Thông tin

CHÙA THẦY – CÁC GIÁ TRỊ LỊCH ĐẠI VÀ ĐIÊU KHẮC PHẬT GIÁO

 

NCS. ĐINH VIẾT LỰC*

 

Chùa Thầy, cụm công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng có tên chữ là Thiên Phúc tự, tọa lạc trên một khu đất rộng lớn có chùa, có núi, có hồ, có cây cao, có bãi rộng… ở xã Thụy Khuê, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Từ lâu, ngôi chùa không chỉ nổi tiếng về vẻ đẹp của giá trị kiến trúc, điêu khắc… mà còn hàm chứa các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường và lễ hội…

Chùa Cao trên núi, có gắn với sự tích chợ Trời, hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ là nơi để từng đôi trai gái dắt nhau lên núi, xuống hang trong ngày lễ hội… Vì thế, dân làng ở đây có câu:

Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Chùa Thầy là tên chung chỉ quần thể di tích kiến trúc Phật giáo ở quanh núi Thầy, tên chữ là Sài Sơn, bao gồm bên này hồ nước là chùa Thiên Phúc, bên kia hồ là chùa Long Đẩu, chùa Đỉnh Sơn, am Phật Tích, chùa Bối Am tọa lạc trên núi… Ở đây lại có cả những di sản tín ngưỡng phi Phật giáo như đình thờ Thành hoàng, võ miếu thờ Thần võ, đền Văn Thánh thờ thánh Văn Xương chủ về văn học…

Chữ “Thầy” là âm Nôm, chữ “Sài” là âm Hán của cùng một địa danh chỉ tên núi, tên làng, khi xây dựng chùa thì thành tên chùa Thầy. Nghĩa của chữ “Sài” là “Củi”, gắn với vùng núi đá, cây nhỏ mọc nhiều, có thể vào đây lấy củi mang về nhà đun, gợi lại cho ta cảnh rừng xưa là thiên nhiên môi trường đẹp giúp các nhà sư lập am, lập thất tĩnh tâm tu hành theo Phật pháp.

Núi Sài Sơn còn được gọi là núi Thạch Thất vì trên núi có một số hang động được xem như ngôi nhà bằng đá tự nhiên, giúp các nhà sư tĩnh tọa trong “thạch thất” để thiền định.

Chùa Thầy còn gắn cả với những truyền thuyết linh thiêng, huyền ảo xung quanh truyện Thiền sư Từ Đạo Hạnh với lối tu mang màu sắc huyền bí của Thiền - Mật song tu đã tạo nên huyền tích về địa linh nhân kiệt, nơi Phật sống đã tu hành và trút xác nên còn gọi là núi Phật tích. Riêng tên “núi Thầy”, “chùa Thầy” cũng có phần chỉ nghĩa thiền sư Từ Đạo Hạnh được nhân gian tôn kính là Thầy (tức “Thầy chùa”) đã chuyển danh từ chung thành danh từ riêng. Quần thể danh thắng thiên nhiên gồm 16 ngọn núi đá với những hang động nổi tiếng từng in dấu tích và cuộc đời tu hành của ngài Đạo Hạnh, vị thiền sư đời thứ 12 của dòng thiền Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci), một tông phái Phật giáo truyền sang Việt Nam từ năm 580 cho đến cuối đời Lý. Đây là dòng Thiền nhưng cách tu hành của Từ Đạo Hạnh và một số Thiền sư khác ở Việt Nam như Vạn Hạnh, Nguyễn Minh Không, Ma Ha… lại mang nhiều yếu tố Mật tông, rất gần với tín ngưỡng bản địa nông nghiệp cần cầu cho mưa thuận gió hòa (Tứ pháp: mây, mưa, sấm, chớp), cầu đảo, sấm ký, điều phục tà ma, quỷ thần, bốc thuốc… rất phù hợp với nhân dân địa phương, tin vào Phật giáo quyền năng.

Tương truyền, thiền sư Từ Đạo Hạnh thường trì tụng Kinh Đại bi tâm Đà la ni (108.000 lần), nổi tiếng về dùng phép thuật để chữa bệnh, sai khiến được cả Tứ Trấn Thiên Vương, làm nhiều bùa phép, bùa chú trong hành trì pháp Phật… qua đấy ta thấy Phật giáo Đại thừa khi truyền vào Việt Nam thì Mật giáo đã nhanh chóng hòa vào đời sống của tín ngưỡng dân gian, pha trộn với việc cầu hồn, pháp thuật, yểm bùa, phù trú trị tà, chữa bệnh, cầu mưa mà không hình thành một tông phái Mật tông độc lập như Phật giáo ở các nước khác như Trung Hoa, Nhật Bản[1]

I. CÁC GIÁ TRỊ LỊCH ĐẠI

Tấm bia Bối Am tự bi dựng năm Sùng Khang thứ 5 (1570) ở chân vách đá thì chùa Thầy khởi dựng vào thời Đinh, các đời tiếp theo thì tu bổ và mở rộng thêm. Ban đầu, trên núi chỉ là một am nhỏ trong động đá (Thạch Thất) và lều cỏ (Thảo am) dưới chân núi để nhà sư tu hành. Ngày nay chùa Thiên Phúc vẫn còn tấm biển đề ba chữ Hương Hải am, chùa Đỉnh Sơn (chùa Phật Tích, chùa Cao) còn tấm biển hai chữ Thụy Am. Đến thời Lý, trước khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh về đây tu hành ở đây đã có Am PhậtAm Thiền Tâm, sau đó nhà sư mở rộng qui mô và năm 1109 đúc quả chuông lớn, Phan Huy Ích (1751-1822) cho biết ông đã trông thấy và đọc bài minh văn ở quả chuông này. Đến năm Quang Trung 2 (1789) thì bị quân lính lấy đi để đúc tiền.

Thời Trần còn để lại tấm bia dựng năm Hưng Long thứ 2 (1244) ở chùa Long Đẩu có ghi lại số ruộng chùa lúc đó là rộng lớn và rất nhiều.

Tấm bia Hiển thị am bi ký năm Cảnh Thống thứ 3 (1500) trên vách hang Thánh Hóa cho biết Quang Thục hoàng thái hậu được phụ thân về đây cầu tự đã sinh ra thái tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông); năm 1499 vua Lê Hiển Tông theo di chúc của ông ngoại đã cho tu sửa am của Từ Đạo Hạnh và ban tên “Hiển Thụy Am”.

Ở đây, ta thấy vào thời Lê Sơ, tuy nhà nước thi hành chính sách hạn chế đối với Phật giáo nhưng chùa Thầy vẫn được phát triển. Sang thời Mạc với chính sách phục hưng Phật giáo, chùa Thầy được cả dân làng và tầng lớp quí tộc tập trung tu bổ. Bia Thủy các bổ kinh bi khắc trên vách đá năm Đại Chính thứ 9 (1538) cho biết bà Thái Chiêu Nghi Nguyễn Thị Ngọc Phương cùng với cha, anh và những người thân đã góp tiền của, vận động nhân dân trong phủ quyên góp để tu sửa Thủy các (gác nước), san khắc ấn tống kinh Phật và tạc tượng Phật. Bia Bối Am tự bi dựng năm Sùng Khang thứ 5 (1570) đã ghi lại việc hưng công tu bổ này.

Ruộng đất của nhà chùa cũng rộng lớn và rất nhiều. Bia Hiển Tông am bi ký khắc trên vách đá năm Hồng Ninh 2 (1592) cho biết con gái Thượng Trụ Quốc là bà Mạc Thị Ngọc Ý đã cúng 2 mẫu 6 sào ruộng và một ao làm ruộng “dưỡng Tăng”. Bia Bối Am tiên bi khắc năm Quang Hưng thứ 18 (1595) cũng ghi tên rất nhiều người cúng ruộng vào chùa để tạo Phật điền.

Hai tấm bia trùng tên Thiên Phúc tự tạo lệ bi dựng năm Thịnh Đức thứ 1 (1653) và Thịnh Đức thứ 4 (1656) đều khẳng định sự luôn quan tâm tu sửa của nhà nước và Cung tần Nguyễn Thị Ngọc Liên đã cúng 200 lạng bạc và 4 mẫu ruộng để sửa chữa lại chùa.

Đặc biệt, vào năm 1602 (thế kỷ 17), Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sau khi đi sứ Minh về đã cho dựng Nhật Tiên Kiều thông ra tòa Tam Phủ và Nguyệt Tiên Kiều bắc qua hồ dẫn khách lên núi lễ Phật, lễ Trời.

Những đóng góp xây dựng lớn thời Lê Trung Hưng làm chùa Thầy thêm khang trang và cơ bản vẫn còn lại đến tận ngày nay. Bia Trùng tu Long Đẩu tự dựng năm Đức Long thứ 3 (1631) còn ghi, bà vãi trụ trì chùa Thiên Phúc là Dương Thị Ngọc Kính tập hợp được nhiều quí tộc đóng góp tài vật, trong đó có chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng và nhiều tôn thất đã hưng công tu bổ thượng điện, làm mới các tòa tiền đường, hậu đường, thiêu hương, tam quan và các tượng Phật to lớn phong quang hơn hẳn trước.

Bia Trùng tu công đức bi ký dựng năm Chính Hòa thứ 21 (1700) ghi lại cảnh chúa Trịnh vãng cảnh chùa, cung tần Phan Thị Lãnh đã ban tiền cùng với công đức của 15 vị hầu tước, 90 cung tần thị nội đóng góp mở rộng qui mô chùa gồm 26 gian hành lang, 5 gian hậu đường, tam quan 1 gian 2 chái.

Với thời Tây Sơn, tấm bia Long Đẩu tự hậu bi ký dựng năm Cảnh Thịnh 6 (1798) ghi vợ chồng Hương lão Phan Hữu Tiến, người bản xã, tuổi cao, không con, đã hiến toàn bộ ruộng, tài sản cúng dâng chùa Long Đẩu được dân bầu làm Phật hậu.

Chùa Thầy là nơi vua chúa nhiều thời thường du ngoạn đề thơ, quan tâm tu bổ và đều khẳng định nơi đây là danh lam nổi tiếng của dân tộc. Chúa Trịnh đã ban sắc chỉ cho phép người dân Sài Sơn được miễn trừ mọi tạp dịch để tập trung phụng thờ Phật, Thánh, bảo tồn các giá trị di tích cho quốc gia.

II. CÁC GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC PHẬT GIÁO

Chùa Thầy là danh thắng nổi tiếng không chỉ ở các giá trị địa linh, lịch đại, cảnh quan môi trường đẹp và thanh tịnh, sơn thủy hữu tình, kiến trúc đặc biệt, cửa Phật từ bi… mà các giá trị nghệ thuật điêu khắc ở đây cũng rất độc đáo. Di vật thời Lý là chiếc bệ đá chạm khắc hình các con sư tử đội tòa sen rất sinh động hiện làm bệ tượng của thiền sư Từ Đạo Hạnh ở gian giữa tòa thượng điện. Hiện vật thời Trần là tấm bia có chạm khắc mặt trán phía trước đôi rồng, mặt sau đôi phượng rất bay bướm, nét thanh mảnh, rõ ràng, sinh động.

Các pho tượng ở chùa Hạ là tượng Đức Ông và phù điêu mô tả cảnh Thập Điện Diêm Vương phủ sơn son thếp vàng rất đẹp, đã có dấu ấn của thời gian.

Chùa Trên tập trung các pho tượng đẹp nhất của chùa Thầy. Đây là ngôi chùa lớn tuy có từ Thời Lý - Trần nhưng phần kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc cơ bản còn lại lại là của thời Lê Trung Hưng. Ở đây hiện còn nguyên vẹn bộ tượng Di Đà Tam Tôn rất đẹp, rất lớn thuộc loại sớm nhất ở Việt Nam và bày ở vị trí trang nghiêm nhất. Ở cuối gian giữa của tòa thứ ba chủ yếu thờ đức Từ Đạo Hạnh.

Pho tượng Phật A Di Đà rất lớn, trong tư thế ngồi kiết già để lộ bàn chân trên lòng đùi, cao 175 cm, được đặt lên trên một bệ gỗ chạm khắc hình tòa sen cao 100 cm với nhiều hình chạm trang trí tinh sảo, chi tiết, mang tính trang trí cao, tiêu biểu của nghệ thuật đầu thế kỷ 17. Tất cả được đặt lên một bệ gạch mộc đã xây cao. Tượng được cấu trúc theo một khối tam giác khép kín, đầu nhìn thẳng, hai khuỷu tay hơi khuỳnh ra rồi thu lại vào trong lòng, hai bàn tay kết ấn “Tam muội” tạo cho toàn thân khối hình đăng đối  qua một trục đối xứng của hai nửa phải trái cân bằng. Đầu của tượng dài 60 cm chiếm hơn một phần ba chiều cao toàn tượng, sọ nở, không có “Nhục kháo” mà chỉ có “Bạch ngọc hào”, khuôn mặt hình trái xoan, rất phù hợp, cân đối với thân hình thon thả của pho tượng. Nghệ nhân xưa khi tạo tác pho tượng này đã chú ý đến các nếp áo dài, chảy nuột, dùng nếp áo làm các yếu tố cho nghệ thuật trang trí. Ở đây, lần đầu tiên thấy tượng Phật đeo hoa tai kiểu hình bông sen rủ xuống. Bộ ngực đầy đặn có đeo dây anh lạc chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu. Mặt tượng toát ra vẻ từ bi cứu độ, hướng chúng sinh, Phật tử tu tập để được rời khỏi bể khổ ở trần gian để giải thoát về cõi Niết bàn ở Tây phương Cực lạc của Ngài. 

Hai bên tượng Phật A Di Đà ở đây là tượng hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Trong các cuộc thuyết pháp của đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm luôn ở bên tả, còn Đại Thế Chí luôn ở bên hữu.

Quan Thế Âm là vị Bồ Tát tiêu biểu cho lòng từ bi, Ngài nghe thấy âm thanh của chúng sinh khi gọi tên Ngài mà rủ lòng thương lập tức biến hiện đến cứu khổ cứu nạn ngay. Ngài cũng quan sát thế giới mà tự tại cứu khổ cho sướng. Ngài có 32 phép ứng hiện để thực thi 14 phép công đức. Vì thế, Ngài có thể biến hiện thành Phật, thành Thần, thành Thánh, thành vua, thành người sang kẻ hèn, thậm chí thành ma, thành quỉ… để cứu người cầu thoát khỏi mọi hoạn nạn, gian nguy khi khốn khó, thoát cảnh tham - sân - si khi tù ngục, gặp ác thú, sinh trai hiền, gái đẹp… Với các linh phép trên cặp tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí cũng đã được nghệ nhân xưa thể hiện rất sinh động.

Đại Thế Chí Bồ tát là tiêu biểu cho trí tuệ, có uy thần rộng lớn cùng cực, dùng trí tuệ sáng suốt soi khắp mười phương khiến chúng sinh nhờ Ngài mà thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não. Hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí luôn tạo thành cặp đôi đi theo Phật A Di Đà để tiếp dẫn chúng sinh thoát khổ và sinh về cõi Tây phương Cực lạc.

Pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở chùa Thầy một chân co lên, một chân buông xuống, tay cầm cây phất trần dáng vẻ ung dung tự tại đang quan sát nghe xem lời kêu khổ của chúng sinh ở đâu để tới đó cứu độ.

Pho tượng Bồ tát Đại Thế Chí ngồi xếp bằng, hai tay kết ấn “Mật phùng”. Ba pho tượng ở đây mỗi pho một vẻ, không giống nhau, cách tạo tác đa dạng đã tạo ra bộ tượng Di Đà Tam Tôn độc đáo, đóng góp cho kho tàng nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh lúc sinh thời tu đắc pháp và có công lớn với dân trong việc thuyết pháp, dẫn đạo và chữa bệnh cứu người. Được nhân dân kính trọng, biết ơn. Sau khi Ngài hóa người dân đã làm những pho tượng về Ngài rất đặc biệt.

Pho tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật đặt ở chính giữa ngồi trên bệ hình đài sen ở tầng trên, đặt lên con sư tử cuộn tròn, dưới con sư tử là bệ bát giác, chạm khắc hình hoa lá, hình rồng rất tinh sảo, các góc có hình thần điểu Garuda đỡ bệ. Tượng diễn tả chân dung của vị Phật tu khổ hạnh, nổi rõ đường gân mạch máu, ngồi xếp bằng tròn trên bệ hình tòa sen.

Pho tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh ở kiếp vua (đặt ở bên phải). Tượng được chế tác theo tương truyền Từ Đạo Hạnh sau khi hóa đã đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu và trở thành vua Lý Thần Tông. Tượng vua Lý Thần Tông đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, khuôn mặt nghiêm nghị mà nhân hậu, từ bi, tĩnh tọa trên ngai vàng đang chú ý lắng nghe lời dân trong thiên hạ.

Pho tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Thánh (đặt ở bên trái). Tượng trong tư thế ngồi, tất cả được đặt trong khám thờ, chạm khắc rất cầu kỳ. Tượng có cốt bằng tre, có thể cử động được. Tương truyền, xưa kia, mỗi khi mở cửa khám thờ thì tượng tự động nhỏm dậy chào. Sau có vị quan triều Nguyễn nói “Thánh không phải chào”, nên tháo hệ thống khớp nối ở đầu gối của pho tượng. Từ đó tượng chỉ ngồi yên trên ngai đặt trong khám thờ. Đây là hiện vật rất quí giúp cho chúng ta có sử liệu nghiên cứu về sự ra đời và phát triển của nghệ thuật làm rối nước ở Việt Nam.

Trong chùa còn có tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan là cha mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây cũng là những nét đẹp văn hóa biểu hiện trong quan niệm đạo đức của người Việt Nam ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hiện tượng thờ các vị thân sinh ra đức thánh còn được thấy ở đền thờ đức thánh Trần (Côn Sơn - Kiếp Bạc - Hải Dương), đền thờ đức Thánh Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội) và đền thờ đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương (Gia Lâm - Hà Nội).

Ngoài ra, chúng ta còn thấy có tượng thờ hai vị đồng đạo của thiền sư Từ Đạo Hạnh là thiền sư Giác Hải và thiền sư Minh Không.

Đặc biệt là ở đây có hai pho tượng Kim Cương to lớn trong tư thế của các vị quan võ, đầu đội mũ trụ, mặc võ phục mạnh mẽ, sống động đặt tại chùa Trung, trong nhân gian gọi là hai vị hộ pháp (hộ trì pháp Phật), tượng cao tới 4 mét, đây là hai trong số rất ít các pho tượng lớn nhất Việt Nam được thể hiện bằng đất sét, giấy bản, mật, trứng… theo cách làm truyền thống độc đáo của các nghệ nhân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy các pho tượng Phật, tượng Bồ tát hoặc một số pho tượng khác, nhất là tượng Hộ pháp, đều được làm bằng nhiều chất liệu như gỗ, đá, đồng, đất sét… Nhiều pho tượng làm trong triều Nguyễn đa phần được làm bằng đất sét. Đây là một loại hình nghệ thuật quí và khá độc đáo. Song, do thời tiết khắc nghiệt, do chiến tranh triền miên và cả sự cách tân của những người có tiền nên loại hình tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng Hộ pháp bằng đất sét đã bị phá hủy để làm tượng bằng các chất liệu khác. Sự vắng bóng dần các pho tượng bằng đất sét sẽ làm cho loại hình nghệ thuật điêu khắc quí này mai một, chúng ta sẽ mất đi những tác phẩm điêu khắc có giá trị. Nên chăng, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí của nhiều ngành và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên có biện pháp thiết thực để bảo tồn, giữ lại các pho tượng quí bằng đất sét này cho dân tộc.



* NCS. Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Ở Nhật Bản, Mật tông có tên gọi khác là Chân Ngôn tông.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 172
    • Số lượt truy cập : 6947959