Thông tin

CHÙA PHẬT TÍCH, NƠI PHÁT TÍCH PHẬT GIÁO

VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

                                       

ThS. ĐỖ THỊ THỦY*

 

1. Chùa Phật Tích nơi phát tích Phật giáo ở Việt Nam

Chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc tự thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa tọa lạc lư­­ng chừng sườn núi Phật Tích, nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp: Phía trước, hướng nam là sông Đuống chảy từ kinh đô Thăng Long - Hà Nội về, xung quanh là ruộng đồng, bờ bãi cùng những ngôi nhà dân trù mật.

Theo Phật sử, Phật giáo được truyền vào nước ta ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Khi Phật giáo truyền vào nước ta, bước chân đầu tiên của các nhà sư in dấu ở vùng đất Phật Tích, rồi sau truyền xuống vùng Dâu (Luy Lâu) để dần phát triển thành trung tâm Phật giáo lớn đầu tiên của nước ta. Quá trình du nhập trên của Phật giáo không những được thư tịch cổ ghi chép, mà còn là những di sản văn hoá Phật giáo vô cùng quí giá để lại cho đến tận ngày nay. Về di sản văn hóa vật thể là di tích, kiến trúc, điêu khắc, di vật, cổ vật… . Về văn hoá phi vật thể bao gồm truyền thuyết, thơ ca, hò vè, tín ngưỡng, lễ hội… còn đậm đặc và rõ nét.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến những di sản văn hoá trong  vùng đất Phật Tích nói riêng và vùng Dâu để minh chứng Phật Tích chính là nơi phát tích Phật giáo ở Việt Nam và qua đó phác thảo quá trình phát triển chùa Phật Tích trong tiến trình lịch sử Phật giáo.

Hiện ở chùa Dâu (ThuậnThành – Bắc Ninh) còn bảo lưu được mộc bản in sách cổ có tên Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh, nội dung cuốn sách này cho biết khá rõ về quá trình Phật giáo truyền vào nước ta:

“Từ Sơn Phủ huyện Tiên Du

Phượng Hoàng non ấy có chùa Linh Quang

Rừng xanh gọi đồi Mả Mang

Kề bên Thạch Thất gần nàng Non Tiên

Có Thày ở mãi Tây Thiên

Luyện đạo tu thiền hiệu Khâu Đà La

Lập am dưới gốc cây đa

Trụ trì cảnh ấy nhật đà niệm kinh…”

Theo nguồn tư liệu trên, tìm về vùng đất Phật Tích thuộc huyện Tiên Du, nơi sơn thủy hữu tình và đầy ắp những huyền tích về thời kỳ đầu lịch sử của dân tộc, còn đó những địa danh cổ ghi dấu “bước chân” đầu tiên của  Phật giáo truyền vào đất Việt như: núi Phượng Hoàng, đồi Mả Mang, chùa Linh Quang… Những địa danh này nằm ở phía tây dãy núi Phật Tích, trên mỏm núi Mâm Xôi thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Phật Tích. Cũng tại đây, ngôi chùa cổ có tên chữ là Linh Quang tự còn bảo lưu được những di sản văn hoá vật thể như nền móng, gạch ngói, tượng thờ với nhiều niên đại khác nhau. Đặc biệt là những di sản văn hoá phi vật thể gồm các truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội cùng tục thờ phụng sư tổ Khâu Đà La vào ngày 13 tháng 8 (Âm lịch). Nằm trong vùng đất này, chùa Phật Tích được khởi dựng ngay từ buổi đầu khi nhà sư Khâu Đà La đến đây truyền đạo và đã trở thành một trung tâm Phật giáo của vùng. Về địa danh, di tích trên đều được truyền thuyết hóa về thời kỳ truyền nhập của Phật giáo vào nước ta. 

Truyền rằng: Vào buổi đầu Công nguyên, nhà sư người Ấn Độ hiệu Khâu Đà La đã tìm về vùng đất Phật Tích, nơi có cảnh quan núi sông kỳ vỹ, lại có đường sông thuận lợi, ngài lập am dưới gốc cây đa cổ thụ để truyền đạo Phật. Từ vùng đất Phật Tích, nhà s­ư theo sông Đuống và sông Dâu đến vùng Dâu (Luy Lâu) để mở rộng việc truyền đạo. Nhà sư Khâu Đà La đạo cao đức trọng lại có nhiều phép thuật lạ thư­ờng như hô mây hoán gió, khiến nhiều ngư­ời nể phục nên rủ nhau đến học đạo rất đông. Khi ấy, ở vùng Dâu, làng Mãn Xá, có ông bà Tu Định, con gái ông bà là Man Nư­ơng tuổi mới lớn, đẹp tựa trăng rằm cũng cho đến học đạo. Man Nương khéo tay thường giúp thầy việc bếp núc nhưng cũng dốc lòng học đạo. Một hôm, nhà sư­ hoằng pháp trở về, thấy Man Nư­ơng nằm ngủ quên ngay cửa phòng, ngài vô tình b­ước qua thì bỗng nhiên Man Nương tỉnh dậy. Một thời gian sau, Man Nương thấy cảm động lạ th­ường trong ngư­ời, từ đó bà mang thai. Man Nương sợ hãi kể rõ sự tình với cha mẹ, ông bà Tu Định tìm đến nhà sư­ Khâu Đà La để hỏi rõ sự tình. Nhà sư­ cho biết Man Nư­ơng có thai là do “nhân thiên hợp khí”. Man Nương mang thai 14 tháng, đến ngày 8 tháng 4 (Âm lịch) thì sinh được một nữ nhi. Nàng liền đem con đến trả cho nhà sư­ Khâu Đà La. Nhà s­ư mang đứa bé đến gốc cây đa cổ thụ gõ cây đọc kệ. Cây đa bỗng nứt toác ra ôm đứa bé vào lòng. Rồi Khâu Đà La trao cho Man Nư­ơng cây tích trư­ợng và dặn khi nào có đại hạn cứ cắm xuống đất và phát nguyện thì sẽ có nư­ớc để cứu dân.

Thế rồi, mư­a bão đánh đổ cây đa cổ thụ và cây đa theo dòng sông Dâu trôi về thành Luy Lâu thì quẩn lại không trôi nữa. Bao nhiêu trai trong vùng đư­ợc huy động đến kéo cây vào bờ, như­ng cây không hề nhúc nhích. Vừa lúc đó, Man Nư­ơng vô tình ra sông rửa tay, bỗng dư­ng cây dập dình nh­ư con mừng thấy mẹ. Man Nư­ơng ném dải yếm ra thì cây trôi ngay vào bờ.

Khi ấy, Thái thú Sỹ Nhiếp đang trấn nhậm trong thành Luy Lâu đư­ợc báo mộng phải tạc cây đa thành tượng Tứ Phá” để thờ. Sỹ Nhiếp liền cho thợ xẻ cây gỗ đó tạc t­ượng Tứ Pháp. Khi tượng tạc xong, làm lễ đặt tên cho pho thứ nhất thì bỗng thấy trời nổi mây ngũ sắc liền đặt tên là Pháp Vân thờ ở chùa Diên Ứng (tức chùa Dâu), dân gian gọi Nôm là chùa Bà Dâu; đến pho thứ hai thì bỗng thấy trời nổi sấm ầm ầm liền đặt tên là Pháp Lôi thờ ở chùa Phi Tư­ớng (tức chùa BàTư­ớng); pho thứ ba thì bỗng thấy trời nổi chớp liền đặt tên là Pháp Điện thờ ở chùa Phư­ơng Quan (tức chùa Bà Dàn). Nhưng khi làm lễ rư­ớc Phật Tứ Pháp về các chùa, chỉ đ­ược ba pho, còn pho tư­ợng Pháp Vân không hề chuyển động. Hỏi ra mới biết khi thợ tạc t­ượng va rìu phải hòn đá trong cây đa đã quẳng xuống sông. Tức thì dân các làng chài quanh đấy đư­ợc phái đi mò lại không hề thấy. Bỗng Man N­ương đi đò đến nơi thì  hòn đá d­ưới nư­ớc nhảy lên vào lòng và phát sáng. Hòn đá đó đư­ợc đặt tên là Phật Thạch Quang thờ ở chùa Dâu. Ngày lễ khánh thành Phật Tứ Pháp được tổ chức long trọng như­ ngày hội lớn ở kinh kỳ. Từ đó thành lệ, hàng năm cứ đến ngày mồng 8 tháng 4 (âm lịch) các chùa thờ Tứ Pháp tổ chức hội với trung tâm là chùa Dâu nên gọi  là hội Dâu.

Như vậy, truyền thuyết trên, sau khi gạt bỏ những yếu tố hoang đường đã cho thấy quá trình Phật giáo du nhập vào nước ta ngay từ đầu Công nguyên, khởi đầu ở vùng đất Phật Tích, sau phát triển xuống vùng Dâu (Luy Lâu) và cũng cho thấy quá trình Phật giáo dung hội với tín ng­ưỡng văn hóa bản địa ở vùng Dâu để trở thành trung tâm Phật giáo lớn đầu tiên của nước ta.

2. Chùa Phật Tích đại danh lam thắng cảnh thời Lý và nghìn năm Thăng Long - Hà Nội

 Theo sách sử cho biết, đến thời Lý chùa Phật Tích được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng thành đại danh lam thắng cảnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1057, Lý Thánh Tông cho xây dựng một cây tháp cao hơn 10 trượng, trong chứa pho t­­ượng Phật mình vàng cao 6 tr­­ượng”. Sang Thời Trần, Phật Tích tiếp tục là đại danh lam thắng cảnh; các vua Trần thư­­ờng tới đây thăm thú, lễ Phật, dự hội, đề thơ và từng tổ chức cuộc thi Thái học sinh tại đây. Đến thời Lê Trung H­­ưng, chùa Phật Tích đ­­ược quý tộc triều đình cho trùng tu với quy mô rất lớn theo kiểu chùa trăm gian có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, toà ngang dãy dọc như­: tiền đường, thiêu hư­­ơng, thượng điện, hậu đường, hành lang,­ nhà tổ, nhà mẫu.

Năm 1952, thực dân Pháp chiếm đóng ở Phật Tích phá hủy hoàn toàn kiến trúc của ngôi chùa, chỉ còn trơ lại các lớp nền móng và một số di vật, cổ vật.  Năm 1959, nhân dân địa phương dựng tạm mấy gian nhà nhỏ để bảo vệ pho tượng Phật A Di Đà. Với giá trị to lớn nhiều mặt của chùa Phật Tích, ngay từ năm 1962 chùa Phật Tích đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Dẫu trải lịch sử, chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng đại danh lam chùa Phật Tích thời Lý còn để lại là những di sản văn hoá quý giá như: quy mô nền móng to lớn với 4 lớp nền cùng với gạch ngói, chân cột, linh thú… đặc biệt là pho tư­ợng Phật A Di Đà.

Mặc dù pho tượng Phật A Di Đà đã có 1000 năm tuổi, nhưng vẻ đẹp đã vượt thời gian và không gian ở nhiều ph­­ương diện nh­­ư: triết lý của Phật pháp, tạo hình, chất liệu, đư­­ờng nét, hoa văn trang trí… Tượng Phật A Di Đà đ­­ược làm từ đá xanh nguyên khối, trong t­­ư thế ngồi thiền tĩnh tọa trên tòa sen; thân tư­­ợng cao 1,845m có thân hình thon thả, óng nuột và mềm mại bởi những đường cong và những nếp chảy của tấm áo cà sa khoác ngoài; cổ kiêu ba ngấn, nõn nà; khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt hiền từ, lông mày thanh cong, miệng c­­ười mỉm. Toàn bộ thân hình và khuôn mặt của tư­­ợng toát lên vẻ đẹp thánh thiện, từ bi, hỷ xả, như­­ đang thấu nghe tiếng kêu cứu khổ cứu nạn của mọi kiếp chúng sinh để cứu khổ độ nạn. Phần bệ tư­­ợng gồm 2 phần:  tòa sen có chu vi là 3,61m gồm 15 cánh, trên mỗi cánh đều chạm nổi một đôi “rồng run”; còn phần bệ bát giác có 4 cấp nhỏ dần từ d­­ưới lên để đỡ đài sen, hai cấp dư­­ới soi kiểu vỏ măng, hai cấp trên cạnh vuông khối; toàn bộ bệ bát giác đ­­ược chạm nổi các hình­ rồng giỡn đuổi nhau, cúc dây, sen dây, cấp dưới cùng chạm hình sóng n­­ước thuỷ ba.

Năm 2008, khi chùa Phật Tích được thực hiện dự án trùng tu tôn tạo, trong quá trình đào móng tại khu vực tòa Tam bảo đã xuất lộ chân của cây tháp cổ. Một cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành: Chân cây tháp cổ đã lộ nguyên hình, vuông lòng rỗng, tư­­ờng tháp bao quanh rộng trung bình là 2,4m; mặt cắt ngang có diện tích trung bình là 84,64m2 (9,20m x 9,20m), đư­­ợc xây dựng bằng các loại gạch thời Lý có ghi niên đại: “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (gạch đư­­ợc sản xuất vào triều Lý đời vua thứ 3, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 4 (tức năm 1057). Căn cứ vào bằng chứng khảo cổ học trên đã cho biết niên đại chính xác tòa tháp này đư­­ợc xây dựng vào triều vua Lý Thánh Tông năm (1057) và đúng như sử sách cổ ghi chép ca ngợi.

Để hướng tới đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2008 chùa Phật Tích được khôi phục trùng tu với quy mô lớn gồm các toà: Tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu. Đại đức Thích Đức Thiện trụ trì ở chùa Phật Tích còn vận động các nhà hảo tâm, phật tử gần xa, công đức xây dựng mới một số công trình như: viện Quan Âm, nhà khách, nhà trưng bày… và cho phục dựng một pho tư­­ợng Phật A Di Đà mới cao gần 30 m đặt trên đỉnh núi Phật Tích  hướng về kinh đô Thăng Long - Hà Nội, nhằm tri ân với các bậc tiền nhân đã có công xây dựng Phật Tích là cái nôi Phật giáo là đại danh lam thắng cảnh và cũng là để gửi thông điệp đó cho mãi mai sau. Ngày 26 tháng 9 năm 2010, chùa Phật Tích đã khánh thành các công trình khôi phục trùng tu với quy mô to lớn và đã được tổ chức lễ gắn biển: “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Nằm trong vùng đất Phật Tích, chùa phật Tích với những di sản văn hoá vật thể quý giá như: quy mô nền móng, di vật, cổ vật, đặc biệt là tượng Phật A Di Đà và văn hoá phi vật thể (truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội…) đã minh chứng chùa Phật Tích là nơi phát tích Phật giáo ở nước ta và còn là đại danh lam thắng cảnh thời Lý nổi tiếng. Đây là di tích tiêu biểu đặc sắc của tỉnh Bắc Ninh. Hàng ngày, chùa Phật Tích có tới hàng trăm lượt khách từ khắp mọi miền đến tham quan thưởng ngoạn và lễ Phật cầu may sống hướng thiện.



* Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 81
    • Số lượt truy cập : 6952514