Thông tin

CHÙA ĐỒNG BỤT VÀ ĐỨC THÁNH TỪ ĐẠO HẠNH

 

NGUYỄN ĐÌNH TRÀ*

 

Chùa mang tên địa danh của làng Đồng Bụt, thuộc thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa có tên chữ là Thiền Thánh tự. Chùa được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng. Ngôi chùa toạ lạc trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng, nhìn về hướng Tây (hướng nhìn về núi Ba Vì), trước cửa chùa trước đây là ao sen.

Nếu như Chùa Láng - Chiêu Thiền Tự (thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi gắn với sự trưởng thành và quá trình tu tâm Phật đạo của đức Thánh Từ Đạo Hạnh; Chùa Thầy - Thiên Phúc Tự (thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) là nơi Đức Thánh Từ trọn kiếp tu và hóa thân (có hang Thánh Hóa). Chùa Đồng Bụt hiện còn lưu giữ cuốn “Sự tích chùa Thiền Sư” (bản chữ Hán và bản dịch ra chữ quốc ngữ), trong đó đoạn nói về bản quán của đức Thánh Từ Đạo Hạnh giống như sách Đại Nam nhất thống chí, mục Từ miếu: Trong đền (Từ Đạo Hạnh ở chân núi Sài Sơn, huyện Yên Sơn), bên trái thờ tượng Đạo Hạnh, bên phải thờ tượng Lý Thái Tông, ở giữa thờ tượng Phật. Một thuyết nói ngài Từ Đạo Hạnh là người thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, cha là Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Nay tương truyền, trong làng Đồng Bụt còn có nền nhà cũ của họ Từ. Trước chùa có 70 mẫu ruộng thuộc họ Từ nay đề là tự điền cho thôn ấy[1].

Ngày nay, cách chùa 500m về hướng Tây Nam còn có địa danh Vườn Nở (tương truyền là nơi Từ Đạo Hạnh được sinh ra), nơi đây hiện nay còn một ngôi miếu nhỏ để thờ tự. Theo truyền thuyết, sau khi đức Thánh Từ Đạo Hạnh hoá thân đầu thai làm Thái tử nhà Lý, chùa và vườn Nở đã được xây dựng để thờ phụng. Trong chùa hiện nay, phía trước ban thờ thân phụ, thân mẫu đức Thánh Từ Đạo Hạnh còn bức hoành phi cổ, đề bốn chữ Từ Cơ Đản Thánh - Nền tảng sinh ra bậc thánh chỉ nơi sinh, tái tạo nên một trung tâm tín ngưỡng có từ lâu đời[2].

Đức Thánh Từ Đạo Hạnh là người có lai lịch rõ ràng, tiểu sử minh bạch, hành trạng sớm được văn bản hóa trong sử sách như Thiền Uyển Tập Anh (1337); Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697); Đại Việt Sử Lược (1377-1388)... Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Kỷ Nhà Lý), Hội Trường Đại Khánh, năm thứ 7 (1116) chép: “Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất … Người làng cho là việc lạ, để xác đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đến ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay hãy còn)”[3]. Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục có cho biết: Tỳ Ni Ða Lưu Chi thuộc dòng dõi Bà La Môn, vốn gốc ở Nam Thiên Trúc (Ấn Độ), nhưng vân du sang Trung Hoa. Tại đây, Đức Thánh được thụ giáo với Tăng Xán - Tổ thứ 3 của Thiền tông Trung Hoa và được chỉ giới ông mau mau đi về phương Nam tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở lâu tại đây. Tháng 3 năm Canh Tý, niên hiệu Đại Tường (580), Đức Thánh Tỳ Lưu Đa Lưu Chi vào đến nước ta, tu tại chùa Pháp Vân và truyền thừa cho Pháp Hiền. Trong quá trình hình thành và phát triển, Thiền phái Tỳ Lưu Đa Lưu Chi ở Việt Nam đã hoằng dương Phật pháp qua 19 thế hệ. Đức Thánh Từ Đạo Hạnh thuộc thế hệ thứ 12 của Thiền phái Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci) và cũng là đời truyền thừa thứ 2 của thiền phái này dưới triều đại nhà Lý.

Dấu tích bài minh trên quả chuông đúc năm Gia Long thứ 18 (1819) tại di tích cho biết chùa Đồng Bụt được làm vào thời Trần, niên hiệu Đại Trị (1341 - 1369)[4]. Theo văn bia Hậu Phật bi ký niên hiệu Cảnh Trị 7 (1669) chùa được tôn tạo, trùng tu. Qua nhiều lần sửa chữa, chùa Đồng Bụt hiện nay mang phong cách kiến trúc cuối thời Lê Trung Hưng đầu thời Nguyễn. Những yếu tố kiến trúc thời Lê Trung Hưng thể hiện ở một số điểm, như nhìn tổng thể hệ thống cột thấp, một số họa tiết ở đầu dư, kẻ, bẩy, kẻ góc… còn giữ lại những chi tiết cổ.

Trước đây, chùa có cột trụ, tường bao, cây cổ thụ, nay những chi tiết đó đã thay đổi. Hiện tại, chùa có mặt bằng, bố cục kiến trúc tổng thể kiểu chữ Công với các hạng mục Tiền đường, Ống muống (Trung điện) và Thượng điện, phía ngoài thay cho Tam quan là Nghi môn dạng cột đồng trụ. Với những chùa mà việc thờ thánh quan trọng hơn thờ Phật thì ngũ môn hay nghi môn tứ trụ của đền được đặt trước Tam quan chùa như chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai)...

Toà Tiền đường có chiều dài 22,9m, rộng 8,15m với 4 hàng chân cột. Các vì kèo làm theo kiểu thức chồng rường. Dưới sáu câu đầu là sáu đầu dư. Hai đầu dư gian giữa, thân rồng và đầu rồng chạy từ ngoài hiên vào thông qua hệ thống rường cụt. Các đầu cột cái, chân cột đội đều chạm trổ công phu các hoạ tiết lá lật, lá ngô đồng uyển chuyển. Đặc biệt, hình tượng con quạ ở đầu cột phướn được khắc hoạ vào đầu hai kẻ góc, chạm trổ kỳ công theo phong cách dân gian: đầu có mào, mỏ vẹt, cổ dài chạm đốt trúc. Phía trên toà Tiền đường đắp bờ nóc, đầu đao và các con kìm, con xô như những ngôi đình làng, trên lợp ngói ri cổ, một điều khác biệt mà không phải ngôi chùa nào cũng được kiến trúc theo phong cách này. Vì vậy, nhìn bề ngoài công trình đã tạo vẻ cổ kính và lộng lẫy.

Tiếp liền toà Tiền đường là tòa Trung điện (hai gian Ống muống) được hệ thống kẻ góc nối liền tạo thành kết cấu liên hoàn chạy dọc vào Thượng điện. Người xưa đã tạo dựng tòa Trung điện nổi cao hơn tòa Tiền đường và Thượng điện nên ở bên trong không gian rộng và cao vút. Đây là nơi trung tâm Phật đài. Nội thất được phụ trợ bằng các lớp cửa võng sơn son thếp vàng, chạm trổ rồng phượng “Lưỡng long chầu nguyệt” hay “Ngư long hý thủy”. Nhìn từ tòa Bái đường vào ta thấy một không gian kiến trúc cổ hiện ra thâm nghiêm và cổ kính.

Tòa Thượng điện, nơi tôn nghiêm sâu kín, phần kiến trúc thiên về bào trơn đóng bén, có hệ thống cửa ra vào. Bên trên đắp bờ nóc, đầu đao và lợp ngói ri cổ. Hệ thống chân móng và các vách tường của ngôi chùa được xây bằng đá ong, một loại vật liệu xây dựng đặc trưng ở vùng đất xứ Đoài.

Chùa được bài trí theo kiểu tiền Phật hậu Thánh: phía trước thờ Phật theo phái Đại thừa, Thượng điện thờ Từ Đạo Hạnh một vị sư nổi tiếng ở thời Lý được tôn lên thành Thánh như sắc phong đã ca ngợi bằng mỹ tự: “Từ Đạo Hạnh tôn giả đại triết thiền sư chi thần”. Hệ thống tượng Phật của chùa khá đầy đủ, nhiều pho có niên đại sớm, được bài trí trên toà Tiền đường, Ống muống, Thượng điện và nhà Mẫu.

Toà trung điện, ở hai hành lang và gian chính giữa đều bài trí tượng Phật. Trên Thượng điện, gian giữa có những lớp tượng cơ bản như: Tam thế Phật toạ ở tầng trên nhất. Cả ba pho đều tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, ngồi kiết già trên tòa sen, tóc xoắn ốc, mặc áo nhiều nếp, hai bàn tay để ngửa chồng lên nhau, mỗi pho cao 1,1 m. Lớp thứ hai là Di Đà tam tôn với pho tượng A Di Đà ngồi ở giữa, đây là một pho tượng bằng gỗ kích thước khá lớn. Tượng ngồi kiết già trên tòa sen (cao 1,35m, rộng vai 0,58m), sơn son thếp vàng, tạc ở tư thế ngồi thiền định, mắt nhìn thẳng, tóc xoăn, ngực có chữ Vạn. Lớp thứ ba là tượng Tuyết Sơn ở giữa, hai bên là tượng Nhị Thiên vương. Cả ba pho đều tạc bằng gỗ, trong đó tượng Tuyết Sơn được tạc cao 0,8m, ngồi bán kiết già, thân hình gầ guộc, chân tay khẳng khiu nhưng nét mặt kiên định, tỉnh táo. Đây là pho tượng rất sống động, có hồn, đạt tới một trình độ điêu khắc cao. Lớp thứ tư là tượng Di Lặc, hai bên là tượng Thị giả dâng hoa. Tượng Di Lặc cao 0,9m được tạc với một phong cách hết sức thoải mái, lớp áo tạc khoác lên vai phải. Tay phải đặt trên đầu gối, lòng bàn tay úp xuống dưới, tay trái kết ấn đặt ngửa trên đùi, một chân co, một chân duỗi rất tự nhiên. Có thể nói ba pho A Di Đà, Tuyết Sơn, Di Lặc là ba pho tượng rất độc đáo, hiếm thấy quanh vùng, không những tượng có kích thước lớn mà nghệ thuật thể hiện cũng đạt tới một trình độ cao. Đây là  ba pho tượng mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ17-18). Lớp thứ năm là tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên toà Cửu Long, tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, hai bên là tượng Nam Tào và Bắc Đẩu.

Cũng ở Trung điện, hai bên tả, hữu hành lang còn có hai pho tượng đạt trình độ nghệ thuật cao là tượng Quan Âm Chuẩn Đề và Quan Âm Tọa Sơn. Pho Quan Âm Chuẩn Đề được tạc 12 cánh tay. Tám cánh tay ở hai bên đưa ra thon thả, mỗi bàn tay đều cầm một báu vật. Nét mặt hai pho tượng này gần gũi, hiền từ như những gương mặt phụ nữ đời thường vẫn gặp. Bên cạnh là hai hàng Thập điện Diêm Vương, mỗi bên tạc năm bức phù điêu chạm nổi, khắc họa 10 nhân vật trên mặt phẳng mà hình tượng khác nhau, đó là Tần Quảng Minh Vương, Sở Giang Minh Vương, Tống Đế Minh Vương, Ngũ Quang Minh Vương, Diêm La Minh Vương, Đô Thị Minh Vương và Chuẩn Luân Minh Vương.

Toà Tiền đường có Ban thờ đức thánh hiền và Ban thờ đức ông. Hai hai tả, hữu còn có hai pho tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác. Đây là hai pho tượng được làm bằng chất liệu đất luyện, có kích thước lớn, cao trên 3m, song tỷ lệ hình khối, cơ bắp rất cân đối và hài hòa.

Toà Thượng điện là ba gian nhà ngang, được giành toàn bộ không gian để thờ phụng đức Thánh Từ, trong đó gian giữa bài trí cỗ hậu bành và long đình rước Thánh trong các ngày lễ hội, gian bên tả là nơi đặt khám thờ Từ Đạo Hạnh. Trước khám có bàn thờ, trên đặt long ngai, bài vị nhà thánh.

Tượng Từ Đạo Hạnh là một trong những pho tượng cổ nhất của chùa. Tượng tạo tác chân dung Từ Đạo Hạnh thời còn trẻ, tư thế ngồi thiền định, đầu trần, đôi mắt mở to nhìn thẳng, nét mặt thông minh, rạng rỡ và cương nghị. Mình mặc áo choàng nhiều nếp. Chân trái đặt trên chân phải, một bàn tay đặt sấp, một bàn tay đặt ngửa trên đùi. Về mặt bố cục, pho tượng nhìn chung khá cân đối, đường nét tạc rất tự nhiên.

Khám gỗ có kết cấu giống như một kiến trúc có mái với các cột chính ở 4 góc, xà, cửa và ván đó lụa bao quanh tạo ra một không gian khép kín. Khám chỉ được những cụ cao niên có uy tín trong làng mở ra vào ngày làm lễ mộc dục như để tăng thêm sự thâm nghiêm trong việc thờ phụng đức Thánh Từ của dân làng. Toàn bộ khám được đặt trên một bệ gỗ chạm 3 đường diềm cánh sen nở ngửa lên, các cánh sen được chạm kép tạo điểm nhấn như nhiều lớp hơn khiến cho tòa khám như đang đặt trên một đài sen lớn với ý nghĩa tôn vinh đức Từ Đạo Hạnh vừa là Thánh vừa là Phật, ngự trên tòa sen có thể trang nghiêm vi diệu pháp tòa. Các cột ở lớp ngoài của khám có chạm rồng theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, đặc biệt rồng chạm trên cột ở chính giữa thân là một bông cúc tròn mãn khai. Ở thời Lý, mặt trời còn được nghĩ là hóa thân thành một dạng hoa cúc cách điệu nhỏ thường ở trung tâm các ổ hoa dây hay giữa lòng cánh sen, với trung tâm là một ô tròn bao quanh gồm nhiều ô tròn khác nhỏ hơn (tượng cho cánh hoa). Các thời sau, hoa cúc trở thành mặt trời trong các đồ án rồng chầu hoa cúc. Đặc biệt, trên trán bia ở đền Lê Đại Hành (Thọ Xuân - Thanh Hóa) đã gặp một hình thức trang trí gần giống rồng trên cột khám thờ Từ Đạo Hạnh ở chùa Đồng Bụt, đó là trung tâm của trán bia là một mặt tròn, chính giữa mặt tròn là một bông cúc nhỏ mãn khai cân đối, không có rồng chầu vào mà chỉ có một con trong tư thế bò từ bên nọ sang bên kia rồi quay đầu lại. Một số nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống cho rằng: có thể rồng là bầu trời, ôm lấy cả mặt trời và tinh tú bốn phương. Hội lại để nói lên quyền lực và cả về tinh thần của nhà Vua, và ở đây có thể được hiểu là đức Thánh Từ Đạo Hạnh với 3 kiếp vi Tiên - vi Phật - vi Quốc vương[5].

Gian bên hữu đặt Ban thờ tượng thân phụ, thân mẫu của Từ Đạo Hạnh. Tượng thân phụ Từ Vinh được tạc trong dáng ngồi uy nghi, cân đai, áo, mũ triều phục chỉnh tề, hai mắt nhìn thẳng đôn hậu, hai tay đặt trên đùi. Tượng thân mẫu Tăng Thị Ngọc Loan tạc khuôn mặt hiền từ, mình mặc áo choàng nhiều nếp, đầu đội mũ miện. Cả hai pho tượng này đều được sơn son thếp vàng,  ngồi trên long ngai. Đây là hai pho tượng đẹp, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.  

Hiện vật còn lưu giữ được tại di tích khá phong phú: với 11 đạo sắc phong gồm 4 đạo sắc thời Lê và 07 đạo sắc thời Nguyễn, đạo sắc sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) và đặc biệt còn giữ được đạo sắc triều vua Quang Trung thứ 5 (1792); đồ đá có 3 tấm bia; đồ gỗ có 5 bức hoành phi, 6 câu đối, 2 long ngai, 1 cỗ kiệu bát cống… Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ được cuốn thần tích nói tới thân thế, hành trạng của đức Thánh Từ Đạo Hạnh.

Lễ hội chùa Đồng Bụt diễn trong hai ngày 9, 10 tháng 3 âm lịch, trong đó ngày 10/3 là chính hội. Theo lịch lễ hội, hàng năm vào lúc nông nhàn cũng là mùa lễ hội, dân làng lại tổ chức lễ hội cổ truyền để tỏ lòng tôn kính với đức thánh Từ. Theo những tài liệu trước đây, hàng năm hai thôn Đồng Bụt và Đồng Khanh đã dành ra tới 70 mẫu ruộng ở Đa Mai (trước cửa chùa) để dùng vào tiệc 10/3 âm lịch. Ngay từ sáng ngày 09/3, nhân dân quanh vùng và các tín đồ Phật tử đã nô nức hành hương về đất Phật. Trong chùa, khách thập phương ngồi chật kín từ trong nhà ra ngoài hiên, tụng kinh niệm Phật thâu đêm suốt sáng, tạo nên một không khí linh thiêng của một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng. Ngày xưa, trong những ngày diễn ra hội chùa làng, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như: đánh cờ người trên sân chùa và thổi cơm thi dưới ao Sen trước của chùa. Các cụ cao niên trong làng vẫn còn lưu truyền câu ca:

Làng ta mở hội mùng mười

Trên đánh cờ người, dưới thổi cơm thi.

Ngày 10/3, buổi sáng, các cụ cao niên trong làng tổ chức lễ tế văn nhà Thánh trước sân chùa. Trên sân, bày kiệu bát cống, long ngai, bài vị, ngựa thờ của nhà Thánh. Buổi chiều, theo lệ làng cổ xưa, dân làng tổ chức rước kiệu và bài vị nhà Thánh ra Quán Thánh - một ngôi quán giữa đồng cách chùa Đồng Bụt khoảng 700m về hướng tây bắc. Quán Thánh tương truyền được xây dựng từ thời Lý - là nơi nghỉ chân của Thánh lúc sinh thời khi ngài từ làng Đồng Bụt ra chùa Thầy. Nói về lịch lễ hội chùa làng nơi đây, người dân địa phương vẫn lưu truyền câu ca: “Mồng bảy hội Thầy, mồng mười hội Sếp nhớ ngày mà đi”. Hội chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hội Sếp là hội chùa làng Đồng Bụt (trước Cách mạng tháng Tám - 1945, thôn Đồng Bụt thuộc xã Phục Liệp, tổng Liệp Mai, nhân dân quen gọi là tổng Sếp, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây). Theo phong tục địa phương, hàng năm vào ngày 07/3 (ngày chính hội chùa Thầy) các vị cao niên trong làng Đồng Bụt sắm sửa lễ vật thành kính rước ra chùa Thầy dâng lên đức thánh trong ngày hội và mở cửa chùa ba ngày liền. Đến ngày 10/3, là ngày chính hội làng Đồng Bụt, dân làng Thày (Thầy) lại mang lễ vật vào dâng lên nhà thánh trong ngày hội làng như một nghĩa cử đáp lễ.

Chùa Đồng Bụt - một công trình kiến trúc - tôn giáo đẹp, quy mô lớn ở vùng ven sông Tích của huyện Quốc Oai, gắn liền với truyền thuyết về Đức Thánh Từ Đạo Hạnh và những dấu tích văn hóa vật chất cò từ hàng trăm năm trước vẫn được bảo lưu khá nguyên trạng. Ngôi chùa như một bông hoa nổi lên giữa một vùng quê nghèo khó, xưa kia nơi đây là một vùng chiêm trũng, quanh năm chỉ cấy được một vụ chiêm, đường làng ngõ xóm úng ngập, người dân thường chỉ được sáu tháng đi chân, còn sáu tháng phải đi thuyền nan đúng như câu ca đến ngày nay vẫn được người dân nơi đây kế lại: “Quê em đồng trắng nước trong, thóc gạo thì ít rêu rong thì nhiều”. Song, bằng bàn tay và khối óc cùng biết bao mồ hôi công sức, các thế hệ người dân nơi đây chung tay xây dựng nên một công trình kiến trúc bề thế. Đó cũng là nếp sống ngàn đời của bao thế hệ, dầu trải qua bao dâu bể, thăng trầm… như một nhà thơ đã viết:

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Ngoài giá trị lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo, chùa Đồng Bụt còn là cơ sở cách mạng thời kỳ chống Pháp, nơi tiễn đưa con em lên đường trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Với những giá trị đặc biệt của di tích, chùa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật theo Quyết định số 1460/QĐ-VH ngày 28/6/1996.



* Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

[1] Thích Viên Thành (1997), Danh thắng chùa Thầy, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, tr 29.

[2] Nguyễn Thế Long - Phạm Mai Hùng trong cuốn Chùa Hà Nội, Nxb Văn hóa - Thông tin 1997, tr 206 giới thiệu về chùa Nền (Đản Cơ tự) thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa cho biết có một thuyết khác về nơi sinh thành của đức Thánh Từ Đạo Hạnh tại chùa Nền, vốn trước là nền nhà của song thân, sau thành đền thờ song thân và khi Từ Đạo Hạnh trở thành nhà sư nổi tiếng thì đền trở thành chùa. Ngày nay tại chùa vẫn còn tượng thờ song thân đức Thánh bằng gỗ đặt trong khám, nghệ thuật điêu khắc tượng thế kỷ XIX.

[3] Ngô Sĩ Liên (2003), Đại Việt sử ký toàn thư,  tập1. Viện Sử học Bd. Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr 440 - 441.

[4] Sở Văn hoá thông tin Hà Tây (1999), Di tích Hà Tây, tr 461.

[5] Xem thêm Trần Lâm Biền (chủ biên) (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống người Việt, Nxb Văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, tr 129 và 152.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6058238