Thông tin

CHÙA PHẬT TÍCH QUA MỘT SỐ HÌNH ẢNH CŨ

 

NGUYỄN ĐẮC XUÂN*

 

Là một người sống trên đất Cố đô của nhà Nguyễn ở miền Trung, trước đây đất nước bị chia cắt, tôi không biết gì về các cổ tự xây dựng từ thời Lý, Trần ở miền Bắc cả. Nhân đi tìm tư liệu trong thư tịch để viết luận văn về Hát Bội, từ một bài viết của Giáo sư Trần Văn Khê về Lịch sử âm nhạc Việt Nam, vô tình cái tên “chùa Phật Tích”, “chùa Vạn Phúc” ra đời từ thời Lý Thánh Tông (1057) trên núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ấn vào tâm trí tôi. Nội dung bài viết năm ấy, mới đây Giáo sư Trần nhắc lại trên báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần rằng: “Trên những phiến đá của chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh), một trong những di tích Phật giáo tiêu biểu của thời Lý có chạm khắc hoa sen cùng hình dàn nhạc công đang tấu nhạc dân tộc, với ý nghĩa hướng dẫn chúng sinh vào con đường của đạo pháp”[1].

Có lẽ Giáo sư Trần Văn Khê đã tham khảo hình ảnh quý giá ấy của nhà khảo cổ học Pháp LouisBezacier thực hiện vào đầu những năm bốn mươi thế kỷ XX và đăng trên một tạp chí nghiên cứu nào đó của Pháp và được Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng sử dụng lại trong Kiến trúc Phật giáo Việt Nam (Tập I) sau đây:

 

H.01. Hình ảnh dàn nhạc đang tấu chạm khắc trên những viên đá táng cột phát hiện tại nền chùa Phật tích khoảng đầu những năm bốn mươi. Nghệ thuật triều Lý Thánh Tôn (1054-1072).  Ảnh TL của KTS NBL

Theo các tác giả những tảng đá vuông kê chân cột ở chùa Phật Tích, mỗi cạnh dài 0,72 m, chiều cao 0,21 m, trên đó có chạm khắc cả một dàn nhạc vui tươi và sống động, gồm mười nhân vật: tám nhạc công và hai vũ nữ, chia thành hai nhóm nghệ sĩ hát múa và đánh đàn từ hai bên, hướng vào một chiếc lá bồ đề lớn nhằm tôn vinh Phật pháp.

Được xem bức ảnh “Dàn nhạc” từ thời Lý dẫn trên tôi rất thích. Không ngờ cách đây gần một ngàn năm Việt Nam đã từng có những nhạc cụ như trống lớn, trống cơm, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bảy dây, đàn tỳ bà, tiêu, sáo ngang và phách. Sự hấp dẫn của bức ảnh ám ảnh tâm trí tôi. Sau nầy tôi tìm hiểu về lịch sử chùa Phật Tích để mong bổ sung kiến thức cho mình về ngôi cổ tự tiêu biểu của thời đất nước lấy Phật giáo làm quốc giáo.

Với vị thế một người nghiên cứu nghiệp dư ở Huế, tôi không có điều kiện đi điền dã miền Bắc, nên muốn biết di tích lịch sử gì ngoài ấy tôi đều phải dựa vào bộ Đại Nam nhất thống chí biên soạn từ thời vua Tự Đức của Quốc sử quán triều Nguyễn. Nhưng rất tiếc trong bộ sách quan trọng ấy không có tên chùa Phật Tích. May sao, đọc kỹ mới thấy địa danh Phật Tích chính là tên của cái xã thuộc huyện Tiên Du, còn tên chùa mà tôi muốn tìm hiểu là Vạn Phúc (hay Vạn Phước) giống tên một ngôi chùa trên đồi Bình An, xã Trường An, thành phố Huế ngày nay.   

Sách Đại Nam nhất thống chí tỉnh Bắc Ninh viết: “Chùa Vạn Phước. Ở núi Lạn Kha, thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du, do vua Thánh Tông nhà Lý kiến trúc, trong chùa có một tượng đá cao 5 thước, lớn 6 thước, thường năm ngày 4 tháng giêng có hội khán hoa, nhiều người đến hành hương. Đời Trần, niên hiệu Xương Phù năm thư 2 (1378) Thượng hoàng Nghệ Tông thi Thái học sinh ở đây (nghiên cứu theo Lịch sử bản kỷ quyển 8 trương 7). Vào niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê có đặt đại yến hội ở tại chùa nầy”[2].

Chùa Vạn Phước, theo sách Đại Nam nhất thống chí có 4 sự kiện:

1. Trong chùa có một tượng đá cao 5 thước (2,125m), lớn 6 thước (2,550m);

2. Thường năm ngày 4 tháng Giêng có hội khán hoa, nhiều người đến hành hương;

3. Thượng hoàng Nghệ Tông thi Thái học sinh ở đây;

4. Niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê có đặt đại yến hội ở tại chùa này.

Sự kiện 1: Thuộc về nghệ thuật Phật giáo đời Lý; sự kiện 2: Ngày hội của dân; sự kiện 3 và 4 chứng tỏ chùa Vạn Phước từng được xem là một cơ sở văn hóa quan trọng của triều đình của các đời Lý, Trần, Lê. Nói như thời Nguyễn Vạn Phước (Phúc) là một ngôi quốc tự. 

Là một Phật tử, tôi quan tâm nhất pho tượng đá trong chùa. Cũng từ nguồn của LouisBezacier và Nguyễn Bá Lăng, tôi đã được xem ảnh pho tượng đã gần một nghìn năm tuổi ấy (ảnh A.2a).

 


H.02A. Tượng A Di Đà gần nghìn năm tuổi chùa Phật Tích gốc (Ảnh KTS NBL) 

 

H.02B. Tượng A Di Đà được phục hồi sau chiến tranh hiện đang tôn trí ở chùa Phật Tích ngày nay (Ảnh QĐ)

Theo các nhà nghiên cứu xưa và nay đều cho “Đây là pho tượng cổ nhất miền Bắc (niên đại 1057), đã được công nhận kỷ lục Phật giáo, đồng thời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này”.

Cũng theo nhiều nguồn tin cho biết, năm 1947, do chiến tranh, chùa Vạn Phước (tức chùa Vạn Phúc, chùa Phật Tích) đã bị phá hủy. Pho tượng Phật A Di Đà vô giá đã bị đập vỡ thành nhiều mảnh. Sau nầy pho tượng được phục hồi lại từ những mảnh vỡ, những chỗ bị khuyết thì dùng vật liệu mới “vá” lại (H.02B). Quan sát pho tượng mới được phục hồi, hiện đang được tôn trí ở chùa Phật Tích, một nhà báo đã có nhận xét: “Các miếng vá trên tượng này tuy khéo song không che hết dấu vết phá huỷ của chiến tranh”.

Qua cảm nhận của tôi: Pho tượng mới được phục hồi không giống pho tượng gốc về hình dáng (đặc biệt là cái đầu), về kích thước và về sự tinh tế trong đường nét điêu khắc. Tuy nhiên những giá trị nghệ thuật độc đáo quý hiếm của pho tượng vẫn được giữ nguyên. Tác giả Trần Mạnh Phú trong bài  Tượng Phật trong nền điêu khắc cổ Việt Nam[3]đã viết về pho tượng A Di Đà như sau:“Pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích có những sắc thái riêng của Việt Nam. Thân hình toát lên cái đẹp hoàn toàn nữ tính. Khuôn mặt thanh khiết, với vầng trán đều đặn, với đôi lông mày mảnh và cong, với đôi mắt mơ màng hơi cúi nhìn. Mũi thẳng. Miệng nhỏ thoảng một nụ cười kín đáo. Với đôi má bầu bĩnh, với cổ cao thon ba ngấn, khuôn mặt đức Phật A Di Đà thật đẹp, thật đôn hậu. Nội dung “tâm định” của đức Phật hòa với vẻ duyên dáng, đoan trang của phái nữ. Thân bất động chứa đựng ý niệm “thân định” của đức A Di Dà lại ánh lên cái vẻ đẹp tỏa ra từ đôi vai đều đặn, từ đôi tay mềm mại của người trinh nữ. Và chiếc áo cà sa một chi tiết khá nổi bật của pho tượng được trải mềm lên tấm thân óng ả ấy. Nhịp điệu của những đường con gợi lên chất lụa mỏng, chất lụa lung linh như khẽ lay động. Và, qua nội dung “tâm định”, qua ngoại hình “thân định” được diễn tả thật khéo léo ấy, bản nhạc “thiền định” trầm hùng vốn là nội hàm tổng hợp của pho tượng bỗng vút ra ngoài, tràn đầy không gian. Bản nhạc ấy hòa vào lòng người, cùng với nhịp điệu nhẹ nhàng, bay bổng của tòa sen, sóng nước và những con rồng...”

Ngoài hai hình ảnh quý dẫn trên, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng còn cung cấp thêm ảnh tượng Nghi thần (Kimari)[4] tạc bằng đá, phát hiện dưới nền chùa Phật Tích vào khoảng năm 1940.

 

H.03. Nghi thần (Kimari) tạc bằng đá  phát hiện dưới nền chùa Phật Tích vào khoảng năm 1940. Ảnh TL NBL

Tượng Nghi thần, đầu người mình chim, vỗ trống cơm  được hiểu như để cổ động chúng sinh đi vào con đường giải thoát.

Các tấm ảnh trên gắn với tên tuổi nhà khảo cổ học Louis Bezacier. Sau nhiều năm tìm kiếm, tôi đã sưu tập được cuốn Biên khảo về nghệ thuật nước Nam(Essais sur l’Art Annamite)của L. Bezacier, do Imprimerie d’Extrême Orient, Hà Nội xuất bản năm 1944. Trong sách tác giả đã dành một chương (từ tr.137 đến 163), mang tựa đề Chùa cổ Vạn Phúc tại Phật Tích theo những khai quật sau cùng và ngôi chùa hiện nay (L’ancienne pagode Vạn-phúc à Phật-tích d’après les dernières fouilles et la pagode actuelle). 

 


H.04. Trang bìa sách Essais sur l’Art Annamite (Biên khảo về nghệ thuật nước Nam)của L. Bezacier

Trong Biên khảo về nghệ thuật nước Nam, L. Bezacier đã đăng 7 trang ảnh Phụ bản (Từ I đến VII). Trong các trang III, VI và VII, tác giả đăng 8 ảnh chụp ở chùa Vạn Phúc làng Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh. Cuốn Biên khảo về nghệ thuật nước Nam (Essais sur l’Art Annamite) mà tôi sưu tập được đã bị ngấm nước lụt 1953 ở Huế nên các hình ảnh trong sách bị nhòe, nhìn không còn rõ nữa. Tuy vậy, tôi cũng trích lại trong bài viết nầy để các nhà nghiên cứu tham khảo.

 

 

H.05. Trang III / ảnh 6. Tháp mộ tưởng niệm vinh danh nhà sư ChuyếtCông.

 


H.06. Trang III / Ảnh 7. Tháp mộ của một nhà sư chùa Vạn Phúc

 


H.07. Trang VI / ảnh 1. Móng tháp cổ Thế kỷ XI phát hiện giữa phòng đểĐỉnh hương (Brule-parfums) chùa Vạn Phúc

 


H.08. Trang VI / ảnh 4. Áo quan với bình tro bằng đồng trong ngôi mộ củamột nhà sư 

 


H.09. Trang VI / ảnh 6. Mẩu ngói tròn trang trí hình hoa sen lấy từ các cuộc khai quật  chùa Vạn Phước.

 

 

H.10. Trang VII / ảnh 4. Tượng Phật A Di Đà chùa Phật tích (đã đề cập ở trên)

 

 

H.11. Trang VII / ảnh 5. Ảnh các vị La Hán chùa Vạn Phước.

 

 

H.12. Trang VII / ảnh 6. Tượng Quan Âm tống tử (donneuse d’ enfants - Quan âm cho con) điêu khắc gỗ.

 

Tất cả hình ảnh cổ vật trên đây được thu hình từ trước năm chùa Phật Tích (hay Vạn Phước, Vạn Phúc) bị phá hủy (1947). Số vật cổ được lưu lại bằng ảnh đó có thể có cái còn sót lại hoặc đã tìm lại được, có cái bị hư hao được chăm chút trở lại và cũng có nhiều cái ngay cái tên của nó cũng không ai còn nhớ. 

Như báo chí đã đưa tin chùa Phật Tích ngày nay có Đại Phật tượng chính thức được khai quang trên núi Phật Tích vào cuối tháng 9 năm 2010 vừa qua. Pho tượng làm bằng đá xanh cao gần 30m, nặng 3.000 tấn, được xem là pho tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á. Trong lễ khai quang Đại Phật tượng trên núi Phật Tích chào mừng Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội, Đại đức, Tiến sỹ  Thích Đức Thiện, Trụ trì chùa Phật Tích cho báo Dân Trí biết: “Chùa Phật Tích là ngôi chùa cổ hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều bảo vật của đất nước, đây còn là nơi phát tích của Đạo phật Việt Nam. Công trình Đại Phật tượng và dự án tu bổ, tôn tạo chùa Phật Tích có tổng số vốn đầu tư trên 180 tỷ đồng”. Như vậy chứng tỏ chùa Phật Tích thuộc loại chùa Phật được xếp vào loại hàng đầu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hàng đầu về các mặt: lịch sử (có tuổi gần ngàn năm), nơi phát tích Phật giáo Việt Nam, còn giữ được nhiều bảo vật Phật giáo (có giá trị nghệ thuật hàng đầu của quốc gia), có pho tượng Phật bằng đá xanh không những lớn nhất Việt Nam mà còn được xem lớn nhất Đông Nam Á... Chùa Phật Tích là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, sẽ là nơi hành hương của Phật tử, là một điểm tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước, của người Việt Nam và người nước ngoài. Trước thực tế chùa Phật Tích to, tượng Phật lớn, diện tích rộng, lịch sử sâu (gần ngàn năm), đẹp (nghệ thuật Việt Nam), đòi hỏi chùa cần phải có những sưu tập về cổ vật, hình ảnh cũ, tài liệu khoa học để giúp phục chế những bảo vật đã mất, để nghiên cứu sản xuất những vật lưu niệm chùa Phật Tích và cuối cùng phục vụ cho Nhà Bảo tàng 1000 năm chùa Phật Tích trong tương lai. Bài viết nầy được thực hiện với sự mong muốn đó.

Huế, Tháng 12-2010
Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân 



* Nhà Nghiên cứu Phật giáo, Huế

[1] http://cadao.org/index.php?option=com_content&view=article&id=390.

[2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, ĐNNTC Tỉnh Bắc Ninh, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Tổng bộ Văn hóa Xã hội Xb, SG 1966.

[3] http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-nghe-thuat/dieu-khac-phat-giao

[4] Cũng có nhà nghiên cứu gọi là chim thần Kinnaras

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 78
    • Số lượt truy cập : 6952454