Thông tin

CHÙA CỔ DƯ KHÁNH Ở GÒ CÔNG

 

HỮU CHÍ

 

Cổng tam quan chùa Dư Khánh

 

 

Chùa có niên đại gần 200 năm

Vào năm 1820, bà Trần Thị Bướm do lòng kính tín Tam Bảo và cảm mến trước sự tu học của Cư sĩ Ngô Minh Trí đã phát tâm Bồ đề hiến cúng đất để thành lập ngôi Tịnh thất cho Cư sĩ có nơi tu. Ngôi tịnh thất được đặt tên: “Dư Khánh”.

Dư có nghĩa là “Dư thừa” mang tính chất vĩnh cửu. Khánh có nghĩa là “Niềm vui” mang sự hỷ lạc. Dư Khánh Tự ẩn chứa nghĩa: Nơi chấm dứt các buộc ràng đau khổ của thế gian, để đón nhận niềm vui an lạc và giải thoát.

Thuở ấy, chùa Dư Khánh chỉ là một thảo am nhỏ với vách lá đơn sơ, được tạo dựng trên gò đất cao có rất nhiều chim công đến ở. Hiện nay, chùa Dư Khánh ở số 72 đường Tết Mậu Thân, khu phố 4, phường 3, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Gò Công.

Con trai của Cư sĩ Ngô Minh Trí tên Ngô Văn Nhiên, là một vị quan tam phẩm thời vua Tự Đức, đã cởi bỏ quan phục trả lại cho triều đình để theo đuổi “Con Đường Chân Lý”, với pháp danh Thiện Quang, húy Tiên Kiến, hiệu Bửu Cựu, thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 37. Năm 1853 Ngài Thiện Quang chính thức trở về ngôi Tịnh thất kiến lập hoa đàn, kiền thỉnh chư tôn đức Tăng già cùng nam nữ Phật tử thượng bảng “Dư Khánh Tự”; và trụ trì chùa Dư Khánh. Lúc này, chùa đã được xây dựng bán kiên cố bằng xi măng. Hòa thượng Thích Thiện Quang là một bậc danh Tăng thuở đó. Đức hạnh của Hòa thượng được người đời xưng tụng là một cao tăng. Ngài đã cảm hóa được các vị thân quan kính trọng, nên bà Lê Thị Tánh dâng cúng một tấm hoành phi đề ba chữ “Thiện Hòa Đạo” ca ngợi đạo hạnh của Hòa thượng.

Năm 1896, do tuổi cao sức yếu nên Hòa thượng thượng Thiện hạ Quang đã truyền y bát và đề cử Hòa thượng thượng Huệ hạ Trường, húy Minh Tịnh, hiệu Bửu Thanh thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38 chức vụ trụ trì đời thứ 2 của chùa Dư Khánh.

Năm 1928, chức vụ trụ trì chùa Dư Khánh được giao lại cho Hòa thượng thượng Phước hạ Hòa thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 39.

Năm 1964, Hòa thượng thượng Huệ hạ Tấn, húy Tâm Đại, được đề cử làm trụ trì để tiếp tục giữ gìn và phát triển chốn sơn môn Dư Khánh Tự. Khi hóa duyên ký tất, Hòa thượng thượng Huệ hạ Tấn đã thâu thần tịch diệt, để lại chốn Dư Khánh không người kế tự.

Năm 2005, sau một thời gian dài Thiền môn lặng bóng Từ bi, hương tàn khói lạnh, Ban Đại diện Phật giáo thị xã Gò Công đề cử Thượng tọa thượng Như hạ Trang, nguyên trụ trì Tổ đình Linh Sơn (ấp 7, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) làm trụ trì chùa Dư Khánh đời thứ 5. Thượng tọa Thích Như Trang được chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh GHPGVN tấn phong Giáo phẩm Thượng tọa vào năm 2019. Hiện tại, Thượng tọa giữ chức Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS kiêm Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo thị xã Gò Công.

Ở thời kỳ hưng thịnh, chùa Dư Khánh được chư Tổ xây theo kiến trúc cổ kính với cột được làm bằng gỗ mật, mái lợp ngói âm dương, nền gạch tàu, vách tường bằng gạch nung tô vữa. Qua hai cuộc kháng chiến, đất nước chìm vào chiến tranh khốc liệt, khiến chốn Thiền môn vốn bình yên thanh lặng lại trở thành chốn xôn xao hứng bom chịu đạn lụi tàn cùng thời gian.

Đất Gò Công linh thiêng hồn Nước.

Trời phương Nam chịu phước Như Lai,

Dư âm hoằng đạo ngời danh Tổ,

Khánh tuế nghìn năm rạng núi sông

Hiện tại, chùa Dư Khánh còn lưu giữ 2 bức tranh “Thập Điện Minh Vương Đồ”. Bộ tranh được vẽ trên nền kiếng khung gỗ với lối vẽ mang tư tưởng Bắc truyền, nói về các hành trạng xấu ác sau khi người mạng chung sẽ phải thọ nhận các hình phạt tuỳ theo nghiệp nhân đã làm trên dương thế. Bộ tranh có niên đại hơn 150 năm, do bà Trần Thị Bướm hỷ cúng. Chùa cũng còn tôn trí bộ khám thờ bằng gỗ hoàng đàn được chạm trổ vô cùng tinh xảo do các nghệ nhân tại làng nghề Bắc Ninh tạo tác cách đây hơn 100 năm.

 


Tháp chuông

 

Năm 2009, hội đủ duyên lành cũng như được sự đồng thuận của Chính quyền, Giáo hội và đồng bào Phật tử, Thượng tọa Thích Như Trang đã chuyển lối đi của chùa Dư Khánh từ hướng chính Nam (đang bị nằm sâu trong hẻm nhỏ) sang mạn Bắc; tức xoay mặt tiền chùa từ con hẻm nhỏ của đường Nguyễn Trãi sang đường Tết Mậu Thân. Sự thay đổi hướng đi này đã làm cho chùa Dư Khánh do vị thế nằm trong hẻm cụt nên chùa Dư Khánh càng ngày bị chìm vào quên lãng. Sau khi chuyển hướng đi của chùa Dư Khánh, Thượng tọa Thích Như Trang đã tiến hành kiến thiết xây dựng Cổng Tam Quan, Tháp Bảo Đồng, Quan Âm đài, khu Tăng xá cùng Giảng đường để dạy giáo lý cho Phật tử vào các ngày chủ nhật hàng tuần.

 


Bàn thờ Đức Quan Thế Âm

 

Vốn xuất thân từ chốn Tổ có nguồn gốc Nghi lễ Phật giáo cổ truyền, lại là Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo thị xã Gò Công, nên Thượng tọa Thích Như Trang hiện cũng là một vị Sám chủ Gia trì các Trai đàn Chẩn tế khắp nơi. Chùa Dư Khánh cũng thường xuyên tổ chức các Pháp hội Dược Sư Thất Châu hay Trai đàn Giải oan - Bạt độ sản nạn thai nhi… nguyện cầu âm siêu dương thới.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 93
    • Số lượt truy cập : 6949687