Thông tin

CHÙA PHẬT TÍCH

TRONG BỐI CẢNH LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Hòa  thượng THÍCH THIỆN NHƠN*

 

1. Vài nét lịch sử:

Núi Tiên hay Tiên Sơn, còn được gọi là núi Lan Kha, hay Phật Tích. Theo sử cũ, ngày xưa có chàng tiều phu đốn củi tên là Vương Chất, gặp hai ông tiên đánh cờ, chàng chống rìu đứng xem cho đến khi xong ván cờ, nhìn lại cán rìu đã mục, từ đó nơi ấy có tên là Lạn Kha hay núi Tiên. Còn Phật Tích là sau khi ngôi tháp do vua Lý Thánh Tông xây dựng năm 1057, trong đó có tạc tượng Phật Di Đà bằng đá quý thiếp vàng bị đổ, phát hiện tượng Phật Di Đà còn nguyên vẹn đến ngày nay, vì kính quý Đức Phật và điều hiếm có xảy ra ấy nên dân chúng đổi tên làng Tiên Sơn là Phật Tích, núi Phật Tích và chùa Phật Tích cho đến ngày nay (tên chữ là Thiên Phúc, Vạn Phúc tự), thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Thời Lý là phủ Thiên Đức.

Vào những thế kỷ đầu cho đến thế kỷ thứ X, chùa Tiên Sơn đã là nơi hội tụ và dừng chân của các nhà truyền giáo đầu tiên khi từ Ấn Độ sang nước ta như Khâu Đà La (189), Ma Ha Kỳ Vực (298 - 300). Có thể nói, trung tâm tu học Tiên Sơn cùng thời với trung tâm Phật giáo Luy Lâu (chùa Pháp Vân) do Sĩ Nhiếp dựng lập năm 129.

Mãi đến năm 425, Pháp sư Đàm Hoằng từ Trung Quốc sang tu học, hành đạo tại Tiên Sơn, chuyên thọ trì kinh Vô Lượng Thọ và kinh Thập Lục Quán. Nội dung kinh Vô Lượng Thọ nói về tiền thân Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của Ngài khi còn tu nhân dưới thời Đức Phật Bảo Tạng. Nội dung kinh Thập Lục Quán nói về các pháp quán cảnh Tây phương Cực lạc và Thân tướng Phật A Di Đà, gồm 16 pháp quán. Sư Đàm Hoằng phát nguyện một lòng cầu về an dưỡng quê hương Phật A Di Đà. Năm 455, Pháp sư Đàm Hoằng viên tịch.

Sau đó có ngài Huệ Thắng và Đạo Thiền tiếp tục tu học, hành đạo tại đây, từ năm 440 đến năm 527, thọ giáo với thiền sư ngoại quốc người Ấn Dharmadeva dạy cho phép Thiền quán. Nhất là ngài Huệ thắng, chuyên thọ trì kinh Pháp Hoa, tu tập Thiền quán, chứng Pháp Hoa Tam muội. Và có thể nói, chùa Tiên Sơn cũng là nơi dừng chân của các Thiền sư Đạo Cao, Pháp  Minh.

Năm 580, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Việt Nam, đến trụ tại chùa Pháp Vân, độ Pháp Hiền làm đệ tử. Pháp Hiền người Tiên Du, Tiên Sơn. Tại đây, Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch kinh Đại Tổng Trì Tam Muội, trong đó có đoạn: Đức Phật Thích Ca tự giới thiệu những kiếp quá khứ, có Tỳ kheo Tịnh Mạng và về sau tu hành thành Phật hiệu A Di Đà. Như vậy, Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi với tư tưởng Tịnh độ đã có từ trước và có sự dung hợp với nhau. Sau khi Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi viên tịch năm 594, Pháp Hiền về lập chùa Chúng Thiện tại núi Tiên Du (Tiên Sơn), dù không cư trú tại chùa Tiên Sơn nhưng cùng một làng và có sự dung hợp pháp môn Thiền và Tịnh. Do đó, sự hoằng pháp lợi sinh vẫn tác động qua lại giữa các trung tâm giáo dục Phật giáo là Luy Lâu và Chúng Thiện cũng như Tiên Sơn (594 - 626).

Đến năm 820, có Thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang Việt Nam, đến chùa Kiến Sơ (Gia Lâm - Hà Nội) hoằng hóa đạo Thiền, độ được Cảm Thành, trở thành đệ tử đầu tiên. Thiền sư Cảm Thành người Tiên Du (Tiên Sơn), xuất gia tu hành tại chùa Đông Lâm núi Tiên…, pháp danh Lập Đức. Mối liên hệ giữa người cùng làng là một sự dung hợp pháp tu và hành đạo, dù không phải là tu học tại chùa Tiên Sơn trong thời gian từ năm 826 - 860.

Tuy  nhiên, phải đến thời Lý (1010 - 1225), thì mô hình sinh hoạt, tu tập tại chùa Tiên Sơn mới được rõ nét và quy mô, vì nó trở thành một quốc tự dưới thời Lý, xứ Kinh Bắc, quê hương của các vị vua triều Lý.

Năm 1041, vua Lý Thái Tông cho xây Viện Từ Thị Thiên Phúc và đúc tượng Phật Di Lặc nặng 7.560 cân để tôn thờ. Kể từ đấy, núi Thiên Phúc hay chùa Thiên Phúc được hình thành, thay cho tên chùa Tiên Sơn.

Năm 1057 - 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Thiên Phúc và dựng tháp cao nhất nước, bên trong sai Lang tướng Quách Mãn tạo dựng Phật A Di Đà thiếp vàng cao 1.87m, tính luôn bệ là 2.87m, tôn thờ trong Bảo tháp Thiên Phúc, đúc 02 tượng Phạm Thiên và Đế Thích bằng vàng thờ trước chùa.

Năm 1071, vua Lý Thánh Tông viếng chùa và núi Thiên Phúc, cho viết chữ Phật dài 5 mét, khắc vào núi Thiên Phúc để kỷ niệm. Và các triều vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông đều đến sinh hoạt tại Quốc tự Thiên Phúc từ năm 1073 - 1210.

Sang đời Trần (1228 - 1400), chùa Thiên Phúc vẫn là quốc tự, nhưng được đổi tên là Vạn Phúc. Năm 1279 - 1280, vua Trần Nhân Tông đã cho xây cung Bảo Hoa. Sau khi khánh thành, nhà vua đã soạn tập thơ Bảo Hoa dư bút gồm 08 quyển để kỷ niệm.

Vua Trần Nghệ Tông (1370) cho xây thư viện Lạn Kha để đọc sách, thưởng ngoạn và hành cung của triều đình. Năm 1384, Vua tổ chức cho thi Thái học sinh (Tiến sĩ) tại đây để chọn người tài đức phục vụ cho đất nước.

Năm 1497, Vua Lê Hiển Tông tổ chức Đại yến của triều đình tại đây.

Đến năm 1635 - 1644, cho Thiền sư Chuyết Công đến hành đạo tại chùa Phật Tích một thời gian. Chúa Trịnh Tráng rất quý kính và thỉnh cầu ngài cho đệ tử là Minh Hành Tại Tại sang Trung Quốc thỉnh kinh tạng về tôn trí tại chùa Phật Tích cho đến ngày nay.

Đến thời Lê Trung Hưng (1686), chùa bị xuống cấp, các vua Lê đã cho  tu bổ lại như mô hình cũ, gọi là chùa Phật Tích (tên chữ là Vạn Phúc). Nghĩa là, do phát hiện tượng Phật Di Đà trong bảo tháp do vua Lý Thánh Tông tạc năm 1057.

Theo thời gian, chùa xuống cấp trầm trọng, có một đại thí chủ là Nguyễn Đồng Khoa thời vua Thiệu Trị (1820 - 1830) đã bỏ công, bỏ của trùng tu lại khang trang, đẹp đẽ dưới thời nhà Nguyễn, cũng là sự tu bổ cuối cùng của chùa Phật Tích.

Từ năm 1949 – 1952, Pháp chiếm chùa Phật Tích và phá hủy hoàn toàn ngôi quốc tự này, chỉ còn nền gạch và một số pho tượng Phật, Tổ, và một vài Pháp khí khác.

Sau khi hòa bình lập lại 1954, thuộc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1959 chùa Phật Tích được Nhà nước cho xây dựng lại theo quy mô nhỏ để tôn thờ các di vật còn lại. Đến năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia. Năm 1981, trong bối cảnh đất nước thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Chùa Phật Tích là đơn vị Phật giáo tỉnh Hà Bắc. Đến năm 2000 thuộc tỉnh Bắc Ninh, Giáo hội đã cử Đại đức Thích Đức Thiện, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó ban Phật giáo Quốc tế, Phó Văn phòng Trung ương GHPGVN  Trụ trì ngôi chùa di tích lịch sử này.

Năm 2008, được sự cho phép của Chính phủ, Đại đức trụ trì khởi công đại trùng tu xây dựng mới một số công trình, trong đó có công trình tác tượng Phật bằng đá quý cao 27 mét, tính luôn bệ là 30 mét trên núi Phật Tích. Tượng Phật A Di Đà mới là theo tôn tượng Di Đà cao 1.87mét, nếu tính luôn bệ là 2.87m, do vua Lý Thánh Tông tạc năm 1057 còn lại được tôn thờ tại Chánh điện.

Đặc biệt, năm 2009, được sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam,  chùa Phật Tích vinh dự được cung nghinh Phật ngọc cho Hòa bình thế giới từ Thái Lan sang Việt Nam (thành phố Hồ Chí Minh) về tôn trí tại chùa cho Tăng ni, Phật tử hành lễ chiêm bái trong thời gian 01 tuần. Sau đó tượng được cung rước sang Hoa Kỳ và cuối cùng trở về tôn thờ vĩnh viễn tại Úc Đại Lợi. Chư tôn Giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội và Nhà nước đã chiêm bái, hành lễ.

2. Chùa Phật Tích là nơi hội tụ của các dòng thiền

Như lịch sử cho thấy, năm 580 Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến chùa Pháp Vân, trung tâm Phật giáo Luy Lâu hóa độ Pháp Hiền, người Tiên Du (Tiên Sơn). Sau khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi thị tịch, Thiền sư Pháp Hiền về sáng lập chùa Chúng Thiện, núi Tiên Du trong quần thể Phật Tích - Tiên Sơn. Do đó có sự ảnh hưởng qua lại giữa dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Pháp môn Tịnh Độ mà chùa Tiên Sơn là trung tâm.

Đến năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông đến chùa Kiến Sơ, Gia Lâm - Hà Nội mở rộng đạo thiền, hóa độ Lập Đức là người Tiên Du, xuất gia tu học tại chùa Đông Lâm, được Tổ ban đạo hiệu là Cảm Thành. Vì thế, Thiền phái Vô Ngôn Thông qua sự kế thừa của Cảm Thành, người Tiên Du - Tiên Sơn, cũng chính là một sự gặp gỡ giữa hai Thiền phái.

Năm 1069, Lý Thánh Tông sáng lập phái Thiền Thảo Đường, Trung tâm Thiền phái này là chùa Khai Quốc (Trấn Quốc), nhưng các vì vua sau đó như Lý Anh Tông, Cao Tông đều là những thiền sư phái Thảo Đường, chủ trương Tịnh độ hóa nhân gian, hay Thiền Tịnh song tu. Do đó, trung tâm Phật Tích do Lý Thánh Tông xây dựng và phát triển được các nhà vua cuối Triều Lý sinh hoạt theo tư tưởng Thiền phái Thảo đường tại chùa Phật Tích.

Đến năm 1633, Thiền sư Chuyết Chuyết thuộc phái Lâm Tế Nghĩa Huyền, từ Trung Hoa sang Việt Nam. Trước tiên ngài đến chùa Khán Sơn – Hà Nội, sau đó đến hoằng đạo tại chùa Phật Tích, độ rất nhiều đệ tử nổi tiếng như Minh Hành Tại Tại, Minh Lương…Đồng thời trụ trì chùa Ninh Phúc (Bút Tháp), sau khi nhập diệt (1644), ngài còn để lại nhục thân bất hoại tôn thờ tại chùa Phật Tích ngày nay, và đây là một minh chứng hùng hồn nhất. Với bài kệ thị tịch như sau:

Tre gầy, thông vót, giọt nước thơm

Gió thoảng, trăng non, hơi mát dịu

Nguyên Tây ai ở, nào hay biết

Mỗi chiều chuông đổ, đuổi hoàng hôn.

(Sấu trúc, trường tùng trích thúy (thủy) hương

Lưu phong, sơ nguyệt độ vi lương

Bất trí thùy trụ Nguyên Tây tự

Mỗi nhật chung thinh tống tịch dương).

Vua Lê Trang Tông phong tặng: Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại đức Thiền sư.

Về sau có Thiền sư Diệu Tuệ, đệ tử Thiền sư Minh Hành Tại Tại trụ trì chùa Phật Tích khoảng năm 1659 trở đi.

Tóm lại, chùa Phật Tích là nơi quy tụ các dòng thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm Yên Tử, Lâm tế Nghĩa Huyền. Về pháp tu là Thiền quán và Tịnh độ. Trì kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán kinh, chứng tỏ Thiền Tịnh song tu được phổ cập tại đây cho đến ngày nay, và cũng chứng minh tư tưởng Tịnh Độ tông đặt nền tảng sớm nhất tại Việt Nam vào những thế kỷ đầu của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà nơi lập cước chính là chùa Tiên Sơn (Phật Tích) vậy.               

3. Chùa Phật tích là một quốc tự của Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.

 Ngay từ những thế kỷ đầu của lịch sử nước nhà và Phật giáo Việt Nam, chùa Tiên Sơn (Phật tích), Thiên Phúc, Vạn Phúc…là trung tâm tu học, sinh hoạt Phật giáo thời đó, nhưng chính sử ít đề cập, vì không thuộc kinh đô, mà là một tỉnh lẻ. Tuy nhiên, đến đời Lý (1010 - 1225) mới trở thành chính sử và nổi bật là một quốc tự, không những của Phật giáo Việt Nam mà còn của đất nước Đại Việt, Việt Nam ngày nay. Qua đó, có thể điểm qua vài nét sẽ thấy rõ như sau:

- Năm 1041, vua Lý Thái Tông cho xây Viện Từ Thị - Thiên Phúc và đúc tượng Phật Di Lặc tôn thờ tại Viện Thiên Phúc.

- Năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho mở rộng các chùa, viện Thiên Phúc, xây dựng tháp Thiên Phúc cao nhất thời Lý, tạc tượng bằng đá quí, thiếp vàng cao 1.87m, tính luôn bệ là 2.87m, đó là tượng Phật A Di Đà còn lại đến ngày nay. 

- Năm 1071, vua Lý Thánh Tông dạo cảnh chùa, núi Thiên Phúc, cho vẽ chữ Phật dài 5m khắc vào núi Thiên Phúc làm kỷ niệm.

- Các vị vua: Lý Anh Tông, Lý Cao ông, Lý Huệ Tông … đều đến chiêm bái, sinh hoạt tôn giáo và tham dự các lễ hội tại đây.

- Năm 1279, vua Trần Nhân Tông cho xây cung Bảo Hoa và sau khi khánh thành xong cung điện Bảo Hoa, ngài biên soạn tập thơ Bảo Hoa dư bút gồm 8 quyển. 

- Năm 1370, vua Trần Nghệ Tông cho xây thư viện Lạn Kha để thường xuyên đến đây đọc sách. Đồng thời, năm 1384  tổ chức các kỳ thi Thái học sinh (Tiến sĩ) tại chùa Thiên Phúc.

- Năm 1497, vua Lê Hiển Tông đã tổ chức đại yến tại chùa Thiên Phúc (Vạn Phúc) - cung Bảo Hoa, thư viện Lạn Kha…

- Năm 1635, chúa Trịnh Tráng thỉnh cầu Thiền sư Chuyết Chuyết cho đệ tử là Minh Hành Tại Tại sang Trung Quốc thỉnh Kinh tạng để tôn thờ, đọc tụng tại chùa và Thiền sư Minh Hành Tại Tại đã hoàn thành công tác theo sự thỉnh cầu của chúa Trịnh.

- Năm 1820 - 1830, thời vua Thiệu Trị, một đại thí chủ phát tâm tu bổ lại chùa đã xuống cấp, đó là Nguyễn Đồng Khoa, có tượng tôn thờ tại nhà Tổ.

- Năm 1959, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho xây dựng một số cơ sở nhỏ, để tôn thờ các bảo vật còn sót lại, trong đó có tưởng Tổ và Phật A Di Đà…

- Năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận chùa Phật Tích là Di sản văn hóa Quốc gia.

- Năm 2002, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử Đại đức Thích Đức Thiện làm trụ trì chùa Phật tích.

- Năm 2009, được sự hỗ trợ của GHPGVN, chùa vinh dự cung nghinh Phật ngọc cho hòa bình thế giới, từ Thái Lan sang thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam về tôn trí một tuần tại chùa Phật Tích để Tăng ni, Phật tử chiêm bái, hành lễ, có sự chứng minh của chư Tôn giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Thứ trưởng Bộ Ngoại giáo Nguyễn Thanh Sơn.

- Năm 2008, được Nhà nước cho phép trùng tu, phục chế các hạng mục, nhất là xây dựng Phật đài lộ thiên trên núi Phật Tích. Phật A Di Đà bằng đá quí, cao 27m (theo mẫu tượng Phật A Di Đà được vua Lý Thánh Tông tạc vào năm 1057) để hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Năm 2010, lễ an vị, khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng,... gắn biển công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đại lễ diễn ra rất long trọng, có hành ngàn Phật tử tham dự. Đặc biệt, được sự chứng minh của chư Tôn giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước CHXHCNVN, Chính quyền thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh tham dự Đại lễ.

4. Những di sản văn hóa, mỹ thuật xưa và nay

Theo tài liệu cũ còn để lại, ngay chân núi Lạn Kha, là cổng ngoài, theo bậc thềm đá dẫn lên gác chuông, nối tiếp theo là các bậc thềm đá lên cao là Tiền đường chắn ngang phía trước khu chùa đồ sộ. Trước bậc thềm đá, dựng một dãy 10 con vật bằng đá: ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử có kích thước khá lớn ở trong thế phủ phục, cao 1.2m, đặt trên bệ đá chạm hoa sen.

Khu chùa có các tòa và điện thờ. Tiếp sau chùa là khu tháp Tổ, ngay trên đỉnh núi xây một ngôi tháp năm 1057, cao nhất thời Lý. Ở gác chuông có tượng Giám trai; tiền đường có tượng Thiện hữu, Ác hữu. Thiêu hương đường có tượng: Phật Tích, Nam Tào, Bắc Đẩu, Bồ Tát Di Lặc, Văn Thù, Phổ Hiền, 18 vị A La Hán.

Thượng điện có tượng Phật Di Đà cao 2.8m, ngồi trên tòa sen, Tôn giả Ca Diếp, A Nan hầu hai bên; Quan Âm, Thế Chí, Kim Đồng, Ngọc Nữ. Hành lang hai bên là tượng: A Nan Đà Tôn giả, Tiêu Diện Đại Sĩ, các vị Long thần, các quan Trấn Vũ. Hậu đường có tượng Quan Thánh, Chu Xương, Quan Bình, tượng Nguyễn Đồng Khoa (người phát tâm trùng tu chùa).

Nhà thờ đức chúa Trịnh Tráng, nhà thờ Tổ Hòa thượng Chuyết Công...

Chùa Phật Tích ngày nay, sau khi được Chính phủ phê duyệt là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Qua 2 năm thi công các hạng mục chính trong khu di tích chùa Phật Tích đã hoàn thành, gồm tòa Tam bảo, gác chuông, nghi môn, hệ thống kè đá cấp 1, kè đá phía trước tòa Tam bảo và hàng  hình thú, kè đá phía sau tòa Tam bảo, rãnh tiêu thoát nước mưa trên núi, đường đi trục chính lên chùa, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà tiếp lễ, sân vườn và các công trình phụ trợ khác như khuôn vườn tháp, ao rồng - giống rồng cổ thời Lý. Độc nhất, Phật đài lộ thiên trên núi Phật tích, cao 27m, nhìn về hướng Tây Nam, làm bằng đá quí theo mô hình tượng tạc thời vua Lý Thánh Tông năm 1057. Nhìn xung quanh rừng thông bao la, thơ mộng, vườn cây ăn trái xinh tươi, núi đồi thoai thoải, dân chúng an vui hạnh phúc.

Có thể nói, chùa Phật tích xứng đáng là di tích lịch sử văn hóa không những của dân tộc Việt Nam, mà còn cả Phật giáo Việt Nam xuyên suốt dòng lịch sử 2.000 năm truyền thừa, tồn tại và phát triển. Điều đó được chứng minh rằng, từ những thế kỷ đầu, chùa Tiên Sơn - Phật Tích là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, của sự dừng chân, gặp nhau của các nhà truyền giáo Ấn Độ đến Việt Nam, đồng thời nơi đây cũng là trung tâm văn hóa Phật giáo, nơi tu học, hành đạo của các danh Tăng, Thiền sư đương thời.

Chùa Phật Tích còn là nơi hội tụ các dòng Thiền, dòng phái tư tưởng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam một cách hài hòa, dung thông và an lạc lợi ích không hề chống trái, mâu thuẫn nhau trong sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam.

Dù thời gian có khác nhau, nhưng chùa Phật Tích lại là điểm son lịch sử được các triều đại, vua chúa thời xưa cũng Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay quan tâm xây dựng, trùng tu và bảo quản, cũng như sinh hoạt lễ hội nhiều nhất so với một số chùa quốc tự khác tại phủ Thiên Đức (Bắc Ninh ngày nay).

Các di sản văn hóa, mỹ thuật vừa được ngành khảo cổ khai quật còn lưu lại, được xem là bảo vật quốc gia mà khó tìm được, thấy được ở các ngôi chùa khác của Phật giáo Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ này cũng như thế kỷ khác, trong hiện tại và tương lai. Do đó, những cơ quan có trách nhiệm cần phải trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện cũng như Đại đức trụ trì ngôi quốc tự, nơi bảo tồn di sản văn hóa cấp quốc gia. Quả thật:

“Mái chùa ấp ủ tình dân tộc

 Nếp sống muôn đời của Tổ tông

 Giữ gìn Tổ ấn Tông phong

 Tốt đời đẹp đạo giữa lòng dân gian”



* Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952541