Thông tin

CHÙA CỔ VÀ DẤU ẤN PHẬT GIÁO

Ở VÙNG HẠ LƯU SÔNG CẤM

(THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG KIẾN GIẢI)

                                                                  

CN. HOÀNG ANH TÀI*

 

Nghệ An là địa phương từng có rất nhiều ngôi chùa và am cổ, phân bố với mật độ khá dày đặc và hầu như cứ một vài làng thì có ít nhất một hoặc vài ba cơ sở thờ Phật.

Trong một bài viết của Phó giáo sư Ninh Viết Giao, ông đã liệt kê được 253 ngôi chùa trên địa bàn của 9 huyện, thành trong tỉnh (bao gồm: thành phố Vinh và các huyện: Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu )[1]. Tất nhiên, số liệu này chưa hoàn toàn đầy đủ. Bởi nhiều chùa chiền ở các huyện miền núi và ngay cả tại một số huyện đồng bằng, ven biển trong tỉnh vẫn chưa được tác giả thống kê hết.

Gần đây, khi tiến hành khảo sát tại một số xã, phường vùng hạ lưu sông Cấm, thuộc huyện Nghi Lộc như các xã: Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá, Nghi Hợp, Nghi Quang, Nghi Thiết và thị xã Cửa Lò gồm các phường Nghi Tân, Nghi Thủy,… chúng tôi cũng nhận thấy hầu hết các địa phương này đều từng có những ngôi chùa cổ và am thờ Phật.

Vùng hạ lưu sông Cấm là nơi đã sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử; là quê hương của Hương Hải thiền sư và Đại đức Thích Minh Châu – Đinh Văn Nam, những học giả nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là địa bàn mà lịch sử hình thành và phát triển của cư dân đã chịu ảnh hưởng khá mạnh của Nho giáo và Thiên chúa giáo. Thực tiễn lịch sử cũng cho thấy vùng đất này có một vị trí địa chính trị hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với tiến trình lịch sử của Nghi Lộc, Cửa Lò nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Bởi vậy, việc tìm hiểu thực trạng chùa chiền và dấu ấn Phật giáo trên  địa bàn vùng hạ lưu sông Cấm, không chỉ để hiểu thấu đáo hơn lịch sử của vùng đất này, mà còn giúp chúng ta có những ứng xử khách quan, khoa học đối với các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.

1. Thực trạng chùa chiền và dấu ấn Phật giáo tại vùng hạ lưu sông Cấm

Sông Cấm là một trong hai con sông lớn chảy qua địa phận huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Con sông này bắt nguồn từ núi Đại Hoạch, huyện Hưng Nguyên và hợp với các khe núi Đại Huệ, huyện Nam Đàn rồi chảy về phía đông. Trên con đường hành trình ra biển, khi chảy đến vùng cầu Cấm hiện nay, sông Cấm gặp phải dãy Tượng Sơn (núi Voi) thì chia làm hai dòng: Dòng phía bắc đi qua các xã Quả Trình, La Nham và Hoàng Lao, huyện Hưng Nguyên (nay là các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết (thuộc huyện Nghi Lộc) thì hòa vào biển. Dòng phía nam núi Voi đi qua các làng: Kim Khê (Nghi Long), Mỹ Xá, Đồng Vông (Nghi Xá), Thượng Xá (Nghi Hợp), Xuân Áng (Nghi Quang), Vạn Lộc (Nghi Tân) rồi đổ ra biển tại cửa Xá. Sở dĩ có tên gọi cửa Xá, bởi trước thế kỷ XIX, nhánh sông này chảy qua địa phận làng Xá Sa (về sau đổi thành Thượng Xá), đến đầu thế kỷ thứ XIX thì nó đã bị bồi lấp. Dòng chảy phía bắc của sông Cấm - Xá, trở  thành  dòng chính và đổ ra biển tại Cửa Lò. Từ đó, cửa Xá chỉ còn là một địa danh tồn tại trong một số thư tịch cổ[2].

Khi tìm hiểu lịch sử các địa phương vùng hạ lưu sông Cấm (Xá), chúng tôi cũng bắt gặp khá nhiều địa danh kẻ, cổ, như: kẻ Trai (nay thuộc xã Nghi Quang), kẻ Đụn (Nghi Tiến), kẻ Lau (Nghi Thiết), kẻ Lò , cổ  Bù (Nghi Tân)... Theo các nhà địa danh học thì đây là địa bàn cư trú của người Việt cổ trước khi làng xã hình thành. Điều đó cho thấy trên địa bàn vùng hạ lưu sông Cấm từ rất sớm đã có cư dân sinh sống. Buổi đầu, lớp cư dân này ở ven chân các dãy núi: Thần Lĩnh, núi Voi, Lữ Sơn, Hoàng Lao, núi Lò, núi Lập Thạch, núi Cờ, núi Kiếm…từ đó mà mở rộng dần đất đai canh tác và địa bàn cư trú.

Với sự tác động của mưa lũ cùng với phù sa sông Cấm, sông Lam đã ngọt hóa những đụn cát - hệ quả của quá trình biển tiến, biển lùi, góp phần hình thành nên vùng đồng bằng duyên hải Nghi Lộc, Cửa Lò ngày nay. Đến thế kỷ thứ XV, Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí được nhà Lê ban cấp một lãnh địa rộng lớn hàng nghìn mẫu dọc vùng duyên hải Cửa Lò - Cửa Hội. Trong đó, nhiều vùng còn là đầm phá, như Bàu Ổ, cái bàu mà theo các sách dư địa chí thì gọi là hồ Nước biển. Trên những đầm phá khác, Nguyễn Xí lập ra rất nhiều làng xã[3].

Theo thời gian, cùng với công cuộc khai hoang, lập làng; nhiều chùa chiền, miếu mạo và công trình tôn giáo khác, như : Nho giáo, Đạo giáo cũng xuất hiện ngày một nhiều trên vùng đất này. Tính đến trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945, dọc vùng hạ lưu sông Cấm đã có tới hàng chục ngôi chùa cổ và am thờ Phật.

Cụ thể là: Trên địa bàn xã Nghi Long, xưa có: Chùa Hải (làng ông La), chùa Thịnh Mỹ (làng Vĩnh Long), chùa Mồ Mai (làng Kim Nghĩa), chùa Kim Trung (làng Kim Trung), chùa làng Vắng (làng Diễn Cát). Tại xã Nghi Quang có các chùa Lữ Sơn, chùa Am (làng Xuân Áng). Xã Nghi Yên có chùa Nẻ. Xã Nghi Thiết có chùa Hoàng Lao (làng Trung Kiên). Xã Nghi Hợp (làng Thượng Xá) có chùa Vàng, chùa Đại, chùa Bụt và am thờ Phật. Phường Nghi Tân (làng Vạn Lộc) có chùa Lữ Sơn. Cách bờ biển Cửa Lò khoảng 4 km có chùa đảo Ngư…Tính ra, mỗi làng trong khu vực hạ lưu sông Cấm có ít nhất một ngôi chùa hoặc am thờ Phật phân bổ cách nhau chừng một vài km. Trong số đó, có những ngôi chùa đã được xây dựng từ thời Trần, như: Chùa Vàng (Nghi Hợp), chùa Song Ngư trên đảo Ngư (cửa Lò). Còn lại, đều được tạo lập khoảng thời Hậu Lê, hoặc muộn hơn.

Cũng qua thời gian, do tác động của thiên tai, địch họa và sự vô thức của một số cư dân trong lịch sử, hầu hết chùa chiền và am thờ Phật ở vùng này đã bị hủy hoại, hoặc đổ nát. Đến nay, chỉ còn lại chùa Phổ Am (phường Nghi Tân), chùa Trung Kiên (xã Nghi Thiết) và chùa Song Ngư (Cửa Lò) mới được phục dựng cách đây dăm bảy năm.

Chùa Phổ Am tọa lạc trên một gò đất rộng chừng hơn 3000 m2 dưới chân núi Lò (tên chữ Lô Sơn), xưa thuộc làng Vạn Lộc, huyện Nghi Lộc, nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò.

Theo nội dung Bài minh (khắc ngày 10 tháng 2 năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) trên tấm bia cổ, hiện dựng tại chùa Phổ Am, cho biết: Ông Nguyễn Văn Miên, người làng Vạn Lộc (nay thuộc phường Nghi Tân - TG. chú thích), sinh năm Đinh Sửu (1673), từng làm quan đến chức Trung úy, Đội phó Đội Tả hiệu điểm, được phong Diệu đình hầu dưới thời vua Lê Hy Tông (1878 - 1705). Khi thôi việc quan, ông cùng vợ là bà Lê Thị Trác (người quận Hà Đông) đã tự bỏ tiền dựng chùa Phổ Am, đúc chuông và tạc nhiều pho tượng Phật thờ tại ngôi chùa này.

Chùa Phổ Am, nguyên trạng được kiến trúc theo lối chữ “công”, đốc chùa cũng là mặt tiền hướng về phía bắc. Qui mô chùa Phổ Am thuở xưa tuy không lớn, nhưng đây là một ngôi chùa cổ, với kiến trúc truyền thống. Nhưng đến nay, qua mỗi lần trùng tu, tôn tạo, nhiều hạng mục kiến trúc cổ đã bị hư hại, hoặc mất mát. Chùa Phổ Am hiện tại vững chãi hơn, khang trang hơn, nhưng cũng “mới lạ” đến mức khiến cho không ít người tiếc nuối một ngôi chùa đã hàng trăm năm tuổi. Năm 2000, chùa Phổ Am đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - văn hóa. Hiện tại, thị xã Cửa Lò đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nơi đây thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, thu hút du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Chùa Trung Kiên trên địa bàn xã Nghi Thiết. Thuở xưa gọi là chùa Hoàng Lao. Qui mô chùa tuy không lớn, nhưng đây cũng là một ngôi chùa cổ (xây dựng vào khoảng năm 1636) còn lại đến ngày nay. Ngôi chùa này đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa năm 1994.

Chùa Đảo Ngư (còn gọi là chùa Song Ngư). Chùa nằm trên đảo Ngư cách đất liền (trung tâm thị xã Cửa Lò) chừng 4 km. Theo các nguồn thư tịch cổ cho biết: Chùa Song Ngư được xây dựng từ thời Trần. Trải qua bao thiên tai, địch họa, lại bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ, ngôi chùa cổ này chỉ còn lại dấu vết nền chùa, một cái giếng cổ và hai cây Lộc vừng hàng trăm năm tuổi.

Năm 2005, chùa Song Ngư đã được ngân sách nhà nước đầu tư phục hồi, tôn tạo trên nền cũ. Bốn tòa của chùa Song Ngư mới đều được làm theo phong cách cổ truyền, tọa lạc trên diện tích 11.665 m2 . Năm 2009, chùa đã được UBD tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận di tích  Lịch sử - văn hóa. Đây là một di tích văn hóa tâm linh đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử và du khách mỗi khi có dịp về Cửa Lò. Tuy nhiên, do cách trở với đất liền, việc đi lại trên biển vẫn là một trở ngại lớn đối với nhiều người khi có ý định ra thăm chùa.

Như vậy cho đến thời điểm hiện nay, vùng hạ lưu sông Cấm hiện chỉ còn 3 ngôi chùa mà chúng tôi vừa khảo tả. Nhưng, các kiến trúc cổ, truyền thống của những ngôi chùa này không còn nhiều. Chiến tranh và sự nghèo đói một thời đã không giúp cư dân vùng đất này giữ lại được những công trình tôn giáo cổ. Nhưng hiện tại, nếu không có sự hiển biết thấu đáo trong việc tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa Phật giáo sẽ làm mất đi những gì vốn có của một vùng văn hóa lâu đời như xứ Nghệ. Có thể đây cũng là thực trạng phổ biến của việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, di sản kiến trúc tôn giáo hiện nay!

Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề cập tới chùa Lữ Sơn trên địa bàn xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, mà nếu chùa còn tồn tại đến ngày nay thì đây là một công trình kiến trúc Phật giáo đẹp và qui mô lớn nhất trong tỉnh Nghệ An.

Chùa Lữ Sơnnằm ở phía đông nam chân núi Lữ Sơn, trên một vùng đất rộng khoảng hơn 10.000 m2. Trước chùa, thuở xưa là dòng sông Xá, nay sông đã bị bồi lấp gần hết. Nhìn toàn cảnh, chùa Lữ Sơn gồm hai khu vực. Khu vực chùa chính nằm về phía tây nam. Khu vực nhà nam và các công trình phụ trợ nằm về phía đông bắc. Nối giữa chùa chính với nhà nam là một chiếc cầu đá có tay vịn bắc qua con suối chảy từ đỉnh núi xuống, trước đây quanh năm không bao giờ cạn nước. Trong khuôn viên chùa Lữ Sơn từng có nhiều cây muỗm, cây gạo cổ thụ. Trong đó có cây muỗm trước sân chùa có gốc to tới vài ba người vòng tay ôm không xuể. Trước sân chùa chính là cửa tam quan. Cổng chùa rộng chừng 3 đến 4 m.

Chùa chính gồm Tiền đường và thượng điện. Từ sân lên đến Tiền đường phải bước qua 18 bậc đá, mỗi bậc chạy hết chiều ngang nền chùa, dài chừng hơn 30 mét. Tiền đường có qui mô kiến trúc khoảng 30 m x 15 m. Các bộ vì được làm trên 5 hàng cột, mỗi cột có đường kính là 0,5 m, cao chừng 4 đến 5m. Tại gian bên trái trong nhà thượng điện treo một chiếc chuông đồng cao 1m, chuông có đường kính 0,6 m, nặng tới 80 kg. Chuông này được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), khi làng trùng tu, tôn tạo chùa Lữ Sơn. Mỗi khi chuông chùa Lữ Sơn dóng lên thì các làng xã cách chùa bốn, năm cây số vẫn nghe tiếng.

Nối Tiền đường với thượng điện là một cái máng hứng và thoát nước mưa, rộng chừng 0,5 m, được đúc bởi vôi trộn với mật mía, nước vỏ cây bời lời và giấy bản, bền chắc không kém gì bê tông, cốt thép. Thượng điện tuy diện tích hẹp hơn Tiền đường, nhưng đây là nơi bài trí hệ thống tượng trong của chùa với nhiều chất liệu như gỗ, đất nung, đồng. Có pho nhỏ chỉ bằng nắm tay, nhưng cũng có pho lớn tới vài người khênh. Truyền rằng, thuở xưa còn có một số tượng Phật bằng đồng đen.

Đó là bức tranh toàn cảnh chùa Lữ Sơn ở những thập niên 60 của thế kỷ XX. Ngày nay, dấu tích còn lại của chùa Lữ Sơn là một vài tháp mộ đổ nát của các vị sư từng trụ trì tại chùa Lữ Sơn. Còn tổng thể khuôn viên hàng nghìn m2 của chùa Lữ Sơn xưa, nay đã thành đất ở, đất canh tác của nhiều hộ dân địa phương.

Vào khoảng những năm chín mươi, một cựu lãnh đạo tỉnh Nghệ An, khi về thăm quê, ghé chùa Lữ Sơn, nơi một thời gắn bó với tuổi thơ của ông, thấy cảnh chùa hoang phế đã có mấy vần thơ tức cảnh, như sau:

“Chân núi Lữ Sơn một cảnh chùa

Danh lam nổi tiếng tự ngàn xưa

Nay khe hết nước, ao sen cạn

Sáng tối chuông chùa vắng tiếng đưa[4]

Cùng với những ngôi chùa cổ, vùng hạ lưu sông Cấm cũng là quê hương của Thiền sư Hưong Hải và Hòa thượng Thích Minh Châu, những vị Đại sư, những tác gia nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam.

Thiền sư Hương Hải (1628-1715),sinh quán tại làng Áng Độ (sau đổi gọi là Xuân Áng), nay thuộc xóm Thành Vinh 1, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Sư gốc người họ Nguyễn. Tổ bốn đời, tổ năm đời của Sư từng làm quan to trong triều đình Lê -Trịnh.

Sư thuở nhỏ đã thông minh, tài giỏi. Năm 18 tuổi thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), được chọn vào làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn. Sau lại bổ đi làm Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Năm sư 25 tuổi, rất hâm mộ Phật pháp, nên tìm vào học đạo với Thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ. Được Thiền sư đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp sư Minh Châu Hương Hải. Sau Sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học.

Năm 30 tuổi, Hương Hải xuất gia đi tu và từng trụ trì tại một số ngôi chùa lớn trong Nam ngoài Bắc. Thiền sư Hương Hải viên tịch ở tuổi 88. Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với Phật giáo, Thiền sư Hương Hải đã để lại trong kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam gần hai mươi tác phẩm do ông biên soạn hoặc dịch thuật. Đánh giá về con người và sự nghiệp của Thiền sư Hương Hải, giới học giả Phật giáo Việt Nam từng có nhận xét: “Sư là người gây âm hưởng của dòng thiền Trúc Lâm được vang lên trong khoảng mấy trăm năm chìm lặng”[5]   

Gần đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An và UBND thị xã Cửa Lò đã đề nghị lấy pháp danh của Thiền sư Hương Hải để đặt tên cho một tuyến đường tại thị xã Cửa Lò.

Hòa thượng Thích Minh Châu. Tục danh là Đinh Văn Nam, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 tại làng Kim Khê, nay thuộc xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Dòng họ Đinh có nhiều người đỗ đại khoa và làm quan to. Ông nội và thân phụ của ngài đều đỗ Tiến sĩ. Năm 1946, ông Đinh Văn Nam xuất gia và đi tu tại chùa Tường Văn (Huế). Từ năm 1952 - 1961, ông du học và đậu bằng Tiến sĩ Phật học tại đại học Phật giáo Nalanda (Ấn Độ). Từ năm 1964 - 1975, ông về nước và giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, chuyên lo sự nghiệp giáo dục và dịch kinh Tạng Pàli. Năm 1976, ông thành lập Trung tâm Phật học Vạn Hạnh. Năm 1979, ông tham gia vận động thống nhất Phật giáo và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, Ông làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội đồng phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam. Hòa thượng Thích Minh Châu đã biên soạn và dịch trên 30 tác phẩm Phật học.

Vậy chùa chiền nói riêng và Phật giáo nói chung đã có ảnh hưởng như thế nào trong đời sống cư dân ở vùng đất này ?. 

2. Một số nhận xét và kiến giải

- Như phần trên, chúng tôi đã đề cập: Vùng hạ lưu sông Cấm là một trong những địa bàn có khá nhiều chùa chiền và am thờ Phật. Nhưng, ngoài Lữ Sơn - ngôi chùa có qui mô kiến trúc lớn, hoành tráng thì phần lớn các ngôi chùa khác trong vùng đều đơn sơ, bé nhỏ. Địa bàn này vốn dĩ dân nghèo, việc làng nào cũng muốn có riêng một ngôi chùa đã khiến cho việc huy động nguồn lực xã hội để xây chùa lớn là không thể ?. Đó có thể là lý do cắt nghĩa vì sao chùa chiền ở Nghệ An nói chung, vùng hạ lưu sông Cấm nói riêng kém bề thế so với nhiều ngôi chùa ở các tỉnh, thành phía Bắc.

- Quá trình khảo sát dấu tích chùa chiền và tìm hiểu ảnh hưởng của Phật giáo ở vùng này, chúng tôi cũng bắt gặp hiện tượng khá phổ biến: Chùa thờ Phật chung với thờ Thần. Hiện tượng “tiền Thần, hậu Phật”, hoặc “tiền Phật, hậu thần” thường gặp tại nhiều ngôi chùa trong vùng. Khi hỏi về hiện tượng này, nhiều bậc cao niên cho rằng: Đó là hệ quả của chủ trương “hợp tự” đền - chùa từng xảy ra sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhưng thực ra, hiện tượng đền thờ có tượng Phật, chùa có tượng Thần đã có từ trước đó. Chẳng hạn, như: Chùa đảo Ngư (thời Trần) có thờ Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn; chùa Phổ Am (thế kỷ XVIII) phối thờ ông bà Nguyễn Văn Miên, người có công xây dựng chùa làm Hậu Phật; chùa Trung Kiên thờ ông Tổ nghề đóng thuyền và nhiều ngôi chùa khác thờ Cao Sơn, Cao Các… Hiện tượng này có thể bị chi phối bởi quan niệm dân gian: “Anh linh thì gọi là Thần; lấy sức mình tác động đến đất nước; lấy công lao bình ổn được quốc gia thì đáng được thờ tế”[6].

- Cũng như trong phạm vi toàn tỉnh, Phật giáo ở vùng hạ lưu sông Cấm hầu như không có Lễ hội, như Nho giáo, hoặc Thiên Chúa giáo. Và cũng không mấy chùa có sư trụ trì. Người dân đến cửa chùa cũng như vào cửa đền để xin thần Phật ban cho họ sức khỏe và những điều may mắn; “sóng yên, biển lặng, ra khơi, vào lộng an bình” . Ở vùng này rất ít Phật tử và càng hiếm Phật tử “cuồng đạo”như từng thấy ở tôn giáo khác.

- Cũng cần đề cập tới một lý do mang tính lịch sử nữa. Hầu hết chùa chiền ở địa bàn này được xây dựng vào khoảng cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, khi Nho giáo đã có ảnh hưởng khá mạnh ở vùng đất này. Tiếp đến với sự xâm nhập sâu rộng của Thiên chúa giáo từ nửa cuối thế kỷ thứ XIX trở về sau, khiến không ít cư dân vùng này hoặc bị bức bách, hoặc vì bát cơm, manh áo đã “bỏ Lương theo Đạo”, càng khiến cho Phật giáo bị lu mờ ?.

Bài viết này tuy mới chỉ là những khám phá bước đầu về chùa chiền trên một địa bàn nhỏ hẹp của Nghệ An, nhưng chúng tôi cũng tìm thấy sự đồng thuận với nhận xét của PGS. Ninh Viết Giao: “Người xứ Nghệ không tôn sùng đạo Phật lắm. Cho nên giờ đây ấn tượng về chùa chiền, về tu hành, về ăn chay, giữ giới, về đức Phật và các Thánh chung, về các vị sư… không ăn sâu trong đầu óc họ, không để lại trong tâm khảm họ một ý niệm cụ thể về chùa chiền, Phật giáo”[7].

 Ngày nay, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới, chúng ta càng ngày càng nhận thấy rõ hơn vai trò của Phật giáo trong lịch sử dựng nước và giữ nước; càng thấy rõ hơn giá trị nhân văn của tư tưởng “đại từ, đại bi” của đức Phật trong đời sống cư dân Việt. Cùng với mục đích phục vụ văn hóa tâm linh, văn hóa du lịch, nhiều chùa chiền đã được trùng tu, tôn tạo, hoặc xây dựng lại. Phật tử, con nhang ngày càng nhiều; du khách đến với chùa chiền ngày một đông. Nhưng, theo đó, hiện tượng mê tín, dị đoan, xóc xăm, bói toán, bốc thuốc cũng ngày càng thâm nhập vào của chùa. Người dân và du khách đến cửa chùa để cầu xin tài lộc cũng ngày càng nhiều. Việc chen chúc, người sau vái lưng người trước không còn là chuyện hiếm thấy tại một số ngôi chùa trong vùng. Cần sớm ngăn chặn những hiện tượng ấy và cần phát huy những giá đích thực của văn hóa Phật giáo. Cần làm cho cửa chùa, cảnh chùa mãi mãi thanh cao, an bình. Có lẽ đó là một trong những mục tiêu của cuộc hội thảo lớn và hết sức quan trọng này?.

Xin trân trọng cảm ơn!.

                                                                                                 


Tài liệu tham khảo:

1. Bảo tàng Nghệ An: Hồ sơ đình, đền, chùa Trung Kiên năm 1992.

2. Bảo tàng Nghệ An: Hồ sơ Chùa Phổ Am năm 1999 (Bản chép tay).

3. Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Q1 và Q.2. Nxb. KHXH, năm 1993.

4. Đỗ Danh Gia: Nguyễn Xí: Luận văn tốt nghiệp khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp, Hà Nội, năm 1976 (Bản chép tay).

5. Hippolyte Le Breton: An Tĩnh cổ lục (Le vieux An-Tinh). Nxb Nghệ An, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, năm 2005.

6. Hoàng Anh Tài: Họ Hoàng Văn trong lịch sử. Nxb Nghệ An, năm 2010.

7. Hoàng Anh Tài: Tư liệu điền dã, năm 2012 (Bản chép tay).

8. Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An: Văn bia Nghệ An. Nxb Nghệ An, năm 2004.

9. Lịch sử Nghệ Tĩnh, tập I; Nxb Nghệ Tĩnh, năm 1984.

10. Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc. Nxb Nghệ An, năm 1991.

11. Lịch sử Đảng bộ thị xã Cửa Lò. Nxb Nghệ An, năm 2004.

12. Lịch sử Đảng bộ xã Nghi Xá. Nxb Văn hóa-Thông tin, năm 2008.

13. Lịch sử xã Nghi Quang huyện Nghi Lộc. Nxb Nghệ An, năm 2009.

14. Lịch sử truyền thống xã Nghi long. Nxb Nghệ An, năm 2005.

15. Lịch sử Đảng bộ phường Nghi Thủy. Nxb Nghệ An, năm 2006.

16. Lịch sử xã Nghi Hợp. Nxb Nghệ An, năm 2009.

17. Ninh Viết Giao: Về Văn hóa xứ Nghệ. Nxb Nghệ An, năm 2007.



*  Phó Chủ tịch Hội Sử học Nghệ An

[1] Ninh Viết Giao: Về Văn hóa xứ Nghệ; Nxb Nghệ An, 2007; tr. 143.

[2] Bùi Dương Lịch (1757 – 1828): Nghệ An ký, Q.1 và 2; Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1993; tr. 170

[3] Hippolyte Le Breton: An – Tĩnh cổ lục (Le vieux An – Tĩnh); Nxb Nghệ An, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, năm 2005; tr. 99.

[4] Ông Nguyễn Trương Khoát, quê xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc (cách chùa Lữ Sơn chừng 3 cây số), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh Nghệ An giai đoạn 1956-1961. Bài thơ này được in trong tập sách Trọn nghĩa vẹn tình. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, năm 2011.

[5] Thiền sư Việt Nam (trích từ Báo Điện tử) tỉnh Nghệ An.

[6] Bia nói về Chánh ngự y Phạm Đức Dụ, người bỏ tiền ra chuộc ruộng chùa Phổ Am, tại làng Vạn Lộc, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

[7] Ninh Viết Giao: Sách đã dẫn; tr. 142.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 307
    • Số lượt truy cập : 6948347