Thông tin

CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

XỨ ĐÀNG TRONG THEO TINH THẦN

TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN

 

LÊ SƠN*

 

Nguyễn Phúc Chu là vị chúa thứ 6 trong số 9 chúa Nguyễn của xứ Đàng Trong. Kể từ khi Nguyễn Hoàng bắt đầu vào Thuận Hóa năm 1558, cho đến khi Nguyễn Phúc Chu lên cầm quyền vào năm 1691, là 133 năm.

 

 

Nguyễn Hoàng

(1558- 1614)

: 56 năm

 

 

Nguyễn Phúc Nguyên

(1614- 1635)

: 22 năm

 

 

Nguyễn Phúc Lan

(1635- 1648)

: 13 năm

 

 

Nguyễn Phúc Tần

(1648- 1687)

: 39 năm

 

 

Nguyễn Phúc Trăn

(1687- 1691)

:   4 năm

 

 

Nguyễn Phúc Chu

(1691- 1725)

: 34 năm

 

 

Nguyễn Phúc Chú

(1725- 1737)

: 13 năm

 

 

Nguyễn Phúc Khoát

(1737- 1765)

: 27 năm

 

 

Nguyễn Phúc Thuần

(1765- 1777)

: 12 năm

 

 

Thời Nguyễn Phúc Chu, xứ Đàng Trong phát triển rực rỡ nhất, đáng gọi là bước nhảy vọt. Chúa lên ngôi năm 1691 thì ngay năm sau, năm 1692 chúa cử Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh bắt vua Chăm là Bà Tranh lập phủ Thuận Thành. Năm 1698, chúa lại cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý lập phủ Gia Định. Năm 1707, chúa thu nạp Mạc Cửu phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, tức sáp nhập Hà Tiên vào nhà nước Đàng Trong. Năm 1703, chúa sai Trương Phúc Phan đánh đuổi quân Anh lấy lại Côn Đảo. Năm 1710, chúa cho thu phục hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá xác lập vùng đất Tây nguyên thuộc chủ quyền nhà nước Đàng Trong. Năm 1711, chúa sai đo vẽ quần đảo Trường Sa. Thế là, chỉ trong vòng 21 năm, từ nam Khánh Hòa, nước ta mở rộng đến Hà Tiên, vùng Tây nguyên và biển Đông, tạo nên một nước Việt Nam có diện mạo hoàn chỉnh như ngày nay. Sự nghiệp giữ nước và mở nước cực kỳ quan trọng này đều xảy ra vào thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu.

Tưởng cũng cần liên hệ quá trình Nam tiến của các triều đại trước đó. Năm 1471, Lê Thánh Tông hành quân đánh chiếm kinh đô Trà Bàn của người Chăm, thì nước ta gồm cả tỉnh Bình Định ngày nay, ranh giới phía nam của nước ta là đèo Cù Mông. Từ đó cho đến hết thời Nguyễn Hoàng năm 1614, tức 143 năm sau, xứ Thuận Quảng vẫn là vùng đất ấy, ranh giới phía Nam của nước ta vẫn là đèo Cù Mông. Rồi trong 68 năm tiếp theo, 4 chúa Nguyễn tiền nhiệm mở rộng thêm 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tức trong thời gian 221 năm, cuộc Nam tiến diễn ra chậm chạp, để rồi trong vòng 21 năm, thời Nguyễn Phúc Chu, nước ta bước một bước thật dài, mở rộng đến tận Hà Tiên, vùng đất Tây nguyên và vùng biển Đông thật rộng lớn.

Lẽ tất nhiên, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu đã kế thừa những sự chuẩn bị của các chúa Nguyễn tiền nhiệm, và công lao của các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng dấu ấn Nguyễn Phúc Chu là hết sức ấn tượng! Sự nghiệp ấy thật vĩ đại vì nó to lớn và toàn diện quá. Nó to lớn vì trong vòng trên 20 năm, Nguyễn Phúc Chu đã xác lập chủ quyền một vùng lãnh thổ mới, rộng lớn bằng nửa nước Việt Nam ngày nay, nếu không nói là phát triển gấp ba lần lãnh thổ nước Đại Việt trước đó.

Chắc chắn, ở nơi con người vị minh quân này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các nhà vua, nhà chúa khác. Việc nghiên cứu đặt ra nhiều vấn đề lý thú để tìm hiểu vị minh quân độc đáo này. Ở đây, chúng tôi chỉ khảo cứu riêng về mặt văn hóa tư tưởng mà thôi.

Nguyễn Phúc Chu lấy đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân, một danh vị Lão giáo. Chúa lại là người xiển dương phát triển Phật giáo, tên tuổi chúa gắn liền với những công đức rất ấn tượng. Chúa cho xây dựng mở rộng qui mô chùa Thiên Mụ, cho đúc chuông to, rồi đích thân viết bài minh lên chuông đồng chùa Thiên Mụ. Chúa cho người đến Trung Hoa rước Hòa thượng Thích Đại Sán đến mở giới đàn tại kinh đô Huế. Chúa quan tâm xiển dương Phật giáo, đào tạo tăng ni, khuyến khích việc xây lập chùa tại các vùng đất mới,…

Nhưng đừng quên rằng, chúa quan tâm đến Nho giáo trước hơn cả. Ngay khi lên ngôi chúa, sau khi bắt tay vào việc bố trí cán bộ, đặc biệt là các tướng lãnh quân đội hết sức trọng yếu trong tình hình Nam – Bắc phân tranh, thì một năm sau, chúa Nguyễn Phúc Chu liền củng cố guồng máy cai trị theo cấu trúc xã hội kiểu Nho giáo như sau:

“Năm 1692, chúa liền cho sửa Văn miếu. Năm 1698, chúa sai quan làm duyệt tuyển lớn. Chúa chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt hình ngục, …

(Đại Nam thực lục, tập I, tr. 106)

“Mùa thu tháng 8 năm 1701, mở khoa thi. Ngày thi chúa ra đầu đề, lấy trúng cách về chính đồ được 4 người Giám sinh, 4 người Sinh đồ, và 5 người Nhiêu học, trúng cách về hoa văn được 17 người, trúng cách về thám phỏng được 1 người. Giám sinh bố Tri phủ, Sinh đồ bố Tri huyện, Nhiêu học bổ Huấn đạo, hoa văn và thám phỏng bổ vào ba ty”.

(Đại Nam thực lục, tập I, tr. 114)

Đó là phong cách của một vị quân vương theo khuôn mẫu Nho giáo. Ở Trung Hoa từ thời nhà Hán, Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chủ đạo của tầng lớp thống trị. Nho giáo là một học thuyết chính trị được tầng lớp cai trị ưa chuộng, vì nó có tác dụng củng cố quyền lực cai trị một cách rất có hệ thống. Có lẽ Nho giáo đã xâm nhập vào nước ta từ khi chính quyền đô hộ của người Trung Hoa, rồi các vương triều nhà nước độc lập Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn liên tục vận dụng tư tưởng Nho giáo trong chính sách cai trị của mình, tuy đậm nhạt có khác nhau trong mỗi triều đại.

Nhưng chỉ với bộ khung Nho giáo có vẻ hoàn chỉnh ấy không thôi thì xã hội dù được củng cố có hệ thống, cũng dễ bị rơi vào tình trạng xơ cứng, bảo thủ như phân tích sau đây:

Trong lúc Nho giáo cố đóng khuôn con người vào giữa cuộc đời trần tục, làm cho con người quẩn quanh, khô cạn dần cảm hứng sống, thì Phật và Đạo lại cố mở rộng nhãn giới của con người đến những chân trời rộng lớn, giúp con người bớt nhọc nhằn căng thẳng, để con người có thể nuôi dưỡng những tình cảm thiên chân quý giá của mình. Trong khi Nho giáo duy trì một hệ thống “tam cương ngũ thường” khắc nghiệt trói chặt lấy con người, với cả một hệ thống đẳng cấp chặt chẽ từ trên xuống dưới, thì Phật và Đạo lại cởi trói cho con người, để cá tính, sở thích và cả bản năng con người được tự do trỗi dậy”.

(Cao Xuân Huy – Nguyễn Huệ Chi, Tư tưởng phương Đông gợi những

điểm nhìn tham chiếu, tr. 22).

Các triều đại ngày xưa ở Trung Quốc được ổn định và phát triển là do những nhà vua cai trị sáng suốt, họ đã vận dụng mặt mạnh của các tôn giáo:

“Các học thuyết Trung Hoa ngày xưa lấy đạo Nho trị quốc, đạo Thích trị tâm, duy trì được các trật tự lớn nhỏ, xây dựng được cái nền đạo đức luân lý vững bền, đã mấy muôn đời cũng nhờ có hai đạo dung hợp giáo hóa mà thuần phong mỹ tục dẫu trải bao thời đại thịnh suy đắp đổi mà cội gốc không hề lay chuyển”.

(Nguyễn Khoa Tùng, Phong trào Chấn hưng Phật giáo, tr.17,18)

Còn ở nước ta, hai triều Lý - Trần, đất nước có những thời kỳ rất hùng cường. Nước ta lập được những chiến công lừng lẩy vô tiền khoáng hậu: phá Tống bình Chiêm, ba lần đánh bại giặc Nguyên Mông.

Những đội quân hùng mạnh chỉ có thễ là sản phẩm tất yếu của một xã hội thịnh vượng. Xã hội thịnh vượng ngày xưa đều do các vị minh quân cai trị, đó là những vị vua giỏi Nho và mến mộ Phật, Lão. Về mặt tư tưởng, nhiều thức giả cho rằng đó là đặc điểm văn hóa của nước ta, tư tưởng “dung tam tế” khởi từ sư Vạn Hạnh, vị Quốc sư trí tuệ đầu triều Lý.

 “Đủ tỏ tư tưởng Van Hạnh không những đã hun đúc nên Lý Thái Tổ, mà còn ảnh hưởng sâu rộng mấy triều vua đầu triều Lý và cả về sau nữa, đã trở nên tinh thần Quốc học Việt Nam vậy”.

(Nguyễn Đăng Thục, Quốc học Việt Nam, tr. 109)

Người ta thấy rằng tiến trình phát triển của tư tưởng Việt Nam theo một Quy luật đặc sắc – quy luật luôn luôn “hóa giải” mọi sự độc tôn về ý thức hệ bằng cách tạo nên một đời sống tâm linh phong phú, thăng bằng. Nho giáo nặng về lối tư duy lý tính, như khoa học ngày nay dùng phương pháp thực nghiệm để giúp con người nhìn ra vô vàn đặc tính khác nhau của một vũ trụ ngày càng phân hóa đến cùng cực, thì Phật, Lão lấy tư duy tuệ tính làm nền tảng, dùng trực quan để cảm thức về tính đồng nhất và toàn vẹn của vũ trụ, tìm ra giữa vô vàn hiện tượng phức tạp của vũ trụ một bản thể giống nhau.

“Năm Nguyên phong thứ I, mùa thu tháng 8, mở khoa thi chung cả ba giáo lý, lấy người ra làm quan”.

(Nguyễn Đăng Thục, Quốc học Việt Nam, tr. 159)

Ở Trung Hoa, đến triều Tống, phái Tân - Nho giáo bắt đầu ý thức được sự thiển cận của luân lý thực tiễn Khổng Mạnh, mới tìm đến phần siêu hình của Phật, Lão để xây dựng một hệ thống triết học nhân sinh tương đối hoàn chỉnh. Còn ở nước ta hai triều Lý - Trần lấy khuôn mẫu nhà Nho tuyển cán bộ bổ làm quan cai trị, nhưng phải là nhà Nho thông hiểu cả hai học phái Phật, Lão.

“Xét đời Lý đời Trần đều tôn sùng Phật Lão. Cho nên buổi ấy chọn người muốn được thông hiểu cả hai học phái trên đây. Dù rằng chính đạo hay dị đoan đều được tôn sùng không phân biệt mà học trò đi thi khoa ấy, nếu không học rộng biết nhiều thì cũng không thể đỗ được”.

(Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí –Khoa mục chí, tr.152)

Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu là người giỏi Nho, đồng thời chúa tôn sùng Phật, Lão. Chính với lý trítuệ trí ấy giúp chúa mở rộng nhãn giới đến những chân trời rộng lớn, nuôi dưỡng những tình cảm thiên chân quý giá của mình để có thể làm nên những công trạng hiển hách nhất của một vị minh quân. 

Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần tư tưởng Việt Nam đặc sắc, tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”.



* Tiến sĩ (Lê Sơn Phương Ngọc), Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6057734