Thông tin

CHỮ NHẪN VỚI THIỀU CHỬU

 

KS. DƯƠNG XUÂN THỰ
Nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Xây dựng

 

Trong lời “thích” truyện Quan Âm Thị Kính, Thiều Chửu đã có đoạn viết kêu gọi người tu hành hãy cùng Thiều Chửu luôn luôn đọc câu:

Sá thù chi đứa dâm ô,

Nước tùy duyên rửa đi cho kẻo mà.

Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hoà,

Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu.

Phải chăng Thiều Chửu đã xem “nhẫn” là điều răn cốt yếu đối với người tu hành và hơn thế người chân tu càng phải nhẫn hơn. Thiều Chửu còn giải thích thêm: “nhẫn đến không thấy có sự kia là nhục, có mình là đã nhẫn được nữa thì mới thực là vô sinh nhẫn, mới là chân tu”.

Nhẫn nghĩa là “nén chịu đựng”, nói rõ ra là chịu đựng khi bị động gặp hoàn cảnh khách quan không thuận lợi, và “nhẫn” còn là “nhẫn nại” tự mình kiên trì thực hiện việc gì đó dù có lúc gặp khó khăn.

Như vậy “nhẫn” là một đức tính cần có, không chỉ ở người tu hành mà ở tất cả mọi người. Trong xã hội hiện nay nhiều người cố tìm cho mình một chữ (chữ Hán) phù hợp với mình nhất để treo trong nhà, như là một tấm gương nhắc nhở mình và cũng là để răn dạy con cháu trong nhà suy nghĩ và làm theo: các chữ tâm, đức, phúc, minh, khiêm... Chữ “nhẫn” cũng là một chữ mà nhiều người đã chọn. Có người còn ghi chép “thập nhẫn vi lạc” mười điều nhẫn làm cho an lạc, là mười điều khuyên mọi người năng nhẫn thì sẽ đạt được những điều tốt đẹp, cha hiền con thảo, anh em tình nghĩa, vợ chồng hạnh phúc, họ hàng hoà khí, phúc sinh thọ trường, trí tuệ nâng cao...

Thiều Chửu coi trọng chữ nhẫn và chính Thiều Chửu đã nhẫn suốt cuộc đời mình để luyện tâm thích ứng với mọi hành cảnh và tự lập thân mình.

Từ khi nhỏ tuổi, trong điều kiện gia đình khó khăn lại vừa phải vất vả lao động, Thiều Chửu không một ngày được ngồi trên ghế nhà trường đã có một nghị lực lớn lao kiên trì tự học, học chữ Hán và tiếng Anh. Nhiều người cũng đã tự học, nhất là ngoại ngữ, nhưng tự học chữ Hán, lại học giỏi để đi làm thầy dạy, còn biên dịch được hơn 40 bộ sách kinh Phật cùng với lời giải thích kinh (một loại sách khó cả về chữ và văn) rồi lại một mình làm nên bộ Hán Việt tự điển thì có lẽ hiếm thấy. Khó biết được hết những khó khăn trở ngại trong cả quá trình lao động nhiều năm ấy. Phải có một ý thức kiên cường, nhẫn nại, bền bỉ, không sợ khổ mới làm được đến thế. Thiều Chửu đã viết: “sướng khổ, khổ sướng cùng làm nhân quả cho nhau. Người biết lẽ ấy thì có thân ở đời chỉ cốt sao cho trọn đạo làm người để tự lập lấy mình, lại gây dựng cho người, sướng chẳng ham mà khổ chẳng sợ cứ thuận theo lẽ phải mà sống”.

Thiều Chửu còn cho rằng: “có bị nhiều cảnh ê chề thì tâm trí mới thêm bền bỉ, mà tài trí cũng ở đó mà ra”. Sự chịu đựng ở đây còn được xem là một dịp tốt để tâm và trí được rèn luyện.

Tôi được nghe kể chuyện về những năm mà người anh trong họ tôi1 đã từng theo Thiều Chửu để học chữ Hán và có lúc cả về thuốc Đông y (từ năm 1935 đến năm 1941). Anh gọi Thiều Chửu bằng cụ và kể cho tôi nghe đôi điều anh nhớ mãi. Lúc đó có gần 30 anh em trẻ ở ngay trong chùa Quán Sứ với cụ. Thế mà chỉ có mình cụ chủ trì quán xuyến mọi việc: từ lo toan ăn, ở, đến hướng dẫn để mỗi người tham gia một việc như in sách, báo Đuốc Tuệ hay kinh Phật, làm hương để bán cho khách đến lễ chùa, hay đi tăng gia sản xuất. Tối đến tất cả phải vào học tập hoặc làm lễ, cụ lại là người thầy giảng giải kinh Phật hoặc dạy chữ Hán. Cụ làm việc không biết mệt mỏi, xong đến khuya còn tiếp tục thức để đọc sách, dịch kinh, viết bài cho báo Đuốc Tuệ, và còn học tiếng Anh nữa.

Có một việc anh được chứng kiến trên đồng ruộng Ngã Tư Sở: mấy anh em đi theo cụ nhận phần ruộng được giao để tăng gia sản xuất. Khi đóng cọc làm mốc phần ruộng được nhận, cụ giữ cọc cho một học trò cầm vồ đóng. Do thiếu ăn khớp với nhau, nên vô tình khi học trò đập vào đầu cọc thì đồng thời cũng đập vào một ngón tay của cụ. Máu chảy ra, cụ đau điếng người học trò lặng đi sợ quá. Nhưng cụ vẫn bình tĩnh, im lặng không kêu ca một lời nào mà chỉ tìm cách băng bó ngón tay. Thường trong những trường hợp như thế, cụ lại trách mình sao không cẩn thận hoặc cụ cho là tại mình chưa răn bảo nên mới để xảy ra như vậy. Thật là một tấm lòng vị tha.

Nói về sinh hoạt của cụ thì giản dị mộc mạc đến mức như khắc khổ với bản thân. Hằng ngày cụ ăn một bữa cơm chay vào đúng giờ ngọ. Cụ làm việc say mê, có thể hơn 10, 12 giờ mỗi ngày, nên cụ ăn khoẻ và rất điều độ. Cụ thường mặc quần trắng, áo dài thâm. Anh nói rõ: vải để may quần áo của cụ là loại vải dệt bằng tay, khổ vải khoảng 0.40m, thường gọi là vải vuông vì đo bằng vuông chứ không bằng mét, một vuông vải là làm vừa một cái yếm phụ nữ. Vải để may áo thì nhuộm bằng củ nâu rồi ngã bùn cho thâm xẫm lại, gọi là vải thâm. Rét thì có thêm một áo sợi bên trong. Nếu đi lại trong chùa hay trong Hà Nội thì bao giờ cụ cũng đi đôi guốc mộc. Đi đâu xa mới dùng một đôi dép có quai sau. Nếu phải đi xe đạp thì lúc ngồi lên xe cụ dắt vạt áo sau vào cạp quần cho gọn ghẽ.

Anh nói: sau nay ta mới nêu ra khẩu hiệu “mình vì mọi người” nhưng lúc đó cụ đã là người thực hiện câu ấy rồi. Cụ hay khuyên mọi người xung quanh phải luôn luôn cứ theo đường phải mà làm để giữ được cái tâm chân chính.

Kể chuyện cụ, đến bây giờ anh vẫn thấy cụ là một con người đức độ khiêm nhường.

Cuộc sống của Thiều Chửu là như thế, như ông đã viết: “Con người tu hành đang lúc tu tâm luyện tính, cấm chế vật dục, gột rửa tội ác, ngoài thì hoàn cảnh trái ngược, khổ xác não lòng, phải chịu biết bao nỗi khuất phục đau khổ, nếu không bền gan quyết chí, giữa đường biếng nhác thì có đời nào mà được hưởng cái quả thân vàng chói lọi”.

Thiều Chửu viết khuyên người tu hành mà cũng là cho mình, và chính Thiều Chửu đã bền gan quyết chí ngay từ khi còn nhỏ tuổi, phải đi xa lao động lo kiếm sống, bán hàng vặt hay lang thang mò cua bắt ốc. Đã có nhiều chuyện viết về cuộc sống của ông. Chỉ xin nhắc lại một đoạn đường đi trong kháng chiến chống Pháp. Ông rời Hà nội đi tản cư, một mình đèo bòng 40 con người là lớp học trẻ em nghèo do ông mở ra. Biết bao gian nan vất vả, lo toan ăn, ở, thuốc men cho chừng ấy người vào làng quê nghèo trong lúc chiến tranh ác liệt, với hai bàn tay trắng, đâu có dễ. Ấy thế mà chẳng những ông tổ chức tốt cho các em ăn no áo đủ, lại còn duy trì việc dạy các em, đồng thời mở lớp học bình dân học vụ cho nhân dân địa phương. Bền gan quyết chí ở đây lại còn là để thực hiện một công việc nhân đạo, cứu nhân độ thế, mà Thiều Chửu tự đón lấy. Ở một đoạn viết khác, Thiều Chửu lại nhắc thêm phải vui vẻ không được oán trời trách người: “Nếu thấy cảnh nghịch nó đến mà oán trời trách người thì chỉ thêm nghiệp chướng nặng đầy, mà khổ vẫn phải chịu, đổ cho ai được. Cái khổ đã chẳng đổ cho ai được thì vui vẻ mà chịu, mà cải tạo một cái đời khác thì cảnh nghịch kia chẳng những là cái cảnh làm khổ ta, mà chính là vê tròn cho ta nên người vậy, can chi mà oán phận hờn duyên”.

Tiếp theo Thiều Chửu lại còn bày cho nước cờ để giải khi gặp phải hoàn cảnh như thế: “Khi ta gặp hoàn cảnh xấu, ta cần phải thức tỉnh tâm ta quay đầu về đạo, đó là nước cờ cao nhất, chớ có bỏ qua mà mua thêm tủi chuốc thêm sầu, cho đến nỗi hao mòn héo hắt, ôm một mối hận, chết đi chỉ đem thêm một cái nghiệp nặng đoạ vào ngã ác mà thôi, có ích gì đâu”.

Những điều trên đây cho thấy Thiều Chửu đã thấm sâu chữ “nhẫn” hay nói “nhẫn” là bản chất con người Thiều Chửu, được biểu hiện rõ nét trong lời nói và việc làm của Thiều Chửu. Trong lời chú giải một sách kinh khác, Thiều Chửu cũng đã viết “nhẫn nhục là cái đức tính tốt nhất trong sự tu hành”.

Việc tự trầm mình của Thiều Chửu là một việc làm có suy nghĩ và được chuẩn bị mà Thiều Chửu đã trải qua đấu tranh tư tưởng, vì thế Thiều Chửu mới viết trong thư đề “Kính gửi Hồ Chủ Tịch” là “tôi toan tự tử ngay tối hôm 16”, rồi lại “phải gượng sống để đợi ngày sáng tỏ”. Và trước khi gieo mình, ông còn làm lễ tạ bốn phương. Đối với một người sống lặng lẽ thiên về nội tâm thì tổn thất về tinh thần mới là nặng nề. Thiều Chửu đã bị “sỉa sói mắng nhiếc” đến chỗ “buồn thảm nhục nhã” và ông không “còn biết van vỉ làm sao được nữa”. “Nhẫn” đã đến tột độ. Thiều Chửu đã lấy sự hy sinh là phương cách cuối cùng để mong làm sáng tỏ chân lý cứu giúp cho người: “xả thân cứu thế”. Thiều Chửu đã từng viết “xả thân nghĩa là hy sinh hết thảy, ngoài thì của cải danh tiếng, trong thì thân thể thịt xương không còn đoái tiếc một thứ gì.” Thiều Chửu đã làm như thế. Cái chết ở đây không phải vì chán đời, trốn đời mà chết để đạt được mục đích về tinh thần, tinh thần chân chính, chính tâm, một mục đích cao cả phục vụ cộng đồng, độ chúng sinh được gọi là sự hy sinh đúng nghĩa. ở đây cuộc cải cách ruộng đất có mắc sai lầm, mà chính Bác Hồ đã là người phải lau nước mắt khi nói đến chuyện đó.

Thiều Chửu lại còn cho biết: “Lắm vị thánh hiền vì đạo quên mình dù cho cả đời cười chê là điên rồ, là gàn dở cũng không hề nản lòng, cứ dốc một lòng làm mãi, làm mãi, có khi dăm ba năm, có khi trăm năm, có khi đến ngàn năm rồi đời mới biết rõ là phải mà rồi mới hè nhau mà xây đài kỷ niệm, làm đền phụng thờ. Thậm chí đang lúc làm đạo, họ giết, họ đánh, họ làm khổ đủ điều rồi ít lâu sau họ tỉnh cơn mê, họ lại làm đình dựng bia, lễ bái linh đình. Xem trong lịch sử xưa nay đã có biết bao người như thế”. Từ đó có lẽ Thiều Chửu khi trẫm mình đã đoan chắc rằng sẽ có một ngày mọi người sẽ hiểu ra Thiều Chửu là “tôi không có tội thật” và “tự hỏi lương tâm không thấy hổ thẹn” như Thiều Chửu đã viết trong thư. Và đúng thế, chỉ sau ít ngày ông đã được quy lại thành phần, như là một việc đầu tiên để hiểu về ông. Và hôm nay đây trong không khí đổi mới lại có nhiều đánh giá đầy đủ, tốt đẹp hơn nữa về ông - một cư sĩ hết mình vì Phật sự, một tấm gương trong sáng về đức tính “nhẫn”.

Ông còn viết : “Như đức Thích Ca ngồi tu thiền định, vua Ca Lợi vì ghen với Ngài mà chém chặt cả chân tay Phật, Phật không những không giận mà lại còn an ủi vua rằng: Ta tu đắc đạo ta sẽ độ cho nhà vua trước”. Biết đâu lúc này ở cõi Tây phương, Thiều Chửu cũng vẫn đang độ cho những ai xui khiến đưa ông đến bên bờ Thác huống trên sông Cầu.

Ngày 15.6.2002

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6705252