CHỮ “THỌ” NGÀY TẾT
VŨ THANH THANH
Dân tộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác có truyền thống kính trọng người già, xem người già, người có tuổi là người có nhiều kinh nghiệm, người hiểu biết. Cho nên dân gian thường nói: “Kính lão đắc thọ” hay “Kính già, già để tuổi cho”... Vào những dịp Tết, người ta hay chúc nhau mọi sự tốt lành. Trẻ con thì được chúc mau lớn nên người, người làm ăn thì được chúc buôn bán phát đạt, người đi học thì được chúc học hành tấn tới, đỗ đạt, làm quan... Đặc biệt là những người già cả thường được chúc có sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi. Đó là ước nguyện muôn đời mà con người mong ước vươn tới. Khỏe mạnh, sống lâu người ta gọi là “Thọ”. Vậy, nguồn gốc chữ “Thọ” như thế nào tưởng cũng nên tìm hiểu qua đôi chút cho biết.
Ngày xưa, khi các điều kiện về y tế chưa phát triển, con người cũng chưa có ý thức lắm về việc học hỏi và vận dụng các kiến thức về y học để chăm sóc cho sức khỏe của mình, nên con người sống không mấy thọ. Một số bệnh ngày nay, y học xem rất thông thường, nhưng ngày xưa là đã khá trầm trọng. Việc con người thời xưa sống đến 50 tuổi là một việc đáng mừng nên tổ chức tiệc ăn mừng, mà người ta gọi là mừng thọ, mừng thọ ngũ tuần, lục tuần... Về nguồn gốc của chữ “Thọ” thì theo truyền thuyết là nó bắt nguồn từ Trung Quốc, vào thời vua Phục Hy. Vua Phục Hy căn cứ vào Hà Đồ trên lưng con long mã nổi trên sông Hoàng Hà đặt ra tám quẻ và sáng tạo ra lối chữ long thư (hình dáng ngoằn ngoèo và dài như con rồng). Rồi tiếp đến các hoàng đế sau lập ra các kiểu chữ điểu tích (kiểu vết chân chim), quy thư (kiểu hình con rùa), khoa đẩu (kiểu hình dài như nòng nọc)... Các kiểu chữ này đều được tạo ra trên nguyên tắc lục thư (sáu cách cấu tạo nên chữ Hán: tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú và giả tá). Từ đời nhà Thương, chữ “Thọ” đã được sử dụng mặc dù còn rất thô sơ, chưa có hình thể hoàn chỉnh như bây giờ. Như chúng ta đã biết, chữ Hán là một thứ chữ tượng hình, ý nghĩa của nó nằm ngay trong hình thể của chữ, cho nên khi khái niệm về chữ “Thọ” ra đời, người ta cảm thấy rất khó khăn khi cụ thể hóa nó cho trọn ý nghĩa và hình thể của chữ. Vì vậy, người ta bèn mượn chữ “Trù” trong chữ giáp cốt để ghi khái niệm chữ “Thọ”. “Trù” có nghĩa là luống đất, mà luống đất thì chạy dài, uốn lượn theo địa hình trồng trọt, với hàm ý lâu dài, bền chặt, tốt tươi. Với hàm ý đó nên chữ “Trù” dễ dàng được chấp nhận sử dụng để diễn đạt cho khái niệm của chữ “Thọ”. Về sau, người ta cảm thấy bất tiện vì một chữ mà diễn đạt hai nghĩa hoàn toàn khác nhau, dễ gây hiểu lầm và khó phân biệt, nên người ta đã ghép thêm một chữ “Lão” (nghĩa là già) vào phía bên trên để chỉ ý. Như vậy, chữ “Thọ” lúc đầu là chữ hình thanh, sau này chuyển sang loại chỉ sự. Kể từ đó chữ “Thọ” không có sự thay đổi gì nữa và được sử dụng rộng rãi trong suốt chiều dài lịch sử và cho mãi đến sau này.
Vì chữ “Thọ” hàm nghĩa tốt, nên nó được mọi người ưa thích và sử dụng trong các lễ hiếu hỉ, khao vọng, tết nhất. Người ta chúc nhau “Bách niên giai lão”, “Phúc như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn”... với hàm ý khỏe mạnh, sống có nhân đức, nhân nghĩa được trường thọ với đời.
Cũng từ đó chữ “Thọ” được tôn vinh, nó được in trên thiệp, trên tranh... với các kiểu chữ khác nhau tạo cho nó thêm diễm lệ, viên mãn và giá trị của nó cũng được nâng lên. Rồi trong những ngày Tết Nguyên đán, người ta mua chữ “Thọ” về dán ở nhà, mua tranh Phước-Lộc-Thọ về treo, cũng như trưng tượng Phước-Lộc-Thọ... Tất cả nhằm hướng tới một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi.
Bình luận bài viết