Thông tin

CHÚA - BỒ TÁT MINH VƯƠNG NGUYỄN PHÚC CHU (1675-1725)

VỚI SỰ NGHIỆP MỞ MANG BỜ CÕI

VÀ PHẬT GIÁO Ở ĐÀNG TRONG

 

TUỆ KHƯƠNG*

 

Như chúng ta đã biết, sau khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, thì từng bước tuyệt giao, đối lập với Bình An vương Trịnh Tùng, đưa đất nước đến thời “Trịnh-Nguyễn phân tranh” kéo dài hai thế kỷ, lấy Sông Gianh (Linh Giang) là ranh giới: Vua Lê-Chúa Trịnh ở phía Bắc, gọi là xứ Đàng Ngoài hay Bắc Hà; Chúa Nguyễn ở phía Nam, gọi là xứ Đàng Trong hay Nam Hà. Nguyễn Hoàng được gọi là Chúa Tiên. Phần lãnh thổ của Chúa Tiên cai quản gồm hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam, trải dài từ sông Gianh - phía nam của dãy Hoành Sơn vào đến núi Đá Bia, đèo Cù Mông, Bình Định, giáp ranh với Phú Yên. Tương truyền là Chúa Nguyễn đã suy đoán và làm theo lời phán dạy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái, Vạn đại dung thân” (Về lời tiên đoán này, tôi nhớ từ niên khóa 1951-1952, khi còn học lớp đệ thất Trường Trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Dương), tôi được thầy giáo dạy văn diễn giảng mở rộng thêm: theo các bậc lão Nho - bạn của thầy giáo, quê ở Cổ Am, Vĩnh Bảo (xưa kia thuộc Hải Dương, sau này mới thuộc TP Hải Phòng) truyền lại, thì nguyên gốc câu nói của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm là: “ Hoành sơn hùng vĩ, Khả dĩ dung thân”. Có thể Chúa Nguyễn muốn lợi dụng uy danh của Trạng Trình, đã sửa thành “Hoành sơn nhất đái, Vạn đại dung thân” để củng cố niềm tin cho quần thần và lòng quyết tâm của chính mình, khi vào Nam lập nghiệp). Về thời kỳ này của lịch sử nước nhà được xem là khá nhạy cảm, đã có những nhìn nhận, đánh giá rất khác nhau của các nhà chính trị và sử học suốt nửa thế kỷ qua. Hơn mười năm gần đây, với độ lùi thời gian cần thiết và tinh thần đổi mới, dân chủ trong khoa học; sau nhiều cuộc hội thảo, đến nay các nhà khoa học xã hội, sử hoc… đã có sự tương đối đồng thuận, khách quan, “gạn đục, khơi trong”, đánh giá công bằng hơn về các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử nước nhà. Đó là sự nhìn nhận khách quan hơn đối với các chúa Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, xác lập nên bản đồ hiện đại của nước ta. Vương triều Nguyễn đã thống nhất đươc đất nước sau nhiều thế kỷ bị chia cắt, với sự kế thừa những thành quả của Tây Sơn - Quang Trung; Xây dựng một quốc gia tập quyền và quy củ, đã để lại nhiều di sản văn hóa trải dài, suốt từ Nam ra Bắc…

Cũng với tinh thân chung đó, chúng ta thấy rằng: Sau khi vào Nam, Chúa Tiên đã chăm lo xây dựng và phát triển mọi mặt ở Đàng Trong, để sớm được ổn định và từng bước thịnh vượng và thái bình. Kế thừa sự nghiệp của Chúa Tiên, các Chúa Nguyễn sau này, vừa lo chống lại các cuộc tấn công của Chúa Trịnh để bảo toàn lãnh thổ Đàng Trong, vừa lo mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Trong thành quả chung đó, Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu là nhân vật lịch sử có đóng góp lớn lao. Gần bốn chục năm cầm quyền đã mở rộng biên giới phương Nam đến tận Hà Tiên, các hải đảo, vùng biển và phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa tâm linh… cần đươc các nhà nghiên cứu lịch sử, Phật giáo tìm hiểu, đánh giá đúng mức công nghiệp của Ngài.

Sau bốn năm cầm quyền, vào đầu năm 1691 Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn bị bệnh và qua đời, hưởng thọ 42 tuổi (1650-1691). Thế tử Nguyễn Phúc Chu (sinh năm 1675) là con trưởng của Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn và Bà Tống thị (con gái Thái phó Tống Phúc Vinh, quê Tống Sơn, Thanh Hóa) được tôn lên kế vị . Kế thừa lòng nhân đức, khoan hòa, yêu kẻ sĩ, thương dân và thành quả mở mang bờ cõi của Chúa Nghĩa (Dẹp loạn Hoàng Tiến, đánh Chân Lạp mưu phản và di dời Phủ Chúa từ Kim Long đến Phú Xuân, xây dưng Phủ Chúa mới của Đàng Trong, sau này là Kinh đô Huế của Nhà Nguyễn…). Nguyễn Phúc Chu vốn là người con hiếu thảo, chăm chỉ, học hành thông minh, tài kiêm văn võ, ngay sau khi kế vị, ông đã quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu nghe lời can gián ngay thẳng, ghét thói xa hoa, hạ lệnh giảm nhẹ hình phạt, miễn nửa thuế ruộng cho dân .

Trong thời gian ông cầm quyền, chiến tranh Trịnh-Nguyễn đã tạm dứt, ngoài việc cắt đặt tướng sĩ canh phòng, tuần tra, giữ vững biên thùy với Chúa Trịnh ở phía Bắc; ông đặc biệt quan tâm đến việc mở mang bờ cõi và huy động mọi lực lượng xây dựng phương Nam phát triển mọi mặt khiến toàn cõi Đàng Trong được bình ổn, trăm họ an tâm làm ăn phát đạt, giàu có. Do có nhiều công tích chăn dân, mở nước, nên ông được quan quân, dân chúng tôn gọi là Minh Vương hay Quốc Chúa, thuộc hệ thứ 7 của  Nguyễn Phước Tộc và là đời thứ 6 của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ông cũng là người trọng Nho và rất tôn sùng, khuyến khích, xiển dương đạo Phật. Ông có Pháp danh là Hưng Long, hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân.

Về sự nghiêp giữ gìn mở mang bờ cõi

Sau khi Chúa Phúc Chu lên ngôi được một năm thì vua Chiêm Thành lúc đó là Bà Tranh tự ý bỏ lệ tiến cống, cho quân làm phản, quấy rối biên giới. Chúa bèn phong cho Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh (tức Nguyễn Hữu Kính, 1650-1700), một tướng giỏi (con trai danh tướng Nguyễn Hữu Dật, quê Tống Sơn, Thanh Hóa ) làm Thống binh đem quân đi đánh. Năm 1693, bắt được Bà Tranh; đổi đất Chiêm Thành thành Trấn Thuận Thành; đến năm 1697 lập Phủ Bình Thuận (bao gồm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay).

Năm 1698, ông lại cử Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân vào khai phá vùng Đông Phố, lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai) đặt thành huyện Phước Long, lấy xứ Sài Côn (Sài Gòn) đặt thành huyện Tân Bình. Tiếp đó, ông cho thành lập Dinh Trấn Biên (Đồng Nai ngày nay), rồi lập Dinh Trấn Phiên  (Thành phố Hồ chí Minh ngày nay). Sau đó, Nguyễn Hữu Cảnh được  phong chức Chưởng Dinh Lễ Thành Hầu.

Năm 1702, Côn Đảo bị Công ty Ấn Độ của Anh (do A-len Cat-pôn chỉ huy) đem quân đánh chiếm, xây dựng đồn trại, ngang nhiên khai phá như đất đai vô chủ. Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Trấn thủ Dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem quân ra đảo, đóng giả là những ngư dân bị nạn, xin lên đảo cư ngụ, làm phu phen tap vụ kiếm sống, rồi thừa cơ nổi dậy đánh chiếm đảo, giết chết một số tên đầu sỏ, bắt hết số còn lại làm lao dịch tại chổ. Từ đó, khôi phục lại được chủ quyền của ta đối với Côn Đảo. Thiết nghĩ, đây có thể là bài học đầu tiên, vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay đối với chúng ta về nghĩa vụ thiêng liêng và hành động thiết thực trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc mà Các thế hệ ông cha ta ta đã dày công khai phá kể từ khi Dựng Nước-Mở Nước-Giữ Nước và trao truyền lại cho chúng ta.

Vào thời gian đó, ở phần cực Nam và Tây Nam nước ta ngày nay, có một gia tộc người Hán, quê quán Lôi Châu (Trung Quốc), đứng đầu là Mạc Cửu, do bất phục tùng nhà Thanh, dẫn một đoàn thuyền tìm đường sang lánh nạn, khai khẩn cả một vùng đất đai hoang vu thành các trại, ấp, đánh bắt muông thú hải sản, canh tác lương thực, dần dần ổn định cuộc sống, lập nên 7 xã lớn ở vùng đất mới. Buổi ban đầu xin theo nước Chân Lạp, được vua Chân Lạp phong chức Ôc Nha. Nhưng thấy thanh thế của Chúa Nguyễn ngày càng rộng lớn, năm 1708 Mạc Cửu đã dâng thư, xin đem toàn bộ đất đai đã khai phá đang cai quản hiến cho Chúa Nguyễn. Vốn đã có kinh nghiệm sử dụng các tộc người Hán trong việc chiêu dân lập ấp khai mở đất đai vùng Trấn Biên, Trấn Phiên và Mỹ Tho-Định Tường; Minh Vương Nguyễn Phúc Chu chấp thuận cho tiếp nhận cai quản, đặt tên vùng đất mới này là Trấn Hà Tiên (gồm các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay) và phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh Hà Tiên; từ đây lập được phên dậu vững chắc ở biên giới Tây Nam, tạo đà thuận lợi cho công cuộc khẩn hoang, lập âp, cai quản nốt phần đất rộng lớn còn hoang vu giữa Trấn Phiên và Hà Tiên; tạo thành vùng Đông bằng sông Cửu long “thẳng cánh cò bay “ trù phú ngày nay.  

Năm 1711, Minh Vương đã cử người ra đo đạc để từ đó đinh lệ chế độ tuần tra, cai quản, khai thác khu vực Trường Sa, Hoàng Sa. Cũng năm đó, Chúa cho người đem thư chiêu dụ các tù trưởng và nhân dân các bộ tộc thiểu số ở Nam Bàn và Trà Lai (nay thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum) khiến họ phải phụng mệnh xin theo. Ngoài ra, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu còn cử tướng đem quân sang tận Nam Vang giúp con vua Chân Lạp là Nặc Ông Yêm đánh thắng quân Xiêm La (Thái Lan), năm 1714 lên ngôi vua trên đất Chân Lạp. Từ đó, Chân Lạp xin thần phục,triều cống. Năm 1722, Nguyễn Phúc Chu sai Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đem quân đi đánh dẹp bọn thảo khấu khét tiếng quấy nhiễu ở khu vực truông Nhà Hồ (Quảng Trị), nhờ vậy việc đi lại của dân chúng và thông thương khu vực được yên ổn, thuận lợi. Cũng từ đó trở đi, tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nội địa và biên giới, hải đảo của toàn xứ Đàng Trong dưới quyền cai quản của Quốc Chúa ngày càng được ổn định, vững chắc, và đất nước ta (nếu không bị tình trạng Nam-Bắc phân tranh) đã có được hình thể hoàn chỉnh từ Mũi Ngoc (Móng Cái-Quảng Ninh) đến Mũi Nai (Hà Tiên-Kiên Giang) như ngày nay. Vào thời điểm đó, nước ta đã là một quốc gia hùng mạnh, rộng lớn ở khu vực.

Về phát triển kinh tế văn hóa xã hội

Trung thành với sự nghiệp của Chúa Tiên và nối chí ông cha là vào xứ Đàng Trong làm chốn dung thân, tính kế lâu dài, Chúa Nguyễn Phúc Chu rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế, xã hội. Ông cho người xuống những vùng đất mới mở ở phía Nam khai khẩn đất đai hoang, rồi từng đợt đưa dân nghèo khổ không có ruộng đất ở các nơi đến dựng làng, lập ấp, cày cấy, trồng trọt, đánh bắt, đảm bảo đời sống cho dân chúng, từng bước phát triển kinh tế, tạo nên nhiều vùng quê trù phú.

Năm 1692, khi mới lên ngôi, ông đã cho sửa sang Văn Miếu ở Triều Sơn; năm 1695 cho mở các khoa thi Chính đồ, Hoa văn, nhằm tuyển chọn các bậc hiền tài để bổ dụng quan chức cho Tam ty và các Dinh, ngoài ra còn tổ chức các kỳ Quận thí mùa xuân và Hội thí mùa thu v. v. Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên thì từ kỳ thi Đình đầu tiên được tổ chức năm Bính Tuất (1646) thời Chúa Thượng; đến năm Quý Dậu (1693) các Chúa Nguyễn đã tổ chức được 7 kỳ thi, tuyển được 140 người; chỉ riêng các năm 1694-1695, số Văn chức được tuyển đã lên tới 285 người. Từng bước cải tổ bộ máy hành chính các cấp theo hướng dân sự hóa nhằm mục đích sau cùng là xác lập một nhà nước riêng theo chính thể phong kiến thể hiện qua việc Nguyễn Phúc Chu tự xưng là Minh Vương hay Quốc Chúa. Thậm chí, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu còn sai Nguyễn Quang Tiền soạn Biểu tiến cống và giao cho Giám sinh Hoàng Thần, Tăng đồ Hưng Triệt sang nhà Thanh xin cầu phong. Nhưng không được nhà Thanh hồi âm-có thể do không muốn nhà Lê phải suy nghĩ. Ông quan tâm xây dựng Thủ phủ, thương điếm, trao đổi hàng hóa với các nước lân cận. Tuy không bế quan tỏa cảng, vẫn để cho tàu thuyền các nước phương Tây đến buôn bán ở Hội An và Thanh Hà, nhưng vẫn lo ngại người phương Tây lợi dụng việc buôn bán mà truyền bá rộng rãi đạo Thiên Chúa nên việc quản lý có phần chặt chẽ, khắt khe hơn, nhưng đối xử với người Nhật Bản, Trung Hoa… thì có phần rộng rãihơn. Năm 1719, Nguyễn Phúc Chu đến thăm tình hình buôn bán của người nước ngoài ở Hội An, nhân đến thăm chùa Cầu, một ngôi chùa do người Nhật và dân chúng địa phương hợp sức xây dựng, Chúa đã ban tên Lai Viễn Kiều cho chiếc cầu đó. Theo Giản yếu sử Việt Nam thì biển chữ vàng Lai Viễn Kiều vẫn còn đến sau này. Chùa Phúc Kiến do người Trung Hoa quê Phúc Kiến đến Hội An buôn bán, xây dựng năm 1697 hiện vẫn còn, cùng với việc các Chúa Nguyễn cho phép các thương nhân người Hoa, người Nhật được xây dưng các khu phố riêng để lưu trú buôn bán, sinh sông. Khu phố Nhật ở vị trí làng Hoài Phô, con sông Thu Bồn có đoạn chảy qua phố Hội An còn gọi là sông Hoài. Địa danh Faifo-Phai phô được hình thành có lẽ cũng bắt nguồn từ tên làng, tên sông ấy, rồi trở thành một thương cảng Hội An sầm uất một thời, và đến nay chúng ta có được Di sản Văn hóa Phố cổ Hội An. Qua đó đã nói lên phần nào sự hoạt động thuận lợi của thương nhân Hoa, Nhật ở Đàng Trong dưới quyền cai quản của các Chúa Nguyễn thời điểm đó.

Theo “Đại Nam nhất thống chí” và các tư liệu sử học mới phát hiện gần đây, cho ta biết Minh Vương Nguyễn Phúc Chu cũng hay văn thơ. Điều đặc biệt là hai chữ VIỆT NAM đã được nêu trong hai bài thơ, đươc thể hiện trên các tô sứ do Chúa ký kiểu rất quý hiếm: Lần đầu là trên chiếc tô đề bài thơ “Ải Lĩnh xuân vân” – Mây xuân trên Ải Lĩnh, (đến thời Minh Mạng gọi là Hải Vân quan ), toàn văn bài thơ như sau:

VIỆT NAM xung yếu thử sơn điên

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

(Đại ý: Việt Nam xung yếu có núi này, Khác chi đất Thục điệp non xây. Bóng giăng chỉ thấy ba tầng lớn, Người ở nào hay mấy đỉnh mây. Mi tóc lạnh dù không tuyết rụng, Áo xiêm ngâm dẫu chẳng nguồn vây. Chỉ mong gió bể đem mưa tới, Muôn dặm dâu xanh bát ngát bày.) Hai chữ Việt Nam còn xuất hiện trên chiếc tô đề bài thơ “Hà Trung yên vũ ” – Mưa bụi ở đầm Hà Trung, đó là hai chữ đầu câu thơ thứ bảy:

…Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh

Dục thiến đan thanh tả vị thành.

(…Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh

Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành )

(Trần Đình Sơn dịch)

Phật giáo thời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu

Dưới thời Nguyễn Phúc Chu, đạo Phật ở Đàng Trong rất được khuyến khích, nhiều chùa chiền được xây dựng, trùng tu mở rộng, nhiều tượng Phật, chuông đồng được đúc tạc. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho người dâng thư mời Hòa thượng Thạch Liêm (tức Hòa thượng Thich Đại Sán) đến hai lần. Trong thời gian lưu tại xứ Đàng Trong (1695-1696), cùng với việc làm Cố vấn cho Chúa về lĩnh vực trị nước, hòa Thượng đã giúp đỡ nội phủ rất nhiều trong việc trùng hưng lại đạo Phật . Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự, hòa thượng đã viết: “Lão Tăng từ phương xa đến, được Quốc Vương cung kính, thân như cốt nhục. Vả lại trong nước thảy đều quy y Tam Bảo, thực là một quốc gia ưa muốn làm lành, rất hiếm có”…

Vào dịp Lễ Phật đản Ất Hợi (1695), Quốc Chúa mở đàn chay dâng lễ và mời Hòa thượng Đại Sán thựơng đàn thuyết pháp. Quốc Chúa khai đàn ở Nội viện, có đông đủ Quốc mẫu, Công chúa, Hậu cung, quyến thuộc… đồng thọ Bồ Tát giới. Tiếp đó, Chúa mời mười vị đệ tử của hòa thượng mở một kỳ sám tụng Đại bi Đà la ni. Chúa sai lính gánh tịnh tài tịnh vật đến chùa Thiền Lâm (ở gần phủ Dương xuân là Cung điện mùa Đông của Chúa), cúng dường trai tăng rất hậu; lại đem tất cả Giới Điệp có đóng ấn triện của vua ban cấp cho tăng nhân và những người đã tham gia Đại lễ trai đàn. Trước đó, Chúa có tham vấn hòa thượng về những việc cần làm, nên làm. Hòa thương đáp: “Việc trai giới chẳng phải chỉ để giữ cho sạch miệng, sạch mình, sạch tư tưởng mà thôi. Việc trai giới của Nhà Vua, cần phải đem việc Quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết, nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yểm trệ, bãi bỏ điều cấm nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi ân cho thợ thầy. Nói tóm lại, nên đem tất cả công việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến như nghi lễ đàn trường, tăng chúng y bát, vật dụng hương hao… sẽ kê đơn chế biện…” (Hải ngoại kỷ sự). Chúa đã cho đại trùng tu chùa Thiền Lâm, từ một cái cốc ba gian đơn sơ, trở thành một tòa Phương trượng bề thế, với năm gian gồm 32 cột, bốn mặt đều có hành lang .

 Ngôi chùa Thiên Mụ do Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng từ năm 1601,  nhằm tạo thêm sự tín ngưỡng giúp cho dân chúng thêm an cư lạc nghiệp từ những năm mới vào khởi nghiệp ở Đàng Trong cũng được Chúa Nguyễn Phúc Chu quan tâm tu bổ. Năm 1710, Chúa cho đúc Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ, đồng thời làm một bài minh khắc vào chuông nói lên Tâm nguyện của mình với Tam Bảo và sự nghiệp của Tổ Tông: “Chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Động thượng Chánh Tông đời thứ 30, Pháp danh Hưng Long, đúc chuông lớn này nặng 3.825 cân, để vào chùa Thiên Mụ, cúng Tam Bảo lâu dài. Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sanh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ”.

 Để ghi tạc công tích của Hòa thượng Thạch Liêm, Chúa cũng đã cho dựng ở bên hữu chùa một tấm bia đá với nội dung trích dịch sau đây :    

Trời Nam một dải non sông,

Đây là Việt Quốc hưng long đời đời…

Quốc gia yên vững bền lâu,

Trong ngoài bốn cõi một bầu thanh thanh.

Vô vi đức hóa dồi dào,

Một nhà Nho Thích ra vào hoan hân.

Khắc ghi thắng cảnh đôi vần,

Nhân nhân quả quả chuyển vần chăng sai.

Dựng bia tiêu biểu nơi đây,

Giữ tâm thành chánh chẳng thay đổi nào…”

(Trích dịch trong “Hải ngoại kỷ sự”)

Năm 1714, sau khi đại trùng tu xong chùa Thiên Mụ, Chúa đã cho thỉnh hơn ngàn quyển Kinh, Luật, Luận và nhiều Pháp khí, mở Đại trai đàn, tổ chức phát chẩn cho dân nghèo, kéo dài suốt cả tháng trời. Vua Chiêm Thành là Kế Bà Tử cùng Hoàng gia Chiêm cũng được mời sang dự. Tiếp đến năm 1715, Chúa cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Năm 1721, Chúa lại cho lập chùa Giác Hoàng… Có thể nói: Dưới triều Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là thời kỳ Phật giáo được quan tâm hộ trì, xiển dương nhiều nhất ở xứ Đàng Trong. Đúng như lời Quốc Chúa đã đúc kết khắc ghi trong “Ngự chế Thiên Mụ tự”: “Tôn sùng đạo Nho mà kính trọng Đạo Phật, đương nhiên con đương chính trị ắt phải lấy lòng nhân nghĩa mà cưu mang sự nghiệp… Nhờ vậy đất nước thái bình, thân tâm an lạc”.

Sau 34 năm cầm quyền cai quản xứ Đàng Trong (1691-1725) với những công tích sự nghiệp lớn lao, mùa hạ năm 1725, Chúa Nguyễn Phúc Chu qua đời, thọ 51 tuổi (1675-1725 ).

Các bộ sách lịch sử nước ta về các triều đại từ thời phong kiến đến nay, dù là chính sử, dã sử hay tiểu thuyết lịch sử, khá đa dạng. Nhưng do sự định hướng, hạn chế nào đó về quan điểm chính thống của thời đại, của thể loại, của tác giả… nên đã có những sự kiện, nhân vật trong đó chỉ đươc nêu lên một cách sơ lược, phiến diện, hoặc có nhưng nhận định đánh giá chưa thật khách quan, công bằng. Vì vậy, với tinh thần trân trọng lịch sử và “gạn đục khơi trong”; căn cứ theo tiến trình lịch sử, với “mỗi lát cắt” của từng thời đại, chính thể và nhân vật lịch sử cụ thể… thiết nghĩ, những nhà nghiên cứu đời sau cần có sự cố gắng, tỉnh táo và bản lĩnh nhất định, để đạt tới một sự khách quan, công bằng có thể có; và điều đó cũng chính là đòi hỏi khắt khe và cấp thiêt của đông đảo bạn đọc hôm nay. Trên tinh thần đó, chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng: Minh Vương-Quôc Chúa Nguyễn Phúc Chu là một nhân vật lịch sử đáng trân trọng, Văn – Võ kiêm toàn, Thích – Nho tích hợp, Đạo – Đời viên dung. Ông là người có công lớn trong sự nghiêp mở mang bờ cõi đất nước, đặt nền tảng cho công cuộc hình thành và bước đầu ổn định, phát triển vùng đất cực nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, bao gồm cả đất liền, hải đảo, vùng biển rộng lớn để đến khi “tuần dân vận nước” có cơ duyên đồng thuận, đất nước được thống nhất đã có được hình thể rộng dài từ Bắc vào Nam, với đường biên giới đất liền, bờ biển, hải đảo gần hoàn chỉnh như ngày nay, với nhiều di tích lịch sử-văn hóa được công nhận là “Di sản Văn hóa, Thiên nhiên Thế giới”.

 Ông là người nhân từ, có sức quy tụ, đoàn kết các giai tầng, các dân tộc ở Đàng Trong để cùng nhau giữ gìn, mở mang bờ cõi, tổ chức cuộc sống an bình thịnh vượng. Ông cũng là người hằng tâm huyết vì Đạo pháp-Dân tộc, hộ pháp đắc lực nhất cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp ở xứ Đàng Trong. Ông hoàn toàn xứng đáng với tôn vinh của đương thời và hậu thế cho đến nay là: Bồ Tát, Minh Vương - Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, Hưng Long Cư sĩ - Thiên Túng Đạo Nhân.

Núi Lớn-Vũng Tàu , tháng 7 năm 2009
Hòn Tre-Nha Trang, tháng 2 năm 2011



* Nhà Nghiên cứu,  Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6705207