Thông tin

CHÙA HẢI GIÁC - XỨ ĐOÀI

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 


 

Chùa Hải Giác tên chữ Hải Giác tự, nay thuộc làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, toạ độ: 21006’42"N 105041’21"E. Cách Hồ Gươm Hà Nội hơn 22km về phía Tây Bắc. Điểm dừng xe bus lân cận: Địa điểm làng Tổ xã Liên Hồng trên đường đê (xe 20c), Bến xe Phùng (20a, 20b, 92).

Chùa toạ lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng ở rìa làng, Theo truyền thuyết, chùa Hải Giác dựng từ thế kỷ thứ VI, nghĩa là từ khi Hạ Mỗ là kinh đô một thuở của nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế. Các kiến trúc bộ phận được bố trí chiều sâu theo trục chính là Đông Nam - Tây Bắc.

Chùa có hai Tam quan: Tam quan ngoại kiểu hai tầng tám mái giả với các câu đối chữ Hán, cổng mở ra đường làng Hạ Mỗ. Từ cổng này đi vào có con ngõ dẫn thẳng tới một giếng tròn to, ở giữa mới dựng lầu Quan Âm với cây cầu đá bắc vào bờ. Bên trái ngõ là Tam quan nội xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu có câu đối chữ Hán. Kiến trúc tính từ đây vào sâu bên trong có mặt bằng kiểu “nội Công ngoại Quốc” (國), như bài ca về chùa Hải Giác được lưu truyền có câu:

Chùa làng có đủ trăm gian

Nội công ngoại quốc rõ ràng chẳng sai

Sau Tam quan nội là sân trước với ba tấm bia đá dưới gốc Bồ đề ở bên phải; rồi đến toà Phương đình hai tầng tám mái, tầng trên treo bộ chuông, khánh cổ đúc từ thời Nguyễn Gia Long (1802- 1820). Hai toà nhà Tổ, nhà Mẫu có quy mô, kiến trúc giống nhau nhưng xây đối diện qua Phương đình. Nhà Tổ nằm bên trái, rộng 5 gian, tường hồi bít đốc, điện giữa đặt 10 pho tượng các sư tổ. Điện Mẫu nằm ở bên phải, trong gian giữa bày bộ tượng Tam phủ (Mẫu Thiên, Mẫu Thủy, Mẫu Nhạc), các gian bên là động Sơn Trang và bàn thờ Đức thánh Trần.

Tiếp theo Phương đình lại có một sân gạch rộng tới hơn 300m2, có rất nhiều chân đá tảng cũ được xếp thành hàng dài sát chân hè chùa, dẫn tới tòa Tiền đường, quay về hướng Đông Nam, hai bên sân là nhà Tả, Hữu vu. Sau lưng dãy nhà Mẫu và Tả vu là vườn Tháp với nhiều cây xanh trải dài đến giáp giếng nước và con đường ven sông cũ. Tiền đường gồm 5 gian 2 dĩ, gian giữa nối với toà Thượng điện khá sâu, hai gian giáp đầu hồi có cửa “thoát tục” dẫn vào Hành lang tả, hữu với dãy tượng 18 vị La Hán nhìn ra sân hậu. Hai góc cuối dãy hành lang nối với toà Hậu đường rộng 7 gian nơi có Mật Động và khá nhiều bia công đức và tượng Hậu.

Chùa Hải Giác hiện nay lưu giữ hơn 200 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 50 tượng tròn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao mang phong cách cuối Lê đầu Nguyễn. Bên trái Tiền đường có tượng Đức Ông và hai thị giả (Già Lam và Chân Tể); bên phải là Thánh Tăng và hai thị giả là Diệu Nhiên và Đại Sĩ. Góc tường hồi bài trí giống nhau, mỗi bên gồm bốn vị Kim Cương và hai vị Bồ tát, cả hai tập hợp hoàn chính là Bát bộ Kim Cương, Tứ Bồ Tát. Đầu Thiêu hương có hai Hộ Pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác, dọc theo hai bên là Thập điện Diêm Vương, ở hai góc cuối có Quan Âm Tống tử và Quan Âm Chuẩn đề.

 

Thập bát La Hán

 

Tại tòa Thượng điện, trên vị trí cao nhất là bộ tượng Tam Thế Phật ngồi kiết già. Hàng thứ hai là bộ Di Đà Tam tôn hay Tây phương Tam Thánh gồm Phật A Di Đà, hai thị giả hai bên là Quan Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát. Hàng thứ ba là bộ ba Đức Di Lặc, Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử xanh, Phổ Hiền cưỡi voi trắng. Hàng thứ tư là tượng Thích Ca thiền định. Tám pho tượng Phật đều ngự trên tòa sen, đầu có các búp tóc ốc bụt. Hàng thứ năm là Ngọc Hoàng ngồi trên long ngai, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu. Hàng thứ sáu là Thích Ca Sơ sinh trong tòa Cửu Long, hai bên có Phạm Thiên, Đế Thích.

Đoạn giữa Hậu đường được dùng làm Mật Động với rất nhiều tượng chư Phật; tại hai góc nối hành lang có dựng 25 tấm bia hậu, trong đó có 5 bức tượng phù điêu của thời Hậu Lê. Hàng năm, ngoài các tiết sóc (mồng Một), vọng (Rằm), lễ tết của dân làng, lễ hội chùa Hải Giác được tổ chức long trọng vào ba ngày: Rằm tháng Tư - Phật đản, Rằm tháng Bảy - Lễ Vu Lan và Rằm tháng Mười một - ngày mất của Sư Tổ Thanh Trang.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, chùa Hải Giác còn có những đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược của tầng lớp sĩ phu, sư cụ Thanh Trang, trụ trì chùa Hải Giác đã trực tiếp tham gia lãnh đạo các cuộc nổi dậy của nghĩa quân trong vùng. Trong cuộc nổi dậy đánh thành Hà Nội đêm ngày 5 rạng mồng 6 tháng 12 năm 1898, cụ là Hữu quân chánh tướng. Kế hoạch không thành vì bại lộ, sư cụ Thanh Trang cùng các tướng lĩnh khác bị thực dân Pháp truy bắt và tàn sát dã man.

Tấm gương chiến đấu hy sinh của nhà sư yêu nước Thanh Trang đã góp phần làm giàu thêm truyền thống yêu nước của Phật tử và nhân dân địa phương và rạng danh ngôi chùa Hải Giác. Hiện nay, cây duối sau vườn chùa Hải Giác, nơi thiền sư Thanh Trang ngã xuống vẫn xanh tốt. Nhân dân Hạ Mỗ dựng bia căm thù để ghi nhớ công ơn của Sư Tổ với quê hương đất nước. Di hài của cụ được đặt trong “Trang Nghiêm bảo tháp”. Đôi câu đối ở gian giữa ca ngợi vị sư tổ, nhà yêu nước, Hữu quân chánh tướng trong phong trào chống Pháp những năm cuối thế kỷ XIX như sau:

Vị quốc xả thân vạn đại Tổ sư danh bất hủ

Cứu dân độ thế ức niên chân lý đức lưu hinh

(Vì nước bỏ mình, muôn đời danh tiếng Sư Tổ không bao giờ mất.

Cứu dân giúp đời, vạn kiếp đức của người là chân lý mãi tỏa hương).

Tháng 10 năm 1991, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng ngôi chùa quý báu này là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 106
    • Số lượt truy cập : 6920569