Thông tin

CHÙA CỔ BỬU PHONG

 

HỮU CHÍ

 

Bửu Phong cổ tự ở Đồng Nai

 

Trong số 500 ngôi chùa nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, chùa Bửu Phong là một trong 3 ngôi chùa có niên đại lâu đời nhất của tỉnh. Chùa Long Thiền, khai sơn năm 1664, chùa Đại Giác, khai sơn năm 1665, chùa Bửu Phong, khai sơn năm 1676, đều nằm trên địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa Bửu Phong nằm trên ngọn núi Bửu Long, cao khoảng 40m, thuộc phường Bửu Long, cách TP Biên Hòa 5km. Mặt chính của chùa quay về hướng Đông, từ đây nhìn xuống sân bay Biên Hòa, Văn Miếu Trấn Biên và những ô ruộng xanh tươi, về hướng Tây cách sau chùa khoảng 500m có sông Đồng Nai uốn khúc. Bên trái của chùa có đá Thanh Long (còn gọi là Hàm Rồng), bên phải có hang Bạch Hổ và đài Tam Thế Phật. Trước đây, du khách viếng chùa đều phải leo lên 99 bậc đá, nay đã có đường lên đến sân chùa cho du khách đi xe máy.

Theo tài liệu của Giáo hội Phật giáo Thành phố Biên Hòa thì vào giữa thế kỷ thứ XVII, có 3 nhà sư dòng phái Lâm Tế từ miền Trung đến Đồng Nai hoằng hóa đạo pháp. Chùa Đại Giác, chùa Long Thiền và chùa Bửu Phong là ba ngôi chùa cổ nhất, ghi lại những dấu tích đầu tiên của người Việt trong công cuộc mở mang đất nước và truyền bá đạo Phật cho vùng đất mới phương Nam.

Bửu Phong cổ tự đã trải qua các đời tổ:

- Tổ khai sơn: Bửu Phong Thiền sư.

- Tổ thứ hai: Thiền sư Thành Chí, pháp danh Pháp Thông Thiện Hải thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 34.

- Tổ thứ ba: Đại lão Hòa thượng pháp hiệu Tổ Tông, tự là Điền Quang.

- Tổ thứ tư: Đại lão Hòa thượng Tiên Cần, tự là Từ Nhượng.

- Tổ thứ năm: Đại lão Hòa thượng pháp hiệu Tiên Trí tự Quảng Thông.

- Tổ thứ sáu: Đại lão Hòa thượng Tiên Hiện tự Giáp Minh.

- Tổ thứ bảy: Đại sư Minh Hỷ tự Thiên Duyệt.

- Tổ thứ tám: Đại lão Hòa thượng Pháp Truyền tự Chơn Ý.

- Tổ thứ chín: Đại lão Hòa thượng pháp hiệu Như Truyền.

- Tổ thứ mười: Đại sư Bửu Thanh.

- Tổ thứ mười một: Đại sư Huệ Quang.

- Tổ thứ mười hai: Hòa thượng pháp hiệu Thiện Giáo.

- Tổ thứ mười ba: Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam.

Năm 1972, Hòa thượng Huệ Thành công cử Ni sư Thích nữ Huệ Hương thay mặt Ngài quản lý và phát triển chùa Bửu Phong.

Năm 1988, Ni sư Huệ Hương chính thức trụ trì chùa Bửu Phong cho đến nay.

Chùa Bửu Phong thuở ban đầu là một am tranh thờ Phật do Thiền sư Bửu Phong dựng năm 1676, đến năm 1678 một nhóm dân binh Trung Quốc, thuộc hạ của Tổng lãnh binh Trần Thượng Xuyên nhà Minh chống Thanh triều thất bại, thoát chạy tìm đến chùa xin tị nạn, sau đó xây dựng lại bằng gạch ngói và thỉnh đại sư chùa Hoàng Long, hiệu Thành Chí đến trụ trì.

Chùa Bửu Phong được trùng tu nhiều lần:

Năm 1829, Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm đã tổ chức xây cất mở rộng ngôi chùa.

Năm 1869, Hoà thượng Pháp Truyền tự Chơn Ý tu sửa lại nhà thờ tổ, giảng đường, trang trí lại nội thất, chạm khắc lại các bức hoành phi, liễn đối.

Năm 1944, Hoà thượng Huệ Quang lợp lại mái ngói chánh điện, mở rộng hậu đường, xây dựng liêu phòng ni phái, tách biệt với nhà dưỡng tăng.

Năm 1963, Yết Ma Thiện Giáo trang trí lại giảng đường và xây đài Quan Thế Âm trước chùa.

Năm 1964, Đại lão Hoà thượng Tăng thống Huệ Thành xây thêm đài Tam Thế Phật trên cụm tảng đá thiên nhiên xếp chồng lên nhau ở phía bên trái của ngôi chùa và điện Linh Sơn Thánh Mẫu.

Từ năm 1974 đến nay, chùa Bửu Phong trở thành chùa ni, chỉ có các sư cô ở tu tập. Ni sư Huệ Hương đã không ngừng sửa chữa và trang trí để ngôi chùa được trang nghiêm.

Vào các năm 1986, 1989, Ni sư Huệ Hương cho làm mới hệ thống cửa ra vào phía Nam chùa, trang trí lại toàn bộ hệ thống hoành phi, liễn đối, bao lam, hương án, bệ thờ, xây cất tượng Phật bà Quan Âm, tượng Di Lặc, xây dựng mới Tịnh thất thờ Xá lợi Phật,… Giữa năm 2005, ni sư tiếp tục cho trùng tu nhà thờ tổ, chánh điện và xây dựng, sửa chữa thêm một số hạng mục trong khuôn viên chùa đã bị hư hỏng. Trong đó, có hai con rồng uốn mình phủ phục hai bên bậc thang lên chùa.

Năm 2009, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, sự xâm hại của mối mọt và rêu mốc lên hệ thống các cấu kiện gỗ, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai thực hiện tu bổ tôn tạo các hạng mục nhà giảng, điện Phật nhập Niết bàn,…

Lần cuối cùng là vào năm 2013, do nhà tăng và giảng đường bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống mái nhà chịu lực kém, ngói bị trôi dạt, nứt vỡ nên hiện tượng thấm, dột vào mùa mưa ảnh hưởng đến các hiện vật gốc của di tích. Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tu bổ, tôn tạo hạng mục nhà tăng và nhà giảng.

Từ kiến trúc kiểu chữ Tam gồm chánh điện, giảng đường và nhà thờ tổ, sau nhiều lần trùng tu, chùa chuyển thành kiểu kiến trúc chữ Đinh do thêm nhà dưỡng tăng, nhà khách, nhà bếp, nhà cốt, miếu Bà Chúa Xứ, hệ thống thờ trong khuôn viên, đường nội bộ,… và các bảo tháp bên hông chùa.

Trung tâm ngôi chánh điện thờ Phật Di Đà Tam Tôn, Đức Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng thượng đế, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Hai bên tả hữu thờ Quan Công và Tổ sư Đạt Ma. Ngoài ra còn có hương án thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng và bàn thờ Thập Điện Diêm Vương. Đặc biệt, ngôi bảo tháp sau chánh điện thờ Xá Lợi Phật,

Cổng chùa xây bằng gạch thẻ, mái lợp ngói ống mặt trước có ghi 4 chữ Hán “Bửu Phong Cổ Tự”, dưới ghi 1676 (năm xây dựng của chùa). Phía dưới có bậc đá tam cấp, tiếp đến một con đường nhỏ về hướng Đông khoảng 30m dẫn đến sân chùa. Trước chùa có tượng Phật Bà Quan Âm Nam Hải đứng trên đài sen và cách khoảng 20m là giếng nước Vua Gia Long. Theo truyền thuyết cho rằng trên đường bôn tẩu, Nguyễn Ánh có dừng chân nơi đây và cho đào một cái giếng lấy nước dùng. Trước tượng Phật là 3 ngôi bảo tháp hình bát giác, 4 tầng xây bằng đá xanh, sau tượng Phật Bà là cột phướn cao 5m bằng sắt rỗng.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đã từng nói đến sự uy nghi, kỳ ảo của nơi thiền lâm này: “Núi Bửu Phong phía Tây Nam ngó xuống Đại Giang, hộ vệ phía sau núi Long Ẩn, suối bàu tẩm nhuận, dẫn tưới ruộng nương. Trên núi có chùa Bửu Phong, phía tả có đá long đầu đứng sững, phía hữu có đá thiền sàng la liệt, khói mây man mác, cây cối sum suê”.

Bửu Phong Cổ Tự vẫn còn giữ được một số cổ vật, gồm có: 14 câu liễn đối bằng gỗ, 9 bức hoành phi bằng gỗ, kinh sử sách nhà chùa, 1 cặp nai vàng bằng gỗ cao 0,50m, một số chén dĩa sứ cổ đời Thanh, Xá Lợi Phật, đầu phướn cổ.

Nghệ thuật trang trí chùa Bửu Phong tập trung nhiều ở mặt chính diện như một đặc điểm riêng biệt, nổi bật mà các ngôi chùa khác ở Đồng Nai không có. Với đề tài phong phú, bằng nghệ thuật ghép sành sứ độc đáo thường thấy ở công trình kiến trúc cổ tại Huế đã làm cho kiến trúc chùa mang một phong thái khác lạ. Bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, đề tài trong kiến trúc trang trí của chùa Bửu Phong thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái, dân an, cuộc sống thịnh vượng, giàu sang, phú quý, tài lộc nhưng thanh tao, bình dị,…

Xung quanh chùa có nhiều cây cối mọc um tùm, rậm rạp. Nhiều tảng đá to nhỏ tạo hình kỳ dị. Tảng nhỏ có hình như voi, thấp như rùa, cá và nhiều pho tượng lộ thiên khá lớn. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đã tạo cho chùa một không gian cách biệt, thoáng đãng, thanh tịnh.

Ngày nay, chùa Bửu Phong không chỉ truyền bá Phật pháp mà còn góp phần lưu giữ nét đặc sắc về kiến trúc đình chùa trong văn hóa dân tộc; đồng thời là địa chỉ tham quan, du ngoạn, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân trong tỉnh. Đặc biệt, trong những năm qua, phát huy chánh pháp giáo lý từ bi, bác ái của đạo Phật, các tăng ni, Phật tử trong chùa đã tích cực tham gia nhiều phong trào từ thiện - xã hội như: cứu trợ nạn nhân bị thiên tai lũ lụt trong và ngoài tỉnh, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo trong những ngày lễ, tết; khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo; thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân nghèo; nuôi nhiều trẻ em lang thang và người già neo đơn không nơi nương thân; tổ chức đãi cơm chay miễn phí vào những ngày lễ lớn như Rằm tháng riêng, Rằm tháng bảy, Rằm tháng mười,…

Với nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể hiện có, tháng 4 năm 1991, chùa Bửu Phong được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6795803