Thông tin

CHÙA THÁI NGUYÊN Ở QUẬN 2, TP.HCM

 

HỮU CHÍ

 


Chùa Thái Nguyên (trùng tu năm Tân Tỵ (2001). Ảnh: HC

 

Chùa Thái Nguyên do Tổ Minh Tánh - Trí Huệ khai sơn tại Giồng Ông Tố (*) ở làng Bình Trưng, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định vào năm Đinh Hợi (1827), cách nay gần 200 năm với diện tích đất 6.000m2. Ngày nay, chùa Thái Nguyên, tọa lạc ở số 165 đường Nguyễn Thị Định, phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM, diện tích chỉ còn 3.000m2.

Hòa thượng Minh Tánh - Trí Huệ (không rõ năm sinh, năm mất) thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 38 là người của môn phong Tổ đình Phước Tưởng, một ngôi chùa cổ xây dựng vào năm 1741, được xây dựng lại vào năm 1985, hiện nay tọa lạc ở đường 102, khu phố 7, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM, do Thiền sư Linh Quang - Phật Chiếu (1736-1788), đời thứ 35 Thiền phái Lâm Tế khai sơn.

Thuở ban đầu, chùa Thái Nguyên chỉ là một thảo am nhỏ được xây dựng trên thế đất gò cao với tên gọi là am Phước Trưng.

Đến năm 1885, Tổ Hải Hội - Chánh Niệm, vị Tổ thứ hai của chùa Phước Trưng đã cùng các đệ tử trùng tu  lại ngôi chùa được khang trang hơn gồm chánh điện, nhà tổ, nhà khách, nhà trù đều lợp ngói âm dương, và đổi tên là chùa Thái Ngươn.

Năm 1970, chùa Thái Ngươn được trùng tu phần chánh điện và thêm một lần nữa đổi tên thành chùa Thái Nguyên. Chùa Thái Ngươn lại một lần nữa đổi tên là chùa Thái Nguyên vào thời gian Thượng tọa Nhựt Thu - Thiện Đức (1938 - ….) trụ trì (1963-1972). Chùa được trùng tu gần đây vào năm 2001.

Các bàn thờ đều tôn trí trang nghiêm nhiều tượng Phật được sơn son thếp vàng, đèn điện chiếu sáng trông thật hoành tráng và nghệ thuật. Có một bàn thờ, thờ 10 long vị và 4 pháp tướng chư vị hòa thượng trụ trì. Ở hai phía lối vào chánh điện, mỗi bên có 3 trang thờ tượng các vị La Hán cao lớn, khoác pháp phục màu nâu. Mỗi trang thờ 3 vị, một vị ngồi giữa, hai vị đứng hai bên, hoặc một vị đứng giữa, hai vị ngồi hai bên.

Theo tài liệu “Lược sử Chư vị Tổ sư Khai sơn - Trùng tu chùa Thái Nguyên”, lưu hành nội tự, do Hòa thượng Thích Trung Phú, đương nhiệm trụ trì, thực hiện, cho biết: Trong khuôn viên vườn tháp chùa Thái Nguyên có 6 ngôi mộ tháp của các vị: 1/ HT Thanh Lương - Huệ Quảng, 2/ HT Trùng Nhơn - Phước Đức, 3/ HT Viên Thạnh - Thanh Sơn, 4/ HT Trừng Vinh - Quảng Tu, 5/ HT Tâm Minh - Thiện Xuân, 6/ HT Không Tâm - Thiện Ngộ. Riêng mộ HT khai sơn Minh Tánh - Trí Huệ cũng chôn trong khuôn viên chùa nhưng ngôi mộ đã bị thất lạc!

Các mộ tháp đều được trùng tu vào năm 2003.

Mộ tháp HT Hải Hội - Chánh Niệm được tôn trí tại Tổ đình Long Hòa ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mộ tháp HT Trừng Bình - Vĩnh Hòa  được tôn trí tại chùa Thiên Ấn Bửu Sơn ở xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

HT Nhựt Thu - Thiện Đức (1938 - ….) vẫn còn sinh tiền và hiện trụ trì chùa Phước Quang ở Thạnh Mỹ Lợi, quận 2,  TP.HCM.

Đặc biệt, chùa Thái Nguyên còn lưu giữ: - một số cốt Phật bằng gỗ thời nhà Nguyễn, - một chuông cổ thời HT Vĩnh Hòa, -  nguyên bản “BẰNG CẤP” do Trường kỳ chùa Thái Ngươn, tỉnh Gia Định, quận Thủ Đức, tổng An Bình, làng Bình Trưng được Hương thân Thôn trưởng Hương làng ký ngày 9 tháng 4 năm 1941, -  và mộc bản “CHIÊN ĐÀN LÂM” chúc thọ giới đàn do Chư sơn Thiền đức tỉnh Phú Yên tặng chùa Thái Ngươn năm 1941.

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Thái Nguyên có ngôi Miễu Bà Chúa Thai Sanh xây dựng vào năm 1900, do HT Thanh Lương - Huệ Quảng làm đơn xin xây dựng  vào ngày 20 tháng 2 năm Canh Tý (1900) được đệ tử Tăng Thị Xừ, pháp danh Trừng Truyền tự Diệu Phước phụng cúng. Miễu được trùng tu năm 1970. Lần trùng tu gần đây vào năm 2001. Tại Miễu Bà Chúa Thai Sanh hiện nay có thờ Bài vị Phật tử Tăng Thị Xừ.

 


Bàn thờ tôn trí Pháp tướng và Long vị chư vị Hòa thượng trụ trì .  Ảnh HC

 

Kể từ khi khai sơn đến nay, chùa Thái Nguyên đã trải qua các đời trụ trì:

- 1/ Hòa thượng Minh Tánh - Trí Huệ, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 38, - 2/ Hòa thượng Hải Hội - Chánh Niệm (1834-1903), dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 40, - 3/ Hòa thượng Thanh Lương  - Huệ Quảng (?-1921), dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 41, - 4/ Hòa thượng Thanh Sơn - Viên Thanh (?-1936), dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 41, - 5/ Hòa thượng Trừng Bình - Vĩnh Hòa (1892-1972), dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, - 6/ Hòa thượng Trừng Vinh - Quảng Tu (1902 -1958), dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, - 7/ Giáo thọ Tâm Minh - Thiện Xuân (1923-1963), dòng Lâm Tế đời 43, - 8/ Thượng tọa Nhựt Thu - Thiện Đức (1938 -1972), dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 41, - 9/ Thượng tọa Không Tâm - Thiện Ngộ (1910 -1979), dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, - 10/ Hòa thượng Thích Trung Phú (1956 - …), dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42, đương nhiệm trụ trì chùa Thái Nguyên kể từ năm 1979.

 


(*) Giồng Ông Tố. Giồng là một phương ngữ Nam Bộ, để chỉ dải đất phù sa nổi cao lên, thường là ở ven sông. Có tài liệu cho rằng ông Tố ở đây là Trương Vĩnh Tố, một trong những tướng lĩnh của tổ chức "Phản Thanh phục Minh" bị triều đình nhà Thanh truy sát chạy sang nước ta được chúa Nguyễn cho tỵ nạn vào năm 1679 cùng thời với Mạc Cửu ở Hà Tiên. Ông đã tổ chức cho những cư dân lúc bấy giờ ở đây gồm: người Hoa, người Việt và người gốc Khơ-me của vùng thủy Chân Lạp cũ khai hoang, lập ấp, lập chợ. Từ đó tên Ông Tố gắn liền với địa danh ở đây.

Có truyền thuyết cho rằng, Trương Vĩnh Tố là một tướng lãnh của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Ông là em vợ của Hoàng Công Lý, phó Tổng trấn. Sau khi Hoàng Công Lý bị Lê Văn Duyệt xử trảm vì tội tham ngược, ông xin từ bỏ chức quan, lui về ẩn cư tại vùng đất giồng Bình Trưng, che giấu tung tích. để tránh liên lụy cho bản thân. Ông là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại vùng đất này và sống bằng nghề đưa đò chở khách qua sông đất Giồng. Về sau, ông cho biết với họ tên khác là Trương Vĩnh Tố. Sau khi ông mất, cảm nhớ đến công ơn của tiền nhân, dân làng đặt tên vùng đất này là đất Giồng Ông Tố. Phần mộ của ông hiện nay vẫn còn nằm trên địa bàn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 81
    • Số lượt truy cập : 6946760