CHÙA PHẬT TÍCH (BẮC NINH)
VỚI CÁC MỐC NIÊN ĐẠI XÂY DỰNG, TRÙNG TU
ThS. TẠ QUỐC KHÁNH*
ThS. HUỲNH PHƯƠNG LAN*
Phật Tích là tên gọi của một làng, đồng thời cũng là tên gọi của một ngôi chùa nổi tiếng - chùa Phật Tích, ở sườn phía Nam núi Lạn Kha, thôn Phật Tích, xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Giải thích tên gọi Phật Tích các cụ già kể rằng trước đây tại làng có ngọn tháp rất cao. Đứng từ kinh thành vua đã nhìn thấy và quở tại sao ở chốn thôn dã mà xây ngọn tháp cao đến thế. Sau lời quở trách đó ngọn tháp tự nhiên đổ xuống. Từ lòng tháp lộ ra pho tượng Phật. Nhân dân cho đó là điềm lành và đổi tên đất thành Phật Tích. Câu chuyện trên còn mang nhiều ý nghĩa hoang đường nhưng ẩn sau nó là một vấn đề: tên gọi Phật Tích bắt nguồn từ chuyện cây tháp đổ. Tuy nhiên, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi vẫn ghi địa danh này là Tiên Du. Như vậy ít nhất tên gọi này phải xuất hiện sau thế kỉ 15.
Theo bia Vạn phúc đại thiền tự bi (niên Chính Hoà thứ 7 [1686]) thì chùa toạ lạc trên một vị trí khá đẹp “núi đẹp Phật Tích ứng thế ở phương Nam, núi Phượng Lĩnh bọc vào. Sông Ngưu Giang án đỏ ngưng lại vuông tròn; nước trong leo lẻo huyền hư, núi cao vòi vọi sáng loà. Bên trái mạch nước rồng xanh chảy vòng quanh, bên phải núi hổ trắng chầu vào”[1].
Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, nghệ thuật...ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định công nhận số 313/VH-QĐ, ngày 28/4/1962, ngay trong đợt xếp hạng đầu tiên.
1. Lịch sử xây dựng và trùn tu chùa Phật Tích
Chỉ vừa mới thiên đô về Thăng Long, vị vua đầu tiên của triều Lý đã có sự quan tâm đặc biệt tới Phật giáo và tiếp sau Thái tổ Lý Công Uẩn, 7 ông vua kế vị cũng đều cho xây dựng chùa tháp, phát triển Phật giáo trong toàn cõi. Đến năm 1088, khi số lượng chùa, tháp do triều đình và cả trong nhân dân xây dựng đã nhiều thì vị vua thứ tư - Nhân Tông Lý Càn Đức đã “Định các chùa trong nước làm ba hạng đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm đề cử.”[2].Có thể hiểu những Đại danh lam là chùa do triều đình (mà cụ thể là vua và hoàng hậu) đứng ra chủ trì xây dựng, trùng tu (một dạng chùa sắc tứ mà sau này ta gặp nhiều). Chùa Phật Tích là một trong các Đại danh lam như vậy.
Tuy nhiên, ở vùng núi Tiên Du, dưới thời Lý không chỉ một mà có khá nhiều chùa được triều đình cho xây dựng, trùng tu - khiến nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Theo Đại Việt sử lược thì “…tháng năm Thiên Thành thứ 7 [1033]: vua đi thăm chùa Trùng Quang ở núi Tiên Du, hạ chiếu dựng điện Trùng Hưng...; năm Thần Vũ thứ 3 [1071] vua viết chữ "Phật” dài sáu trượng; năm Hội Phong thứ 9 [1100] xây chùa Vĩnh Phúc; năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 [1121] xây chùa Quảng Giáo”. Cũng những sự kiện liên quan đến việc xây chùa, dựng tháp ở núi Tiên Du, Đại Việt sử kí toàn thư cho biết thêm “...năm Long Chương Thiên Tự thứ 1 [1066], (nhà vua) sai lang tướng là Quách Mãn xây tháp ở núi Tiên Du; năm Thần Vũ thứ 3 [1071], vua viết bia chữ "Phật" dài 1 trượng 6 thước đặt ở chùa Tiên Du”[3]. “… năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 4 [1123], tháng 3, ngày Tân Tỵ, mở hội khánh thành chùa Quảng Hiếu ở Tiên Du....”
1.1 Niên đại xây dựng
Cả Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đều không thấy nói tên chùa Phật Tích. Tên chùa cũng như niên đại xây dựng chỉ được tìm thấy trong một vài sử liệu khác:
- Đại Nam nhất thống chí trong phần Bắc Ninh tỉnh chí đã cung cấp những thông tin về chùa “ở núi Lạn Kha xã Phật Tích, huyện Tiên Du, chùa Vạn Phúc dựng từ thời Lý Thánh Tông (1054 - 1072), trong chùa có một tượng đá cao 5 thước, to 6 thước. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 4 tháng Giêng mở hội xem hoa, nhiều người đến dâng hương lễ Phật. Đời Xương Phù (1377 - 1388) vua Trần Nghệ Tôn thi Thái học sinh ở đây, đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) mở đại yến hội”[4]..
- Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (thế kỉ 19) trong phần Chuyết Công thiền sư cũng có nói đến niên đại của chùa “chùa Phật Tích ở núi Lạn Kha do vua Anh Tông (1138 - 1175) dựng nên, cung son điện vẽ san sát trong núi”[5].
Tuy nhiên những sử liệu trên lại không cho biết rõ năm khởi dựng chùa, hơn nữa niên đại ra đời của ngôi chùa theo hai tác phẩm trên lại khác xa nhau. May mắn, tại chùa Phật Tích hiện còn tấm bia Vạn Phúc đại thiền tự bi dựng năm Chính Hoà thứ 7 [1686], trong đó có đoạn ghi rõ "Lý gia Hoàng đế đệ tam, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên hưng tạo bảo tháp trượng thiên, sùng kiến kim thân xích lục, phổ thí điền sở mãn bách dư, trúc lập tự nhất bách sớ". Có nghĩa là: Vua thứ ba triều Lý, năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 [1057] cất lên ngôi tháp quý cao nghìn trượng, dựng lập pho tượng mình vàng cao 6 thước, cấp cho hơn trăm thửa ruộng, xây chùa hơn trăm ngôi.
Ngoài ra, trong các cuộc thám sát, khai quật hay khảo sát quanh chùa Phật Tích, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều viên gạch có khắc dòng chữ ghi niên đại sản xuất Lý gia đệ tam, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo [1057].
Như vậy các sử liệu trên đều xác nhận vào thời Lý - giữa thế kỷ XI đã từng tồn tại một ngôi chùa tại đây. Nhưng niên đại khởi dựng của chùa lại có rất nhiều ý kiến khác nhau. Louis Berzacier - người có vai trò quan trọng trong những lần khai quật Phật Tích vào những năm 1937 và 1940, trong tác phẩm Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam (Essais sur l¢art Annamite) đã cho rằng chùa Phật Tích bắt đầu được xây dựng từ thời Cao Biền (866 - 870) và cứ liệu ông đưa ra là ngôi tháp do Cao Biền xây dựng ở núi Đông Caođược Đại Minh nhất thống chí có nhắc tới. Theo Berzacier, “Đông Cao hay Đông Cứu là tên gọi của một ngọn đồi trên đó người ta dựng chùa Phật Tích, bản thân ngọn đồi này thường được gọi là Tinh Lữ hoặc còn gọi là Thiên Phúc”[6]. Còn những viên gạch mang niên đại 1057 tìm thấy trong các lần khai quật này cũng được ông cho rằng đây chính là gạch của ngọn tháp do Lý Thánh Tông dựng năm 1057 như văn bia đã nói. Như vậy, theo Berzacier thì trên cơ sở ngôi chùa đã có từ thời Cao Biền, Lý Thánh Tông đã xây dựng, mở rộng thêm chùa Phật Tích...
Ngay sau khi cuốn sách của L. Berzacier được xuất bản có nhiều ý kiến phản đối lại quan điểm của ông. Hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung trong bài báo Nhân đọc quyển Essais sur l¢art Annamite mĩ thuật Đại La hay mĩ thuật Lý? đăng trên báo Thanh Nghị số 36 ra ngày 16/12/ 1944 đã dựa vào tài liệu văn bia ở chùa để khẳng định rằng chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 [1057] còn ngôi chùa mà Berzacier nhắc tới nằm trên núi Đông Cao là chùa Thiên Thai chứ không phải là chùa Phật Tích. Ý kiến đó hiện vẫn được nhiều người tán đồng.
Sau đó, Nguyễn Phúc Long trong cuốn Những nghiên cứu mới về khảo cổ học Việt Nam xuất bản năm 1975 đã cho rằng chùa Phật Tích được khởi dựng từ thế kỷ thứ 6. Ngoài những phân tích so sánh về phong cách nghệ thuật, lập luận của ông là tiếp đầu ngữ Vạn là đặc trưng cho thời Tiền Lý, ví dụ như quốc hiệu được đặt là Vạn Xuân, cung điện Vạn Thọ... Do đó, chùa Vạn Phúc phải ra đời vào thời kỳ này. Chúng tôi không tán thành với ý kiến trên bởi lẽ không phải chỉ thời Tiền Lý mới có danh xưng mang tiếp đầu ngữ Vạn mà trong thời Lý cũng có những công trình mang tiếp đầu ngữ này mà tháp Vạn phong thành thiên (tháp Chương Sơn) được khởi công xây dựng năm 1108 là một ví dụ...
Trong luận án Phó tiến sĩ với đề tài Điêu khắc Phật Tích và sự hình thành nghệ thuật trung đại Việt Nam của tác giả Ngô Văn Doanh sau những phân tích, so sánh phong cách nghệ thuật của những điêu khắc đá tại chùa cũng khẳng định rằng chùa được khởi dựng từ nửa cuối thế kỉ thứ 6 đầu thế kỉ thứ 7[7].
Trong các ý kiến trên, mỗi tác giả đều có cách lập luận riêng của mình. Tuy nhiên, qua phân tích nghệ thuật kiến trúc những công trình, tác phẩm cụ thể hiện còn tại chùa (như các cấp nền, những di vật còn sót lại hay các trang trí...) có thể nhận thấy những nét tương đồng với những công trình có niên đại Lý rõ ràng như chùa Dạm (Quế Võ - Bắc Ninh), tháp Chương Sơn (Ý Yên - Nam Định) và theo chúng tôi niên đại khởi dựng chùa Phật Tích vào thời Lý là đáng tin cậy và có sức thuyết phục hơn cả.
Về mốc niên đại 1057 chỉ được được bia Vạn Phúc đại thiền tự bi ghi lại, tuy nhiên tại nền chùa hiện nay còn rất nhiều viên gạch có ghi niên đại sản xuất “Lý gia đệ tam, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo [1057]”cho phép khẳng định chùa được xây dựng vào năm 1057. Một vài năm gần đây tại nền chùa người ta còn tìm thấy nhiều viên gạch có ghi các niên đại khác nhau như "Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình thất niên tạo" [1060], "Lý gia đệ tam đế, Gia Khánh tứ niên tạo"[1062], "Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo [1065][8]” chứng tỏ rằng chùa Phật Tích liên tục được xây dựng trong nhiều năm chứ không phải chỉ là năm 1057. Điều này cũng phù hợp với tình hình xây dựng khi đó khi ta biết rằng chùa Dạm đã phải xây dựng trong 07 năm (từ tháng 11/1086 đến tháng 9/1093); tháp Chương Sơn khởi công từ tháng 1/1108 đến tháng 3/1117 mới hoàn thành...
1.2. Các mốc niên đại trùng tu chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích được biết tới với tên Vạn Phúc sớm nhất là vào năm Xương Phù 8 [1384] khi “Thượng hoàng cho thi thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, [lấy đỗ] bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh...30 người”[9].Trước đó trong sử cũ chưa từng ghi tên chùa là Vạn Phúc nhưng cũng có thể tên gọi Vạn Phúc đã có từ khi khởi dựng (?).
Có thể thấy, chuà Phật Tích là quốc tự của cả hai triều Lý - Trần. Sang thời Trần, chùa được xây dựng mở mang thêm. Vua Trần đã cho xây dựng cung Bảo Hòa trên núi Lạn Kha và tổ chức thi Thái học sinh ở chùa[10]. Sách Bảo Hoa dư bút của Trần Nghệ Tông cũng được viết tại đây.
Thế kỉ 15, trong bối cảnh chung của Phật giáo Việt Nam, chùa chiền ít được tu sửa. Chùa Phật Tích giai đoạn này chắc đã bị hư hỏng nhiều, có lẽ ngôi tháp đã bị đổ sập trong giai đoạn này để ra đời danh xưng Phật Tích (nhưng vấn đề này cũng cần có thêm tư liệu để khảo cứu)
Thế kỷ 17 đánh dấu sự hưng thịnh trở lại của chùa Phật Tích với việc thiền sư Chuyết Chuyết (còn gọi là Chuyết Công, một nhà sư Trung Quốc) đến đây tu tập và mở mang chùa năm 1633. Sự việc được ghi trong bia Vạn Phúc đại thiền tự bi. Sách Tang thương ngẫu lục trong phần Chuyết Công thiền sư cũng ghi "Hồi tiên triều trung hưng, có người thầy tu ở bên Trung Hoa là Chuyết Công thiền sư, đi thuyền bể chở hơn ba vạn quyển kinh Tam tạng sang Nam lên núi Lạn Kha, hoảng nhiên như có hiểu ra một điều gì, nhận làm nhà trụ trì ở đấy”[11].Từ khi sư Chuyết Công về trụ trì, chùa Phật Tích liên tục được mở mang xây dựng. Chùa đã được đón tiếp nhiều người trong Hoàng tộc đến học kinh, nghe giảng đạo trong đó có chúa Trịnh Tráng, công chúa Trịnh Thị Ngọc Trúc. Nhiều quyển kinh được khắc in, lưu giữ tại chùa. Chùa Phật Tích còn là nơi đóng góp công quả của nhiều công chúa khác như Ngọc Am, Trịnh Thị Ngọc Duyên (giáo hiệu là Diệu Tuệ).
Năm 1643 sư Chuyết Công sang làm viện chủ Bút Tháp (nay thuộc xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) và sư Minh Hành về trụ trì Phật Tích. Năm 1644 sư Chuyết Công viên tịch và theo bia Vạn Phúc đại thiền tự bi thì“Năm Nhâm Dần [1662] đệ tử là Chiêu Nghi xây bảo tháp để thờ phụng, qua năm Ất Mão [1675] tháp sắp hỏng, những người đạo trường hợp nhau dựng lại”.
Berzacier trong cuốn Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam đã dựa vào nguồn tài liệu bi kí, căn cứ vào năm dựng bia để xác định ngôi chùa được trùng tu lại vào năm 1686.
Tuy nhiên như đã trình bày ở trên, sư Chuyết Công là người có vai trò rất lớn trong việc chấn hưng lại Phật Tích, trong đó rất có thể ông là người trực tiếp điều hành việc trùng tu lại chùa. Ông mất năm 1644, tức là 42 năm trước khi dựng bia. Vậy theo chúng tôi, chùa Phật Tích phải bắt đầu được tu sửa từ đầu thế kỉ 17 cho tới gần thời gian dựng bia (1686).
Tấm bia Vạn Phúc tự bi kí dựng năm Thiệu Trị thứ 6 [1846] cũng ghi việc sửa chữa chùa. Theo bia đó thì chùa được xây vào thời Lý, đến thời Lê được trùng tu lại nhưng lâu ngày đã bị hư hỏng. Tháng 10 năm Ất Tý [1845] chùa được trùng tu, mùa xuân năm Bính Ngọ [1846] công việc hoàn thành.
Vào năm 1937 L. Berzacier đã cho trùng tu lại toà Thượng điện và tiến hành một đợt khai quật khảo cổ học tại đây. Năm 1940 ông lại tiếp tục trùng tu nhà Thiêu hương, khai quật khảo cổ học lần 2 và phát hiện ra nền móng của một cây tháp cổ.
Các bản vẽ của L. Berzacier vẽ vào những năm 30 của thế kỉ này cho thấy chùa Phật Tích trước kia là một quần thể kiến trúc khá lớn, với bốn cấp nền. Tuy nhiên, năm 1952 khi thực dân Pháp chiếm đóng ở Phật Tích đã phá huỷ hoàn toàn kiến trúc của ngôi chùa, chỉ còn trơ lại các lớp nền móng và một số di vật, cổ vật. Năm 1959, chùa được dựng tạm mấy gian nhà nhỏ để bảo vệ pho tượng Phật A Di Đà và năm 1962 chùa đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Hiện nay, dấu vết của lần khởi dựng ở chùa Phật Tích chỉ là các cấp nền, pho tượng Phật Thế Tôn tuyệt mỹ, dãy tượng 10 con thú độc đáo và một số tác phẩm điêu khắc đá. Trên cấp nền thứ 4 hiện còn 35 ngôi tháp chủ yếu có niên đại thế kỷ 17 -18 (mất 4 ngôi tháp so với bản vẽ của L. Berzacier) và khá nhiều tháp đã và đang sụp đổ...
Để chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2008 chùa Phật Tích được khôi phục trùng tu với quy mô lớn gồm các toà: Tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu. Đại đức, Tiến sỹ Thích Đức Thiện trụ trì ở chùa Phật Tích còn vận động các nhà hảo tâm, Phật tử gần xa, công đức xây dựng mới một số công trình như: viện Quan Âm, nhà khách, nhà trưng bày…và cho dựng một pho tượng Phật A Di Đà mới cao gần 30m đặt trên đỉnh núi Phật Tích.
2. Những cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học tại chùa Phật Tích
2.1.Cuộc khai quật năm 1937
Đây là cuộc khai quật lần đầu tiên ở Phật Tích do L.Berzacier chủ trì. Ông đã tiến hành khai quật ở nền nhà Thượng điện và tìm ra một số bức chạm bằng đá, đất nung. Berzacier đã xếp những hiện vật đá đó vào phong cách nghệ thuật Đại La. Trong số hiện vật tìm được còn có cả những viên gạch mang niên đại sản xuất năm 1057.
2.2. Cuộc khai quật 1940
Cũng do L. Berzacier tiến hành tại nền nhà Thiêu hươngvà đã phát hiện ra móng của một cây tháp cổ và những bức chạm cùng phong cách như những bức chạm được phát hiện trong lần khai quật trước. Trong cuốn Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam tác giả Berzacier đã viết khá kĩ về cuộc khai quật này: "Cho đến tháng Chạp năm 1940, nhân đợt trùng tu nhà Thiêu hương mới phát hiện ra chân của cây tháp, đồng thời cũng khai quật được những bức chạm khác, cùng một thể thức như những bức đã phát hiện được trước đây. Chân tháp nằm sát mặt đất, mỗi chiều dài ngót 8,50m và hãy còn nguyên vẹn. Các lớp tường ở chân tháp dày 2,15m, xây bằng nhiều loại gạch kích thước khác nhau, thông thường nhất là loại gạch dài 0,40, rộng 0,25 và dầy 5cm. Cũng như những viên gạch đã phát hiện trước đây, gạch phát hiện được lần này trên một mặt cũng đều in dấu hình chữ nhật, với hai dòng chữ viết rất đẹp, ghi rõ niên đại 1057. Không còn nghi ngờ gì nữa đây là chân của ngọn tháp mà Lý Thánh Tông đã cho xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ 11 đúng như văn bia của chùa cũng như câu truyện truyền thuyết về làng Phật Tích đã kể lại.
Mặt tường phía Nam của chân tháp này gồm nhiều bậc đi sâu xuống tới 3,30m. Trước mặt còn có một bức tường thấp cũng bằng gạch chỉ cao có 0,50m. Một mảnh tường thấp khác cũng xây bằng gạch được phát hiện dọc theo mặt tường phía Bắc. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa thể nói rõ được tác dụng của những vạt tường thấp ấy. Hai bức chạm đẹp nhất đã phát hiện đều nằm ở chân mảnh tường thấp của mặt phía Nam. Chúng tôi không rõ vì lẽ gì chúng lại bị vùi ở chỗ này”[12].
Berzacier tính toán chiều cao của cây tháp này tới 42m...
2.3. Sưu tập Phật Tích 1993
Bộ sưu tập này được Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên phát hiện và công bố trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994. Những hiện vật phát hiện được gồm:
- Hiện vật đất nung:
+ Gạch: một viên (vỡ) có kích thước 4,6x7,5x1,5cm, mặt gạch có in chìm dòng chữ trong khung hình chữ nhật “...gia tam đế...”, một viên gạch (vỡ) kích thước 5 x 8 x 29cm cũng được in dòng chữ ghi niên đại sản xuất, một viên (vỡ) kích thước 5 x 23 x 48cm, trên gạch có khung hình chữ nhật khắc ghi dòng chữ “Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo (1065)”. Từ những phát hiện trên tác giả khẳng định rằng chùa Phật Tích “đã liên tục mở rộng, xây dựng trong ít nhất 8 năm chứ không phải chỉ có một niên đại 1057 như xưa nay vẫn khẳng định”[13]. Kích thước của viên gạch gần giống với viên gạch Chàm cùng với những hình tượng trang trí giống trong điêu khắc Chàm và Nguyễn Hồng Kiên đã nghĩ đến vai trò của những tù binh Chàm trong quá trình xây dựng chùa Phật Tích.
+ Ngoài gạch, các hiện vật đất nung được tìm thấy gồm các chi tiết trang trí kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Lý và phong cách nghệ thuật thế kỉ thứ XVII - XVIII.
- Hiện vật bằng đá:
+ Rồng một đầu hai thân: hình chữ nhật, có kích thước 25x40x60cm. Trên hình chữ nhật chạm một đôi rồng uốn lượn cùng hội lại ở mặt trước. Bố cục này lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc Lý cũng như trong nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
+ Đồ án hoa dây trong bố cục dọc: được thể hiện trên một khối đá có kích thước 27 x 10,5 x 20cm chạm các hình sóng nước, hoa dây, cây. Giữa hai bông cúc là một hình người. Trước đây tại Phật Tích mới có hoa dây trong bố cục ngang. Hoa dây trong bố cục dọc mới chỉ xuất hiện ở Long Đọi có niên đại thế kỉ 12. Như vậy đây là đồ án hoa dây dọc xuất hiện sớm nhất mà chúng ta được biết.
+ Đồ án rồng trong bố cục lá đề đứng: đồ án này được thể hiện trên một khối đá kích thước 40 x 18 x 25cm. Rồng được chạm uốn cong mình theo đường cong của lá đề. Nền rồng là những hoa văn tay mướp cong hình dấu hỏi. Tác giả đã xác định niên đại Trần cho di vật này.
2.4. Thám sát, khai quật Phật tích năm 2008
Năm 2008, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành thám sát tại phần sân bên phải chùa, phát hiện được khá nhiều di vật đá, đất nung niên đại thế kỷ 11. Ngoài những viên gạch mang niên đại Long Thụy Thái Bình 4 [1057], Chương Thánh Gia Khánh 7 [1065] còn những hình Kinnaras, hình rồng, phượng chầu lá đề. Đặc biệt mặt cắt hố thám sát còn cho biết 3 tầng văn hóa rõ rệt: Lý - Lê và Nguyễn chứng tỏ chùa đã được trùng tu nhiều từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.
Cũng năm 2008, trong khi thực hiện dự án trùng tu tôn tạo chùa Phật Tích, trong quá trình đào móng tại khu vực toà Tam bảo đã xuất lộ chân của cây tháp cổ đúng như sử sách ghi chép (ngôi tháp đã được Berzacier khai quật năm 1940). Công việc sau đó được giao cho Viện Khảo cổ khai quật và hiện dấu tích nền móng ngôi tháp đã được lên phương án bảo tồn.
Tóm lại, có thể chia chùa Phật Tích ra làm 3 giai đoạn tồn tại là thời Lý - Trần, thời Lê - Nguyễn và hiện nay. Các thành phần gốc của ngôi chùa thời Lý được bảo tồn cho tới ngày nay là bốn cấp nền, ao rồng, nhà đá, tượng A Di Đà và một số tác phẩm điêu khắc đá khác. Các công trình kiến trúc được sử sách nhắc tới như ngôi tháp đã bị phá huỷ. Các công trình thời Lê hiện chỉ còn khu vườn tháp mộ sư. Ngôi chùa hiện đang được hưng công xây dựng theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống.
Qua nền chùa còn sót lại, chúng ta thấy được quy mô khá to lớn của chùa, xứng đáng là một Đại danh lam kiêm hành cung dưới thời Lý. Mặc dù đã bị phá huỷ nhưng chùa Phật Tích vẫn là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng của quốc gia, vẫn là chốn danh lam thu hút đông đảo du khách và các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực đến tham quan, nghiên cứu...
* Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
* Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
[1] Bia Vạn phúc đại thiền tự bi dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1686), hiện để ở sân chùa.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư . Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1993, tập 1.
[3] Đại Việt sử kí toàn thư . Sđd. Ở đây ta thấy độ dài của chữ Phật do vua cho viết đã khác nhau giữa hai bộ sử.
[4] Đại Nam nhất thống chí, tập 4. Nxb Thuận Hóa 1997, trang 114.
[5] Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án - Tang thương ngẫu lục, Nxb Văn hóa, Hà Nội 1960, trang 167.
[6] Louis Berzacier. Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam , Hà Nội 1944, bản dịch Viện nghiên cứu mĩ thuật, tr 178.
[7] Ngô Văn Doanh. Điêu khắc Phật Tích và sự hình thành nghệ thuật trung đại Việt Nam - Luận án phó tiến sĩ, tr 118.
[8] Có thể xem: Nguyễn Hồng Kiên. Sưu tập Phật Tích 1993, Những phát hiện mới về khảo cổ học 1994, trang 269 - 270. Hoặc Đức Trung Sơn, Nguyễn Văn Trường. Một số hiện vật đất nung thời Lý phát hiện ở chùa Phật Tích (Hà Bắc), Những phát hiện mới về khảo cổ học 1987, tr 131.
[9] Đại Việt sử kí toàn thư - tập 2 – Nxb.Khoa học xã hội. Hà Nội 1993, tr 170.
[10] Việt sử thông giám cương mục. tập 6, Nxb. bản Văn sử địa. Hà Nội 1960, Tr 81.
[11] Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án - sđd. Tr 167.
[12] Louis Berzacier. Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam, sđd, tr 176 - 177.
[13]. Nguyễn Hồng Kiên. Sưu tập Phật Tích 1993, Những phát hiện mới về khảo cổ học 1994, tr 269 - 270.
Bình luận bài viết