CHÙA BẢO SƠN - THÔN NỘI NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TÂM LINH
PHÚC KIM
Chùa Bảo Sơn trước khi trùng tu (năm 2021)
Thôn Nội thuộc địa phận xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nơi đây, tự hào vì là mảnh đất có di chỉ khảo cổ học minh chứng cho sự tồn tại của cộng đồng người Việt cổ từ xa xưa với mộ thuyền Châu Can và văn hóa Đông Sơn. Thôn Nội còn có những danh lam thắng cảnh đình, chùa, miếu mạo, giếng nước mang đậm hồn quê Việt.
Chính quyền và nhân dân trong thôn luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng làng quê ấm no giàu đẹp. Hiện nay, trên địa bàn thôn có Dự án trục đường phía Nam Hà Tây cũ chạy qua. Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến đường trục phía Nam sẽ là tuyến đường trọng điểm của thủ đô Hà Nội góp phần kết nối các địa phương, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh.
Chính điện chùa Bảo Sơn và Cổng chùa Bảo Sơn (năm 2024)
Theo lịch sử và lời kể của các cụ cao niên truyền lại, thì trước nửa đầu thế kỉ XIX thời Nguyễn, dân 3 làng Tư Can, thôn Trung, thôn Nội cùng chung nhau thờ phụng một ngôi chùa Hồng Phúc ở thôn Trung (còn gọi là làng Giữa). Đến sau này, khoảng cuối thế kỷ XIX, dân cư các làng ngày càng trở nên đông đúc. Nhằm giúp cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của các làng được thuận tiện hơn, dân làng Tư Can và thôn Nội đã lập thêm 2 ngôi chùa ở làng mình. Ngôi chùa làng Tư Can lấy tên là Hồng Ân tự, còn ngôi chùa thôn Nội tên chữ là Bảo Sơn tự. Như vậy, về lịch sử thì 2 ngôi chùa Hồng Ân và Bảo Sơn có cùng khoảng niên đại thành lập. Nhắc lại lịch sử chùa Bảo Sơn, người dân thôn Nội càng thêm tự hào vì có một người con của quê hương mình đã phát tâm tiền của công đức xây dựng chùa làng và tu hành hoằng hóa tại chính quê hương bản quán. Đó là sư cụ Thích Đàm Thuần - người ở thôn Nội đồng thời là vị Tổ khai sơn ngôi chùa. Sau này khi sư cụ Đàm Thuần viên tịch, đệ tử của sư cụ pháp danh Thích Đàm Hoàn kế nghiệp trụ trì chùa Bảo Sơn.
Hiện nay, sư thầy Thích Đàm Hà thuộc sơn môn Đa Bảo đang trụ trì chùa. Ngoài cánh đồng thôn Nội gần Nhà văn hóa thôn, có một tòa bảo tháp là nơi thờ phụng hai vị sư tổ sau khi viên tịch. Sư cụ Thích Đàm Thuần viên tịch ngày 25 tháng 5, sư cụ Thích Đàm Hoàn viên tịch vào ngày mồng 8 tháng chạp âm lịch.
Lễ Phật đản ở chùa Bảo Sơn
Tồn tại đã qua hàng trăm năm, nhưng ngôi chùa vẫn là nơi gửi gắm ước nguyện tâm linh của bao thế hệ người làng. Tuy quy mô chùa không to lớn, nhưng chùa Bảo Sơn vẫn đầy đủ các hạng mục công trình như tòa Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, phòng khách. Tòa Tam Bảo 3 gian kiến trúc chùa Việt cổ Bắc Bộ với hậu cung thờ Phật và các vị Bồ Tát; tả hữu một bên thờ Đức Ông bên kia là Đức Thánh Hiền. Hai bên tường phía ngoài tiền đường, một bên thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên kia thờ anh linh các anh hùng liệt sĩ thôn Nội. Nhà thờ Tổ, thờ Phật Bà Quan Âm, Tổ Bồ Đề, các cụ Tổ Ni tu hành tại chùa và thờ các vong linh của các gia đình gửi hậu tại chùa. Bên kia đường là phủ thờ Mẫu, lầu cô, lầu cậu như bao ngôi chùa quê khác và phòng ở của sư thầy trụ trì. Trong năm, cứ đến những ngày đầu xuân năm mới, lễ Phật đản, lễ Vu Lan và các ngày giỗ Tổ..., chùa Bảo Sơn luôn đông đúc, thiện nam tín nữ và khách thập phương về chùa dâng hương bái Phật, nguyện cầu những điều phúc lành. Ngày thường, cảnh chùa trầm mặc bình yên dưới bóng cây hoa đại thơm ngát. Dù có đi đâu thì người dân nơi đây vẫn hướng về quê hương mình, mái chùa quê mình với bao tâm tình chan chứa.
Ai về thôn Nội Châu Can,
Lời thơ tiếng hát chứa chan ân tình.
Cây đa, giếng nước, mái đình,
Bảo Sơn chùa cổ yên bình làm sao.
Làng quê đổi mới biết bao,
Có đường cao tốc đi vào xóm thôn.
Bà con phấn đấu sớm hôm,
Xây nông thôn mới vẹn toàn chỉ tiêu.
“Quê hương” hai chữ thân yêu,
Xa quê chỉ nhớ nhung nhiều nơi đây.
Bình luận bài viết