CHƠN TINH THẦN PHẬT GIÁO
THÍCH QUẢNG MINH
Trích TC Từ Quang số 1 ngày 13/5/1951
I. Những ngộ nhận về Phật giáo
Từ lâu, người Âu cũng như người Á, phần đông họ hiểu Phật giáo qua vài bộ kinh sách, mà nội dung toàn là những phương tiện áp dụng tạm thời tùy theo trình độ thấp thỏi của thính chúng, hoặc họ thấy một vài hình thức của Phật giáo về thời đại quá độ, rồi yên trí rằng Phật giáo là một tôn giáo yếm thế, tiêu cực, mê tín, v.v... và bao nhiêu danh từ khác chẳng đẹp tí nào họ không ngần ngại gì mà đem tặng cho một nền giáo lý vô thượng của Đấng Chí tôn. Tôi muốn nói là nền Phật giáo chính thống.
Chẳng hạn, họ thấy kinh Phật nói: “Đời là bể khổ” thì cho Phật giáo là bi quan, thấy nói "muốn thoát khổ luân hồi phải lánh xa cảnh đời vật dục, cố công tu luyện để diệt trừ ham muốn (dục vọng)...", thì cho Phật giáo là yếm thế, tiêu cực. Hoặc thấy các chùa, am cũng đốt vàng mã, xin xăm, bói quẻ mà phần đông là do các bà "giàu tín ngưỡng" chủ động, lại cho Phật giáo là mê tín dị đoan.
Khác với những người trên, một số người thấy Phật giáo với lý thuyết cao siêu, họ lại cho Phật giáo là triết học, hư huyễn không dựa vào thực tế.
Hiểu Phật giáo như trên là hiểu những hình thức, những phương tiện của Phật giáo mà hoàn toàn không biết đến chơn tinh thần Phật giáo là gì.
II. Chơn tinh thần Phật giáo
a/ Phật giáo tích cực, nhậpthế chứ không phải tiêu cực, yếm thế
Đức Phật, sau khi thành đạo, Ngài trải qua 49 năm đi chu du thuyết pháp, đem chân lý để giác ngộ cho đời, nào phải là Ngài chán đời và trốn đời. Ngài lại dạy: “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục...”. Chính đức Phật trọn đời hy sinh cho công cuộc cứu khổ nhân loại.
Cũng đồng một chí nguyện ấy, các vị Bồ tát đều phát thệ sống bên cạnh chúng sinh, sống vì chúng sinh để thức nhắc, giác ngộ cho chúng sinh thoát cảnh khổ. Như đức Địa Tạng phát nguyện: "Địa ngục chưa không trống, thề không làm Phật".
Ngài A Nan phát nguyện: "Đời dữ năm trược thề vào trước, xin đem thân tâm phụng sự các cõi nước nhiều như số bụi trần".
Như thế làm sao bảo Phật giáo là yếm thế, tiêu cực?
b/ Phật giáo chú trọng chánh tín, không phải mê tín
Chữ "Tín" Phật giáo là tin thuộc lý trí phê phán, chứ không phải tin thuần túy cảm tình như các lối tin thông thường, nghĩa là sau khi nghiệm xét đúng chơn lý, hợp sự thực mới tin. Trong kinh Kalama có đoạn nói: "Đừng tin tưởng bất cứ điều gì dù điều ấy ở dưới mãnh lực của ông thầy hay nhà truyền đạo nào... Tất cả sự thực, theo kinh nghiệm riêng của người và sau khi nhận xét rõ ràng phù hợp với lẽ phải tạo thành hạnh phúc cho mình và người thì chính đó là sự thật đáng tin và các người cố gắng sống đúng sự thực ấy". Theo Phật giáo, lòng tin không thể bắt buộc được, cũng không do ai xui khiến, lòng tin chỉ đến sau khi đã được sự xác nhận của kinh nghiệm. Phật giáo không kêu gọi lòng tin một cách mù quáng, bởi lòng tin mù quáng, theo Phật giáo, là một trở lực lớn trên đường tiến hóa. Chính đức Phật cho hàng đệ tử đem giáo pháp của Ngài ra để thí nghiệm. Trả lời câu hỏi của một đệ tử: "Nên tin đạo nào?". Đức Phật dạy: "Ngươi đừng nên tin liền lời của ta nói, ngươi cũng đừng nên tin lời của thầy Ba La Môn nói, nhưng ngươi chỉ nên tin điều mà ngươi đã dùng lý trí suy nghiệm và biết nó đúng chơn lý".
Tin theo Phật giáo như thế, đã không phải mê tín mà lại thích hợp với tinh thần tự do, trí óc suy luận của loài người tân tiến.
c/ Phật giáo đúng vời sự thực, không phải mơ hồ.
Đức Phật là người giác ngộ tuyệt đối, giác ngộ nghĩa là hiểu biết đúng sự thật và thể nhập sự thực. Phật là thế, lẽ tất nhiên giáo lý từ kim khẩu Phật nói ra là giáo lý đúng như sự thật. Lấy một ví dụ rất thường, như Phật nói: "Trong bát nước có tám vạn bốn ngàn vi trùng". "Vũ trụ là do các duyên hợp lại mà thành".
Trước khi khoa học chưa ra đời, những lời của Phật rất dễ làm người ta nghi ngờ cho là viễn vông, huyễn hoặc, nhưng bây giờ người ta không lấy làm lạ nữa, mà trái lại vui thích. Đó là những chỗ gần của Phật giáo mà khoa học đã đến được, còn những chỗ xa thì khoa học chưa biết đến. Biết đâu một ngày kia khoa học chẳng gặp Phật giáo ở địa điểm khác?
Vậy thì câu "khoa học tiến, tôn giáo thối", đối với Phật giáo không còn thành vấn đề nữa.
d/ Phật giáo chủ trương bình đẳng, phủ nhận giai cấp, đàn áp.
Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên phản đối chế độ giai cấp của xã hội loài người. Ngài nói: "Người ta sinh ra không có sẵn dấu hiệu để phân biệt là quý phái hay thường dân". Cao hơn, Ngài lại dạy: "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành", hay "Tất cả chúng sanh đều có Phật tính". Thực là một câu nói "bình đẳng trong bình đẳng". Để thực hành bình đẳng, Ngài đã bỏ đời sống quyền thế, cao sang của một vị thái tử để sống cuộc sống trong sạch và nghèo của một người tu hành, và trong giáo hội của Ngài, ta thấy đủ các hạng người của Ấn Độ giai cấp. Tất cả đều được đối đãi bình đẳng.
Chẳng những với loài người mà đối với loài vật cũng được coi là bình đẳng. Kinh Độ Cẩu đã cho ta thấy một con vật khốn nạn cũng được sinh làm người và đắc đạo.
Bình đẳng như thế mới là chơn bình đẳng và chỉ có Phật giáo mới có tinh thần bình đẳng này.
e/ Phật giáo cổ võ, từ bi, bài xích bỉ ngã
Loài người vì sự phân biệt mình và người, đây với kia, mà sanh ra bao nhiêu sự xô xát, tranh giành. Phật giáo nói "đồng thể đại bi", nghĩa là lòng thương xót coi chúng sinh với mình đồng một thể, chúng sinh đau khổ tức mình đau khổ. Như thế thì làm gì có sự bất công tàn ác; xây hạnh phúc của mình trên nỗi đau khổ của người khác?
Với loài vật, Phật giáo dạy ta phải rộng lượng và cứu vớt. Trước sự nguy khổ của một con kiến, Phật giáo phải ra tay cứu vớt với tấm lòng thương tha thiết, chơn thành. Nhờ tinh thần từ bi, Phật giáo đã làm êm dịu vết thương của đời và đem lại cho muôn loài một niềm "vui sống". Phải chăng Phật giáo là một tôn giáo hòa bình?
Bây giờ, đã đến lúc kết luận, xin tóm lại rằng: Phật giáo, đúng với cái danh của nó, là một tôn giáo đầy tinh thần tích cực, nhập thế, chánh tín mà không phải mê tín, đúng với sự thực mà không phải mơ hồ, bình đẳng mà không giai cấp, từ bi không phân biệt bỉ ngã...
Đó, thưa các ngài, chính là những điểm chánh của chơn tinh thần Phật giáo mà tôi được hân hạnh đem ra bàn giảng cùng quý ngài.
Bình luận bài viết