Thông tin

CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU, NGƯỜI CÓ CÔNG LỚN

TRONG PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO PHƯƠNG NAM

 

HOÀNG VĂN LỄ*

 

I- Bối cảnh chính trị và tình hình Phật giáo thời Trịnh - Nguyễn phân tranh

 Nhà Hậu Lê làm vua đến đời Chiêu Tông (1516-1527) bị Mạc Đăng Dung soán ngôi. Nhờ họ Trịnh dứt được nhà Mạc, nhưng  vua Lê chỉ là kẻ làm biểu tượng vì mọi quyền hành nằm trong tay họ Trịnh. Nam - Bắc phân tranh rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh. Phật Giáo cuối đời Hậu Lê đã suy thoái, cao tăng Việt vắng bóng, Nho giáo thịnh hành thời Lê Thánh Tông, nay trải qua những năm dài chiến tranh, dân chúng và hàng nho sĩ mất niềm tin vào hệ thống tư tưởng và điều hành của Tống Nho; Phật giáo vốn lắng đọng trong tâm thức dân tộc có cơ hội phục hưng, làm chỗ dựa tinh thần cho các quan lại, nhất là người dân lưu tán nhiều nguy khốn. Lúc bấy giờ mọi liên hệ với xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong bị cắt đứt (nhất là sau khi Đào Duy Từ xây xong lũy Nhật Lệ còn gọi là lũy Thầy năm 1631), nên phần nhiều chấn hưng Phật giáo dựa vào sự nghiệp hoằng hóa của cao tăng Trung Hoa.

Phật Giáo ở Đàng Ngoài:Vào đời vua Lê Thế Tông (1573-1599), ở Bắc có phái Tào Động do cao tăng Tri Giáo Nhất Cú, người Trung Hoa truyền vào (chùa Hòa Giai, Hàm Long, Trấn Quốc ở Hà Nội đều theo phái Tào Động). Vào đời vua Lê Hy Tông (1676-1705), cao tăng Chiết Công người Trung Hoa lập pháp Liên Tông, chi nhánh của Lâm Tế. Chùa Hàm Long ở Bắc Ninh, chùa Nguyệt Quang ở Kiến An, chùa Bà Đá ở Hà Nội thuộc Liên Tông, chi nhánh của Lâm Tế. Ngoài ra còn có thiền sư người Trung Hoa như thiền sư Chuyết Chuyết người Phúc Kiến, thiền sư Minh Hành người Giang Tây hoằng hóa tại Đàng Ngoài. Ở đây, chỉ có một nhà sư Việt Nam nổi tiếng, đó là ngài Chân Nguyên, người tỉnh Hải Dương, có công phục hồi Phật giáo Trúc Lâm.

 Các chúa Trịnh có công xây dựng chùa trùng tu chùa chiền, bảo tháp. Chúa Trịnh Tráng học đạo với thiền sư Chuyết Chuyết, chúa Trịnh Bồng xuất gia tu Phật. Các Chúa Trịnh có công xây chùa, trùng tu chùa, nhưng cũng tịch thu chuông các chùa để đúc binh khí vào năm 1740 và năm 1787. 

Phật Giáo ở Đàng Trong:Đa số những cao tăng danh tiếng thời bấy giờ đều là người Trung Hoa bỏ Trung Quốc vào buổi giao thời Minh-Thanh đến Việt Nam hoằng hóa như:

Ngài Viên Cảnh, Viên Khoan, thiền sư Nguyên Thiều người Quảng Đông, lập chùa Thập Tháp - Bình Định, chùa Quốc Ân - Huế, chùa Hà Trung - huyện Phú Lộc, Thừa Thiên.

Hòa thượng Thích Đại Sán (hiệu là Thạnh Liêm) người Hán ở Quảng Đông (Trung Quốc), được các chúa Nguyễn ba lần thỉnh mời, chúa Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ tát giới với vị Hòa thượng uyên thâm và nhiều tài năng đặc sắc này.[1]

Thiền sư Giác Phong, thành lập chùa Báo Quốc - Huế; thiền sư Tử Dung, người Quảng Đông xây dựng chùa Ấn Tôn tức là chùa Từ Đàm - Huế;

Thiền sư Từ Lâm dựng chùa Từ Lâm - Huế; thiền sư Pháp Bảo, người Phúc Kiến, khai sơn chùa Chúc Thánh - Quảng Nam, thiền sư Hưng Liên trú trì chùa Tam Thai - Quảng Nam, sang Đại Việt vào đời chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) đem thiền phái Tào Động đến miền Nam; thiền sư Pháp Hóa, người Phúc Kiến, khai sơn chùa Thiên Ấn - Quảng Ngãi; thiền sư Tế Viên khai sơn chùa Hội Tôn - Phú Yên.

Ngài Liễu Quán, người Phú Yên là vị cao tăng, có công phục hưng Phật giáo Việt Nam ở Đàng Trong, giống như ngài Chân Nguyên, phục hưng Phật giáo Trúc Lâm ở Đàng Ngoài. Thiền sư Liễu Quán khai sơn chùa Thuyền Tôn, Viên Thông - Huế, chùa Hội Tông, Cổ Lâm, Bảo Tịnh ở Phú Yên, thành lập phái Liễu Quán, Việt hóa thiền phái Lâm Tế Trung Hoa.

 Các chúa Nguyễn có công xây dựng chùa, tháp như chùa Linh Mụ tại Huế v.v... dùng giáo nghĩa Đại Thừa dung hòa tín ngưỡng, phong tục tập quán của các sắc dân Đàng Trong.[2]

II- Công đức hộ pháp, an dân của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu

Chúa Nguyễn Phúc Chu sinh ngày 11 tháng 6 năm 1675, kế vị  ngôi chúa từ ngày 7 tháng 2 năm 1691 lúc 16 tuổi, là vị chúa thứ 6 của xứ Đàng trong, trị vì được 34 năm. Là vị chúa mộ đạo (Phật giáo) bậc nhất, mở cõi đến tận cùng phương Nam như ngày nay.

Ở Đàng Trong, Phật giáo trở thành nhu cầu mới trong đời sống tâm linh người Việt lưu tán, nên việc tiếp đón các cao tăng từ Trung Quốc sang là một nhu cầu cấp thiết đối với các chúa Nguyễn.

 1- Thỉnh mời cao tăng mở trai đàn, hoằng pháp:

Về công đức hộ pháp: Nguyễn Phúc Chu lên ngôi chúa năm 1675, xưng tụng là Minh Vương; ngay năm sau đã tu sửa Văn Miếu ở Triều Sơn, sửa chùa Mỹ Am (Thúy Vân), nhiều dự tính trùng tu chùa miếu và mời các danh tăng để hoằng pháp phát triển nền đạo pháp nước nhà. Từ Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái việc mời các danh tăng người Hán đã đặt ra nhưng chưa có kết quả, nay Minh Vương phái hai sứ giả Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan, gốc người Phúc Kiến, ngụ tại Hội An có từng qua lại nhiều lần tỉnh Quảng Đông, đem một phong thư thỉnh cầu của Minh Vương, qua tận am Trường Thọ thỉnh vị thiền sư trú trì ở đây. Chính Đại Sán Hòa thượng đã nói[3]: “Kể từ Tiên vương có thư mời, đến nay nữa là ba lần, mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy.”

Rằm tháng giêng năm Ất Hợi (27-2-1695), Hòa thượng Thích Đại Sán cùng đoàn tùy tùng trên dưới 50 người đi tàu biển duyên (Đồng Mông) 11 ngày đêm đến Cù Lao Chàm, được chiến thuyền Chúa Minh Vương hộ tồng đến An Cựu lên chùa Thiền Lâm. “Lúc ấy quan dân, trai gái tụ họp chen lấn nhau đứng xem, võng không đi tới được. Đi quanh hai ba lớp núi, nghe trong rừng tre có tiếng trống chuông; Quốc sư rước vào trong một ngôi đền, ngồi chừng nửa giờ, những người đến lễ liên tiếp. Thông ngôn giới thiệu, ông này ông kia, làm quan chức nầy nọ... Phần đông chẳng phân biệt được, ta chỉ ngúc đầu mà thôi.”[4]Minh Vương gặp Hòa thuong Đại Sán, hoạch định chương trình: Thiền sư ra thông bạch, thống suất tăng chúng tổ chức cả ba giới đàn từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 4. Phần Minh Vương phát lệnh bài đi khắp các phủ sứ cho tăng đồ về thụ giới, để được cấp giới điệp, miễn xâu thuế. Chúa thống suất hoàng gia, quan lại văn võ, mở đàn riêng tại Vương phủ để quy y, xin đặt pháp danh, đạo hiệu; đồng thời hỗ trợ đầy đủ về mọi mặt vật chất. Lúc đầu, đơn xin thọ giới của tăng chúng thập phương chỉ có 600 người, sau mấy ngày số xin thọ giới lên đến hàng nghìn, được chu cấp đầy đủ. Qua đó, ta thấy sự ngoại hộ của chúa Nguyễn rất nhiệt thành. Đến nỗi Hòa thượng Thạch Liêm cũng phải thán phục. Hải ngoại kỷ sự ghi lại: “Rồi thì, Vân trù (nhà bếp), Thiền đường, Vân thủy đường dựng lên ở phía tả; Thị Liêu, Trai đường, Độc luật đường, Am chủ liêu dựng lên ở phía hữu. Ở giữa làm một giới đàn. Suốt sáng thâu đêm, chỉ trong ba bốn ngày là xong. Ngoài ra  khuân vác khí cụ, hàng ngày trên đường đông như kiến cỏ, hơn 2000 vân thủy giới tử, ai lo phần việc nấy. Quốc sư dọn cơm trưa, xin treo chuông mõ làm hiệu lệnh...” .

Trong “Hải ngoại kỷ sự”, mục "Đàn chay" Hòa thượng Đại Sán ghi lại nhiều nhận xét quan trọng về trai đàn và thái độ trọng thị và mộ đạo của Chúa như sau: “... Ngày 1 tháng 4, Quốc Vương mở đàn chay, dâng lễ, tự mình đến thắp hương, mời ta thượng đàn thuyết pháp.

Trước đó một ngày, dọp dẹp đường sá. Từ sáng sớm có đội quân mão đỏ đẹp đường bắt người ta phải tránh xa ngoài một hai dặm. Đạo ngự đi có người theo hầu tả hữu, đều cầm kim đao, kim thương dài năm sáu thước (khoảng 2 thước tây). Quốc Vương ngồi trên kiệu Ly Điền giống hình con lừa. Quân khiêng kiệu 16 người, toàn người cao lớn, xõa tóc, mình trần chỉ có một sợi dây thắt ngang lưng, treo một vuông vải trước quấn lại cột chéo ra sau lưng (...) Quốc Vương đội mão xung thiên cánh chuồn, mặc đạo bào màu huyền, đi giày nhung, không mang bít tất, vào đền thắp hương lễ phật. Đoạn đi quanh đàn chay, xem xét trần thiết, cả mừng than rằng:ô May có lão hòa thượng đến đây, mới được thấy pháp môn quảng địa trang nghiêm như vậy.

Vương tiến vào phương trượng tham kiến. Quốc cậu mặc áo mãng bào, cầm kim đao đứng hầu. Nhà Chúa dâng trà quả cơm chay đều không dùng, đã có nội giám đem trà để ngự dụng. Trong câu chuyện, phần nhiều nói về việc Phật... Ngoài vách chùa, quân lính đứng dày hai lớp. Lớp ngoài toàn người cao lớn râu ria, ai râu ít thì kẻ thêm râu giả, đội mão bằng gỗ đỏ, cầm kim thương đứng thẳng khít rịt. Lớp trong toàn thanh niên mạnh mẽ, chít khăn đà la ni đỏ, mặc áo nhung lục, cầm kim đao, cũng đứng như lớp ngoài. Cán dao và cán thương đều sơn màu anh đào. Mỗi khi Quốc Vương trong điện bước ra, quân lính đều xoay mặt ngó vào. Quốc Vương đi vào thì sắp hàng đứng hai bên đối diện nhau rất thẳng. Ngoài giậu có vài nghìn quân, thế mà ngự tọa lặng thinh, chỉ nghe tiếng chim kêu lá rụng mà thôi.”

Thể hiện thành tâm và ngưỡng mộ của mình Chúa Minh vương cho ghi vào Văn bia chùa Thiên Mụ[5]: "Nhớ lại năm xưa, mời được Đường đầu Đại Sư, tên chữ là Đại Sán, hiệu Thạch Liêm. Ngài là bậc thầy, nguyện lực thâm sâu, lòng thương rộng lớn, y báo, chánh báo vô biên, đạo thấu ba thừa, tu có tôn chỉ, như cây có gốc, nước có nguồn. Ngài được truyền tâm ấn ở đất Triết Tây (Trung Quốc)"[6]với lòng tôn kính người mà Chúa đã thọ giáo, qui y và thọ giới bồ tát. "...Thầy ta đã đi rồi, ta cứ hoài thương nhớ vị cao tăng, đã từng chống gậy vượt  qua núi non, quan ải, dùng thuyền chở đạo vượt biển, băng suối đi đến trời Nam, đem câu kinh kệ tuyệt diệu để ca tụng đạo mầu".

Như vậy, đại giới đàn Thiền Lâm tại Thuận Hóa vào năm Ất Hợi (1695) đã viên mãn tốt đẹp.

Vào ngày 24 tháng 4, Minh Vương tổ chức một kỳ sám tụng Đại bi Đà-la-ni ở Giác Vương Nội Viện. Hòa thượng Đại Sán và tất cả tăng chúng đều dự lễ nầy. Sau Phật sự này, đoàn của Hòa thượng Đại Sán lo chuẩn bị ngày về. Ngày 29 tháng 6 năm Ất Hợi, sau khi Minh Vương cúng dường cho hòa thượng một bình bát, một tích trượng bằng vàng, cùng với y hậu bằng gấm vóc, trầm hương, hoàng lạp…  Thuyền nhổ neo, vào đến Hội An, bị trở gió không đi được, Hòa thượng Đại Sán ở lại chùa Di Đà, mở đàn truyền bồ tát giới cho 300 giới tử tại đây, những người không kịp ra Thuận Hóa thọ đại giới ở giới đàn Thiền Lâm vào tháng 4 vừa qua. Mùa thu sau đó Hòa thượng Đại Sán trở về quê nhà Quảng Đông Trung Quốc.[7]

Từ vị cao tăng này (đời thứ 29 của Thiền phái Tào Động)[8] thiền phái Bắc tông khai thị và phát triển xuôi vào phương Nam theo lưu dân, trong đó một đệ tử là Thiền sư Liễu Quán, người Việt tu thiền hệ phái này.

2- Đúc chuông và trùng tu chùa Thiên Mụ:

Năm 1714, chùa Thiên Mụ được tôn tạo nguy nga và rộng lớn, có nhiều cơ sở có công năng phù hợp cho việc tu tập của tăng chúng và truyền bá Phật pháp. Quần thể chùa Thiên Mụ sau khi trùng tu đã có quy mô như bia đã ghi lại: "Từ ngoài cửa đi vào có điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng bảo điện, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, hai bên chùa thì có lầu chuông, lầu trống, điện Thập Vương, nhà uống trà, nhà ăn, Thiền đường, điện Đại Bi, điện Dược Sư, phòng thiền cho tăng lữ, tất cả cũng trên dưới mấy chục ngôi nhà. Thêm vườn Tỳ Da có phương trượng của sư trụ trì cũng có trên dưới mười mấy phòng, huy hoàng lộng lẫy, nhìn thấy ai cũng thích thú và nể phục".

Quá trình xây dựng chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu kéo dài mấy năm, đánh dấu bằng năm đúc chuông và năm dựng bia "Nay Chúa hiền ra đời gặp duyên lành khắp nơi nên năm Canh Dần thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ (1714) thứ 23 trùng tu miếu, điện, công trình mất hơn một năm thì hoàn tất, năm Ất Mùi (1715) dựng bia ghi lại". Đa số vua chúa sau này đều hâm mộ Phật giáo Đại thừa, nên nhiều chùa ở Huế đều thuộc hệ phái này. Nhưng chùa Thiên Mụ đã hân hạnh được nhiều đời vua chúa chiếu cố, cho trùng tu hoặc xây cất thêm.

 Ngoài hai phúc nghiệp lón kể trên, Chúa Nguyễn Phúc Chu tu tập hạnh bồ tát nêu gương sáng cho quần thần và cộng đồng các dân tộc chung sống trên vùng đất mới phương Nam.

3- Về việc an dân:

Với người dân lưu tán, vai trò Phật giáo góp phần quan trọng bậc nhất. Triết lý Phật giáo và đời sống tâm linh của người dân lưu tán được Sơn Nam nhận xét như sau[9]: “Trong buổi đầu mở nước, người lưu dân vào Nam mang theo mấy chữ “từ bi bác ái”, “trọng nghĩa khinh tài”, “phổ độ chúng sanh”, “thiên đường địa ngục” và những tăng sĩ rành kinh kệ ở tận Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định. Đại Nam nhất thống chí dùng chữ: “Nhà sư Trí Năng đi vân du” và đến như ngôi chùa nổi danh Sài Gòn là Kim Chương, còn gọi chùa Thiên Trường (ở vùng cao, đường Nguyễn Trãi ngày nay, khuôn viên Bộ Nội vụ) do Đạt Bản Hòa thượng từ Qui Nhơn đến lập, sử gọi ông là nhà sư “du phương”. Tôi hiểu “vân du”, “du phương” là nhập vào cuộc đời, theo trào lưu vào Nam để trực tiếp giúp đồng bào đang bỏ quê quán đi làm ăn nơi xa, phá rừng, sống chung với thú dữ và lũ lụt, với nắng lửa mưa dầu. Chết giữa rừng hoang thì vui vẻ chấp nhận nhưng với điều kiện là có nhà sư tụng kinh cầu siêu. Tìm đâu ra nhà sư đúng nghĩa? Tôi hình dung thuở ấy phần lớn là dạng mà nay ta gọi bôi bác là “thầy cúng”. Miễn là khi động quan, khi hạ huyệt, có tiếng chuông, tiếng mõ thì được “Tây phương tiếp dẫn” với tiếng Nam mô A Di Đà Phật mà ý nghĩa chẳng ai hiểu rõ. Chết mà được Phật chiếu cố đã là mãn nguyện đối với thân nhân. Thiếu nghi thức ấy là vô phước, trở thành cô hồn, “thập loại chúng sanh” mà thi hào Nguyễn Du đã nhắc nhở, nhờ đức Phật cứu rỗi. Ngày lễ Vu Lan, đối với dân khẩn hoang dường như nhẹ về phần “báo hiếu” mà nặng về phần “cúng cô hồn”. Chùa nào cũng có bàn thờ nhỏ thờ “cô hồn”. Người xưa tin vào đạo Phật nhưng vẫn “sát sinh”. Cọp và sấu, rắn độc - giống mà nếu ta không giết nó thì nó giết ta. Ta giết ở mức độ cần thiết. Giết một con sấu để cảnh cáo, nhưng tha cho mấy con còn lại để nó “đi tu”, sau đó cất miễu thờ cái đầu sấu... Thiếu khí giới, thiếu can đảm thì rình những hang ổ, lén bắt mấy con cọp con cho giống cọp lần hồi tuyệt chủng…” được coi là thành quả xuất phát từ sự mộ đạo của các chúa Nguyễn, trong đó Chúa Nguyễn Phúc Chu được xếp vào hàng đầu lập công hộ pháp, thọ giới bồ tát.

Với năm đặc tính cơ bản: Tự do tư tưởng, đạo Phật không có hệ thống tín điều với "đến để mà thấy", chứ không phải "đến để mà tin". Vì vậy, chánh kiến luôn đứng đầu trong các đức tính. Tinh thần tự lực, đạo Phật với chủ trương luật nhân quả, nghiệp báo đã nói lên tinh thần trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trước sự đau khổ và hạnh phúc của chính mình. Tinh thần từ, bi, hỷ, xả; đạo Phật thường được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ, ở đâu có đạo Phật, ở đó có tình thương, ở đó hận thù được hóa giải. Tinh thần thực tiễn vì giáo lý đạo Phật là thiết thực, không mơ hồ, có tác dụng cụ thể, không phải lý thuyết suông, là giáo lý thực nghiệm, không chờ đợi một ân sủng hay một mặc khải nào. Tinh thần không chấp thủ; đạo Phật là giải thoát và tự do, cuộc đời là vô thường, nên nó đem đến đau khổ cần vượt thoát mọi ràng buộc, bám víu vào cuộc đời.[10]

Với đặc tinh đó, hòa quyện trong công cuộc mưu sinh đầy thách thức, xa xứ sở quê hương, người dân lưu tán không những đã trụ được mà còn góp công đầu trong khai quật tiềm năng vùng đất mới. Người dân xả thân đi trước, chính quyền các Chúa Nguyễn nhất là Chúa Nguyễn Phúc Chu hợp thức hóa, hợp pháp hóa tổ chức thành một xã hội, thành một quốc gia hoàn chỉnh về sau. Công trận Nguyễn Phúc Chu đáng được trân trọng đời đời.

Kết luận

Chúa Nguyễn Phúc Chu với 34 năm trị vì Đàng Trong, là giai đoạn mở mang bờ cõi rộng lớn nhất. Ngoài nỗ lực tự thân cùa người dân lưu tán, mối gắn kết hài hòa của các cộng đồng, nhất là quan hệ giữa các tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa; còn là việc tổ chức hành chính nhằm hợp hóa, hợp pháp hóa địa bàn cư trú mới của người dân lưu tán. An dân là việc hệ trọng bậc nhất trong sự nghiệp mở cõi, trong đó đời sống văn hóa tâm linh chiếm vị trí trọng yếu. Bởi vì, trước khốn khó, gian nguy nơi mới đến xa lạ, nhiều sản vật phong phú; song luôn phải đối mặt với sông ngòi chằng chịt chia cắt, rừng thiêng, nước độc, thú dữ và cả họa người (cướp của, giành đất, xung đột tín ngưỡng…). Trước các hiểm họa, niềm tin tín ngưỡng rất quan trọng, vốn sống văn hóa vật chất và tinh thần là cơ sở trong quá trình bảo tồn và phát triển dân tộc; trong đó niềm tin Phật giáo với “luân hồi – nhân quả”, “bồ tát giới, cứu khổ cứu nạn” biến thành “ở hiền gặp lành”, “trọng nghĩa khinh tài” trong cư xử… chiếm vị trí quan trọng bậc nhất.

Quá trình đó, Phật giáo khôi phục và phát triển, đa dang các phương pháp tu tập. Phật giáo gắn kết, hòa quyện với tín ngưỡng đa thần của dân gian bản địa. Chưa có thể so sánh với thời Lý - Trần, Phật giáo cực thịnh, là quốc giáo góp công lớn trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Song có thể thấy rõ, Phật giáo Đàng Trong giữ vai trò lớn trong công cuộc hộ quốc, an dân và mở cõi. Hầu hết các Chúa Nguyễn mộ đạo, trong đó giai đoạn trì vì của Chúa Nguyễn Phúc Chu có lúc thực sự là quốc giáo, với vị chúa qui y tam bảo, thọ giới bồ tát và đứng ra hộ pháp, Thuận Hóa (Huế) sớm trở thành một trung tâm Phật học của Đàng Trong và sau này là của cả nước.

Vua mộ đạo, tăng lữ uyên bác-đạo đức, quần chúng ngưỡng mộ là những nhân tố hội tụ vào thời Minh Vương, do đó trong 34 năm trị vì của Minh vương, dân tộc ta hoàn tất công cuộc mở cõi. Tiếc rằng các chúa Nguyễn và vua Nguyễn về sau chưa kế nghiệp đúng mực, vua Gia Long bảo thủ trong cai trị, trả oán phong trào Tây Sơn, chia rẽ cộng đồng, hạn chế các sáng tạo của dân chúng, gắn kết dân tộc không trọn vẹn, bế quan tỏa cảng… thực sự xa rời tư tưởng “lục hòa”, “từ bi, hỷ xả” và “trí tuệ” của Phật giáo, làm suy kiệt nội lực đất nước, cuối cùng một cõi giang sơn cẩm tú rơi vào tay thực dân Pháp.

Phải chăng lúc nào “Pháp” được “hộ” thì “Dân” mới “an”, “Nước” mới “phát”. Khi nào cao tăng được minh vương trọng thị, tự nguyện thọ giới và hộ pháp, cùng với chúng dân hướng thiện là lúc quốc gia thịnh trị. Trong quan hệ, dân là nước, vua quan là thuyền; đồng bộ thì con thuyền quốc gia mới phát triển, trong đó tâm linh (hàng đầu là Phật giáo) là ngôi sao Bắc đẩu để con thuyền đến bến bờ tươi sáng – bờ giác.



* Tiến sĩ, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

[1] Trong “Hải ngoại kỷ sự”, Hòa thượng Thích Đai Sán ghi chép về hành trình hoằng pháp phương Nam, ngoài việc đạo pháp còn nhiều nhận xét có giá trị về địa lý, văn hóa, lịch sử và thương mại. Hải ngoại kỷ sự là một cuốn ký có nhiều tư liệu quý về đất nước và con người Việt Nam lúc bấy giờ (1695).

[2] Theo Trần Quang Thuận; “Phật giáo tổng quan”; 600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì, sự phát triển của Phật giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo; đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại. 

[3] Hải ngoại kỷ sự, tr. 30.

[4] Hải ngoại kỷ sự, tr.35.

[5] "Dựng vào ngày mùa đông năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11(1715)"

[6] Theo Nguyễn Hữu Vinh dịch

[7] Khi Hòa thượng trở về Trung Quốc có đem theo nhiều vàng bạc châu báu của Chúa Nguyễn Phúc Chu cùng nhiều phật tử cúng dường đủ xây một ngôi chùa rất to: “... Hòa thượng xây lầu Bửu Các ở phía tây Việt Tứ Sơn, hiên lồng bóng nhật, nóc vút từng mây liên tiếp diện ngọc cung châu, rực rỡ nào nhà thọ giáo, nào cung bát quan trai, cung tiếp khách, chỗ thiền tâm, xem chẳng khác như non bồng nước nhược vậy, suối reo chim hót và cây tươi bóng mát...”

[8] Theo "Phật học đại từ điển" thì Động Thượng là một phái nhỏ, cuối cùng của dòng Tào Động do thiền sư Lương Giới (807-869) ở Động Sơn, Trung Quốc sáng lập.

[9] Sơn Nam, “Một vài nét xưa và nay của Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh”, Kỷ yếu Hội thảo khoa hoc 300 NĂM PHẬT GIÁO GIA ĐỊNH - SÀI GÒN - TP HỒ CHÍ MINH, NXB. TP. Hồ Chí Minh,  2002.

[10] Theo Hòa thượng Thích Giác Viên trong bài viết “Đạo Phật”

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6794908