Thông tin

CHÙA THÀNH HOA

DẤU ẤN ÔNG ĐẠO NẰM

 

VĨNH THÔNG

 


 

Chùa Thành Hoa tọa lạc trên cù lao Giêng, thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Điều thú vị là ngôi chùa được mọi người biết đến với tên gọi khá độc đáo: Chùa Đạo Nằm. Sở dĩ như thế, vì vị tôn sư sáng lập từng tu hành theo một phương pháp kỳ lạ là ngọa thiền (nằm thiền). Do vậy, người dân gọi ông là ông Đạo Nằm, rồi tên ngôi chùa cũng được gọi theo như thế. Ngày nay, chùa Thành Hoa không chỉ là điểm đến thu hút đông đảo khách hành hương, mà những câu chuyện về ông Đạo Nằm vẫn còn được nhiều người nhắc nhở.

Nhà sư suốt chín năm ngọa thiền

Ông Đạo Nằm tên thật là Trần Hữu Thế, sinh năm 1904, quê quán ở làng Hòa An, tổng An Tịnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân. Từ nhỏ, sức khỏe ông đã yếu kém. Đến tuổi trưởng thành, ông bắt đầu nung nấu chí hướng tu hành.

Năm 1922, ông rời gia đình đến cù lao Giêng, xuất gia tại chùa Phước Thiền (nay là chùa Phước Thành, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), pháp danh là Bửu Nguyệt. Năm 1926, ông thọ giới Tỳ kheo tại chùa Tân Long (nay thuộc xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), pháp hiệu là Tịnh Nghiêm.

Năm 1927, Tỳ kheo Tịnh Nghiêm bắt đầu ngọa thiền, nằm nghiêng quay mặt vào vách, không nói năng, kéo dài suốt chín năm. Hằng ngày, ông vẫn ngồi và đi đứng trong những sinh hoạt cần thiết như thọ trai, lấy nước, tắm giặt… Song, tất cả thời gian còn lại ông đều chỉ nằm. Do đó, người dân địa phương gọi ông là ông Đạo Nằm, còn tín đồ thì gọi pháp tu của ông là “cửu niên diện bích” (phỏng theo điển tích về Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma).

Dân gian kể rằng, trong suốt chín năm ấy, ông Đạo Nằm đã gây sự chú ý rất lớn cho nhiều người vì cách tu kỳ lạ của mình. Có người vì quý trọng mà tìm đến, có người vì tò mò mà tìm đến, cũng có người vì phá rối mà tìm đến. Những người không có thiện cảm với việc làm của ông đã nhiều lần thử thách ông bằng những cách khác nhau, nhưng ông vẫn giữ trọn hạnh tu của mình.

 

Tỳ kheo Tịnh Nghiêm

 

Năm 1938, ông trở lại sinh hoạt bình thường và bắt đầu hành đạo. Từ đó, ông vân du nhiều nơi, thu nhận đông đảo đệ tử xuất gia và tại gia. Trong suốt quãng đời hành đạo của mình, Hòa thượng Tịnh Nghiêm đã lập được bốn ngôi chùa, theo thứ tự thời gian gồm chùa Minh Bửu, chùa Vân Lôi, chùa Thiên Đà (ngày nay đều thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và chùa Thành Hoa.

Chùa Thành Hoa với những giai thoại

Trên cù lao Giêng, chùa Phước Thiền là nơi Hòa thượng Tịnh Nghiêm xuất gia, cho nên trong những năm đầu hành đạo, ông thường lui tới nơi đây để thuyết pháp cho bá tánh. Về sau, những tín đồ mến mộ ông đã hiến cúng mảnh đất rộng lớn ở đầu cù lao cho ông xây chùa. Ngôi chùa Thành Hoa được khởi công vào năm 1953 và hoàn thành vào năm 1953. Từ đó, chùa Thành Hoa trở thành trú xứ chính của Hòa thượng Tịnh Nghiêm.

Hành trạng của Hòa thượng Tịnh Nghiêm gắn liền với những giai thoại ly kỳ được lưu truyền trong dân gian. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến ông thu hút được đông đảo tín đồ. Chẳng hạn, người địa phương truyền rằng, khi ông Đạo Nằm đến nơi nào có dịch bệnh, cuộc sống nơi ấy đều trở lại yên bình.

Tuy nhiên, không chỉ có những giai thoại, Hòa thượng Tịnh Nghiêm còn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân thông qua những hoạt động từ thiện thiết thực. Điển hình là ông thu mua lúa gạo với sản lượng lớn, tích trữ trong chùa Thành Hoa quanh năm, những bà con nghèo khó trong vùng cứ tùy ý đến lấy về ăn.

Những câu chuyện đời thực lẫn huyền bí đã khiến tiếng đồn về ông Đạo Nằm càng lúc càng lan rộng. Thập niên 1940 - 1950, người dân từ khắp các tỉnh miền Tây đổ xô tìm về chùa Thành Hoa, người hành hương, kẻ quy y, hoặc cầu mong giúp đỡ… Trong xã hội chiến loạn khi ấy, cuộc sống người dân đầy rẫy bất an, Hòa thượng Tịnh Nghiêm đã dang rộng cánh tay đón nhận và phần nào xoa dịu những nỗi khổ niềm đau của họ.

Chốn bình yên giữa vùng sông nước

Ngày nay, khuôn viên chùa Thành Hoa có diện tích hơn 40 ngàn mét vuông. Trước chánh điện có hồ sen rộng lớn và thanh tĩnh. Xung quanh chùa, những hàng cổ thụ xanh mát giúp cho du khách cảm nhận không gian như trải rộng ra thêm.

Chánh điện có diện tích rộng lớn nhưng bày trí thờ tự đơn giản, kết hợp với nhiều cửa sổ được bố trí đều khắp bốn mặt, giúp công trình thoáng và sáng. Bên ngoài và bên trong chánh điện có nhiều tranh tường, vẽ về các điển tích trong Phật giáo, do các họa sĩ địa phương thực hiện, vừa gần gũi nhưng cũng vừa trang nhã.

Cách khoảng sân rộng phía sau chánh điện là Tổ đường thờ Hòa thượng Tịnh Nghiêm được trang hoàng uy nghi. Bàn thờ chính có tôn trí chiếc ghế Cửu Long, được chạm khắc chín con rồng một cách tinh xảo, do nghệ nhân làng nghề mộc Chợ Thủ chế tác. Bên cạnh chùa còn lưu giữ hai phương tiện mà ông Đạo Nằm từng sử dụng để đi lại trong thời gian hành đạo, đó là chiếc thuyền Bửu Liên và chiếc xe Peugeot.

Tháp mộ của Hòa thượng Tịnh Nghiêm nằm phía trước chùa. Tháp có sáu cạnh, cao ba tầng, mô phỏng hình ảnh hoa sen. Xung quanh tháp, trang trí nhiều hình tượng đắp nổi bằng gốm tráng men rực rỡ màu sắc. Đặc biệt, bên trong tháp, kim quan của ông Đạo Nằm được đặt lộ thiên chứ không chôn xuống đất. Vào những ngày lễ, tháp được mở cửa cho khách hành hương vào chiêm bái.

Lễ húy kỵ Hòa thượng Tịnh Nghiêm diễn ra vào rằm tháng Hai âm lịch hằng năm, thu hút rất đông khách thập phương về tham dự, có năm lên đến hàng chục ngàn người.

 

Toàn cảnh quần thể ngôi chùa

 

Thành Hoa tự - chùa Đạo Nằm, ngôi đạo tràng trầm mặc giữa vùng sông nước hiền hòa. Làng quê cù lao Giêng vắng vẻ, không có những tuyến đường lớn đi qua, cho nên ngôi chùa thường ngày thưa thớt khách hành hương. Tuy vậy, chính sự cô tịch đó đã níu chân con người nán lại. Hãy cùng ngồi xuống đây, để kể cho nhau nghe những huyền thoại về những con người của một thời xa xăm ấy…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 49
    • Số lượt truy cập : 7029281