Thông tin

CHÙA NÔM NGÔI CHÙA CỔ NỔI TIẾNG ĐẤT HƯNG YÊN

 

HỮU CHÍ

 


Chính điện của chùa Nôm gồm 7 gian, dài 18 m, rộng 4 m

 

Chùa Nôm nằm trong quần thể di tích làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 35 km. Chùa Nôm thuộc thiền phái Lâm Tế, có tên chữ là Linh Thông cổ tự, do xưa kia chùa Nôm nằm giữa một khu rừng thông cổ thụ, là ngôi đại tự có nét đẹp cổ kính ở đồng bằng sông Hồng còn lưu giữ được nhiều nét xưa, nhất là những pho tượng cổ, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc xưa.

Chùa là một công trình kiến trúc tiêu biểu của văn hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tam quan cao rộng hiếm thấy. Liền bên cổng vào, có tháp chuông và lầu trống cao, uy nghi với đường nét truyền thống soi bóng bên hồ nước rộng. Ngôi chùa chính nằm ẩn mình dưới những bóng cổ thụ, tạo không gian tĩnh mịch, trang nghiêm. Phía bên trái chùa cũng có một hồ nước, nơi có lầu Quan Âm hình dáng như một đài sen cao. Một cây cầu đá hình cánh cung nối lầu Quan Âm với sân chùa rộng. Hai Cửu phẩm liên hoa bằng đồng, chạm khắc khá tinh vi ở hai bên cầu tạo nên đường nét kiến trúc hài hoà. Liền bên sân và khu chùa cổ là khu vườn tháp đá ong vàng óng. Những bức tượng được đặt dọc hai dãy hành lang cũng mang đầy xúc cảm với khách chiêm bái khi đến chùa. Đó là tượng La Hán, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Tuyết Sơn... Các pho tượng được tạc theo hình dáng, kích thước, tư thế, màu sắc vô cùng phong phú, đa dạng. Có vị đứng, có vị ngồi, có vị hoan hỉ, ung dung tự tại nhưng cũng có vị với dáng vẻ khắc khổ, trầm tư… Sự tài hoa của các nghệ nhân khi thổi hồn vào mỗi bức tượng không chỉ biểu thị sắc thái riêng trên mỗi khuôn mặt mà còn được thể hiện ở cả nét thanh thoát, tinh tế của trang phục, hòa quyện với gam màu sáng tối khác nhau.

 

Tam quan làm bằng gỗ lim cao to, trông thật bề thế

Lầu chuông, lầu trống

 

Không ai rõ ngôi chùa được xây dựng từ lúc nào và cũng không biết pháp danh vị tổ khai sơn. Dựa vào truyền thuyết, thư tịch cổ,hai văn bia lớn chữ Hán còn lưu lại đặt sau Thượng điện cho chúng ta đoán định lúc đầu “Linh Thông cổ tự” có thể là một thảo am nhỏ, chùa có lịch sử từ thời Mạc Thái Tông, niên hiệu Đại Chính (1530-1540), nhưng thực chất được các nhà sư trụ trì như Sa di Tính Thực, Thiền sư Pháp Nghĩa hưng công trùng tu vào các năm Nhâm Thân (1692), Giáp Tuất (1694), Đinh Sửu (1697), Mậu Dần (1698), Kỷ Mão (1699), tiếp tục tu sửa lại tiền đường, hậu cung và hành lang. Năm Chính Hòa thứ 21 (1700), chùa được sửa lại các cột trụ, tạo thêm tượng, mở rộng sân chùa. Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), chùa xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hành lang. Đến thời nhà Nguyễn, chùa Nôm được nhiều lần trùng tu dưới thời Tự Đức, Thành Thái. Từ đó đến nay, chùa cũng thêm mấy lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên nền nếp cũ. Qua bao biến cố, chùa được trùng tu nhiều lần và trở thành ngôi chùa khang trang như ngày nay.

 

Các pho tượng cổ ở Tòa Tam bảo

 Lầu Quan Âm

Tượng đất chùa Nôm

 

Chùa Nôm nổi tiếng xa gần do chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật đặc biệt mà nhiều ngôi chùa khác không có, như các pho tượng đất được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế và chủ đề khác nhau, quả chuông cổ, các bức hoành phi câu đối… Điều đặc biệt nhất là qua mấy trăm năm bị thiên tai, lũ lụt, các pho tượng Phật dù chỉ làm bằng đất vẫn không bị hư hại. Chùa còn có bức tượng cổ bằng đồng "Cửu long Phật đản" miêu tả cuộc đời đức Phật tổ Như Lai từ khi mới chào đời, xung quanh là 9 con rồng uốn lượn cùng những tháp, chuông, đỉnh đồng và nhiều di vật quý khác. Gian giữa của ngôi chính điện treo một tấm hoành phi lớn với bốn chữ "Từ Quang Phản Chiếu" có nghĩa là đạo Phật sáng tỏ chiếu rọi khắp phương nhân, "Thiện ác thẳng ngay trong ba giới/ Thăng trầm phả độ khách mười phương". Gian giữa đặt nhang án với 3 bức hoành phi lớn, cửa võng phía trước nhang án chạm trổ 9 con rồng chầu rất tinh xảo. Hai bên là tượng hộ pháp lớn. Hành lang của chùa Nôm mỗi bên gồm 10 gian và đặt rất nhiều tượng dọc theo lối đi.

Trụ cột, kèo bằng gỗ đều làm bằng các loại gỗ quý như lim, sến. Chùa rộng lớn với nhiều khuôn viên. Ngoài những pho tượng cổ quý giá, trong khuôn viên chùa Nôm còn có một khu mộ tháp cổ được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ, Những viên đá ong được mài nhẵn, vuông vắn, có kích thước giống nhau, xếp chồng lên nhau tạo thành ngôi bảo tháp ba tầng. Đến nay, những tòa tháp cổ vẫn đứng vững như thách thức với thời gian.

 

Những ngôi mộ tháp bằng đá ong

 

Chùa nằm trong quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển làng Nôm đình Đại Đồng thờ đức thánh Tam Giang - ông tổ của làng, một vị tướng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng, cây cầu đá 9 nhịp đầu rồng đã tồn tại mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức càng tôn thêm nét độc đáo dẫn tới ngôi chùa làng. Chùa Nôm cùng với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, cầu đá, chợ Nôm, những ngôi nhà cổ, đường làng ngõ xóm đã tạo nên bức tranh hoàn hảo về một ngôi làng Việt cổ xưa.

Hiện nay, chùa Nôm do Thích Đồng Huệ trụ trì từ năm 1998.

Ngày 12/2/1994, Chùa Nôm, Hưng Yên được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6116551