CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG VĂN HỌC ĐỜI TRẦN
Nói đến thời đại nhà Trần (1226-1400), người ta thường nói đến thời kỳ huy hoàng của đạo Phật, dường như chưa mấy ai nói đến cái nỗi khổ của nhân dân, nhất là thời vãn Trần. Nhưng văn học đời Trần không tránh né mặt trái ấy và qua văn học đời Trần, ta càng thấy chủ nghĩa nhân đạo bàng bạc trong đó.
Nhà Trần (1226 - 1400) có thể chia ra làm hai giai đoạn, đó là thời kỳ thịnh Trần và thời kỳ vãn Trần. Song xét về phần văn học thì chúng ta thấy rằng: Vào thời kỳ thịnh Trần vận mệnh dân tộc được đặt lên hàng đầu, văn học trong giai đoạn này đã kịp thời phản ánh khí thế Đông A với tinh thần sục sôi kháng chiến. Đến với giai đoạn vãn Trần, chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện ở một khía cạnh khác. Vì lúc này đây: “Văn thơ phê phán giai cấp thống trị, phơi bày nỗi khổ của nhân dân cuối đời Trần cũng chan chứa tấm lòng nhân văn, nhân đạo của tác giả”(1), chế độ phong kiến lúc này sa vào con đường suy thoái.
Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học đời Trần đã làm được ba nhiệm vụ, ấy là: Thể hiện khí phách, tinh thần dân tộc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa nhân đạo; góp tiếng nói vào việc phê phán sự suy tàn của chế độ phong kiến đương thời; từ trong nhãn quan của đạo lý nhân văn, các tác giả như thể nới rộng vòng tay đón lấy những số phận đau thương cực khổ của dân nghèo.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa nhân đạo của văn học đời Trần, biết kết hợp được đạo lý truyền thống nhân văn chủ nghĩa của dân tộc, biết tạo ra cho mình một đặc trưng riêng cùng hòa nhập vào dòng văn học nhân đạo chủ nghĩa của dân tộc.
Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa nhân đạo
Khi nhắc đến nội dung văn học yêu nước đời Trần, người ta thường nghĩ ngay tới dòng văn học chống giặc cứu nước. Quân Nguyên - Mông thế rất hùng mạnh, chưa hề nếm mùi thất bại trên đường trường chinh Âu - Á, vậy mà đã phải ba lần cuống cuồng rút chạy một cách nhục nhã trước sức mạnh của quân và dân Đại Việt, đến nỗi sau này khi nhắc lại chuyện đó thì Nguyễn Trung Ngạn vi
“Tòng quân lão thú tằng kinh chiến
Thuyết đáo Nam chinh các tự sầu’’(2) (Ung Châu)
(Lính già đã nếm mùi chinh chiến
Nói tới Nam chinh luống ngậm ngùi)
Nối tiếp khí thế chiến thắng của nhân dân Đại Việt, Trần Quang Khải - một vị tướng tài của dân tộc đã thể hiện sự hiên ngang khí phách. Tức cảnh trước sự thắng lợi rực rỡ của dân tộc. Trần Quang Khải đã biểu hiện thái độ vững vàng, với niềm tin chiến thắng:
“Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san” (Tụng giá hoàn kinh sư)
(Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu)
Để đất nước ấy thanh bình là niềm mong mỏi của biết bao thế hệ. Cả bài thơ chỉ đọng lại trong người đọc một câu thôi: “Thái bình nên gắng sức”. Chính tác giả là một trong những người đem lại nền thái bình cho nhân dân Đại Việt, chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện ở chỗ đó. Thật là: “Trên hay dưới, ai cũng như ai, đều phải sử dụng thích đáng từng phút, từng giây thanh bình vô giá đó. Có thế mới xứng đáng nối tiếp được cái “nước non” mà ông cha ta trao vào tay mình, mới làm cho “nước non” này trở thành “nước non muôn thuở””(3).
Tóm lại, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa nhân đạo trong văn học đời Trần mới chỉ là nét đầu tiên của quá trình tìm hiểu chủ nghĩa nhân đạo. Từ những vần thơ yêu nước đã thể hiện ý chí của dân tộc vươn lên đánh giặc cứu nước, vua tôi nhà Trần đã sát cánh kề vai nhau đánh giặc vì lợi ích của dân tộc. Chính các vị vua đời Trần đã “nhắc nhở con cháu mình chớ quên rằng tổ tiên của họ xưa kia cũng chỉ là những người dân đen”. Chính điều này đã tạo nên mối quan hệ thân thiện, một sự hòa đồng hiếm có giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị trong quốc gia phong kiến đời Trần.
Phê phán sự suy thoái của chế độ phong kiến nhà Trần
Vào cuối đời Trần, hùng khí Đông A không còn nữa, giai cấp thống trị dần dần đi vào con đường sa đọa. Những tiếng kêu thống thiết của quần chúng tích lũy từ bao nhiêu năm tháng đến đây bỗng có dịp cất lên. Yêu cầu tố cáo hiện thực ngang nhiên đi vào thơ văn, và để đáp ứng nó, một loạt hình thức văn học tự sự xuất hiện.
Dưới nhãn quan nhân đạo của nhà thơ Đỗ Tử Vi, ông đã thấy xã hội ấy như một cái ung nhọt, đang chứa đựng đầy dẫy máu mủ dơ bẩn nhất của nó. Nhà thơ muốn làm sao cho cái xã hội này được lành mạnh, trong sạch. Thơ viết:
“Việt Tỉnh thê lương, thảo sắc thu
Tích lưu sự khứ sử nhân sầu
Bằng thùy mịch đắc tam niên giải
Ý ngã kiền khôn nhất nhuế vưu”
(Quá Việt Tỉnh cương)
(Đồi Việt Tỉnh thê lương, cây cỏ nhuốm sắc thu
Dấu còn những chuyện cũ đã qua, khiến người buồn
Nhờ ai tìm được thứ ngải ba năm
Chữa giùm ta cái ung bướu của trời đất)
Chế độ phong kiến thời vãn Trần đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác cho nhân dân, đã gây ra cảnh vua quan nhu nhược, ăn chơi sa đoạ, vơ vét tài sản của nhân dân. Vì thế mà nhà thơ Nguyễn Phi Khanh đã viết:
“Đạo huề thiên lý xích như thiêu
Điền dã hưu ta ý bất liêu?
Hậu thổ sơn hà phương địch địch
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều!
Lại tư võng cổ hồn đa kiệt
Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu”
(Thôn cư cảm sự ký trình Băng Hồ tướng công)
(Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy
Đồng quê than van, không biết trông cậy vào đâu?
Non sông của Hậu thổ đang nức nẻ
Mưa móc của Hoàng thiên hãy còn xa vời
Lưỡi quan tham lại vơ vét hết kiệt
Mỡ màng của dân chỉ cạn mất nửa)
Ấy là lời tố cáo của Nguyễn Phi Khanh đối với bọn quan tham ô lại, điều này khiến cho Nguyễn Tử Thành tỏ vẻ luyến tiếc thời hoàng kim và càng đau xót trước thực trạng của đất nước:
“Tự cổ giai vân Thục Đế hồn
Sào cư độc đắc chúng cầm tôn
Phi lai chỉ ái xuân sơn hảo
Điện các hoang lương yên vũ thôn” (Tiếu đồ vũ)
(Xưa hồn Thục Đế hóa thành mi
Chim chóc, riêng mi được nể vì
Núi đẹp xuân tươi mi thích chí
Tiêu điều đất nước, có hay gì!)
Nhà thơ trách bọn cầm quyền thống trị đã để giang sơn hùng vĩ giàu truyền thống dân tộc, một đất nước đã có hơn nghìn năm văn hiến được các vị Tiên hoàng giao phó, giờ đây đã rơi vào cảnh hoang tàn.
“Nhãn cao tứ hải tịnh vô trần
Bắc cố sơn hà phá toái xuân”
(Chu trung vãn thiếu)
(Bốn biển xa trông sạch bụi trần
Sơn hà ngoảnh lại thấy nào xuân)
Càng về sau chế độ phong kiến cuối thời Trần đã đi ngược lại với niềm mong mỏi của nhân dân, những người có trách nhiệm “cầm cân nảy mực” đã không làm tròn được chức năng của mình. Với cảnh tượng mà Trần Nguyên Đán nói ra sau đây cho chúng ta thấy rõ sự thật phũ phàng đến chừng nào:
“Gia bần bất tác vô tiền thán
Đồng xú kim do hãn sử bình”
(Cửu nguyệt đối cúc canh ngự chế thi vận)
(Nhà nghèo, nhưng chẳng vì không tiền mà than thở
Hơi đồng hôi tanh, sử xanh đã bình nay vẫn còn)
Hàng loạt những bài văn thơ lên án chế độ phong kiến suy tàn như là một bài ca bất hủ đã rung động lòng người. Chúng ta hãy trở lại nỗi lòng nhân đạo của Trần Nguyên Đán, ông càng đau xót cho xã hội hỗn quân, hỗn quan, lại càng không muốn nhìn thấy cảnh người nông dân suốt tháng năm phải phục vụ cho cuộc sống xa hoa của bọn thống trị:
“Nhất tiếu vô ưu trang thất bảo
Long xà đôi trác dịch dân lao” (Bảo Nghiêm tháp)
(Cười cho sự vô lo, đem thất bảo tô điểm lên tháp
Chạm trổ rồng rắn làm cho dân phải mệt nhọc)
Chỉ vì quyền lợi ích kỷ của mình, giai cấp thống trị đã làm cho nhân dân đương thời phải sống trong nỗi đau khổ tột cùng. Và để góp phần vào tiếng nói lên án giai cấp thống trị đương thời, Phạm Nhữ Dực đã ví chế độ phong kiến cuối đời Trần bằng một hình ảnh rất thiết thực, cụ thể:
“Nhân ngôn phá xỉ sự kham ta
Đố độc niên lai huống chuyển gia” (Phá xỉ hý tác)
(Người rằng răng gãy thật buồn tênh
Sâu độc gần đây khoét cũng kinh)
Nhìn chung, với mục đích vì lợi ích của nhân dân, vì quyền sống của con người, các nhà văn, nhà thơ của thời đại vãn Trần đã góp tiếng nói chung nhằm phê phán chế độ xã hội suy thoái và cũng nhằm thức tỉnh họ hãy trở lại với cuộc sống khả quan hơn, biết yêu thương nhân dân hơn. Đất nước Đại Việt sau thế kỷ XIII như một người đau mới khỏi bệnh, hay là một người đang lụi tàn? Thực trạng này đã có sự chứng minh qua thơ văn của các tác giả. Song âm hưởng chủ đạo của dòng văn học thời này là sự nối tiếp của chủ nghĩa nhân đạo truyền thống, chỉ vì cuộc sống của nhân dân, vì hạnh phúc của con người.
Quan tâm đến số phận con người
Khi nói tới vấn đề quan tâm đến số phận của con người không thể không nói đến Trần Nguyên Đán, ông là một quý tộc nhà Trần, nhưng ông lại là người thông cảm sâu sắc với nhân dân đương thời. Ông viết:
“Niên lai hạ hạn hựu thu lâm
Hoà cảo miêu thương hại chuyển tâm
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ
Bạch đầu không phụ ái dân tâm”
(Nhâm Dần niên lục nguyệt tác)
(Mấy năm liền mùa hè bị hạn, mùa thu bị lũ lụt
Lúa khô mạ thối, tai hại rất nhiều
Đọc ba vạn quyển sách mà thành vô dụng
Đầu bạc luống phụ lòng yêu dân)
Ông đã già rồi, không còn khả năng để có thể làm được một cái gì đó có ích cho đời. Tâm niệm ở nơi ông là làm sao để cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Ông luôn theo dõi từng biến động của đời sống nhân dân. Chính dân đói, nước loạn là cảnh làm cho ông thêm đau khổ. Ông luôn tự đấu tranh tư tưởng luôn trăn trở tìm ra một phương kế nhằm giảm bớt phần nào nổi khổ cực của nhân dân.
“Quan xá thu sương lậu chuyển trì
Cổ viên tùng cúc tại thiên nhi
Mục tiền tận thị quan tâm sự
Bệnh dũ bất như do bệnh thì” (Bất mị)
(Chốn quan xá, trong sương thu, giọt đồng hồ nhỏ chậm
Tùng cúc nơi vườn cũ ở tận chân trời xa
Trước mắt toàn là những việc phải quan tâm
Bệnh khỏi không bằng khi còn bệnh)
Bên cạnh Trần Nguyên Đán còn có Nguyễn Phi Khanh, người sẽ tiếp tục mạch suy nghĩ ấy của nhạc gia trong nhiều bài thơ của mình. Nguyễn Phi Khanh viết:
“Liên cừ vạn tính giai ngô nhĩ
Tị ốc thùy gia diện diện hàn”
(Thù Đạo Khê Thái học “xuân hàn” vận)
(Chỉ xót thương muôn họ là đồng bào của ta
Dưới mái hiên chen chúc của nhà ai kia, khuôn mặt nào cũng rét buốt)
Nỗi xót xa của Nguyễn Phi Khanh chính là nỗi xót xa chung của nhà Nho chân chính đương thời, nỗi khổ cực của nhân dân là hậu quả của sự khủng hoảng trong chế độ phong kiến cuối đời Trần. Chế độ phong kiến đương thời ra sức vơ vét của cải cho thỏa lòng tham không đáy để xây dựng lâu đài, đình tạ. Còn trong lúc đó:
“Vạn tính ngao ngao đãi bộ cầu
Thùy gia kim ngọc á cao khâu”
(Hồng Châu kiểm chính dĩ dư vận tác thuật hoài thi,
kiến phúc, dụng kỳ vận dĩ tặng. Kỳ nhất)
(Muôn họ đang nháo nhác chờ miếng cơm manh áo
Nhà ai đó vàng ngọc sánh ngang với gò cao)
Đây là lần thứ hai Nguyễn Phi Khanh nhận rõ khuôn mặt của những người dân nghèo khổ. Lần thứ nhất ông thấy: “Dưới mái hiên của nhà ai kia, khuôn mặt nào cũng rét buốt” và lần này ông lại thấy sự đói ăn thiếu mặc của nhân dân. Ông thương cảm cho nỗi khổ cực của nhân dân, chính vì thế có lúc Nguyễn Phi Khanh đã mạnh dạn thốt lên rằng:
“Mạn tằng nhất đệ sá hương lân
Thùy đạo thanh phong bất liệu bần”
(Hồng Châu... Kỳ nhị)
(Đã từng thi đậu, nổi tiếng ở xóm làng
Ai bảo phong độ thanh cao chẳng chữa được cái nghèo)
Với số lượng không nhiều, nhưng những vần thơ mang đậm tinh thần nhân đạo chủ nghĩa quan tâm đến số phận con người - nhân dân, đã phần nào tạo nên một diện mạo phong phú cho văn học đời Trần. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều có nguồn cảm xúc riêng, song suy cho cùng, các nhà thơ đều hướng lòng nhân đạo của mình về với những người dân lao động khốn khổ. Thơ của họ là thứ vũ khí sắc bén lên án chế độ phong kiến đương thời đã không kham nỗi sứ mệnh lịch sử của mình, không còn sức để vỗ về trăm họ.
Nỗi lòng của các nhà thơ
Chúng ta thử đọc những vần thơ sau đây của Chu Đường Anh:
“Ngọc hoa dạ chiếu tuyệt quyền kỳ
Dục bãi khiên lai cận xích trì
Nhược sử ái nhân như ái mã
Thương sinh hà chí hữu thương di?”
(Đề Đường Minh Hoàng dục mã đồ)
(Con ngựa “Ngọc hoa chiếu dạ” chạy giỏi tuyệt vời
Tắm xong dắt đến gần thềm son
Nếu vua yêu người cũng như yêu ngựa
Thì dân đen đâu đến nỗi cơ cực?)
Bài thơ phê phán sự thờ ơ của vua quan đối với người dân, từ đó hàng loạt những tác giả đã lên tiếng bảo vệ quyền sống của con người.
Nguyễn Tử Thành đã bày tỏ nỗi lòng của mình rằng:
“Lang miếu ưu phương thiết
Yên hà tật vị tô
Ung dung Nghiêu cố thác
Khải ốc Thuấn mưu mô
Y quốc cam tâm bệnh
Phì dân liệu tự cồ”
(Tư đồ cố cư)
(Lòng lo triều đình đang khẩn thiết
Thú yên hà vẫn chửa nguôi
Ung dung, ấy chỗ trông cậy của vua Nghiêu
Cởi mở, kia nguồn mưu kế của vua Thuấn
Chạy chữa cho cả nước, riêng cam tâm bệnh
Làm cho dân béo tốt, biết mình sẽ gầy)
Ở đây tác giả đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với đất nước và nhân dân. Ông biết hy sinh những gì mình có thể làm được, để hằng mong “chạy chữa cho cả nước”. Nguyễn Tử Thành là hiện thân của truyền thống, của đạo lý “mình vì mọi người” đây là một cử chỉ đẹp biết đem đến cho dân một cuộc sống no ấm. Ông cũng nói rõ ra được việc làm của ông và cái thiệt thòi đến với ông là gì? Đó là “riêng cam tâm bệnh”, “biết mình sẽ gầy”. Thật là cao quý, cái giá trị lòng nhân đạo của con người là ở đó.
Còn với Chu Văn An, một người thầy, một nhà nho mẫu mực dám dâng sớ xin vua chém bảy tên lộng thần, nhưng không được. Vốn không màng công danh khi về ở ẩn, lòng ông vẫn thổn thức vì xã hội loạn lạc, vua quan bê tha, điều đó đã làm cho ông lòng luôn nặng trĩu “Nghe nói đến Tiên hoàng thì hai hàng lệ rơi”. Chính vì thế mà khi đa số các nhà nho yêu dân mến nước đã không nỡ: “Ngồi trong yên tĩnh mà nhìn sự biến đổi của trời đất” mà buộc họ phải hành động “Đỡ lúc nguy phò lúc gấp, đó mới là ý tốt”. Đó là ý mà Trần Nguyên Đán muốn tỏ lòng với Chu Văn An. Thơ rằng:
“Huệ trướng hốt kinh cô hạc oán
Bồ luân hảo vị hạ dân hồi
Xương kỳ xã tắc thiên phương tác
Khẳng sử tiên sinh lão bích ôi” (Tặng Chu Tiều Ẩn)
(Trong trướng huệ chớ sợ chim hạc cô đơn oán giận
Bánh xe cỏ bồ hãy vì dân mà quay trở lại
Xã tắc đương hồi thịnh, trời cũng giúp vì
Đâu chịu để tiên sinh già đi ở chốn non xanh)
Hãy vì dân - đó là niềm mong mỏi của các nhà thơ, nhìn thấy nỗi khổ của dân mà không ra giúp gì được cho dân đó là điều hổ thẹn. Chính sách vỗ về lương dân ngày trước giờ đây không còn nữa, xã hội vãn Trần đã đẩy người dân vào con đường cùng, coi dân như cỏ rác, vua không còn đủ sức để chăn dân, không còn quan hệ ruột thịt với nhân dân và từ đó triều đình với nhân dân càng có nhiều mẫu thuẫn gay gắt. Chính những điều đó đã làm nhà thơ Nguyễn Phi Khanh trong đêm ngắm trăng sáng của tiết Trung thu khiến ông ao ước:
“Nguyện bằng thiên thượng thanh quang dạ
Biến chiếu nhân gian tật khổ sầu” (Trung thu cảm sự)
(Xin nhờ thượng giới đêm trăng sáng
Soi thấu nhân gian nỗi khổ sầu)
Với nỗi lòng của mình như vậy, ông luôn luôn ao ước tìm ra cho nhân dân một con đường hạnh phúc. Chính điều này đã chứng tỏ rằng Nguyễn Phi Khanh không hề tuyệt vọng chút nào, ông đã cố gắng tìm ra cho được một giải pháp cứu dân, tìm ra con đường đưa người dân đến với hạnh phúc.
Nhìn chung, chủ nghĩa nhân đạo được biểu hiện trong văn học đời Trần là vì lợi ích chung của con người, đặt mối quan hệ giữa cá nhân tác giả với nhân dân, để thấy rõ nỗi khổ của nhân dân, từ đó tìm ra phương hướng thích hợp nhằm giải thoát con người ra khỏi cảnh đời đen tối.
Biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học đời Trần là sự chia sẻ với từng số phận khổ đau của nhân dân, là niềm tin sâu xa, là sự tôn trọng chân thành vào khả năng, bản chất và trí tuệ của con người, là sự bênh vực, hy sinh phấn đấu không ngừng cho sự tồn sinh và phát triển những khát vọng chính đáng mà mình từng ao ước. Sự hiện diện của chủ nghĩa nhân đạo tốt đẹp đó trong văn học đời Trần như là một viên ngọc quý, chúng ta càng mài thì nó lại càng sáng và toả sáng mãi cho đến ngày hôm nay.
[*] Giáo viên Trường THPT Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
(1): Lê Trí Viễn (1998): Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
(2): Tất cả các bài thơ trích dẫn đều lấy từ sách: Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Văn học (1977): Thơ văn Lý - Trần. Tập 1. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, (1989) Thơ văn Lý - Trần. Tập 2, quyển Thượng, (1978): Thơ văn Lý - Trần. Tập 3.
(3): Nguyễn Huệ Chi (1983): Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam thời kỳ cổ cận đại, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội.Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết