CHÙA PHÚC SƠN - NGÔI CỔ TỰ BÊN DÒNG NHUỆ GIANG
PHÚC KIM
Chính điện chùa Phúc Sơn
Làng Thống Nhất (xưa có tên nôm là Kẻ Chuối) nằm về phía Đông Nam của xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp với xã Châu Can, huyện Phú Xuyên. Phía Nam giáp với xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Phía Đông giáp với xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Phía Tây có dòng sông Nhuệ chảy qua, bên kia Cầu Vồng là xóm chài Mạnh Tân, ở vị trí địa lý trên nên làng Thống Nhất có nhiều thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa với các địa phương các vùng lân cận nhất là tỉnh Hà Nam. Đây là làng duy nhất của xã Đông Lỗ nằm ở phía đông dòng sông Nhuệ.
1. Thống Nhất - một làng cổ của người Việt từ xa xưa và một vùng quê cách mạng kiên cường bất khuất
Căn cứ các di chỉ khảo cổ học ở các vùng lân cận như ở Tu Lễ, Châu Can (Phú Xuyên), Đọi Sơn (Duy Tiên), cùng với những truyền thuyết trong dân gian cho thấy dân cư đến sinh sống ở các xóm làng thuộc xã Đông Lỗ và toàn tiểu vùng từ thời Hùng Vương dựng nước. Với lịch sử lâu đời, các làng hình thành gắn liền với công cuộc khẩn hoang, mở mang đồng ruộng và địa bàn cư trú1.
Trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của làng được quần tụ tại nơi đình làng - là di tích lịch sử văn hóa đã được thành phố xếp hạng năm 2004. Đình là nơi tôn nghiêm thờ Thượng đẳng thần Hoàng đế Lê Thánh Tông (1054 -1072) làm Thành Hoàng làng cùng 2 vị Thượng đẳng thần phù tú là Trung Thành Phổ Tế Đại Vương thời Hùng Vương và cung bái đại vương thời Hai Bà Trưng (43). Sách Đại Nam nhất thống chí - tỉnh Hà Nội chép rằng: Đền thần Trung Thành ở xã Đa Chất, huyện Phú Xuyên. Tương truyền, thần Trung Thành trước là thuỷ thần ở ngã ba Bạch Hạc. Đời Lý Thái Tông cầu đảo thường linh ứng được tặng hai chữ “Trung Thành”, nay các xã Bất Nạo, Đường Xuyên, Lương Xá, Thần Quy, Yên Quái, Văn Trai,... thuộc bản huyện và các xã Đông Lỗ, Thanh Hội,... thuộc huyện Sơn Minh có đền thờ”. Trung Thành Phổ Tế Đại Vương được nhân dân vùng châu thổ sông Hồng, từ ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ) đến ngã ba Lương (Phú Xuyên - Hà Tây) và một số vùng phụ cận (Hà Nam, Hưng Yên,...) thờ làm Thành Hoàng làng.
Dân thôn vẫn còn lưu giữ 13 bản sắc phong qua các thời kỳ của nhà nước phong kiến và bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Tây cũ. Trong đình còn tấm bia lớn lưu chép cả một bản khoán ước của làng từ việc thờ thần cho đến việc hưng công xây dựng tu tạo đình, cho đến các việc bầu bán chức sắc, khoa vọng, lễ hội, việc hiếu, việc hỷ hàng năm của làng. Năm 1948 – 1952 nhân dân đã dùng ngôi đình làng để che giấu cán bộ, nơi tập kết cứu chữa, chăm dưỡng thương binh, bệnh binh, bộ đội, chiến đấu trong chiến dịch Hà Nam Ninh và chiến dịch Hòa Bình. Tại đình làng hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 8 âm lịch làng lại mở hội, lập đàn tế lễ để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an.
Làng Thống Nhất nguyên trước kia gồm 2 làng là làng Nhuế Lưu và Tiêu Thiều sáp nhập lại, có 25 ngõ cộng đồng dân cư sinh sống. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, mỗi làng riêng rẽ thuộc tổng Đông Lỗ - Phủ Ứng Thiên, có đình, chùa, miếu mạo riêng. Trong mỗi làng đều có lập kỳ hào, chức sắc để trông coi việc làng, cát cứ một vùng, thổ cư riêng biệt, phong tục tập quán mỗi làng mỗi khác. Hai làng quan hệ thân thiết láng giềng, gắn bó với nhau trên phương diện thông gia, đồng hao, lâu dần phát triển thành họ mạc, nội ngoại thân thiết qua lại giữa các dòng họ của hai làng. Để đáp ứng yêu cầu công tác tổ chức quản lý điều hành, đầu năm 1963 tại Đại hội xã viên và hội nghị liên thôn toàn dân của hai thôn nhất trí hợp nhất hai làng Nhuế Lưu và Tiêu Thiều thành một thôn và cũng lấy tên là Thống Nhất, từ đó Hợp tác xã Thống Nhất và cũng là thôn Thống Nhất là một đơn vị hành chính được ghi trong bản đồ địa giới hành chính của xã Đông Lỗ cho đến ngày nay.
Từ xa xưa cho đến nay, làng Thống Nhất luôn giữ truyền thống tốt đẹp là đoàn kết, biết bảo ban nhau lập lên các hình thức tự quản, trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất, trong việc bảo vệ an ninh xóm làng, các hình thức tự quản đó được văn bản hóa thành hương ước làng để quy trách nhiệm cho các phe, các giáp, các dòng họ và mọi gia đình, mọi thành viên trong các công việc đồng áng, nghi lễ sinh hoạt tín ngưỡng, bảo vệ các thuần phong mỹ tục, việc làng, việc hiếu, việc hỷ, việc mừng thọ, việc khao lão, việc khuyến học, việc lễ hội cũng như việc trông coi quản lý sử dụng các điền thổ của làng, hương ước quy định mọi người trong làng đều phải tự giác chấp hành các điều đã ghi trong hương ước.
Thống Nhất còn là quê hương có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tinh thần yêu nước nồng nàn, người dân gian lao cùng đất nước, gian khổ trường kỳ phục vụ các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thời kỳ chống Pháp làng đã hứng chịu hàng chục trận càn của giặc Pháp, từ bốt Nhật Tựu tràn lên, từ bốt Cầu Giẽ lao xuống, rồi từ vùng Tề, Ngụy ở Duy Hải tràn sang, bao lần chúng đốt nhà bắt người đánh đập, cướp thóc lúa, trâu bò, của cải vô cùng tàn bạo. Song dân làng quyết không nản trí vẫn một lòng trung thành theo Đảng. Ngày nay dân làng vẫn rất tự hào với trận đánh thắng địch tháng 3 năm 1953 trên trận địa cầu Vồng, Sông Nhuệ và góp công làm lên chiến thắng oanh liệt trong trận càn Căng - Cu – Ru tháng 5/1952 của thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo lời Bác Hồ kêu gọi “không gì quý hơn độc lập tự do” với tinh thần thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, lớp lớp người con của quê hương lên đường đi chiến đấu, con em của làng Thống Nhất có mặt ở mọi quân binh chủng, chiến đấu ở khắp các chiến trường, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc 13 người con ưu tú của quê hương đã chiến đấu anh dũng hy sinh, các liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, cựu quân nhân, đã làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của quê hương.
2. Chùa Phúc Sơn - Ngôi cổ tự lâu đời bên dòng Nhuệ Giang
Làng Nhuế Lưu, làng Tiêu Thiều xa xưa thuộc làng Việt cổ còn được lưu chép tại tấm bia cổ tại chùa Phúc Sơn hiện nay (tên dân gian là chùa Thèo) từ đời nhà Mạc, vua Mạc Mậu Hợp (1560 -1592) hiệu Diên Thành (1578 - 1585) cho thấy dân thôn vẫn lưu giữ bảo tồn tín ngưỡng đạo Phật từ hằng trăm năm nay. Chùa Phúc Sơn như một hòn đảo nằm giữa hồ sen. Chính điện Tam bảo của chùa hướng tây, thờ Phật, Bồ tát với 5 cấp. Tầng trên cùng thờ Tam Thế Phật; tầng 2 trở xuống là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh; tầng 3 là bộ Thích Ca niêm hoa và hai vị tôn giả Ma Ha Ca Diếp và A Nan Đà; tầng 4 là Phật Mẫu Chuẩn Đề và tượng một số vị Phật; dưới cùng là tòa Cửu Long, Thổ Địa và hương án.
Hai gian tả hữu thờ Hộ Pháp, Thánh Hiền, Đức Ông. Hai bên hậu cung chùa thờ tượng Quan Âm tọa sơn và Quan Âm Thị Kính. Tấm bia cổ thờ ở gian thờ Bồ Tát Địa Tạng. Nhà Tổ chùa với một gian thờ tượng 3 vị Tổ Ni. Nhà Mẫu của chùa 3 gian cung giữa thờ Tam Vị Thánh Mẫu và công đồng; bên phải là ban Đức Thánh Trần, bên trái là Động Sơn Trang có Phật Bà Quan Âm ngự trên đỉnh núi.
Ngôi chùa Phúc Sơn nơi đây và ngôi chùa Hồng Ân (thôn Tư Can, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vốn có cùng các vị sư Tổ trụ trì, hoằng hóa. Xưa kia, cụ Tổ Thích Đàm Tài (dân gian hay gọi là cụ Mạnh Tân) có hai đệ tử là sư cụ Thích Đàm Thuyết và sư cụ Thích Đàm Hựu. Sư cụ Thích Đàm Thuyết (sinh năm 1920) hiện nay đã ngoài 100 tuổi, đang kế nghiệp thầy Tổ ngôi chùa (Nhuế Lưu); Sư cụ Thích Đàm Hựu (1928 - 2008) trụ trì ngôi chùa Hồng Ân (Tư Can), Phúc Sơn (Tiêu Thiều), chùa Phả Am (thôn Lễ Thượng, xã Châu Can), chùa Phúc Linh (thôn Quán, xã Châu Can). Năm 2008, sư cụ Thích Đàm Hựu viên tịch, đệ tử là sư cụ Thích Đàm Hiện (sinh năm 1937) tiếp quản và trụ trì ngôi chùa Hồng Ân, Phúc Sơn và Phúc Linh. Sư cụ Thích Đàm Tài lại có sư muội là Thích Đàm Viên (là cô của sư cụ Đàm Hựu). Vốn được người cô ruột là sư cụ Thích Đàm Viên ẵm bế từ lúc tấm bé nên sau khi Tổ Thích Đàm Viên viên tịch, sư cụ Thích Đàm Hựu và nhân dân thôn Tư Can xây tháp thờ tại cánh đồng Màu thôn Tư Can hiện nay. Chùa Tư Can do là trụ xứ tu hành của thầy trò sư cụ Thích Đàm Hựu nên tại nhà Tổ chùa Hồng Ân có thờ ảnh Tổ Thích Đàm Tài, tượng Tổ Thích Đàm Viên và tượng sư cụ Thích Đàm Hựu2.
Chùa Phúc Sơn vốn là ngôi cổ tự nhưng trải qua thời gian đã lâu, chiến tranh loạn lạc, sự bào mòn của thời gian nên đã xuống cấp trầm trọng. Năm 2014, sư cụ Thích Đàm Hiện (đệ tử sư cụ Thích Đàm Hựu) cho trùng tu xây dựng lại ngôi Đại Hùng Bảo Điện, lầu Quan Âm và một số hạng mục trong khuôn viên. Năm 2020, lại trùng tu lại nhà Tổ khang trang tố hảo để thờ phụng 3 vị Tổ có ân đức với ngôi chùa.
Ban Tam Tổ chùa Phúc Sơn
3. Đôi nét về cuộc đời và đạo nghiệp của sư cụ Thích Đàm Hựu
Cả một cuộc đời giản dị, nhà chùa vừa cày cấy, vừa tu hành. Khi sư cụ về chùa Hồng Ân, ngoài tòa Tam Bảo ra, mọi thứ đều nhà tranh vách đất. Sớm chiều thầy trò đèn hương cúng Phật cầu phúc cho dân làng. Những năm tháng ác liệt chống Pháp, chống Mỹ, nhà chùa lại là nơi cưu mang, nuôi giấu chiến sĩ cách mạng, là nơi cất giữ vũ khí và đạn pháo. Tuy nhiên, sư cụ vẫn tinh tiến tu hành, duy trì mạng mạch Phật pháp. Sư cụ được cô ruột là sư cụ Thích Đàm Viên ẵm bế từ lúc tấm bé. Năm 1952, sư cụ thụ Tỷ Khiêu Ni giới tại chốn Tổ chùa Đa Bảo, Hà Tây, sau về chùa Hồng Ân trụ trì cho tới ngày viên tịch. Năm 2007, sư cụ được vinh dự đón nhận giáo chỉ tấn phong lên hàng Ni sư do Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo chỉ tấn phong là phần thưởng cao quý để chư Tôn đức Tăng Ni cố gắng nương tựa vào tập thể để làm Phật sự theo đường hướng của Giáo hội và phụng sự Phật Pháp làm lợi lạc quần sinh... Giáo chỉ tấn phong hiện nay được treo tại nhà Tổ của chùa Hồng Ân. Sư cụ cũng đã được nhận nhiều danh hiệu khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huy chương Kháng chiến Hạng Nhất vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng năm 1996.
Trong suốt cuộc đời tu hành, thầy trò sư cụ đã cho sửa sang trùng tu rất nhiều ngôi chùa để có nơi mõ sớm chuông chiều, cầu nguyện quốc thái dân an, đạo pháp hưng long, Thiền môn tố hảo.
Tại chùa Hồng Ân, thôn Tư Can, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội:
- Năm 1995, thầy trò sư cụ kêu gọi nhân dân phát tâm trùng tu ngôi Tổ đường 5 gian chùa Hồng Ân, năm 2001 xây dựng nhà khách.
- Năm 2008 lại một lần nữa trùng tu tôn tạo Phủ Mẫu, cổng chùa và Tháp Tổ.
- Sau khi thầy nghiệp sư viên tịch, sư cụ Thích Đàm Hiện kế nghiệp thầy tổ. Năm 2015 tôn tạo lại bảo tháp thờ sư cụ Thích Đàm Viên; năm 2017 khởi công xây dựng trùng tu tòa Đại Hùng Bảo Điện, đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện dần.
Tại chùa Phả Am, thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội: năm 2004 xây dựng nhà Tổ, năm 2012 xây dựng tòa Đại Hùng Bảo Điện.
Tại chùa Phúc Linh, thôn Quán, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội: Năm 2005, sư cụ Thích Đàm Hựu về nhận chùa, cho trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa mang diện mạo ngày nay với Tòa Đại Hùng Bảo Điện 2 tầng, tầng trên thờ Phật, tầng dưới là nhà khách, tòa nhà Mẫu ba gian bên phải và 1 gian thờ tổ bên trái chùa. Trước đây, ngôi chùa có tượng một vị Tổ đã từng trông nom ngôi chùa, sau khi viên tịch, dân làng họ nhớ ơn tạc tượng thờ. Trải qua thời gian đã lâu nên nhà chùa không xác định được tên cụ Tổ. Năm 2005 sư cụ ra nhận và xây chùa thì thấy tượng họ làm bằng đất nung, tay của Tổ bị mủn nên không thể thờ được nữa đành mời tổ ra chỗ tháp gần nhà Mẫu ngày nay. Sau khi xây dựng xong chùa là có tượng mới mà hiện nay đang thờ.
Thầy trò sư cụ còn chăm nom và lo việc tâm linh cho nhân dân tại một số ngôi chùa khác trên địa bàn xã Châu Can như thôn Bài Lễ, thôn Nội… Cả một cuộc đời tu hành, sư cụ luôn luôn che chở cho những người dân quê lam lũ, để chúng con biết trân trọng kiếp người ngắn ngủi, biết "Về chùa kính Phật, trọng Tăng; Lắng nghe lời Pháp dạy răn của Thầy".
4. Thay lời kết
Cảnh quan ngôi chùa Phúc Sơn đẹp đẽ thơ mộng như một hòn đảo giữa hồ sen bao quanh. Muốn vào chùa thì phải đi qua một lối dẫn từ trên đê sông Nhuệ. Ven cổng chùa là cây Bồ đề xanh mát và hàng cau. Khi hè về cũng là lúc mùa sen nở tô thắm cho cảnh quan chùa. Hiện nay với vị trí khá đắc gần đường giao thông liên xã với tuyến đê sông Nhuệ và cầu Thống Nhất đã được khang trang, đi từ xa đến đã thấy ngôi cổ tự yên bình, trầm mặc. Hình ảnh đức Quan Âm đại sĩ hiền từ như nhắc nhở chính niệm cho tín đồ phật tử đến hành hương: Nếu cảm thấy tâm hồn trong sáng cứ thế tiến bước vào chùa. Tự xét mình dọc đường gió bụi vướng nhiều nhơ bẩn thì cầu nguyện nương nhờ nước Cam lộ của Bồ tát để tẩy sạch bụi trần rồi hãy bước vào sân Tam bảo dưới sự kiểm soát của đức Quan Thế Âm Bồ tát.
Chúng con xin mạo muội viết lên đôi lời thuyết minh giới thiệu về lịch sử địa phương và cảnh quan chùa để ghi nhớ đến công ơn các vị tổ sư đã trụ trì, chăm sóc các ngôi chùa tại địa phương được khang trang, tố hảo như ngày hôm nay, để hàng hậu học chúng con và nhân dân địa phương thêm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương mình.
1. UBND huyện Ứng Hòa (2015). Dư địa chí xã Đông Lỗ.
2. Do chùa Hồng Ân đang trong quá trình trùng tu nên tượng Tổ thờ tạm với gian Mẫu.
Bình luận bài viết