Thông tin

CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU QUA CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO

 

MINH NGỌC*

 

Chúa Nguyễn Phúc Chu sinh năm 1675 mất năm 1725, ở ngôi chúa 34 năm. Trong thời gian trị vì, ngài là một vị minh quân tài đức, qua những chính sách đối nội, đối ngoại; đồng thời là một Phật tử tại gia nhiệt thành hộ đạo hoằng pháp, kế thừa và phát triển Phật giáo ờ Đàng Trong. Sở dĩ ngài có được những thành quả tốt đẹp như vậy, theo cái nhìn của Phật giáo thì không ngoài đạo lý nhân duyên sinh. Hễ có gieo nhân, tạo duyên tốt thì ắt có kết quả. Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng vậy. Sau đây, dựa trên học thuyết Tam nhân trong giáo lý nhà Phật, chúng tôi sẽ phân tích sơ lược về cuộc đời của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Trước hết, chúng ta định nghĩa Tam nhân là gì? Đó là ba nhân: Chính nhân, Duyên nhân và Liễu nhân. Chính nhân là cái chính yếu vốn có của mỗi chúng sinh. Như nói tất cả chúng sinh đều bình đẳng có Phật tính. Hay nhà Nho thường nói: “Tánh vốn thiện”; hay tạm gọi là nhân tố chủ quan. Duyên nhân là những yếu tố phù trợ cho chính nhân từ chủng tử được hiện hành như hạt giống được nảy mầm. Ví như đất, nước, ánh sáng, môi trường v.v… để hạt giống phát triển dần lên thành quả. Hay tạm gọi là nhân khách quan. Liễu nhân là sự hòa hợp nhuần nhuyễn giữa chính nhân và duyên nhân dẫn đến phát triển chính nhân đạt đến cứu kính. Hay gọi là quả.

Vậy chính nhân của chúa Nguyễn Phúc Chu ở đây là gì?

Thứ nhất là nhân tổ tiên và gần nhất là cha của mình tức chúa Nghĩa, Nguyễn Phúc Trăn. Qua sử chúng ta được biết từ thời chúa Nguyễn Hoàng Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế lần lượt trải qua chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trăn tức 5 đời chúa, rồi đến chúa Nguyễn Phúc Chu thì không một vị chúa nào không kính mộ Phật pháp, ủng hộ già lam, đều có những công trình đóng góp, dựng xây Phật giáo nhất định. Nhất là chúa Nghĩa lại càng ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với chúa Nguyễn Phúc Chu. Từ nhỏ đến lớn khi còn là Thế tử, chúa đã được học từ cha tấm gương nhân hậu, chí hiếu, trọng kẻ sĩ, cầu người hiền,... hơn nữa còn được lời di chúc, giáo huấn của cha để lại như một kim chỉ nam thực hiện sau này khi nối nghiệp chúa. Trước khi băng hà, chúa Nghĩa đã ân cần nhắn nhủ con mình, như sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển VI, ghi:“Tân Mùi năm thứ 4 (1691) mùa Xuân tháng Giêng, ngày Bính Thân, chúa không khỏe, triệu Thế tử là Tộ Trường Hầu đến bảo rằng: Ta vâng theo mối trước, vẫn mong sao nối theo được chí, làm theo được việc. Con nay kế nghiệp nên noi công đức của tổ tông cầu hiền đãi sĩ, yêu dân, thương quân, đừng tin lời nói gièm pha, đừng bỏ những lời ngay thẳng, để xây dựng nghiệp lớn, đó là điều đại hiếu”.

Thứ hai là nhân bản thân chúa Nguyễn Phúc Chu. Theo sử thuật lại thì ngay ngày thụ thai của mẹ là Hiếu nghĩa Hoàng Hậu Tống thị đã có những điềm lành báo hiệu đứa con sinh ra sẽ là một bậc kỳ tài xuất chúng sau này. Sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển VII, ghi: “Trước kia, năm Giáp Dần, mùa thu ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lổ có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào nhà chổ mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm Thánh. Năm sau, chúa đúng kỳ giáng sinh, mùi thơm nức nhà”.Ở đây, chúng ta không vin theo hoàn toàn vào sự kiện mang tính kỳ bí, thần thánh hóa, nhưng ắt hẳn sự ra đời của một vĩ nhân phải có cái gì đó ít nhiều khác với người bình thường! Vả lại, tại sao những đời chúa Nguyễn khác không thấy sử ghi mà chỉ chúa Nguyễn Phúc Chu có? Điều này nói lên ý nghĩa gì? Cái mà giáo lý nhà Phật gọi là Túc nhân, cũng là cái nhân vốn có khi mới sinh ra, do nhiều đời nhiều kiếp tu tập hạnh lành mà được như vậy. Cho nên ngay từ nhỏ, chúa đã thể hiện cái tố chất tài đức, thông minh mà như sử đã dẫn ở trên có nói: “Lớn lên, học chăm chữ tốt, đủ tài thao lược văn võ…”. Hay nói: “Bấy giờ, 17 tuổi hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Chúa nối ngôi vọng bái đài Kính thiên. Ngày hôm ấy, trời trong mây sáng, người ta đều cho là cảnh tượng thái bình”.

Thứ ba là nhân thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm từ Trung Hoa sang để y chỉ cầu pháp. Có nhiều giả thuyết được đặt ra ở đây như là: Phải chăng chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh Hòa Thượng Thạch Liêm từ Trung Hoa sang với ý đồ chính trị cầu cạnh thế lực? Nếu vì mở mang Phật giáo thì hiện thời chí ít ở Đàng Trong cũng có rất nhiều các thiền sư đạo cao đức trọng, cụ thể như Thiền sư Nguyên Thiều vốn cũng được vua cha sùng trọng tại sao không y chỉ mà phải cất công thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm ở phương xa đến? Đứng trên quan điểm của Phật giáo thì điều này có thể giải thích minh bạch:

 Một là, chúa Nguyễn Phúc Chu vốn là người từ nhỏ đến lớn được hun đúc Nho giáo, trọng chữ hiếu, muốn thực hiện cái điều mà trước đây cha mình chưa làm được. Như trong sách Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (Thạch Liêm), chúa Nguyễn Phúc Chu viết lời Tựa đầu có nói: “… Than ôi! Cầu được kẻ hiền đã khó, cầu được bực Thầy lại càng khó. Bổn sư là Hòa thượng Trường Thọ. Ta, từ ngày đương ở ngôi vị Thế tử đã nhiều lần ngưỡng mộ, Tiên vương đưa thơ rước mời hai lần không qua”. Nay, chúa Nguyễn Phúc Chu hoàn thành tâm nguyện của cha mình “mời hai lần không qua” một phần để báo hiếu, một phần để cầu Thiện tri thức dạy bảo Phật pháp cho mình.

Hai là, yếu tố cơ và duyên. Tại sao chúa Nghĩa thỉnh hai lần mà ngài Thạch Liêm không qua, trong khi chúa Nguyễn Phúc Chu chỉ mời một lần mà lại qua? Theo cái nhìn của giáo lý Phật thì không ngoài hai yếu tố cơ và duyên. Ở đây, chúng ta tạm hiểu Cơ là căn cơ hay trình độ. Có lẽ với tuệ nhãn của mình, Hòa thượng Thạch Liêm đã thấy được chúa Nghĩa chưa đủ căn cơ, trình độ nối dòng Tào Động, mà chúa Nguyễn Phúc Chu lại có đủ chăng!  Ngài ít nhiều cũng biết chúa Nguyễn Phúc Chu rất giỏi thơ văn hơn là chúa Nghĩa. Về phía chúa Nguyễn Phúc Chu cũng hẳn phải tìm hiểu trước khi thỉnh cầu và biết Hòa thượng Thạch Liêm cũng là một vị học vấn uyên bác, văn thơ xuất chúng như trong bài Tựa Hải ngoại kỷ sự, chúa ghi: “Còn về Phật pháp, văn chương, tài tình đạo đức, thầy ta khai hóa hơn 30 năm, viết sách hơn 20 loại, lưu hành đã lâu”. Như vậy, một người thầy tài, được một trò giỏi cầu thỉnh lẽ nào không chấp thuận?

Còn nói về duyên, thì không bút mực nào kể xiết, mà theo nhà Phật vẫn thường nói là nhân duyên “bất khả tư nghị” hay còn gọi là “không thể nghĩ bàn, không thể diễn nói”. Như chúng ta cũng thường nghe câu nói: Phật độ kẻ hữu duyên, chứ không độ người vô duyên. Vì nếu ai cũng được Phật độ thì tại sao khi đức Phật còn tại thế, mọi người dân ở Ấn Độ không được hóa độ hết? Hay thế gian thường nói: Hữu duyên thiên lý năng tao ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng. Hay nói: Ở gần chẳng hợp duyên cho, Xa xôi cách mấy lần đò cũng sang. Ở gần, đối diện với Thiền sư Nguyên Thiều và các thiền sư khác ở trong nước, chúa Nguyễn Phúc Chu lại vô duyên, mà lại hữu duyên với Hòa thượng Thạch Liêm ngoài nước. Và ngược lại, Hòa thượng Thạch Liêm lại vô duyên với chúa Nghĩa hai lần thỉnh mà lại hữu duyên với chúa Nguyễn Phúc Chu chỉ một lần mời thôi! Cái duyên đạo cảm thông bất khả tư nghị ấy chỉ có hai người mới biết. Thế nên, ngay buổi đầu tiếp kiến chúa Nguyễn Phúc Chu, Hòa thượng Thạch Liêm đã kể lại trong Hải ngoại kỷ sự rằng: “…Võng lọng từ cửa giữa đi thẳng vào đền, chúa đứng đón ở thềm Đông, thoạt mới gặp nhau như quen biết sẵn từ trước (…) Ta bảo rằng: Chúa thực khá khác, chẳng quên nghiệp cũ vậy. Vương ngó ta mà cười”.

Qua câu này, ý nói ngài Thạch Liêm và chúa Nguyễn Phúc Chu đã từng đồng tu nhiều kiếp trước, nay đủ duyên lại hội ngộ thôi.

Với ba yếu tố gia đình, bản thân, cầu thầy học đạo hình thành một chính nhân vững chắc, và cần có duyên nhân để phát triển nhân thành quả.

Nói vê Duyên nhân đó là nói ảnh hưởng giáo lý Phật đà của chúa thông qua Hòa thượng Thạch Liêm. Cũng có hai yếu tố: Một là việc chúa Nguyễn Phúc Chu đươc thụ Bồ tát giới. Theo giáo lý Phật, Bồ tát được định nghĩa là Giác hữu tình, nghĩa là chúng sinh giác ngộ, giác ngộ cho mình và giác ngộ cho người. Chính vì đề cao lý tưởng giác ngộ cho mọi người nên Bồ tát có hai hình thức tại gia và xuất gia để thích nghi thực hành hạnh cứu thế độ sinh. Cũng như trong một số các Kinh Luận thường nói đến những đời sống khác của đức Phật: Khi hành Bồ tát đạo, trước lúc thành bậc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đức Phật đã từng làm quốc vương, Bà la môn, đại thần, trời người và ngay cả những loài súc sinh v.v… Do thực thi hạnh Bồ tát nên Phật thị hiện những thân như vậy.

Đối với chúa Nguyễn Phúc Chu là người bẩm chất sùng mộ đạo Phật hết mực, khao khát được hành đạo, giúp đời; dẫu mình là chúa có quyền thụ hưởng dục lạc, nhưng không vì thế mà từ bỏ ý muốn tu hành. Chỉ mong với cương vị là tục gia cư sĩ trị an thiên hạ, mở mang đạo pháp mà thôi. Như trong bài minh viết trên bia của chùa Thiên Mụ, chúa nói: “Những mong nối gót Linh Sơn, nghĩ thẹn cho mình không sáng, canh cánh bên lòng, chỉ mong gìn giữ đạo cao vòi vọi. Muốn đem hết tài ba chưa hẹn được ngày sau gánh vác”.

Niềm khao khát được tu theo Phật, nhưng không ai hướng dẫn, nay đã được thiện tri thức nhận lời mà còn truyền cho giới pháp, tuy là tục gia mà vẫn hành đạo lợi lạc quần sinh thì còn gì sung sướng bằng! Chính đây là một duyên nhân thù thắng để Nguyễn Phúc Chu-cư sĩ Hưng Long Bồ tát giới, một Thiên Túng đạo nhân bắt đầu dấn thân vào con đường Bồ tát đạo làm đẹp đời, tốt đạo sau này.

Hai là yếu tố được sự dạy bảo tận tình của Hòa thượng Thạch Liêm. Như bài Tựa Hải ngoại kỷ sự, chúa viết: “Từ mùa Xuân năm Ất Hợi (1695) Hòa thượng qua đến nơi, lưu lại đến mùa Hạ năm Bính Tý (1696) được gần gũi sớm hôm chuyện trò cung dưỡng, sau những lúc giảng luận thiền kinh còn chỉ về luân thường kỷ cương, từ việc lớn đến việc nhỏ, vạch đường chỉ nẻo, lời lẽ rõ ràng, khác nào dắt người từ chỗ tối tăm ra nơi thanh thiên bạch nhật, giúp ích cho quả nhân trong việc chánh trị nhiều biết dường nào”.

Qua lời tự thuật này, chúng ta lại càng biết thêm vai trò trợ duyên quan trọng của Hòa thượng Thạch Liêm là một vị thầy đức hạnh trong đạo “giảng luận thiền kinh”, một người cha mẫu mực chỉ về luân thường kỷ cương; một vị quân sư tài ba giúp vua trong việc trị nước.

Nói về Liễu nhân là thực hành chính sách cai trị nước và mở mang Phật giáo. Sau khi hình thành Chính nhân, Duyên nhân thì việc kết hợp hoàn thành liễu nhân là vấn đề tất nhiên. Trước hết, đối với Phật giáo chúa lo mở mang dựng xây ngôi Tam bảo hiện tiền:

Đối với Phật bảo: Xây dựng chùa.

Một là chùa trên núi Mỹ Am: Lúc mới lên ngôi, chúa đã cho xây dựng chùa Mỹ Am và rất nhiều trên núi này, Sách Những ngôi chùa Huế của Hà Xuân Liêm, NXB Thuận Hóa, trang 242 có ghi: “Trong bia “Ngự chế Thánh duyên tự chiêm lễ bát vận” chính vua Minh Mạng đã cho là: thử sơn tích thời, tự vũ thậm đa, giai Hoàng tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế sở kiến, Hậu kinh Tây sơn tặc tàn hủy cơ tận” Nghĩa là núi này thời trước chùa viện rất nhiều, đều do Hoàng tổ ta là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế xây dựng ra cả; về sau trải qua thời loạn, giặc Tây sơn tàn phá hết dấu tích”. Theo đây thì ngoài chùa Mỹ Am còn có nhiều chùa được chúa cho xây dựng trên núi này.

Hai là sưửa chữa chùa Thiền Lâm: Đợt 1 vào đầu tháng 3 năm Ất Hợi (1695) để Hòa thượng Thạch Liêm cư trú lúc mới qua. Theo Hải ngoại kỷ sự: “…Viên Nội giám, hai viên quan Bộ Công dẫn đến vừa lính vừa thợ chừng nghìn người đi xây dưng nhà cửa. Mờ sáng kẻ vác gỗ, người vót mây, lại có người cuốc đất đắp nền, hoặc leo lên mái nhà gọi nhau, hoặc đào hầm đất đi xuống, từ sáng đến tối liền ba ngày đêm, cất xong một tòa phương trượng năm gian 32 cột, bốn phía có hành lang; vách tường rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván và một nhà hậu liêu năm gian 20 cột cũng đồng thời làm xong”.

Đợt 2 khoảng giữa tháng 3 năm Ất Hợi (1695) dể kịp mở đại giới đàn vào ngày 1 tháng tư. Theo Hải ngoại kỷ sự: “Chúa tức thì phê lịnh truyền quan quân các dinh chia nhau dựng cất liêu xá, hạn trong ba ngày lạc thành, bàn ghế, đồ dùng  mãn hạn 10 ngày phải có đầy đủ. Rồi thì Vân trù, Thiền đường, Vân thủy đường dựng lên ở phía tả, Thị liêu, Trai đường, Độc luật đường, Am chủ liêu dựng ở phía hữu. Ở giữa làm một giới đàn. Suốt sáng thâu đêm chỉ trong ba bốn ngày là xong. Ngoài ra, khuân vác khí cụ hàng ngày trên đường đông như kiến cỏ, hơn 2.000 vân thủy giới tử ai lo việc nấy…”.

Ba là sửa chữa chùa Thiên Mụ. Trong bài minh của bia chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Phúc Chu kể rõ: “… quyên góp ngọc ngà, chẳng tiếc vàng bạc, hễ luật nước đã truyền, đất gỗ công quân chẳng sợ lao nhọc đến cùng lực có toàn dân giúp sức, chẳng sợ ngày tháng kéo dài. Công trình lớn lao nhờ có các quan Cần chánh, Chưởng cơ, Đại chưởng, Chưởng đinh, Giám niên, Phó giám niên, cùng nhau tuyển quân, chọn số ít trong số đông, chọn người giỏi trong số ít. Tùy theo sức thưởng công, tin ở lòng thành, ân oai đều giống nhau. Thợ giỏi thi công, tính một năm tròn.

Từ cửa núi vào có điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại hùng bảo điện, nhà thuyết pháp, lầu tàng kinh. Hai bên là lầu chuông trống, điện tháp Diêm vương, nhà Vân thủy, nhà Trai, nhà thiền, điện Đại bi, điện Dược sư, tăng liêu, thiền xá không dưới vài chục sở. Sau vườn Tỳ Da, bên trong là phương trượng và các chỗ không dưới vài chục sở đều sáng chói huy hoàng, khiến người xem phải bàng hoàng kinh hãi. Thật là thế giới sắc vàng, một tòa quang minh vậy”.

Bốn là sửa chữa chùa Kính Thiên. Theo Đại Nam nhất thống chí, quyển Kinh sư mục Tự quán, Phạm Trọng Điềm dịch Đào Duy Anh hiệu đính, có ghi: “Chùa ở phường Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy, do Thái tổ Hoàng đế (tức Nguyễn Hoàng-chúa Tiên) dựng từ năm Kỷ Dậu thứ 52 gọi tên là chùa Kính Thiên. Hiển Tông Hoàng đế năm Bính Thân thứ 25 (1716) sửa lại đề một hoành biển là Kính Thiên tự và một hoành biển là Vô Song Phúc địa. Lại ngự chế 5 câu đối”.

Năm là sửa chữa chùa Giác Hoàng. Cũng theo như sách đã dẫn trên: “Chùa ở xã Hiền Sĩ huyện Phong Điền, chùa cổ sau bỏ. Năm Tân Sửu bản triều Hiển Tông thứ 30 (1721) sửa chữa lại và cho tên hiện nay. Lại cho 3 biển vàng: một biển khắc 5 chữ “Ngự đề Hoàng Giác Tự”, một biển khắc 3 chữ “Kế Thánh đường”, một biển khắc 2 chữ “Cổ Lầu”, phía tả biển khắc 8 chữ: Quốc Vương Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề”

Đối với Pháp bảo:

Theo sách Phủ Biên tạp lục, tập 1, ghi: “Năm Vĩnh Thịnh thứ 2( 1706) Vua sai người đem vàng sang phủ Chiết Giang Trung Quốc mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ đem về để ở trong chùa Thiên Mụ”.

Năm Canh Dần (1710), chúa cho đúc đại hồng chung đặt tại chùa Thiên Mụ. Trên chuông có khắc: “Quốc chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Động Chánh tông đời thứ 30 pháp danh Hưng Long đúc hồng chung này nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Thiên Mụ để vĩnh viễn cung phụng Tam bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận, quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn thành đại viên cảnh trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu ngày Phật đản tháng tư năm Canh Dần”.

Đối với Tăng bảo:

Ngày mồng 1/4/1695, chúa cho mở đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm lần lượt truyền giới Sa di, Tỳ kheo, Bồ tát. Ở giới đàn này, chúa Nguyễn Phúc Chu và hoàng thân quốc thích cũng được thụ giới Bồ tát. Số giới tử lên đến hơn 1.400 vị.

Cũng trong năm này, ngày 7/7, khi Hòa thượng Thạch Liêm còn ở Hội An, khoảng trên 300 người đến chùa Di Đà xin thụ giới. Giới đàn được tổ chức đơn giản, nhưng giới điệp cũng được đóng kèm ấn chúa.

Giới đàn Thiền Lâm có một tầm quan trọng lớn, được tổ chức quy tụ đông đảo các giới tử từ các tỉnh đến cả nước. Thiền sư Liễu Quán cũng được thụ giới Sa Di ở giới đàn này.

Kế tiếp, đối với việc trị nước: Chúa Nguyễn Phúc Chu vốn là người nhân hậu có sẵn đạo tâm, vừa mới lên ngôi đã có những việc ích nước lợi dân như miễn thuế, chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má diêu dịch, bớt việc hình ngục. Từ khi phát tâm thụ giới Bồ tát và được thấm nhuần giáo lý Phật thông qua sự giáo huấn của Hòa thượng Thạch Liêm, thì mọi việc trị nước an dân lại càng thêm khởi sắc. Chúa mở rộng bờ cõi xuống phía Nam đạt được nhiều thành tựu như đặt phủ Bình Thuận, đặt phủ Gia Định. Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa); lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lập xã Minh Hương, thêm vùng Sông Bé, La Ngà, Tánh Linh, có thêm đất Hà Tiên do Mạc Cửu dâng v.v.. và chống giặc biển Man An Liệt (người Anh) ở đảo Côn Lôn để giữ yên bờ cõi. Ngoài ra, chúa còn cho đúc ấn tỷ Đai Việt Quốc Nguyễn- Chúa Vĩnh trấn chi bảo. Ấn tỷ này lưu truyền cho các đời sau đến triều vua Gia Long.

Tóm lại, cuộc đời lịch sử của chúa Nguyễn Phúc Chu ngay từ thuở chào đời, làm Thế tử, nối nghiệp chúa, cai trị nước, băng hà theo con mắt nhà Phật hiểu đó là một chuỗi nhân duyên sinh. Hữu tình nào cũng như vậy, nhưng riêng chúa Nguyễn Phúc Chu đã vận dụng khéo léo thuyết nhân duyên, ứng dụng bằng cách thực hành triệt để cái Duyên nhân thù thắng tạo điều kiện phát huy mạnh mẽ cái Chính nhân tốt đẹp vốn có của mình, cũng có nghĩa là đã tu tập pháp Tứ Chính Cần cho bản thân: những điều thiện chưa sinh làm cho sinh khởi, những điều thiện đã sinh thì làm cho phát triển v.v... Chính đó là điểm khác biệt, nổi trội của chúa Nguyễn Phúc Chu-Bồ Tát Cư sĩ Hưng Long khác với các chúa Nguyễn đương thời cũng như tất cả mọi người.



* Nhà nghiên cứu, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 39
    • Số lượt truy cập : 6794945