CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU:
MỘT MINH QUÂN HỘ TRÌ PHẬT PHÁP
THÍCH KHẾ CHƠN*
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc, cho biết chúa Nguyễn Phúc Chu húy Tùng sinh ngày 18 tháng 5 năm Ất mão (11-6-1675). Thuở thiếu thời, chúa rất chăm học, giỏi thi phú, càng lớn lên càng có bản lĩnh của đấng quân vương, năm 17 tuổi, được tôn lên làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Tộ Quận Công.[1] Lên nối nghiệp tổ tiên, chúa đã áp dụng nhiều chính sách chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, ít chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai là không vui mừng.[2] Sau khi việc quốc miếu đã xong, đình thần tổ chức lễ mừng và tấn tôn chúa làm Thái phó Quốc Công và dâng tôn hiệu Quốc Chúa. Từ đó, các sắc lệnh đều ghi là Quốc Chúa. Trong thời gian trị vì, chúa cho mời nhà sư Thích Đại Sán từ Trung Hoa sang để chấn chỉnh đạo Phật ở Đàng Trong, khi về nước nhà sư có viết bộ Hải ngoại kỷ sự hết lời ca ngợi và gọi chúa Nguyễn Phúc Chu là Quốc Vương.
Tình hình chính trị ở Đàng Trong từ thời các chúa trước có khuynh hướng “bế quan tỏa cảng”, riêng chúa Nguyễn Phúc Chu là một người có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, cho giao thương với rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao đổi hàng hóa thường xuyên, nhằm mục đích nâng cao ngân sách quốc gia cho công cuộc mở rộng bờ cõi.[3] Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội, tiếp cận với Jean de Arnedo để mở rộng về khoa học và kỹ thuật; sử dụng hiền tài trong công cuộc mở mang bờ cõi. Việc chúa Nguyễn Phúc Chu mời sư Đại Sán xem thao diễn như là một thị uy quân lực.[4] Chúa còn cải cách cơ chế tổ chức bộ máy hành chính trung ương, định lại phẩm hàm quan tước; tổ chức thi cử để chọn nhân tài cho đất nước. Sách Đại Nam thực lục kể lại vào năm Quý Mão (1723), tháng Tư thi Nhiêu học. Quan giám khảo lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò bàn tán rất sôi nổi. Chúa ra lệnh mở kỳ thi khảo hạch lại và không một sĩ tử nào được chấm đỗ cả. Đặc biệt, chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam Ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức. Nhưng quan trọng hơn cả là chúa đã thực hiện được việc mở rộng bờ cõi bảo vệ tổ quốc và đặt nền móng vững chắc cho cả vùng đất nam Trung Bộ, Nam Bộ và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.[5]
Quốc Chúa mất vào tháng 4 năm Ất Tỵ (1725), ở ngôi 34 năm. Trong suốt thời gian trị vì, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tận dụng hầu hết thời gian vào công cuộc mở mang đất nước cũng như thực hiện nhiều chính sách tiến bộ ổn định và phát triển xã hội ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ 18. Trong đó phải nói đến kế sách ngoại giao buôn bán với nước ngoài nhằm nâng cao học hỏi và kim ngạch cho ngân khố Đàng Trong. Chúa còn ủng hộ Phật pháp, xây dựng và kiến tạo nhiều chùa chiền, pháp khí để lại cho mai hậu một di sản đồ sộ làm tiền đồ cho xứ Huế trở thành chiếc nôi của Phật giáo sau này.
Sự nghiệp hộ trì Phật giáo
Ngoài công cuộc mở mang đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tiến hành cải cách nâng cao chất lượng giáo dục, chế độ ưu đãi đối với người di dân khai hoang lập nghiệp, thưởng phạt công minh, chiêu hiền đãi sỹ, Quốc chúa còn đặt biệt chú trong đến vấn đề an dân, phát triển tâm linh cho xã hội, trong đó lấy tư tưởng Phật giáo là trọng. Mặc dù có vấn đề “Cư Nho Mộ Thích” vào thời kỳ này, nhưng ai cũng hiểu rõ Nho giáo ở Trung Quốc thật sự chỉ áp dụng trong thi cử và chốn quan trường; kiến thức Nho học như một loại giấy thông hành để bước vào quan trường. Trên thực tế, Nho giáo đã suy đốn trong thời nhà Hán và cũng là nguyên nhân làm cho xã hội Trung Quốc đi vào phân liệt.[6] Ở Việt Nam tuy có ảnh hưởng Nho giáo nhưng kinh điển của Nho gia khô khan và buồn tẻ, người ta học cũng chỉ vì thi cử, tham vọng trong hoạn lộ.
Việc thờ cha kính mẹ, làm lành lánh dữ, kính thần như thần tại… đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần hình thành nên Phật giáo dân gian trong tâm thức người Việt lúc bấy giờ. Do đó, khi tổ chức đoàn người đi về hướng Nam của tổ quốc khai hoang, thì Quốc chúa thường cử một tu sĩ Phật giáo đi theo để hộ trì. Đoàn người đi đến đâu, việc trước tiên là mở chùa làng, đáp ứng đời sống tâm linh dân gian, làm nơi sinh hoạt tập thể và cầu nguyện. Nhờ đó, Phật giáo có cơ hội phát triển. Hiện nay nhiều chùa làng từ miền Trung trở vào Nam có nhiều dấu ấn của Quốc chúa để lại trên tự ngạch, hoành phi sắc tứ - một minh chứng sống cho văn hóa Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ này.
Những chuyến khảo sát thực địa ở những làng quê cho thấy hiện có nhiều chùa chiền có tự ngạch do chính tay chúa ngự bút đề đại tự hoặc lạc khoản với dòng “Đạo Nhân Thư” trên các hoành phi, đối liễn hoặc trên đồ sứ kí kiểu. Đặc biệt ở Huế, chùa làng là một hệ thống chùa được đánh giá là có mặt sớm nhất so với cả quốc tự và hệ thống chùa quan đều thua kém về mặt lịch sử,[7] thì một số có được ân sủng này như chùa Hà Trung, chùa Kim Sơn… Từ thực tế ấy, chúng ta liền nghĩ đến những bậc chuyển luân hộ trì Phật pháp trong lịch sử Phật giáo, nếu nói rằng đại đế A Dục Vương ở Ấn Độ cho dựng bia đá và thạch trụ ở những thánh tích Phật giáo đánh dấu những sự kiện của cuộc đời đức Phật Thích Ca để đời sau đến chiêm bái; hoặc vua Lương Võ Đế ở Trung Quốc từng xây hàng ngàn ngôi chùa, ủng hộ và cúng dường cho hàng ngàn tu sĩ, đặc biệt là đã tự thân xuất gia và khuyến khích ăn chay, thì chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đóng góp công lao như vậy trong việc xây dựng chùa chiền, ủng hộ tăng ni, lập bia, đúc chuông, để lại những dấu ấn cho di sản văn hóa tâm linh và vật chất cho văn hóa Phật giáo Việt Nam với một công đức không hề thua kém.
Việc chúa Nguyễn Phúc Chu ban hiệu cho sư Nguyên Thiều là Hạnh Đoan Thiền sư cho thấy được chúa đã thâm tín Phật giáo. Tiếp đó vào năm 1694, chúa cho sứ sang Quảng Đông cung thỉnh sư Thạch Liêm sang Việt Nam truyền giáo, chấn chỉnh Phật giáo Đàng Trong. Dưới sự chủ trì của sư Thạch Liêm, giới đàn Tam Đàn Cụ túc được sự ủng hộ của chúa đã tổ chức một cách trọng thể với hơn một ngàn giới tử.[8] Chúa thành tâm quy y làm đệ tử sư Thạch Liêm với pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân. Qua pháp danh và hiệu mà sư Thạch Liêm đặt cho chúa thể hiện một bậc quốc vương hộ trì và rất mực tín mộ Phật giáo. Đọc Hải ngoại kỷ sự cho chúng ta thấy tình thầy trò quá đẹp, không những để lại ấn tượng trong tình đạo, mà còn thể hiện một lối ngoại giao tinh tế bằng mối tâm giao, chỉ có trong Phật giáo mới có được, một cẩm bào một cà sa, một quân vương một pháp vương.
Nếu không theo chủ ý của tác giả Hải ngoại kỷ sự, chỉ chiếu theo những sự kiện, thì việc giới tử đến đăng kí thọ Tam Đàn Cụ túc tại giới đàn ở chùa Thiền Lâm ở Thuận Quảng với con số trên một ngàn giới tử, chứng tỏ Phật giáo Đàng Trong lúc bấy giờ rất phát triển dưới sự ủng hộ của chúa Nguyễn Phúc Chu và một số danh tăng đương thời đang hành hóa ở đất Thuận Quảng, trong đó phải nói những vị thiền sư tên tuổi như Thiền sư Liễu Quán và Hải Hương…, đồng thời ở các chùa lớn Huế đã có nhiều lão tổ người Trung Quốc đang trú trì.
Một bằng chứng cụ thể là chúa đã cho trùng tu chùa Linh Mụ, đúc một chiếc chuông lớn vào bậc nhất nhì Việt Nam thời bấy giờ vào mùa Phật đản năm Canh Dần (1710), cao 2.50m, đường kính 1.40m, nặng 3.285 kg, với nhiều hoa văn tinh tế, kỷ thuật tinh luyện. Trong bài viết Tiếng chuông Linh Mụ: 300 mùa Phật đản đi vào hồn thiêng sông núi, Thích Đạt Bảo viết: “Chuông Linh Mụ được ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, nhân mùa Phật đản năm Canh Dần, chúa Nguyễn Phúc Chu cùng tín đồ Phật tử, trong đó có cả các quan chức cao cấp của triều đình tổ chức lễ Chú Chung. Họ cùng nhau góp nhiều tiền của và đồ đồng cùng các thứ trang sức Quý cho công việc đúc chuông, biểu hiện một tinh thần đoàn kết tâm linh thiêng liêng. Phải nói rằng sự đồng tâm hiệp lực này đã nói lên tinh thần của mọi người lúc này là rất cần thiết và đi suốt cả một vận mệnh đất nước sau này. Chính vì vậy mà quả chuông mang trong mình một dấu ấn lịch sử sâu đậm, một giá trị tâm linh siêu trần thoát tục, một âm thanh huyền diệu với hồn thiêng sông núi.”[9] Đúng như vậy, tiếng chuông Linh Mụ có một sứ mệnh tâm linh như thế nên tiếng chuông đã đi vào lòng người một cách thắm thiết trong lời ca dao: “Gió đưa cành trúc là đà/ Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương.”
Chủ ý của việc chúa cung thỉnh các cao tăng Trung Quốc sang Việt Nam là để giao lưu học hỏi chứ không phải Phật giáo ở Việt Nam lúc bấy giờ không có kỷ cương như trong Hải ngoại kỷ sự đã viết.[10] Nếu đã là không có kỷ cương làm sao “có đến 1.400 tân giới đệ tử mặc áo cà sa cầm bình bát, cử hành lễ cổ Phật khất thực và tạ ân Quốc chúa đã thành tựu công đức.”[11] Dưới sự chứng minh của sư Đại Sán, chúa còn phát tâm mở nhiều đàn truyền giới như ngày 1 tháng 4 lễ truyền giới Sa-Di, Quốc chúa mở đàn chay dâng lễ và mời sư Đại Sán đăng đàn thuyết pháp. Qua ngày Phật đản (mồng 8 tháng 4), chúa cho khai đàn ở Nội viện, có quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc đồng thọ Bồ Tát giới. Sau đại lễ Tam Đàn Cụ túc ở chùa Thiền Lâm, chúa cúng dường cơm chay và dâng trà cho các tân giới tử, ban thêm 300 quan tiền, 100 thạch gạo, sai lính gánh đến chùa, lại phát giới điệp có đóng ấn triện của chúa cho các giới tử.[12] Với hàng loạt trai lễ và đàn tràng tụng niệm, chúa thân chinh đứng lễ cầu nguyện, không ngại quỳ hàng giờ, mục đích không ngoài việc tỏ lòng kính ngưỡng Phật tổ và cầu cho quốc thái dân an, làm gương cho bá tánh quy y Phật giáo.
Xem bản đính kèm Sơ đồ hành chính Đàng Trong trong sách “34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu” của Lê Đình Cai, chúng ta có thể thấy được Hồng Lô Tự là một bộ phận chính yếu của triều chính. Một cơ quan tôn giáo cao cấp chuyên chăm lo việc xây dựng và ủng hộ việc tôn giáo, có quốc sư tham vấn việc ngoại giao và cố vấn kế sách quốc gia. Điều này chứng tỏ dưới sự hộ trì Phật pháp của chúa Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo thời kỳ này đã đóng góp nhiều Phật sự to lớn trong việc ổn định xã hội và văn hóa Việt Nam.
Việc tu bổ chùa chiền và hộ trì Phật giáo của chúa thể hiện tấm lòng tín mộ Phật giáo sâu sắc, ủng hộ tăng ni tu học, khuyến khích dân chúng kể cả hoàng thân quốc thích thọ giới quy y Tam Bảo. Lúc sư Đại Sán trở về nước có nói chuyện xây dựng chùa Trường Thọ ở Quảng Đông chưa hoàn thiện, chúa không ngại ngần cúng dường “tùy ý xây cất, hao tốn bao nhiêu ta chẳng tiếc”.[13]
Thay lời kết
Trong 34 năm trị vì, chúa Nguyễn Phúc Chu đã hết lòng hộ trì Phật pháp, phát huy giáo lý nhà Phật để nâng cao đời sống xã hội và ổn định quần chúng, định vị cho một nước Việt Nam có chủ quyền và hùng mạnh ở phương Nam.
Chí hướng của chúa được thể hiện trên một bài minh do chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ, đúc năm 1710: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí.” Tất cả đó là một ước vọng của chúa về nước nhà, về dân tộc.
* Hòa thượng, Phó trưởng Ban Trị sự PG Thừa Thiên Huế.
[1] Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1995.
[2] Xem bài tựa của Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963.
[3] Dẫn theo cước chú của Nguyễn Thị Huệ trong tham luận tại hội thảo ở Thanh Hóa ngày 18-19/10/2008, với nhan đề “Sự thịnh suy của hoạt động ngoại thương Đàng Trong thế kỷ 17-17I”, cho biết trong 13 năm (từ 1604 đến 1616) có 186 thuyền buôn Nhật được cấp châu Âu đến với các nước châu Á. Trong đó 11 chiếc đến Đàng Trong và 42 chiếc đến Đàng Ngoài, đến Chăm-pa 5 chiếc, đến Campuchia 25 chiếc, đến Xiêm 37 chiếc, Philipinnes 34 chiếc, đến Nam Trung Quốc 18 chiếc, các nước khác 18 chiếc.
[4] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 92-95.
[5] Tham luận hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn tại Thanh Hóa, Trần Đức Anh Sơn, “Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu và Những bài thơ trên đồ sứ kí kiểu”, tr. 646.
[6] Arthur Waley, “The Fall of Loyang” (Thành Lạc Dương thất thủ), (History Today, No. 4, 1951), tr. 8.
[7] Lê Quang Thái, Cảnh tượng chùa làng ngày xưa ở Hóa Châu, Bản Tin Phật Đản số 4, PL. 2554, Ban Trị Sự GHPG Thừa Thiên Huế, tr. 1.
[8] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 72
[9] Thích Đạt Bảo, “Tiếng chuông Linh Mụ: 300 mùa Phật đản đi vào hôn thiêng sông núi”, Bản Tin Phật Đản số 2, PL. 2554, tr. 1.
[10] Hải ngoại kỷ sự, sđd., tr. 43-49.
[11] Lê Đình Cai, 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Đăng Trình, 1971, tr. 70.
[12] Hải ngoại kỷ sự, sđd., tr. 73-87.
[13] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 201.
Bình luận bài viết