, đầu kia nằm trong tường bao. Liên kết các vì là hệ thống xà đai thượng hạ chạy khắp chín gian nhà. Các đầu dư chạm đầu rồng, các con rường chạm nổi văn thực vật, văn mây, cốn rường, cốn nách có hình hổ phù, long mã, thân kẻ thể hiện hình rồng, mây, chim phượng đang bay, đầu kẻ trang trí tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Hình tượng rồng được thể hiện giống nhau, đầu nổi cao, đao mác, đuôi xoắn rất đặc trưng của con rồng thời Nguyễn.

Nhà trung đường được xây dựng tiếp giáp với tiền đường, nối gian giữa của hai nhà này có phương đình vuông nhỏ, bốn mái cong. Nhà được xây dựng trên bốn cột gạch vuông, bên trên có kết cấu “thượng rường, hạ kẻ”. Trong nhà phương đình treo bức cửa võng lớn chạm thủng lưỡng long chầu nhật, tứ quý... Trang trí trên bộ khung nhà được thể hiện trên cốn nách, đầu kẻ, xà... Đề tài và cách thức, kĩ thuật thể hiện hoa văn mang đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc Nguyễn, giống với tiền đường. Riêng gian giữa còn tồn tại mảng chạm rồng phượng của thời Lê thế kỉ 17, 18.

Nhà thiêu hương nối trung đường với thượng điện tạo cho khu thờ chính có kết cấu hình chữ Đinh. Nhà gồm có hai gian dọc, hai bên xây tường bao. Ba bộ vì có kết cấu đơn giản kiểu kèo cầu. Cột có thước lớn đường kính 50cm. Trong nhà thiêu hương, giữa hai hàng cột cái đặt hương án, khám thờ, hai bên sát tường bao làm lối ra vào nhà thượng điện.

Thượng điện là nếp nhà ngang ba gian xây tường hồi bít đốc. Bộ khung nhà có kết cấu chồng rường, các đầu dư được chạm lộng đầu rồng, niên đại thế kỉ 17. Mỗi thức vì gồm 4 hàng cột lớn giống với thiêu hương, đá kê chân cột làm thành hai lớp, dưới vuông, lớp trên tròn, diềm chạm loại cánh sen đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỉ 17.

Dọc theo nhà thiêu hương và thượng điện có hai dãy hành lang ở hai bên. Kiến trúc này có kết cấu đơn giản kiểu kèo cầu quá giang, phía trước để trống, mặt sau xây tường bao. Nền nhà lát gạch vuông mầu đỏ nhạt, kích thước 20 x 20cm.

Nhà chuông, nhà khách được xây dựng sát phía sau của thượng điện. Hai kiến trúc này được xây gạch kiểu hai tầng tám mái cong. Đầu của hai hồi nóc đắp đầu kìm, bốn đao trên trang trí rồng lá, bốn đao dưới đắp con rồng lớn đang vươn ra phía ngoài. Trong nhà cheo chuông, khánh cổ.

Tả hữu mạc được xây dựng giống nhau gồm 5 gian, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì đỡ mái làm theo hai dạng khác nhau; hai vì giữa có kết cấu “thượng chồng rường, hạ kẻ” các vì bên làm kiểu kẻ chuyền. Dãy bên phải dành làm nơi gửi hậu, bên trong các gian đặt những tấm bia ghi tên người được làm giỗ hậu. Dãy bên phải được sử dụng làm nơi ở của các nhà sư trụ trì.

Khu nhà Tổ có kết cấu hình chữ nhị gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế gồm 7 gian xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, dạng ngói dày mỏng. Các vì đỡ mái có kết cấu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ”, hai gian hồi làm vì kèo quá giang. Các vì này được bào trơn, đóng bén trông rất nhẹ nhàng.

Ngoài hệ thống tam quan và các nếp nhà, chùa Chiêu Thiền còn có khu vườn tháp của các nhà sư đã mất. Các tháp mộ này được làm dạng ba tầng bốn mái. Sự hiện diện của phần kiến trúc này trong chùa đã khẳng định niên đại cổ xưa và vị trí quan trọng của di tích trong lịch sử.

Tương ứng với quy mô của kiến trúc, hệ thống tượng tròn trong di tích rất đồ sộ về số lượng, phong phú về loại hình. Các pho tượng được tọa lạc rất đậm đặc trong nhà trung đường, thiêu hương, thượng điện, hai dãy hành lang và nhà Tổ.

Trong nhà thượng điện, tượng ngồi trên những bệ gạch cao dẫn từ ngoài vào. Trên cùng là bộ Tam thế thường trụ diệu pháp thân, lớp thứ hai gồm Đức Phật Thế tôn, Phật Di đà và tòa Cửu Long tái hiên hình ảnh đức Phật Thích ca mới ra đời. Dưới ban tượng này, có pho tượng vua cha Ngọc Hoàng, hai bên Kim Đồng, Ngọc Nữ, Thị giả, tiếp đến là dãy ba pho gồm Thiền sư Từ Đạo Hạnh ngồi ở giữa, bên phải là một vị Bồ tát ngồi trên tòa sen, bên hữu có thổ thần mặt trắng.

Tại nhà thiêu hương, tượng được đặt làm hai lớp ở hai gian, bên trong là vua Lý Thần Tôn (hậu thân của Từ Đạo Hạnh) ngồi trong khám lớn, gian ngoài có bốn vị Thiên Vương đứng trên sập cổ chân quỳ dạ cá.

Ngoài nhà trung đường có bốn vị Thiên vương trong bộ võ phục, tay cầm các loại nhạc khí khác nhau đứng thành hai dãy trước cửa cung cấm, hai gian bên là hai tượng Khuyến thiện, Trừng ác đang ngồi trên lưng sư tử để bảo vệ pháp giới. Bên cạnh các tượng này gồm 2 bộ ba pho của ban tượng Đức ông (Cấp Cô Độc), Thánh tăng (A Nan Đà).

Sát hai tường hồi là hình ảnh Thập điện được thể hiện trong động sáu tầng cao gồm tới nóc mái. Tầng dưới thể hiện nơi âm ty địa ngục với những hình phạt khốc liệt đối với kẻ ác, bên trên là thế giới cực lạc để biểu dương lòng thiện. Trong hai động này có hàng trăm pho tượng kích cỡ khác nhau. Tuy có niên đại Nguyễn, song hai kết cấu này vẫn có giá trị thẩm mỹ đáng kể, gây ấn tượng mạnh đối với khách đến thăm. Hai bên động có một số pho tượng Phật Quan âm tọa sơn, Di Lặc, Thích ca nhập niết bàn và các thị giả.

Hành lang là nơi tọa lạc của 18 vị La Hán và một số tượng Phật, Quan Âm, Bồ tát. Tượng ở đây có kích thước nhỏ, niên đại tạo tác chủ yếu là thời Nguyễn, một số là thời Lê Trung Hưng thế kỉ 18.

Dưới nhà Tổ có 27 pho tượng cổ gồm 13 vị sư Tổ của chùa đã viên tịch ngồi trên những bệ gạch cao trong nhà Tiền tế. Trong hậu cung có tòa Cửu Long ở gian giữa, hai gian bên thờ Mẫu gồm có Tam phủ (Mẫu Thủy, Thiên, Nhạc), Tứ phủ (Thiên, Địa, Thủy, Nhạc) với bốn sắc áo khác nhau và một số cô cậu đứng chầu.

Nhìn chung, tượng tròn trong chùa Chiêu Thiền có số lượng lớn, niên đại tạo tác nằm trong hai thời kỳ Lê - Nguyễn. Tượng có kích thước nhỏ và được tạo tác tỉ mỉ, chau chuốt nên mang giá trị thẩm mỹ cao.

Di tích chùa Chiêu Thiền vốn nổi danh trong sử sách bởi mối quan hệ gắn bó giữa thiền sư Từ Đạo Hạnh với ngôi chùa. Trong khối kiến trúc bề thế hiện còn tỏa ra những giá trị lớn, nhiều mặt làm cho ngôi chùa trở thành một di tích lịch sử, di tích kiến trúc, nghệ thuật, một thắng cảnh đẹp của Thủ đô và cả nước.

Về mặt lịch sử, chùa Chiêu Thiền được xây dựng từ thời Lý bên bờ sông Tô - nơi in đậm những dấu tích vật chất huyền thoại về nền văn hóa Thăng Long thời Lý - Trần. Bản thân niên đại ra đời của chùa đã cho thấy di tích là một trong số ít những di tích thời Lý hiện còn. Bên cạnh đó, việc tồn tại của ngôi chùa mãi vẫn là những minh chứng có giá trị về trung tâm Phật giáo ở phía Tây của kinh thành Thăng Long trước đây.

Về kiến trúc, chùa Chiêu Thiền là một ngôi chùa có quy mô bề thế và lộng lẫy. Hình thức quy hoạch ba lần Tam quan theo chiều sâu rất gần với kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Trong xây dựng những nếp nhà lớn được quy hoạch tập trung trong một không gian khép kín tạo ra sự uy nghiêm, choáng ngợp đối với con người. Bên trên các bộ khung nhà, những mảng chạm trang trí rất đậm đặc, sinh động đã làm tăng vẻ đẹp cho kiến trúc của chùa. Nhắc đến giá trị kiến trúc của chùa Chiêu Thiền không thể không quan tâm đến cách bố cục, quy hoạch kiến trúc, sân vườn trong một khuôn viên rộng lớn. Lối xếp đặt này tạo ra sự hài hòa, tôn đẩy lẫn nhau và làm tăng thêm giá trị cho kiến trúc tổng thể.

Hệ thống tượng tròn có số lượng lớn và mang giá trị thẩm mỹ cao. Các pho tượng được gia công tỉ mỉ, công phu. Mỗi nhân vật mang một diện hình riêng sinh động và phù hợp với đặc trưng, tính cách của từng người. Trong số này, các pho tượng được ra đời ở thời Lê Trung Hưng là những tác phẩm nghệ thuật quý của thời kỳ này. Tượng Đức Thánh Láng được làm bằng mây cuộn là những pho tượng độc đáo hiếm thấy ở nước ta hiện nay.

Bộ di vật trong di tích rất phong phú, đa dạng, các hiện vật gỗ được chạm khắc tinh xảo đã làm lộng lẫy thêm cho kiến trúc của chùa. Bia đá, chuông đồng là nguồn sử liệu quý trong việc tìm hiểu lịch sử, cuộc sống tinh thần của ngôi chùa qua từng giai đoạn của lịch sử. Những hiện vật này còn phản ánh trình độ nghệ thuật cao trong việc đúc đồng, trang trí trên bia. Trong khối di vật hiện còn có nhiều hiện vật có giá trị hiếm quý trong khối di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.

Ca ngợi về vẻ đẹp của chùa, đã có rất nhiều vần thơ được viết lên với những mỹ từ rất sâu sắc. Trong số những vần thơ được viết lên ấy, bài thơ Non nước Phật chùa Láng đã mô tả được một cách tổng quát về lịch sử, phong cảnh, vẻ đẹp của ngôi chùa, ấy rằng:

“Tự bao giờ? Cảnh tiên chùa An Lãng

Tên chữ là: “Chiêu Thiền tự” hay “chùa Láng” tên Nôm

Một trăm chín tám pho tượng Phật được bảo tồn

Từ thời Lê đến sau này thời Nguyễn.

Tượng Tam Thế, tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Bồ tát

Sáng lung linh rực rạng cả khu chùa.

Tượng Kim Đồng, tượng Ngọc Nữ đẹp không ngờ,

Tượng Thánh Láng tổ sư, tượng La Hầu, La Hán.

Phái Thiền Tông Tì ni đa lưu chi chảy dài không cạn,

Cảnh Phật nơi chùa sắc sắc không không.

Hóa hóa sinh sinh lưu chuyển mãi một dòng,

Từ Đạo Hạnh hóa thân trên núi Sái (Sài)...

Chùa “nội công ngoại quốc” đẹp bao nhiêu

Nơi thờ Phật, thờ Tiên, thờ Thần, thờ Thánh.

Bao đấng chân tu còn trong chùa Láng,

Lộng lẫy huy hoàng non nước Phật anh linh”.

(Non nước Phật chùa Láng - TS. Nguyễn Doãn Tuân)

Chỉ mới phác qua mấy giá trị trên đã cho thấy di tích chùa Chiêu Thiền là một vốn cổ quý giá cần được bảo tồn. Giữ gìn di tích đúng là giữ gìn bảo vệ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng con người mới, nền văn hóa mới ở nước ta hiện nay.

II. CHÙA THẦY

Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây nam. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh, khi ấy núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (Ao Rồng). Sân có hàm rồng.

Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế Hạ công Thượng nhất.

Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng hay chùa Trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng cha mẹ Từ Đạo Hạnh.

Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía sau có lầu chuông, lầu trống.

Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng, trước trồng hai cây gạo, nhưng hiện tại hai cây gạo đã chết, được thay bởi cây đa. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi.

Giữa ao Long Chiểu có thủy đình là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh được cho là ông tổ của hình thức biểu diễn dân gian này.

Các pho tượng đẹp nhất của chùa Thầy tập trung tại chùa Trên. Trên cao nhất là tượng Di Đà Tam tôn được tạc vào đời Mạc. Phật A Di Đà ngồi giữa dáng vẻ phúc hậu. Pho tượng Quán Thế Âm bên phải ngồi buông chân trái xuống, chân phải co lên, tay cầm một cây phất trần, dáng vẻ ung dung. Pho Đại Thế Chí ngồi xếp bằng, hai tay bắt ấn mật phùng. Ba pho tượng mỗi pho một vẻ không giống nhau, tạo thành một bộ tượng đẹp đặc biệt.

Dưới đó, chính giữa là tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật. Tượng được tạc vào thế kỉ 19, khuôn mặt khắc khổ, nổi rõ mạch máu, ngồi xếp bằng tròn trên một bệ hoa sen còn lại từ đời Lý. Bệ hoa sen đặt trên một con sư tử cuộn tròn, dưới con sư tử là một bệ bát giác. Hiện nay tượng được đội mũ hoa sen và khoác áo vàng.

Toàn bộ ba pho Di Đà và tượng Từ Đạo Hạnh đặt trên một bệ đá hai tầng, được làm vào thời nhà Trần. Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có hình thần điểu Garuda.

Bên phải là tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh ở kiếp Vua. Tương truyền sau khi ngài hóa, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành nhà vua Lý Thần Tôn. Tượng Lý Thần Tôn đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Bên trái có tượng Từ Đạo Hạnh trong kiếp Thánh, ngồi trong một khám gỗ chạm trổ cầu kì. Tượng này có cốt bằng tre, có thể cử động, xưa truyền rằng mỗi khi mở cửa khám thì tượng tự động nhỏm dậy chào. Sau một vị quan triều Nguyễn nói rằng “Thánh thì không phải chào ai cả”, nên tháo hệ thống khớp nối, từ đó tượng ngồi yên. Pho tượng này thể hiện nghệ thuật làm rối nước của dân gian.

Trong chùa còn có tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan là cha mẹ Từ Đạo Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của ngài là thiền sư Minh Không và thiền sư Giác Hải.

Trước tượng Từ Đạo Hạnh ở chính giữa có một bàn thờ gỗ chạm trổ rất đẹp. Xưa kia nền đất còn thấp, người thắp hương vịn vào bàn thờ tạo thành một chỗ hõm rất lớn. Trong chùa Thượng còn có hai cây cột làm bằng loại gỗ quý là gỗ Ngọc am.

Chùa Thầy là một trung tâm văn hóa đặc sắc mà nổi bật nhất chính là thủy đình ở giữa hồ Long Chiểu, ngoài sức biểu tượng còn mang một công năng dân dã, ở đây thường xuyên diễn ra hoạt động múa rối nước - một môn nghệ thuật truyền thống đã ẩn chứa trong nó tiềm tàng về triết lý dân  gian của Việt Nam. Ngoài ra đây còn là một trung tâm văn hóa sinh hoạt cộng đồng mang màu sắc tín ngưỡng thường dân với những hình ảnh đã đi vào thơ ca từ xa xưa:

Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ,

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Hay như lời thơ rằng:

Rủ nhau lên núi Sài Sơn

Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?

Hỏi non, non những làm thinh

Phải rằng non đã vô tình với ai?

Nước non ví chẳng chiều đời

Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?

Yêu nhau ta dắt nhau cùng

Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.

(Á Nam Trần Tuấn Khải).

III. THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

Làm nên giá trị lịch sử lớn của hai ngôi chùa trên chính là sự hiện diện của nhân vật nổi danh Từ Đạo Hạnh. Ngài là một thiền sư giỏi pháp thuật, một nghệ sĩ chèo nổi tiếng (theo giáo sư Trần Quốc Vượng). Lúc đương thời, những đóng góp lớn của đức Thánh Láng trong việc xây dựng nên khu di tích chùa Thầy nổi tiếng, đào tạo nên những thiền sư danh tiếng, duy trì thiền pháp Tì ni đa lưu chi và những bài thơ hay để lại cho đời đã đưa nhà sư trở thành một danh nhân văn hóa của dân tộc thời Lý. Cuộc đời và sự nghiệp của thiền sư Từ Đạo Hạnh được ca ngợi nhiều trong sử sách, được thần thánh hóa thành huyền thoại trong văn hóa dân gian. Câu chuyện thiền sư Từ Đạo Hạnh trở thành vua Lý Thần Tôn không chỉ cho thấy tài năng, phép thuật của vị thiền sư mà nó còn là ước vọng của nhân dân về sự bất tử của ngài.

Sự tích về thiền sư Từ Đạo Hạnh được ghi chép và truyền tụng rộng rãi trong sử sách, thần tích cùng truyền thuyết dân gian. Trong nguồn tư liệu phong phú này thì hai tác phẩm Lĩnh Nam chích quáiThiền uyển tập anh được ra đời từ thời Trần là gần với giai đoạn Thiền sư Từ Đạo Hạnh tồn tại hơn cả. Theo Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích. Cha tên là Vinh, làm chức Tăng quan Đô sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy con gái người họ Tăng tên là Loan, nhân thể ở lại đó. Lộ tức là con bà họ Tăng vậy. Thuở thiếu niên, thích dao du hào hiệp phóng khoáng có chí lớn, hành động ngôn ngữ không ai có thể lường được, thường cùng kẻ nho giỏi mãi sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người con Hát là Phan Ất kết bạn. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo đánh cầu, vui sự chơi bời. Cha mẹ thường trách là trễ nải, một đêm ghé dòm qua khe cửa vào trong phòng, thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa dời khỏi sách, do đó cha mẹ không còn phải lo nghĩ nữa. Sau này, Lộ dự kỳ thi Tăng hương thi đỗ khoa Bạch Liên, không bao lâu, cha làm phật ý Diên Thành hầu, Diên Thành sai Đại Điên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Lỗ nghĩ việc báo thù cha, muốn sang chùa Ấn Quốc cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim Sỉ (răng vàng) thấy hiểm trở bèn quay về ẩn cư ở núi Phật Tích thường ngày đọc kinh Đại bi đà la, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần. Sau một thời gian tu luyện, Đạo Hạnh trở về Láng tới cầu Vu Quyết cầm gậy ném xuống sông Tô, gậy trôi ngược dòng như rồng lội, đến cầu Tây Dương thì dừng lại. Sư đến nhà Đại Điên dùng gậy đánh. Đại Điên phát bệnh chết. Thù cha đã trả xong, Đạo Hạnh đi thăm các trốn Tùng Lâm, học thêm nhiều phép thuật, kể cả việc chữa bệnh bằng ma thuật. Nơi trụ trì các thiền sư là chùa Thiền Phúc ở núi Phật Tích. Năm 1117 Từ Đạo Hạnh qua đời.

Khi ấy Lý Nhân Tông không có con, Từ Đạo Hạnh dùng phép thuật đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu là Dương Hoán, sau làm vua Lý Thần Tôn.

Theo sách Thiền uyển tập anh: Từ Đạo Hạnh là một nhà sư danh tiếng đương thời, ông là vị tổ thứ 12 của thiền phái Tì ni đa lưu chi và đào tạo nên nhiều nhà sư xuất sắc, trong đó tiêu biểu nhất là Quốc sư Nguyễn Minh Không.

Do có nhiều đóng góp với sự phát triển của Phật giáo dân tộc, với văn hóa nước nhà nên Thiền sư Từ Đạo Hạnh được thờ ở nhiều nơi, các triều đình phong kiến ban sắc phong tặng làm Phúc thần.

Là Phật tử, là Tiên, là vua sinh hóa năm nào

Kia vườn Lãng, nọ sông Tô, mới cũ chùa nay còn in dấu.

Khi chùa Thầy, lúc Cắc Cớ, Thăng Long ai thấu hiểu,

Kiếp trước tu hành câu chuyện vẫn còn đây.

(Non nước Phật chùa Láng - TS. Nguyễn Doãn Tuân)

Chỉ với bốn câu thơ thôi mà tác giả đã khái quát lên được tất cả nội dung về những gì chúng tôi đã trình bày ở trên: chùa Láng, chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh; chắc hẳn người viết thơ đã phải đắm chìm, phải say mê với những di tích đặc biệt như thế mới có thể viết nên vậy. Bởi thế, để thấy được vẻ lung linh, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của một “mảnh” lịch sử Phật giáo thời Lý, của non nước Phật chùa Láng cũng như chùa Thầy, có lẽ chẳng gì có thể rõ ràng hơn khi chúng ta được một lần đặt chân đến để kiểm nghiệm, ngẫm suy ở ngay tại những chốn Thiền linh thiêng ấy.



* Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 206
    • Số lượt truy cập : 6948050