Thông tin

CHỮ HIẾU CŨNG CẦN VUN ĐẮP

 

PHẠM VĂN NGA

 


 

Mỗi năm đến mùa Vu lan, chúng ta lại nghe rất nhiều bài hát ca ngợi hạnh hiếu, lại nói với nhau rất nhiều về lòng hiếu thảo, nhưng vẫn có những băn khoăn ngày một nhiều hơn trong xã hội, rằng chữ hiếu mà chúng ta đề cập bấy lâu có phải là một khái niệm cũ kỹ, có phần không hợp thời nếu cứ bám theo quan niệm là con cái luôn phải vâng lời cha mẹ, phục tòng ý kiến của họ, phải yêu thương họ như chúng ta vốn đã làm như thế từ hàng nghìn năm theo ý thức hệ Nho giáo và Phật giáo?

Hiếu thảo: Một nghĩa vụ vô điều kiện?

Thực tế thì dù chữ Hiếu đến nay vẫn được coi trọng như một gíá trị thiêng liêng, nhưng lòng hiếu thảo hôm nay ở một số người khá phai nhạt, mù mờ đến mức dường như không còn… khi họ đổ lỗi cho đời sống công nghiệp, lo làm ăn bù đầu, thì giờ nào mà thăm cha mẹ; nói chi đến bẩm báo thưa trình hàng ngày. Tôi biết có ông giám đốc có văn phòng làm việc chỉ cách chỗ mẹ mình ở chưa tới 2km mà chẳng bao giờ ông ta ghé thăm, dù trưa hay chiều thậm chí cả ngày lễ; hay có nhà kinh doanh, năm thì mười họa gọi điện thoại hỏi thăm cha mẹ qua loa. Tôi đã từng chứng kiến một bà lão thắt cổ chết trong nhà vì con cái bỏ đi xa không đoái hoài, bà quá cô đơn!

Có người cho rằng cần phải tiếp thu văn minh Tây phương, vốn được coi là nền văn hóa mà ở đó cha mẹ và con cái có nghĩa vụ rạch ròi: Cha mẹ nuôi con đến 18 tuổi, sau đó các con vay tiền nhà nước đi học tiếp và tự lo thân; về phần cha mẹ già, đã có an sinh xã hội lo, có nursing home. Hình ảnh bữa cơm chiều sum họp hay trưa 30 Tết tề tựu cùng nhau ngày một thưa vắng vì chỉ cần nhấc điện thoại qua zalo, messenger hay facetime là có thể nhìn thấy nhau, rồi cũng như người nước ngoài: Cứ Hello, Good-bye vài tiếng là xong!

Vậy thì chữ Hiếu ở đâu trong bối cảnh xã hội đó? Hay có người cho rằng chữ Hiếu bây giờ là nghĩa vụ có điều kiện, rằng con cái đã chịu đựng cha mẹ quá nhiều từ sự hà khắc khi còn bé, cưỡng ép nhiều thứ từ món ăn cho đến trường học, phải theo những thực đơn do cha mẹ chọn, phải học những trường điểm, lớp chuyên, theo ý muốn của cha mẹ… phải và phải chọn nghề XYZ…

Họ cảm thấy mệt mỏi chán ngán và không muốn lệ thuộc thêm khi lựa chọn bạn đời, tiến đến hôn nhân, rồi phải sinh con nối dõi… Họ muốn tự do trong quyết định của mình, không thể mãi là một đứa trẻ to xác. Còn niềm vui ư? Tiền bạc, thành công trong sự nghiệp thăng tiến danh vọng họ đều có, cần gì người cha hay người mẹ cổ hủ đặt để. Như vậy, muốn duy trì giá trị của chữ Hiếu, chúng ta phải làm gì?

Thật sự tính chất áp đặt uy quyền của cha mẹ lên con cái ảnh hưởng từ Nho giáo nhiều hơn, khi vịn vào lý do chín chữ cù lao nặng nhọc nên cần một sự tuân phục tuyệt đối từ phia con cái: “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” thậm chí, “không có con” cũng là tội lớn… Còn đạo Phật thì sao?

Nghĩa vụ đến từ hai phía

Trong tác phẩm “Đạo Phật với con người”, cố Hòa thượng Thích Tâm Châu nêu nghĩa vụ của cha mẹ trước, gồm:

1. Phải hạn chế không để cho con làm điều ác;

2. Cần chỉ bảo cho con biết chỗ thiện;

3. Phải thương yêu con cái thật thấm thía;

4. Nên vì con cái mà tìm chỗ kết hôn cho xứng đáng;

5. Nên tùy thời cung cấp cho con những sự cần dùng. (trang 125-128)

Sau đó, chương kế tiếp mới là nghĩa vụ con cái đối với cha mẹ, gồm:

1. Công ơn sinh dưỡng;

2. Cúng dường cha mẹ không thiếu thốn;

3. Làm việc gì phải trình thưa trước;

4. Cha mẹ làm việc gì, vâng thuận không trái;

5. Cha mẹ dạy điều phải, không được trái lệnh;

6. Không được ngăn việc làm chân chính của cha mẹ.

Nhưng Hòa thượng cũng nhấn mạnh nếu “… cha mẹ mê muội không biết kính tín Tam bảo, cha mẹ tàn bạo cướp của, nói lời gian dối, cha mẹ trái ngược đạo chính, mê say cuồng loạn…” thì người làm con “… phải hết sức can ngăn khiến cha mẹ hướng về đạo chính, giữ năm điều răn, làm mười điều lành, sống cuộc đời trong sạch… Chỉ vậy mới gọi là hiếu”. (trang 129-133)

Nghĩa là đạo Phật đòi hỏi cả hai phía phải có nghĩa vụ với nhau. Quan điểm này đang là xu hướng của xã hội hiện nay, vì gần đây người ta đã chứng minh sự thất bại của nhiều đứa trẻ khi vào đời có một phần nguyên nhân từ cách cha mẹ giáo dục; trong đó, sự độc đoán, việc thiếu tôn trọng tự do phát triển hay năng khiếu thực sự của trẻ, cách dùng roi vọt hay hình phạt quá nhiều, hoặc tình trạng tạo áp lực tinh thần, như đòi hỏi thứ hạng hay điểm số cao khiến trẻ mất tự tin và đánh mất luôn cả khả năng tư duy độc lập, óc sáng tạo, sự linh động trong giải quyết vấn đề… khiến cho lòng hiếu thảo nếu hiểu một cách hạn hẹp chỉ là sự vâng lời và phục tòng vô điều kiện vô tình bóp chết năng lực tự lập nơi đứa trẻ. Hãy hướng đến một phương pháp mà con trẻ hợp tác với cha mẹ, cùng nhau giải quyết theo hướng có lợi nhất cho sự phát triển của trẻ.

Phương pháp Schichida

Theo Tiến sĩ Laura Markham, tác giả cuốn sách “Rèn cha rồi mới rèn con” (Phương Lan dịch, Nxb Lao Động, 2017), lý do sâu xa nhất khiến trẻ hợp tác với cha mẹ là bởi chúng yêu thương họ và muốn làm họ hài lòng. Trong Chương trình Asia’s Got Talent trên TV gần đây có một cậu bé 12 tuổi tên là Syah Riszuan, người Singapore, hát rất hay. Khi Ban Giám khảo hỏi điều gì khiến em cảm thấy hứng khởi khi tham dự chương trình này, cậu bé trả lời: “Vì em muốn làm cho mẹ vui khi thực hiện được ước mơ của mình”. Mẹ em luôn theo dõi sự tiến bộ của con mình khi cậu bé theo đuổi đam mê ca hát, động viên em và luôn lắng nghe em hát ở nhà. Chúng ta biết có những cầu thủ hay vận động viên nổi tiếng vẫn hướng mắt về phía cha mẹ đang ngồi trên khán đài mỗi khi ghi bàn hay đạt thành tích cao, vì họ cảm nhận mình đang làm cho cha mẹ vui. Thường những cầu thủ ấy tâm lý rất ổn định và ít khi sa vào những thú vui tai hại cho sức khỏe.

Lý do duy nhất khiến trẻ từ bỏ những điều mà chúng muốn để làm những gì mà cha mẹ muốn là bởi chúng tin tưởng họ và không muốn làm họ thất vọng. Tiến sĩ Laura Markham cho rằng việc kết nối với con đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ cư xử đúng đắn. Bà khuyên các bậc cha mẹ rằng: “Trên tất cả, hãy bảo vệ sự gắn bó giữa bạn và con. Đó là thứ đòn bẩy duy nhất giúp bạn duy trì ảnh hưởng của mình với chúng. Đó cũng là những gì chúng cần ở bạn nhất”.

Một điều quan trọng được TS. Laura Markham nhấn mạnh đó là việc trừng phạt con sẽ không khiến trẻ hợp tác hơn với cha mẹ, mà ngược lại chỉ khiến trẻ xa cách cha mẹ và làm giảm sự ảnh hưởng của cha mẹ với trẻ: Trẻ con sinh ra một cách tự nhiên sẽ yêu quý cha mẹ - cả những người cha người mẹ khiến chúng bị tổn thương. Nhưng bản năng sống luôn mách bảo chúng không nghe theo lời những người lớn không ủng hộ chúng, và nếu bạn trừng phạt, con bạn sẽ có bằng chứng rõ ràng không phải lúc nào chúng cũng được bạn ủng hộ. Chính vì vậy mà trừng phạt làm giảm sự ảnh hưởng của bạn và làm xói mòn mối quan hệ gần gũi của bạn với con. Điều này, sẽ trở nên rõ ràng hơn khi trẻ lớn lên và ít phụ thuộc vào bạn hơn”.

Phương pháp dạy con mà Tiến sĩ Laura Markham chỉ ra cũng có sự tương đồng với phương pháp dạy trẻ được áp dụng ở các trường mầm non Nhật Bản. Theo đó, các quy định thì không được coi trọng bằng việc nuôi dưỡng sự phát triển tình bạn giữa trẻ em và giáo viên. Tương tự như với cha mẹ, người ta tin rằng nếu trẻ em có quan hệ gắn bó với giáo viên, thì các em sẽ cư xử đúng mực bởi vì các em sợ làm họ thất vọng.

Ở đây, chúng ta cần đề cập đến phương pháp Shichida là triết lý nuôi dưỡng con cái, nhưng điều đặc biệt là nó hướng trọng tâm vào các bậc cha mẹ. Cha mẹ là những người học phương pháp và cũng là những người thực hiện nó.

Hệ thống phương pháp này nếu được phụ huynh thực hiện tốt sẽ có hiệu quả rèn luyện phẩm chất cho mọi đứa trẻ khắc sâu lòng nhân ái, biết chăm sóc cho những người khác, tinh thần hợp tác và sự chân thành. Nó không chỉ giúp trẻ ngoan ngoãn, vâng lời mà còn làm cho trẻ cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, một điều vô cùng quan trọng bởi chính Giáo sư Shichida tin rằng khi một người mẹ truyền đạt tình yêu của mình với con một cách khéo léo, đứa trẻ ngay lập tức có thể thay đổi thành một đứa trẻ tốt.

(Makoto Shichida, Ba chìa khóa vàng nuôi dạy con theo phương pháp Shichida, 2015, Nxb Thế Giới)

Và để có thể làm được điều đó, hệ thống phương pháp Shichida hướng dẫn cho cha mẹ hai phương pháp vô cùng hiệu quả được rất nhiều học giả nổi tiếng cũng như phụ huynh Nhật Bản áp dụng: “Năm phút thủ thỉ” “Cái ôm tám giây”.

Thời điểm tuyệt vời để cha mẹ thể hiện tình cảm với con, đặc biệt khi bạn đã xa con cả một ngày dài, là vào buổi tối trước khi con trẻ đi ngủ. Họ khuyên chúng ta bận rộn đi làm về muộn nhưng nên cố gắng dành thời gian buổi tối nằm ru con ngủ, đọc truyện cho con nghe, thì thầm với con những lời yêu thương hay kể chuyện, kể về ước mơ của mình. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng lúc trẻ chập chờn vào giấc ngủ, mọi thông tin trẻ nghe lúc ấy sẽ được lưu giữ hoàn toàn vào tiềm thức hay vô thức, giúp điều chỉnh những nét tính cách không tốt ở con trẻ, đồng thời giúp chúng cải thiện chức năng não bộ và tăng cường trí nhớ; thay đổi đứa trẻ ương bướng trở nên biết vâng lời, biến đứa trẻ thiếu tự tin thành tự tin đầy nhiệt huyết. Quan trọng nhất theo Giáo sư Shichida, bằng cách này, đứa trẻ sẽ cảm nhận được hạnh phúc truyền từ cha mẹ, động viên trẻ làm điều tốt, điều hay để làm cho họ hạnh phúc.

Các bậc cha mẹ hãy nhớ, kết quả của phương pháp “cái ôm tám giây” hay “thủ thỉ năm phút” sẽ không đạt được nếu được thực hiện một cách qua loa, hời hợt. Phải làm trong yêu thương quan tâm thật sự, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là trong chánh niệm, bày tỏ sự tôn trọng và tin tưởng vào những khả năng của con, tránh những lời nói phiền trách hay phàn nàn về những điều con trẻ làm.

Nguồn phúc lạc vô tận

Hiếu vẫn mãi là nguồn phúc lạc vô tận nếu chúng ta biết vun đắp cùng nhau. Người ta đã chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học, các con số thống kê, rằng những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí đầm ấm và tràn ngập thương yêu của gia đình hay lớp học thì chúng sẽ không bao giờ trở thành những kẻ xấu ác.

Nếu những đứa trẻ được lớn lên trong một môi trường luôn bị dày vò bởi những đam mê vật chất, chứng kiến những thói hư tật xấu mà người lớn gieo vào tâm hồn chúng như tính ích kỷ, hận thù, nhỏ nhen, thô bạo… thì những đứa trẻ bất hạnh ấy sẽ bị rơi vào những vũng xoáy của tội lỗi, bởi lẽ ở đó là một khoảng trống văn hóa mà những người lớn, những người có trách nhiệm đã vô tình hay cố ý xô đẩy chúng vào đó. Đây là một vấn đề đáng báo động khi tuổi trẻ đang phải ăn đong lý tưởng và đang ở tình trạng “suy dinh dưỡng tâm hồn” trầm trọng mà lại phải ngốn các món ăn độc hại về thói dối trá, về tính vụ lợi đến tàn nhẫn… Họ cần phải hiểu rằng họ đang hạnh phúc hơn bao nhiêu người khi họ có một nguồn phúc lạc tràn đầy: Gia đình, trong đó vai trò người cha người mẹ là không thể phủ nhận, vì họ là người đưa con trẻ vào đời và vui buồn theo thăng trầm, thành công hay thất bại của chúng. Các em phải ý thức về tình trạng hạnh phúc của mình khi hiểu rằng: “Mình có một đôi mắt sáng trong khi hàng triệu người trên thế giới bị mù; mình có một gia đình hạnh phúc trong khi bao đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ; mình có đầy đủ thức ăn, nước uống hàng ngày trong khi bao nhiêu người đang chết đói, chết khát”.

Sự kế tục miên trường

Hiếu là sự kế tục miên trường khi trải dài vô cùng tận vì Phật giáo quan niệm bất cứ ai cũng có thể là cha mẹ mình trong một kiếp trước. Hãy nhớ rằng chúng sinh hôm nay có thể ai đó là cha là mẹ anh chị em chúng ta trong tiền kiếp và cứ thế sự kế tục là vô tận…

Diễn tả chữ Hiếu là đắp đền tiếp nối từ đời này sang đời nọ, từ kiếp này sang kiếp khác, nay thì kiếp này con mồ côi nhưng mẹ lại hội ngộ cùng bà trong cõi khác, nghe thật gần gũi, dù trong tâm thức phàm trần, đứa con rất buồn khi nói thế!

Trong phim từng được chiếu trước đây “Mama Mia”, một bài hát nổi tiếng của ban nhạc Abba “My Love, my Life” được hát lên khi diễn tả niềm vui của người mẹ khi có đứa con đầu lòng, cô nhớ đến mẹ mình khi hoài thai ngày xưa, cũng thế!

In the mirror of your eyes, my love, my life

I can see it all so clearly…

Like reflections of your mind, my love, my life

Are the words you try to find, my love, my life.

(Soi gương đôi mắt con, (mẹ thấy) tình yêu của mẹ, cuộc đời mẹ.

Mẹ có thể nhìn thấy tất cả rất rõ ràng…

Như sự phản chiếu của tâm trí con , tình yêu của mẹ, cuộc đời mẹ.

Là những ngôn từ con cố tìm kiếm, tình yêu của mẹ, cuộc đời mẹ.)

Đứa con chính là tình yêu và cuộc đời nối dài của người mẹ.

Thiền sư Nhất Hạnh khi dạy về “Ba cái lạy” hoặc “Năm cái lạy”, nói rõ về cái lạy đầu tiên:

“Con trở về kính lạy liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại. Con thấy cha mẹ và xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên”.

(Thích Nhất Hạnh, Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy)

Chỉ cần một buổi chiều gặp bạn bè cũ ở lứa tuổi U-60, U-70 là sẽ nghe nhiều người ta thán về thái độ lạnh lùng của con cái, cả con dâu và con ruột, lối sống thực dụng đến tàn nhẫn. Thái độ đối với cha mẹ, dù giàu hay nghèo, mới quan trọng, chứ không phải chuẩn bị mâm cao cỗ đầy giao phó cho người giúp việc và nghĩ rằng đã hoàn thành nghĩa vụ làm con là cách làm sai lầm phổ biến hiện nay.

Đừng đổ lỗi cho nếp sống công nghiệp hay kinh tế thị trường vì nó vốn phi đạo đức, nhưng thái độ vô đạo đức đến từ những chủ thể hành động, là những người con đang có mặt trong đời sống nhưng vắng mặt trong khi thực hiện nghĩa vụ hiếu kính cha mẹ. Để rồi một ngày nào đó họ khuất bóng mới đập đầu than khóc cho sự vô tâm của mình thì đã quá trễ!

Hãy cùng vun đắp chữ hiếu hôm nay và mong rằng sự hy sinh của cha mẹ khi họ còn trẻ sẽ được bù đắp trong tuổi già. Suy cho cùng, đó là nguồn phúc lạc dài lâu cần đắp đền tiếp nối.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6793203