Thông tin

CHÙA ĐẠI TUỆ VỚI NHỮNG TẾ KHÍ THIÊN TẠO

 

TS. HỒ BÁ QUỲNH

 

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên dãy núi Đại Huệ thuộc địa phận xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo sách Nam Đàn xưa và nay của nhiều tác giả do Nxb Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000 thì: Chùa do Hồ Vương Quý Ly xây để thờ Phật bà Đại Tuệ đã phù hộ cho Hồ Vương xây thành đắp luỹ trên núi để chống quân Minh. Khi Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc để đại phá quân Thanh có nghỉ tại đây. Đêm đến được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo đường Thượng Đạo (Nộn băng) tránh phục kích của địch và đi ra Đống Đa gần hơn, nhanh hơn[1]. Sau khi thắng trận trở về Hoàng Đế có xuống chiếu cấp 20 mẫu ruộng ở đây làm ruộng chùa. Vì vậy mà chùa Đại Tuệ được dân gọi là chùa Đại Huệ[2], chùa Đại Huệ ở tọa độ 18045’ vĩ độ Bắc, 105028’ độ kinh Đông với độ cao khoảng 400m so với mặt đất và khoảng 800m so với mặt nước biển. Đứng tại đây chúng ta thấy được bãi tắm Cửa Lò và đảo Song Ngư rất rõ, chiêm ngưỡng được quần thể di tích lịch sử văn hoá vùng Nam Đàn, địa linh nhân kiệt, đã sinh ra cho Việt Nam nhiều vị anh hùng dân tộc kiệt xuất như Hoàng đế Mai Thúc Loan, chí sĩ Phan Bội Châu, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, không những là vị anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất mà còn là nhà văn hoá lớn của nhân loại. Nam Đàn có nhiều nhà khoa bảng trong thời đại phong kiến và nhiều nhà khoa học, nhà cách mạng trong thời cận đại và thời đại Hồ Chí Minh.

1. Tế khí thiên tạo tại chùa Đại Tuệ

Ở Việt Nam ta có hàng ngàn ngôi chùa lớn nhỏ, có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hương ở Hà Tây, chùa Quán Sứ ở Hà Nội, chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh… Ngay ở Thành phố Vinh đã có hai ngôi chùa nổi tiếng là chùa Cần Linh và chùa Diệc.

Nhìn chung, dù chùa lớn hay nhỏ trong chùa ngoài tượng Phật ra thì chuông đồng và mõ gỗ không chùa nào là không có. Vì không có mõ gỗ thì sư không thể tụng kinh được, không có chuông thì không hành lễ được. Chính vì vậy trong chùa phải có chuông đồng và mõ gỗ. Khi xây dựng một ngôi chùa thì nhân dân phải đóng góp và người hảo tâm cung tiến tiền để mua đồng đúc chuông và mua gỗ làm mõ. Có chùa được nhà nước hỗ trợ như chùa Đảo Ngư – thị xã Cửa Lò chẳng hạn. Dù nhà nước hỗ trợ hay dân đóng góp hoặc Nhà nước và dân cùng làm thì chuông đồng, mõ gỗ muốn đạt được tiếng vang ngân đều phải chọn những người thợ mộc, thợ đúc đồng tài giỏi. Chưa kể trên toàn thế giới, chỉ tính riêng Việt Nam hàng ngàn ngôi chùa thì đều do bàn tay của người thợ tài ba tạo nên chuông đồng mõ gỗ. Riêng chùa Đại Huệ thì cả chuông và mõ hoàn toàn do thiên tạo. Ai đã đến đây một lần thì sẽ thấy sự diệu kỳ của tạo hoá ưu đãi cho huyện Nam Đàn vùng địa linh nhân kiệt này.

- Ở phía Tây Nam chùa Đại Huệ cách chùa khoảng 50m có một hòn đá dài khoảng hơn 2m, hình giống như một cái mõ gỗ. Khi người ta gõ vào hòn đá đó thì phát ra âm thanh của tiếng mõ gỗ. Vì vậy dân địa phương gọi là hòn “Đá mõ”.

- Ở phía Đông hơi chếch Bắc và cách chùa khoảng 100m có một hòn đá gần giống như cái chuông to hơn hòn đá mõ. Khi người ta gõ vào thì phát ra tiếng chuông đồng, nên nhân dân địa phương gọi là hòn “Đá Chuông”.

- Ở phía trước chùa cách chùa khoảng gần 50m có một hòn đá giống như cái ghế có lưng tựa nên nhân dân gọi là hòn “Đá Ngai”. Hòn “Đá Ngai” có những hoa văn trang trí có màu xanh, đỏ hình tròn giống như có bàn tay họa sĩ tô vẽ vào. Nhưng không phải người vẽ mà là thiên tạo (có thể do địa y) trông rất đẹp mắt.

- Cách chùa về hướng Nam khoảng 100m có hai hòn đá cách nhau độ cao khoảng 3 - 4m dân địa phương gọi là đá cổng chùa.

2. Những điều cần xem xét

Ngoài 3 điều kể trên thì ở trên đỉnh động Thăng Thiên cách chùa Đại Huệ khoảng hơn 100m tức là ở độ cao 964m so với mặt nước biển có một hòn đá vuông mỗi chiều khoảng hơn 1m giống như bàn cờ tướng dân địa phương gọi là đá “Tiên Kỳ” (bàn cờ Tiên).

- Ở phía Đông Bắc cách chùa khoảng 50m có một cái giếng nước trong và mát ngọt. Theo dân địa phương có năm bị hạn hán đồng ruộng khô nẻ, giếng làng cũng bị khô cạn dân phải lên giếng này lấy nước về ăn uống. Vì sao dưới chân núi đã cạn nước mà trên độ cao 400m cùng một hòn núi thì giếng vẫn đầy nước? Điều này khó giải thích.

- Cũng phía Đông cách chùa khoảng 80m có một hồ sen rộng khoảng 100m2, cũng ở độ cao 400m so với mặt đất và 800m so với mặt biển, mà hồ Sen không bao giờ cạn.

- Tại chùa này có một họa sĩ tài ba ẩn danh đã vẽ lên viên gạch một bàn tay Phật tuyệt đẹp mà tôi chưa từng thấy ở tranh ảnh hay bức tượng nào có bàn tay đẹp như thế.

- Có một điều tra mà các nhà sử học, khảo cổ học cần nghiên cứu đó là:

Cách giếng chùa 200m về phía Đông có ngôi mộ hiện đang có bát hương nhân dân thường dâng hương và nói đó là ngôi mộ của Hoàng Đế Cảnh Thịnh – Nguyễn Quang Toản? Theo sách “Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng do NXB Thanh niên in lần thứ 6 có sửa chữa và bổ sung vào năm 2001 thì Hoàng Đế Cảnh Thịnh – Nguyễn Quang Toản bị Nguyễn Ánh hành hình vào mùa đông 1802”. Nhưng cũng sách này ở trang 273, 274 có đoạn nói “Năm Quý Sửu (1793) Quang Toàn chính thức lên ngôi vua, lấy hiệu là Cảnh Thịnh, sai Ngô Thì Nhậm sang nhà Thanh báo tang và sắc phong. Vua Thanh vốn đã sắc phong cho Quang Toản làm An Nam Quốc Vương. Án sát Quảng Tây được lệnh làm sứ thần nhà Thanh có biết việc ấy song không có phản ứng gì”. Có lẽ, vì trước đây đã chấp nhận Quang Trung giả, thì nay buộc phải chấp nhận Quang Toản giả!

Qua đoạn sử này cho chúng ta có quyền suy nghĩ: Biết đâu Nguyễn Ánh đã hành hình Quang Toản giả tại Phú Xuân, còn Quang Toản thật thì vào chùa Đại Tuệ mai danh ẩn tích đi tu, ẩn náu chờ thời cơ phục quốc sau khi viên tịch được chôn tại chùa!

3. Đôi điều kiến nghị

Chùa Đại Huệ nằm trong thành nhà Hồ ở núi Đại Huệ thuộc xã Nam Anh  - Nam Xuân. Phần trung tâm của thành nhà Hồ thuộc xã Nam Xuân cách chùa chưa đầy 1km. Nơi đây vừa là danh lam thắng cảnh vừa là di tích lịch sử văn hoá. Chùa có nhiều tượng Phật có bia đá khắc chữ Nho đặt trên lưng rùa đá giống như bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội nhưng kích thước nhỏ hơn. Trước đây nhiều tao nhân mặc khách đến vãn cảnh chùa đã để lại nhiều bài thơ đầy cảm xúc, trong đó có bài thơ chữ Hán của Hoàng giáp Bùi Huy Bích Đốc đồng trấn Nghệ An (1778-1781) trong đó có câu:

“Tiểu thạch tằng loạn tối thượng đầu

Càn khôn diểu diểu ý du du”

Dịch nghĩa:

“Đá nhỏ xếp vòng tới đỉnh cao

Đất trời vời vợi dạ nao nao”

Phía Đông chùa có một bãi đất rộng tương đối bằng phẳng dân địa phương gọi là bãi tập. Chưa rõ bãi tập của quân lính nhà Hồ hay là nhà Tây Sơn nhưng có khả năng làm bãi đậu xe cho hàng trăm chiếc ô tô. Có thể làm đường nhựa theo kiểu chữ chi lên đến bãi tập, đường bậc thang lên đỉnh động Thăng Thiên nơi có bàn cờ Tiên để du khách có thể chiêm ngưỡng vùng địa linh của Nam Đàn. Xung quanh chùa tuy ở độ cao nhưng nó là đất sét rất màu mỡ. Nhân dân đã trồng cây hồng rất tốt. Dưới chân núi có nhiều nơi làm được khách sạn phục vụ du khách.

Từ những điểm nói trên tôi đã trực tiếp hai lần[3] tai nghe, mắt thấy tay sờ, đã dâng hương ở chùa Đại Huệ hai lần. Vậy kính đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, huyện uỷ, UBND huyện Nam Đàn, Đảng uỷ và UBND hai xã Nam Anh, Nam Xuân cùng các cơ quan chức năng các cấp xem xét những việc sau đây:

1. Đưa chùa Đại Huệ và thành Nhà Hồ ở hai xã Nam Anh và Nam Xuân thành điểm du lịch.

2. Xây dựng hai con đường nhựa từ chân núi (Nam Anh) lên bãi tập và lên thành Nhà Hồ (Nam Xuân).

3. Nhờ các nhà khoa học khảo cổ và lịch sử xác minh bằng khoa học. Nếu đúng là mộ của Hoàng Đế Cảnh Thịnh thì trùng tu tôn tạo lại và lập đền thờ.

4. Cho trùng tu tôn tạo chùa Đại Huệ dưới chính thức Nhà nước và dân cùng làm.

5. Phần diện tích xung quanh chùa Đại Huệ và thành Nhà Hồ nơi nào chưa giao đất, giao rừng nên giao tiếp cho dân để dân trồng thêm cây hồng và các cây khác như nhãn, vải, dứa, mía, xoài… để phục vụ khách du lịch tại chỗ và tạo ra thêm môi trường sinh thái cho quê hương.

6. Nếu Công ty cổ phần Mai Linh làm được cáp treo phục vụ du khách tham quan nghiên cứu thành Nhà Hồ và chùa Đại Huệ thì Tỉnh, Huyện và xã nên tận tình giúp đỡ.

7. Đề nghị cấp trên xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia thành Nhà Hồ - Chùa Đại Huệ.

8. Đề nghị xã cho trồng các loại cây như: nhãn, mít, xoài, hồng ở trên bãi tập vừa để bảo vệ môi trường vừa làm rừng phòng hộ có thu nhập cho dân, che mát cho người và xe các loại của du khách.

9. Đề phòng hoả hoạn, không nên trồng mới rừng thông gần chùa, mà thay những cây thông hết hạn sử dụng bằng các cây mới: nhãn, vải, mít, xoài, hồng thu nhập sẽ cao hơn.

Tôi tin chắc nếu điểm du lịch thành Nhà Hồ chùa Đại Huệ được cấp trên chấp nhận thì thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về tham quan vì tính hiếu kì của mọi người muốn được tai nghe, mắt thấy, tay sờ quả chuông bằng đá phát ra tiếng đồng và cái mõ bằng đá phát tiếng gỗ. Đến lúc đó khách hành hương về quê Bác và tắm biển Cửa Lò cũng được tăng thêm. Đặc biệt sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân, nâng cao đời sống nhờ trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nguồn thu ngân sách sẽ được tăng thêm.



[1] Theo truyền thuyết đã lưu truyền trong dân gian ở địa phương.

[2] Theo truyền thuyết đã lưu truyền trong dân gian ở địa phương.

[3] Lần thứ nhất vào năm 2001 cùng đi với tôi có PGĐ Thư viện Nghệ An Đào Tam Tỉnh, TS Sử học Nguyễn Quang Hồng – Giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Nhà báo Hồ Sắc cùng với những địa phương dẫn đường.

Lần thứ 2 vào ngày 13/10/2005 cùng đi với tôi có Nhà Báo, Hoạ sĩ Hồ Đức – Nghệ sĩ Hồ Hoành, Bác Hồ Xuân Quyền – Cán bộ UBND Tỉnh nghỉ hưu đang làm Bí thư chi bộ, GĐ Trung tâm văn hoá huyện Nam Đường, người chủ trì của chùa Đại Huệ - nguyễn Nghĩa Bình cùng với các ông Đào Văn Thơn – 76 tuổi, Hồ Viết Mơ – 54 tuổi, Trần Văn Tam – cán bộ lâm nghiệp xã, Hồ Quý Dương – người lái xe cho đoàn.

Cả hai lần tôi và một số anh em trong đoàn đều uống nước giếng ở chùa thấy ngọt mát và sức khoẻ bình thường, sau khi uống có cảm giác khoan khoái.

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 277
    • Số lượt truy cập : 6948470