Thông tin

CHÙA PHẬT TÍCH VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

 

TT. TS THÍCH ĐỒNG BỔN*

 

Ngôi chùa với huyền thoại Từ Thức gặp tiên, của pho tượng Phật Di Đà tuyệt tác bằng đá xanh cổ nhất Việt Nam, tuy chùa phát tích từ đời Lý (xây dựng năm Thái Bình thứ tư [1057]) với công đức của vua Lý Thánh Tông và vương phi Ỷ Lan, nhưng vẫn có chứng tích của thiền phái Trúc Lâm qua việc vua Trần Nhân Tông đã cho xây dưng một thư viện lớn tại đây và xây dựng cung Bảo Hoa, để rồi khi khánh thành cung điện này, Vua - Phật Trần Nhân Tông đã viết nên tác phẩm Bảo Hoa dư bút dày đến 8 quyển[1].

Mặc dù tác phẩm này đã không còn với thời gian, nhưng tên của tác phẩm Bảo hoa dư bút đã nói lên được nhiều điều:

Thứ nhất, đây là một ngôi chùa có đầy hoa thơm báu lạ, đã khiến nhà vua tức cảnh sinh ý thiền mà viết nên các bài thơ về Bảo hoa này. Văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi năm Chính Hòa thứ bảy (1686) ca ngợi vẻ đẹp của cảnh chùa: "Đoái trông danh thắng đất Tiên Du, danh sơn Phật Tích, ứng thế ở Càn phương (hướng Nam) có núi Phượng Lĩnh bao bọc, phía tả Thanh Long nước chảy vòng quanh. Phía hữu Bạch Hổ núi ôm, trên đỉnh nhà khai bàn đá..."[2].

Thứ hai, câu chuyện Từ Thức - Giáng Tiên viếng chùa lạc vào vườn hoa mẫu đơn, đủ thấy vườn hoa mẫu đơn nơi đây đã một thời rung động bao lòng người cảm cảnh hương hoa mà quên mùi tục lụy. Theo tương truyền, bậc nền thứ nhất là sân chùa với vườn hoa mẫu đơn, nơi xảy ra câu truyện Từ Thức gặp tiên:"...Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp Giáng Tiên bị bắt trói vì tội hái trộm hoa. Từ Thức bèn cởi áo xin tha cho tiên nữ. Sau Từ Thức từ quan đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh, đến động núi ở cửa biển Thần Phù gặp lại Giáng Tiên..." Do tích này, trước đây chùa Phật Tích mở hội Hoa mẫu đơn hàng năm vào ngày mồng bốn tháng Giêng để nhân dân xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ[3].

Thứ ba, các thiền sư đời Trần trong thiền phái Trúc Lâm vốn là các thi sĩ tài hoa, trước cảnh đẹp với muôn hoa nổi tiếng của chùa Phật Tích, chắc chắn trên bước đường vân du đều phải đến đây để tìm ý thiền và tứ thơ, trau dồi tư lương cho hành giả trên đường du hóa hành đạo.

Thứ tư, với tuyệt tác là pho tượng đá xanh Phật Di đà, rồi với vườn hoa, cảnh đẹp, phải chăng là một góc nhỏ của cõi Cực lạc tây phương, mà tiền nhân đã dày công vun tạo cho người tín tâm tìm đến nơi này thấy được một cõi tịnh độ nhân gian?

Thứ năm, trong Ức Trai thi tập của thi hào Nguyễn Trãi, ông có một bài thơ vịnh cảnh chùa Phật Tích, khiến người xem mọi thời đều rung động. Bài thơ cũng nói về hoa nơi vườn chùa này nhiều đến nỗi xác hoa ngập đầy suối, nước cuốn trôi đi mà hương vẫn còn ở lại[4]:

Đoản trạo hệ tà dương

Thông thông yết thượng phương

Vân quy thiền sáp lãnh

Hoa lạc giản lưu hương

Nhật mộ viên thanh cấp

Sơn không trúc ảnh trường

Cá trung chân hữu ý

Dục ngữ hốt hoàn vương

Giáo sư Đào Duy Anh dịch:

Bóng xế con thuyền buộc

Vội lên lễ Phật đài

Mây về giường Sãi lạnh

Hoa rụng suối hương trôi

Chiều tối vượn kêu rộn

Núi quang, trúc bóng dài

Ở trong dường có ý

Muốn nói bỗng quên rồi!

Với năm ý nghĩa trên đây, chùa Phật Tích ngày xưa xứng danh là “ngôi chùa của hoa”, điều này chúng tôi muốn nói cho chùa Phật Tích của chúng ta ngày nay, trong quá trình phát triển của lịch sử, dù có lúc thịnh lúc suy, nhưng ngày nay đã và đang được phục dựng, trùng tu, phát triển to lớn hơn, xin hãy giữ được cái hồn của “ngôi chùa của hoa”, để mùi thơm tự ngàn xưa lan tỏa đến ngàn sau vậy. Có như thế, truyền thống về chùa Phật Tích sẽ là điểm đến cho người cám cảnh tu hành và văn nhân thi sĩ có nơi tức cảnh sinh thiện tâm để gieo duyên lành với ngôi nhà Phật bảo vậy.

Điều quan trọng mà chúng tôi nêu ở đầu đề Chùa Phật Tích với thiền phái Trúc Lâm mục đích nói lên quan điểm của thiền phái Trúc Lâm ngày xưa có sự dung nạp cả ba pháp môn Thiền - Tịnh - Mật. Ở đây, chúng ta thấy vua Trần Nhân Tông đã đến đây viếng cảnh lễ Phật, tất nhiên là sẽ lễ pho tượng Phật Di đà ngồi ở giữa chùa rồi! Ngoài tượng Phật Di đà, chùa ngày xưa còn có cây tháp Cửu Phẩm, một đặc điểm minh chứng cho hai pháp môn Mật - Tịnh song hành cùng pháp môn thiền định, mà vị tổ sư tiêu biểu là thiền sư Chuyết Công - Lý Thiên Tộ (1664), ngài thị tịch lúc 55 tuổi đã để lại di cốt nơi tháp Báo Nghiêm của chốn tổ này.

Tư tưởng Tam Hợp của thiền phái Trúc Lâm bén duyên nơi ngôi chùa này, cho thấy thiền phái này đã dung thông được Tịnh - Mật hòa quyện với Thiền, làm cho Phật giáo Trúc Lâm trở thành một thiền phái đặc biệt của Việt Nam, mang đủ ba yếu tố trên từng tồn tại và phát triển tại chùa Phật Tích.

Suốt tiến trình từ đời Lý cho đến ngày nay, bao dấu tích của Phật giáo Việt Nam như khu vườn tháp với 32 ngôi tháp và nghệ thuật trên đá (10 pho tượng thú) ở chùa Phật Tích vẫn lưu dấu tích với thời gian, cho thấy sinh hoạt tín ngưỡng tu học từ ngôi chùa này, trải qua ngàn năm vẫn được duy trì liên tục, đó là điều hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo, bởi hầu hết các đạo tràng chốn tổ cũng có một giai đoạn trở thành phế tích, có nơi chỉ còn là di chỉ, hoặc có nơi được khôi phục sau thời gian dài hoang phế bởi chiến tranh hay theo định luật Thành - Trụ - Hoại - Không của lẽ thường cuộc đời.

Đúc kết bài viết này, chúng tôi  xin tóm tắt vào ba ý chính như sau :

1. Chùa Phật Tích xứng danh là Ngôi chùa của hoa, cụ thể là hoa mẫu đơn như truyền thuyết, hoặc gọi là Chùa hoa mẫu đơn. Thế thì các nhà phục dựng và Sư tăng trụ trì phải làm thế nào cho tên gọi này được xứng đáng với truyền thuyết. Như thế thì nơi đây sẽ lại trở thành điểm thu hút sự chiêm bái của thập phương thiện tín và văn nhân nghệ sĩ, trở thành thắng cảnh du lịch tâm linh của tỉnh nhà vậy.

2. Chùa Phật Tích là điển hình minh chứng cho sự dung hợp ba pháp môn Thiền - Tịnh - Mật của thiền phái Trúc Lâm đã từng có chứng tích tại đây từ sơ tổ Trúc Lâm Đầu Đà. Thế thì thiền phái Trúc Lâm là niềm tự hào cho mọi người học Phật Việt Nam được xem mình là đệ tử của thiền phái này, chứ Trúc Lâm không phải chỉ riêng của thiền phái không dung hợp được pháp môn Tịnh - Mật.

3. Thi hào Nguyễn Trãi cảm cảnh chùa Phật Tích mà viết nên bài thơ Vịnh cảnh chùa Phật Tích trong Ức Trai thi tập, rồi đến bản dịch của Giáo sư Đào Duy Anh, cũng là sự rung động bài thơ trên mà chuyển sang quốc ngữ thành thể ngũ ngôn. Nay chúng tôi cũng có chút cảm nhận tâm hồn của hai vị tiền bối, mạo muội chuyển ngữ thêm thể Lục bát, để góp phần cúng dường của mình vào tài sản văn học của chốn tổ Phật Tích:

Hoàng hôn nhẹ lướt mái chèo

Cắm sào dưới bến ta vào Không môn

Tấc lòng lễ Phật thong dong

Chợt mây ùa đến lạnh phòng Thiền tăng

Hoa rơi đầy suối ngát hương

Nước khe trôi tiễn nguồn cơn bụi trần

Chiều buông vượn hú dập dồn

Non thiền bóng trúc gợi hồn quê xưa

Dường như nơi ý có thừa

Bỗng nhiên quên mất dẫu chưa nên lời.

Chiêu đề

Viết tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23.12.2010 



* Trưởng ban Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[1] Lịch sử chùa Phật Tích, Wikipedia website.

[2] Nguồn đã dẫn.

[3] Nguồn đã dẫn.

[4] Nguồn đã dẫn

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 98
    • Số lượt truy cập : 6952500