Thông tin

CHÙA, THÁP VĨNH BÁO (YÊN MÔ, NINH BÌNH)

VÀ MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ PHẬT GIÁO THỜI ĐINH, TIỀN LÊ

 

TS. ĐINH VĂN VIỄN
Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình

 

Tháp Vĩnh Báo

 

Chùa, tháp Vĩnh Báo (“Vĩnh Báo” nghĩa là “vĩnh viễn báo đáp”. Chùa còn có tên nôm là chùa Tháp) hiện nay tọa lạc tại thôn Yên Liêu Hạ (còn gọi là làng Lều), xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa, tháp Vĩnh Báo rất đặc biệt bởi đây chính là nơi chôn cất xá lị Ngoại giáp Đinh Điền và vợ là Thượng Trân Trưởng công chúa.

Trên cơ sở những tư liệu về tháp, chùa Vĩnh Báo gợi mở một số vấn đề về Phật giáo thời Đinh, Tiền Lê và đầu triều Lý.

1. Đinh Điền chống lại Lê Hoàn và việc xây chùa ở làng Lều

Theo Đinh Tư đồ thần tích (được sao lại bản gốc do Trung Đại phu Dương An, người xã Yên Liêu (nay thuộc xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) viết vào ngày 15/8 năm Đại Khánh thứ 3 (1316)) của chùa Vĩnh Báo hiện còn đang lưu giữ tại thôn Yên Hạ, xã Khánh Thịnh, thì Đinh Điền, quê ở phủ Trường Yên, châu Đại Hoàng, cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh (nay thuộc Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), cha ông là Đinh Thân, mẹ ông là Dương Thị Liễu, quê Khánh An, Yên Khánh, Ninh Bình.

Ngay từ nhỏ, Đinh Điền đã cùng Trịnh Tú, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc suy tôn Đinh Bộ Lĩnh làm chủ tướng. Lớn lên, Đinh Điền cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Điền đã có công lớn trong công cuộc thống nhất nước nhà. Sau khi lên ngôi, năm 971 Đinh Tiên Hoàng định phẩm trật các quan, quan văn, võ, trong đó “Nguyễn Bặc được phong làm Định Quốc công, Lưu Cơ được phong làm Đô hộ phủ sỹ sư. Lê Hoàn là Thập đạo tướng quân”1. Còn Đinh Điền được phong chức Ngoại giáp, trông coi việc binh ở các đạo2. Theo Đinh Tư đồ thần tích, ông từng giữ chức Nhập nội Kiểm giáo Đại Tư Đồ.

Mùa đông năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại. Đinh Điền đã cùng với các quan đại thần trị tội Đỗ Thích, suy tôn Đinh Toàn (trong cuốn Thần phả chùa Vĩnh Báo lại ghi là Đinh Duệ) con của Dương Thái hậu lên nối ngôi. Đinh Toàn nhỏ tuổi, vì vậy Dương Thái hậu nhiếp chính. Bà đã phong cho Lê Hoàn (đang giữ chức Thập đạo tướng quân, một trong những chức quan võ cao nhất của triều đình) là Phó vương.

Mâu thuẫn trong triều đình ngày càng gay gắt “nhà vua nối ngôi mới lên 6 tuổi. Nguyễn Bặc đều là đại thần phụ chính, còn Lê Hoàn trong tay giữ cả binh quyền tự do ra vào cung cấm. Thái hậu phải lòng Hoàn, rồi cùng nhau tư thông, cho Hoàn tạm quyền làm công việc thay vua như Chu Công khi trước Lê Hoàn cậy có Thái hậu cưng yêu, không kiêng sợ gì cả”3. Đinh Điền cùng một số quan đại thần đã có công dựng nên triều đình Đinh kịch liệt phản đối việc này. Đinh Điền cùng Nguyễn Bặc đã dấy quân chống lại Lê Hoàn.

Lê Hoàn đã nhiều lần sai sứ triệu ông về triều nhậm chức để cùng lo việc nước, nhưng ông không về. Có lần Đinh Điền đã gửi cho Lê Hoàn bốn câu thơ sau: “Hán đỉnh diên mai nhất tuyết khinh. Đồng giang phong nguyệt hữu dư thanh. Đường cừu vật sắc vô đào sứ. Nha đắc nhân gian vạn cổ danh” (Đại ý bài thơ: Đỉnh nhà Hán dẫu có nhẹ, sông Đồng có thừa gió mát trăng thanh, áo lông dê tuy có đẹp nhưng là sắc con vật, muốn có tiếng thơm muôn đời phải lánh đi nơi khác). Khi xem xong, Lê Hoàn phê “áo lông dê đây là chỉ phẩm giá con người, không phải là người núp trong tấm áo lông dê vậy”4. Mặc dù rất giận Đinh Điền, nhưng Lê Hoàn vẫn nể trọng tấm lòng trung nghĩa của ông.

Bất bình với triều đình, Đinh Điền đem vợ là Thượng Trân Trưởng công chúa về làng Lều (nay thuộc Yên Liêu hạ, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) dựng chùa để tu hành, nhưng thực chất là xây dựng căn cứ, chiêu mộ binh mã để chống lại Lê Hoàn. Đinh Điền lập ra 9 doanh trại, sau này 9 làng đều có đền miếu thờ ông là: Yên Liêu Thượng, Yên Liêu Hạ, Phúc Mỹ, Yên Thịnh, Yên Bắc, Yên Phó (thuộc xã Khánh Thịnh, Yên Mô, Ninh Bình hiện nay), Văn Giáp, Yên Lữ (thuộc xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình hiện nay); Đinh Điền thường ở làng Lều và Yên Lữ, quê mẹ của ông.

Đôi câu đối ở đền thờ Ngoại giáp Đinh Điền bên tháp mộ Đinh Tư đồ, cạnh chùa Tháp ở thôn Yên Liêu Hạ, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình đã thể hiện điều đó, tỏ rõ việc làm chính đáng Đinh Điền trong việc chống lại Lê Hoàn và đặc biệt nói rõ việc ông “cắt tóc đi tu”:

“Đầu khởi tự đam thiền, nộ mục Lê đình trung quán nhật.

Chinh Hoàn phi vị kỷ, thống tai Đinh xã tiết lăng sương”.

(Cắt tóc há mê thiền, mắt giận Lê gia nhòa ánh nhật;

Đánh Hoàn không phải vị kỷ, lòng đau Đinh nghiệp ngút trời sương).

Bản Đinh Tư đồ thần tích còn cho rằng Đinh Điền cùng vợ bỏ triều đình ra ở chùa Trúc Lâm, Hải Dương, xin quy y thụ giới. Việc Đinh Điền và vợ là Thượng Trân Trưởng công chúa ra chùa Trúc Lâm quy y là do sự dẫn dắt của thiền sư pháp hiệu là Kiều Mộc. Theo chúng tôi, nếu như Thượng Trân Trưởng công chúa tu tại chùa Trúc Lâm, thì không có cơ sở vì: Yên Tử đến thời Trần mới trở thành trung tâm Phật giáo. Thời Đinh, trung tâm Phật giáo ở ngay Hoa Lư. Vì vậy, vấn đề này cần nghiên cứu thêm. Và chúng tôi cho rằng Đinh Điền bắt đầu quy y ở chùa Tháp là có cơ sở. Bởi đây là ngôi chùa do ông xây dựng nên. Đây cũng là nơi gần với quê mẹ của ông, nơi ông đang ẩn mình để xây dựng lực lượng chống lại Lê Hoàn. Nhưng dù có các quan điểm khác nhau về việc Đinh Điền quy y ở chùa Tháp ở Yên Mô, thì việc ngôi chùa Tháp được Đinh Điền xây dựng vào năm 979 là có căn cứ.

Như vậy, chùa Tháp (chùa Vĩnh Báo) được Đinh Điền lập từ thế kỷ X. Chưa rõ thời điểm chính xác ra đời ngôi chùa này, nhưng có thể việc Đinh Điền lập chùa diễn ra sau sự kiện Đinh Tiên Hoàng bị ám hại vào rằm tháng 8 năm Kỷ Mão (979)5 và trước thời điểm Đinh Điền qua đời (tháng 4 năm Canh Thìn-9806). Ở đây, ta không bàn chi tiết Đinh Điền qua đời mà chỉ chú ý đến thời điểm ông qua đời là tháng 4 năm Canh Thìn (980) để lấy đó làm mốc xác định khoảng thời gian ngôi chùa Tháp (Vĩnh Báo tự) được xây dựng là trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 979 đến trước tháng 4 năm 980.

Dưới con mắt của một vị tướng như Đinh Điền, thì làng Lều là một căn cứ quân sự tốt nhất. Đây là vùng đất duyên hải mới được hình thành qua sự bồi đắp của biển. Từ đây, có thể tiến công về Hoa Lư nhanh chóng bằng cả đường bộ và đường thủy.

Ngày nay, nhân dân ở đây vẫn còn lưu truyền những tên làng, tên xóm, những cánh đồng còn mang đậm ý nghĩa lịch sử: Làng Lều (nay là cả thôn Yên Thượng và Yên Hạ) là nơi Đinh Điền dựng lều trú quân: Sau này, đổi tên là Yên Liêu, làng Gạo (nơi để lương thực nuôi quân), làng Luận (trước là làng Lợn, chuyên để nuôi lợn phục vụ nghĩa quân. Sau này, nhân dân gọi chệch đi là làng Luận), những cánh đồng Văn Giáo (trước kia là nơi cất giữ gươm giáo)…

Đinh Điền cho xây dựng ngôi chùa 3 gian trên khu đất 7 sào. Ông cắm một vùng đất xung quanh chừng 17 mẫu và khu ruộng ngót 30 mẫu gần đó7 cho người cày cấy, với danh nghĩa làm lộc đèn nhang cho chùa. Nhưng bên trong là cày cấy lấy gạo nuôi quân. Những khu đất ấy, nay đã nằm ở địa phận xã Khánh Dương với cái tên Thần Điền.

Trong khi Đinh Điền ngày đêm xây dựng căn cứ rèn luyện quân sĩ ở đây, thì Định Quốc Công Nguyễn Bặc cũng ra sức xây dựng, củng cố lực lượng, đúc giáo rèn gươm ở Thanh Hóa. Khi chuẩn bị xong, năm Canh Thìn (980), hai ông phối hợp kéo quân chia làm hai đạo thủy bộ tiến về kinh đô tính việc dẹp Lê Hoàn để thu hồi giang sơn cho nhà Đinh.

Lê Hoàn đem quân đội đánh nhau với Nguyễn Bặc, Đinh Điền. Hai bên đánh nhau trong 7 ngày. Quân của Nguyễn Bặc, Đinh Điền không đủ sức chống chọi lại quân đội của triều đình. Ngày 27 tháng 4 năm Canh Thìn (980), Lê Hoàn lợi dụng sức gió đánh một trận hỏa công, đốt sạch thuyền bè, quân sĩ của đối phương. Đạo thủy binh tan ra, quân bộ hoang mang tháo chạy. Trên đường tháo chạy lại bị phục binh của Lê Hoàn tiêu diệt. Đinh Điền tử trận ngày 27 tháng 4 năm Canh Thìn.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá: “Nguyễn Bặc ở giữ chắc thủ tướng và Đinh Điền là đại thần… Bọn họ khởi binh không phải là làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ”8.

Nhân dân thương xót ông là con người trung nghĩa chỉ tiếc là không thức thời, bỏ lỡ thời cơ đem tài năng ra giúp nước, những người tâm phúc với ông thu nhặt thi hài của ông về an táng tại chùa Trúc Lâm. Câu đối ở hai hiên đầu đốc tòa Tiền đường, đền Đinh Tư Đồ (bên cạnh chùa Tháp) phản ánh về việc này như sau:

Yên Sơn di tính mệnh, vạn cổ cương thường

Tương thủy tẩy trần ai, nhất sinh viên mãn.

Dịch nghĩa:

Núi Yên Tử, để lại tính mạng, (mối) cương thường (lưu) vạn cổ.

Nước sông Tương tẩy sạch bụi trần, một đời viên mãn.

Câu đối ở cột hiên đầu đốc, chính cung, đền Đinh Tư Đồ cũng thể hiện rõ:

Phù Đinh trung nghĩa nguyên huân tượng,

Ngoại Giáp phương danh thượng đẳng thần.

Dịch nghĩa:

Trung nghĩa phù Đinh công còn mãi

Danh thơm Ngoại Giáp thượng đẳng thần.

Thiền sư Kiều Mộc làm lễ chiêu hồn ông, cùng với nhân dân trong vùng lập miếu thờ, hương khói cúng lễ theo tuần tiết. Người đời sau ca tụng ông:

Huề đà có tướng phù chính thống

Nhất sinh trung nghĩa bất thần Lê

Phù dĩ công chi trung nghĩa tiết

Liệt lẫm thu sương liệt nhật phi

Bài thơ ca ngợi ông một lòng trung nghĩa phù chính thống, không chịu làm tôi cho nhà Lê. Tấm lòng tiết nghĩa ấy như hạt sương thu long lanh, rực sáng khi có ánh mặt trời.

Thượng Trân Trưởng công chúa là vợ của Đinh Điền. Theo Đinh Tư đồ thần tích ở chùa, khi bất bình với triều đình, Đinh Điền đưa bà về đây xây dựng chùa tu hành. Nhờ Thiền sư Kiều Mộc, sau bà lại tu ở chùa Trúc Lâm, pháp danh là Ni Thuỷ9.

Thiền sư Kiều Mộc là người có công lớn với gia đình Đinh Điền, ông là thiền sư, là thầy dạy kinh cho Thượng Trân Trưởng công chúa. Ông đưa Thượng Trân Trưởng công chúa về Trúc Lâm tu hành. Khi Đinh Điền qua đời, Ngài là người chiêu hồn, lập đền Đinh Điền ở Yên Liêu Hạ. Việc làm của Thiền sư Kiều Mộc đáng được trân trọng. Thiền sư Kiều Mộc được nhân dân tôn thờ như một vị thần. Đây là điểm đặc biệt của Phật giáo Yên Mô. Sau khi Thiền sư Kiều Mộc qua đời, nhân dân Yên Mô đã thờ ngài ở trong đền cùng với Đinh Điền và Thượng Trân Trưởng công chúa. Các triều đại phong kiến đều có sắc phong cho Thiền sư Kiều Mộc. Hiện nay, tại chùa Yên Lữ, thôn Yên Xuyên, xã Khánh Thịnh còn lưu giữ 5 đạo sắc phong cho Thiền sư Kiều Mộc (thời Cảnh Hưng 02, thời Thiệu Trị 02 và thời Tự Đức 01 đạo sắc): Triều vua Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), sắc phong truy tặng: Trúc Lâm Kiều Mộc thụy giáo thiền sư đại tướng quân Trung đẳng thần, Tỷ khiêu tăng Phổ Huệ. Vua Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), phong gia phong làm Tỷ khiêu tăng Đại vương. Vua Thiệu Trị thứ 4 (1844), thứ 5 (1845) gia phong: “Thần Phổ hóa đôn di và chuẩn cho xã Yên Xuyên, huyện Yên Khánh như cũ phụng sự”. Vua Tự Đức năm thứ 10 (1854), gia phong “Thần Hiếu Mộc đại tướng quân thiền sư, thần giúp nước giúp dân, tặng thêm là thần Tuấn lương và chuẩn cho xã Yên Xuyên như cũ phụng sự thần”)10. Ở làng Yên Dương xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cũng giữ 2 đạo sắc của triều Nguyễn phong cho Thiền sư Kiều Mộc.

Bản Lý lịch di tích chùa Tháp do Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Bình lập cho biết: Theo Thần phả đang lưu tại đền Đinh Tư Đồ thì, đến triều Lý Thái Tổ, Thuận Thiên thứ 5, Giáp Dần (1014), ngày 11 tháng 10, nhân dịp xét thưởng công lao các tiết nghĩa, chủ công thần, Đinh Điền được truy phong là “Lịch đại tiết nghĩa chủ công thần” và chức “Nhập nội Kiểm giáo Đại tư đồ bình chương sự, tổng quốc chính đại vương”.

2. Đền thờ Đinh Điền, Tháp và chùa Vĩnh Báo

Tháp Vĩnh Báo

Theo Đinh Tư Đồ sự tích, thì đến thời Lý, vua Lý Thái Tổ đã lệnh cho Đường Công (quê ở xã Yên Liêu Hạ, vốn là gia thần rất thân thiết của Đinh Điền) đến chùa Trúc Lâm làm lễ thiêu xương cốt của Đinh Điền. Sau đó, hai Thiền sư Huệ Thanh và Huệ Tĩnh (là học trò của Thiền sư Kiều Mộc) về xây tháp Vĩnh Báo, đem xá lị của Đinh Điền và Thượng Trân Trưởng công chúa về táng.

Cũng theo Đinh Tư Đồ sự tích, tháp được xây dựng cao 8 m, chân tháp vuông, mỗi chiều 2 x 2m. Trước đây tháp có 7 tầng, vào cuối Lê đầu Nguyễn bị gió bão làm đổ mất ngọn. Sau này, tháp còn 5 tầng không đều nhau.

Đến thời Trần, chùa Vĩnh Báo được trùng tu. Theo văn bia Vĩnh Báo tự bi11(Bia cao 1,2m, rộng 0,65m, 22 hàng, khoảng 600 chữ) lập ngày 1 tháng 6 năm Đại Trị thứ 4 (1361) đời vua Trần Dụ Tông do Thái Trung đại phu Hàn lâm học sĩ Thái Nguyên lộ An phủ sứ kiêm Chuyển vận sứ, Tứ Kim ngư đại Trần… soạn năm 1391, ca ngợi Văn Huệ Tư đó Trần Quang Triều, cha con Chưởng đường Nguyễn Quân. Đây là gia đình trung nghĩa, hành thiện tích đức, chuyên cần trong công việc, tận tụy với dân, thấy tài lợi mà không bỏ nghĩa, lập công lớn mà không kế công. Cha con ông có công đức lớn với chùa Vĩnh Bảo, làng Yên Liêu: Cha xây chùa, con trùng tu chùa. Người dân Yên Liêu mãi không quên công đức của họ.

Theo văn bia, vào thời Trần, ngôi chùa Vĩnh Báo do Chưởng đường Nguyễn Quân (người thôn Yên Liêu Hạ) sửa chữa. Bài văn bia này còn cho biết trên quả chuông của chùa Vĩnh Báo có khắc bài minh của Thái Bảo Miễn Liêu Trương công. Sau đó chùa bị hư hại, chuông bị mất chiến tranh loạn lạc. Con trai của Chưởng đường là Giám Hải Đông quân cảm động trước phế tích, liền quyên góp tiền của gia tư, khởi công tu sửa mới, vài tháng đã xong xuôi. Phàm điện thờ, dải vũ đều hoàn thành, mới khắc lại lên đá để ghi việc sửa cũ thành mới này12.

Bài minh trên bia ca ngợi cảnh đẹp quê hương, ca ngợi Văn Huệ Tư đồ Trần Quang Triều13 và công đức tu sửa chùa của cha con Chưởng đường Nguyễn Quân:

[Cây trên] núi Liêu xanh ngắt hề

Nước sông Liêu cháy cuồn cuộn hề

Phong thái Tư đồ vẫn còn mãi hề

Tiết tháo Trường đường mãi còn sáng hề

Nhà tích thiện thì trời giáng phúc hề

Cha được như thế con cũng như thể hề

Muôn thuở răn dạy được khắc ghi hề

Con con cháu cháu mãi không quên14

Ngày nay, qua hơn một nghìn năm, ngôi chùa Vĩnh Báo, ngôi đền thờ Đinh Điền và Thượng Trân Trưởng Công chúa, thiền sư Kiều Mộc bên cạnh chùa Tháp vẫn luôn được nhân dân trùng tu, tôn tạo, khói hương thành kính. Đỉnh tháp có gắn bình Cam lồ. Các cạnh tháp vuông để trần. Gạch xây ngôi tháp này được nung rất chín, như sành, có mầu tím. Lác đác có hòn gạch khắc chữ “Phương” và hình hoa khế. Bốn mặt tháp của tầng hai được trang trí tứ linh (long, ly, quy, phượng), Bốn mặt là tám câu đối chữ nổi. Hiện nay những chữ này bị bong gần hết chỉ còn mấy chữ ”An tử sơn…Yên Liêu…Yên Tử”. Trên tầng 3, xung quanh mặt tháp được trang trí đề tài tứ quý (thông, mai, cúc, trúc). Bốn góc của ngọn tháp được tạc bốn con hổ bằng đá, có tường xây bao quanh.

Đền thờ Đinh Điền

Đền thờ Đinh Điền được kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, trải qua nhiều lần được trùng tu, hiện nay đền có kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn.

Tòa Tiền bái có 2 gian, hồi xây bít đốc. Gian chính giữa rộng 2,6 m còn 2 gian bên rộng 2,1 m. Toàn bộ hệ thống cột, kèo, xà ngang, xà dọc đều được làm bằng lim vững chắc, 4 hàng cột lim đường kính 25 cm, đặt trên những chân tảng khổ 30 x 30 cm. Trên những trụ đấu con ngang cửa nhà được chạm khắc hổ phù, những đường chỉ viền sắc nét, điêu luyện và tinh vi, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Hai mặt trước và sau của nhà Tiền bái không xây tường mà để thông với Hậu cung.

Tòa Hậu cung được xây song song và cách tòa Tiền bái một sân nhỏ. Tòa Hậu cung có 3 gian, có chiều dài 7,8m, xây tường hồi bít đốc, kết cấu bộ vì kiểu 4 hàng chân cột. Bốn cột gian giữa được kê lên 4 hòn tảng khổ 0,56m. Các cột còn lại của toà cùng loại có đường kính 23 cm. Những nét chạm khắc chủ yếu là lá lật, tập trung ở các trụ đấu, con ngang, vì kèo, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Tại tòa Hậu cung bài trí 3 ban thờ ở 3 gian. Ở gian giữa bài trí ban thờ, tượng Đinh Điền. Tượng được đúc bằng đồng, sơn son thếp vàng, có mũ triều phục, được đặt trong ngai. Tượng ngồi cao 1,10m, chu vi là 1,05m. Ngai làm bằng gỗ, sơn son, trên được chạm khắc mỗi tay ngai là rồng chầu. Tượng Đinh Điền được gắn vào một bệ đá, với chiếc cột được chôn sâu dưới lòng đất. Trước tượng là bệ xây cao 1m, dài 2,5m, rộng 1,5m, trên có đặt hai bệ đá khổ 56 cm x 60 cm. Bệ xây thay cho nhang án gỗ, trên có bát hương, hòm sắc, hòm áo của Đinh Điền. Gian bên trái bài trí ban thờ, tượng Thượng Trân Trưởng Công chúa. Gian bên phải bài trí ban thờ, tượng Thiền sư Kiều Mộc.

Chùa Vĩnh Báo

Bên cạnh ngôi đền của Đinh Tư Đồ là ngôi chùa Vĩnh Báo (còn gọi là chùa Tháp). Chùa xây dựng kiểu chữ Đinh.

Tiền đường: Tòa nhà này được xây dựng tường bằng đá dài 10m, rộng 5m, chia làm 3 gian. Gian chính giữa dài 2,6m. Bốn cột của gian này có đường kính 35cm, đặt trên 4 chân tảng rộng 50 x 50 cm. Số cột còn lại có đường kính 30 cm. Những nét hoa văn ở cột trụ, kèo là những đường chỉ nhỏ chạy theo mép cột, trụ đầu… trông vừa thoáng mà vẫn uy nghi cổ kính. Trải qua bao nhiêu lần tu sửa cho đến nay, tòa tiền đường vẫn giữ được dáng xưa.

Gian giữa của Tiền đường thông với sân gạch dài 10m, rộng 2,5m. Qua sân này là đến Thượng điện.

Thượng điện rộng 6m, dài 9m, có mái đao, trên góc đao có trang trí hình lá lật. Hệ thống cột, kèo, trụ, đấu của nhà đều bằng lim, được chạm trổ hài hòa, trang trọng. Những đường chỉ chạy xung quanh trụ, đấu, con ngang vừa thoáng, trang trọng mà không mất đi vẻ đẹp tôn nghiêm của chùa. Thượng điện chùa được trùng tu lại nhiều lần, hiện nay không còn ghi niên hiệu trùng tu trên thượng lương. Giữa Thượng điện là tòa tam thế. Tượng Phật ở đây giữ được những nét chung. Bên cạnh tòa tam thế (tay phải) có 2 pho tượng là Huệ Thanh và Huệ Tĩnh (hai đệ tử của Thiền sư Kiều Mộc) người có công mang xá lị của hai ông bà từ chùa Trúc Lâm về đây.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chùa Tháp, thôn Yên Liêu Hạ, xã Khánh Thịnh không những chỉ là nơi thờ tự mà nó còn là trung tâm các cuộc hội họp. Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, chùa là cơ sở hoạt động cách mạng. Tất cả Tiền đường, chính cung đều là kho chứa lương thực, thực phẩm cho dân quân du kích15.

Với những giá trị nổi bật, chùa Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994.

3. Một số nhận xét

Từ những nghiên cứu về Đinh Điền, đền thờ ông và tháp, chùa Vĩnh Báo trên đây cho chúng ta thấy một số vấn đề:

Thứ nhất, thời Đinh, Tiền Lê, Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Điều này, đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định. Tuy nhiên, việc Ngoại Giáp Đinh Điền và vợ là Thượng Trân Trưởng công chúa đã từng đi tu cũng như vị Thiền sư Kiều Mộc, thì ít tài liệu nói đến. Dù rằng việc đi tu của hai vị cũng có thể là tình huống chính trị, nhưng qua đó cũng cho thấy Phật giáo bấy giờ có ảnh hưởng lớn nên Đinh Điền muốn qua việc đi tu vừa để ẩn thân trước sự đe dọa của lực lượng của Lê Hoàn vừa là giải pháp chính trị để qua đó tập hợp lực lượng cho mình trong công cuộc chống lại Lê Hoàn.

“Kinh đô Hoa Lư trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất của quốc gia Đại Cồ Việt”16. Chùa, tháp không chỉ được xây dựng ở vùng trung tâm kinh đô (chùa Nhất Trụ với cây cột đá nhất trụ, tám mặt cao 4,10m, khắc bản kinh Lăng Nghiêm và các bài kệ, dựng năm 995), chùa Bà Ngô, chùa Động Thiên Tôn và chùa Phong Phú, chùa Bàn Long (chùa Hang) nằm trong núi Đại Trượng (thôn Kê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư)…) mà cả các vùng ngoại vi, cách trung tâm kinh đô. Chùa Vĩnh Báo cách trung tâm kinh đô Hoa Lư khoảng hơn 20km. Sang đầu thời Lý, mặc dù Hoa Lư không còn là kinh đô mà trở thành phủ Trường Yên nhưng nơi đây vẫn tiếp tục là một trong những trung tâm Phật giáo. Nhiều chùa, tháp mà điển hình là tháp Vĩnh Báo được xây dựng, chùa Vĩnh Báo được tôn tạo cho thấy điều đó. Sự gắn bó, liên hệ giữa các chùa, các trung tâm Phật giáo là khá mật thiết. Mối quan hệ giữa chùa Vĩnh Báo, thiền sư Kiều Mộc với chùa ở Yên Tử là một minh chứng.

Thứ hai, kiến trúc của chùa bấy giờ không chỉ có chùa mà còn có cả tháp. Tháp Vĩnh Báo là tháp được dùng để thờ xá lợi của Đinh Điền và Thượng Trân Trưởng công chúa.

Thứ ba, trong sinh hoạt Phật giáo đã có sự dung hợp với các tín ngưỡng bản địa. Việc Thiền sư Kiều Mộc tổ chức cúng chiêu hồn Đinh Điền, cùng với nhân dân địa phương lập đền thờ Đinh Điền ở Yên Liêu hạ là một minh chứng cho sự dung hợp, thích ứng của Phật giáo với các tín ngưỡng bản địa.

Thứ tư, từ việc Đinh Điền xây dựng chùa Lều sau đó được nhân dân phát triển thành chùa Vĩnh Báo cho thấy, văn hóa Hoa Lư như vậy không chỉ giới hạn ở vùng huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình mà còn lan tỏa ra các vùng phụ cận. Hay nói cách khác, văn hóa Hoa Lư có trung tâm là huyện Hoa Lư ngày nay nhưng đồng thời còn lan tỏa ra các huyện, thành phố khác của tỉnh Ninh Bình hiện nay. Việc phân chia thành huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình chỉ là sự phân chia đơn vị hành chính. Còn về văn hóa thì các địa phương của tỉnh Ninh Bình đều có chung những yếu tố của văn hóa Hoa Lư – văn hóa kinh đô nhà nước Đại Cồ Việt.

 

Tượng Thiền sư Kiều Mộc

Tượng Thượng Trân Trưởng công chúa (Ni Thủy)

Tượng Đinh Điền 

 


1. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 (Ngô Đức Thọ dịch và chú thích; Hà Văn Tấn hiệu đính) Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998, tr.212.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.231. Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.129.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.231-232.

4. Theo Đinh Tư đồ thần tích, Hồ sơ tư liệu Hán Nôm, chùa Tháp (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), Sở Văn hóa Thông tin & Thể thao Ninh Bình, Ninh Bình, 1994.

5. Đinh Công Vĩ, Góp phần làm sáng tỏ hình ảnh Đinh Điền - Nguyễn Bặc qua một số tư liệu Hán Nôm và dân gian (Thông báo Hán Nôm học năm 1997), tr.719-737.

6. Thần phả, Hồ sơ tư liệu Hán Nôm, chùa Tháp (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), Sở Văn hóa Thông tin & Thể thao Ninh Bình, Ninh Bình, 1994.

7. Số liệu của Thần phả, Hồ sơ tư liệu Hán Nôm, chùa Tháp (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), Sở Văn hóa Thông tin & Thể thao Ninh Bình, Ninh Bình, 1994.

8. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 (Ngô Đức Thọ dịch và chú thích; Hà Văn Tấn hiệu đính) Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998, tr.216.

9. Đinh Tư Đồ thần tích, Hồ sơ tư liệu Hán Nôm, chùa Tháp (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), Sở Văn hóa Thông tin & Thể thao Ninh Bình, Ninh Bình, 1994, trang 45.

10. Hiện nay tại chùa Yên Lữ, thôn Yên Xuyên, xã Yên Khánh còn lưu giữ 5 đạo sắc phong cho Thiền sư Kiều Mộc (thời Cảnh Hưng 02, thời Thiệu Trị 02 và thời Tự Đức 01 đạo sắc)

11. Tấm bia đá nguyên để tại chùa Vĩnh Báo, thôn Yên Liêu Hạ, xã Yên Liêu, tổng Yên Liêu, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (nay là chùa Vĩnh Bảo, thôn Yên Liêu Hạ, xã Khánh Thịnh). Hiện bia này đã để tại đình Tam Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

12. Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân chủ biên (2016), Văn bia thời Trần, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.309.

13. Văn Huệ tư đồ Trần Quang Triều (1287-1325), con trai cả Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn, và là anh vợ vua Trần Anh Tông. Tháng 4 (âm lịch) năm 1301, mới 14 tuổi, ông được vua Trần Anh Tông phong tước Văn Huệ vương.

14. Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân chủ biên (2016), Văn bia thời Trần, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.309.

15. Sở Văn hóa Thông tin & Thể thao Ninh Bình, Hồ sơ di tích chùa Tháp, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, năm 1994, tr.5.

  16. Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi, Đinh Văn Viễn (đồng chủ biên) (2021), Lịch sử Phật giáo Yên Mô - Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.85.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6793242